Chiếm đoạt hơn 2 triệu USD, một quan chức cấp quận ở Sài Gòn bị tử hình (Người Việt, 01/06/2018)
Lợi dụng chức vụ được giao, ông trưởng ban Ban Bồi Thường Giải Tỏa Mặt Bằng quận Tân Phú đã ra lệnh cấp dưới lập thu chi khống, chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng (hơn 2,36 triệu USD) tiền bồi thường các dự án ở địa phương.
Bị cáo Thi Danh tại tòa. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ, sau hai ngày xét xử, chiều 1 tháng Sáu, tòa án ở Sài Gòn đã tuyên phạt ông Thi Danh (61 tuổi), cựu trưởng ban Ban Bồi Thường Giải Tỏa Mặt Bằng quận Tân Phú, mức án tử hình và ông Nguyễn Duy Linh (37 tuổi), cựu kế toán trưởng ban này, 15 năm tù cùng về tội "Tham ô tài sản".
Trong vụ án còn có bốn đồng phạm giúp sức cho ông Danh bị tuyên phạt mức án từ 2 đến 5 năm tù cùng tội "Tham ô tài sản".
Theo cáo trạng, Ban Bồi Thường Giải Tỏa Mặt Bằng quận Tân Phú được thành lập vào năm 2003, trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân quận Tân Phú.
Ban này có nhiệm vụ "lập dự án hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, báo cáo thẩm định và trình duyệt nội dung phân công, phân cấp của ủy ban quận và ủy ban thành phố, xác định mức bồi thường, hỗ trợ cho từng đối tượng, hỗ trợ dự án theo quy định".
Từ tháng Mười Một, 2003, đến tháng Giêng, 2016, Ban Bồi Thường Giải Tỏa Mặt Bằng quận Tân Phú được ủy ban quận giao thực hiện nhiều dự án, trong đó có sáu dự án "qua kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm".
Cụ thể, tại dự án nạo vét Kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm, ông Thi Danh và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 23 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD).
Tại dự án nâng cấp, mở rộng đường Lũy Bán Bích, nguồn kinh phí bồi thường cho hai nhà dân nhưng ông Thi Danh lại gửi tiết kiệm, sau đó ra lệnh ông Linh chuyển 450 triệu đồng (hơn 19.740 USD) vào tài khoản ngân hàng của Ban Bồi Thường Giải Tỏa Mặt Bằng quận Tân Phú để chiếm đoạt. Số tiền còn lại, ông Danh tiếp tục ký hợp đồng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Ngoài ra, ông Thi Danh còn chiếm đoạt tiền bồi thường tại dự án của công ty cổ phần Nước Ngầm 2, dự án khu liên hợp Văn Hóa Thể Thao và Dân Cư Tân Thắng của công ty Sài Gòn Thương Tín, dự án sửa chữa nâng cấp đường Thoại Ngọc Hầu…
Đến ngày 14 tháng Mười Hai, 2015, Ủy Ban Nhân Dân quận Tân Phú thành lập đoàn kiểm tra việc quyết toán hoạt động thu, chi tài chính, phát hiện sự việc nên chuyển cơ quan điều tra.
Theo cáo trạng, ông Danh đã "lợi dụng quyền hạn là trưởng ban đã ra lệnh ông Linh lập, ký thủ tục kế toán sai quy định để chiếm đoạt tổng cộng hơn 54,1 tỷ đồng (hơn 2,36 triệu USD)".
Tòa tuyên buộc ông Danh cùng những người "có quyền lợi nghĩa vụ liên quan" bồi thường số tiền đã chiếm đoạt, trong đó ông Danh bồi thường 32 tỷ đồng (hơn 1,4 triệu USD) nợ gốc và 9 tỷ đồng (hơn 394.800 USD) tiền lãi phát sinh.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ vai trò những người "có quyền lợi nghĩa vụ liên quan" đã nhận tiền từ ông Danh, nếu có dấu hiệu đồng phạm giúp sức thì "xử lý theo quy định của pháp luật". (Tr.N)
*****************
Hơn 400 công nhân đình công vì bị nợ lương nửa năm (CaliToday, 31/05/2018)
Sáng ngày 31/5, hơn 400 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn (SOFEL), đóng tại Khu kỹ nghệ Đông Xuyên (thành phố Vũng Tàu) đã đồng loạt đình công để yêu cầu công ty phải giải quyết tiền lương cho họ trong suốt nửa năm qua.
Công nhân giương biểu ngữ yêu c)ầu công ty phải trả lương cho họ. Ảnh : Báo Giao thông
Theo các công nhân cho biết, họ làm việc cực nhọc trong hơn nửa năm qua nhưng phía công ty không giải quyết tiền lương cho họ. Đã thế công ty còn chưa đóng bảo hiểm cho công nhân nên dù muốn sang nơi khác làm việc cũng không được giải quyết các vấn đề về bảo hiểm.
Một công nhân cho biết, trung bình mỗi tháng lương của anh là 7 triệu đồng (khoảng hơn 300 USD), nhưng từ nhiều tháng qua anh không mang tiền về cho gia đình, vì bị công ty nợ lương. Do đó, gia đình anh lâm vào cảnh túng quẫn.
Các công nhân khác nói với báo chí, từ Tết Nguyên đán đến nay đã có hai lần phía công ty trả lương cho họ, nhưng mỗi lần chỉ trả 1,5 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, phía công ty còn nợ lương công nhân số tiền lên đến 17 tỷ đồng và nợ bảo hiểm cho công nhân khoảng 42 tỷ.
Hơn 400 công nhân đình công yêu cầu công ty phải trả lương, chốt bảo hiểm để họ có thể tìm nơi khác để làm việc, nhưng với tình hình tài chính hiện nay phía công ty khó có thể đáp ứng yêu cầu của họ.
Điều khiến cho hơn 400 công nhân bất bình là dù họ đã nhiều lần đình công, yêu cầu công ty phải trả lương, đóng bảo hiểm trong nhiều tháng qua nhưng phía công ty vẫn không giải quyết, khiến tình trạng nợ nần kéo dài. Bên cạnh đó, các lãnh đạo không chịu gặp mặt để đối thoại mà chỉ toàn hứa.
Từ các nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, ngoài việc nợ lương công nhân, bảo hiểm xã hội, công ty Cơ khí Sài Gòn còn nợ rất nhiều các đối tác là doanh nghiệp trong nước và nợ ngân hàng.
SOFEL là công ty đóng tàu với 100% vốn của Singapore. Đây là 1 trong 3 nhà máy thuộc tập đoàn Triyards tại Việt Nam. Đã có thời điểm công ty này ăn nên làm ra được báo chí, truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam tâng bốc đến tận mây xanh vì đã tạo công ăn, việc làm cho khoảng 3.500 công nhân tại các nhà máy của Tập đoàn này.
Các cuộc đình công để yêu cầu công ty trả lương đã kéo dài từ nhiều tháng nay. Mặc dù công nhân yêu cầu chính quyền phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, nhưng vẫn không được lãnh đạo chính quyền ngó ngàng tới.
Trong khi đó, sau những lần đình công lãnh đạo chỉ toàn hứa với công nhân, nhưng lại tránh né tiếp xúc hoặc không trả lời bất cứ câu hỏi nào từ phía báo chí.
Cuộc đình công của công nhân công ty SOFEL đã diễn ra nhiều lần, trong nhiều tháng qua. Cho dù họ có giương biễu ngữ, hô hào khẩu hiệu nhưng tất thảy đều là tự phát, không hề có bàn tay tổ chức của công đoàn cơ sở tại công ty. Trong tất cả những đòi hỏi các quyền chính đáng của công nhân, Công đoàn không hề góp mặt vào. Tuy nhiên, hàng tháng mỗi công nhân đều phải trích một phần lương của mình để đóng tiền công đoàn. Công đoàn lấy tiền của công nhân nhưng chưa bao giờ đứng ra đại diện cho công nhân để đệ trình lên các yêu sách nhằm bảo vệ cho công nhân.
Người Quan Sát
**********************
‘Công an Việt Nam giỏi nhất thế giới’ mò ra Vũ Đình Duy ở đâu ? (CaliToday, 01/06/2018)
‘Công an Việt Nam giỏi nhất thế giới’ vừa bất ngờ phát lệnh truy nã Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), sau gần một năm cơ quan điều tra im hơi lặng tiếng kể từ lúc Duy ‘ra nước ngoài chữa bệnh’.
Bộ Công an không thể chắc chắn nếu phát lệnh truy nã quốc tế đối với Vũ Đình Duy ? Ảnh : Dân Trí
Vũ Đình Duy là một trong bộ ba quan chức dầu khí ‘ra đi tìm đường cứu nước’ vào giai đoạn 2016 – 2017. Mở màn cho phong trào này là Trịnh Xuân Thanh, sau đó là Vũ Đình Duy và Lê Chung Dũng. Điều đáng nói là cả ba nhân vật này đều ra đi trót lọt.
Chỉ đến phiên tòa của Đức mở ra để xử nghi can Nguyễn Hải Long tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người ta mới bất ngờ thấy Vũ Đình Duy hiện ra tại phiên tòa này như một nhân chứng, bên cạnh vợ của Trịnh Xuân Thanh.
Vì sao các cơ quan điều tra của công an lại quá chậm chạp trong việc phát lệnh truy nã Vũ Đình Duy, dù nhân vật này đã gây tổn thất không nhỏ cho doanh nghiệp nhà nước và cũng vướng vào không ít vụ việc có dấu hiệu tham nhũng?
Theo kết luận thanh tra, năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để thực hiện dự án xơ sợi Đình Vũ (tại Khu kinh tế Đình Vũ, Thành phố Hải Phòng).
Năm 2008, hai đơn vị này lập ra một pháp nhân làm chủ đầu tư và quản lý dự án là PVTex. Hội đồng quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD.
Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng. Dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8-2013 và đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh từ khi chạy thử cho đến vận hành chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động, nhà máy thua lỗ gần 1.500 tỉ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.
Tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu đến khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên hơn 359 triệu USD…
Chi tiết đáng chú ý là lệnh truy nã Vũ Đình Duy được phát ra chỉ ít tuần lễ sau khi Đức mở phiên tòa xử Nguyễn Hải Long – nghi can liên quan đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ngay sau đó, giới truyền thông Đức thậm chí còn cho biết một tình tiết rất mới và đậm dấu nghi vấn : vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Cũng giới truyền thông Đức đã cho biết từ tháng Mười Một năm 2017, Viện Công tố Đức đã phát lệnh truy nã toàn châu Âu đối với Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an – nhân vật được phía Đức cho là cầm đầu băng bắt cóc Trịnh xuân Thanh ở Berlin vào tháng Bảy năm 2017.
Rõ ràng, mối quan hệ Đức – Việt một lần nữa rất căng thẳng.
Cái cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà theo một người bình luận phải ví von "không xin được thì ăn cắp" đã khiến nổ ra cuộc khủng hoảng Đức – Việt.
Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Nhưng lại xảy ra một chuyện kỳ lạ : kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Thay vì phản ứng trực tiếp với Đức, có vẻ ngành công an Việt Nam lại ‘rửa mặt’ bằng cách mới đây cấm xuất cảnh và câu lưu hai blogger bất đồng chính kiến được Bộ Ngoại giao Đức hỗ trợ về xuất cảnh là Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Anh Tuấn.
Và sau khi ‘phát hiện’ ra Vũ Đình Duy xuất hiện trong phiên tòa xử Nguyễn Hải Long ở Đức, phải chăng ‘công an Việt Nam giỏi nhất thế giới’ đã gửi cho Đức một thông điệp trả đũa bằng việc phát ngay lệnh truy nã đối với Vũ Đình Duy – nhân vật mà hẳn đang được cơ quan tư pháp của Đức xếp vào dạng nhân chứng cần được bảo vệ chặt chẽ ?
Thiền Lâm
*********************
Công an cộng sản Việt Nam trả đũa Vũ Đình Duy (CaliToday, 01/06/2018)
Sau khi Vũ Đình Duy ra tòa làm nhân chứng trong vụ Tòa án Đức xét xử mật vụ Nguyễn Hải Long, cùng với đó Duy đã chỉ ra một loạt mật vụ tình báo của công an cộng sản Việt Nam tại Đức cũng như Âu châu. Mới đây, Công an cộng sản Việt Nam đã trả đũa bằng cách phát lệnh truy nã thêm tội mới đối với Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex).
Vũ Đình Duy và nhà máy đắp chiếu tốn hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh : Internet
Ngày 31/5, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Vũ Đình Duy (sinh năm 1975, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) theo tội "Nhận hối lộ". Đây là lệnh truy nã thứ 2, sau khi Duy đã đào tẩu khỏi Việt Nam được 18 tháng.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Bộ Công an cũng đã phát lệnh truy nã "đỏ" đối với ông này theo tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Duy là anh em bạn dì với Trịnh Xuân Thanh, người đã bị tuyên án Chung thân qua hai phiên tòa mới diễn ra. Sau khi Thanh biết được mình sẽ trở thành "vật tế thần" trong cuộc thanh trừng do Nguyễn Phú Trọng phát động liền nhanh chóng đào tẩu qua Đức. Thanh cũng đã báo điều này cho Vũ Đình Duy. Duy liền nhanh chóng đào tẩu, nhưng không ở Đức mà sinh sống tại Ba Lan từ tháng 10/2018.
Vào tháng 5/2017, Duy nhận được thẻ lao động để được cư trú tại Ba Lan. Trong những lời khai với tư cách là nhân chứng không thấy Duy nói làm gì, mà chỉ toàn đi đánh golf từ Ba Lan cho đến Đức. Có lẽ, với số tiền tham nhũng được khi còn là Tổng giám đốc PVTex đã giúp cho Duy có được cuộc sống an nhàn, sung túc tại Ba Lan.
Tại tòa, với tư cách là nhân chứng Duy cho biết mình có mối quan hệ đặc biệt thân tình với Đào Quốc Oai- một nhân vật du đãng cộm cán định cư tại Séc. Oai là người chân rết trong mạng lưới tình báo của Bộ Công an cộng sản Việt Nam tại nước này. Ông ta có cổ phần trong chợ Sapa. Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Đức do Công an cộng sản Việt Nam tổ chức, Oai đóng vai trò quan trọng. Sau khi vụ bắt cóc thành công, chính quyền Đức ra lệnh điều tra. Do thấy động nên Oai đã đào tẩu khỏi Séc, trốn về Hải Phòng (Việt Nam) để ẩn nấp.
Theo giới quan sát nhận định, việc khởi tố thêm tội danh "Nhận hối lộ" mà Bộ Công an cộng sản Việt Nam dành cho Vũ Đình Duy chỉ là trò trả đũa, khi mà trước tòa án Thượng thẩm ở Đức, Duy trở thành nhân chứng tích cực vạch trần bộ mặt khủng bố, bắt cóc của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chưa hết, Duy còn lật tẩy nguyên cả đường dây tình báo hoạt động lâu nay. Để từ đó, chính quyền Đức xóa bỏ đường dây tình báo mà công an cộng sản Việt Nam đã dày công xây dựng.
Nhận định này xem chừng rất có cơ sở, vì đã hơn 18 tháng qua kể từ khi đào tẩu ra nước ngoài, ngoài việc bị phát lệnh truy nã, báo chí ít nhắc đến Vũ Đình Duy. Duy có cuộc sống an nhàn, hàng ngày đi đánh golf hết Ba Lan, lại sang Đức. Không những thế, cô bạn gái của Duy ở Việt Nam vẫn thường xuyên qua lại Ba Lan để du hý với Duy.
Sở dĩ có như vậy vì Duy chọn cuộc sống bình lặng, không như người anh họ Trịnh Xuân Thanh. Sau khi đào tẩu qua Đức, Thanh đã viết đơn tố cáo Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lạm quyền, biến Thanh thành "vật tế thần" trong cuộc thanh trừng. Chưa hết, Thanh còn viết đơn thoái đảng cộng sản Việt Nam vì không tin vào sự lãnh đạo của Nguyễn Phú Trọng.
Những việc làm của Thanh đã khiến cho Nguyễn Phú Trọng tức tối và kết quả là như chúng ta đã biết, Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ngay tại nước Đức, mang về Việt Nam để trị tội và bị xử Chung thân. Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Đức gặp khủng hoảng.
Bằng việc kêu Vũ Đình Duy ra tòa làm nhân chứng, chính quyền Đức chắc chắn phải có biện pháp bảo vệ đặc biệt và bảo đảm sự an toàn cho Duy. Việc công an cộng sản Việt Nam ra lệnh truy nã theo tội "Nhận hối lộ" chỉ là động thái nhằm trả đũa, cảnh cáo Duy mà thôi. Vì sau khủng hoảng ngoại giao vì bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chính quyền cộng sản Việt Nam không dại gì lại tiếp tục bắt cóc Vũ Đình Duy về Việt Nam để quy án.
Người Quan Sát