HRW : ‘Nên xét lại việc tổ chức các sự kiện quốc tế tại Hà Nội’ (VOA, 10/09/2018)
Việt Nam cấm cửa hai giới chức nhân quyền quốc tế
Hai nhà lãnh đạo về nhân quyền tới Việt Nam dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Hà Nội, đã bị Việt Nam cấm nhập cảnh, theo hai hãng thông tấn quốc tế AFP và Reuters. Thông cáo báo chí của Hội Ân xá Quốc tế cho biết, Giám đốc cấp cao Điều phối Toàn cầu của tổ chức này, ông Minar Pimple, đã bị từ chối nhập cảnh hôm 10/9 và ngày hôm trước, 9/9, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế Debbie Stothard cũng bị chặn, không cho nhập cảnh khi bà tới phi trường Nội Bài để dự WEF, sự kiện ngoại giao lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.
Trong câu chuyện với VOA-Việt ngữ, một đại diện của Tổ chức Human Rights Watch cho biết phản ứng của tổ chức này về diễn biến mới nhất.
Phó Giám Đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói quyết định của Việt Nam, cấm cửa hai nhà lãnh đạo nhân quyền quốc tế hàng đầu là điều "vô cùng đáng hổ thẹn", phơi bày bản chất đàn áp của chính quyền tại Hà Nội. Ông cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội đang tiến vào một giai đoạn quyết đoán hơn và trong thời gian tới sẽ tăng cường đàn áp nhân quyền.
"Hành động đó cho thấy Việt Nam đang đi qua một giai đoạn quyết đoán hơn nhiều và sẽ tăng cường đàn áp trong cách ứng xử với cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang tìm cách bưng bít, không cho người dân trong nước tiếp cận với bất cứ ý kiến nào về nhân quyền hoặc xã hội dân sự đến từ bên ngoài Việt Nam".
Ông Robertson nói rằng HRW coi động thái mới nhất của Hà Nội là một phần của xu hướng tiêu cực đã bắt đầu từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống tại Hoa Kỳ. Ông Robertson giải thích :
"Chúng tôi coi đây là một phần của xu hướng đã bắt đầu khi Việt Nam nhận ra rằng với sự ra đi của Tổng Thống Obama, Hà Nội không còn phải đối phó với sức ép từ Washington nữa, nhất là từ khi ông Trump xé bỏ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định mà Việt Nam ước ao và vì thế sẵn sàng nhượng bộ về mặt nhân quyền để được tham gia".
Theo ông Robertson, Việt Nam nhận thức sự lơ là của tân chính phủ Mỹ đối với vấn đề nhân quyền khi Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được mời tới Toà Bạch Ốc mà Tổng thống Trump không nêu lên vấn đề nhân quyền.
Ông Phil Robertson :
"Vì ông Trump không đề cập gì tới nhân quyền nên nhà cầm quyền Việt Nam và đặc biệt là Bộ Công an, nhận ra một cách rõ rệt rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ bị trừng phạt. Đó là điều mà họ đang làm, họ đang tìm cách cản đường những người chỉ trích đang tìm hiểu những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt, họ đang tìm cách ngăn chận thông tin, bịt miệng giới chỉ trích. Năm tới họ sẽ đưa ra luật an ninh mạng và rốt cuộc sẽ chặn luôn cả việc truy cập internet".
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cấm cửa các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế. Trong quá khứ một số người nước ngoài đã bị Hà Nội cấm nhập cảnh. Tuy vậy ông Robertson nói lần này Hà Nội không có lý do chính đáng để chặn bà Stothardt, không cho bà phát biểu tại diễn đàn WEF.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch nói rằng các tổ chức quốc tế nên xét lại việc tổ chức các sự kiện quốc tế tại Hà Nội bởi vì "dường như chính quyền Việt Nam lợi dụng những cơ hội này để kiểm duyệt những người muốn lên tiếng và cấm cửa những người mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là có thể đưa ra những bình luận mà nhà nước không thích".
Ông Robertson tiên đoán Việt Nam sẽ siết chặt hơn chính sách đàn áp trong thời gian sắp tới.
"Chúng tôi không thấy có bất cứ gì ngăn cản Việt Nam tiếp tục đàn áp như thế này, chúng tôi thấy trong thời gian tới Việt Nam sẽ ra những luật lệ gắt gao hơn tại quốc hội, như đạo luật an ninh mạng rất khắt khe sẽ tìm cách buộc các tập đoàn internet như Google và Facebook và các công ty khác hoạt động ở Việt Nam, phải tiết lộ thông tin của người sử dụng".
Ông nói điều đó cho thấy là Việt Nam tin rằng họ có thể bắt chước theo Trung Quốc để uy hiếp các công ty internet, các nước khác và các tổ chức quốc tế, kể cả Liên Hiệp Quốc, để họ có thể tiếp tục vi phạm nhân quyền mà không phải chịu hậu quả.
Trong khi đó, Hội Ân xá Quốc tế ra thông cáo báo chí ngày 10/9 nói rằng hành động của Việt Nam, cấm đại diện của hội là một "minh chứng cho chiến dịch đàn áp tự do biểu đạt tại Việt Nam".
Tổng thư ký của Hội Ân xá Quốc tế Kumi Naidoo cho hay ông Minar Pimple trước đó đã dự định sẽ phát biểu về tính đa dạng và đa nguyên tại diễn đàn WEF.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch nói trước tình hình này, cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền quốc tế phải tiếp tục hậu thuẫn những nhà tranh đấu cho nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước, những người mà ông cho là đã can đảm đứng lên để đòi các quyền căn bản của mình. Ông nói nhà nước càng đàn áp bao nhiêu thì những thành phần đối lập càng phản đối mạnh bấy nhiêu.
"Đó là những người sẵn sàng hy sinh rất nhiều để nói lên quan điểm của họ. Chúng ta phải ủng hộ họ, nhưng chúng ta cũng phải tăng sức ép tối đa với chính phủ các nước, và đặc biệt các tập đoàn internet để họ phải xác minh lập trường một cách rõ ràng, liệu họ hậu thuẫn cho các hoạt động xã hội dân sự, bảo vệ quyền tự do biểu đạt, hay là họ chạy theo đô la, về phe có tiền của và không lý gì đến những gì mà nhà cầm quyền đang làm với chính sách đàn áp giới bất đồng".
Trên trang Facebook của bà, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế Debbie Stothard cho biết bà đã bị đưa vào 'danh sách đen', nhưng bà nói thêm rằng những gì mà bà trải nghiệm "chẳng thấm vào đâu so với những cuộc tấn công nhắm vào các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền và truyền thông ở Việt Nam".
Bà nói bà hy vọng là chính phủ Việt Nam rốt cuộc sẽ nhận thức được rằng nhân quyền và tự do là những yếu tố cần có để phát triển kinh tế.
https://youtu.be/XTCc_vOhDks?list=PL231429C17BE39E34
Hoài Hương
*******************
Việt Nam không cho giới hoạt động nhân quyền quốc tế nhập cảnh dự WEF (RFA, 10/09/2018)
Hai nhà hoạt động nhân quyền có tiếng người nước ngoài không được Việt Nam cho phép nhập cảnh để tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới về ASEAN sẽ diễn ra trong tuần này tại Hà Nội.
Ông Minar Pimple và bà Debbie Stothard không được Việt Nam cho phép nhập cảnh. RFA edit
Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty Inernational) vào sáng ngày 10 tháng 9 ra thông cáo báo chí cho hay ông Minar Pimple - Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của tổ chức nhân quyền này bị từ chối không cho nhập cảnh Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi an ninh sân bay Nội bài vừa câu lưu và sau đó trục xuất bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền - FIDH.
Ông Minar Pimple là một thành viên của ban lãnh đạo cao cấp của Ân xá Quốc tế, được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 sắp diễn ra tại Hà Nội và dự định sẽ có bài phát biểu về sự đa dạng và đa nguyên tại sự kiện này thế nhưng đã bị từ chối cho tham dự.
Theo thông cáo báo chí của Amnesty International thì ban tổ chức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã liên lạc với chính phủ Việt Nam và được trả lời rằng visa của ông Pimple đã bị liệt vào danh sách cần phải từ chối tương tự trường hợp của bà Debbie Stothard.
Ông Kumi Naidoo, Tổng thư ký của Ân xá Quốc tế tuyên bố phản đối quyết định cấm nhập cảnh Việt Nam đối với ông Minar Pimple. Lập luận được nêu ra vì biện pháp như thế nhằm bóp nghẹt tiếng nói của một người có đóng góp thường xuyên đối với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người đã lên tiếng cho nhân quyền ở mức độ cao nhất trên toàn thế giới. Điều này xảy ra trong bối cảnh quyền tự do biểu đạt đang bị đe dọa nghiêm trọng tại Việt Nam. Hành động này của chính quyền Việt Nam phá hoại một sự kiện vốn dựa trên sự đa dạng về quan điểm, và họ đang phá hỏng thanh danh của ASEAN.
Ân xá Quốc tế cũng cảnh báo rằng luật An Ninh Mạng vừa mới được thông qua hồi tháng 6 sẽ trở thành mối đe dọa đối với các quyền tự do biểu đạt trên không gian mạng.
Vào khoảng 15 giờ ngày 9 tháng 9 năm 2018, cơ quan An ninh cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài cũng ra quyết định cấm nhập cảnh và tạm giữ bà Debbie Stothard - Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền đang đến Hà Nội để tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018.
Tài khoản Twitter của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngay sau đó có trả lời là họ đã được nghe về việc người đứng đầu FIDH bị từ chối nhập cảnh để tham dự Diễn đàn về kinh tế lớn nhất thể giới này và đã yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng lời mời của WEF, tạo điều kiện cho bà Debbie Stothard được tham dự cuộc họp.
Theo biên bản cấm nhập cảnh ký tên cán bộ Nguyễn Ngọc Quyết, dưới sự chứng kiến của đại diện hãng hàng không JetStar Pacific được bà Stothard đăng trên facebook, thì bà Deborah Christine Stothard (Debbie Stothard) thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam theo điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật này đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2014 và có hiệu lực đầu năm 2015 quy định những trường hợp không được nhập cảnh vào Việt Nam trong đó có điều khoản không được nhập cảnh "vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 với chủ đề ASEAN 4.0 : Tinh thần doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ được Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018.
Theo báo chí trong nước thì đây là sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018.
Bà Debbie Stothard, người Malaysia, trở thành Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền FIDH (tổ chức có gần 10 năm hoạt động) từ tháng 11/2010. Bà trước đó là một nhà hoạt động tích cực có 32 năm kinh nghiệm thúc đẩy nhân quyền ở Miến Điện và khu vực Đông Nam Á.
******************
Việt Nam bắt, trục xuất lãnh đạo tổ chức nhân quyền quốc tế (VOA, 10/09/2018)
Lãnh đạo cấp cao người Malaysia của một nhóm nhân quyền quốc tế đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ hôm 9/9, khi bà tới thủ đô Hà Nội để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và sắp bị trục xuất.
Bà Debbie Stothard (trái) và một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ người Mỹ tại Bangkok hôm 15/8.
AP dẫn lời bà Fon Mathuros, nữ phát ngôn viên của WEF, cho biết rằng bà Debbie Stothard, Tổng thư ký của Liên đoàn Quốc tế về nhân quyền, bị chặn bắt, không cho nhập cảnh tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội, và dự kiến bà Stothard sẽ tới Malaysia vào ngày 10/9.
"Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ [Việt Nam], không cho bà ấy nhập cảnh. Lời mời bà ấy tham dự cuộc họp vẫn còn và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách tạo điều kiện cho bà ấy tham gia", bà Mathuros nói.
Bà Stothard viết trên Facebook rằng bà bị quan chức hải quan bắt tại sân bay vì theo bà "chính phủ Việt Nam đưa tôi vào danh sách đen theo điều 21 nhằm cản trở tôi phát biểu" tại sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Bà Debbie Stothard (trái) trong một sự kiện hôm 22/7.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, Điều 21 của Luật Xuất Nhập cảnh về "các trường hợp chưa cho nhập cảnh" có một khoản liên quan tới "lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Hãng tin AP cho rằng Việt Nam gần đây đã tăng cường cuộc trấn áp nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, và bỏ tù hàng chục người vì vi phạm an ninh quốc gia.
Bà Stothard viết trên Twitter : "Những bất tiện mà tôi trải qua không là gì so với các cuộc tấn công vào truyền thông và các nhà hoạt động vì nhân quyền Việt Nam".
Một số chính phủ và các tổ chức nhân quyền trên thế giới thường chỉ trích Việt Nam tống giam những người bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, nhưng Hà Nội luôn nhấn mạnh rằng chỉ bỏ tù những ai vi phạm pháp luật.
Bà Stothard hồi tháng Tư từng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án "cuộc đàn áp không ngừng của chính phủ Việt Nam nhắm vào xã hội dân sự".
Một số nguyên thủ và quan chức cùng hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp khắp thế giới tới Việt Nam trong tuần này để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới kéo dài ba ngày với chủ đề trọng tâm là Đông Nam Á, theo AP.
******************
Báo cáo LHQ : Việt Nam trong số quốc gia ‘lờ’ quyền bảo mật thông tin riêng tư (VOA, 11/09/2018)
Chuyên gia về quyền riêng tư kỹ thuật số của Liên Hiệp Quốc hôm 10/9 nói rằng nhiều chính phủ hiện đang bỏ bê hoặc phớt lờ nhiệm vụ bảo vệ các thông tin mã hóa trực tuyến, vốn giúp đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, theo tin Reuters.
Luật An ninh mạng mới thông qua của Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích - Photo Cyber.co
Các quốc gia này bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Anh. Theo một báo cáo do báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Joseph Cannataci chuẩn bị cho Hội đồng Nhân quyền của LHQ, người dân không thể tin tưởng vào việc các hội thoại trực tuyến của họ sẽ được giữ kín.
Theo báo cáo mà chuyên gia Cannataci viết để trình lên phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bắt đầu vào thứ Hai, thì đã có sự gia tăng mạnh trong hạn chế của các nước đối với việc mã hóa trong 3 năm qua.
"Từ năm 2015, các nước đã tăng cường nỗ lực làm suy yếu các mã hóa được sử dụng trong sản phẩm và dịch vụ truyền thông sẵn có", báo cáo nói.
Theo báo cáo, các công ty đang chịu áp lực ngày càng tăng buộc phải cài đặt "cửa hậu" trong phần mềm để các quan chức thực thi pháp luật truy cập vào những tin nhắn đã được mã hóa hoặc các thiết bị được bảo mật, dẫn đến tạo điều kiện cho hacker khai thác, mặc dù các chính phủ đã có nhiều công cụ khác mà họ có thể sử dụng để điều tra.
"Nghĩa vụ của nhà nước là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do ý kiến và biểu đạt, quyền riêng tư, trong đó có trách nhiệm bảo vệ mã hóa", Reuters dẫn báo cáo nói.
Báo cáo nói thêm rằng các biện pháp khác làm suy yếu hệ thống mã hóa và bảo mật kỹ thuật số, chẳng hạn như yêu cầu khóa bảo mật cho bên thứ ba và đòi hỏi nội địa hóa dữ liệu, cũng ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng.
Báo cáo cho rằng những giới hạn đối với mã hóa là điều cần thiết, hợp pháp và hợp lý, nhưng việc cấm hoàn toàn rõ ràng không đáp ứng những tiêu chuẩn này.
Vẫn theo báo cáo, nhiều quốc gia đã tội phạm hóa việc sử dụng mã hóa, và đưa ra các dẫn chứng như lệnh cấm của Iran năm 2010, "những cấm đoán hình sự mơ hồ" của Pakistan, vốn được xem như để trấn áp các công cụ mã hóa, và việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng ngàn công dân vì sử dụng một ứng dụng nhắn tin được mã hóa.
Báo cáo nói các quốc gia khác, bao gồm Nga, Việt Nam và Malawi, thì đòi hỏi phải có sự phê duyệt của chính phủ cho các công cụ mã hóa. Cả Nga lẫn Iran đều đã cấm ứng dụng nhắn tin Telegram, sau khi công ty này từ chối bỏ các khóa mã hóa.
Luật an ninh mạng năm 2016 của Trung Quốc yêu cầu các nhà khai thác mạng phải "cung cấp hỗ trợ kỹ thuật" cho nhà nước và lực lượng công an phụ trách về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật, trong khi Uganda và Mexico sử dụng mã độc để theo dõi những người chỉ trích chính phủ.
Luật Quyền lực điều tra năm 2016 của Anh, vốn bị các nhà phê bình gọi là "Luật rình mò", cũng trao cho chính phủ các quyền mơ hồ có thể ép các nhà khai thác mạng tạo "cửa hậu", gỡ bỏ mã hóa và hợp tác trên diện rộng trong các biện pháp thâm nhập của chính phủ, vẫn theo báo cáo.
Báo cáo khuyến cáo các quốc gia nên thông qua luật hạn chế cho phép tiếp cận đối với vấn đề mã hóa và ẩn danh.