JICA phàn nàn Việt Nam chậm giải ngân vốn ODA (RFA, 10/05/2018)
Tình hình Việt Nam chậm giải ngân cho các nhà thầu dự án Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA-Official Development Assistance) ngày càng trầm trọng.
Buổi họp báo kết thúc năm tài chính 2017 của JICA được diễn ra ở Hà Nội sáng ngày 10 tháng 5. Courtesy of qdnd.vn
Đây là lời phát biểu của ông Tetsuo Konaka, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA- Japan International Cooperation Agency) trong buổi họp báo kết thúc năm tài chính 2017 của JICA được diễn ra ở Hà Nội sáng ngày 10/05/2018.
Những dự án ODA của Nhật dành cho Việt Nam được cho vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp với thời gian vay dài.
Theo JICA, dự án chậm giải ngân là dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1). Phía Nhật hy vọng sẽ có thể giải quyết được sớm khoản chậm thanh toán là 270 triệu yên Nhật, tương đương gần 52 tỷ đồng cho phía nhà thầu.
Ông Konaka cho rằng chính sách tăng cường kiểm soát nợ công cao hơn của chính phủ Hà Nội đưa ra vào cuối năm 2016 đã làm Việt Nam giải ngân ngày càng chậm trễ.
Trong năm tài khóa 2017 của JICA, được tính từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018, tổng vốn ODA giải ngân đạt hơn 21.900 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân ròng (tức đã trừ khoản Việt Nam trả nợ) là khoảng 11.200 tỷ đồng.
Cũng trong cuộc họp báo sáng ngày 10/5, người đại diện của JICA tại Việt Nam cho biết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sắp tới cũng có thể vay vốn ODA của Nhật.
Theo ông Konaka Tetsuo, các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn này phải hoạt động trong ba lĩnh vực ưu tiên của vốn ODA của Nhật là phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người nghèo, và chống biến đổi khí hậu.
Đối tượng vay là doanh nghiệp tư nhân nên việc xem xét cũng khác so với chính phủ vì doanh nghiệp tư nhân có thể bị phá sản. Vì vậy, JICA sẽ phải xem xét rất cẩn trọng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp xin vay ODA.
Số tiền cho vay không có giới hạn trần, sàn, do đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể được vay kết hợp với nguồn vay từ các tổ chức tài chính khác.
Phía Nhật không yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải liên doanh với công ty Nhật hoặc sử dụng nguyên vật liệu của Nhật.
****************
Hơn 80 ngàn chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (RFA, 10/05/2018)
Có hơn 80.000 giám đốc, chuyên gia người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước tham dự phiên chào bán cổ phần công ty Sabeco tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 12 năm 2017. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) AFP
Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội công bố số liệu vừa nêu tại buổi gặp gỡ báo giới ngày 10 tháng 5 ở Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, số lao động này đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nắm giữ các vị trí quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật.
Theo ông Trung, hơn 95% tổng số lao động nước ngoài trong số này đã được cấp phép làm việc. Những người này đảm nhiệm những công việc yêu cầu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý mà lao động trong nước chưa có nhiều người đáp ứng được. Những lao động cấp cao này đã góp phần giúp chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực phức tạp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Quang Trung cho biết, vẫn còn một số nhà thầu, doanh nghiệp và lao động nước ngoài có ý thức chấp hành quy định của Việt Nam kém, đặc biệt nhiều người vào đến Việt Nam làm việc mới xin phép. Nhiều địa phương đã xử phạt vi phạm này hàng trăm triệu đồng.
Về tình trạng thiếu chuyên gia cao cấp, ông Trung cho rằng khi phát triển các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, các địa phương chưa đầu tư cho đào tạo đội ngũ cấp cao, chuyển giao công nghệ từ đầu, do đó đến khi triển khai dự án phải tuyển từ nước ngoài.