Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/02/2017

Việt Nam chi 112 tỷ/ngày nhập hóa chất Trung Quốc : Vinachem làm gì ?

Đất Việt

"Nếu tiếp tục nhập hóa chất của Trung Quốc, chẳng bao lâu Việt Nam sẽ trở thành nơi chứa thành phẩm kém chất lượng và phụ thuộc vào nước này".

Nguy cơ phụ thuộc Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng hóa chất và sản phẩm hóa chất là 1,8 tỷ đôla, riêng hóa chất nhập để điều chế các hợp chất khác đạt 1,02 tỷ đôla. Đây là năm đầu tiên Việt Nam chi nhập khẩu nguyên liệu hóa chất đạt kim ngạch hơn 1,02 tỷ đôla.

Về tổng kim ngạch nhập khẩu, trung bình mỗi ngày Việt Nam phải bỏ ra hơn 112 tỷ đồng để nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc.

Điều đáng nói, nhập khẩu chủ yếu vẫn từ Trung Quốc, còn các nước có ngành công nghiệp hóa chất phát triển như Ấn Độ, Mỹ, Canada, Israel hay Nhật Bản, Hàn Quốc... về Việt Nam trong năm qua rất ít.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định bản thân ông không quá ngạc nhiên trước thông tin trên.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Long, có 3 nguyên nhân chính khiến Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hóa chất từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc trong thời gian qua.

hoachat1

Các chuyên gia đều lo ngại trước việc Việt Nam chi 112 tỷ/ngày nhập hóa chất Trung Quốc. Ảnh minh họa

Thứ nhất, do nhu cầu của Việt Nam lớn nhưng chúng ta chưa có khả năng sản xuất. Thứ hai, khi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều tính đến hiệu quả và chi phí sản xuất. Những quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất phát triển như : Ấn Độ, Mỹ hay Canada thì giá thành đắt đỏ hơn. Trong khi Trung Quốc là quốc gia gần Việt Nam nên khi nhập hóa chất về chi phí, giá cả sẽ rẻ hơn, doanh nghiệp sẽ có lợi nhiều lợi nhuận.

"Nhập khẩu hóa chất để phục vụ cho phát triển sản xuất thì vấn đề chính là người ta phải tính hiệu quả của nó. Rõ ràng nơi nào rẻ thì nhà sản xuất sẽ nhập", ông Long nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ ba được ông Long chỉ ra đó là Việt Nam cũng như một số quốc gia láng giềng xung quanh Trung Quốc thường tìm cách nhập qua con đường tiểu ngạch thay vì chính ngạch để trốn thuế, tạo ra nhiều lợi thế hơn cho doanh nghiệp.

Cùng nêu ý kiến, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam nhập quá nhiều hóa chất từ Trung Quốc.

Ông Đoàn cho rằng nếu xét trên nguyên tắc mua bán thì việc nhập khẩu trên không có vấn đề gì. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, có 2 vấn đề chúng ta phải chú ý. Đó là Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc và đang đứng trước nguy cơ lệ thuộc vào quốc gia này.

"Điều này hết sức hệ trọng. Nếu bị chi phối thì chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đặc biệt, hiện nay tôi cũng không nắm được các thông số hóa chất của họ là thô hay là gì và có tác hại đối với môi trường như thế nào.

Nếu thế giới đang khổ về Trung Quốc thì tôi cho rằng Việt Nam là quốc gia khổ nhất vì chúng ta nhập những nguyên liệu kém và bẩn của nước bạn. Nếu tiếp tục kéo dài thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ trở thành nơi chứa những thành phẩm kém chất lượng, nhất là hóa chất của quốc gia này", Phó Giáo sư Tiến sĩ Đoàn nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam nhập khẩu một số lượng hóa chất lớn với giá rẻ từ phía Trung Quốc. Với kinh nghiệm của mình, ông Đoàn cho rằng, nền kinh tế của nước ta sẽ đối mặt với 2 nguy cơ lớn, khó có thể tránh khỏi.

"Nếu tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc, nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị tụt hậu. Chúng ta không tái cấu trúc lại nền kinh tế mà phát triển nền kinh tế dựa vào các sản xuất của ngành công nghiệp mà Trung Quốc đã vượt qua. Như thế về lâu dài, kinh tế nước ta sẽ không thể có hiệu quả kinh tế cao, mà sẽ bị tụt hậu.

Nguy cơ thứ hai là hủy hoại về môi trường, hủy hoại những nền tảng, mấu chốt của sự phát triển", ông Đoàn lo ngại.

Xem lại vai trò của Vinachem

Một vấn đề khác được Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cao Đoàn đề cập đến, đó là ở Việt Nam,Tập đoàn hóa chất (Vinachem) hiện đang nắm vai trò chủ yếu trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như vận hành các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất.

Tuy nhiên, những dự án thuộc quyền quản lý của Vinachem như : đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, dự án DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai đều đang nằm trong danh sách các công trình thua lỗ ngàn tỷ, chưa tìm được hướng giải quyết. Thậm chí, ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Vinachem còn lấy lý do ra nước ngoài chữa bệnh rồi bỏ trốn nhiều tháng nay.

Theo ông Đoàn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, đó là do hoạt động và quản lý của Vinachem kém hiệu quả, chưa có chiến lược phù hợp phát triển ngành hóa chất.

"Chúng ta lệ thuộc vào Trung Quốc, dẫn đến hoạt động sản xuất không hiệu quả, không hiện đại được nền kinh tế. Như ngành hỏa xa, đáng nhẽ chúng ta phải nhập các trang thiết bị tốt của Ấn Độ tuy nhiên giá của nó hơi cao. Cuối cùng chúng ta quyết định nhập toa tầu, đầu máy của Trung Quốc và rất thê thảm về chất lượng. Tính đi tính lại thì rất đắt. Và tôi nghĩ trường hợp hỏa xa nó cũng có tính chất phổ biến cho tất cả các mặt hàng khác, trong đó có cả hóa chất hiện nay", ông Đoàn lo ngại.

Với kinh nghiệm của mình, vị chuyên gia khẳng định, trong lĩnh vực kinh doanh không được phép làm theo nguyên lý "chỗ nào tiện, rẻ và quen thì chúng ta làm". Thay vào đó cần đổi mới tư duy theo kiểu "có gì có lợi và hiện đại thì làm".

"Quan trọng nhất là chúng ta không có tư duy kinh tế, kinh doanh theo nền kinh tế thị trường. Các dự án ở đây có thể có hiệu quả cho 1 vài người hoặc một nhóm người nhưng cả nước lại bị thất bại", ông Đoàn nhấn mạnh.

Cùng đưa ra quan điểm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém của ngành hóa chất Việt Nam thời gian qua là do đường lối chiến lược phát triển của chúng ta chưa thật sự phù hợp, mà biểu hiện rõ nhất là ở tập đoàn Vinachem.

Do đó dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy hoạt động không hiệu quả và Việt Nam phải nhập khẩu nhiều từ nước ngoài.

"Những nhà máy thua lỗ ngàn tỷ nhà nước không thể lấy tiền thuế của dân ra để cho bù lỗ. Cho nên hiện nay Thủ tướng đang giao cho Bộ Công Thương là phải tự xử lý. Bộ Công Thương cũng đang giao cho các tập đoàn xem xét và trình phương án để quyết định.

Nguyên nhân chính là do những người lập dự án, thẩm định dự án, trong quá trình thực thi, thi công dự án đó có vấn đề, dẫn đến mất cả 1 loạt dây truyền. Vì thế bây giờ cần xem xét,quy trách nhiệm rõ ràng", ông Long chỉ rõ.

Đừng cố đấm ăn xôi

Tiếp tục phân tích, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cao Đoàn nhắc đến việc thời gian gần đây, bên cạnh các nhà máy sản xuất phân bón do nhà nước nắm giữ cổ phần, đã xuất hiện thêm nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn, tính đến thời điểm này, khối lượng phân bón, hóa chất sản xuất trong nước vẫn rất ít và Việt Nam vẫn phải nhập phần lớn phân bón từ nước ngoài.

Lý giải thực trạng trên, vị chuyên gia khẳng định, nền kinh tế Việt Nam hiện nay hoạt động chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Cho nên các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hóa chất chưa có nhiều cơ hội để phát huy năng lực của mình. Hơn nữa, các công ty quy mô cũng thường nhỏ nên chưa thoát khỏi mô hình cũ và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Để giải quyết tình trạng trên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cao Đoàn cho rằng, Việt Nam cần phải tiến hành đổi mới ngay, nhất là ở khâu đường lối.

"Chúng ta phải nhập vào các nền kinh tế hiện đại, lấy hiện đại làm hướng tiến lên thay vì tập trung quá nhiều vào Trung Quốc như hiện nay. Ngoài ra cần lấy hướng hiệu quả để tiến lên thay vì chấp nhận giá rẻ như trước đây", ông Đoàn nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long đề nghị, nhà nước cần phải xây dựng chiến lược bài bản đối với ngành hóa chất với sự tham gia của nhiều chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này.

"Nhiều chiến lược chúng ta đưa ra như chiến lược phát triển ô tô đều phá sản hết, có thành công đâu. Do đó cần phải nghiêm túc xem xét lại, với năng lực, lợi thế của trong nước thì hoạt động sẽ như thế nào. Nếu lợi thế không có thì phải có kế hoạch phát triển thứ khác và tạo điều kiện cho việc nhập những hóa chất đó để đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên cố đấm. Anh không có năng lực mà vẫn cứ sản xuất thì hiệu quả, lợi thế không thể có được.

Đặc biệt, nhà nước phải có 1 bảng danh mục cấm, những loại nào được nhập và loại nào không được nhập. Nhập thì được phép như thế nào ? Tiêu chuẩn nào thì mới được nhập để giải quyết được những lo ngại về ô nhiễm môi trường", ông Long nêu quan điểm.

Hoàng Nam

Quay lại trang chủ
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)