Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/10/2018

Cái bẫy thu hút FDI và vay trực tuyến qua mạng

Tổng hợp

30 năm thu hút FDI : "Cẩn trọng cuộc đua cạnh tranh xuống đáy giữa các địa phương" (Diễn Đàn Doanh Nghiệp, 01/10/2018)

Sự chênh lệch quá lớn về kết quả thu hút FDI giữa các địa phương chính là một trong những "khiếm khuyết" của hoạt động thu hút FDI trong 30 năm vừa qua.

Theo báo cáo 30 năm thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài, sau 20 năm, nhờ biết tận dụng lợi thế , tỉnh Vĩnh Phúc đã "vươn lên" trở thành một trong những địa phương là nơi hội tụ lớn của các dòng vốn FDI của các nhà đầu tư lớn như Toyota, Honda hay Piaggio... Điều này đã góp phần làm "thay da đổi thịt" của Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận đó là các địa phương vẫn đang "lúng túng" trong việc ra quyết định đầu tư do thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin trao đổi giữa các địa phương và thiếu các quy chuẩn chung trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

fdi1

Một dự án nhà máy chế biến gỗ cần bao nhiêu đất là đủ cũng là câu hỏi không hề dễ đối với các địa phương.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết : "Trong thu hút đầu tư nước ngoài vai trò của địa phương là rất lớn. Tuy nhiên, trong dự thảo chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030 lại chưa có định chế nào để đảm bảo việc thực hiện tại địa phương cách thông suốt".

Cụ thể, ở một số địa phương có vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực tập trung đông... dòng vốn thu hút đầu tư FDI lớn, thì còn có cơ hội cân nhắc giữa dự án này với dự án kia. Tuy nhiên, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, thì việc có các dự án đầu tư FDI thôi cũng là rất tốt. Theo đó, địa phương chính là nơi chủ động chủ động xúc tiến đầu tư, chủ trì cấp giấy chứng nhận đầu tư và tạo mọi điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư.

Việc có định chế đảm bảo cấp địa phương thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới được thông suốt ở cấp địa phương theo ông Đậu Anh Tuấn suy cho cùng là để đảm bảo sự thành công của chiến lược này.

Ngoài ra, hoạt động thu hút FDI chưa hiệu quả được cho là do thiếu những thống kê, đánh giá và báo cáo bằng những con số cụ thể về chất lượng nguồn vốn, chất lượng công việc được tạo, mức độ lan toả ra từ khối doanh nghiệp FDI, và ngân sách nhà nước thu được so với những già Nhà nước đầu đầu tư cơ sở hạ tầng, những ưu đãi trong thu hút đầu tư ? Bởi hiện nay, những công bố, báo cáo liên quan đến con số thu hút FDI, mới chỉ dừng lại ở mức đơn thuần là số vốn đăng ký, số vốn giải ngân.

Vì vậy theo ông Đậu Anh Tuấn : "Để có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới tốt, có lẽ cần thiết phải làm rõ những con số này và dường như hiện nay, việc thu hút FDI đang gắn với thành tích chính trị của 

Cụ thể là thiếu thông tin thẩm định về năng lực thật sự của nhà đầu tư, thông tin về trình độ công nghệ… bởi vậy, phần lớn các địa phương quyết định đồng ý với chủ trương đầu tư thường đơn thuần là dựa trên kinh nghiệm. Ví dụ một suất đất dành cho dự án nhà máy sản xuất gỗ, nhà máy giấy bao nhiêu là đủ ? Chính quyền tỉnh thường không nắm rõ trong khi các nhà đầu tư có xu hướng xin cấp đất nhiều hơn so với nhu cầu thực tế.

Cũng theo nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, dường như đang có sự cạnh tranh "ngầm" giữa các địa phương và sự cạnh tranh này đang có xu hướng ngày một gay gắt. Trong khi đó, nhà đầu tư đã khai thác được điểm này khá là tốt. Một dự án đầu tư, nhà đầu tư đã khảo sát nhiều địa phương cùng một lúc, chính vì vậy, có nhiều dự án, khi đến tỉnh này, tỉnh từ chối ngay vì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Tuy nhiên, sang tỉnh liền kề, thậm chí tỉnh này còn đầu nguồn nước của tỉnh vừa từ chối thì lại chấp nhận. Điều này theo ông Đậu Anh Tuấn "phần nào dẫn đến tình trạng cạnh tranh xuống đáy" giữa các địa phương.

"Vì vậy, những hạn chế này phải sớm được hoàn thiện, khắc phục trong thời gian tới, để hoạt động thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam thực chất, lan toả và mang lại lợi ích cho nền kinh tế"., ông Đậu Anh Tuấn đánh giá.

Thanh Phong

********************

Nở rộ loại hình vay trực tuyến : Dễ vay, khó trả (Lao Động, 30/09/2018)

Sự ra đời của các trang web cho vay tiền nhanh với những lời quảng cáo hấp dẫn đang thu hút sự chú ý của nhiều người do thủ tục đơn giản và hai bên tự thỏa thuận về lãi suất. Tuy nhiên, khi đã trót dính vào vay trực tuyến siêu nhanh, khách hàng không chỉ chịu lãi suất cao và phí "cắt cổ" mà thậm chí còn bị khủng bố tinh thần.

fdi2

Khi đã trót dính vào vay trực tuyến siêu nhanh, khách hàng không chỉ chịu lãi suất cao và phí "cắt cổ" mà thậm chí còn bị khủng bố tinh thần. Ảnh : BẢO CHƯƠNG

Lãi suất, chi phí "cắt cổ"

Vào Google, facebook... gõ cụm từ "vay online", "vay trực tuyến"… sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các trang web cho vay tiền siêu nhanh như Credy, ATMonline, vaytieudung, doctordong, SHA... Những cái tên này thường có thông điệp gây sự chú ý như "không đi xa, vay tại nhà", "vay tiền nhanh trong ngày online", "có tiền mặt 30 phút"… Hấp dẫn hơn nữa lãi suất 0%, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%, thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận… Thế nhưng, khi tìm hiểu những khoản vay tại các trang web này, người vay mới vỡ lẽ lãi suất cao như lãi suất cầm đồ.

Chị Ngân là sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ vì cần tiền nên cách đây một năm chị đã thực hiện hai hợp đồng với một trang web cho vay tiền nhanh để đầu tư kinh doanh. Chị vay 3 triệu đồng theo hợp đồng đầu tiên và nếu hoàn trả sau 7 ngày thì sẽ không tính lãi. Tuy nhiên, số tiền thực lĩnh của chị chỉ là 2,5 triệu đồng, số tiền còn lại là 500.000 đồng được chia thành hai phần : dùng để tạo hồ sơ (290.000 đồng) và gia hạn cho 7 ngày đó (210.000 đồng). Nhân viên tư vấn của trang web này cho biết lãi suất của công ty là 1%/ngày. Sau 7 ngày chị Ngân thanh toán cả tiền gốc và lãi là 3,18 triệu đồng và tất toán hợp đồng lần 1.

Hai ngày sau, chị Ngân yêu cầu được vay lần 2 với khoản vay 3 triệu đồng với lãi suất 1%/ngày. Rắc rối xảy ra khi đến gần ngày thanh toán, chị nhận được tin nhắn từ công ty cho vay đề nghị chị thanh toán số tiền phạt lãi vì chưa thực hiện hoàn tất hợp đồng đầu tiên. Số tiền thiếu là 30.000 đồng và nợ lãi đã tăng lên hơn 600.000 đồng. Kết quả, số tiền lãi chị Ngân đóng cho khoản vay lần 2 đã bị công ty cấn trừ vào nợ lãi của lần 1. Còn khoản vay lần 2 cũng lại trở thành khoản nợ quá hạn với số tiền phạt hơn 2 triệu đồng.

Thậm chí trên một số trang web cho vay trực tuyến, lãi suất được quảng cáo đã rất cao. Đơn cử trên trang doctordong lãi suất 39%/tháng, tại Monily lãi suất 30-36%/tháng. Thế nhưng mức lãi suất cho vay như trên chưa phải là kịch trần.

Anh Hoàng là công nhân làm việc ở quận Thủ Đức, TP.HCM kể do đang cần gấp khoản tiền hơn 3 triệu đồng để mua thuốc chữa bệnh cho con nhưng không đủ tiêu chuẩn để vay mượn tại các ngân hàng nên đã vào trang web doctordong để vay tiền nhanh. Do lần đầu vay nên anh chỉ được vay 2,5 triệu đồng trong thời gian tối đa 30 ngày, lãi suất công bố trên web là 39%/tháng. Như vậy, sau 30 ngày, tổng số tiền phải thanh toán khoảng 3,48 triệu đồng.

"Điều đáng nói là sau khi làm xong thủ tục vay, bên cho vay nói họ là đơn vị trung gian kết nối giữa người vay và cho vay nên thu phí quản lý khoản vay 2%/ngày, tức 60% một tháng, tương đương khoảng 720% một năm. Khi thấy lãi suất thực tế không như quảng cáo ban đầu, tôi thắc mắc thì nhân viên liền hăm dọa đủ kiểu" – Anh Hoàng nói.

Khủng bố khách hàng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất mô hình cho vay kiểu như trên là cho vay ngang hàng (P2P, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet). Theo đó, các công ty, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ khác vay. Nghĩa là qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

Một số thông tin từ các nhân viên đã từng làm trong loại hình này thì bên cạnh việc cho vay lãi suất "cắt cổ" thì các công ty này cũng có kiểu đòi nợ rất "khủng bố". Đa phần các khách hàng tìm đến các công ty này thông qua các quảng cáo trên một số mạng xã hội như Facebook, zalo…Chính vì vậy khi khách hàng vay khai báo thông tin cần thiết, từ số điện thoại, hệ thống của các công ty này đều thâm nhập vào mạng xã hội của người vay đang sử dụng. Trong trường hợp người vay chưa kịp trả nợ thì ngoài việc gọi điện thoại, các trang mạng xã hội của người vay tham gia cũng sẽ bị những dòng bình luận nhắc nhở chẳng khác gì kiểu đòi nợ kiểu xã hội đen trá hình.

Điều quan trọng là hiện chưa có luật nào bảo vệ người vay qua các trang mạng với lãi suất cao. Theo lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay pháp luật chưa có quy định nào về kiểm soát rủi ro khi vay ngang hàng. Do vậy, nếu xảy ra rủi ro cho các bên tham gia mô hình vay và cho vay này thì rất khó được giải quyết quyền lợi, vì không có cơ sở pháp lý để xử lý. Điều này đòi hỏi người tham gia mô hình vay ngang hàng phải thận trọng. Để đảm bảo lợi ích, người tiêu dùng khi có nhu cầu vốn nên tìm đến các tổ chức cho vay có uy tín, trong đó có các ngân hàng, công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động để tránh tín dụng đen, lãi suất cao.

Bảo Chương

Quay lại trang chủ
Read 433 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)