Bộ Quốc phòng yêu cầu chỉnh sửa hình ảnh người lính Việt trên phim (VOA, 12/10/2018)
Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa yêu cầu nhà sản xuất một bộ phim Việt hóa từ tác phẩm cùng tên rất thành công tại Hàn Quốc điều chỉnh việc thể hiện hình ảnh người lính Việt Nam mà họ cho là không đúng thực tế.
Một hình ảnh trong phim Hậu Duệ Mặt Trời phiên bản Việt của bộ phim truyền hình gây sốt của Hàn Quốc có tên Descendants of the Sun.
Hậu Duệ Mặt Trời - một bộ phim truyền hình nhiều tập về những cảnh sát biển đấu tranh chống tội phạm để bảo vệ tổ quốc, đã bị khán giả vạch ra những sai sót "nghiêm trọng" ngay từ khi mới ra mắt vào cuối tháng 9, theo truyền thông trong nước.
Và Bộ Quốc phòng đã phải vào cuộc.
"Sau khi phim phát sóng, có nhiều ý kiến khác nhau và có nhận xét nhất là về lễ tiết, tác phong mang mặc của một số quân nhân ở trong phim có sai so với điều lệnh quy định của Quân đội", Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên truyền thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - được Tiền Phong trích lời nói với các phóng viên tại một buổi họp báo hôm 9/10.
Thiếu tướng của Bộ Quốc phòng cho biết những hình ảnh của các quân nhân trên bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời do Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC phát sóng "chưa sát so với đời sống thực tế của bộ đội".
Một trong những sai sót mà độc giả của Tiền Phong chỉ ra là quân hàm và lối chào của các nhân vật lính trong phim không giống binh sỹ thật. Ngoài ra việc diễn viên biểu cảm ‘vô hồn’ và những màn ‘kịch tính hóa’ giữa vệ sỹ và quân nhân đã làm khán giả thêm phần chỉ trích bộ phim.
Cho đến ngày 10/10, VTC đã phát sóng 12 trong tổng số 48 tập của bộ phim, theo Việt NamExpress. Tuy nhiên trước thực trạng này, Bộ Quốc phòng đã đề nghị đơn vị phát sóng chỉnh sửa nội dung những tập tiếp theo cho phù hợp hơn.
"Chúng tôi đề nghị VTC cần tham khảo để chỉnh sửa những sai sót trên trước khi phát sóng ở những tập tiếp theo để hình ảnh tốt đẹp của Bội đội Cụ Hồ được phản ánh một cách chân thực, đầy đủ, chính xác nhất", Thiếu tướng Đức cho biết.
Ông Đức, cũng là người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, nói với phóng viên rằng bộ không tham gia cố vấn quân sự cho bộ phim này hay thẩm định và duyệt phim.
Một cảnh trong phim Hậu Duệ Mặt Trời bị cho là kịch tính hóa.
Tuy nhiên trong phản hồi từ phía VTC, Giám đốc Nguyễn Kim Trung nói với Zing.vn rằng họ "chưa nắm được thông tin về đề nghị của Bộ Quốc phòng". Về việc chỉnh sửa cho phù hợp hơn, người đứng đầu VTC nói "hiện tại chúng tôi chưa có phát ngôn về vấn đề này".
Theo truyền thông trong nước, nhà sản xuất phim nói có tham khảo ý kiến của một số chuyên gia quân đội trong đó có nhà văn xuất thân từ quân đội Chu Lai trong việc thể hiện hình ảnh người lính Việt.
Nhà văn Chu Lai không phản hồi cuộc gọi của VOA để xin bình luận về vấn đề này.
Không rõ liệu các tập tiếp theo của bộ phim có tiếp tục được trình chiếu trước khi các sai sót trên được sửa chữa hay không.
Trước Hậu Duệ Mặt Trời, một số bộ phim của Việt Nam đã từng bị dừng chiếu hoặc phải sửa nội dung vì mắc ‘lỗi’. Bẫy Cấp Ba của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị cấm chiếu vì quá nhiều cảnh bạo lực và nhạy cảm trong khi Bụi Đời Chợ Lớn của đạo diễn Việt Kiều Charlie Nguyễn bị chỉnh sửa kịch bản cũng vì những cảnh phản cảm.
Bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời phiên bản Việt do đạo diễn Trần Bửu Lộc thực hiện. Ông cũng là đạo diễn bộ phim Cô Ba Sài Gòn vừa được chọn tham dự Oscar 2019 trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
****************
Ba phụ nữ Việt dùng hộ chiếu giả bị bắt ở Đài Loan (RFA, 12/10/2018)
Ba phụ nữ Việt Nam bị bắt tại Sân bay Đài Nam hôm 10 tháng 10 vì sử dụng hộ chiếu giả hay hộ chiếu ăn cắp để nhập cảnh vào đảo quốc Đài Loan.
Một bé gái người Hmong được giải cứu từ Trung Quốc hồi tháng 5/2014. AFP
Mạng Asia Times dẫn lại nguồn của Liberty Times loan tin vào ngày 12 tháng 10 cho biết rõ ba người phụ nữ từ thành phố Hồ Chí Minh khai họ đến Đài Loan với mục đích du lịch.
Tin cho biết sau khi phát hiện nhóm ba người vừa nêu không có giấy tờ hợp lệ như thế, nhân viên chức năng đưa họ đến Văn phòng Cơ quan Xuất nhập cảnh quốc gia ở Phi trường quốc tế Cao Hùng nhằm trục xuất họ.
Một trong nhóm ba người đã lẻn trà trộn vào đám đông khách đi máy bay ở phi trường Cao Hùng trốn thoát và đón ngay taxi đi Đài Bắc. Hành động của người phụ nữ 40 tuổi này được cho biết diễn ra trong khi các nhân viên đưa họ đi và lo chuyện hồi hương.
Lực lượng chức năng phát hiện việc biến mất của người phụ nữ và khoảng 12 tiếng sau, bà này bị bắt lại tại quận Nội Hồ thuộc thành phố Đài Bắc ; dù lúc đó người phụ nữ cải trang bằng cách thay đổi tóc tai và trang phục.
Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy người phụ nữ này từng đến thăm Đài Loan hồi đầu năm nay và không hề có tiền sử vi phạm gì. Văn phòng Công tố viên quận Cao Hùng sẽ tiến hành một cuộc điều tra về nhóm ba phụ nữ vừa nêu.
Cũng liên quan đến phụ nữ Việt Nam, nhưng là vấn nạn mua bán phụ nữ.
Tin từ Asia Times vào ngày 12 tháng 10 cho biết một người đàn ông Việt Nam 26 tuổi đã bị bắt với cáo buộc lừa gạt và bán một phụ nữ 27 tuổi cho một người đàn ông Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam.
Theo cảnh sát, người bị bắt có tên Chang Mi Ly quen với một người Trung Quốc và biết được có người thân của người Trung Quốc đang tìm vợ và sẵn sàng trả với giá 435 USD.
Ông Ly được cho là đã lừa một phụ nữ 27 tuổi bằng cách hứa hẹn đưa sang Trung Quốc làm việc. Người phụ nữ này sau đó đã được giải cứu và khi trở về Việt Nam đã tố cáo ông Ly với công an.
Trong năm 2017, khoảng 670 trường hợp buôn bán người được phát hiện ở Việt Nam, bằng một nửa so với năm trước đó là 1.128 trường hợp. Nhiều phụ nữ ít học và trẻ em nghèo là những đối tượng bị nhắm đến để đem bán làm vợ hoặc làm gái mãi dâm ở Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc.
*********************
Hàn Quốc cho lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp về nước (RFA, 10/10/2018)
Bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay đến ngày 31/3/2019, Hàn Quốc áp dụng chính sách ân xá đối với người lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này. Theo quy định, nếu những lao động này tự nguyện về nước trong khoảng thời gian nêu trên thì sẽ không bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc.
Hình minh họa. Công nhân Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc tại sân bay ở Hà Nội hôm 5/11/2007 - AFP
Bộ Tư pháp Hàn Quốc, trước đó, cho biết nước này sẽ áp dụng chính sách truy quét và ân xá đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp trong ngành xây dựng, các công việc ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người bản đại và những công việc ảnh hưởng đến thuần phòng mỹ tục như kinh doanh giải trí không lành manh, kinh doanh massage.
Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, số người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong vòng 6 tháng đầu năm là 988 người, số người bị bắt và trục xuất về nước là 518 người.
Hiện có hơn 38.000 người Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm.