Việt Nam trở thành bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực (VOA, 28/07/2018)
Trung Quốc cho biết Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong khu vực Đông Nam Á, theo truyền thông trong nước.
Việt Nam vừa trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Cũng trong năm nay, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.
Tại cuộc họp báo do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội hôm 26/7, Tham tán thương mại Hồ Tỏa Cẩm được trích lời nói kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD.
Trong tháng 6 năm nay, giá trị trao đổi thương mại Việt-Trung đạt 11,2 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 9,3 tỷ USD giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia, theo Vietnam Plus, một ấn phẩm của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trong sáu tháng đầu năm nay, thương mại hai chiều giữa hai quốc gia giáp đường biên giới này tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng trưởng 15,5% về thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia, theo VOV.
Ông Hồ cho biết với đà tăng trưởng như hiện nay, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ có đột phá mới trong năm 2018.
Vào tháng 2 năm nay, Trung Quốc thay thế Mỹ đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Việt Nam. Sau 15 năm Mỹ thống trị thị trường xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này, Trung Quốc đã vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1, theo số liệu thống kê của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) được Bloomberg trích dẫn.
Tuy nhiên điều này gây ra lo ngại rằng Việt Nam sẽ càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
Bloomberg từng cảnh báo với kim ngạch xuất khẩu gần tương đương 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017, việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu có thể đặt ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi thị trường đó là Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế trong nước.
Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc tại Việt Nam đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và là mức cao nhất trong lịch sử, theo tham tán thương mại Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc nói sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tới Việt Nam đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo về dòng vốn FDI của Trung Quốc khi ồ ạt vào Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế tiến sĩ Bùi Trinh được IAVN trích lời nói chiến lược của chính phủ Trung Quốc hiện nay là khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi, bù đắp cho những khó khăn trong nước.
Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết FDI của Trung Quốc chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam và kém trong chuyển giao công nghệ. Theo IAVN, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên trải dài từ bắc đến nam của Việt Nam, trong đó nổi nhất là dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Đây là một trong những lo ngại của người dân Việt Nam khi Quốc hội đưa ra dự luật đặc khu kinh tế trong đó cho các nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm và công chúng cho rằng các dự án đầu tư sẽ có nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau.
Trong tháng trước, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở khắp Việt Nam và trên thế giới nơi có nhiều người Việt sinh sống để phản đối dự luật này.
*********************
Tại sao Việt Nam tránh đưa tin Cuba từ bỏ chủ nghĩa cộng sản ? (VOA, 27/07/2018)
Truyền thông chính thống của Việt Nam trong những ngày qua đưa tin về việc Cuba thông qua dự thảo hiến pháp mới nhưng không đề cập đến việc quốc gia cùng trong hệ thống độc đảng này đã loại bỏ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Lãnh đạo của hai quốc gia cộng sản Việt Nam và Cuba ký kết một văn kiện hợp tác hôm 29/3/2018. Cuba trong hiến pháp mới từ bỏ xây dựng chủ nghĩa Cộng sản nhưng truyền thông Việt Nam tránh đưa thông tin này.
Quốc hội Cuba hôm 22/7 thông qua dự thảo hiến pháp mới nhằm thay thế hiến pháp có từ thời Xô Viết. Dự thảo mới, đang được lấy ý kiến người dân Cuba, bỏ một điều khoản trong hiến pháp năm 1976 về mục tiêu xây dựng “xã hội cộng sản” và thay vào đó chỉ tập trung vào xây dựng “xã hội chủ nghĩa.”
Bản tin chính thức của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) chỉ đề cập về việc hiến pháp mới của Cuba “duy trì đặc điểm xã hội chủ nghĩa” trong khi các trang báo mạng lớn của Việt Nam tập trung vào thông tin rằng Cuba “tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản” đối với nền kinh tế nước này.
Hai nhà báo trong nước đã khẳng định với VOA về việc “báo chí trong nước và hệ thống tuyên giáo không đề cập đến việc Cuba không nhắc tới chủ nghĩa cộng sản.”
“Đó là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm về mặt tư tưởng hệ ý thức hệ của chính thể cộng sản của Việt Nam,” nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho VOA biết. “Không cần phải cơ chế kiểm duyệt nữa vì đây là một vấn đề nhạy cảm đến mức mà các báo từ quá lâu rồi, từ rất nhiều năm nay đã tự kiểm duyệt chính mình. Không cần phải ban tuyên giáo Trung ương nhắc nhở hoặc chỉ đạo thì các báo đã phải tự biết là đăng cái gì và không đăng cái gì – có nghĩa là không đăng nội dung Cuba từ bỏ chủ nghĩa cộng sản”.
Cựu nhà báo TTXVN Lưu Kha cũng cho biết rằng “các báo chính thống của Việt Nam đều không đưa chi tiết Cuba bỏ cụm từ ‘xây dựng xã hội cộng sản’ được ghi trong hiến pháp trước của họ”.
“Báo chí chính thống và lãnh đạo của Cuba cũng không nói về việc này”, theo ông Kha, người từng có 15 năm học tập và làm việc tại Cuba. Và do đó, theo nguyên tắc tuyên truyền của truyền thông Việt Nam, báo chí chính thống cũng sẽ không đưa thông tin đó.
Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo được truyền thông nhà nước dẫn lời nói rằng sự thay đổi trên “không đồng nghĩa với việc chúng tôi từ bỏ lý tưởng của mình.” Ông cho biết Cuba chỉ đơn giản đã bước vào một thời kỳ khác sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Việt Nam và Cuba là 2 trong số ít các quốc gia cộng sản trên thế giới có mối quan hệ thân thiết với nhau.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một chuyến thăm tới Cuba năm 2009 từng nói với báo chí rằng : “Việt Nam Cu Ba, như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây, chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cubathức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ”.
Tuy vậy, nhà báo Lưu Kha thắc mắc tại sao lại “lảng tránh việc bạn (Cuba) từ bỏ cụm từ ‘tiến lên xã hội cộng sản’ khi trên thực tế ai cũng biết làm gì có cái xã hội cộng sản mà Karl Marx đã vẽ ra.” Ông Kha giải thích lý do trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng “một khi còn tồn tại những lợi ích của các quốc gia, một khi mỗi nước còn đầy rẫy những vấn đề dân tộc, tôn giáo, sắc tộc thì chẳng bao giờ có ‘một thế giới đại đồng’ mà Marx đã tưởng tượng”.
Cách đây 200 năm, Karl Marx – nhà triết học người Đức – cho ra đời chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa này được vận dụng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, Liên bang Xô Viết, Trung Quốc và Cuba.
“Ngay chính trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cho rằng mô hình cộng sản còn xa vời quá và đây là thời kỳ quá độ, về mặt lý luận của họ, để xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến tới chủ nghĩa cộng sản”, theo chủ tịch Hội nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.
Với nhận định rằng “cái xã hội cộng sản mà Marx nói còn viển vông hơn cả chủ nghĩa không tưởng,” nhà báo Lưu Kha cho rằng “vậy thì cắt bỏ cái cụm từ ‘xã hội cộng sản’ là đúng”.
“Lảng tránh nói về sự thật, mà là sự thật của một nước khác, cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều. Chả có chuyện gì nhạy cảm ở đây cả, nếu hiểu những cải cách của Cuba không phải là sự thay đổi về lý tưởng, không nhằm thay đổi chế độ hiện nay, không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mà chỉ là ‘sự thích nghi với những thay đổi của thời đại”, theo cựu nhà báo của TTXVN.