Malaysia chưa cho Việt Nam tiếp xúc với nghi phạm sát hại công dân Triều Tiên (Infonet, 20/02/2017)
Đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin, phía Malaysia cho biết do đây là vụ án nghiêm trọng nên trong vòng 7 ngày chưa cho tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm bị bắt giữ. Do đó, quá trình xác minh chưa có tiến triển.
Nghi phạm Đoàn Thị Hương (người trong vòng tròn đỏ) bị bắt giữ tại Malaysia
Về thông tin liên quan đến nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam có tên Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại Malaysia vừa qua, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết :
"Ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc Malaysia bắt giữ một nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam dưới tên Đoàn Thị Hương, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan. Đồng thời, các cơ quan chức năng trong nước cũng đang tích cực phối hợp chặt chẽ để xác minh thông tin. Tuy nhiên, phía Malaysia cho biết do đây là vụ án nghiêm trọng nên trong vòng 7 ngày chưa cho tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm bị bắt giữ. Do đó, quá trình xác minh chưa có tiến triển.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đang tiếp tục theo dõi sát vụ việc".
Trước đó, ngày 16/02/2017, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc công dân Triều Tiên Kim Chol được cho là bị sát hại tại Malaysia, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà nêu rõ :
"Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm dưới mọi hình thức và mọi mục đích. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm.
Liên quan đến vụ việc vừa xảy ra tại Malaysia, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan".
L.G
******************
Thông tin bất ngờ về Doan Thi Huong trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam (VOA, 21/02/2017)
Nghi can mang giấy tờ Việt Nam trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên, xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nhân thân và lý lịch gia đình tốt, theo xác nhận của giới hữu trách địa phương với VOA Việt ngữ.
Thông tin về nghi can Đoàn Thị Hương hoàn toàn trùng khớp với thông tin cá nhân của cô gái 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ngay cả ngày sinh 31/5/1988 cũng trùng khớp.
Truyền thông trong nước dẫn hồ sơ tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nam Định, cho biết cô Hương làm hộ chiếu phổ thông vào ngày 21/10/2015, đăng ký thường trú tại xã Nghĩa Bình. Bố tên Đoàn Văn Thạnh, mẹ là bà Đoàn Thị Hường.
Trao đổi với VOA Việt ngữ tối ngày 20/2, ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch xã Nghĩa Bình, cho biết bản thân cô Hương và gia đình "không có vấn đề, không làm gì phiền hà cho cộng đồng tại địa phương" và rằng bố cô Hương là thương binh "chống Mỹ" 2/4 hiện đang được hưởng trợ cấp xã hội.
"Cô ấy là con của ông Đoàn Văn Thạnh, xã Nghĩa Bình. Bố của cháu này là thương binh, rất đàng hoàng. Xã giao cho anh ấy coi giữ xe ở chợ. Còn mẹ cô Hương chết rồi, giờ có mẹ kế phụ bố trông coi xe ở chợ Nghĩa Bình, trông coi xe đạp xe máy cho người ta đi chợ thôi", ông Cương nói.
Chủ tịch xã cho hay trước đây, gia đình cô Hương thuộc diện "hộ nghèo", nhưng vài năm gần đây, kể từ khi mẹ ruột cô mất vào năm 2014, gánh nặng có đỡ hơn.
Ông Cương nói cô Hương từng đi học trung cấp dược, sau đó lên Hà Nội đi làm, nhưng không rõ làm cho công ty nào, ở đâu.
Theo nguồn tin này, bố mẹ cô Hương cho biết cô có đi xuất cảnh đi nước ngoài, không rõ thời gian nào, nhưng cô vừa về nhà ăn Tết với gia đình.
"Gia đình bảo rằng cô ấy về ngày 25/1 tới ngày 2/2 thì đi", Chủ tịch xã Nghĩa Bình thuật lại.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Cương, gia đình cô Hương chưa thể xác định cô gái Nam Định này chính là nữ sát thủ đã ra tay hạ độc ông Kim Jong Nam hôm 13/2 vừa qua tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia khi tiến tới ụp chiếc khăn có tẩm độc vào mặt ông Kim ngay giữa thanh thiên bạch nhật rồi thản nhiên rời khỏi hiện trường. Ông Kim tử vong trên đường được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
"Nếu nói Đoàn Thị Hương ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng thì đúng gia đình người ta xác nhận là con người ta rồi, nhưng vì hình ảnh chụp mờ nên người ta cũng chưa rõ. Về ngày tháng năm sinh thì đúng rồi, nhưng cái hình hơi mờ nên người ta cũng còn đang…vì hình cũng không rõ", Chủ tịch xã Nghĩa Bình cho VOA Việt ngữ biết.
Ông Cương cũng nói thêm rằng vì cô Hương vẫn là một công dân Việt Nam, không phải Việt kiều, không phải đăng ký với chính quyền địa phương, nên địa phương không nắm rõ ngày giờ cô có mặt hay thời điểm cô rời khỏi địa phương cư trú.
Gia đình cô Hương, theo lời kể của Chủ tịch xã, từ ngày cô lên Hà Nội, cũng không nắm rõ nơi ăn chốn ở của con gái, không biết cô mưu sinh bằng cách nào hoặc có bất kỳ mối liên hệ nào ở các nước lân cận như Malaysia, Trung Quốc, hay Bắc Triều Tiên hay không.
"Anh ấy [bố Hương] bảo cháu chỉ cho biết đi làm ăn ở Hà Nội thôi. Vì điều kiện gia đình, anh cũng chỉ biết lo làm ăn ở nhà, cũng không xác minh được con mình làm ăn ở chỗ nào. Cô ấy làm ăn thế nào, ông bố cũng không biết được", ông Cương nói.
Người đứng đầu khu vực Hương đăng ký thường trú cho hay cô gái này "ít tiếp xúc với hàng xóm xung quanh" nên khi nghe tin vụ ám sát địa phương không nghĩ rằng cô Hương "tới mức độ như thế".
"Cháu chỉ đi học xong nó về, nó ít tiếp xúc, nên người ta cũng không nghĩ nó đến như thế đâu", ông Cương tiếp lời.
Về phản hồi của gia đình cô Hương trước thông tin vụ ám sát ông Kim Jong Nam tại Malaysia, ông Cương nói : "Người ta cũng thoải mái khi được hỏi về tên tuổi, thông tin. Người ta cũng cung cấp thông tin về con cái của họ. Người ta giờ cũng không biết con cái người ta như thế nào".
Chủ tịch xã cho biết gia đình cô Hương cũng "chưa có ý kiến" nhờ phía Việt Nam can thiệp hay tiếp xúc lãnh sự với nghi phạm đang bị câu lưu điều tra tại Malaysia.
Nguồn tin này cho hay từ khi xuất hiện thông tin vụ ám sát gây chấn động công luận thế giới, sinh hoạt gia đình cô Hương tại Nam Định vẫn bình thường, không bị xáo trộn hay ảnh hưởng.
Ông Cương nói các cơ quan chức năng của Việt Nam đã về xã tìm hiểu để tiến hành điều tra và xã tích cực hợp tác, cung cấp và xác minh các thông tin về lý lịch, nhân thân, và hoàn cảnh gia đình cô Đoàn Thị Hương.
Chủ tịch xã cho hay là con út trong gia đình, Hương có một anh trai và ba chị gái. Hương chưa chồng con, nhưng tất cả anh chị của cô đều đã lập gia đình ra riêng, cùng sinh sống trong xã Nghĩa Bình, gia cảnh khó khăn, mưu sinh bằng nghề nông, làm ruộng. 'Tất cả anh em lý lịch tốt, bình thường, không có vấn đề gì,’ ông Cương nói.
Trà Mi-VOA
***********************
Công an Nam Định có hồ sơ nghi phạm tên Đoàn Thị Hương (VietnamNet, 20/02/2017)
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nam Định có lưu giữ hồ sơ của một người trùng với thông tin nghi can trong vụ sát hại ông Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại Malaysia hôm 13/2.
Trao đổi với VietNamNet, nguồn tin từ Công an tỉnh Nam Định cho biết : Người có thông tin lưu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh có tên đầy đủ là Đoàn Thị Hương, trùng ngày sinh 31/5/1988. Hương đã làm hộ chiếu phổ thông tại phòng này vào ngày 21/10/2015.
Trong hồ sơ này, Đoàn Thị Hương sinh tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bố Hương là ông Đoàn Văn Thạnh (63 tuổi), mẹ là bà Đoàn Thị Hường (62 tuổi).
Ông Vũ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết : "Theo thông tin trên hộ chiếu của nữ nghi phạm sát hại ông Kim Jong Nam thì hoàn toàn khớp với một người dân có tên Đoàn Thị Hương trú tại địa bàn xã.
Sau khi xem ảnh nghi phạm trên mạng, gia đình và một số người dân cũng khẳng định đây chính là cô Đoàn Thị Hương con ông Thạnh, bà Hường".
Bố nghi phạm Hương (ngoài cùng bên phải) chia sẻ với phóng viên
Ông Đoàn Văn Thạnh ở xóm 3 Quần Phương, xã Nghĩa Bình cùng con trai là Đoàn Văn Bính, một người họ hàng là ông Trần Văn Đóa cũng cho rằng đây là Đoàn Thị Hương, người nhà của họ, chỉ có điều so với lần gặp cuối hôm mùng 2 Tết nhìn có khác hơn một chút vì tóc Hương đã cắt ngắn hơn.
Gia đình ông Đoàn Văn Thạnh (63 tuổi), vợ là bà Đoàn Thị Hường (62 tuổi) cùng trú tại xóm 3 Quần Phương, xã Nghĩa Bình có 5 người con, Đoàn Thị Hương là con út. Bà Hường đã mất cuối năm 2015 do bệnh tim.
Nhà của gia đình Đoàn Thị Hương
Hômnay, thông tin với báo chí liên quan đến nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam có tên Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại Malaysia vừa qua, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết : Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan.
Các cơ quan chức năng trong nước cũng đang tích cực phối hợp chặt chẽ để xác minh thông tin.
Theo Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Malaysia, do đây là vụ án nghiêm trọng nên trong vòng 7 ngày chưa cho tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm bị bắt giữ.
**********************
Gia đình nghi phạm Indonesia vụ Kim Jong-nam : "Con tôi vô tội" (BBC, 20/02/2017)
Cha mẹ của nghi phạm người Indonesia đang bị giam giữ liên quan tới cái chết của ông Kim Jong-nam quả quyết rằng con gái họ vô tội, bị gài bẫy và lợi dụng.
Gia đình nghi phạm Indonesia vụ Kim Jong Nam nói cô vô tội
Siti Aishah bị bắt ở Malaysia tuần trước và hiện đang bị cảnh sát giam giữ.
Mẹ của Siti Aishah nói rằng con gái bà kể với bà là cô được đề nghị làm người mẫu ở Malaysia.
"Cháu nó bảo nó muốn tới Malaysia để quay phim cho một chương trình làm mọi người giật mình ngạc nhiên bằng việc xịt nước hoa lên một người khác. Cháu nó được đề nghị làm công việc này để trở thành một người mẫu quảng cáo cho nước hoa. Cháu là một cô gái vô tội và làm việc đó chỉ vì được trả nhiều tiền".
Bà Benah đã rất kinh ngạc khi nghe tin con gái mình bị cảnh sát Malaysia bắt vì có liên quan tới vụ giết ông Kim Jong-nam.
Chồng bà, ông Asria, nói ông tin con gái ông vô tội, và ông "xin được giúp đỡ" để Siti không bị trừng phạt.
Siti đã có chồng nhưng sống ly thân, và nay cô cần tiền để nuôi con trai, bà mẹ cô nói.
Trước khi đi tới Malaysia, cô sống tại Jakarta cùng với gia đình nhà chồng.
Hàng xóm xung quanh coi việc cô đi Malaysia không khác gì với hành trình của hàng triệu người Indonesia khác đi ra nước ngoài làm việc, và họ không thể hiểu nổi vì sao cô nay lại dính dáng vào một vụ điều tra quốc tế như vậy.
Chính phủ Indonesia đã nhắc lại yêu cầu được gặp Siti Aishah - và nói rằng họ muốn bảo đảm các quyền pháp lý của công dân họ được bảo vệ.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao cho biết cảnh sát Malaysia nói với họ rằng ở giai đoạn điều tra này cô không được phép gặp bất cứ ai.