Tại sao Ngoại trưởng Mỹ chọn Việt Nam là điểm đến duy nhất ở Đông Nam Á ? (VOA, 06/07/2018)
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo sẽ tới Việt Nam vào Chủ Nhật 8/7 cho chuyến thăm đầu tiên của ông tới quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi lên nhậm chức vào tháng 4 năm nay.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, hôm 6/7 trước khi sang thăm Việt Nam ngày 8/7.
Ngoại trưởng Pompeo sẽ ở thăm Việt Nam 2 ngày theo lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) Việt Nam Ngô Toàn Thắng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 5/7 giờ Hà Nội.
Kể từ khi cựu giám đốc CIA nhậm chức ngoại trưởng Mỹ hôm 26/4, ông Pompeo chưa tới thăm bất cứ một quốc gia Đông Nam Á nào và Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ngoại trưởng mới của Mỹ, người thay thế ông Rex Tillerson, thăm trong khu vực này.
Sau khi thăm Nhật Bản, ông Pompeo hiện đang ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, trước khi tới Hà Nội.
Được hỏi tại sao Việt Nam lại là một điểm đến của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du Châu Á lần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói "Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ".
"Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời của một đất nước, một quốc gia cộng sản đã làm rất tốt trong lĩnh vực kinh tế" và "trong thương mại mà Mỹ và các quốc gia khác đang có quan hệ với Việt Nam", người phát ngôn nói với phóng viên hôm 3/7 tại Washington.
"Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ".
Bà Nauert nói "đó là một phần lý do vì sao chúng tôi có kế hoạch tới (Việt Nam)" và cho biết rằng Ngoại trưởng Pompeo "có rất nhiều cuộc gặp được lên kế hoạch trong thời gian ông ở đó, cũng như một bữa tối mà ông sẽ tham dự và thảo luận với một số lãnh đạo trong ngành kinh doanh ở đó".
Theo truyền thông trong nước, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 51 tỷ USD vào năm ngoái.
Ngoài việc trao đổi các vấn đề về kinh tế, thương mại và đầu tư, chuyến thăm của ông Pompeo còn nhằm "tiếp tục thúc đầy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ phát triển thực chất và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và khắc phục hậu quả chiến tranh", theo VnExpress.
Biển Đông và Will Nguyễn ?
Không rõ liệu Biển Đông có nằm trong nghị trình bàn thảo giữa nhà Ngoại giao hàng đầu của Mỹ với các lãnh đạo Việt Nam hay không, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông mà Mỹ đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump đã bàn thảo về Biển Đông với các lãnh đạo Việt Nam.
Biển Đông là một trong những vấn đề được thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017 và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vào tháng 1/2018 với các lãnh đạo Việt Nam.
Ông Pompeo cũng được kỳ vọng sẽ đề cập đến vấn đề một công dân Mỹ hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam do tham gia vào một cuộc tuần hành của người dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6 để phản đối 2 dự luật gây tranh cãi. William Anh Nguyễn, một sinh viên vừa tốt nghiệp thạc sỹ của Đại học Lý Quang Diệu ở Singapore, mặc dù "chưa bị chính phủ Việt Nam buộc tội", theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Nauert hôm 21/6, nhưng vẫn đang bị giam giữ vì cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".
Một nhóm dân biểu của Quốc hội Mỹ hôm 15/6 đã gửi một bức thư tới ông Pompeo đề nghị Ngoại trưởng Mỹ "ngay lập tức điều tra sự vi phạm nhân quyền này và làm mọi thứ có thể để giúp (Will) Nguyễn được tự do".
Nhóm bạn và người thân của Will Nguyễn với chiến dịch @Free Will Nguyen cho biết trên trang Twitter rằng "Chúng tôi hy vọng Will sẽ là một phần của việc thảo luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Việt Nam".
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 8-9/7, ông Pompeo còn dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao của Việt Nam để thảo luận về việc phi hạt nhân hóa chương trình hạt nhân của Triều Tiên một cách triệt để, hoàn toàn, có thể kiểm chứng và các vấn đề song phương và khu vực khác.
Sau Việt Nam, ông Pompeo sẽ tới Abu Dhabi gặp các nhà lãnh đạo Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập trong chuyến công du đến một loạt các quốc gia Châu Á lần này.
************************
Gazprom và PetroVietnam thảo luận các dự án khí đốt tại Việt Nam (RFA, 06/07/2018)
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) kỳ vọng cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh ngoài khơi Việt Nam do hai phía cùng nhau khai thác sẽ sản xuất được 2 tỷ mét khối khí trong năm 2018.
Trụ sở Tập đoàn khí đốt tự nhiên Gazprom của Nga. AP
Mạng Kallanish Energy loan tải thông tin vừa nêu vào ngày 6 tháng 7.
Đại diện hai tập đoàn đã gặp nhau tại Moscow hôm thứ tư để thảo luận về tiến độ các dự án khí đốt chung tại Việt Nam. Chỉ tiêu sản xuất cho năm 2018 không thay đổi gì so với mục tiêu hàng năm đạt được vào năm 2016.
Thông cáo đưa ra sau cuộc gặp nêu rõ hai phía thảo luận xoay quanh các vấn đề thăm dò địa chất và sản xuất ở Việt Nam, cũng như triển vọng của các dự án nhà máy phát điện bằng khí đốt và việc sử dụng khí đốt làm nhiên liệu cho xe cộ.
Tin cho biết thêm Chủ tịch của hai tập đoàn, ông Alexey Miller và ông Trần Sỹ Thành, cũng đã xem xét tiến độ xây dựng phức hợp sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng quy mô nhỏ. Dự án này sẽ sản xuất ra khí thiên nhiên hóa lỏng cho thị trường xe sử dụng loại nhiên liệu này và cung cấp nhiên liệu cho mạng lưới các trạm nạp khí thiên nhiên nén.
Tập đoàn Gazprom và PetroVietnam cùng khai thác khí và khí ngưng tụ của cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh tại bồn trũng Nam Côn Sơn kể từ năm 2013. Cụm mỏ này nằm cách Vũng Tàu chừng 320 kilomet về phía đông nam và thường được gọi là dự án Biển Đông 1. PetroVietnam xem đây là dự án dầu khí trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra thông qua một liên doanh tỉ lệ 50-50 có tên Vietgazprom, hai phía còn tiến hành khai thác tại các lô 111/04, 112, 113 và 129-132 ở vùng thềm lục địa Việt Nam.