Trùng hợp với tháng đầu năm âm lịch của Việt Nam, tạp chí The Diplomat Magazine số tháng 2 năm 2017 đã có bài phân tích về chính sách đối ngoại đa phương mà Việt Nam đang theo đuổi, tìm kiếm thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Việt Nam nằm ở tâm điểm cuộc tranh chấp Biển Đông. Reuters
Mở đầu bài báo, Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại Đại Hội Quốc Tế Nhật Bản, ghi nhận một loạt động thái ngoại giao của giới lãnh đạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2017, nối tiếp theo những gì đã thực hiện năm 2016.
Sự kiện nổi bật đầu tiên là chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng của tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến đi này, Chapman chú ý đến chi tiết được nhắc lại trong bản thông cáo chung Việt -Trung, theo đó hai bên đồng ý "kiểm soát tốt bất đồng và giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông", cũng như ghi nhận tầm quan trọng của việc giải quyết sự mất cân bằng trong thương mại.
Vào lúc ông Nguyễn Phú Trọng còn ở Trung Quốc, thì chính quyền Hà Nội đã đón tiếp ngoại trưởng Mỹ mãn nhiệm John Kerry, đến tạm biệt Việt Nam trong một chuyến thăm mang tính biểu tượng cao. Nhân dịp này, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đã xác định lời mời tổng thống đắc cử Donald Trump đến thăm Hà Nội và tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới.
Theo nhận xét của Chapman, dù sự thành công của chính sách "xoay trục" qua Châu Á của chính quyền Obama còn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng điều chắc chắn là Việt Nam đã là một trong những điểm nhấn quan trọng của chính sách đó, với quan hệ song phương Việt-Mỹ ngày càng được củng cố kể từ khi hai nước đã ký kết một thỏa thuận đối tác trong năm 2013.
Sự kiện nổi bật thứ ba là chuyến thăm Việt Nam ngày 16 tháng Giêng của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đánh dấu bằng lời hứa của Tokyo cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra mới và tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chủ trương tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Chiến lược sắp xếp các chuyến thăm ngoại giao
Đối với chuyên gia Chapman, các chuyến thăm trên đây hoàn toàn không ngẫu nhiên, và đó không phải là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược sắp xếp các chuyến thăm ngoại giao.
Tác giả đã nêu ví dụ của loạt sự kiện diễn ra cuối năm ngoái : Tháng Mười năm 2016, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung Quốc. Nhưng trước đó Hà Nội đã đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện và New Delhi đã quyết định cấp 500 triệu đô la cho Hà Nội để mua thiết bị quốc phòng.
Và ngay sau khi ông Phúc đi Bắc Kinh, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đến thăm Việt Nam, và hai bên tái khẳng định những nỗ lực thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Dĩ nhiên, đó là trước khi ông Duterte có phát biểu nổi tiếng tại Bắc Kinh về ý định chia với Hoa Kỳ, điều đã khiến Hà Nội hết sức quan ngại.
Vào đầu năm 2016 cũng vậy. Ngay sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-ASEAN Sunnylands vào tháng Hai, Việt Nam đã gửi một phái đoàn đến Trung Quốc, và đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc nhở rằng Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẻ một "số phận chung" và việc quản lý các tranh chấp, cũng như tăng cường hợp tác, là tối quan trọng đối với quan hệ song phương.
Cũng như thế, sau chuyến thăm lịch sử của tổng thống Obama tới Hà Nội vào tháng Năm 2016, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng Trung Quốc-ASEAN.
Theo nhận định của Nicholas Chapman, với chiến lược cân bằng ngoại giao này, Việt Nam như muốn nói : "Vâng, chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với quý vị, nhưng chúng tôi cũng có đối tác chiến lược khác mà chúng tôi cũng đang tăng cường hợp tác".
Vừa thúc đẩy ngoại giao, vừa tăng cường phòng vệ chống Trung Quốc
Bài báo trên The Diplomat còn ghi nhận là song song với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam cũng có những biện pháp cụ thể để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. và hàng rào chống lại một Trung Quốc quyết đoán.
Ấn Độ đã thông báo rằng họ đang cân nhắc việc bán tên lửa phòng không cho Việt Nam, một động thái chắc chắn làm cho Trung Quốc tức giận. Ấn Độ đã trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng và đào tạo nhân sự. Hai bên còn được cho là đang tiến gần đến thỏa thuận bán tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam.
Việt Nam cũng được cho là đã đặt hệ thống pháo phản lực tối tân có độ chính xác cao EXTRA của Israel tại năm cơ sở ở quần đảo Trường Sa, đặt các phi đạo và cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa trong tầm bắn. Hơn nữa, hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Việt Nam đã hoàn thành một phi đạo và xây dựng hai nhà chứa phi cơ tại Trường Sa Lớn.
Đối với chuyên gia Chapman, rõ ràng là Việt Nam đang lẳng lặng hiện đại hóa một cách tinh xảo lực lượng vũ trang của mình.
Tranh chấp Biển Đông, chính quyền Trump tại Mỹ, và sự xích lại gần Trung Quốc của Philippines hàm chứa nhiều điểm khó lường cho Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Việt Nam sẽ tiếp tục trên con đường đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, trong khi tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình dự phòng mọi rủi ro.
Mai Vân