Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/05/2018

Hải quan tiêu cực, giải tỏa nhà, truyền đạo trái phép

Tổng hợp

Hải quan Việt Nam : Đến khi nào thôi tiêu cực ? (RFA, 30/04/2018)

Đầu tháng 4/2018, truyền thông trong nước đồng loạt đăng tải bài viết "Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng" phản ánh thực trạng hải quan tại cửa khẩu Đình Vũ, Hải Phòng nhận phí "bôi trơn" của người làm thủ tục.

vn1

Những cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan. laodong

Đây không phải là lần đầu tiên nhân viên hải quan bị tố nhận hối lộ, xách nhiễu các cá nhân xuất cảnh hay doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trải dài từ Bắc vào Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ ngay sau đó đã có thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, về việc xác minh và xử lý nghiêm cán bộ Hải quan Hải Phòng có hành vi tiêu cực, được báo chí phản ánh.

Là người có thâm niên hàng chục năm trong ngành xuất nhập khẩu, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết khi sự việc bị báo chí phanh phui thì các cá nhân vi phạm sẽ bị đưa ra xử lý. Tuy nhiên, các trường hợp này lại thường được xử lý qua quýt cho xong chuyện. Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về hiện tượng này :

"Tại sao lại có chuyện đó, tại vì ngành hải quan từ trên xuống dưới hầu như là đều tiêu cực như thế cả. Có ghế là phải mua bằng tiền, thế nên họ cũng thông cảm cho cái chuyện đó. Ví dụ như ông Giám đốc hải quan của một tỉnh mua cái ghế giám đốc của ông bằng tiền, thì bây giờ cái thằng nhân viên đi làm có vấn đề bị báo chí đăng lên, công luận tố cáo, bằng chứng đầy đủ, thì trước khi nó lộ nó kiếm được tiền nó cũng cúng cho ông, quà cáp Tết nhất… ông hưởng cái đó thì bây giờ nỡ nào mà ông phạt mạnh nó, kỷ luật mạnh nó ? Thế nên ông xử lý nhẹ lại nó là như thế".

Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng ngoài việc hầu hết nhân sự ngành hải quan vào ngành đều bằng cách chạy tiền thì họ còn là con ông cháu cha. Do đó, hình phạt được đưa ra đối với cá nhân vi phạm đều được giảm nhẹ đi rất nhiều với mục đích chính là xoa dịu dư luận như khiển trách hay tạm đình chỉ công tác. Trong khi đó, những vụ việc tiêu cực trong ngành này lại dường như được truyền thông trong nước "ưu ái" và ít phanh phui hơn so với các ngành khác như công an, y tế hay xây dựng. Nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp :

"Hải quan do chức năng nghề nghiệp nên họ kiếm được rất nhiều tiền ở hành vi tiêu cực, báo chí "ngửi" ra thì họ thường sử dụng tiền để chạy cái đó nên anh em phóng viên không vững vàng hay lãnh đạo, cán bộ tòa soạn mà có động cơ không tốt thì sẽ dìm cái chuyện đó đi".

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Võ Trí Thành, phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong những nguyên nhân khiến cho ngành hải quan không thể giải quyết được vấn nạn tham nhũng là từ phía chính các doanh nghiệp :

"Bởi vì nó cần một số các điều kiện mà khi phát sinh ra những điều kiện này nó cần phải có cơ chế "xin-cho" và do đó dễ nảy sinh tiêu cực. Mặt khác nữa cũng phải nói trong nhiều trường hợp để mà thuận tiện thì đã có nhiều trường hợp không tốt cũng là từ phía doanh nghiệp, họ cũng coi việc đó là việc "bình thường" để giải quyết cho nó nhanh và các yếu tố đó khiên cho các ngành như hải quan, thuế dễ nảy sinh tiêu cực".

Trên thực tế, kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào cuối tháng 11/2015 cho thấy 53,35% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói đã phải trả chi phí không chính thức ở Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, 31% doanh nghiệp cho biết nếu không trả chi phí "đen" sẽ bị phân biệt đối xử như kéo dài thời gian làm thủ tục, bổ sung những giấy tờ, chứng từ không có trong quy định. Còn tại hội nghị công bố kết quả giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan hôm 24/04 vừa qua, trả lời Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết các thủ tục hải quan, thông quan khiến cho chi phí logistic của các doanh nghiệp tăng và chiếm khoảng 21% GDP, thậm chí có thời kỳ, chi phí logistic chiếm đến 25% GDP. Trong khi đó, nếu không giảm chi phí này xuống dưới 20% thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.

Để xảy ra thực trạng này, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như quản lý của ngay trong chính đội ngũ lãnh đạo ngành là nguyên nhân chính gây nên các tiêu cực :

"Trước đây Bộ Ngoại thương trực tiếp thực hiện hoạt động công tác xuất nhập khẩu nhưng kể từ khi cho các địa phương trực tiếp thực hiện thì hoạt động này bùng lên rất mạnh. Ở giai đoạn đó thì cán bộ ngành hải quan thì hầu hết lại là tay ngang, không phải là những người được rèn luyện đến nơi đến chốn, ví dụ từ thuế vụ về, từ quân đội hay công an chuyển sang. Mà những anh em đó thì không phải có một quá trình học tập đào tạo lâu dài, không được rèn luyện tốt cho nên cái chuyện tiêu cực nó là tất yếu. Và những người đó họ về bây giờ họ còn làm sếp của các cơ quan hải quan, họ dần dần từ lính tráng họ đi lên, từ Đảng viên họ sống lâu lên lão làng đi lên… Thế thì sếp mà hư hỏng thì bảo sao nhân viên lại không hư hỏng ?!".

Trước vấn nạn tiêu cực xảy ra liên tục trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định mà gần đây nhất là Quyết định số 413/QĐ-TCHQ vào đầu tháng 3/2018 nhằm triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng áp dụng đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc ngành. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết chỉ số về lợi nhuận kinh doanh Ease of Doing Business của Việt Nam do Ngân hàng thế giới đánh giá năm nay đã tăng 14 bậc so với năm 2017, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Điều này cho thấy Việt Nam cũng đã ghi nhận một số những cải thiện thể hiện quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó các thủ tục hải quan. Tuy nhiên, nhà báo Võ Văn Tạo lại không mấy tỏ ra lạc quan trước viễn cảnh này và cho rằng, những tồn tại trong ngành hải quan chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, khiến sản phẩm bị đội giá và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vì thế không thể tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

Mỹ Lan

*******************

Trưởng ban bồi thường nhà bị giải tỏa cùng dâu, rể tham ô tiền tỷ (Người Việt, 01/05/2018)

Không chỉ tham ô tài sản nhà nước, cựu trưởng ban bồi thường giải tỏa nhà đất của người dân quận Tân Phú còn lôi kéo cả dâu, rể cùng tham gia.

vn2

Trụ sở ban bồi thường nhà bị giải tỏa quận Tân Phú. (Hình : Báo Người Lao Động)

Xác nhận với báo Người Lao Động, Viện Kiểm Sát Sài Gòn, cho biết vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Thi Danh (61 tuổi), cựu trưởng ban bồi thường giải tỏa mặt bằng quận Tân Phú, và ông Nguyễn Duy Linh (37 tuổi), nguyên kế toán trưởng ban này cùng về tội "Tham ô tài sản".

Liên quan đến vụ án này, còn có 4 người khác là dâu, rể và người quen của ông Thi Danh cũng bị xử về tội "Tham ô tài sản".

Theo kết luận điều tra, lợi dụng chức năng, quyền hạn được giao là trưởng ban và là chủ 3 tài khoản của ban bồi thường giải tỏa mặt bằng, ông Danh đã chỉ đạo kế toán trưởng lập, ký thủ tục kế toán sai quy định hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách 6 dự án cho 16 người và công ty không thuộc danh sách bồi thường, hỗ trợ trong dự án, để Danh chiếm đoạt số tiền này sử dụng mục đích cá nhân.

Báo Người Lao Động dẫn cáo trạng cho biết, từ tháng Mười Một, 2003, đến tháng Giêng, 2016, ban bồi thường giải tỏa mặt bằng quận Tân Phú có 6 dự án liên quan bị chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án "Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm", ông Danh cùng đồng phạm đã rút ruột 23 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Danh còn "thụt két" 5 dự án khác với số tiền 31 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong những người nhận tiền có bà Trần Thị Thùy Trang, con dâu ông Danh nhận 21.4 tỷ đồng, ông Nguyễn Huy Quỳnh, con rể ông Danh, nhận 2.1 tỷ đồng…

Riêng ông Nguyễn Duy Linh, làm việc với công an ông này khai, do thấy ông Danh nợ nần chồng chất nên đã đồng ý lập, ký chứng từ kế toán chi sai quy định, giúp ông Danh chiếm đoạt tiền của 6 dự án để trả nợ.

Thế nhưng, đến ngày 14 tháng Mười Hai, 2015, ủy ban quận Tân Phú thành lập đoàn kiểm tra việc quyết toán hoạt động thu chi tài chính thì mới phát hiện sự việc nên chuyển cơ quan điều tra. (Tr.N)

****************

Công an dọa ‘xử lý hình sự người truyền đạo trái pháp luật’ (Người Việt, 01/05/2018)

Công an Thanh Hóa đe dọa "sẽ xem xét xử hình sự" những người "truyền đạo trái luật" thuộc "Hội Thánh Đức Chúa Trời" hiện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang mở chiến dịch triệt hạ trên cả nước.

vn3

Một buổi sinh hoạt của "Hội Thánh Đức Chúa Trời". (Hình : Lao Động)

Trong khoảng hai tuần lễ trở lại đây, người ta thấy công an tại nhiều tỉnh thị tại Việt Nam mở chiến dịch khám xét, tịch thu kinh sách và thẩm vấn những người tham gia các buổi sinh hoạt của tổ chức tôn giáo có tên là "Hội Thánh Đức Chúa Trời".

Chưa thấy có tin tức gì được báo chí trong nước loan báo có ai bị bắt giữ hay phạt hành chính gì không sau các lần khám xét đó. Hôm 1 tháng Năm, 2018, tờ Pháp Luật Thành Phố ở Sài Gòn thuật lời một cấp chỉ huy của công an tỉnh Thanh Hóa cho hay cơ quan này "đang củng cố chứng cứ" để "xử lý hình sự" thành viên của "Hội Thánh Đức Chúa Trời".

"Hiện lực lượng công an Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ và đấu tranh quyết liệt với những người cầm đầu để xử lý theo quy định của luật tín ngưỡng tôn giáo hoặc luật xử lý vi phạm hành chính ; thậm chí sẽ xem xét để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật". Lời ông Đại Tá Trần Xuân Hương, trưởng phòng "Chống phản động và chống khủng bố" của công an tỉnh Thanh Hóa được báo Pháp Luật dẫn lời.

Ông Hương được thuật lời khuyến cáo người dân "không nghe, không tin, không tham gia" Hội Thánh Đức Chúa Trời.

Trên hệ thống báo chí của nhà cầm quyền, tất cả những dẫn chứng về hệ quả tham gia "Hội Thánh Đức Chúa Trời" đều trái luân thường đạo lý, trái phong tục tập quán xã hội của Việt Nam. Báo chí nhà nước có nhiệm vụ tuyên truyền một chiều, phục vụ chủ đích chính trị của chế độ. Cho nên, người ta không hề thấy các thành viên của các hội nhóm này được lên tiếng công khai và độc lập đối với các cáo buộc.

Vợ bỏ chồng, con cái bỏ cha mẹ, chồng bỏ bê gia đình vợ con, đập phá bàn thờ Tổ tiên ông bà với các hệ quả xáo trộn đời sống gia đình và ảnh hưởng xấu đến xã hội được các báo trong nước đua nhau đưa thí dụ. Họ minh chứng "Hội Thánh Đức Chúa Trời" là một "tà đạo" làm cho "biết bao gia đình đang tan nát…", còn về mặt tôn giáo thì dạy dỗ tín đồ "trái Kinh Thánh và lời Đức Chúa Trời".

Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 1 tháng Năm, 2018, viết tuyên truyền rằng : "Hoạt động của tổ chức tự xưng ‘Hội Thánh Đức Chúa trời’ là hoạt động trái phép, lợi dụng những người dân ít hiểu biết, có hoàn cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc trong cuộc sống, bệnh tật,… để dụ dỗ, lôi kéo đi theo. Hệ lụy là có những gia đình bị tan cửa nát nhà, ly tán, con cái học hành bỏ bê, nhiều người đã bỏ nhà ra đi nhiều tháng liền".

Vì có một số sinh viên tại một số đại học và trường cao đẳng cũng gia nhập, "Công Đoàn Giáo Dục Việt Nam", một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam, hôm Chủ Nhật, 29 tháng Tư, 2018, đã gửi công văn tới "công đoàn" các cơ sở đào tạo, công đoàn giáo dục các tỉnh, và thành phố trên cả nước "cảnh báo nguy cơ xảy ra truyền đạo trái phép tại các trường học và yêu cầu có biện pháp ngăn chặn".

Các hội thánh Tin Lành tại Việt Nam thuộc các hệ phái khác nhau đều hoạt động độc lập, dù là được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam công nhận hay không. Ít nhất, có một "Hội Thánh Đức Chúa Trời" được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cấp giấy phép hoạt động từ năm ngoái tại Sài Gòn, theo tờ Tiền Phong ngày 25 tháng Tư, 2018.

Sau cuộc ruồng xét, tịch thu tài liệu kinh sách của công an, tờ Thanh Niên nói : "Hội Thánh Đức Chúa Trời" xuất hiện ở Thanh Hóa từ năm 2015, bắt đầu từ thị trấn Triệu Sơn, huyệnTriệu Sơn, "đến nay 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có người tham gia" với con số nêu ra là 60 người.

Theo bản tin tờ Lao Động ngày 25 tháng Tư, 2018, "tổ chức ‘Hội Thánh của Đức Chúa Trời’ (còn gọi tên khác là ‘Đức Chúa Trời Mẹ’ có nguồn gốc từ Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong sáng lập năm 1964. Tổ chức này có khoảng 1.75 triệu tín đồ thuộc 1,200 hội thánh (trong đó ở Hàn Quốc có 400 hội thánh), có mặt ở hơn 150 quốc gia. Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh Thánh".

Tờ báo viết tiếp : "Tổ chức ‘Hội Thánh của Đức Chúa Trời’ tuyên truyền phát triển vào Việt Nam từ năm 2001, do một số giáo sĩ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và một số cá nhân làm việc ở Hàn Quốc trở về. Đến nay, tổ chức này đã phát triển được trên 2,300 người tin theo trên phạm vi 20 tỉnh thành phố. Trụ ở chính của tổ chức này tại 352/5C Lê Văn Quới, phường Bình Hòa A, quận Tân Bình, Sài Gòn, do Nguyễn Văn Hòa làm trưởng ban". (TN)

Quay lại trang chủ
Read 651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)