Lương an ninh quốc phòng cao còn giáo viên và nông dân thấp (BBC, 23/08/2018)
Một nhà khoa học Việt Nam đưa ra đánh giá nói công an và quân đội có thu nhập chính thức cao nhất, còn nghề giáo và làm nông là thấp nhất nước này.
Nữ quân nhân Việt Nam tham dự International War Games ở Nga - hình minh họa
Tin này cũng phù hợp với xu hướng thi tuyển đại học gần đây cho thấy các trường an ninh đặt điểm chuẩn cao vì thu hút đông thí sinh, còn ngành sư phạm bị chê.
Tiến sỹ Trần Quang Tuyến từ trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu các đánh giá này hôm 20/08 tại hội thảo "Ước tính tỷ suất sinh lợi và chi phí đơn vị trong giáo dục đại học Việt Nam", theo trang VietnamNet.
Nghiên cứu này không nói đến thu nhập làm thêm của đối tượng được đánh giá, chẳng hạn như giáo viên vì thu nhập thấp có làm nghề phụ.
Và người có bằng đại học thu nhập cao hơn người chưa tốt nghiệp đại học, nhưng khi đã cùng có bằng đại học thì có sự khác biệt về thu nhập giữa các ngành nghề.
"Việc học đại học ở Việt Nam mang lại mức thu nhập cao hơn không học đại học ở tất cả các ngành. Trong đó, ngành an ninh quốc phòng có mức thu nhập cao nhất, ngành nông nghiệp có mức thu nhập thấp nhất".
Vẫn theo báo Việt Nam, phân tích của nhóm nghiên cứu "dựa trên quy luật thống kê số lớn, với dữ liệu dựa trên khảo sát điều tra lao động việc làm trên cả nước quý 1/2018 do Tổng cục Thống kê cung cấp".
"Những ngành như Y, Sư phạm công việc vất vả mà lương không cao nên người lao động phải tính đến chuyện làm thêm bên ngoài".
Vì thế, "thu nhập thực của họ có thể cao hơn thống kê", báo Việt Nam trích lời Tiến sĩ Trần Quang Tuyến nói.
Nhà khoa học cũng băn khoăn về thu nhập của ngành nông nghiệp - thấp nhất thống kê ở Việt Nam, nước có dân số làm nông đông.
Cảnh sát và quân nhân Việt Nam trong công tác cứu trợ sau bão Doksuri ở Hà Tĩnh, tháng 9/2017- hình minh họa
Thu nhập từ lương
Với người làm việc tại khu vực công, thu nhập chính về lý thuyết, thường đến từ lương.
Theo các tài liệu công bố ở Việt Nam tháng 5/2018, với mức lương của Việt Nam hiện nay, thấp nhất là người lao động hưởng lương cơ sở.
Cao dần lên đến cao nhất là lương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội...
Ở Việt Nam, lương cơ sở là hệ số 1, lương người tốt nghiệp đại học ra trường là 2,34 (hệ số nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng, theo một bài trên Trí Thức Trẻ hồi tháng 5.
Theo trang Thư viện Pháp luật, từ ngày 1/7/2018, mức lương tháng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ là 13.483.000 đồng (hệ số lương bậc 1) và 14.317.000 đồng đối với Hệ số lương bậc 2.
Nông nghiệp ở Việt Nam có lực lượng lao động đông đảo nhất nhưng thu nhập thấp nhất
Cũng theo nguồn này, từ ngày 1/7/2018, mức lương của Chủ tịch nướclà 18.070.000 đồng/tháng.
Riêng các ngành an ninh, quốc học thường có hệ số tăng lương theo cách khác với những ngành dân sự.
Theo một công bố hồi tháng 7/2018, trong công an và quân đội ở Việt Nam, cấp hạ sỹ có lương 4,4 triệu đồng/tháng, hàm đại tướng được 14,4 triệu đồng/tháng.
Ngành an ninh Việt Nam đang thu hút nhiều thanh niên nên điểm trúng tuyển vào các học viện, trường đại học ngành này có chuẩn rất cao, lên đến 30,5 điểm.
Riêng ngành sư phạm "ế ẩm" tới mức điểm chuẩn cao hay thấp, vẫn không có người học, theo Zing.vn.
****************
Nghịch lý nhập-xuất sắt thép tại Việt Nam (RFA, 23/08/2018)
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới đây cho biết chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 1 tỷ đô la nhập gần 3 triệu tấn sắt thép phế liệu. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay sắt thép cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao nhất của VN. Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất 3,4 triệu tấn, tăng hơn 40% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Hình ảnh hoạt động tại cảng Hải Phòng. (Ảnh minh họa) - AFP
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất sắt thép ở Việt Nam nhận định với RFA với điều kiện giấu tên :
Chuyện người ta nhập phế liệu thì phải có lợi người ta mới nhập. Không phải tự nhiên Việt Nam hay Thái Lan trở thành bãi rác của thế giới. Mình nhập máy móc cũ và phế liệu cũ về mà không mua ở Việt Nam là gì nguồn cung phế liệu ở Việt Nam không đủ, hơn nữa nhập từ nước ngoài về mà giá rẻ thì người ta cứ nhập thôi.
Còn chuyện xuất nhiều nhưng nhập vẫn nhiều thì thép phải đạt tiêu chuẩn mới xuất đi được, chứ không thể xuất phế liệu đi. Bản thân công ty Hoa Sen hay nhiều nhà máy khác xuất khẩu đi rất nhiều nhưng họ cũng nhập phôi từ Trung Quốc hay một số nước phát triển về, sau đó xử lý công nghệ. Chẳng hạn ở Việt Nam có thép mạ kẽm, họ nhập phôi từ Trung Quốc về rồi mạ kẽm sau đó lại xuất đi.
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đến nay, cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Ngoài sắt thép, một số phế liệu khác cũng được nhập khẩu về Việt Nam như : tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô, giấy...
Việc nhập khẩu phế liệu với số lượng lớn nhưng không kịp xử lý đã dẫn đến tình trạng tồn đọng phế liệu ở các cảng biển. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 7/2018, cả nước tồn hơn 5.000 container phế liệu các loại, trong đó nhiều nhất là cảng TP.HCM với hơn 3.500 container, còn lại hơn 1.400 container ở cảng Hải Phòng. Nguyên nhân chủ yếu là các phế liệu này không đáp ứng điều kiện quy định về bảo vệ môi trường nên không được giải quyết thủ tục thông quan.
Một vấn đề khác trong lĩnh vực nhập khẩu sắt thép phế liệu là nhiều công ty không được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép nhập khẩu, nhưng làm giả giấy tờ để được nhập một cách hợp pháp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thừa nhận rất khó phát hiện doanh nghiệp nào làm giả.
Giám đốc doanh nghiệp sắt thép vừa nêu cho biết việc dùng phế liệu để sản xuất sẽ đem lại những sản phẩm chất lượng thấp để tiêu thụ trong thị trường Việt Nam :
Người ta nhập những phế liệu không đạt tiêu chuẩn thì về sẽ làm ra những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn nhưng chỉ để phục vụ thị trường trong nước thôi. Cũng là một cây thép người ta tôi lên, nhưng nếu là thép Việt – Nhật thì người ta đem công nghệ của người Nhật qua, hay thép Việt – Hàn cũng vậy. Người ta đem phôi chất lượng, đầy đủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt thì mới xuất được. Bán trong nước giá cũng rất cao.
Ảnh minh họa Photo : RFA
Hệ lụy về môi trường từ sắt thép phế liệu nhập khẩu
Tiến sĩ Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nói rằng việc nhập khẩu sắt thép phế liệu tràn lan, trong khi Nhà nước quản lý lỏng lẻo, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về cả môi trường, kinh tế và xã hội :
Theo tôi, phế liệu nói chung thì không nên nhập, nhưng nhiều khi họ nhìn vào lợi ích của doanh nghiệp trước mắt thì họ nhập về, cộng thêm Nhà nước không quản lý nữa. Điều này để lại nhiều hậu quả. Trước tiên là người ta thải ra mà mình hứng về, thì về mặt môi trường là hứng cái ô nhiễm về, trong khi họ không thể mang về xử lý cho thật đàng hoàng.
Thứ hai, con đường đó chẳng qua để kiếm tiền làm giàu thôi, chứ nó không phải là một cứu cánh gì để phát triển kinh tế xã hội có bài bản, đi lên hiện đại.
Đứng về mặt xã hội, họ làm như vậy cũng tạo ra công ăn việc làm, bởi vì cũng còn rất nhiều người khó kiếm việc làm. Nhưng lương bổng chả được bao nhiêu, vì họ khai thác nhân công rẻ. Điều đó không đúng đường hướng phát triển cũng như chính sách giúp người lao động vươn lên thành lao động có kỹ thuật.
Từ lâu các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới nếu vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu phế liệu bừa bãi. Tuy nhiên cho đến nay tình trạng này chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mà thậm chí số lượng hàng tồn ở các cảng biển còn tăng 200-400% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan.
Dù không có những thống kê phân loại chi tiết nhưng sắt thép phế liệu nhập khẩu có nhiều loại, nếu là thép xây dựng được loại bỏ từ các công trình sẽ được tận dụng tối đa để luyện gang, thép. Nếu sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện như : máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, hoặc tàu thuyền, dây chuyền... phải qua quá trình tháo dỡ từng linh phụ kiện mới đưa vào sản xuất. Điều này cũng khiến mất thêm chi phí, lưu kho bãi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vì những mặt hàng này chứa chất thải nguy hại gây ô nhiễm như chì,…
Tại một phiên họp Thường trực Chính phủ vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu không cấp phép mới cho doanh nghiệp nhập phế liệu, và phải khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường cũng như nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe.
Trung Quốc cũng từng là quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu giống Việt Nam, nhưng vào cuối năm ngoái chính phủ Bắc Kinh đã ra lệnh ngưng nhập khẩu 24 loại phế liệu. Điều này buộc các nước xuất khẩu phải tìm đối tác mới, trong đó bao gồm thị trường VN. Bộ Tài nguyên Môi trường cho đây là nguyên nhân khiến phế liệu vào Việt Nam tăng mạnh trong năm nay.
Tiến sĩ Lê Văn Triết nhận định rằng Việt Nam cần có các chính sách quản lý nhập khẩu phế liệu nghiêm ngặt hơn để tránh trở thành bãi rác công nghệ của thế giới :
Nếu phế liệu đó thực sự đem về làm ra sản phẩm được, tạo công ăn việc làm tốt, và có đường hướng để phát triển đi lên được thì vẫn phải hết sức cân nhắc cho nhập. Trong trường hợp đó, Nhà nước phải xem lại kết cấu của nền kinh tế để xem loại phế liệu gì phù hợp và phát triển được thì cho nhập, còn cái gì gây ra ô nhiễm thì nên có chủ trương cấm. Việc này mấy cơ quan Nhà nước phải cùng ngồi lại với nhau để bàn dựa trên cơ cấu và sức manh của nền kinh tế. Nhà nước phải đứng ra quản lý, phải có cấp nào đó đưa ra các văn bản pháp quy để quản lý, đồng thời phải có những giải pháp để xí nghiệp tuân thủ.
Năm 2016 Bộ Công thương cho biết Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sắt thép trong nước. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sang năm 2017, sản lượng thép được sản xuất tại Việt Nam tăng 23,5% so với năm 2016, và năm nay dự kiến tiếp tục là một năm ăn nên làm ra của ngành thép Việt Nam với tốc độ phát triển dự trù trên 20%.