Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/02/2017

Tháng Giêng, bắt đầu mùa giáp hạt

RFA

Có thể nói rằng đối với bà con đồng bào Tày, Nùng trên mạn Đông Bắc Việt Nam, mùa giáp hạt năm nay đến sớm hơn mọi năm vì mùa gặt năm trước thất thu, lúa gạo cạn dần và đến Tết, mọi thứ vật giá leo thang, người miền cao chỉ biết bán lúa, ngô và lợn gà để mua sắm Tết. Để mua được một ký hạt dưa ngày Tết, người ta phải bán đi gần một chục ký ngô, ký thóc, để mua một gói bánh thờ ông bà, người ta phải đổi bằng ba ngày ăn uống… Tết đã nhanh chóng kéo ngày giáp hạt đến gần với bà con Tày, Nùng.

giaphat1

Những căn nhà mái lá của đồng bào Tày, Nùng trên mạn Đông Bắc Việt Nam mùa giáp hạt. RFA photo

Chưa biết tính sao

Thận, một thanh niên dân tộc Nùng, ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, chia sẻ : "Giáp hạt thì thiếu gạo ăn nhiều lắm, nhà nào ít ruộng, ít rẫy thì thiếu nhiều hơn nữa. Phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền mua chứ ở đây người ta không cho ghi sổ. Như làm phụ hồ thì được tháng 5 triệu, sáu triệu, nhưng không ổn định được đâu, nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia".

Thận cho biết thêm là hiện tại, hầu như mọi gia đình người Nùng ở trong bản đều thiếu hụt lượng thực và chưa biết tính làm sao bởi chỉ mới chưa hết nửa tháng Giêng, không khí Tết vẫn còn, hoa đào vẫn còn rực rỡ các sườn đồi và thanh niên, nam nữ vẫn còn dắt díu nhau đi chơi. Nhưng có một sự thật là người ta không thể đi chơi với cái bụng đói. Mà cái đói thì đang hiện ra rõ dần trước mắt, bên tai với âm thanh gạo rơi mỏng dần trong đáy hũ.

Bởi vì vụ lúa hè thu muộn năm trước, hầu hết các đám ruộng bậc thang đều bị mất mùa, các vụ ngô, sắn cũng không đạt năng suất như mọi năm trước. Nhưng thời giá tăng vùn vụt. Chỉ riêng thịt lợn, giá một ký lợn thô, tức lợn hơi sụt xuống đến mức chưa từng có, 30 ngàn đồng một ký lô.

Những gia đình nuôi lợn để bán Tết chỉ kiếm được một nửa tiền so với năm trước. Nhưng khi mua lại một ký thịt lợn ngoài chợ, giá của nó là 90 ngàn đồng, cao gấp ba lần so với giá bán ra.

Bởi vì không thể để nguyên một con lợn trong nhà ăn Tết, người ta phải bán đi để có tiền mua sắm thứ khác và mua lại một ít thịt lợn.

Giả sử bán đi một con lợn 30 ký, nếu mua lại, chỉ mua được 10 ký thịt và muốn mua những thứ khác, người ta phải nhịn bớt thịt, giảm xuống còn 2 ký, 3 ký.Mà với đồng bào thiểu số, dường như chỉ có thịt lợn mới giúp bà con thay đổi, nâng cao lượng đạm trong cơ thể khi Tết về, đời sống đói kém quanh năm khiến cho người ta thèm thịt lợn và sử dụng mạnh vào ngày Tết như để bù đắp khoảng thiếu hụt của cả năm.

Thận cho biết thêm là hiện tại, có rất nhiều thanh niên trong bản bỏ vào Nam để làm thuê, nhưng hầu như thanh niên trong bản đi làm thuê ở miền Nam chủ yếu là phụ hồ, người nào may mắn lắm mới đi phụ hồ, còn lại thì đi đào vàng thuê.

Cứ đầu năm, chừng mồng Mười tháng Giêng, thanh niên trai tráng trong làng, bản lũ lượt kéo vào Nam làm thuê, để có tiền đi xe vào Nam, họ phải bán lợn, bán gà. Những người không có tiền thì chấp nhận đi đào vàng thuê ở Phước Sơn, Quảng Nam, được chủ thuê bao xe đi vào.

Và hầu hết những người đi đào vàng thuê đều trở về với bộ dàng tiều tụy, sức khỏe yếu hẳn. Theo Thận tìm hiểu thì không phải vì thiếu ăn mà vì các thanh niên này phải làm việc trong môi trường quá ư độc hại, phải chui xuống lòng đất quá sâu và chịu cảnh thiếu không khí, bị ảnh hưởng khí độc liên tục nên khi về nhà, dường như ai cũng ốm yếu, bệnh hoạn. Số tiền kiếm được may lắm thì đủ để chữa bệnh, để thoát chết.

Lại vay gạo và trả lãi

giaphat2

Một phụ nữ người thiểu số chuẩn bị lá dong gói bánh ngày Tết. RFA photo

Ông Mực, chủ cửa hàng chuyên bán gạo nợ cho bà con đồng bào thiểu số ở Bắc Kạn, chia sẻ :

"Ở đây thì mọi người nghèo lắm, ruộng thì ít, như nhà 45 người mà có một sào ruộng thì làm sao mà sống nổi. Nên phải đi làm thuê làm mướn. Như ai ở ngoài đường thì vay ngân hàng để làm, nói chung là dân ở đây nghèo lắm. (Vợ ông Mực cho biết thêm) Như chúng tôi cũng vay ngân hàng cả trăm triệu, để kiếm tiền ngân hàng, nợ thì mình lại vay tiền ngân hàng để cho người khác nợ.

Như cả 60 nhà ở làng này đều nợ cả, mình đi vay ngân hàng về rồi cho họ nợ lại, chứ nghèo, đói quá mà. Chứ họ kiếm được bữa trước lại trả bữa sau, rồi kiếm tiền ăn bữa tiếp. Ở đây năm nào nhà nước cũng phải cấp muối, gạo cho người ta mà".

Ông Mực cho biết thêm là nhiều năm nay, hầu như năm nào đến mùa giáp hạt ông cũng bán gạo và các loại thực phẩm như mì tôm, cá hộp, nước mắm, muối ghi sổ nợ cho bà con người tày, Nùng, Dao, Thái, H’Mong. Nếu muộn thì vào tháng Ba âm lịch, các cuốn sổ ghi nợ đầy dần lên, sớm hơn một chút thì tháng Hai âm lịch.

Nhưng năm nay khác hẳn mọi năm là mới Mồng Chín, Mồng Mười tháng Giêng, đã có nhà đến mua nợ, ghi sổ gạo, muối và nước mắm. Điều đó cho thấy mùa giáp hạt năm nay đến sớm hơn mọi năm và điều này cũng dễ hiểu bởi vụ mùa thất bát, vật giá leo thang, bà con đã bán nhiều lúa gạo, ngô sắn hơn để đón Tết. Vãng Tết, lại phải đi mua ghi sổ.

Ông Mực cho biết thêm là cửa hàng ông được ghi sổ nhiều nhất bởi ông tuyệt đối không lấy tiền lãi khi bà con trả nợ. Nghĩa là khi bà con mua một ký gạo ghi sổ với giá mười ngàn đồng chẳng hạn, đến cuối vụ, ông lấy đúng mười ngàn đồng cho dù loại gạo đó đã tăng lên mười hai ngàn đồng.

Mặc dù không phải là người thiểu số, là một người dân tộc Kinh mới chuyển lên vùng cao để sống nhưng ông Mực rất thương bà con đồng bào thiểu số. Bởi lúc mới lên đây, ông không có gì ngoài hai bàn tay trắng, bà con đã giúp đỡ gia đình ông nhiều thứ, sau đó ông vay vốn mua hàng về bán cho bà con và khấm khá dần lên.

Hiện tại, ông trở thành người giàu nhất trong làng. Và càng có của ăn, của để, ông càng nhớ ơn những đồng bào nghèo khổ từng giúp ông.

Ông Mực tỏ ra trăn trở bởi hầu hết bà con đồng bào thiểu số đều khó thoát nghèo dù họ cố gắng nhiều hơn trước. Bởi sự cố gắng của bà con lại không bù được những cánh rừng tự nhiên bị thu hẹp, những cánh rừng bà con tự trồng cũng bị thu hẹp.

Đặc biệt là ở ngay trong rừng, hằng ngày phải chứng kiến người ta ngang nhiên khai thác gỗ rừng mang về xuôi nhưng muốn làm nhà, bà con đồng bào thiểu số phải đi mua gỗ hoặc xin phép hàng chục nơi nếu như biết chữ mới có thể hạ vài cây gỗ tạp về cất nhà.

Ông Mực cho rằng một khi sống với rừng, trực tiếp trồng rừng và bảo vệ rừng nhiều đời nay nhưng giờ lại không được khai thác rừng và mọi thứ nhu cầu tối thiết của con người đều phải dựa vào thành phố, thị trấn, sống theo nhịp sống thị trấn như đang diễn ra thì chắc chắn bà con đồng bào thiểu số sẽ ngày càng khốn khổ hơn, khó có cơ hội ngóc đầu dậy nổi.

Lại thêm một mùa giáp hạt, bà con đồng bào thiểu số ở Đông Bắc Việt Nam lại phải cố gắng, gắng gượng đợi mùa sau !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)