Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/02/2017

Phá rừng, phá ruộng nuôi tôm : nên hay không nên ?

RFA tiếng Việt

Cần bảo tồn rừng đước khi mở rộng nuôi tôm (RFA, 14/02/2017)

Chính phủ Việt Nam gần đây đưa ra chủ trương mở rộng diện tích nuôi tôm ở khu vực đồng bằng song Cửu Long để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu thay vì tập trung vào lúa gạo như trước kia.

tom1

Rừng đước nằm ở vùng ven biển bảo vệ cho đất không bị rữa trôi và cũng tạo nên chỗ cư trú tôm. AFP photo

Trong khi đó, người nông dân trong khu vực này cũng đang tìm nhiều cách khác nhau để thích ứng với điều kiện mới bao gồm kết hợp nuôi tôm với trồng lúa, hay chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái.

Vào tháng một vừa qua, một chuyên gia về biến đối khí hậu thuộc trường đại học Cornell, ở New York, Mỹ, đã cùng các sinh viên của mình sang vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu về những gì đang diễn ra tại đây.

Giáo sư Michael Hoffmann, thuộc khoa Côn trùng học, đại học Cornell dành cho Việt Hà, đài Á châu tự do cuộc phỏng vấn về chuyến thăm và tìm hiểu của ông và sinh viên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước hết nói về chuyến đi của mình và những gì ông nhận được từ chuyến thằm này, giáo sư Hoffman cho biết :

Nhóm chúng tôi đến Việt Nam để tìm hiểu thay đổi khí hậu đã có ảnh hưởng thế nào tới vùng đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam. Đây là vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới do tình trạng biến đổi khí hậu. Có hai thông điệp cơ bản mà chúng tôi nhận thấy ở đây. Thứ nhất là hạn hán nặng vừa xảy ra ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn của khu vực sông Mekong. Thậm chí có nơi mất toàn bộ vụ lúa.

Thứ hai là tình trạng xâm nhập mặn. Bởi vì lượng nước ngọt chảy ra sông ngòi ít hơn nên nước mặn có cơ hội ngập sâu hơn vào phía trong. Ở một số vùng nước mặn đã vào sâu đến 20 mile (khoảng 32 km) trong đất liền. Và khi nước mặn lên cao thì nó gây tác hại đến lúa. Điều mà chúng tôi thấy là nông dân ở đó bây giờ đã chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm. Rõ ràng là tôm chịu được nước mặn tốt hơn và thu nhập thu được trên cùng một diện tích từ nuôi tôm cao hơn so với thu nhập từ lúa nếu xét về mặt kinh tế. Đây là một hướng đi tốt. Chúng tôi cũng thấy một cách làm khác nữa là kết hợp nuôi tôm với cây đước.

Với cách làm này, thu nhập từ tôm có thể không cao như những vùng chỉ thuần nuôi tôm. Tuy nhiên tôm có thể sống trong môi trường cây đước. Cho nên xét về mặt sinh thái thì cách làm này có một số lợi ích. Liên quan đến lúa, chúng tôi thấy là mùa mưa ở đây đã thay đổi tức là đến chậm hơn so với bình thường và kéo dài hơn so với trước kia. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến cây lúa ở vào giai đoạn trổ bông. Nếu mùa mưa rơi vào đúng giai đoạn này thì nó sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo. Cho nên có rất nhiều điều đang diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do biến đổi khí hậu.

Bài học hạn hán

Việt Hà : Sau vụ hạn hán nặng và xâm nhập mặn kéo dài vừa qua, Việt Nam đã học được bài học. Có những bài báo nói về việc Việt Nam đang xây dựng các công trình tưới tiêu và trữ nước cho mùa hạn hán tiếp theo. Theo ông người nông dân trong khu vực đã sẵn sàng thế nào cho tương lai sắp tới ?

Michael Hoffmann : Theo tôi nhiều khả năng là khu vực này sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các cơn bão mạnh hơn, xâm nhập mặn, và nhiệt độ lên cao. Chúng tôi gọi việc canh tác thông minh thích hợp với khí hậu là cách điều chỉnh thích hợp với thế giới mà chúng ta đang sống. Điều mà chúng tôi thấy là họ đang xây thêm những hồ chứa nước ngọt ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn.

Những hồ này giữ lại nước ngọt để họ có thể sử dụng cho tưới tiêu phục vụ lúa gạo. Đây là một cách làm cần thiết dù là ở Việt Nam hay ở New York cũng vậy. Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, người nông dân phải luôn đi trước những thay đổi. Một cách làm khác mà chúng tôi thấy là họ sử dụng 3 ao. Một ao cho tôm và hai ao để chứa nước ngọt. Họ sẽ dùng nước ngọt này trong trường hợp nước cho ao tôm quá mặn. Cho nên nông dân và các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới bao gồm cả Việt Nam đang thử nghiệm những cách làm mới để duy trì công việc kinh doanh của mình.

Một cách làm khác ở Việt Nam là trồng dưa hấu vốn cũng đã rất phát triển ở Việt Nam. Dưa hấu là loại cây có thể chịu được đất mặn khá tốt. Cho nên họ có thể mở rộng diện tích canh tác loại cây ăn trái này ở các vùng đất bị mặn mà trước kia họ không gặp phải. Nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro dù cho bạn ở bất cứ nơi đâu. Tôi thấy là nông dân Việt Nam đang thay đổi tìm cách làm thích hợp với tình trạng biến đổi khí hậu trong khu vực.

Kết hợp nuôi trồng

tom2

Giáo sư Michael Hoffmann, thuộc khoa Côn trùng học, đại học Cornell. Hình do ông cung cấp.

Việt Hà : Xin ông cho biết việc kết hợp nuôi tôm và trồng lúa thích hợp thế nào với tình hình thay đổi khí hậu hiện có và liệu có những bất lợi nào về lâu dài trọng việc mở rộng nuôi tôm như vậy không ?

Michael Hoffmann : Theo tôi với việc nuôi trồng đa dạng như là nuôi tôm và trồng lúa cùng lúc thì bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào một thứ. Nếu điều kiện khí hậu không tốt bạn vẫn có tôm. Đây là một cách làm thích hợp để hạn chế những rủi ro và bạn vẫn đảm bảo được thu nhập của mình ở một mức nào đó. Nhìn về khía cạnh toàn cầu nói chung thì sự đa dạng hóa là một ý tưởng tốt. Theo tôi nếu xâm nhập mặn không phải là một vấn đề chính thì họ vẫn có thể trồng lúa và có thể một số loại cây khác đồng thời với lúa và nuôi tôm. Tôi không thấy có bất cứ vấn đề lớn đáng lo ngại nào ở đây.

Việt Hà : Mới đây ông có nói rằng quyết định mở rộng vùng nuôi tôm của chính phủ Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là một hướng đi thông minh. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án này dựa trên những gì ông đã thấy ?

Michael Hoffmann : Theo tôi thay đổi là cần thiết để thích hợp với thay đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Nếu bạn không thể trồng lúa thì bạn phải trồng được cái gì đó. Nhưng theo tôi họ cũng phải thận trọng trong cách họ thay đổi, nhất là đối với rừng đước vốn là loại cây hết sức quan trọng đối với việc giữ carbon và giúp làm giảm tác động của thay đổi khí hậu. Theo tôi khi thay đổi họ phải có đủ các căn cứ khoa học, thông tin về những tác động có thể có của biến đổi khí hậu và đặc biệt phải chú trọng đến việc kết hợp nuôi tôm với duy trì cây đước. Vấn đề là đa dạng hóa cây trồng và giảm thiểu rủi ro. Tất nhiên lợi nhuận sẽ là yếu tố chính quyết định. Nhưng điều mà tôi có thể nói là phải cẩn trọng khi họ định mở rộng diện tích nuôi trồng loại nào đó. Cho nên họ có thể mở rộng diện tích nuôi tôm nhưng phải theo hướng phát triển bền vững.

Việt HàÔng nói nhiều đến việc bảo tồn rừng đước và kết hợp cây đước với nuôi tôm. Xin ông cho biết tác dụng của rừng đước trong khu vực ?

Michael Hoffmann : Khoảng 50% diện tích khu vực là đước. Giữa các rừng đước là các vùng mà tôm sống. Bằng cách duy trì cây đước, bạn giảm thiểu được nguy cơ lũ lụt do bão. Rừng đước nằm ở vùng ven biển nên sự có mặt của chúng ở đó là rất quan trọng. Chúng bảo vệ để cho đất không bị rữa trôi. Ngoài ra chúng cũng tạo nên ngôi nhà cho tôm. Chúng cũng hấp thụ dưỡng chất từ tôm để sinh trưởng. chúng cũng có tác dụng giữ lại carbon. Đây là hệ thống cần được bảo vệ khi họ định mở rộng vùng nuôi tôm.

Việt HàXin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Việt Hà, phóng viên RFA

**********************

Nông dân đồng bằng Cửu Long nghĩ gì về nuôi tôm ? (RFA, 14/02/2017)

tom3

Một trang trại nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng chụp ngày 4 tháng 7 năm 2010. AFP photo

Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt từ nguồn, do bị các đập nước lớn của Trung Quốc chặn lại. Chuyện này tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập vào vùng đồng bằng. Đây là một nguy cơ đe dọa nền nông nghiệp lúa nước của vùng này. Đứng trước nguy cơ đó, việc nuôi tôm đã được khuyến khích trong những năm qua, và tạo nên một lượng hàng xuất khẩu lớn cho Việt Nam.

Bên cạnh thuận lợi to lớn đó, việc phát triển nghề nuôi tôm tại vùng này có thể có những hậu quả xấu hay không ?

Vốn và cuộc sống nông dân vẫn bấp bênh

Theo những thông tin được trang tin của chính phủ Việt Nam loan đi vào đầu tháng hai năm 2017 thì Việt Nam đã thực hiện một chương trình mang số 224 để thúc đẩy nghề nuôi tôm từ năm 2000 đến 2010.Sau 10 năm thực hiện, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào năm 2010 đạt số tiền hai tỉ 100 ngàn đô la Mỹ.

Chính phủ Việt Nam cũng cho biết năm 2016 Việt Nam xuất khẩu tôm được 3 tỉ 150 ngàn đô la Mỹ.

Tuy nhiên trong bản tin ngày 6 tháng hai năm 2017 không thấy nói đến việc đời sống của người nông dân có được cải thiện hay không.

Ông Chín, một người nuôi tôm thành công ở Bạc Liêu cho rằng hiện nay người nông dân vẫn còn cần sự trợ giúp về vốn của chính phủ để nuôi tôm :

"Bây giờ nếu nhà nước hổ trợ đầu tư cho nông dân thất bát mấy vụ liền, bây giờ nông dân người ta cần giải ngân, chú thì chú không cần, nhưng nông dân nuôi trồng hải sản, nuôi tôm công nghiệp là cần lắm, vì người ta thiếu vốn".

Ông cho biết thêm là ngoài ra còn có chuyện người nông dân bắt đầu nuôi tôm ở thời điểm tôm có giá cao, nhưng sau đó bị ép giá, bán hàng không được như mong đợi. Theo ông Chín, giới thương lái sẽ tìm cách ép giá của nông dân nếu như trong thời gian nuôi, họ thấy có những dấu hiệu tôm bị bệnh.

Anh Tư, một nông dân khác nuôi tôm thất bại chuyển sang làm nghề mua hải sản cho các nhà hàng tại Sài Gòn từ năm 2006, cho biết là vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long rất thuận tiện cho việc nuôi tôm, nhưng cho đến nay đại đa số người nuôi tôm vẫn không đủ vốn để phát triển nghề này :

"Điều kiện thuận lợi thì cũng không thể không vay. Tại vì lời thì có lời nếu như thuận lợi, nhưng mà không đủ để mà lấp vụ, tức là số dư đó không đủ để lấp vụ là cải tạo ao đìa, thả con giống mới".

Anh Tư nói thêm là nông dân Đồng bằng sông Cửu Long hiện không phải là những người trực tiếp bán sản phẩm của mình ra thị trường trong nước hay nước ngoài, mà đầu tiên phải qua tay giới thương lái. Những thương lái này sau đó gom tôm bán cho các công ty chế biến.

Môi trường bị đe dọa vì nghề nuôi tôm

VIETNAM-ENVIRONMENT-WARMING-FARM-RICE

Nông dân Trịnh Hòa Mi đo lượng muối trong nước biển tại trang trại nuôi tôm của gia đình anh ở Sóc Trăng hôm 4/7/2010. AFP photo

Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết là việc thâm canh nuôi cá da trơn tại đây gây ô nhiễm môi trường do lượng thức ăn công nghiệp dư thừa trong nước khi nuôi cá. Ngành nuôi tôm công nghiệp cũng tạo nên một hậu quả tương tự. Tất cả những nông dân mà chúng tôi tiếp xúc đều nói đến một trở ngại lớn cho ngành nuôi tôm là môi trường bị ô nhiễm do chính những người nuôi tôm tạo ra.

Anh Phong, người có đến 20 hec ta mặt nước để nuôi tôm ở Kiên Giang, nói với chúng tôi :

"Môi trường nuôi tôm có nhiều chổ xả nước ra có tôm dịch bệnh. Người này xả ra, người kia hứng vô".

Hiện tại vùng đồng bằng có hai phương cách nuôi tôm, thứ nhất là nuôi theo lối công nghiệp, thâm canh năng suất cao, thứ hai là nuôi quảng canh, năng suất thấp hơn, nhưng tôm phát triển tự nhiên không ăn những thức ăn công nghiệp, và có khả năng bán được giá cao ở các quốc gia phát triển ở phương Tây.

Cách nuôi tôm công nghiệp mang đến một lượng hàng hóa lớn, nhưng cũng được cho là thủ phạm hủy hoại các cánh rừng ngập mặn rất quí giá có vai trò ngăn xói mòn bờ biển cũng như chống bão tố.

Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc thì từ năm 1980 đến năm 2012, có đến một phần năm diện tích rừng ngập mặn trên thế giới bị phá hủy vì nghề nuôi tôm, trong đó đa số là tại các quốc gia Đông Nam Á. Rừng ngập mặn bị phá hủy để mở rộng diện tích nuôi tôm, và rừng đước cũng bị chết vì lượng thuốc kháng sinh xả ra từ các trại nuôi tôm công nghiệp.

Anh Tư cho chúng tôi biết :

"Hiện giờ ở vùng U Minh thượng, rừng đước còn rất là lưa thưa. Ngày xưa U Minh thượng, U Minh Hạ chủ yếu là rừng đước, rừng ngập mặn, bây giờ rất lưa thưa. Chỉ có vùng mà đối tác Thụy sĩ người ta đầu tư nuôi tôm sạch ở Cà Mau, là còn rừng đước, người ta nuôi trong rừng đước".

Việc nuôi tôm sạch mà anh Tư đề cập chính là cách nuôi tôm quảng canh dựa vào thiên nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp cũng như thuốc kháng sinh. Việc nuôi quảng canh cũng sẽ không phá hủy các cánh rừng ngập mặn, mà trái lại góp phần giữ gìn những cánh rừng đó.

Trong bài báo nói về việc phát triển nghề nuôi tôm do trang tin chính phủ Việt Nam loan tải cũng có nhắc đến việc phát triển việc nuôi tôm sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên theo ông Chín ở Bạc Liêu thì nông dân không mặn mà lắm với cách thức này :

"Nuôi công nghiệp cho chắc cú, chứ nuôi quảng canh biết làm sao mà nói được. Cũng chẳng được giá gì đâu, cũng xa cạ thôi. Nuôi quảng canh mà quảng lý không chặc thì thua còn nhiều hơn nuôi công nghiệp, nuôi khép kín nữa".

Ngoài ra còn một khó khăn nữa ở giai đoạn đưa tôm đi tiêu thụ là không thể kiểm soát được tôm nào là tôm công nghiệp, tôm nào là tôm sinh thái nuôi quảng canh. Anh Tư cho biết :

"Hiện nay ở Việt Nam, tôm đưa ra thị trường có thể gọi là tôm bẩn. Bởi vì nếu không bơm chích thì cũng nhiễm kháng sinh. Có những đầm nuôi tôm quảng canh, thì đó là tôm sạch, nhưng khi qua tay thương lái thì nó trở thành tôm bẩn. Nhưng số lượng nuôi tôm quảng canh hiện giờ rất là ít".

Ngày 14 tháng 2/2017, chính phủ Hàn Quốc công bố rằng tôm xuất khẩu từ Việt Nam phải được kiểm dịch trước khi vào thị trường nước này.

Theo anh Tư, thì nhu cầu về tôm sạch nuôi quảng canh không chỉ cao ở phương Tây mà cũng cao nơi khách tiêu dùng người Việt Nam trong nước.

Đầu năm nay, Thủ tướng Việt Nam tuyên bố rằng sẽ biến Việt Nam thành công trường nuôi tôm của thế giới. Tuy nhiên việc phát triển nghề tôm có làm cho người nông dân đồng bằng Cửu Long giàu có hơn, và tránh được các thảm họa môi trường hay không lại vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 809 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)