Nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm : 'Quyết định bất thường' ? (BBC, 09/10/2018)
Một luật sư nói với BBC rằng việc Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý xây dựng nhà hát giao hưởng trị giá 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm cho thấy "không phải mọi nghị quyết của Hội đồng nhân dân đều thể hiện đúng ý chí của người dân" trong lúc một nhà quan sát nói đây là "quyết định bất thường ở kỳ họp bất thường".
Cảnh Thành phố Hồ Chí Minh
Mạng xã hội dấy lên tranh cãi sau khi các báo Việt Nam cho hay Thành phố Hồ Chí Minh xây nhà hát 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm là "vì cần cho người dân".
Kinh phí xây dựng được hiểu là "từ nguồn ngân sách thành phố".
Quyết định này được thông qua tại kỳ họp bất thường Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/10.
Theo báo Dân Trí, nhà hát này được xây dựng với quy mô 1.700 chỗ, có khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ. Dự kiến, thời gian thực hiện từ 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.
Tờ báo cũng mô tả đây là "công trình điểm đến cho tương lai".
Người dân Thủ Thiêm bức xúc khi trao đổi với các đại biểu Quốc hội ngày 9/5
'Đảng cử, dân bầu'
Hôm 9/10, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC : "Nếu xét về khía cạnh pháp lý thì việc thông qua đề xuất xây nhà hát ở Thủ Thiêm hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu hỏi việc này có thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân thành phố hay chưa thì câu trả lời chắc chắn là chưa vì trên các diễn đàn, mạng xã hội thì rất nhiều người phản đối".
"Vì người ta thấy nó chưa thực sự cần thiết vào thời điểm hiện nay".
"Qua việc này cho thấy một điều không phải mọi nghị quyết của Hội đồng Nhân dân đều thể hiện đúng ý chí của người dân thành phố".
"Hiện nay không có cơ chế nào để người dân có thể ngăn chặn Hội đồng Nhân dân ra các nghị quyết như vậy".
"Bởi thực tế đại đa số đại biểu Hội đồng Nhân dân là Đảng viên. Đảng cử dân bầu nên chắc chắn Hội đồng Nhân dân không thể đại diện cho ý chí của cử tri một cách đầy đủ".
"Theo tôi, đã đến lúc cần có cơ chế để Hội đồng Nhân dân làm việc hiệu quả và đảm bảo các quyết sách của cơ quan được xem xét một cách thấu đáo và thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của người dân".
'Quyết định bất thường'
Cùng ngày, trả lời BBC, ông Cù Mai Công, một nhà báo sinh ra ở Sài Gòn và là tác giả sáu tập sách Saigon By Night, nói : "Đây quả là quyết định bất thường ở một kỳ họp bất thường. Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng được thông qua khi bản giao hưởng "nước mắt Thủ Thiêm" còn đây !".
"Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, các đề án trong kỳ họp này, đặc biệt là dự án nhà hát, rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà khẳng định đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc".
"Một số đại biểu của dân lại có vẻ "không chờ đợi" khi vẫn còn nhiều băn khoăn. Trong đó, đáng lưu ý là ý kiến của bà Võ Thị Ngọc Thúy : "Thành phố đã khảo sát thị trường để biết được nhu cầu nhạc giao hưởng, vũ kịch của khán giả ra sao ?".
"Nhưng hình như không đại biểu nào nói về việc Thành phố Hồ Chí Minh quyết xây dựng nhà hát giao hưởng này khi bản "giao hưởng nước mắt" 20 năm của bà con Thủ Thiêm tới giờ vẫn chưa có kết quả cụ thể sau khi Thanh tra Chính phủ công bố bản điều tra (chưa phải kết luận thanh tra)".
"Cuối cùng thì dự án 1.500 tỷ đồng đã được thông qua nhanh chóng tại kỳ họp này".
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang khánh thành năm 2015 được mô tả là "thánh đường không trọn vẹn"
"Kỳ họp bất thường không phải để giải quyết chuyện nóng bỏng thời sự, chẳng hạn như Bệnh viện Nhi đồng 1 đang "vỡ trận" mà quyết một công trình dự kiến mấy năm mới xong (2018-2022). Lẽ nào sinh mạng của hàng trăm, hàng trăm, hàng ngàn công dân bé nhỏ ở Sài Gòn không được người dân ưu tiên bằng nhà hát giao hưởng ?"
"Rõ ràng là bất thường. Càng bất thường hơn khi kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng xây nhà hát này là tiền đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn (có người cho rằng lô đất này có giá trị 2.500 tỷ đồng chứ không phải 1.500 tỷ đồng), tức tiền dân mà không phải từ những doanh nghiệp bất động sản đang thu lợi cực lớn ở Thủ Thiêm".
Nhà báo Cù Mai Công cho biết thêm :
"Đầu thế kỷ 20, khi Chú Hỏa (Hui Bon Hoa) được hưởng lợi từ các lô đất chính quyền Pháp ở Sài Gòn cấp cho khi làm đường Trần Hưng Đạo hiện nay, ông ta phải xây tặng cho Sài Gòn các công trình lớn cho tới nay vẫn xài tốt : Bệnh viện Từ Dũ, khách sạn Majestic, Trường Minh Đức (đường Nguyễn Thái Học, Q.1) và Trung tâm cấp cứu Sài Gòn hiện nay".
"Trước đó, hai nhà hát Hòa Bình, Bến Thành được xây dựng sau 1975 cũng đã được kỳ vọng lớn. Giờ hai nhà hát này hoạt động ra sao thì ai cũng biết : Vừa xuống cấp vừa không đạt tiêu chuẩn tổ chức các buổi diễn quốc tế".
"Đó là chưa kể mới đây, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với những kỳ vọng vực dậy bộ môn cải lương sau khi đội vốn từ 60 tỷ đồng lên 132 tỷ đồng, đưa vào hoạt động thì chỉ cầm chừng vì chật chội và sai... thiết kế".
"Thực tế người dân đủ mọi thành phần thì đang nói đầy trên Facebook", ông Cù Mai Công bày tỏ ý kiến.
Ben Ngô
****************
Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ : Cần nhưng không phải lúc này ! (RFA, 09/10/2018)
‘Chúng tôi không cần’
"Không ! Tôi nói thẳng 1 tiếng là không. Việt Nam mà, đâu có ai biết nhạc giao hưởng gì nhiều đâu. Một trăm người chỉ có 1 người biết. Cái đó nó mới lạ với Việt Nam lắm.
Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm - RFA
Dùng từ ‘giao hưởng’ là chọc người ta, vì xây nhà giao hưởng không ai coi hết đó, nhà hát thường còn không ai coi, nói gì đến giao hưởng ?".
Đó là ý kiến của bà Hương, một người dân Thủ Thiêm nói với RFA qua điện thoại vào tối ngày 9 tháng 10, một ngày sau khi diễn ra kỳ họp thứ 10, còn được gọi là kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX. Kỳ họp được truyền thông trong nước loan báo sau đó là sau hơn 3 giờ đồng hồ thảo luận, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua dự án đầu tư nhà hát 1.500 tỉ đồng.
Báo Người Lao động cho biết chi tiết đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Thanh Liêm nêu lý do cần phải có 1 nhà hát giao hưởng vì : "Thành phố (Hồ Chí Minh) là một thành phố văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm".
Ngoài ra, ông Liêm nhấn mạnh thêm xây dựng nhà hát này còn để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân Thành phố trong bối cảnh hội nhập với quốc tế.
Nếu xét về khía cạnh xây dựng và vai trò của người lãnh đạo, khó có ai có thể phủ quyết chủ trương khai phóng, khai minh của ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố. Thế nhưng, khi một công trình văn hóa ra đời với trọng trách truyền tải những loại hình nghệ thuật đến cho quần chúng, như lời ông nói, mục đích là để ‘đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho người dân". Vậy thì người dân đón nhận ý tưởng này ra sao ?
Ông Lê Văn Lung, 59 tuổi, một doanh nhân ở Thủ Thiêm nay đã bỏ việc để dành trọn thời gian cho việc khiếu kiện cho ông và cho những gia đình mất đất khác, cho chúng tôi biết xây nhà hát giao hưởng không phải là vấn đề bức thiết của người dân :
"Cái việc thưởng thức nhạc giao hưởng này thì nó rất xa vời với người dân trung lưu trở xuống. Tui nói là trung lưu luôn. Họ chưa có khái niệm gì về nhạc này và chưa hiểu gì về nhạc này cả. Nó xa vời với người dân lắm. Nó không phải là vấn đề bức thiết của người dân".
Rạp hát Hưng Đạo xưa - Courtesy of internet
Đối với ông Lung, cái ông gọi là bức thiết nhất của người dân lúc này là bệnh viện và trường học. Đây cũng là suy nghĩ của bà Hương nêu lên với RFA :
"Bây giờ xây bệnh viện người dân hưởng ứng liền. Xây những nhà từ thiện, nuôi trẻ mồ côi hay cái gì đó cho người già thì người ta hưởng ứng liền. Còn cái này giống như "chọc gai" tụi tui".
Không phải thời điểm này !
Trong một xã hội phát triển chưa đồng đều, một xã hội còn tồn tại sự chênh lệch khá lớn giữa cái giàu, cái nghèo thì rất khó để xác định sự cân bằng giữa cái cần và cái đủ trong đời sống chung. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng người dân trong xã hội không nhận thức được họ cần gì và khi nào họ cần điều đó.
Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ với RFA về tâm tư của bà về sự cần thiết của những công trình văn hóa đối với 1 xã hội :
"Nếu như đứng ở 1 góc độ là sự hưởng thụ văn hóa và việc xây dựng văn hóa thành phố thì rõ ràng không thể nói là Thành phố mình không cần những công trình văn hóa như thế, không thể nói là mình không cần bảo tàng lớn hơn, nhà hát giao hưởng hay những công trình văn hóa như quốc tế họ đã có".
Tuy nhiên, cũng chính nữ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã thẳng thắn bảy tỏ thêm ý kiến của bà trước quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố và phản ứng của cộng đồng trong nước.
"Thật sự tôi không tán thành quyết định xây nhà hát vào lúc này và nhất là lại trên mảnh đất Thủ Thiêm, cái nơi mà hiện nay còn rất nhiều vấn đề về đất đai chưa được giải quyết. Việc xây nhà hát hay nói cách khác là xây 1 công trình văn hóa mà đối với nhiều người dân thành phố còn rất xa lạ, ở 1 thời điểm và 1 vị trí rất nhạy cảm thì theo tôi đấy là 1 quyết định rất thiếu khôn ngoan về mặt chính trị".
Thực tế từng cho thấy, từ thưở rất xa xưa, người dân miền Nam đã từng chen chúc, hứng khởi chờ đón hai cánh màn nhung mở ra để nghe những câu cải lương ngọt lịm của những vở tuồng kinh điển như "Đời cô Lựu", "Tiếng trống Mê Linh"…Sân khấu của những vở tuồng ấy không lung linh hào nhoáng như sân khấu nhạc kịch, nhưng ai đã từng sống qua thời ấy đều hiểu rằng, sân khấu đó thật sự là của họ, của khán giả. Và những vở diễn đó được viết cho người dân miền Nam lúc đó thưởng thức.
Sân khấu vở tuồng Áo gấm Khôi Nguyên Courtesy of cailuongvietnam.com
Ngày nay, xã hội đã phát triển hơn, đời sống đã văn minh hơn, nhưng đã cần và đủ cho việc xây dựng 1 nhà hát giao hưởng chưa ? Nhà văn Nguyễn Đông Thức có chia sẻ trên trang cá nhân của ông :
"Nhà hát Giao hưởng ? Thì cũng được đi, bởi một thành phố hiện đại, văn minh thì rất nên có.
Nhưng nó bao giờ cũng phải đi kèm với một trình độ văn hoá, một khả năng tiếp thụ và thưởng thức của người dân mức nào đó. Các trình độ đó đã có chưa ?"
Ông Lê Văn Lung, "khán giả" tương lai của nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ chia sẻ ý kiến của ông :
"Nói là trong thời điểm này thì cụm từ này nó rất chính xác trong thời điểm này. Tất nhiên nói cần thì nó rất cần nhưng không phải trong thời điểm này.
Những công trình văn hóa thì sau này kìa, khi mà đời sống cao lên, những nghèo đói, những cơ bản cuộc sống nó đã cao thì mới thưởng thức những cái đó".
Phân tích cái cần 1 cách khoa học hơn, nữ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho rằng không có nghĩa là khi mình còn nghèo thì mình không có quyền nghĩ đến và không có quyền chăm lo cho người dân có quyền thụ hưởng giá trị văn hóa của dân tộc cũng như văn hóa của quốc tế.
Tuy nhiên, điều cần thiết là sự chuẩn bị từ gốc.
"Nếu muốn người dân có thể thụ hưởng được những công trình văn hóa thì chúng ta phải có sự chuẩn bị từ rất sớm, phải đưa những văn hóa đó vào giảng dạy ngay từ trong nhà trường, hội hoạ, loại hình âm nhạc. Khi thế hệ đó lớn lên thì họ mới có nhu cầu. Và khi người dân có nhu cầu thì khi nhà nước đưa ra rất dễ gặp sự đồng thuận".
Các công trình văn hoá, nghệ thuật vốn dĩ được sinh ra là để phục vụ cho con người, bất kể giàu, nghèo, sang, hèn. Họ hoàn toàn có quyền được thụ hưởng những cái đẹp trong cuộc sống. Nhân vật cô gái làng chơi trong bộ phim Pretty Woman cũng được quyền hưởng thụ và rơi nước mắt cho vở nhạc kịch La Traviata chỉ dành cho giới quí tộc. Nhưng đó là nhân vật trong phim. Còn với dự án nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ cho người dân Việt Nam, thì nhà văn Nguyễn Đông Thức có nêu câu hỏi : "Ai sẽ đến thưởng thức được nhạc giao hưởng ở cái nhà hát được xây trên vùng đất đầy nước mắt ấy ?"
Cát Linh
******************
Dự án nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm bị dân phản ứng dữ dội (VOA, 09/10/2018)
Hàng nghìn ý kiến thể hiện trên mạng xã hội trong hai ngày qua cho thấy rất nhiều người dân phản đối kế hoạch của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho xây một nhà hát trị giá 1.500 tỷ đồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu đất ở Thủ Thiêm dự kiến dành cho việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng
Một số kiến trúc sư danh tiếng phát biểu với hai báo mạng lớn, Zing và VietnamNet, cảnh giác rằng "không nên vội vàng" xây nhà hát như vậy, họ nói thông qua chủ trương xây nhà hát mới như vậy là "quá nóng vội".
Tin tức trên báo chí trong nước cho hay Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/10 đã họp bất thường và thông qua dự án xây dựng một nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch mới, sẽ nằm ở quận 2, với số tiền đầu tư tương đương hơn 65 triệu đô la.
Các bản tin cho biết thêm là số tiền kể trên có nguồn gốc là tiền bán đấu giá một khu đất có vị trí đắc địa ở quận 1, trung tâm thành phố.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, ông Lê Thanh Liêm, được một số báo trích lời phát biểu rằng việc xây dựng một nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là "thật sự cần thiết và cấp bách".
Nhưng ngay sau khi các bản tin xuất hiện, rất nhiều người lập tức bày tỏ "bất bình" và "phản đối" dự án được lên kế hoạch dành cho khu đô thị vốn đầy những bê bối vì việc giải tỏa sai quy hoạch đã bị báo chí liên tục mổ xẻ, phân tích.
Cách đây hơn một tháng, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ "có nhiều sai phạm" trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, "phá vỡ quy hoạch", thể hiện "sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất". Đây là kết quả của khoảng 10 năm ròng rã khiếu kiện của nhiều người dân địa phương.
Qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Zing.vn)
Nhưng từ khi có kết luận của thanh tra đến nay, chính quyền thành phố "chưa ngồi lại" với người dân để giải quyết những điều bức thiết, theo lời ông Lê Văn Lung, một nạn nhân mất đất, cho VOA hay.
Ông Lung, 59 tuổi, một đại diện cho "dân oan" Thủ Thiêm, nói với VOA rằng họ "rất bức xúc" về chủ trương xây nhà hát :
"Thành phố không tích cực ngồi lại với người dân giải quyết trước mắt để người dân chúng tôi có cuộc sống ổn định qua thời gian dài ở ngoài đường để đi đấu tranh. Bây giờ lại thông qua xây dựng nhà hát thì nó rất là phản cảm, vô cảm đối với bà con chúng tôi ngay vùng đất Thủ Thiêm. Nó giống như đang thách thức những dân oan chúng tôi".
Ông Lung cho biết hơn một tháng nay, những người dân mất đất liên tục ngóng chờ hàng ngày, hàng giờ, nhưng không thấy "bất cứ tín hiệu nào cả" về việc chính quyền sẽ sửa chữa sai lầm và đền bù cho dân.
Để thúc giục chính quyền trả lại nhà đất của dân bị giải tỏa sai, ông Lung và những người dân oan khác đã tiến hành các cuộc biểu tình 2 ngày hàng tuần trước các trụ sở của Thành ủy và UBND. Ông nói với VOA rằng trong cuộc biểu tình hôm 9/10, dân oan cũng phát loa phản đối dự án xây nhà hát.
Một video được lan truyền trên trang Facebook của bà Trương Thị Yến, một dân oan Thủ Thiêm, vào cùng ngày cho thấy một phụ nữ trung niên đứng trước cơ quan công quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói qua loa phóng thanh trong 17 phút, trong đó có đoạn :
"Ông [Tổng bí thư] Nguyễn Phú Trọng ơi, bây giờ ông phải chỉ đạo về Thành phố Hồ Chí Minh ngưng ngay [việc xây] cất cái nhà [hát] giao hưởng, và phải giải quyết toàn bộ cho dân Thủ Thiêm và Trường Thịnh. Các vị cất cái nhà giao hưởng chỗ đó là cất trên xương máu, mồ hôi, nước mắt và xác người dân oan Trường Thịnh và Thủ Thiêm chúng tôi ở đó".
Nhà hát 1.700 ghế ngồi trong tương lai được giới chức thành phố mô tả là có mục đích "đáp ứng, nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách mỗi năm", theo các báo.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của người dân, ông Lê Văn Lung cho rằng nhà hát giao hưởng rất "xa vời" với đa số cư dân thành phố. Ông nói với VOA :
"Đối với dân thượng lưu có trình độ âm nhạc thì hoặc may người ta mới tới. Còn số đông người dân Thành phố Hồ Chí Minh này, trung lưu trở lại, thì cũng chưa hiểu. Những bệnh viện, hay trường học ở vùng kế cận nội thành chưa bao giờ được xây những cái lớn để mà [phục vụ] những cái bức thiết của đời sống người dân. Tại sao lại đi xây một cái nhà hát giao hưởng rất xa lạ với người dân ? Chúng tôi thấy điều này là bất hợp lý".
Trên mạng xã hội, hàng trăm người đã bày tỏ ý kiến cá nhân hoặc viết các bình luận trong các cuộc thảo luận trên một số diễn dàn mạng rằng họ ủng hộ và có chung quan điểm với những người dân Thủ Thiêm.
Trong số những người phản đối dự án là các nhà hoạt động xã hội dân sự, một số nhà báo, nhà văn, luật sư, doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng internet, như ông Đoàn Bảo Châu, ông Lê Luân, bà Lê Hoài Anh, ông Võ Văn Tạo, ông Đỗ Cao Cường, và ông Trương Châu Hữu Danh.
Người dân Thủ Thiêm đi khiếu kiện vì mất đất trong hơn 10 năm qua
Trên báo chí chính thống, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia quy hoạch kiến trúc đẳng cấp quốc tế, được các trang Zing và VietnamNet hôm 9/10 trích lời nói rằng "Điều mà Thủ Thiêm cần ngay bây giờ, có lẽ không phải là nhà hát mà là xây cầu và hạ tầng".
Kiến trúc sư có 30 năm kinh nghiệm nhận định rằng việc xây cầu "giúp kích thích Thủ Thiêm hơn nhà hát nhiều", và theo ông với 1.500 tỷ thành phố "có thể xây được 2-3 cây cầu".
Cùng ngày, mục Bạn đọc của báo Pháp luật Việt Nam đăng bài của người viết có tên Tuấn Ngọc đưa ra ý kiến rằng trong khi người dân ngã sấp mặt vì đường phố lụt lội khi triều cường, và Bệnh viện Nhi đồng bị quá tải, việc Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn quyết xây nhà hát cho thấy họ đang "quá xa dân" và quyết định của họ "không hợp đạo lý chút nào".
Những tin tức trước đây cho thấy Cần Thơ và Vĩnh Long lần lượt khánh thành các bệnh viện 500 và 800 giường vào các năm 2016 và 2018 với giá trị là 860 tỷ và 970 tỷ, thấp hơn nhiều số tiền Thành phố Hồ Chí Minh dự dịnh dành để chi cho nhà hát giao hưởng đang bị dân phản đối.
*********************
Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm : khúc tráng ca sầu bi… CaliToday, 09/10/2018)
Chiều tối ngày 8/10, gõ cụm từ "nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm" trên bộ máy tìm kiếm google cho ra khoảng 445.000 tin, bài có cụm từ này với thời gian tìm kiếm là 0,78 giây.
Nhà hát mới dự kiến xây tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Hội đồng nhân dân đồng ý xây Nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm - Ảnh Lê Quân
Lấy tiền bán đất để xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch ?
Sáng ngày 8-10, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 10 (bất thường) để thông qua nhiều vấn đề được nhấn mạnh là quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án công nhóm A với công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đọc báo cáo nói rằng Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).
Để dễ hình dung, khu đất 23 Lê Duẩn vốn là trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh, với 2 mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du, lại cực kỳ vuông vắn (55x55m2).
Sổ tay phóng viên cho thấy con số kinh phí mà ông Lê Thanh Liêm nói rằng "từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn", là không hề phù hợp với số tiền thu được từ chuyện bán đấu giá. Trở ngược thời gian, cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1 hôm 23-6-2015 đã có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá, với 16 vòng đấu thì mới xác định người trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh.
Giá khởi điểm 550 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 1.460 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng đến 32,68% tổng giá trúng đấu giá của 215 cuộc đấu giá), tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.
Tuy nhiên số tiền thực tế mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thu được trong việc bán đấu giá này từ Tân Hoàng Minh là hơn 1.693 tỷ đồng ; bao gồm tiền trúng đấu giá 1.430 tỷ đồng và tiền chậm nộp hơn 264 tỷ đồng (Theo quy định, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà đơn vị trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản thì phải nộp phạt, hoặc có thể bị hủy kết quả và mất tiền đặt cọc).
Như vậy ở đây có khoản tiền chênh lệch 185 tỷ đồng đã lọt vào túi những ai ? Điều đó không được ông Lê Thanh Liêm ‘tự nguyện’ giải trình, và cũng không có đại biểu tham dự nào nhớ đến để mà chất vấn.
Người Sài Gòn có nhu cầu nghe nhạc giao hưởng ?
Bên cạnh câu chuyện món bạc 185 tỷ đồng, thì câu hỏi khác đã được đặt ra nhưng không có số liệu nào được viện dẫn rằng người dân Sài Gòn có thật sự nhu cầu thưởng thức thể loại nhạc giao hưởng, một âm nhạc được gọi là hàn lâm ?
Sinh thời, giáo sư Hoàng Thiệu Khang trong tiết dạy về cái đẹp ở trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, mà người viết bài từng được theo học môn Mỹ học của thầy, có kể rằng thời đó thầy được giấy mời vào dự hòa nhạc ở Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh. Khi kết thúc một chương của bản hòa nhạc, theo thói quen, thầy… đã vỗ tay, và lập tức nhận ra vô số cặp mắt đang trố ra nhìn vào thầy.
Sau lần đó, thầy phải về tự học thế nào là hòa nhạc, là giao hưởng, và vì sao người dự hòa nhạc chỉ vỗ tay khi nào nhạc trưởng hạ đũa chỉ huy xuống, quay xuống khán giả cúi chào ? Thầy kể rằng ông phải tự học về cách gọi tên của những nhạc cụ trong dàn giao hưởng. Cái đẹp của nhạc giao hưởng, có lẽ cũng cần những tai nghe thích hợp, những ‘thẩm âm’ của công chúng có kiến thức về âm nhạc cổ điển.
"Một bài giao hưởng hay một bài hòa tấu được nhạc tác giả viết ra với những chương nhanh và chậm, sôi nổi và trầm lặng nối tiếp nhau để cấu tạo nên một tổng thể, một kiến trúc tinh vi chứa đựng những diễn biến của cảm xúc và tư tưởng.
Những chỗ ngừng lại giữa các chương cũng là những thành phần cần thiết thuộc về cái kiến trúc đó. Vì thế, những tràng vỗ tay bất ngờ xen vào những khoảng im lặng giữa các chương có thể khiến cho cuộc thưởng thức mất đi sự trọn vẹn". Nhà báo Bạch Xuân Sơn, hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, giải thích kiểu ‘bình dân học vụ’ như vậy.
Người viết bài này ‘ngoại đạo’ với âm nhạc hàn lâm, chỉ mê cải lương, mê nhạc âm hưởng quê hương kiểu như điệu bolero. Dẫu vậy, nghề phóng viên rong ruỗi đây đó, trong những lần tiếp xúc với các nhạc sĩ đang là giảng viên ở Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn họ đều đồng ý là Sài Gòn cần có một nhà hát giao hưởng đúng tầm.
Khúc tráng ca sầu bi tưởng niệm dân oan Thủ Thiêm…
Năm 2012, với sự đồng ý của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh từng quy hoạch khu công viên 23 tháng 9 làm nhà hát giao hưởng, nhưng sau đó có nhiều luồng ý kiến xung đột nhau nên mọi việc không đi tới đâu, và nghe nói phần đất này cũng đã đem bán được hơn 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên không phải vì thế mà nhu cầu xây dựng nhà hát giao hưởng đúng như lý do mà tờ trình của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra và được sự đồng ý của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh : "Việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là thật sự cần thiết và cấp bách, để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội".
Đồng ý là rất nhiều lần trên các diễn đàn báo chí, nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO), từng kêu gọi : "Cho đến giờ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không thể là điểm đến trong các chuyến lưu diễn hằng năm của các dàn nhạc lớn trên thế giới và chúng tôi không đủ can đảm mời một dàn nhạc đầy đủ trên 100 người đến diễn bởi chúng tôi không có một không gian để họ diễn.
Mình không cần xấu hổ khi nói về điều này bởi đó là thực tế. Chúng ta chỉ có đoàn trong nước, vài nghệ sĩ nước ngoài ; như đoàn múa London mấy năm trước sang họ chỉ sang ba cặp vì không đủ chỗ để họ nhảy ; dàn nhạc Petronas sang diễn ngoại giao cũng phải tinh giản dàn nhạc và trong quá trình diễn chia dàn nhạc nhỏ ra cho từng tác phẩm bởi chẳng có chỗ ngồi diễn…" (1). [
Tuy nhiên trong bối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm còn đang vướng rất nhiều vụ việc giải tỏa, đền bù trái pháp luật dẫn đến khiếu kiện kéo dài hơn 20 năm qua, thì nếu liệu mai này ‘lộ’ thêm những sai phạm khác nằm ngay trên diện tích đã phê duyệt xây dựng nhà hát, khi đó chắc đành phải soạn bản giao hưởng ‘khúc tráng ca sầu bi’ cho người dân oan Thủ Thiêm ?
Hơn nữa, kiểu lập luận đầy trịch thượng : ‘10 triệu người dân Sài Gòn cần được nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật bằng đến dự những buổi hòa nhạc thính phòng’ (nêu trong tờ trình), cho thấy đó là một sự ngạo mạn trong áp đặt của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả Thành ủy và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), khi tự cho mình cái quyền tùy tiện sử dụng ngân sách và tài sản công thổ để phục vụ một quyết định mang tính duy ý chí.
Theo VNTB
(1) Nguồn : http://bit.ly/2C1qN9U ]