Truyền thông Nhà nước viết về cuộc chiến 1979 (RFA, 17/02/2017)
Mặc dù có ngăn chặn và bắt bớ những công dân tham gia hoạt động tưởng niệm như vừa nêu, nhưng báo chí nhà nước hôm nay lại có nhiều bài viết, phỏng vấn và hình ảnh về cuộc chiến biên giới diễn ra 38 năm về trước khiến 60.000 người Việt Nam thiệt mạng.
Năm nay báo chí trong nước có nhiều bài viết về cuộc chiến biên giới Việt Trung 1979. Screen shot
Báo VnExpress có một bài viết dài phỏng vấn những nhân chứng của cuộc chiến, những người lính đã tham gia chiến đấu, bị bắt và bị thương.
Báo Thanh niên phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử đảng về cuộc chiến. Trong bài phỏng vấn này ông Hà kêu gọi hai nước phải ngồi lại cùng nhau xem xét lại cuộc chiến dưới góc độ khoa học để có thể rút ra những bài học hữu ích cho tương lai.
Tờ Vietnam Net hôm nay cũng có bài viết có tựa ‘nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung 1979. Trong khi đó kênh truyền hình VTC14 có một phóng sự dài hơn 30 chục phút ghi lại những lời kể và hình ảnh của cuộc chiến.
*****************
Hà Nội : Hàng chục người tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 1979 (RFI, 17/02/2017)
Hàng chục người đã tập hợp trước tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội để kỷ niệm 38 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới
Vào hôm nay, 17/02/2017, hàng chục người đã tập hợp trước tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội để kỷ niệm 38 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu của Việt Nam chống lại Trung Quốc xâm lược.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, những người tham gia đã đến đặt hoa và thắp nhang trước tượng vua Lý Thái Tổ, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát, đã dùng loa phóng thanh kêu gọi đám đông giải tán.
AP đã trích lời một người tham gia đến dự lễ tưởng niệm bày tỏ nỗi "xúc động" trước việc còn có người nhớ đến những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc vào năm 1979, những cũng bất bình trước việc chính quyền cố gắng hạn chế những cuộc tưởng niệm công cộng.
Theo hãng AP, chính phủ Việt Nam không có hoạt động chính thức nào đánh dấu sự kiện này, và cố gắng giới hạn các cuộc biểu tình phi chính thức. Thế nhưng các phương tiện truyền thông báo chí như đã được phép đề cập đến sự kiện này một cách rộng rãi.
Nhân dịp này, AP nêu bật : báo điện tử VnExpress hôm nay đã nêu lên một thực tế là cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu và hủy diệt do Trung Quốc khởi động đánh vào Việt Nam, lại hiếm khi được đề cập trong một thời gian dài trước đây, và chỉ chiếm vỏn vẹn 11 dòng trong một quyển sách giáo khoa trung học.
Ngược dòng lịch sử thì ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tung hàng trăm nghìn quân tràn qua biên giới phía Bắc, đánh vào 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, gọi là để "dậy cho Việt Nam một bài học".
Theo một số nguồn tin, lực lượng Trung Quốc đánh vào Việt Nam lên đến 600.000 người, một con số còn cao hơn cả lực lượng Mỹ huy động vào cuộc chiến tranh Việt Nam trước đó, chỉ khoảng 550.000 người.
Còn lực lượng phòng thủ của Việt Nam lúc nổ ra chiến tranh chỉ khoảng 50.000 quân, chủ yếu là lính địa phương, công an võ trang và dân quân.
Gặp sức kháng cự dữ dội của Việt Nam, 30 ngày sau, Trung Quốc đã phải rút quân, để lại một khu vực biên giới phía bắc Việt Nam bị tàn phá nặng nề.
Quan hệ hai nước sau đó rơi vào tình trạng căng thẳng trong một chục năm, với những vụ đụng độ nhỏ dọc theo vùng biên giới, cho đến tận năm 1991 khi hai bên quyết định bình thường hóa quan hệ.
Cũng về quan hệ Việt-Trung, Bắc Kinh vào hôm qua, 16/02/2017 đã yêu cầu phía Việt Nam xin lỗi một công dân Trung Quốc mà Bắc Kinh cho là đã bị công an cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, miền bắc Việt Nam) đánh đập ngày 07/02 vì không chịu đưa tiền hối lộ.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết là lãnh đạo vụ Lãnh Sự thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đặc biệt có cuộc tiếp xúc với đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh để "một lần nữa bày tỏ quan điểm cứng rắn" của Trung Quốc.
Phát ngôn viên này còn nói thêm : "Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân, xử lý nghiêm khắc những người có liên can và có những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm sao cho việc này không tái diễn".
Theo phía Bắc Kinh, vụ việc đã làm dấy lên "công phẫn nơi các cư dân mạng" Trung Quốc.
Theo Reuters, ngày 15/02 vừa qua, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã cho biết qua thư điện tử là chính quyền Hà Nội đang làm sáng tỏ vụ việc và sẽ giải quyết vấn đề tùy theo bản chất vụ việc.
Trọng Nghĩa
**************************
Bắt người tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung (RFA, 17/02/2017)
Người dân đặt hoa và đốt nhang tưởng niệm những người đã mất trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc hôm 17/2/1979. Ảnh chụp hôm 17/2/2017 tại Hà Nội. AFP photo
Công an đã bắt giữ khoảng hơn chục người và ngăn cản những người khác làm lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc hồi năm 1979.
Vào khoảng 9 giờ sáng, khoảng 100 người đã đến tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thành phố Hà Nội để thắp hương tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến biên giới trước sự có mặt của rất đông công an và lực lượng an ninh. Hình ảnh video được phổ biến trên mạng sau đó cho thấy có một số người mặc thường phục đã tìm cách phá rối buổi lễ.
Tại Sài Gòn, vào sáng sớm, hàng chục người khác cũng đã tìm cách đến khu vực Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quận 1 để làm lễ tưởng niệm. Tuy nhiên lực lượng công an, thanh niên xung phong, cảnh sát cơ động và công an mặc thường phục đã bao vây khu vực tượng đài tìm cách ngăn chặn mọi người vào làm lễ tưởng niệm. Một số người ở đây cũng bị bắt.
Đến cuối buổi chiều, những người bị tạm giữ đều được thả ra.
Trước đó vài ngày, các nhóm xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam như Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn và Nhóm No U ở Hà nội ra thông báo kêu gọi người dân tham gia lễ tưởng niệm và yêu cầu chính quyền đảm bảo an ninh cho lễ tưởng niệm.
*************************
Ngăn cản người dân vào Nghĩa trang Liệt sĩ Lạng Sơn (RFA, 17/02/2017)
Người dân Hà Nội đặt hoa hồng trắng tưởng niệm những người tử vong trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Ảnh chụp hôm 16/2/2014. AFP photo
Một số người ở Bắc Giang lên Nghĩa trang Liệt sĩ tại Lạng Sơn để viếng một các liệt sĩ bỏ mình trong cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979 bị ngăn chặn.
Nhà hoạt động, thầy giáo Tô Oanh, cho biết như vừa nêu. Theo ông thì vào ngày 14 tháng 2 nhóm của ông gần chục người khi đến cổng Nghĩa Trang Liệt Sĩ thành phố Lạng Sơn thì bị trên 30 chục người khác đến vây lại đòi giấy giới thiệu và sự đồng ý của cơ quan chức năng địa phương mới có thể vào nghĩa trang để thắp hương cho các liệt sỹ.
Việc chụp ảnh từ bên ngoài nghĩa trang cũng bị ngăn chặn.
Thầy giáo Tô Oanh còn cho biết khi họ di chuyển trong địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có nhiều người đi xe máy bám theo ; ngay cả khi dừng lại để ăn trưa.
Vào tối ngày 16 tháng 2, thầy giáo Tô Oanh cho Đài Á Châu Tự Do biết :
Khi tới đó, vừa dừng xe thì đã có trên 30 cán bộ anh ninh mặc thường phục ập đến vây quanh chúng tôi, trong đó trên một nửa là lực lượng nữ an ninh. Khi chúng tôi xuất trình giấy tờ để vào thắp hương các mộ thì không cho vào, họ đóng cổng, nói muốn vào thì phải liên hệ trước, phải có giấy giới thiệu rồi phải được địa phương đồng ý, chứ không được tự động. Chúng tôi dở máy ảnh ra chụp họ cũng không cho. Tôi có nói là ở đây đâu có ghi là cấm quay phim chụp ảnh, nhưng họ vẫn nói không được.
Trong những ngày vừa qua, hai nhóm tổ chức xã hội dân sự độc lập là Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn và Nhóm No-U ở Hà Nội công khai kêu gọi trên mạng về việc tổ chức tưởng niệm cho đồng bào, binh sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979.
Trong lời kêu gọi của nhóm No-U có đề nghị chính quyền Hà Nội bảo đảm an ninh, trật tự và ngăn chặn những người gọi là ‘dư luận viên’ đến quấy phá lễ tưởng niệm như từng xảy ra trước đây.