Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/08/2018

Việt Nam ngày nay có còn là vùng đất đáng sống ?

Tổng hợp

Cảng biển Việt Nam thành bãi chứa phế liệu (RFA, 03/08/2018)

Hiện đang có hàng nghìn container hàng phế liệu được nhập về Việt Nam nằm khắp các cảng trên cả nước nhiều tháng nhưng không có doanh nghiệp nào đến nhận, gây khó khăn trong việc quản lý và xử lý số lượng các loại phế liệu này.

cang1

Hình ảnh hoạt động tại cảng Hải Phòng. Ảnh AFP

Nhập phế liệu về bỏ

Cơ quan Hải quan Việt Nam cho biết, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu một lượng lớn các mặt hàng này từ các nước phát triển bị chuyển đến các nước Châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Thực tế cho thấy hiện có hàng nghìn container phế liệu đang nằm tại các cảng biển Việt Nam ; thế nhưng không có doanh nghiệp nào đến nhận gây ra tình trạng quá tải.

Vào ngày 25/7 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra, xử lý tới cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không ai nhận :

"Phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân. Vì vậy, cần phân công trách nhiệm rõ ràng về vấn đề này".

Một nhân viên có tên Hùng đang làm việc tại Tân Cảng, Sài Gòn cho chúng tôi biết về thực tế mà cả ông thủ tướng chính phủ Hà Nội phải lên tiếng :

"Do ảnh hưởng của cái mặt hàng tồn lâu ngày, đặc biệt là mặt hàng nhựa và giấy phế liệu này thì nó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất cảng, làm giảm tốc độ thông quan hàng hóa. Các chi phí lưu container, lưu bãi cho khách hàng để giải phóng những container hàng lâu ngày là rất lớn, nên một số doanh nghiệp gần như bỏ trốn và không đến nhận hàng".

Nguyên nhân doanh nhiệp không đến nhận hàng còn được lý giải vì nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường, khai báo không đúng chủng loại, khai thuế không đúng hoặc có vấn đề gian lận thương mại…

Một chuyên gia trong ngành xuất nhập khẩu chia sẻ với chúng tôi qua email rằng"Đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của Việt Nam. Mà nếu bên bán đóng hàng vào container lẫn một ít loại khác, cả lô hàng sẽ bị định mác chất thải không được phép nhập khẩu, nên doanh nghiệp ngậm đắng nuốt cay không dám đến nhận hàng".

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến tình trạng tồn container phế liệu đó là do nhiều doanh nghiệp sử dụng địa chỉ "ma" để mở tờ khai. Khi phát hiện lô hàng có vấn đề hay bị lực lượng hải quan xử lý, các doanh nghiệp này "bỏ của chạy lấy người".

Cùng quan điểm đó, Anh Trúc Hiền hiện đang lo về giấy tờ thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái cho chúng tôi biết, hầu hết các container phế liệu về Việt Nam là hàng "tầm bậy" hải quan giữ lại nên không thể thông quan.

cang2

Các container tồn đọng tại cảng Hải Phòng. AFP

Anh Hiền cho biết thêm :

"Không phải là không tới nhận được, hầu hết là hàng tầm bậy nên hải quan giữ lại thì sao thông quan mà là hàng đó là anh khai A mà hàng về toàn là B, C gì đó nên doanh nghiệp nó không ra nhận được vì giấy tờ trục trặc nên liên quan đến phế liệu là hải quan nó giữ lại hết, chắc chăn không phải là A rồi bên trong cái Container đó hàng đồ tè lè hết, nó không còn là phế liệu nữa nên hải quan nó cho qua máy soi thấy không đúng là nó giữ lại hết".

Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng Cục Hải nói với báo giới rằng cơ quan ông cũng khó có thể tìm được chủ nhân thực sự của những container phế liệu vì mời họ không tới nhận, trụ sở thì không có thật. Ngoài ra không thể đối chiếu giấy tờ bản gốc bên Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Bế tắc xử lý

Tổng cục Hải quan Việt Nam vào ngày 30/7 cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018, các mặt hàng phế liệu nhập về gồm dây cáp điện, máy móc thiết bị cũ, phân bón, nông sản, nguyên liệu may mặc, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa... là từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Ngoài ra còn từ các thị trường khác như Thái Lan, Đức, Bỉ và cả từ Lào về.

Anh Hùng đang làm việc tại Tân Cảng cho biết việc tiêu hủy các mặt hàng này hiện nay rất khó khăn vì ẩn chứa chất độc hại và chi phí tiêu hủy rất lớn. Anh cho biết thêm :

"Hiện nay nhiều khách hàng, hãng tàu cũng như là cảng không chịu được chi phí này. Chúng tôi có giải pháp đề xuất các cơ quan ban ngành là được chuyển các container tồn trên 90 ngày đi các cơ sở khác của công ty để lưu trữ và đảm bảo tính nguyên vẹn của hàng hóa".

Nhà hoạt động môi trường Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng quan điểm của anh là nên trả các mặt hàng này về lại nơi xuất đi. Tuy nhiên theo anh Trúc Hiền thì cách này hầu như không thể. Anh cho biết :

"Đã tới, nhập vào cảng của Việt Nam rồi thì phía Việt Nam sẽ xử lý bởi vì mỗi một lần trả về lại nơi xuất tốn nhiều công đoạn và tốn nhiều tiền lắm, tàu bè, lưu công, lưu bãi, book lại tàu này nọ nên thông thường họ sẽ không làm điều đó và bên phía hãng tàu họ cũng không nhận".

Một chuyên gia tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần xem xét lại quy định về tạm nhập- tái xuất, cũng như quy định cho phép chủ hàng có thể từ chối nhận hàng nhập khẩu nếu không đúng với hợp đồng. Do cả những qui định liên quan và biện pháp quản lý còn khá lỏng lẻo góp phần dẫn đến tình trạng hằng nghìn container hàng phế liệu ùn tắt tại các cảng biển Việt Nam như hiện nay.

*******************

Hiểm họa tro xỉ than nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4 ở Bình Thuận (Người Việt, 04/08/2018)

"Ba năm nữa, bãi xỉ chung của hai nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4 sẽ hết chỗ chứa". Đó là báo động của Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Thuận khi bãi chứa xỉ ở nơi này đã quá sức chứa.

cang3

Bãi xỉ của nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2 sắp hết sức chứa. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Thuận cho biết tính đến này 1 Tháng Tám, 2018, nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2, và Vĩnh Tân 4 đã hoạt động chính thức và dùng chung bãi thải tro, xỉ có diện tích 38.37 hécta, sức chứa khoảng 9.3 triệu mét khối.

"Bãi thải tro, xỉ nhà máy Vĩnh Tân 2 đã chứa khoảng 3.9 triệu mét khối tro, xỉ phát sinh. Với tốc độ chôn lấp tro, xỉ như hiện nay, nếu không có biện pháp xử lý trong thời gian tới dự báo ba năm nữa, bãi chôn lấp sẽ lấp đầy theo thiết kế", báo này viết.

Ngày 3 Tháng Tám, nói với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thiên Thanh Sơn, giám đốc nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2, cho biết đến thời điểm hiện tại bãi xỉ của nhà máy đã chứa khoảng 4.4 triệu mét khối và mỗi năm chỉ riêng Vĩnh Tân 2 đã thải ra khoảng 1.2 triệu mét khối".

"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi, đón chào tất cả đối tác khác có nhu cầu đến cùng hợp tác, chung tay giải quyết lượng tro xỉ của nhà máy", ông nói.

Theo báo này, thoạt đầu tro xỉ từ các nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân được công ty Đầu Tư Mãi Xanh ký hợp đồng tiêu thụ để sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, việc này không được triển khai do giá thành sản phẩm gạch không nung được ghi nhận "không thể cạnh tranh nổi với gạch nung trên thị trường".

Hồi Tháng Bảy, 2017, báo Bình Thuận khẳng định "50% tro xỉ nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2 sẽ được tiêu thụ vào đầu Tháng Mười Một, 2017". Tuy vậy, sau mốc thời gian này, điều đó không xảy ra.

cang4

Nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2 đang chứa khoảng 4.4 triệu mét khối tro xỉ. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Đáng lưu ý, mỗi khi đề cập về Nhiệt Điện Vĩnh Tân, truyền thông trong nước gần như tránh nhắc đến chi tiết các nhà máy thuộc dự án này đều do Trung Quốc đầu tư hoặc góp vốn với tỷ lệ lớn để kiểm soát.

Nhà báo Phương Nam của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tiết lộ thêm trên trang Facebook cá nhân : "Đặt tới năm nhà máy nhiệt điện trên địa bàn một xã nhưng đến thời điểm này Bộ Xây Dựng mới triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc tận dụng tro xỉ làm vật liệu san nền và đường giao thông giống như nước tới chân mới nhảy".

Trên mạng xã hội, một số người dân xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo ở Bình Thuận đang ca thán về bãi thải tro xỉ của Nhiệt Điện Vĩnh Tân gây bụi bặm, ô nhiễm, khiến nước giếng không uống được vì nhiễm mặn, cây trồng bị chết hàng loạt.

Tháng trước, mạng xã hội lan truyền một clip cho thấy cột khói đen nghịt bốc cao hàng chục mét từ ống khói của nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1. Hình ảnh này gây lo ngại và nghi vấn xảy ra một vụ cháy, nhất là sau khi nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2 gần đó để lộ bãi tro xỉ tồn đọng 4 triệu mét khối và con số này "không có dấu hiệu dừng lại".

Nghi vấn càng tăng cao sau khi clip về vụ việc đột ngột bị xóa trên các Facebook đưa tin ban đầu mà "không rõ nguyên do".

Hồi cuối Tháng Sáu, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) cho biết họ đã kiến nghị lên chính phủ cộng sản Việt Nam và Bộ Công An đưa Trung Tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân vào diện "bảo vệ an ninh đặc biệt".

Thời điểm đó, truyền thông trong nước cũng dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Hai, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận, giải thích : "Sở dĩ có kiến nghị này là vì Trung Tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân có vị trí đặc biệt nhạy cảm". (T.K.)

******************

Chính quyền bắt tay với ‘cát tặc,’ dân sống dọc sông Đồng Nai lãnh đủ (Người Việt, 04/08/2018)

Dọc sông Đồng Nai, từ hạ nguồn qua Biên Hòa đến thượng lưu, nhiều đoạn bờ sông bị khoét lở toang hoác, khiến đất đai, nhà cửa của người dân có thể trôi xuống sông bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương trước đó thi nhau ký giấy cho khai thác cát tràn lan.

cang5

Bờ kè thuộc xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, bị cuốn trôi, một góc chợ và nhà dân đổ xuống sông. (Hình : Người Lao Động)

Ngày 4 Tháng Tám, 2018, báo Người Lao Động cho biết sông Đồng Nai đi qua tỉnh Đồng Nai hiện có nhiều vùng đang sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở kéo dài từ phía thượng nguồn, qua Vườn Quốc Gia Cát Tiên, huyện Vĩnh Cửu, đến tận thành phố Biên Hòa rất nghiêm trọng, khiến nhiều diện tích đất đai, hoa màu, tài sản của người dân ở ven sông, ở các cù lao tiếp tục bị đe dọa.

Cụ thể, ở đoạn sông chảy qua xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, nhiều khu vực bờ sông biến thành bờ vực dựng đứng, đất đai hoa màu của người dân bị kéo tuột xuống sông. Vườn tược nhiều nơi bị "gặm" sâu hàng chục mét. Có nơi nhà dân bị xô đổ xuống sông, còn lại những bức tường loang lổ. Nơi khác, vài căn nhà hoang còn lại… nửa căn, chênh vênh bên bờ vực trông thật thảm hại.

cang6

Nhà đã trôi sông, còn nhà bị đe dọa khi mà móng nhà đã trơ ra cùng đất. (Hình : Người Lao Động)

Dọc sông, để giữ đất, người dân phải dùng cừ tràm đóng kè hoặc trồng các loại cây dưới nước để ngăn sạt lở. Nhà có điều kiện thì xây kè xi măng để giữ vườn. Thế nhưng, vẫn không thể chống đỡ với miệng hà bá quái ác.

Từ đầu sông thuộc tỉnh Lâm Đồng, rồi đoạn qua tỉnh Bình Dương đến Biên Hòa về huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, hiện có hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng. Đoạn qua các xã, phường Hóa An, Bửu Hòa, Hiệp Hòa (Cù Lao Phố), tình trạng sạt lở nặng khiến người dân khóc ròng.

Người dân Cù Lao Phố lo lắng cho hay, đất đai, tài sản của họ đang bị dòng nước "gặm" từng ngày mà không có cách nào khắc phục.

cang7

Dọc xuống phía dưới qua huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, và Tân Uyên của Bình Dương cũng sạt lở tan hoang, kéo dài hàng trăm mét khiến người dân phải chịu bỏ của chạy lấy người. (Hình : Người Lao Động)

Ông Lê Văn Chín (84 tuổi, ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết trước đây ranh đất của gia đình ông kéo dài ra phía ngoài sông khoảng 30 mét và trồng nhiều cây trái nhưng bây giờ chỉ còn là dòng nước mênh mông, quặn đục. "Dòng sông ngày xưa êm đềm, giờ chỉ thấy cảnh xói lở, mất mát…" ông nói.

Ông Trần Thế Hùng cũng ở cù lao thuộc xã Hiệp Hòa nhận xét : "Ngày trước tốc độ sạt lở chậm nhưng mấy năm trở lại đây nhanh đột biến, nhà nào có đất ven sông cũng đều phải bỏ hàng trăm triệu đồng đổ đất đá, đóng cọc, làm kè nhưng đều không xuể".

Theo người dân, nguyên nhân là do chính quyền địa phương thi nhau ký giấy cho khai thác cát tràn lan, bất chấp hậu quả trong thời gian dài. "Cát tặc" cứ thế tung hoành khắp lòng sông suốt thời gian qua.

Ông Lê Hoàng Long, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Bình Lợi, bất bình nói : "Đề nghị các ngành chức năng xử lý triệt để tình trạng bơm hút cát trái phép trên địa bàn để bà con ổn định đời sống, an tâm sản xuất".

cang8

Một thời gian dài, các ghe núp dưới dự án khai thác cát làm tan nát cả dòng sông. (Hình : Người Lao Động)

Xác nhận tình trạng sạt lở diễn ra quanh cù lao với báo Người Lao Động, chính quyền xã Hiệp Hòa, cho hay nếu so sánh với bản đồ địa chính thành lập năm 1993 thì hiện nay nhiều điểm trên cù lao đã bị ăn sâu vào từ 20 mét đến 30 mét, và hầu hết chu vi cù lao đều bị ảnh hưởng.

Chủ tịch xã Hiệp Hòa, ông Triệu Trung Tính, cho hay hiện chưa có giải pháp căn cơ nào để ngăn sạt lở, giữ đất cù lao.

Ngay cả Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai nhiều năm trở lại đây cũng đánh giá "tình trạng sạt lở dọc sông Đồng Nai là nghiêm trọng, cần có giải pháp căn cơ để bảo vệ sông, bảo vệ tài sản người dân", nhưng đến nay cũng chẳng thấy hoạt động thiết thực nào vẫn bỏ mặc cho người dân tự chống chọi trong vô vọng. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 459 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)