Việt Nam : Công ty Đài Loan hạ cờ trước khi Trung Quốc lên tiếng (BBC, 01/08/2018)
Một công ty Đài Loan cho BBC biết họ đã hạ cờ theo chỉ đạo của chính quyền địa phương ngay cả trước khi Trung Quốc chính thức chỉ trích Việt Nam về lá cờ Trung Hoa Dân Quốc.
Hình ảnh trên trang web của công ty Kaiser cho thấy lá cờ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay vì cờ Trung hoa Dân quốc.
Hôm 31/7, Trung Quốc đã chính thức lên tiếng yêu cầu Việt Nam phải "sửa chữa sai lầm" khi để các nhà máy ở Bình Dương treo cờ Đài Loan, theo tờ Bưu điện Hoa Nam.
Trước đó, truyền thông Đài Loan đưa tin Công ty TNHH công nghiệp gỗ Kaiser 1 ở Bình Dương và các công ty Đài Loan khác được chính quyền Việt Nam treo quốc kỳ.
Tuy nhiên, một nhân viên phòng hành chính của công ty Kaiser 1 đã xác nhận với BBC hôm 1/8 rằng : "Công ty đã tháo 3-4 ngày trước rồi, tỉnh kêu tháo xuống".
Nhân viên tên H. cho biết, công ty bắt đầu treo lá cờ từ giữa tháng Sáu, khi trên toàn quốc nổ ra cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu.
Lý do là nhiều nhà máy Đài Loan lo ngại sẽ bị người biểu tình tấn công như cuộc biểu tình chống Trung Quốc lắp đặt giàn khoan thăm dò dầu khí HD-981 vào 2014.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam, hôm Thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói : "Chúng tôi đã đặt vấn đề này với phía Việt Nam, và họ đã hướng dẫn các công ty liên quan phải sửa chữa lại sai lầm này".
Nhà máy sản xuất đồ nội thất gỗ Đài Loan bị phóng hỏa trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 5/2014.
"Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc".
Phóng viên BBC đã liên hệ với Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao để xin bình luận về sự việc, hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.
Hồi 2005, và 2006 Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng chấp nhận "chính sách một Trung Quốc".
Khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng tuyên bố :
"Trước sau như một, Việt Nam kiên trì lập trường 'một nước Trung Quốc', Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Việt Nam phản đối các hoạt động Đài Loan độc lập, đồng thời chia sẻ nguyện vọng thống nhất đất nước của nhân dân Trung Quốc và hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc kiên trì thực hiện hòa bình thống nhất đất nước, duy trì hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra tuyên bố trên hôm 31/7
Alexander Huang, giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Tamkang nói :
"Các nhà đầu tư Đài Loan phải tìm cách bảo vệ mình. Nếu Hà Nội không có cách bảo vệ họ, thì điều đó sẽ không tốt cho nền kinh tế. Rõ ràng mệnh lệnh từ phía Bắc Kinh là một động thái ngoại giao cưỡng ép. Trung Quốc đã tìm cách xóa bỏ cái tên Đài Loan ra khỏi thị trường thế giới, để ép họ quỳ gối trước Trung Quốc, và thiết lập mối quan hệ".
Gần đây nhất, hai hãng hàng không của Mỹ là American Airlines, Delta và Cathay Pacific đã thay đổi cách gọi Đài Loan trên trang web, sau sức ép của Trung Quốc.
Bắc Kinh đề ra 25/7 là hạn chót để các công ty, đặc biệt là hãng hàng không, phải ghi rõ Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc.
************************
Trung Quốc buộc Việt Nam không cho treo cờ Đài Loan (RFI, 02/08/2018)
Sau các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gần đây ở Việt Nam, một công ty của Đài Loan được phép treo cờ bên ngoài cùng với cờ Việt Nam và cờ Mỹ nhằm tránh bị nhầm lẫn. Quyết định này đã khiến Bắc Kinh giận dữ và gây sức ép với Hà Nội để hạ cờ Đài Loan.
Cờ Đài Loan tại doanh nghiệp Kaiser ở Bình Dương, Việt Nam (@scmp.com)
Trang Asia News ngày 01/08/2018, trích phát biểu hôm 30/07 của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Lục Khảng khẳng định : « Chỉ có một nước Trung Hoa duy nhất trên thế giới và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc ». Ông cho biết « đã đề cập vấn đề với phía Việt Nam và họ đã yêu cầu các doanh nghiệp liên quan sửa sai ».
Bản tin ngày 28/07 của hãng thông tấn trung ương CNA của Đài Loan trích thông tin của ông Lo Tzu Wen, giám đốc công ty gỗ Kaiser 1 Furniture tại tỉnh Bình Dương, cho biết chính phủ Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp Đài Loan treo quốc kỳ Đài Loan để tránh bị nhầm lẫn với các công ty Trung Quốc.
Năm 2014, nhiều công ty Đài Loan bị thiệt hại kinh tế nặng nề do các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các cuộc bạo động đã khiến 20 người chết và khoảng 100 người khác bị thương. Chính phủ Việt Nam đã giảm thuế cho các doanh nghiệp Đài Loan và Trung Quốc.
Phản ứng gây sức ép của Bắc Kinh đối với Hà Nội nằm trong chiến dịch hạn chế sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế vẫn được Trung Quốc áp dụng thường xuyên. Trước đó, Bắc Kinh đã buộc nhiều hãng hàng không điều chỉnh tên gọi Đài Bắc là thủ phủ của Đài Loan, thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Thu Hằng
**********************
Việt Nam cho phép treo cờ Đài Loan (RFA, 02/08/2018)
Các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam có thể treo cờ của đảo quốc này. Đây là phát biểu mà người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, nói với báo giới vào ngày 2 tháng 8 và được hãng tin Đức DPA loan đi trong cùng ngày.
Lá cờ Đài Loan phấp phới trước cổng công ty Kaiser ở Bình Dương, Việt Nam. Courtesy CNA
Phát biểu vừa nêu khác hẳn với tuyên bố của chính quyền Trung Quốc rằng phía Việt Nam đồng ý cấm không cho doanh nghiệp Đài Loan treo cờ nước họ sau khi bị phía Bắc Kinh phản đối.
DPA dẫn phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng là trong khi Việt Nam ủng hộ chính sách ‘Một nước Trung Quốc’, nhưng Việt Nam không có chính sách cấm cờ Đài Loan. Cũng theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, thì theo suy nghĩ của bà này một công ty Đài Loan treo cờ nước của họ là hoàn toàn tùy công ty đó. Chính quyền địa phương theo đúng chủ trương này của Hà Nội.
Vào ngày 31 tháng 7 Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin Trung Quốc đang gây áp lực buộc Việt Nam phải thực hiện việc mà Bắc Kinh gọi là ‘sửa lỗi’ khi cho phép một công ty Đài Loan treo cờ đảo quốc này tại xưởng sản xuất của họ ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương.
Trước đó vào ngày thứ bảy 28 tháng 7, chủ tịch Công ty Kaiser có nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương, ông La Tử Văn, nói với hãng tin CNA của Đài Loan rằng chính phủ Việt Nam cho phép Nhà máy Kaiser treo cờ Đài Loan nhằm phân biệt với những công ty Trung Quốc.
Biện pháp được thực hiện khi mà trong thời gian qua xảy ra những đợt biểu tình chống Trung Quốc. Ông La Tử Văn nói rõ trong đợt biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2014, công ty Kaiser bị thiệt hại chừng 1 triệu đô la Mỹ. Đợt biểu tình lúc đó nhằm phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Khu Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa của Việt Nam.
*********************
Trung Quốc nổi giận vì công ty Đài Loan treo cờ tại Việt Nam (RFA, 31/07/2018)
Trung Quốc đang gây áp lực Việt Nam buộc phải thực hiện việc mà Bắc Kinh gọi là ‘sửa lỗi’ khi cho phép một công ty Đài Loan treo cờ đảo quốc này tại xưởng sản xuất của họ ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương.
Hình minh họa. Những người biểu tình ở Đài Loan cầm cờ Đài Loan và khẩu hiệu "bảo vệ Đài Loan trước quốc hội ở Đài Bắc hôm 22/3/2014 năm 2014 - AFP
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin này vào tối ngày 31 tháng 7. Theo đó đây là biện pháp mới nhất của Trung Quốc trong việc giới hạn hình ảnh của đảo quốc Đài Loan trên trường quốc tế.
Áp lực của Bắc Kinh đối với Hà Nội trong vụ việc vừa nêu được đưa ra sau khi Nhà máy Sản Xuất Đồ Gỗ Kaiser bắt đầu treo cờ Đài Loan nhằm phòng trường hợp bị biểu tình chống Trung Quốc.
Thực tế này từng xảy ra một số lần và gần nhất là vào những ngày 9, 10 và 11 tháng 6 vừa qua khi nổ ra đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng. Đợt biểu tình được cho là lớn nhất ở Việt Nam kể từ sau năm 1975.
Vào ngày thứ bảy 28 tháng 7 vừa qua, chủ tịch Kaiser tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương, ông La Tử Văn, phát biểu với hãng tin CNA của Đài Loan rằng chính phủ Việt Nam cho phép Nhà máy Kaiser treo cờ Đài Loan nhằm phân biệt với những công ty Trung Quốc.
Ông La còn cho CNA biết thêm trong đợt biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2014, Công ty Kaiser bị thiệt hại chừng 1 triệu đô la Mỹ. Đợt biểu tình lúc đó nhằm phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Khu Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa của Việt Nam. Đợt biểu tình năm 2014 còn khiến hơn 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Sau khi xảy ra đợt biểu tình, cơ quan chức năng Việt Nam phải bồi thường bằng cách miễn thuế cho những công ty Đài Loan chịu thiệt hại như Kaiser. Cơ quan chức năng Việt Nam cũng đưa ra giải thích là người dân không phân biệt được đâu là công ty Đài Loan và đâu là công ty Trung Quốc.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn phát biểu của Phát Ngôn Nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, vào ngày 30 tháng 7 lặp lại rằng trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một bộ phận của Hoa Lục. Bắc Kinh quyết liệt phản đối bất cứ hình thức hoạt động ly khai đòi độc lập nào cho Đài Loan.
Ông Cảnh Sảng nói Trung Quốc đã nêu vấn đề ra với phía Việt Nam và Hà Nội có chỉ thị sửa đổi đối với những công ty liên quan.
Phía Đài Bắc thì lên án biện pháp Bắc Kinh cô lập Đài Loan trên thế giới.
*********************
Cờ Đài Loan, quyền Việt Nam (RFA, 01/08/2018)
Lá cờ của Đài Loan phấp phới ở Bình Dương, Việt Nam, có lẽ không qua được 72 tiếng đồng hồ, nhưng bản thân sự có mặt của nó như là một cuộc kháng chiến không mệt mỏi về chủ quyền của mình.
Quân đội Đài Loan tham gia lễ thượng cờ ở Đài Bắc. Lá cờ của quốc đảo này đã bị hạ xuống tại một công ty Đài Loan ở Việt Nam trước sự phản đối của Trung Quốc
2 ngày sau khi có tin hãng gỗ Kaiser ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương được treo cờ Đài Loan để phân biệt với các công ty trung Quốc trong khu vực này, nhằm tránh các cuộc biểu tình bao động nhằm vào Trung Quốc, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã giận dữ yêu cầu Việt Nam phải "sửa sai" về việc này. Thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc phát đi dõng dạc vào ngày 31/7/2018.
Dĩ nhiên, sớm muộn gì công ty Kaiser cũng sẽ phải hạ cờ và thay bằng hình thức gì đó khác. Bởi sự cho phép treo cờ, chắc chắn hoàn toàn nằm ở ý kiến chủ quan của chính quyền địa phương. Mà nguyên nhân chính là Kaiser là công ty đóng góp đến chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, vào thị ttrường quan trọng là Hoa Kỳ.
Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì, khi so với sức nặng của nền kinh tế Việt Trung, khi nền kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỷ USD. Mạnh tiền, đồng nghĩa mạnh quyền. Dĩ nhiên, đó là chưa nói đến tình hữu nghị kỳ lạ giữa hai đảng cộng sản, không liên quan gì đến nhân dân Việt Nam.
Không chỉ Việt Nam, nhiều hãng máy bay đi ngang biển Đông hiện nay, nằm trong vùng kiểm soát Trung Quốc từ tháng 7 vừa qua đã phải đổi tên gọi trên bản đồ và cách xưng hô, để xác định Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng đang phải tiến hành những yêu cầu này của Trung Quốc.
Số phận của lá cờ Đài Loan nhắc cũng như dự báo rất nhiều điều về một Trung Quốc và Việt Nam. Vô số những tàu cá mang cờ Việt Nam đi trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa đều bị tấn công dã man vì Trung Quốc không muốn lá cờ chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong vùng họ chiếm đóng. Nhượng bộ để hạ cờ Đài Loan ở Bình Dương lúc này, cũng là cách mà Việt Nam luôn né tránh và im lặng về giá trị của một đất nước mà họ nắm quyền, nên việc hy sinh ai đó khác, cho mối liên minh ma quỷ ấy, cũng không lạ.
Lá cờ của Đài Loan có thể coi như một cuộc khởi nghĩa nho nhỏ bất thành trong lòng liên minh các thù địch. Nó lại nhắc nhớ khi ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc ghé Sài Gòn và nơi ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp đón phải che bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa - Trường Sa. Ông Nhân quả cũng có một cơ hội "khởi nghĩa" nhỏ nếu để cho tay Hoang Khôn Minh ấy nhìn thấy tấm bản đồ chủ quyền Việt Nam. Nhưng không, ước muốn ấy, hy vọng ấy luôn chỉ có ở những người yêu nước và đủ nhân cách.
Một tay buôn gỗ mà có lòng ái quốc hơn cả một nhân vật lãnh đạo, quyền kiểm soát một hệ thống chính trị kiểu ấy có đáng để so sánh cùng ?
Tuấn Khanh
*********************
Việt Nam cho phép một nhà máy Đài Loan treo quốc kỳ Đài Loan (RFI, 28/07/2018)
Sau các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gần đây ở Việt Nam, một nhà máy của Đài Loan vừa được phép treo quốc kỳ của Đài Loan bên ngoài nhà máy, theo tin của Hãng Thông tấn Trung ương (CNA) ngày 28/07/2018.
Quốc kỳ Đài Loan trong buổi lễ đón tổng thống quần đảo Marshall tại Đài Bắc ngày 27/07/2018. Ảnh minh họa. Reuters/Tyrone Siu
Hãng tin này nhắc lại rằng, kể từ năm 2014, đã có rất nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, hoặc là do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hoặc gần đây là phản đối luật đặc khu, một đạo luật bị xem là quá ưu đãi Trung Quốc.
Do các công dân và các công ty của Đài Loan thường bị nhầm là Trung Quốc, cho nên có những lúc họ cũng bị người biểu tình tấn công. Để tránh bị nhầm lẫn như vậy, công ty Công nghiệp gỗ Kaiser 1 của Đài Loan tại tỉnh Bình Dương vừa được chính quyền cho phép treo quốc kỳ Đài Loan trước cổng nhà máy của công ty này.
Cụ thể, trước cổng nhà máy của Kaiser, nay người ta thấy có hai lá quốc kỳ Việt Nam, giữa hai quốc kỳ của Mỹ, thị trường xuất khẩu chính về đồ nội thất bằng gỗ, và hai bên ngoài cùng là quốc kỳ Đài Loan.
Một lãnh đạo của công ty nói trên cho hãng tin CNA biết trước các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây, Việt Nam không bao giờ cho phép công ty Đài Loan treo cờ Đài Loan trước cổng nhà máy.
Sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, mà một số đã biến thành bạo động, công ty Kaiser đã được chính phủ Việt Nam miễn giảm thuế như một hình thức bồi thường thiệt hại. Hiện sử dụng 7.000 công nhân, Kaiser là công ty sản xuất hàng nội thất bằng gỗ lớn nhất ở Việt Nam, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Thanh Phương