Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/02/2017

Thời sự nhân quyền Việt Nam

tổng hợp

Đặng Xuân Diệu phát biểu về nhân quyền ở Geneva (BBC, 20/02/2017)

Một nhà hoạt động vừa ra tù nói với BBC rằng ông "sẽ làm tất cả trong khả năng của mình" để nói với quốc tế về tình trạng nhân quyền tại một sự kiện ở Geneva, Thụy Sĩ.

Bas du formulaire

nhanquyen1

Ông Đặng Xuân Diệu nói "lựa chọn định cư nước nào không quan trọng bởi ở đâu cũng có chiến hữu"

Dự kiến hôm 21/2, tại "Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ", ông Đặng Xuân Diệu, từng bị Việt Nam kết án tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" năm 2013, sẽ là một trong những diễn giả phát biểu.

Đây là năm thứ chín sự kiện này diễn ra, do sự bảo trợ của 25 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Việt Tân.

Thông thường, hội nghị diễn ra một tuần trước cuộc họp thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Năm 2013, ông Diệu bị án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế tại địa phương, nhưng được trả tự do sớm vào tháng 1/2017. Ông được đưa từ trại giam Xuyên Mộc đến sân bay Tân Sơn Nhất để đi Pháp 'chữa bệnh' hôm 12/1.

Hôm 20/2, trả lời BBC từ Thụy Sĩ, ông Diệu nói : "Lần đầu tiên, tôi có cơ hội phát biểu trước một hội nghị quan trọng nên không tránh khỏi những áp lực".

"Tôi thực hiện việc này trong khi sức khỏe chưa bình phục sau nhiều năm tháng tù đày. Tuy nhiên, điều mà ban tổ chức cần là sự có mặt của tôi như một nạn nhân trực tiếp bằng xương, bằng thịt và những trải nghiệm của tôi về tình trạng quyền con người bị xâm phạm tại Việt Nam".

"Theo tôi, mục tiêu cải thiện tình trạng vi phạm quyền con người tại Việt Nam thông qua vận động quốc tế là công việc cần thời gian và công sức của rất nhiều người".

"Việc tôi được tự do trước thời hạn là một minh chứng. Tôi hy vọng nhưng không khẳng định mình sẽ đem lại sự thay đổi vượt bậc sau bài phát biểu của mình".

'Chung khát vọng'

Trả lời câu hỏi của BBC, "Ông tham gia hội nghị với tư cách đảng viên Việt Tân hay hoạt động độc lập ?", người trong nhóm 'Thanh niên Công giáo đáp : "Theo như tôi biết, đảng Việt Tân được mời tham dự từ trước và tôi vừa mới thoát khỏi ngục tù nên được [họ] trao cho cơ hội".

"Tôi nghĩ dù với tư cách nào cũng không ảnh hưởng đến nội dung và thông điệp trình bày của tôi".

"Bởi chúng tôi là những người chung khát vọng Canh Tân Việt Nam nên tranh đấu dân chủ, nhân quyền cho đồng bào là bổn phận mà chúng tôi đã làm và đang làm".

Đề cập về chuyện được đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay đi Pháp 'chữa bệnh' hồi tháng trước, ông chia sẻ : "Đúng là tôi đã gặp khó khăn vô cùng khi quyết định rời Việt Nam để được tự do trước thời hạn".

"Một phần áp lực đến từ chính quyền, phần do tôi thật lòng muốn được trả tự do tại Việt Nam".

nhanquyen2

Đặng Xuân Diệu là một trong những người phát biểu tại sự kiện hôm 21/2

"Sau lần gặp thứ nhất với phái đoàn ngoại giao EU, Pháp và một vài nước khác, tôi trả lời không muốn rời Việt Nam chỉ vì tự do của bản thân".

"Ngay hôm đó, trại giam chuyển tôi sang khu biệt giam trong điều kiện sống tồi tệ hơn 6 tháng".

"Cho đến khi đoàn ngoại giao EU và Pháp đến gặp lần thứ hai. Lần gặp này, tôi đã phải ngậm ngùi chấp nhận định cư tại Pháp trong điều kiện bị cưỡng bức để bảo vệ mạng sống".

"Tôi đã nói rõ điều này trước cán bộ trại giam trong buổi gặp mặt được ghi hình".

"Với tôi, việc lựa chọn định cư nước nào không quan trọng bởi ở đâu tôi cũng có các chiến hữu, thân hữu đồng hành".

"Tôi yêu mến tất cả các nước mà ở đó người dân có cơ hội sống tự do, chân thật".

"Hơn nữa, tôi tin cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước luôn ủng hộ, cộng tác một khi tôi còn mang đến cho họ giá trị đích thực".

"Tôi nghĩ một Việt Nam tự do, dân chủ không chỉ là ước mơ mà là trách nhiệm của mỗi người dân Việt".

"Riêng tôi, ước nguyện một ngày không xa sẽ trở về Việt Nam là một động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống".

************************

Tù nhân Nguyễn Hữu Quốc Duy bị chuyển trại (RFA, 20/02/2017)

Tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Quốc Duy vừa bị chuyển trại từ Khánh Hòa nơi anh này thường trú ra nhà tù An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.

nhanquyen3

Nguyễn Hữu Thiên An (bên trái) và Nguyễn Hữu Quốc Duy tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa hôm 23/8/2016. Photo courtesy of cand.com

Bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy, xác nhận thông tin và cho Đài Á Châu Tự do biết :

Ngày 6 tháng 2, vợ chồng em nó ra thăm ; gửi đồ ăn họ nhận hết. Đồng thời em nó hỏi giấy nhận đồ ăn và xin vào thăm thì họ nói 2 tuần nữa sẽ cho gặp mặt và trả giấy nhận đồ ăn luôn.

Sáng nay tôi đến thì họ nói đã chuyển trại hôm ngày 13 tháng 2 ; chuyển đến Trại An Điềm ở Quảng Nam. Tôi hỏi những người trực thì họ bảo ‘tự tìm hiểu đường đi nước bước để đi thăm chứ họ không biết’.

Anh Nguyễn Hữu Quốc Duy, sinh năm 1985, bị bắt vào tháng 11 năm 2015 với cáo buộc sử dụng Facebook để ‘tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Trong thực tế, Nguyễn Hữu Quốc Duy bày tỏ ủng hộ đối với việc làm của người em họ là Nguyễn Hữu Thiên An khi phản đối đảng cộng sản Việt Nam về những điều tệ hại gây ra cho đất nước. Ngoài ra Nguyễn Hữu Quốc Duy còn bị buộc tội về việc trao đổi quan điểm, chính kiến với một số bạn trẻ khác qua mạng xã hội Facebook.

Phiên xử vào tháng 8 năm 2016 tuyên Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm tù và Nguyễn Hữu Thiên An 2 năm tù về những cáo buộc vừa nêu.

*************************

Dấu ấn Phan Châu Trinh (RFA, 20/02/2017)

nhanquyen4

Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu tại lễ ra mắt Viện Phan Châu Trinh hôm 7/2/2017. Photo courtesy of tuoitre.vn

Hôm 7 tháng 2, Viện Phan Châu Trinh chính thức ra mắt tại thành phố Hội An. Vị chủ tịch Viện, nhà văn Nguyên Ngọc, cho biết sự ra đời của viện nhằm phát huy di sản tinh thần của nhà khai sáng Phan Châu Trinh.

Tại khắp các tỉnh thành của Việt Nam hiện có những con đường, trường học mang tên Phan Châu Trinh. Mục đích nhằm ghi nhớ cũng như truyền bá tư tưởng mà ông đưa ra hơn một thế kỷ qua với mục tiêu canh tân đất nước qua phong trào Duy Tân với khẩu hiệu ‘Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’.

Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Viện Phan Châu Trinh mới ra mắt tóm tắt lại tư tưởng của cụ Phan :

Nếu anh thua về văn hóa thì không thể lấy chiến tranh để giải quyết văn hóa, chỗ đó rất là quan trọng. Chiến tranh nó làm việc khác, chiến tranh có thể dành lại được độc lập, nhưng nếu anh không giải quyết được cái trình độ văn minh của dân tộc thì nếu anh có dành được độc lập thì việc độc lập đó cũng như vô nghĩa, không thể vững chắc được.

Phan Châu Trinh nhận ra cái nguy hiểm nhất của dân tộc mình là không phải là mất nước, mà Phan Châu Trinh thấy cái nguy cấp hơn rất nhiều là lạc hậu. Ông cho mình thua là vì mình lạc hậu. Lạc hậu theo nghĩa là lạc hậu về thời đại, lạc hậu hơn người ta cả một nền văn minh, vì vậy cần phải giải quyết việc nâng dân trí lên. Nâng dân trí lên là văn minh hóa cái dân tộc này".

Ông cũng đưa ra nhận định về tính thời sự của tư tưởng Phan Châu Trinh mà theo ông thì vẫn có thể áp dụng cho thời đại hiện nay.

Thậm chí bây giờ mình lạc hậu không những là so với thế giới mà còn cả trong khu vực. Ngày xưa thời Phan Châu Trinh khu vực Châu Á này lạc hậu so với Châu Âu, so với Phương Tây, ngày nay mình còn lạc hậu so với cả Châu Á nữa, vì vậy tư tưởng của Phan Châu Trinh là nó vô cùng thời sự, nó hết sức cập nhật, nó y như bây giờ. Bây giờ mình vẫn chưa thoát ra được cái tình hình mà Phan Châu Trinh đã thấy cách đây 100 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng dân trí Việt Nam vẫn lạc hậu, và thế hệ trẻ Việt Nam đang thua kém dần các bạn đồng trang lứa tại các nước trong khu vực. Sự lạc hậu là do sai lầm trong giáo dục hiện tại. Những người quản lý giáo dục tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm.

Sự ra đời của viện Phan Châu Trinh nhằm quảng bá lại đường lối canh tân của nhà khai sáng này mong muốn có thể đóng góp phần nào cho công tác nâng cao dân trí Việt Nam như lời nhà văn Nguyên Ngọc :

Lập viện Phan Châu Trinh thì mình chỉ là một đóng góp nhỏ thôi. Nhưng chúng tôi nghĩ nếu mình đóng góp những gì cụ thể thì mình đóng góp. Cái thứ hai là mình đặt vấn đề đó ra, khơi gợi vấn đề đó ra. Cố gắng mong muốn làm cho viện Phan Châu Trinh để khi mình tiếp tục các hoạt động về Phan Châu Trinh, để tư tưởng của Phan Châu Trinh được lan tỏa ra đất nước mình hiện nay. Thấy cho ra vấn đề, chứ hiện nay đó, mình cứ loay hoay mãi chuyện phát triển kinh tế không thì không phải.

Một đội ngũ chuyên gia và nhà nghiên cứu làm việc tại Viện sẽ giúp cho những ai đến tìm hiểu. Trong số này có những vị như giáo sư Chu Hảo – giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, ông Vũ Thành Tự Anh – giảng viên Đại học Fulbright, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn văn Trọng.

Minh Khoa, RFA

***********************

Luật sư nói về "án bỏ túi" (RFA, 20/02/2017)

nhanquyen5

Người dân biểu tình bên ngoài tòa án diễn ra phiên xử blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016. AFP photo

Thuật ngữ "án oan" hay còn gọi ‘án bỏ túi’ được sử dụng tại Việt Nam lâu nay để nói đến những vụ án mà bị can bị hàm oan do phía công an, tư pháp gây nên.

Án oan

Gần đây có một số trường hợp tử tù sắp bị đưa đi thi hành án được giải oan ; đó là trường hợp của những người sau nhiều năm tháng phải ở tù dù không hề phạm trọng tội bị cáo buộc như ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long…

Luật sư Ngô Ngọc Trai, người theo đuổi vụ án Hàn Đức Long đến khi ông này được minh oan, nhận định nguyên nhân đầu tiên dẫn đến án oan là quy định pháp luật còn bất cập, không hợp lý :

Tư pháp hiện nay còn mang nặng thuộc tính buộc tội, thiếu cơ chế giúp cho bên gỡ tội.

Nguyên nhân thứ hai theo vị luật sư này đưa ra là việc thực thi pháp luật trên thực tế còn có nhiều vấn đề do năng lực, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế và sự công tâm khách quan của các cơ quan tư pháp :

Thứ nhất, các cán bộ tư pháp chạy theo thành tích, nên họ buộc phải tìm ra hung thủ, nếu không thì việc thăng thưởng cán bộ và trách nhiệm họ sẽ bị ảnh hưởng. Vì những yếu tố như thế nên dễ dẫn đến việc giải quyết các vụ án toàn dẫn ra oan sai.

Bổ sung cho ý kiến của Luật sư Ngô Ngọc Trai, Luật sư Nguyễn Hà Luân nói rằng :

Bởi vì khi không xác định được sự thật của vụ án hoặc sự thật vụ án bị bóp méo thì nhất định dẫn đến án oan.

Quốc hội khoá 13 của Việt Nam đã thông qua 4 đạo luật liên quan đến tố tụng hình sự gồm có Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật về hoạt động điều tra hình sự, Luật về tạm giam, tạm giữ nhằm phục vụ cho mục tiêu "cải cách tư pháp" và giảm thiểu tình trạng án oan sai.

Tuy nhiên, các đạo luật này đang bị tạm đình chỉ thi hành do có hơn 90 lỗi trong Bộ luật Hình sự cần điều chỉnh. Theo đánh giá của Luật sư Ngô Ngọc Trai :

Luật thi hành tạm giữ tạm giam đã cải thiện quyền của những người bị giam giữ cũng như môi trường, điều kiện cho những người bị giam giữ, bởi vì lâu nay môi trường giam giữ ở Việt Nam còn rất khắc nghiệt, những quyền về tự do dân chủ của họ gần như bị tước đoạt.

Luật sư Ngô Ngọc Trai nhắc lại, quy định tiến bộ hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc thi hành trong thực tế :

Tôi cho rằng vai trò của luật sư, những người có tri thức có thể giúp truyền tải đến cộng đồng những điểm mới của nền tư pháp hình sự để người ta hiểu và thực hiện đúng quyền công dân của mình.

Vẫn theo luật sư :

Đây là quá trình đấu tranh pháp lý để sau nhiều năm tháng theo đuổi thì luật sư bào chữa cùng với gia đình bị can bị cáo đã buộc được các cơ quan tư pháp kia phải minh oan.

"Án tại hồ sơ"

Trong nền tư pháp hình sự tại Việt Nam, thuật ngữ "án tại hồ sơ" được biết tới rất phổ biến và có ảnh hưởng lớn đến phán quyết của quan tòa :

Thực tế các cơ quan điều tra xoáy vào việc lấy lời khai trong quá trình giam giữ để tạo dựng hồ sơ kết tội. Trong khi lời khai chỉ có thể được coi là cơ sở căn cứ giải quyết vụ án khi nó đảm bảo sự tự nguyện của bị can bị cáo, không bị bức cung nhục hình, hay phải có sự thống nhất.

Luật sư Nguyễn Hà Luân nêu ví dụ khi Toà án giải quyết vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang như một điển hình "tai hại của án tại hồ sơ" gây oan khiên :

Cho dù xét xử là sơ thẩm, xét xử lên đến phúc thẩm với những thẩm phán dày dặn kinh nghiệm nhưng các vị thẩm phán đó chỉ dựa vào hồ sơ mà không xem xét đến những chứng cứ khác.

Theo mô hình tố tụng hình sự hiện tại, phần xét hỏi thường kéo dài và phần tranh luận tại phiên toà có chất lượng kém do ảnh hưởng bởi tư duy của phía công tố - đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử :

Họ thường nói ‘Giữ nguyên quan điểm của mình’. Thậm chí có trường hợp họ không hề đưa ra được bất kỳ quan điểm gì thì họ vẫn nói rằng họ giữ nguyên quan điểm. Họ còn có thêm câu ‘Việc này để dành cho Hội đồng xét xử quyết định’.

Trong khi đó, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng :

Trong pháp luật cho phép sau khi hồ sơ viện kiểm sát chuyển sang tòa án cho phép thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy hồ sơ vụ án chưa thấy đủ cơ sở căn cứ để kết tội thì được quyền trả lại hồ sơ vụ án để yêu cầu bổ sung.

Chính vì những bất cập như vậy, các luật sư đều mong đợi sự thay đổi tích cực trong cải cách tư pháp tại Việt Nam, như nêu cao vai trò của luật sư, tôn trọng quyền con người và quan trọng là trong hoạt động tố tụng phải thể hiện đúng trách nhiệm tôn trọng sự thật của vụ án nhằm tránh oan sai.

Hiện thân nhân của một số tử tù như Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng và Hồ Duy Hải tại Long An… lâu nay tiếp tục kêu oan đến các cấp cao nhất của chính phủ và cả đảng cộng sản Việt Nam, khẳng định người thân của họ không hề phạm tội và còn trưng ra bằng chứng về thủ phạm.

Chân Như, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)