Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/10/2018

Cải tổ chính trị địa phương, mua bán đô la, vụ Thủ Thiêm, hộ nghèo miền núi

Tổng hợp

Thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ở 10 tỉnh thành (RFA, 23/10/2018)

Vào khi tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam chính thức kiêm thêm chức chủ tịch nước, tin tức trong nước vào ngày 23 tháng 10 loan đi cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

chinhtri1

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Screen capture of Youtube video

Theo đó thì thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2019 – 31/12/2019.

Văn phòng chung được so sánh tương đương cấp Sở, nhưng không phải là cơ quan chuyên môn riêng biệt, mà sẽ tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của các đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh tại địa phương, và trực thuộc Ủy ban Nhân dân.

10 tỉnh thành sẽ được đưa vào áp dụng thí điểm mô hình văn phòng này gồm có : Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến khích các tỉnh thành còn lại thực hiện mô hình thí điểm này.

Tin cũng cho biết, nếu hết thời gian thí điểm, tức ngày 31/12/2019, mà các luật sửa đổi, bổ sung chưa có hiệu lực pháp luật thì các văn phòng chung ở những nơi thí điểm vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi các luật bổ sung có hiệu lực thi hành.

Trước đó, đề án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 27 của Quốc hội vào chiều ngày 18 tháng 9.

Việc hợp nhất ba cơ quan hành chính như thế được nói là nỗ lực nhằm tinh giản biên chế, giảm thiểu sự mất cân bằng giữa lực lượng lãnh đạo và công chức tham mưu, từ đó giúp nâng cao hiệu lực và tiết kiệm chi phí.

*********************

Bị phạt tiền 90 triệu đồng vì đổi 100 đô la Mỹ (RFA, 23/10/2018)

Một người đàn ông ở Thành phố Cần Thơ vừa bị phạt hành chính 90 triệu đồng (tương đương 3.850 đô la Mỹ) vì đổi tờ 100 đô la Mỹ ở một tiệm vàng ra tiền đồng Việt Nam.

chinhtri2

Một tiệm vàng ở Hà Nội. Nhiều người Việt Nam hay đổi ngoại tệ ở những tiệm vàng, 2013. RFA

Truyền thông trong nước hôm 23/10 cho biết vào cuối năm 2017, ông Nguyễn Cà Rê mang 100 đô la Mỹ do người thân biếu ra tiệm vàng gần nhà đổi thì bị bắt quả tang. Ông Rê được báo chí trích lời cho biết sau nhiều lần làm việc, đến ngày 13/8, cơ quan chức năng mới có biên bản vi phạm. Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ được ký vào ngày 4/9 và có hiệu lực từ ngày này. Ngoài tiền phạt, ông Rê cũng bị tịch thu hết số tiền 2.260.000 đồng đổi từ 100 đô la.

Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ phạt tiệm vàng nhận đổi tiền cho ông Rê số tiền là 295 triệu đồng, và tịch thu 100 đô la của ông Rê.

Lý do mà nhà chức trách đưa ra để phạt ông Rê và tiệm vàng là tiệm này không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ, và mọi hành động mua bán ngoại tệ của người dân bị bắt buộc phải làm với các tổ chức ngân hàng, tín dụng được nhà nước cấp giấy phép.

Ông Rê nói rằng ông từng đem tiền ngoại tệ do người thân tặng để đổi ra tiền Việt Nam nhiều lần mà không có vấn đề gì. Ông Rê được báo chí trong nước trích lời cho biết số tiền phạt quá lớn đối với ông và ông không biết lấy đâu ra tiền mà nộp phạt.

*********************

Vẫn xúc tiến các dự án công cộng tại Thủ Thiêm (RFA, 23/10/2018)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang xúc tiến dự án Quảng Trường trung tâm và công viên bờ sông tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

chinhtri3

Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh minh họa) - Screen Capture

Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin vừa nêu vào ngày 23 tháng 10.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng thuận đặt tên cho Quảng Trường trung tâm và Công viên bờ sông với tên gọi "Quảng trường Hồ Chí Minh".

Công trình này có diện tích khoảng 27 hécta và tổng mức đầu tư 2000 tỷ đồng. Được biết vào năm 2014, dự án Quảng trường trung tâm và công viên bờ sông được Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ định nhà thầu thực hiện là công ty Đại Quang Minh và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung dự án này vào hợp đồng BT (đầu tư – chuyển giao) xây dựng 4 tuyến đường chính tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dự kiến thời gian hoàn thành công trình này vào tháng 10/2019, tuy nhiên hiện nay công trình này vẫn đang vướng phải việc giải phóng mặt bằng tại khu vực quận 1 với 6 hộ dân và 4 công ty. Do đó, thời gian hoàn thành được lùi đến 4/2020.

Trong khi đó, dự án 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng do công ty trên làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới hơn 8.200 tỷ đồng nhưng vẫn đang thi công dang dở và không thể hoàn thành dự kiến trong tháng 2/2017 cũng do giải phóng mặt bằng.

Tin tức về việc xúc tiến các dự án vừa nêu tại khu vực Thủ Thiêm được loan đi chỉ sau 3 ngày khi xảy ra vụ một người dân quá bức xúc phải ném giày lên các vị lãnh đạo thành phố tại cuộc gặp người dân hôm 20 tháng 10.

Những người dân tại khu vực Thủ Thiêm phải đi khiếu kiện suốt 20 năm qua vì những sai trái trong cưỡng chế nhà đất của họ của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều nhiệm kỳ.

*******************

Hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo cả nước (23/10/2018)

Số hộ nghèo người dân tộc thiểu số hiện nay chiếm 52,7% tổng số hộ nghèo trên cả nước.

Đó là thống kê được ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam công bố trong phiên họp Quốc hội sáng 23/10 tại Hà Nội.

chinhtri4

Một gia đình người Tày ở Hà Giang, một miền núi phía Bắc, đang cho bò ăn hôm 4/4/2015. AFP

Trang mạng Vietnamnews loan tin, trích nhận định của ông Chiến cho biết những hộ gia đình người dân tộc thiểu số nằm trong những vùng nghèo khó nhất của đất nước nhưng lại hiếm khi được đưa vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Từ năm 2016 đến 2018, nguồn tài trợ chính cho chính quyền địa phương từ ngân sách nhà nước được nói không đủ để hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội tại các khu vực miền núi nghèo khó.

Theo số liệu của ông Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam đưa ra, hiện nay có khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi không biết chữ. Những chương trình hỗ trợ giáo dục được nói có nhiều cải tiến nhưng khả năng tiếp cận của người dân tộc thiểu số với những chương trình này được nhận định là thấp.

Về vấn đề y tế, ông Chiến nói người dân tộc thiểu số ít đến các trạm y tế mặc dù được cấp bảo hiểm y tế. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh việc biến mất các sinh hoạt truyền thống của người dân tộc.

Nguyên nhân của những hậu quả trên được người đứng đầu Ủy ban Dân tộc Việt Nam cho biết là vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở vùng sâu vùng xa, dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực, đầu tư giáo dục và kinh tế kém, tình trạng thất nghiệp, biến đổi khí hậu, thiên tai và bệnh tật.

Bên cạnh đó, việc phối hợp kém hiệu quả giữa chính quyền địa phương và Chính phủ cũng là điểm bất cập được ông Bộ trưởng nêu ra.

Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, dân số Việt Nam hiện được ước tính là hơn 97 triệu người, tỷ lệ người nghèo chiếm hơn 10% dân số tức khoảng hơn 9 triệu người, 72% trong số này là người dân tộc thiểu số, phần lớn họ sống tại vùng cao.

Quay lại trang chủ
Read 461 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)