Ân xá Quốc tế : Nhân quyền Việt Nam không tiến bộ (RFA, 22/02/2017)
Tổ chức Ân Xá Quốc tế - Amnesty International - hôm nay công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.
Đinh Nguyên Kha (trái) và Nguyễn Phương Uyên trước tòa hôm 17/5/2013. Nguyễn Phương Uyên đã ra tù, Đinh Nguyên Kha hiện đang bị ngược đãi trong tù. AFP photo
Phúc trình dày hơn 400 trang khổ giấy A4 tổng kết tình hình liên quan tại 159 quốc gia khắp toàn cầu. Riêng đối với khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương bản phúc trình nêu rõ không gian dân sự bị thu hẹp khi mà cơ quan chức năng đưa ra những luật lệ mang tính đàn áp nhằm hình sự hóa quyền tự do biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa.
Đối với Việt Nam, phúc trình mới công bố của Ân Xá Quốc Tế cho thấy những tiếng nói ôn hòa chỉ trích các chính sách của nhà cầm quyền tiếp tục bị trấn dẹp thông qua biện pháp phi luật lệ.
Cơ quan chức năng theo dõi sát sao và sách nhiễu những nhà hoạt động ; trong số này có những người dân biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây nên thảm họa môi trường tác động mạnh đến cuộc sống của chừng 270 ngàn con người.
Việc tấn công những nhà bảo vệ nhân quyền là chuyện thường xuyên. Cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục sử dụng những điều mơ hồ thuộc phạm trù bảo vệ an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự năm 1999 để kết tội những nhà hoạt động ôn hòa. Trong số những điều mơ hồ đó có điều 258 ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…’, điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’ ; điều 79 ‘hoạt động lật đổ chính quyền’…
Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP photo
Phúc trình của Ân xá Quốc tế nêu rõ trường hợp các nhà hoạt động và phê phán chính quyền bị kết án tù chỉ vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.
Trong số đó có blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị cáo buộc theo điều 258 với mức án tương ứng là 5 năm và 2 năm cho mỗi người.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và người phụ tá Lê Thu Hà bị bắt vào tháng 12 năm 2015 đến nay vẫn còn bị biệt giam với cáo buộc theo điều 88.
Vào tháng 10 năm ngoái, nhà hoạt động nổi tiếng là blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt cũng với cáo buộc theo điều 88.
Biện pháp thường xuyên hành hung những người bảo vệ nhân quyền và thân nhân của họ cũng tiếp tục được nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng.
Trong phần về Việt Nam, phúc trình năm nay của Ân Xá Quốc tế còn nêu ra các trường hợp trấn áp đối với quyền tự do hội họp, đàn áp những người phản đối thu hồi đất đai trái phép, tình trạng tra tấn và đối xử bất công đối với các trường hợp bị giam giữ, phạt tù người dân vì khốn cùng phải bỏ nước ra đi…
Hôm ngày 20 tháng 2 vừa qua, Ân Xá Quốc tế cũng ra thông báo kêu gọi có hành động khẩn cấp về trường hợp tù nhân chính trị trẻ Đinh Nguyên Kha đang bị ngược đãi trong nhà tù Xuyên Mộc ở Bà Rịa- Vũng Tàu.
******************
Quan ngại sức khỏe Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha (VOA, 22/02/2017)
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, con trai út Đinh Nguyên Kha (bên trái) và con trai lớn Đinh Nhật Uy.
Ngày 22/2, tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo cho rằng ở Việt Nam liên tục xảy ra việc hạn chế quyền tự do ngôn luận và tổ chức hội họp hòa bình, "Các tù nhân lương tâm bị tra tấn, bị ngược đãi, và bị xét xử không công bằng".
Trước đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi tăng áp lực đòi chính quyền Việt Nam nhanh chóng chữa bệnh cho tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha.
Hôm 20 tháng 2, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo kêu gọi hành động khẩn cấp đối với trường hợp tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha đang bị ngược đãi ở trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của thanh niên đang chịu án 4 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 bộ luật hình sự, nói với VOA rằng con trai của bà cần được khám chữa và điều trị thích hợp. Ngay cả khi việc anh Kha yêu cầu trại giam trả kết quả xét nghiệm cũng bị từ chối :
"Như đã nói với Tổ chức Ân Xá Quốc tế, cháu Kha không được đưa đi khám sức khỏe ở bệnh viện, mà họ chỉ đưa cháu đi khám ở trạm y tế của trại tù. Tôi có đưa hình ảnh trại tù Xuyên Mộc trị bệnh cho tù nhân lương tâm nó tệ hại như thế nào. Họ xét nghiệm HIV, họ nói con không bị HIV nhưng con đòi giấy xét nghiệm đó thì họ không đưa".
Theo bà Liên, cách đây ba tháng, Kha được giải phẫu bỏ khối u lành có kích thước bằng trái chanh trong dạ dày. Tuy nhiên, dù anh Kha và gia đình nhiều lần yêu cầu được đưa đi trị bệnh, quản lý trại giam vẫn từ chối không cho anh được điều trị hậu phẫu.
Khi đến thăm Kha và ngày mùng 6 Tết, bà Liên được Kha nhắn lại như sau :
"Lúc tranh đấu cho anh Đặng Xuân Diệu, con bị cùm chân, ghẻ lở không !. Con rất là sợ. Con muốn lên tiếng để nói với các tổ chức nước ngoài biết vì nhiều người bị như vậy nhưng không dám lên tiếng. Con muốn mẹ lên tiếng cho con và cho những người khác, là trại giam phải đưa 20 tù nhân lương tâm ở trại giam Xuyên Mộc đi xét nghiệm và khám bệnh tổng quát tại bệnh viện".
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc khước từ điều trị có thể được xem là tra tấn hoặc một hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo nhằm trừng phạt tù nhân.
Anh Đinh Nguyên Kha bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2012 vì phát truyền đơn chỉ trích phản ứng của nhà Việt Nam trước những hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Anh Kha bị truy tố tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 bộ luật hình sự, và bị tòa án tỉnh Long An tuyên 8 năm tù giam kèm theo ba năm quản chế. Cũng trong vụ án này, một người bạn của Kha là cô Nguyễn Phương Uyên cũng tuyên phạt 6 năm tù giam. Sau đó trong phiên sơ thẩm, Kha bị tuyên án 4 năm tù còn Uyên bị tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và 52 tháng thử thách.
Tương tự như trường hợp của Đinh Nguyên Kha, tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17/2 ra thông báo kêu gọi Việt Nam cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho bà Trần Thị Thúy, một Phật tử Hòa Hảo tại tỉnh Đồng Tháp đang bị giam ở trại An Phước, tỉnh Bình Dương.
Gia đình bà cho tổ chức Ân Xá Quốc tế biết bệnh của bà ngày càng trầm trọng, khối bướu trong tử cung tiếp tục lớn ra, và vì quá đau cho nên bà không thể tự mình đi đứng được. Bà Thúy còn bị nổi mụt nhọt khắp người, phình to ra chảy máu và mủ. Mặc dầu có nguy cơ bị nhiễm trùng vì bà ngủ dưới sàn phòng giam, quản lý trại giam không cung cấp đủ vật dụng y tế thiết yếu cho bà, kể cả không cho phép nhận các băng thuốc dán mà gia đình mang đến.
Gia đình bà đã liên tục yêu cầu nhà phía trại giam cho phép gia đình chi trả tiền điều trị bệnh cho bà Thúy, nhưng phía trại giam vẫn từ chối. Theo lời gia đình, bà Thúy nói là bà không biết sống chết ra sao nếu không được chữa trị đàng hoàng trong khi điều kiện nhà tù thì lắm khắc nghiệt.
Bà Thúy bị kết án 8 năm tù với tội danh "lật đổ chính quyền" theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà Thúy bị bắt giữ hồi tháng 8, 2010 cùng với 6 người khác.
Theo cáo trạng, bà Thúy và 6 nhà hoạt động khác bị xét xử vì cáo buộc tham gia các hoạt động có liên quan với Việt Tân, một tổ chức có trụ sở ở hải ngoại tranh đấu ôn hòa cho dân chủ tại Việt Nam. Bà đã bác bỏ những cáo buộc này.
Vào tháng 9, 2011, Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ đưa ra phán quyết số 46/2011 khẳng định việc bắt giữ bà Trần Thị Thúy và 6 nhà hoạt động khác là tùy tiện và yêu cầu trả tự do cho họ.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi mọi người trên thế giới tiếp tay áp lực đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trần Thị Thúy và anh Đinh Nguyên Kha ngay lập tức và vô điều kiện. Vì họ là những tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì đã sử dụng quyền tự do diễn đạt của mình.
Ân Xá Quốc Tế cũng kêu gọi mọi người trên thế giới lên tiếng áp lực nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhanh chóng cung cấp cho họ sự chăm sóc y khoa thích hợp, bao gồm việc đưa họ vào bệnh viện để điều trị nếu cần.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên cho rằng "các thông tin mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là sai sự thật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế".
Việt Nam cho rằng "là thành viên của 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước chống tra tấn, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết, nghĩa vụ của quốc gia thành viên".
***********************
Quốc tế hãy 'quan tâm tù nhân lương tâm Việt Nam' (VOA, 22/02/2017)
Tại Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ hôm 21/2, cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến các tù nhân lương tâm Việt Nam và tiếp tục gây sức ép đòi Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Ông Diệu, một nhà hoạt động dân chủ mới ra tù cách đây hơn 1 tháng, cho VOA biết ông đến hội nghị "với tư cách là một thành viên của Đảng Việt Tân", là tổ chức đã được hội nghị mời từ trước.
Bài phát biểu của ông Diệu đã mô tả lại thời gian ông ở trong tù sau khi nhà chức trách Việt Nam kết tội hồi năm 2011 là ông đã hoạt động cho Đảng Việt Tân bị chính quyền coi là tổ chức khủng bố, một cáo buộc mà đảng này luôn phủ nhận.
Ông nói với hội nghị rằng quyền con người của ông và những tù nhân khác trong trại giam không được tôn trọng như trong luật. Nói cách khác, theo lời ông, "pháp luật đối với trong trại giam, nó chỉ ở trên giấy mà thôi".
Một phần quan trọng khác trong bài phát biểu là ông Diệu đã điểm lại những sự bất công vừa xảy ra trong xã hội Việt Nam trong những ngày qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện đoàn người từ Song Ngọc, Nghệ An đi đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh để kiện hãng Formosa gây ô nhiễm biển, nhưng đã bị nhà chức trách ngăn chặn, đàn áp, làm hàng chục người bị thương.
Về thông điệp chính của mình khi tham gia hội nghị, ông Diệu nhấn mạnh với VOA rằng ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các đoàn ngoại giao, thăm các tù nhân lương tâm ở các trại giam và những người mới bị bắt.
Ông Diệu nói nhiều người bị bắt vì nhà chức trách cáo buộc họ vi phạm các điều 79, 88, 258 trong Bộ luật Hình sự, mà ông gọi đó là những điều luật "mơ hồ" về tuyên truyền hoặc hoạt động chống nhà nước. Ông nói thêm :
"Những người bị bắt theo những tội danh đó rất cần sự ủng hộ và lên tiếng của các quý vị ngoại giao ngay từ đầu. Nếu các quý vị đến để thăm các tù nhân lương tâm đó mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ có ngăn cản thì đó là một dấu chỉ là không bảo đảm quyền con người".
Một thông điệp lớn nữa của ông Diệu là cộng đồng quốc tế "có áp lực và tiếng nói mạnh mẽ hơn" đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nói :
"Theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi bảo là buộc đảng cộng sản chứ không phải là nhà nước Việt Nam. Bởi vì quan điểm của tôi thì nhà nước Việt Nam chỉ là bù nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên tôi muốn gửi đến thông điệp với họ rằng là buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do chính trị. Đó là sân chơi bình đẳng cho mỗi công dân".
Ông Diệu cho biết sau khi ông phát biểu xong "hội nghị đã vỗ tay rất nhiều". VOA được biết ông là một trong 15 diễn giả phát biểu tại hội nghị về tình trạng nhân quyền ở quốc gia mình. Họ là các nhà báo, các nhà hoạt động và những nạn nhân, thân nhân của tù nhân chính trị tại các nước trong đó có Việt Nam, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Venezuela, Mauritania và Tây Tạng.
Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ là cuộc họp quốc tế thường niên lần thứ 9, mang lại cơ hội để các nhà đối kháng khắp thế giới lên tiếng thu hút sự quan tâm đến việc giải quyết các vi phạm nhân quyền. Hội nghị được tổ chức trước phiên họp của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.