Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/02/2017

Việt Nam : cá chết, chất thải, tàu cá và mỏ than

tổng hợp

Cá lại chết trắng kênh ở Đà Nẵng (RFA, 27/02/2017)

Cá chết nổi trắng trên một đoạn kênh dài khoảng 500m dọc tuyến đường Tân Trào, Hồng Thái (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khiến người dân bàng hoàng nghi ngờ là do nguồn nước bị ô nhiễm.

onhiem1

Nhân viên môi trường vớt cá chết trên kênh. Courtesy of baogiaothong.vn

Báo trong nước hôm nay loan tin cho biết khu vực kênh chỗ cá chết có nguồn nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Người dân sống xung quanh cho biết tình trạng này diễn ra đã 2, 3 ngày nay và mỗi buổi sáng nhân viên môi trường vớt lên đến 50 – 60kg cá chết.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Thành phố Đà Nẵng xác nhận sự việc, cho báo giới biết hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng có thể do người dân xả nước thải sinh hoạt. Ông Lê Duy Hòa, trưởng phòng Tài nguyên và môi trường quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết đã cử người đến hiện trường để ghi nhận và xử lý vụ việc.

Hiện tại Công ty Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã tiến hành vớt cá chết và rải vôi bột để xử lý.

*********************

Lớp chất thải dày 3 m sẽ phủ 30 ha đáy biển Tuy Phong ? (Pháp Luật, 24/02/2017)

Về mặt khoa học, Tiến sĩ An cho rằng việc chôn xuống biển một lượng thải lớn như vậy sẽ tác động đến môi trường vô cùng lớn. "Nó sẽ phá vỡ toàn bộ chu trình sinh lý hóa của cả một vùng biển rộng lớn. 1,5 triệu m3 đâu phải là nhỏ. Trầm tích đang nằm im dưới biển như vậy, giờ bị khuấy động, moi lên, rồi nhận chìm xuống. Tác động đến môi trường là không hề nhỏ" - Tiến sĩ An cảnh báo.

onhiem2

Nếu chấp thuận cho việc nhận chìm 1,5 triệu m3 xuống vùng biển sẽ làm phá vỡ toàn bộ chu trình sinh lý hóa của cả một vùng biển rộng lớn. 

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 21/2, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm 1,5 triệu m3chất thải nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận). Tại buổi thẩm định này đã có một số ý kiến phản bác, không chấp nhận và đề nghị tính toán phương án khác. Nhiều ý kiến khác cho rằng phải điều chỉnh lại vị trí nhận chìm và có đánh giá cụ thể hơn về những tác động của khối vật liệu nạo vét khổng lồ này đến môi trường biển, nhất là đối với khu bảo tồn biển rất quý hiếm - Hòn Cau (vì vị trí đổ thải chỉ cách vùng đệm khu bảo tồn này hơn 500 m).

Nhiều luận cứ không ổn

Trao đổi với chúng tôi cụ thể về vấn đề này, đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho rằng : "Dự án có quá nhiều điều không hợp lý", nhất là các luận cứ trong đánh giá tác động của dự án có một số vấn đề không ổn. Theo đó đặc điểm địa hình khu vực nhận chìm không xét tới các yếu tố dòng chảy trong khu vực.

Dẫn chứng, vị này cho hay căn cứ dẫn chứng trong hồ sơ xin nhận chìm 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét của Vĩnh Tân 1 là tài liệu quan trắc thủy triều của một công ty tư vấn Trung Quốc. Các tài liệu nghiên cứu của Viện Hải dương học Việt Nam cũng như các tài liệu về vùng nước trồi trong khu vực được công bố đã không được đưa vào căn cứ này. "Họ làm quá đơn giản, chỉ quan trắc trong 11 điểm ven bờ rồi kết luận chế độ thủy văn không có dòng hải lưu tại khu vực này là chưa đủ tin cậy" - vị đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho hay.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng việc mô phỏng quá trình lan truyền chất từ hoạt động đổ thải của hồ sơ dự án cũng chỉ tính tới yếu tố gió trong ba phương pháp tính toán là không hợp lý. Ở đây phải tính tới sức lan tỏa của chất thải tính đến các dòng hải lưu trong khu vực. Có như vậy mới đánh giá và hình dung hết tác hại.

Cũng theo vị đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau, dự án sẽ lấp 30 ha mặt đáy biển với chiều cao 3 m chất thải, như vậy độ lan tỏa theo dòng hải lưu sẽ là không nhỏ. Kèm theo đó là một diện tích rất lớn san hô đáy sẽ bị vùi lấp trong khi chỉ cần một lớp mỏng bụi lắng đọng vùi lấp là san hô đã chết, kéo theo mất vùng sinh thái của nguồn lợi khu vực. Mặt khác, nếu dự án chỉ đánh giá tác động trong khu vực xã Vĩnh Tân mà không tính đến tác hại của cả khu vực rộng là chưa đủ.

Có khi trăm năm không khôi phục được

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, thế giới có luật về chôn thải xuống biển quy định rất rõ xung quanh hoạt động này. Do đó, trước hết, phải nghiêm túc xem việc cho nhận chìm xuống biển 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có phù hợp, đúng luật pháp quốc tế hay không. Bên cạnh đó, dù chưa có luật về chôn thải xuống biển nhưng nước ta có những luật khác như bảo vệ môi trường, quản lý đới bờ, bảo vệ đa dạng sinh học… Vì vậy, trước mắt phải căn cứ các luật đó mà xem xét, quyết định.

Về mặt khoa học, Tiến sĩ An cho rằng việc chôn xuống biển một lượng thải lớn như vậy sẽ tác động đến môi trường vô cùng lớn. "Nó sẽ phá vỡ toàn bộ chu trình sinh lý hóa của cả một vùng biển rộng lớn. 1,5 triệu m3 đâu phải là nhỏ. Trầm tích đang nằm im dưới biển như vậy, giờ bị khuấy động, moi lên, rồi nhận chìm xuống. Tác động đến môi trường là không hề nhỏ" - Tiến sĩ An cảnh báo.

Nói rõ hơn về tác hại này, Tiến sĩ An tiếp : "Khi nước biển bị đục thì ánh sáng không truyền xuống dẫn đến quá trình quang hợp không thực hiện được. Điều này làm cản trở quá trình lưu thông khí khiến môi trường sống thành môi trường chết".

Tiến sĩ An cho rằng nguy hiểm nhất không phải là độc tính của chất thải chôn xuống mà tác động của chất thải đó do bị xáo trộn. Bởi việc nạo vét, chôn lấp sẽ tạo ra nhiều độc tính, ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật, các quá trình sinh, hóa ở lòng biển. "Đừng nghĩ vài năm có thể khôi phục được mà phải vài chục năm, thậm chí cả trăm năm vẫn chưa chắc đã khôi phục được như ban đầu" - Tiến sĩ An cho hay.

Đừng để dân gánh chịu hậu quả

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tác An, việc tính toán di dời vị trí nhận chìm xa Khu bảo tồn Hòn Cau cũng chưa chắc không tác động nghiêm trọng đến khu bảo tồn này bởi tác động của gió và dòng chảy. Đặc biệt, Bình Thuận là vùng nước trồi rất lớn, ảnh hưởng đến cả vùng biển các tỉnh lân cận. "Khi nhận chìm lượng chất thải đó, không tác động chỗ này thì tác động chỗ kia. Do đó đừng bao giờ xem biển là cái thùng rác không đáy" - Tiến sĩ An nói.

Tiến sĩ An cũng cho rằng cần phải làm rõ trong chất thải đó về hóa học nó tiềm ẩn những cái gì, việc chôn lấp diễn ra trong bao lâu, lưu lượng bao nhiêu… Nếu chưa phân tích, làm rõ những vấn đề này thì không thể xem xét. "Phải tổ chức nghiên cứu đàng hoàng. Các cơ quan quản lý nhà nước phải thẳng thắn, khách quan, không thể dùng quyền lực hành chính trong việc này. Còn giao cho doanh nghiệp thì người ta chỉ biết lợi ích trước mắt. Lợi nhuận thì doanh nghiệp bỏ túi nhưng hậu quả thì người dân phải gánh chịu.

 Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại buổi thẩm định trên cho rằng việc cho phép nhấn thải này sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong chiến lược 10 tỉ USD giá trị xuất khẩu tôm mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động. Nếu chấp thuận cho việc nhấn phải điều chỉnh quy hoạch vùng phát triển sản xuất tôm giống ra những tỉnh khác. Ngoài ra, các dự án quốc tế trong việc bảo tồn nguồn giống cá di cư theo vùng nước trồi Tuy Phong cũng có thể sẽ phải chọn lựa lại. Đó là những thiệt hại mà Bình Thuận sẽ phải gánh chịu trong thời gian tới.

Phương Nam - Tấn Lộc

******************

Trưng bày tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm

Một chiếc tàu đánh cá ở Đà Nẵng từng bị tàu Trung quốc đâm chìm ở Hoàng Sa sẽ được đem ra trưng bày cho công chúng xem.

onhiem4

Chiếc tàu số hiệu ĐNa 90152TS bị hải quân Trung Quốc đâm chìm

Chiếc tàu này mang số hiệu ĐNa 90152TS, của bà Huỳnh Thị Như Hoa, ngụ tại Đà Nẵng. Ngày 26 tháng 5 năm 2014 khi đang đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa, chiếc tàu này bị tàu Trung quốc đâm chìm. Sau đó tàu được cơ quan kiểm ngư của Việt Nam kéo vào bờ.

Bà Hoa đã tặng chiếc tàu này cho nhà nước để nó được xem là một chứng cớ lịch sử.

Chính quyền thành phố Đà Nẵng cho biết là chiếc tàu đánh cá bị tấn công này sẽ được trưng bày tại một vị trí kề bên với Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện đang được xây dựng.

Xin được nhắc lại là Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông. Vào năm 1974, Trung quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay hải quân miền Nam Việt Nam, và kiểm soát quần đảo từ đó đến nay.

Phía Việt Nam cũng không hề từ bỏ chủ quyền của mình, liên tục tuyên bố Hoàng Sa là của Việt Nam, và về mặt hành chính, Hoàng sa là một huyện trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

**************************

"Biếu không" nước ngoài mỏ than tốt nhất (Thanh Niên, 21/02/2012)

Một mỏ than lộ thiên với chất lượng than tốt nhất ở Việt Nam đang là "lãnh địa riêng" của một công ty Indonesia. Mỗi năm, công ty này hưởng 90% lợi nhuận trong khi phía Việt Nam chỉ được hưởng 10%.

onhiem5

Các bãi chứa than của Vietmindo - Ảnh: Thái Uyên

Nghịch lý

Ngày 19/4/1991, Công ty than Uông Bí (TUB), đơn vị thành viên của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Pt.Vietmindo Energitama, 100% vốn Indonesia (VMD). Theo đó, VMD sẽ đầu tư toàn bộ máy móc, công nghệ để khai thác trong 30 năm mỏ than Uông Thượng, Đồng Vông. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 90% cho VMD và 10% còn lại là của TUB. Đây là mỏ than lộ thiên có diện tích trên 1.000 ha, nằm trên địa bàn P.Vàng Danh, Thành phố Uông Bí và cũng là nơi có vỉa than tốt hạng nhất ở Quảng Ninh.

VMD chỉ việc khai thác trên mặt đất là đã dễ dàng thu được than cám 4, cám 5, là những loại than có chất lượng tốt nhất hiện nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp thành viên Vinacomin như Công ty than Mạo Khê, than Núi Béo, thậm chí cả TUB phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào công nghệ khai thác hầm lò và dùng sức người đào sâu vào lòng đất cả trăm mét mới lấy lên được than.

Theo tìm hiểu của PV  Thanh Niên, hợp đồng hợp tác và luận chứng kinh tế kỹ thuật quy định VMD chỉ được phép khai thác than nhằm mục đích duy nhất là xuất khẩu. Quy định của hợp đồng hợp tác khống chế mỗi năm VMD chỉ được phép khai thác 500.000 tấn than thương phẩm, tương đương khoảng 750.000 tấn than nguyên khai. Trên thực tế, nhiều năm qua VMD luôn khai thác vượt con số nói trên. Đơn cử năm 2010, VMD đã khai thác khoảng 750.000 tấn than thương phẩm, năm 2011 là trên 800.000 tấn.

Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, toàn bộ các công đoạn sản xuất, khai thác và kinh doanh than được VMD thực hiện theo dây chuyền khép kín. Khai trường cũng như nơi sàng tuyển than của VMD luôn đặt trong tình trạng "nội bất xuất ngoại bất nhập". VMD còn có cả một cảng riêng để xuất khẩu than mà muốn xuất hiện tại đây để kiểm tra hay thực hiện công tác về chuyên môn, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như đối tác TUB phải được sự cho phép của VMD (?!).

Còn chịu thiệt dài dài

Trao đổi với PV  Thanh Niên, ông Phạm Văn Tứ, Phó tổng giám đốc TUB, thừa nhận tình trạng trên là có thật, nhưng "nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lịch sử để lại" và "bản thân chúng tôi là những người đi sau, thừa kế". Theo ông Tứ, bản hợp đồng liên doanh trên danh nghĩa là do TUB ký kết với VMD nhưng thực tế TUB không được quyết định mà do Bộ Công nghiệp thời đó trực tiếp phê duyệt. 

"Có thể nói, VMD là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên và cũng là duy nhất hợp tác kinh doanh với ngành than cho đến nay. Trong quá trình hợp tác chúng tôi thấy rằng việc ký kết hợp đồng thời điểm đó chưa tính toán hết những vấn đề phát sinh hay nói đúng hơn là có nhiều kẽ hở khiến mình phải chịu thiệt thòi", ông Tứ nói.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng ký kết giữa hai bên không hề có một điều khoản nào tạm dừng hoạt động của VMD kể cả trong trường hợp doanh nghiệp này vi phạm hợp đồng. Mặt khác, toàn bộ hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh đều ghi rõ VMD là người điều hành. TUB không được phép kiểm tra, thậm chí việc rót than xuống cảng đưa lên tàu nước ngoài cũng do VMD trực tiếp thực hiện và TUB không được phép can thiệp.

Đối với việc kiểm soát số lượng than do VMD sản xuất hằng năm, ông Phạm Văn Tứ cũng cho rằng chỉ được biết qua khâu hậu kiểm, bởi than từ mỏ lấy lên, sàng tuyển cho đến khâu vận chuyển ra cảng bán đều do VMD thực hiện, TUB không được phép kiểm tra trực tiếp. Mặc dù pháp luật Việt Nam bắt buộc việc khai thác khoáng sản hiện nay phải có giấy phép quy định về sản lượng theo hằng năm nhưng tại các mỏ của VMD, giấy phép khai khoáng không có hiệu lực, bởi hợp đồng liên doanh được ký trước thời điểm quy định về giấy phép khai thác khoáng sản.

Đánh giá về vai trò đối tác của TUB, ông Tứ cay đắng : "Chúng tôi chỉ biết đi vào đi ra và nghiên cứu khoa học mà thôi. Trước tình trạng này, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị VMD đàm phán lại hợp đồng với các điều khoản công bằng hơn cho đối tác nhưng đến nay họ chưa đồng ý. Điều này cũng đồng nghĩa với những thiệt thòi của chúng ta sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi hết hạn hợp đồng (tức năm 2021 - PV)".

Trong khi đó, theo nhiều thông tin PV  Thanh Niên có được, trong quá trình khai thác, VMD đã nhiều lần có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cho phép nâng sản lượng khai thác ; đồng thời xin gia hạn kéo dài hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ông Phạm Văn Tứ cho biết thêm : "Than ở Uông Bí ngày càng cạn kiệt, chúng tôi cũng muốn giữ một phần tài nguyên để cho công ty mình khai thác nhưng bây giờ họ đang tiếp tục lập các dự án mới khai thác 1-2 triệu tấn. Việc này TUB không thể can thiệp được mà phải do các cơ quan khác cao hơn".

Thái Sơn - Káp Long

**************************

Có thể Việt nam đang phải nhập khẩu than của chính mình

Theo Vinacomin, ước tính vào năm 2014, 2015 Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 1-6 triệu tấn than. Lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên hằng năm. Dự kiến đến năm 2025, lượng than nhập khẩu lên tới 40 triệu tấn. Than nhập khẩu chủ yếu sẽ được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Giữa năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam đã nhập khẩu thí điểm 9.500 tấn than từ chính Indonesia với giá 100,6 USD/tấn than (tính cả cước vận tải). Lãnh đạo Vinacomin khẳng định việc nhập khẩu là để thăm dò thị trường, làm quen với phương thức nhập khẩu, vận chuyển. Rất có thể, Việt Nam đang phải nhập khẩu than của chính mình. Vinacomin chọn Indonesia để "thí điểm" bởi đây là một trong những nguồn cung phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay, cả về quãng đường vận chuyển, loại than lẫn giá thành.

Thái Uyên



Có thể Việt nam đang phải nhập khẩu than của chính mình

Theo Vinacomin, ước tính vào năm 2014, 2015 Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 1-6 triệu tấn than. Lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên hằng năm. Dự kiến đến năm 2025, lượng than nhập khẩu lên tới 40 triệu tấn. Than nhập khẩu chủ yếu sẽ được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Giữa năm 2011, lần đầu tiên Việt Nam đã nhập khẩu thí điểm 9.500 tấn than từ chính Indonesia với giá 100,6 USD/tấn than (tính cả cước vận tải). Lãnh đạo Vinacomin khẳng định việc nhập khẩu là để thăm dò thị trường, làm quen với phương thức nhập khẩu, vận chuyển. Rất có thể, Việt Nam đang phải nhập khẩu than của chính mình. Vinacomin chọn Indonesia để "thí điểm" bởi đây là một trong những nguồn cung phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay, cả về quãng đường vận chuyển, loại than lẫn giá thành. (Thái Uyên)

Quay lại trang chủ
Read 756 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)