Nhà hoạt động Nguyễn Văn Đức Độ kiên cường không nhận tội (CaliToday, 07/08/2018)
Thân nhân của nhà hoạt động Nguyễn Văn Đức Độ (SN 1975) cho Cali Today được biết là gần hai năm kể từ ngày nhà động này bị Cơ quan an ninh tại Sài Gòn bắt với cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam" theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999, đến nay vẫn chưa biết khi nào vụ án mới được đưa ra xét xử, ngoại trừ thông tin được biết là ở trong trại tạm giam ông Độ kiên cường không nhận tội…
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Đức Độ (ảnh : Facebook Nguyễn Độ)
Cùng chung vụ án, cùng bị bắt vào ngày 6/11/2016 với nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và cùng bị cáo buộc tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" nhưng hiện nay Cơ quan an ninh điều tra Việt Nam tại Sài Gòn đã chuyển nơi tạm giam của ông Vịnh từ trại tạm giam Chí Hòa về lại trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu để tiếp tục điều tra, trong khi nhà hoạt động Nguyễn Văn Đức Độ vẫn đang còn bị giam giữ tại trại tạm giam Chí Hòa, tình trạng sức khỏe và tinh thần vẫn bình thường. Thông tin này CaliToday được biết từ những chia sẻ của thân nhân ông Độ.
"Độ vẫn bình thường hiện đang ở tại trại giam Chí Hòa…". Lời của thân nhân ông Độ.
Tính từ ngày bị bắt đến nay đã gần hai năm, thân nhân ông Độ vẫn chưa biết khi nào Tòa án Sài Gòn sẽ đưa vụ án ra xét xử. Thân nhân ông Độ chia sẻ với CaliToday là ở trong trại tạm giam, quá trình làm việc với cơ quan điều tra ông Độ cho rằng những việc mình làm không phải là tội nên không nhận tội.
"Gần hai năm rồi. Bây giờ họ chưa nói về vấn đề gì hết. Tại vì họ ép tội Độ nhưng Độ thì bảo mình không có tội. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền…"
Thân nhân ông Độ cho biết thêm, ở trong trại tạm giam ông Độ không bị đánh đập gì. Cũng như việc bắt giữ nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, cơ quan An ninh tại Sài Gòn đã huy động cả lực lượng dân phòng và công an ước chừng cả mấy chục người khuấy động cả khu phố để thực hiện việc bắt giải ông Độ.
Thời điểm này việc bắt giữ ông Độ không có sự chứng kiến của thân nhân ông Độ và mãi đến mấy tháng sau gặp mặt được ông Độ thì thân nhân ông Độ mới biết thời điểm bị bắt, ông Độ bị đánh đập rất thô bạo.
"Vào đó (trại tạm giam) thì không có bị đánh đập nhưng hồi trước đây, lúc bị bắt Độ có yêu cầu là cho biết lý do bắt hoặc để cho người dân chứng kiến họ đọc lệnh bắt nhưng họ không chấp nhận. Họ khống chế Độ xong rồi họ đánh đập. Họ đánh Độ đến nỗi máu mắt, máu mũi và máu lỗ tai gì nó cũng ra hết. Họ đánh đập ngay tại địa điểm bắt, lúc trên đường gần về nhà".
Ngày 11/11/2016, Cơ quan điều tra Công an Sài Gòn có xác nhận bằng miệng với thân nhân ông Độ rằng việc bắt giữ ông Độ để điều tra có liên quan đến một tổ chức tên là Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết.
Tổ chức Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết là một tổ chức công khai đấu tranh chính trị với Đảng cộng sản Việt Nam, mục tiêu làm sao Đảng cộng sản Việt Nam phải trao trả quyền lực về tay người dân Việt Nam, để người dân Việt Nam tự quyết, đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Tổ chức này tuyên bố thành lập vào ngày 15/7/2016 tại Sài Gòn, do ông Lưu Văn Vịnh và những người bạn của ông Vịnh sáng lập.
Vụ án này, ngoài ông Độ và ông Vịnh thì còn có thêm ba, bốn người nữa cùng bị bắt. Tòa án Sài Gòn từng trả hồ sơ về lại Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung thêm.
Giới hoạt động dân sự ở Việt Nam biết nhiều đến nhà hoạt động Nguyễn Văn Đức Độ kể từ lúc người dân Việt Nam ở nhiều tỉnh thành trong đó có Sài Gòn xuống đường biểu tình yêu cầu Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường và rời khỏi Việt Nam vì đã gây ra thảm họa môi trường biển ở miền Trung vào tháng 4/2016. Ông Độ được biết là người hưởng ứng tích cực việc người dân xuống đường để lên tiếng cho nạn ô nhiễm môi trường, cổ vũ quyền con người.
Có chút may mắn cho ông Độ là việc thăm nuôi của gia đình đối với ông Độ tiến triển bình thường và thân nhân có gặp mặt ông Độ được mấy lần chứ không bị cơ quan trại tạm giam gây khó khăn như một số trường hợp của những Tù nhân lương tâm khác.
"Tôi vẫn đi thăm nuôi hằng tháng vậy đó. Tôi đã gặp mặt được Độ khoảng 6 lần rồi. Độ rất là kiên cường".
Cũng trong tháng 11/2016, tức là ngay sau vụ bắt giữ ông Độ khoảng nữa tháng thì Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ra Thông cáo từ Bankok kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ba nhà hoạt động gồm ; ông Hồ Văn Hải, ông Lưu Văn Vịnh và ông Nguyễn Văn Đức Độ.
Thiên Hà
*******************
Lên tiếng về những trường hợp biểu tình ôn hòa bị truy tố, phạt tù (RFA, 07/08/2018)
Có 5 tổ chức xã hội dân sự độc lập và gần 50 cá nhân từ ngày 4 tháng 8 ra một bản Tuyên bố yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho những người biểu tình ôn hòa hôm 10 tháng 6 phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.
Hai mươi người tham gia cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hôm 10/6/2018 bị đem ra xét xử với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Courtesy of vnews.gov.vn
Bản tuyên bố nêu rõ dự luật đặc khu ở 3 huyện Vân Đồn, Bắc Vân Phong , Phú Quốc, là một bất công so với 710 huyện còn lại ở Việt Nam. Trong khi đó luật an ninh mạng bị cáo buộc nhằm mục đích bịt miệng người dân.
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập và cá nhân ký tên vào Tuyên bố cho rằng việc người dân biểu tình để phản đối hai dự luật vừa nêu là một tín hiệu đáng mừng về sự sáng tạo của công dân cho sự tồn vong của đất nước. Mặc dù như vậy, 52 người biểu tình bị bắt ở Thành phố Biên Hòa và 20 người khác bị truy tố với những tội danh mơ hồ vì hành động của họ không gây phương hại tới bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Bản tuyên bố còn yêu cầu chính quyền Thành phố Biên Hòa phải trả tự do ngay cho 20 người biểu tình ôn hòa bị kết án và hủy bỏ những bản án được gọi là "phi nhân" đối với họ.
Ngoài ra các tổ chức và cá nhân ký tên trong tuyên bố còn yêu cầu chính quyền trả lại những tài sản đã thu giữ của người biểu tình, cũng như xin lỗi và đền bù thiệt hại những người bị bắt, đánh đập và giam giữ trong suốt những năm qua. Bản tuyên bố còn thúc giục Quốc hội Việt Nam nhanh chóng đưa ra luật bảo vệ quyền biểu tình của người dân vốn đã được quy định trong Hiến pháp.
Cũng tin liên quan, Luật sư Đặng Đình Mạnh người bào chữa cho vụ án xét xử 20 bị cáo bị bắt, truy tố vì tham gia biểu tình ngày 10 tháng 6 vừa qua ở Thành phố Biên Hòa ngày 7 tháng 8 đã gửi một bản kiến nghị đến Công an tỉnh Biên Hòa về tình trạng nhân viên trại giam đe dọa ngăn cản quyền kháng cáo của những bị cáo này.
Chiều cùng ngày, luật sư Đặng Đình Mạng nói với RFA rằng người thân các bị cáo tới thăm và được cho biết :
Chúng tôi có nghe họ [người thân các bị cáo] phản ánh rằng con em họ, nhất là các bị cáo nữ đã bị cán bộ quản lý trại giam đe dọa nếu ai kháng cáo họ sẽ cho ở chung phòng với những phạm nhân bị HIV. Ý họ nói họ tránh việc kháng cáo của các bị cáo.
Chúng tôi hết sức bức xúc và thực ra đây là việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Luật sư Mạnh cũng cho biết ngay trong chiều cùng ngày đã tới gặp quan lý trại giam Công an Thành phố Biên Hòa tuy nhiên người đại diện nói rằng sự việc không có bằng chứng, chỉ là những lời nói qua lại. Mặc dù vậy người này cho biết sẽ tiến hành kiểm tra.
Chị Nguyễn Thị Kim Vui, là chị gái của hai chị em ruột Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, những người bị tuyên phạt 10 tháng tù giam vì tham gia biểu tình ở Thành phố Biên Hòa hôm 10/6, nói với RFA rằng thân nhân của chị cũng bị trại giam ngăn cản kháng cáo :
Nghe hai đứa khóc nói rằng trong đó quản giáo nói vậy nhưng không rõ có thật không. Chúng nó nói quản giáo bảo không làm đơn kháng cáo.
Chị Nguyễn Thị Kim Vui cho biết gia đình vẫn làm đơn kháng cáo vì họ cho rằng con em họ bị oan chỉ vì những hành động yêu nước.
*********************
Người biểu tình chống Luật Đặc khu bị đe dọa nhốt chung với phạm nhân HIV/AIDS (VOA, 07/08/2018)
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tư vấn cho 11 trong số 20 người bị kết án vì tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu ở Đồng Nai, hôm 7/8 gửi đơn lên cơ quan hữu quan, đề nghị kiểm tra, giám sát và xử lý việc nhiều thân chủ của ông tố cáo họ bị quản giáo ngăn cản kháng cáo và đe dọa sẽ "nhốt chung với những người bị bệnh HIV" nếu không nghe theo.
Tòa án ở Biên Hòa, Đồng Nai, xét xử 20 người biểu tình phản đối dự luật đặc khu vào ngày 30/7/2018.
Trước đó trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 30/7, Tòa án Nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tuyên án 20 người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng các mức án tù từ 8 – 18 tháng tù về tội "gây rối trật tự công cộng".
Bị đe dọa
Sau phiên xử, gia đình của 11 trong số 20 người đã đến nhờ Luật sư Đặng Đình Mạnh tư vấn về thủ tục kháng cáo. Luật sư Mạnh cho VOA biết thêm vào ngày 7/8 :
"Cách đây khoảng ba ngày, chúng tôi liên tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ gia đình họ cho biết những người đang bị giam bị cán bộ quản giáo đe dọa là không được phép kháng cáo. Nếu kháng cáo, sẽ đưa họ qua giam chung với những người bị bệnh HIV".
Phạm nhân nhiễm HIV giết bạn tù đã được TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sáng 22/09/2015.
Theo lời Luật sư Mạnh, những người bị đe dọa đều là nữ giới và đang bị giam tại Cơ sở giam giữ thuộc Công an Thành phố Biên Hòa.
Trong đơn gửi cho Ban chỉ huy của trại giam và Viện Kiểm sát, HĐND tỉnh Đồng Nai, Luật sư Mạnh nói ông không ông "không tự tiện suy diễn sự việc được thực hiện có hệ thống hoặc có chủ trương", nhưng "sự phản ánh nhiều trường hợp về chung một sự việc của các gia đình bị cáo như vậy cho thấy đây không chỉ là hành vi đơn lẻ".
Đơn của Luật sư Đặng Đình Mạnh
Thân nhân của các nữ tù nhân đang bị giam giữ tại trại giam này cho VOA biết người thân của họ đang trong tình trạng rất sợ hãi. Có người còn trách gia đình rằng "Ở bên ngoài làm gì mà để cho bả [cán bộ trại giam] chửi em", đồng thời yêu cầu gia đình "chạy tiền cho cán bộ", với giá 4 triệu đồng, để không bị chuyển sang nhốt chung với người nhiễm HIV/AIDS.
Bất công
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Biên Hòa trong phiên sơ thẩm nói 20 người biểu tình đã "lấn chiếm hết lòng đường, ngăn cản các phương tiện lưu thông qua lại, gây ách tắc giao thông", và "Mặc dù lực lượng công an đã phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, không được tụ tập thành đám đông trên đường nhưng đám đông đã không chấp hành mà tiếp tục quay lại ngã tư Lạc Cường chuyển hướng vào đường Dương Tử Giang", trích báo Pháp Luật.
Tuy nhiên theo lời kể của một người dân, có người thân tham gia trong đoàn biểu tình bị bắt, thì họ đã bị công an dẫn vào con đường này để chặn bắt. Người dân không muốn nêu tên, vì lý do an ninh, kể lại với VOA :
"Hôm biểu tình là công an dẫn đường đấy chứ, tới ngã tư Lạc Cường thì đoàn biểu tình xin quay về hướng cũ, nhưng họ không cho. Họ kêu ‘Đi vào đường đấy đi, đường kia đang cấp cứu kẹt xe rồi. Nó dồn mình vào đường đó rồi bắt hết".
Bản án tù đối với 20 người biểu tình ở Đồng Nai đã bị dư luận và một số tổ chức nhân quyền lên án. Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, việc "gán ghép" một bản án hình sự cho những người tham gia biểu tình là một điều rất bất công, khi họ chỉ đơn thuần thể hiện quyền biểu đạt đã được Hiến pháp quy định.
Ông phân tích : "Thứ nhất, họ không có hành vi gây rối. Hầu như tất cả họ khi tham gia biểu tình hôm đó thì mỗi người đều mang biểu ngữ ‘Phản đối Luật Đặc khu’, ‘Phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm’. Việc họ cầm các biểu ngữ đi trên đường là họ đang thực hiện quyền biểu đạt ý chí. Quyền biểu đạt ý chí thông qua một cuộc biểu tình là hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp Việt Nam".
Ngoài ra, theo Luật sư Mạnh, trong bối cảnh Việt Nam chưa đưa ra luật biểu tình thì không thể đánh giá hành vi biểu tình là có hợp pháp hay không.
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng đã diễn ra rầm rộ trên khắp các tỉnh thành Việt Nam vào ngày 10/6, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Hàng trăm người đã bị bắt và nhiều người bị kết án sau đó bằng các tội danh hình sự.
Trước sức ép mạnh mẽ của công chúng, Quốc hội Việt Nam đã quyết định hoãn việc thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Khánh An