Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/10/2018

Trách nhiệm chờ đón Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước

Tổng hợp

Xôn xao chuyến công du ‘trình làng’ của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (RFA, 04/10/2018)

Những đồn đoán, nghi vấn, tranh cãi về người thay thế ông Trần Đại Quang ở vị trí Chủ tịch nước đã thật sự chấm dứt sau ngày thứ hai của Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 8, khóa 12 diễn ra ngày 3 tháng 10 vừa qua. Nhân vật được 100% số người tham dự giới thiệu là ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

tbt1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Tổng thống Nga, ông Putin tại Sochi ngày 6/9/2018 AFP

Ngay sau đó mạng xã hội bùng nổ tranh luận về một nhân vật sẽ có chuyến công du Hoa Kỳ ngay trong năm nay.

Khác biệt hay không khác biệt ?

Cộng đồng mạng xã hội những ngày qua không cần phải che giấu khi bày tỏ hẳn quan điểm của họ về nhân vật sẽ đường đường chính chính bước vào Nhà Trắng, bắt tay với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng 11 năm nay, không ai khác hơn, đó là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada vào ngày 28 tháng 9 đã từng đưa lên trang cá nhân của ông dự đoán rằng : "Cụ Trọng chuẩn bị ráo riết để kịp đi Mỹ vào tháng 11 sắp tới với tư cách Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng".

Thế nhưng, khi vẫn còn là dự đoán thì sẽ có sự phản biện. Người có ý kiến chưa đồng thuận là Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, hiện đang ở Hà Nội :

"Chưa có lịch ấy đâu. Người ta chưa bàn cụ thể là ai đi. Chắc chắn ông ấy sẽ được bầu vào ngày 22 tháng 10, và nếu lúc đó xếp lịch thì ông ấy đi thôi".

Ngược lại, Tiến sĩ Kinh tế, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng lại có góc nhìn đồng thuận với Luật sư Vũ Đức Khanh về tính chất của Hội nghị Trung ương 8 ngày 3 tháng 10 vừa qua.

"Việc này (bầu Chủ tịch nước) phải làm rất gấp gáp, nếu không thì Ban Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đến tháng 3 năm sau mới họp, mà Trọng thì đang cần đi gấp".

Có nghĩa rằng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể là người sẽ thay mặt nhà nước Việt Nam đến Hoa Kỳ trong tháng 11 (nếu chuyến công du diễn ra). Hoặc có thể như 1 số ý kiến khác cho rằng Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên mà ông Trọng phải thăm trong cương vị mới ?

tbt2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến viếng thăm Nhà Trằng năm 2015 AFP

Vấn đề lãnh đạo Việt Nam hiện nay thăm Trung Quốc được nhiều người cho là dễ hiểu. Còn nếu có chuyến đi Hoa Kỳ thì lần này có gì khác biệt so với chuyến đi năm 2015 của ông Tổng Trọng ? Câu trả lời của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp là "không có gì khác biệt".

"Vì trước đây khi ông ấy đi Mỹ thì cũng lại là Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam uỷ quyền ông ấy đi, coi như quyền nguyên thủ quốc gia. Bây giờ là đi chính thức, không còn là "quyền" nữa, thì nó vẫn thế thôi. Việc này có vẻ thuận lợi hơn vì nó cắt bớt đi các thủ tục lễ tân với nước ngoài".

Trong khi đó thì nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn ở chỗ Việt Nam không phải để cho Bộ Ngoại giao phải tìm cách "chạy vạy" với 1 số quốc gia khi đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng bí thư chứ không phải Nguyên thủ quốc gia.

"Đây có lẽ là 1 trong những lý do vì sao mà chỉ có ít ngày sau khi Trần Đại Quang qua đời thì Nguyễn Phú Trọng đã chấp chính luôn ghế Chủ tịch nước, trở thành Nguyên thủ quốc gia".

Thêm vào đó, theo ông, vấn đề thương mại Việt-Mỹ chính là sự khác biệt với chuyến đi năm 2015 của ông Nguyễn Phú Trọng.

Mục đích chuyến công du Hoa Kỳ

Năm 2015, cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến công du lịch sử đến Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ của nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đó cũng là thời điểm Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong giai đoạn đàm phán và Việt Nam khi ấy rất kỳ vọng TPP sẽ được thông qua.

Vào năm đó, ông Nguyễn Phú Trọng với cương vị Đảng trưởng đã phải chấp nhận với nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Obama về Công đoàn độc lập, một định chế tự do dân chủ và chính thể độc đảng ở Việt Nam không có thiện cảm từ xưa nay.

Tuy nhiên, TPP đã không thành do quyết định rút lui của đương kim Tổng thống Donald Trump ngay sau khi nhận chức. Do đó, Việt Nam cũng "được" quên luôn lời hứa về Công đoàn độc lập.

Một chi tiết khác, được Tiến sĩ Phạm Chí Dũng chia sẻ, là vào tháng 5 năm 2017, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chuyến thăm Hoa Kỳ, hội kiến với Tổng thống Donald Trump, nhưng không mang về những hiệu quả kinh tế như mong muốn.

"Không có Hiệp định song phương thương mại Việt-Mỹ, không giải quyết vấn đề thuế quan, thậm chí bị Bộ tài chính Mỹ và Trump đe dọa là sẽ dựng lên hàng rào thuế quan, thiết lập nguyên tắc công bằng và đối ứng, và sau đó áp dụng luôn. Gần như cũng không giải quyết được những hợp đồng hàng chục tỷ đô mà Nguyễn Xuân Phúc công bố với báo chí, cho đến bây giờ cũng chưa nghe kết quả gì về những hợp đồng đó như thế nào cả".

Từ những chi tiết trên, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho rằng theo quan sát của ông, nếu có chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 11 thì đích thân ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ đi. Và theo ông, "chuyến đi này, nếu có sẽ mang 1 ý nghĩa rất cấp thiết và quan trọng với Việt Nam, về mặt ngân sách Đảng và ngân sách chính phủ".

"Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là Hiệp định TPP, hay Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ, mà vấn đề lớn nhất hiện nay chính là nguyên tắc công bằng và đối ứng mà ông Trump đã tuyên bố và áp dụng từ tháng 3/2017.

Theo 1 nguồn tin mà tôi có được thì ông Trump đã yêu cầu Bộ thương mại công nghiệp và 1 số cơ quan kinh tế Mỹ phải đàm phán với Việt Nam để giảm rất nhiều mức xuất siêu hàng năm của Viêt Nam vào thị trường Mỹ, thậm chí giảm ở mức mỗi năm chỉ xuất vào Mỹ dưới 8 tỷ USD".

Nếu như thế, mỗi năm, Việt Nam sẽ hụt đi 25 tỷ USD ngoại tệ. Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, đây là vấn đề rất đáng lo ngại cho Việt Nam trong bối cảnh hàng Việt Nam vào thị trường chung Liên minh Châu Âu đang bị giảm sút.

Do đó, nếu không giải quyết được chính sách "công bằng và đối ứng" thì Việt Nam sẽ đối diện với trở ngại rất lớn trong việc xuất hàng vào thị trường Mỹ. Điều này, theo ông Phạm Chí Dũng, chính là mục đích lớn nhất cho chuyến đi Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng.

Một vấn đề khác cũng đang dược dư luận và những nhà quan tâm dân chủ nhân quyền trong nước đề cập đến bên cạnh chuyến đi đang được bàn tán của ông Trọng đến Mỹ : đó là, liệu sẽ có một hay nhiều hơn một tù nhân lương tâm hiện đang bị án tù ở Việt Nam sẽ được tự do theo phương án "thương mại đổi nhân quyền", một hình thức từng diễn ra nhiều lần trong chính trường Việt Nam ?

Cát Linh

*****************

Asia Times : Mọi quyền lực ở Việt Nam vào tay ông Trọng (RFI, 04/10/2018)

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, một sự củng cố quyền lực chưa từng có, đưa ông trở thành một Tập Cận Bình của Việt Nam. Đó là nhận định chung của Asia Times trong một bài viết đăng trên mạng ngày 04/10/2018.

tbt3

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 02/04/2018. Reuters/Kham

Sau khi ông Trần Đại Quang qua đời ngày 21/09, đã có nhiều lời đồn đoán về việc thay thế ông sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chính trị Việt Nam. Nhưng mọi đồn đoán đó đã chấm dứt vào tối 03/10, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí quyết định người thay thế ông Quang sẽ là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn đã là nhân vật có thế lực nhất ở Việt Nam hiện nay.

Quốc Hội sẽ chính thức bầu chủ tịch nước trong tháng này, nhưng do không có ứng cử viên nào khác và do Quốc Hội chỉ là một cơ quan làm theo lệnh ở trên, cho nên gần như chắc chắn ông Trọng sẽ nắm chức chủ tịch nước.

Theo Asia Times, quyết định của Trung ương đảng sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Trong nhiều thập niên qua, quyền lực chính trị ở Việt Nam được chia ra giữa bốn vị trí lãnh đạo, mỗi người kiểm soát một "khu vực" khác nhau trong một chế độ độc đảng.

Ông Trọng, trên thực tế là lãnh đạo số một ở Việt Nam, vốn đã kiểm soát Đảng cộng sản và các cơ chế ra quyết định của đảng. Thủ tướng thì lãnh đạo chính phủ dân sự, còn chủ tịch nước, với tư cách nguyên thủ quốc gia, nắm vai trò tổng tư lệnh tối cao của quân đội, là người đại diện Việt Nam viếng thăm các nước và trên lý thuyết là người bổ nhiệm thủ tướng. Trong khi đó, chủ tịch Quốc Hội là người kiểm soát cơ quan lập pháp.

Do tất cả các nhân vật đó đều nằm trong Bộ Chính trị, cho nên với cơ cấu lãnh đạo kiểu như vậy, mọi quyết định đều được đưa ra theo nguyên tắc đồng thuận và quan trọng hơn cả là nó ngăn chận việc thâu tóm quá nhiều quyền lực vào tay một người.

Theo Asia Times, nhiều người trong đảng tin rằng việc cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thâu tóm quá nhiều quyền lực cá nhân chính là một trong những nguyên nhân khiến ông bị mất chức trong kỳ Đại hội Đảng 2016.

Nay Việt Nam có vẻ như đi theo hướng giống Trung Quốc, như vậy là cơ chế lấy quyết định dựa trên đồng thuận có thể sắp chấm dứt. Bên cạnh những quyền hành với tư cách tổng bí thư đảng, mà ông đã củng cố rất nhiều kể từ tháng 01/2016, ông Nguyễn Phú Trọng sắp tới đây sẽ nắm luôn các quyền của chủ tịch nước : đình chỉ các luật do thủ tướng đưa ra, sửa đổi Hiến pháp, đề nghị cách chức các quan chức cao cấp và giữ vai trò tổng tư lệnh tối cao của quân đội. Như vậy, ông Trọng sẽ là nhân vật có quyền lực mạnh nhất ở Việt Nam kể từ thời Lê Duẩn, tổng bí thư đảng từ 1960 đến 1986.

Theo Asia Times, hiện chưa rõ là các đảng viên sẽ phản ứng như thế nào về quyết định bất ngờ nói trên, nhưng một điều chắc chắn điều này sẽ gây rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo đảng. Theo lời giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, đại học New South Wales, kể từ khi ông Trần Đại Quang được chẩn đoán là đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh, ông Trọng đã bắt đầu vận động để được nắm giữ cả hai chức vụ. Điều trớ trêu là, khi vấn đề sát nhập hai chức vụ được đưa ra thảo luận trong đảng cách đây một thập niên, chính ông Trọng đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ củng cố quyền lực không kiểm soát được, theo tiết lộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Việt Nam.

Cũng hiện chưa rõ là việc ông Trọng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước là mang tính tạm thời, hay là Việt Nam sẽ phải sửa đổi Hiến Pháp để việc sát nhập hai chức vụ sẽ là vĩnh viễn. Theo Asia Times, có thể là do thiếu các ứng viên hội đủ tiêu chuẩn, việc sát nhập hai chức vụ chỉ là biện pháp tạm thời trong khi chờ Đại hội Đảng lần tới.

Nhưng với việc nắm rất nhiều quyền lực trong hai năm tới, không có gì bảo đảm là ông Trọng sẽ tuân thủ các quy định của đảng về giới hạn nhiệm kỳ. Hiện nay, theo quy định, tổng bí thư đảng không thể nắm quyền quá 2 nhiệm kỳ, cho nên ông Trọng trên nguyên tắc sẽ phải rút lui vào năm 2021. Tuy nhiên, có thêm quyền trong tay, có thể là ông sẽ sửa đổi quy định về giới hạn nhiệm kỳ, để có thể tiếp tục ra ứng cử tổng bí thư cũng như chủ tịch nước, để thật sự trở thành một Tập Cận Bình ở Việt Nam.

Thanh Phương

*******************

Nhất thể hóa liệu có là sự cải cách ? (RFA, 04/10/2018)

Hội nghị trung ương Đảng cộng sản 8 chính thức giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng giữ chức Chủ tịch nước, thay cho ông Trần Đại Quang mới qua đời ngày 21/9/2018. Một số ý kiến cho rằng, điều này có thể hé mở một sự cải cách về thể chế chính trị tại Việt Nam.

tbt4

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trung ương lần thứ 8 khóa XII RFA

Nhân sự và nhất thể hóa

Chuyện đồn đoán về sự thay thế cho ông Trần Đại Quang trên cương vị chủ tịch nước đã có từ nhiều tháng trước và sau cái chết của ông Quang ngày 21/9/2018 vừa qua.

Và vào ngày 3 tháng 10, mọi đồn đoán chấm dứt. Mặc dù đến kỳ họp thứ 6, Quốc Hội khóa 14 diễn ra trong tháng 10 này, các đại biểu mới chính thức bỏ phiếu ; nhưng chắc chắn việc nhất thể hóa hai chức danh đã được ấn định.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, việc Bộ Chính trị quyết định, rồi đưa ra Hội nghị Trung ương 8 của Đảng thông qua đề cử, và Kỳ họp toàn thể của Quốc hội tới đây bỏ phiếu chính thức là dân chủ "giả hiệu". Ông Cống cho rằng, có một cách khác để dân chủ thực sự hơn.

"Để cho dân bầu trước. Anh cứ nêu ra đi, anh muốn bầu làm chủ tịch thì để cho người ta tranh cử ở trong đất nước này. Có thể người ta sẽ bầu cho ông Trọng. Ông Trọng là một trong những người ứng cử, có thêm hai, ba người ứng cử nữa và người ta sẽ tranh cử, nói chuyện thực sự là dân chủ ở quốc hội, bầu cử đàng hoàng. Nếu như người ta thấy ông Trọng xứng đáng, nhân dân vẫn tin tưởng thì ông kiêm luôn. Nhưng mà cái quan trọng phải là dân bầu trước".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói thêm, người được bầu là chủ tịch nước sẽ được Đảng cộng sản chọn là Tổng bí thư, và đó là "dân bầu, đảng cử". Điều quan trọng là phải tìm được người tinh hoa, thực sự xứng đáng, có trí tuệ, có tài năng và tư duy đổi mới, sáng tạo.

tbt5

100% số người tham dự đã chính thức giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng ứng cử vào chức vụ Chủ tịch nước. RFA

Việc ông Nguyễn Phú Trọng chính thức được bầu vào ghế Chủ tịch nước gây ra sự tranh luận trái chiều. Bên phản bác thì lấy lý do về nguy cơ độc tài, nhưng trên hết là khuynh hướng bài bác những gì giống mô hình của Trung Quốc trong xã hội Việt Nam.

Trái lại, những người ủng hộ thì cho rằng, đây là một điểm khởi phát cho sự thay đổi, cơ hội cho cải cách thể chế chính trị. Họ cho rằng, không nên sợ quyền lực tập trung vào một người, nếu như tôn trọng quyền của các nhánh quyền lực theo Hiến pháp, thì không ai có thể lạm quyền, trở thành độc tài.

"Văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay vẫn chưa chấp nhận hai phạm trù gốc là nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Mặc dù khi đi ra thế giới, đi đâu lãnh đạo Việt Nam cũng yêu cầu các nước sở tại công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, mà trong nước đối với người dân thì nói là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là "tam vị nhất thể" của một mô thức phổ quát đối với các nước tiến bộ, dân chủ nói chung" – Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng – Phó viện trưởng Viện VIDS chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định, nhất thể hóa có điểm hay và điểm dở, nhưng quan trọng là tùy thuộc vào con người nào và quan điểm của người đó ra sao. Điều ông lo ngại là con người độc tài và bảo thủ sẽ khiến đất nước khó phát triển.

"Nghĩa là con người trí tuệ không lớn, không cao, tuy rằng cái độc tài cũng vừa phải, nhưng mà cái trí tuệ bảo thủ, thì rồi anh ta không đề ra được cái gì tốt đẹp, mà rồi theo những con đường không hay. Riêng ông Nguyễn Phú Trọng, phần độc tài tôi không đánh giá, nhưng phần bảo thủ thì rất nặng".

Nhất thể hóa liệu có là một sự cải cách ?

Trong bối cảnh những thách thức hiện nay đối với đất nước, cải cách thể chế có thể nói là "mệnh lệnh không thể chần chừ" – như lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu trước nghị trường Quốc hội.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, mọi sự cải cách phải xuất phát từ tư duy, tư tưởng của người lãnh đạo, người cầm quyền và sự đổi mới trong cơ chế vận hành.

"Muốn cải cách thì phải đổi mới, nhưng người ta hiểu nhầm là đổi mới con người có tư duy cũ, đổi mới cái tư duy đi. Trường hợp đó có thể có, nhưng rất hiếm. Cái quan trọng của đổi mới là phải tìm ra cho được con người có tư duy mới, có tư tưởng tiến bộ, để thay cho con người cũ có tư duy lạc hậu. Như thế mới thực sự là đổi mới. Bây giờ đưa ông Trọng lên, rồi vận động ông ấy thay đổi, cải cách là quá khó !".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng có cách nhìn khác, dường như lạc quan hơn theo hướng nhất thể hóa là bước tiên khởi cho những sự thay đổi "từ trên xuống" trong các vấn đề về thể chế.

"Từ nay một sự thay đổi từ trên xuống – tức là "top down change", nếu xảy ra nhiều sau nhiều tranh cãi của các phe phái thì có thể sẽ thuận (lợi) hơn đối với các cuộc cải cách thể chế nói chung".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cũng nói thêm rằng, để sự cải cách này có tác động xuống tới các địa phương thì cơ chế cần phải thay đổi tương xứng và tất cả vấn đề này tùy thuộc vào cương lĩnh, đường lối của Bộ Chính trị hiện nay và trong đại hội tới, chưa thể tiên đoán được trước.

"Trước hết là nhân tố chính sách, nhân tố cơ chế cũng rất quan trọng. Vấn đề là anh định hướng theo cơ chế nào, chính sách nào. Anh chấp nhận kinh tế thị trường hay không, chấp nhận nhà nước pháp quyền hay không, và chấp nhận xã hội dân sự hay không. Nếu anh chấp nhận thể chế như thế thì sẽ có con người để mà thực hiện chức năng ấy. Vấn đề không phải là tùy con người đâu, mà ở đây là cái thể chế".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì nhấn mạnh đến chính vai trò, sự thay đổi, cải cách của Đảng cộng sản đang cầm quyền trong tiến trình cải cách thể chế chính trị tại Việt Nam.

"Để cải cách cái nền chính trị của Việt Nam, thì tôi thấy đảng cộng sản phải thay đổi cơ bản là biến chuyển từ một đảng lãnh đạo cách mạng thành một đảng chính trị và phải chấp nhận đa nguyên, cạnh tranh. Trong hoàn cảnh cạnh tranh như thế, anh hãy để cho các xã hội dân sự phát triển, hãy để những đảng đối lập người ta phát triển, cạnh tranh với anh. Và anh hãy thắng người ta bằng con đường đấu tranh nghị trường, bằng đường lối chính của anh, bằng niềm tin của anh".

*****************

Chủ tịch nước kiêm nhiệm Tổng bí thư - giải pháp tạm thời ? (RFA, 04/10/2018)

Vào ngày 3/10 vừa qua, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được 100% đại biểu thống nhất chọn làm ứng cử viên chức Chủ tịch nước để đưa ra Quốc hội bầu vào tháng 10 tới. Đây là một sự kiện được đánh giá là chưa từng có từ trước đến nay tại Việt Nam. Việc kiêm nhiệm này làm dấy lên những đồn đoán về khả năng nhất thể hóa trong tương lai và những ảnh hưởng của nó lên nền chính trị Việt Nam.

tbt6

Hình chụp hôm 25/1/2018 : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội AP

Kinh ngạc

Ngay từ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột từ trần vào ngày 21/9 vừa qua, đã có nhiều ý kiến dự đoán về khả năng Tổng bí thư sẽ kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước, chuẩn bị cho bước đi hướng tới việc nhất thể hóa trong tương lai giống như mô hình đã được thực hiện ở những nước xã hội chủ nghĩa khác trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc kiêm nhiệm là chưa thể xảy ra vì việc kiêm nhiệm hay nhất thể hóa chưa được bàn bạc nhiều, trong khi bản thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như cũng không mặn mà lắm với việc kiêm nhiệm hay sát nhập này.

Trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở Hà Nội hồi năm 2015, khi được hỏi về khả năng nhất thể hóa ở địa phương, ông Trọng đã nói rằng "Bí thư kiêm Chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông ?"

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế làm việc ở Singapore, trong một bài viết đăng trên trang nghiên cứu quốc tế hôm 3/10 cho rằng "việc bầu ông Trọng vào chức Chủ tịch nước là một diễn tiến đáng ngạc nhiêu nếu xét việc ông Trọng tuổi đã cao và thực tế rằng ông được cho là không mấy nhiệt tình về ý tưởng nhất thể hóa hai chức danh này".

Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập ở Việt Nam, người đã từng có nhận định trước đây rằng khả năng kiêm nhiệm là rất khó xảy ra, đã phải thốt lên từ "kinh ngạc" khi nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch nước. "Kinh ngạc thứ nhất là ông Quang từ trần ngay trước hội nghị Trung ương, kinh ngạc thứ hai là ông Trọng nhảy vào luôn chức của ông Quang, kinh ngạc thứ ba là chỉ có một mình ông Trọng là ứng cử viên được giới thiệu ra Quốc hội", nhà báo Phạm Chí Dũng nói với RFA.

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết, theo nguyên tắc, nhân sự được giới thiệu vào chức vụ quan trọng này phải có ba phương án là Tổng bí thư giới thiệu, Bộ Chính trị đề xuất lên Ban chấp hành Trung ương, và Ban Chấp hành Trung ương đề xuất ứng cử viên. Trong trường hợp này, vì ông Trọng không thể tự giới thiệu bản thân mình nên ít nhất phải có 2 phương án.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, ứng cử viên duy nhất cho chức Chủ tịch nước cho Quốc hội bỏ phiếu là ông Nguyễn Phú Trọng.

Kiêm nhiệm chức vụ sẽ làm yếu việc kiểm soát và cân bằng trong đảng

Trong bài phân tích về việc Hội nghị Trung ương 8 quyết định chọn ông Trọng là ứng viên duy nhất vào chức Chủ tịch nước để đưa ra Quốc hội, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc viết rằng : "quyết định của phiên họp thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng chọn ông Nguyễn Phú Trọng nắm cùng lúc hai chức vụ là Bí thư đảng và Chủ tịch nước sẽ làm yếu đi nếu không muốn nói là làm xói mòn hệ thống kiểm soát và cân bằng không chính thức vốn có kể từ sau khi áp dụng Hiến pháp 1992".

tbt7

Tổng bí thư nguyễn Phú Trọng (giữa) cùng Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lệ bế mạc Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AP

Theo Giáo sư Carl Thayer, mặc dù Chủ tịch nước ở Việt Nam chỉ được xem như một chức vụ có tính hình thức, nhưng Hiến pháp trên thực tế có trao Chủ tịch nước một số các quyền hạn nhất định. Khi Văn phòng Chủ tịch nước được nhập vào với văn phòng Bí thư đảng thì điều này sẽ dẫn đến việc can thiệp chưa từng có của người đứng đầu đảng vào các việc của nhà nước.

Trong bài phân tích của mình, Giáo sư Carl Thayer cũng nhận định có những ưu điểm nhất định của việc kiêm nhiệm hay hợp nhất hai chức vụ. Đó là việc có một lãnh đạo mạnh mẽ sẽ có thể giúp ích cho việc chống tham nhũng và giải quyết được sự kém hiệu quả của nhà nước để đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội lâu dài. Mặt khác, với việc Việt Nam theo đuổi chính sách hội nhập quốc tế chủ động, việc kết hợp hai chức vụ sẽ giúp Việt Nam có những phản ứng hiệu quả hơn với các đối tác nước ngoài cũng như với Trung Quốc.

Giải pháp tạm thời

Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước vào lúc này cũng chưa phải là dấu hiệu chắc chắn cho thấy Việt Nam sẽ thực hiện nhất thể hóa.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời và có thể vào Hội nghị Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021 tới, Việt Nam sẽ lại có hai chức vụ Chủ tịch nước và Tổng bí thư như trước kia. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng nếu đảng chọn được một lãnh đạo có đủ khả năng đảm nhiệm một lúc hai chức thì không loại trừ khả năng Việt Nam tới lúc đó sẽ có một người kiêm nhiệm hai chức vụ.

Nói về khả năng nhất thể hóa, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết, Việt Nam sẽ cần phải thay đổi hiến pháp. Nếu đại hội Đảng tới chọn được một người làm hai chức vụ thì sau đó Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi hiến pháp cho phù hợp. Đây cũng là điều mà Trung Quốc đã làm khi hợp nhất hai chức vụ này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng kể cả trong trường hợp Việt Nam tiến tới nhất thể hóa, thì việc sửa đổi hiến pháp cũng sẽ không giống như của Trung Quốc tức là tăng thêm quyền lực cho Chủ tịch nước (người đồng thời là Tổng bí thư), giảm quyền lực của Thủ tướng và Quốc hội. Nguyên nhân được cho là vì ở Việt Nam từ trước đến nay các chức vụ cấp cao vẫn phải đảm bảo tính đại diện vùng miền Bắc – Trung – Nam.

Quay lại trang chủ
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)