Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/10/2018

CPTPP và doanh nghiệp, độc tài hay dân chủ, thuế cho ngân sách

Tổng hợp

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình quốc hội phê chuẩn CPTPP (RFA, 29/10/2018)

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ trình quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào cuối tuần này.

cptpp1

Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (ảnh minh họa). AFP

Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 29 tháng 10 năm 2018.

Tin cho biết, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ trình bày nội dung hiệp định để Quốc hội hiểu rõ hơn về nội dung của CPTPP.

Hiệp định CPTPP được ký kết chính thức tại Santiago, Chi Lê vào ngày 8 tháng 3 năm 2018.

CPTPP được soạn thảo thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP sau khi Tổng thống Hoa Kỳ quyết định rút khỏi hiệp định này vào tháng một năm 2017.

11 nước ký Hiệp định gồm Nhật, Úc, Canada, Chile, Brunei, Mexico, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi 6 nước hoàn thành phê chuẩn tại nước họ. Mexico, Nhật Bản, New Zealand và Singapore đã thông qua hiệp định. Theo Japantimes, các nước đang thúc đẩy việc phê chuẩn chậm nhất là đến ngày 1/11 để hiệp định chính thức đi vào hiệu lực vào ngày 31/12 tới.

Hôm 28/10, trang tin Japantimes cho biết Canada cũng đã phê chuẩn hiệp định này, trở thành nước thứ 5 phê chuẩn chính thức hiệp định.

Bộ trưởng Thương Mại Australia hồi tuần trước cho biết nước này cũng dự định sẽ sớm thông qua hiệp định.

********************

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận lợi ích của CPTPP (RFA, 29/10/2018)

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng tận dụng Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

cptpp2

Đại diện các nước thành viên CPTPP chụp hình trước lễ ký hiệp định ở Santiago, Chile hôm 8/3/2018  AFP

Báo mạng The Nation loan tin này vào ngày 29 tháng 10, dẫn phát biểu của bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công thương cho biết CPTPP có các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt ở nhiều quốc gia, do đó rất khó cho các nhà xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn tận dụng CPTPP. Phát biểu được đưa ra trong cuộc họp có tựa đề "CPTPP : Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam" tuần trước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Quỳnh Mai, các lĩnh vực may mặc, da và dệt may, so với những ngành nghề khác, sẽ thấy sự tăng trưởng lớn nhất khi gia nhập CPTPP. Vẫn theo bà Mai, quần áo và sản phẩm da, hóa chất, sản phẩm nhựa, thiết bị vận tải và máy móc dự kiến sẽ gia tăng xuất khẩu trong khi nhập khẩu sẽ tăng ở hầu hết các lĩnh vực.

CPTPP sẽ cung cấp khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời mở rộng việc nhập khẩu sản phẩm nước ngoài, làm tăng tính cạnh tranh. Các chuyên gia cho biết các ngành công nghiệp như ô tô và nông nghiệp sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo Bộ Tài chính, mức thuế quan thương mại trung bình CPTPP sẽ giảm từ 1,7% - 0,2% cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các biện pháp phi thuế quan được dự báo sẽ giảm 3,6%

********************

Lại chuyện Việt Nam là nước dân chủ hay độc tài ! (RFA, 29/10/2018)

Thực tế "dân chủ" ở Việt Nam

Theo tường thuật của một nhà báo gốc Việt thì ngay sau khi phóng viên người Áo nêu câu hỏi với Thủ tướng Sebastian Kurz rằng hai phía Hà Nội và Vienne đã trao đổi về vấn đề nhân quyền như thế nào, liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và ASEAN sắp diễn ra, và người phóng viên này đã công khai gọi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ xã hội chủ nghĩa của một nước cộng sản độc tài, ông Nguyễn Xuân Phúc đã "cướp lời" và nói rằng : "Việt Nam là một quốc gia dân chủ, chúng tôi lên án mọi chế độ độc tài".

cptpp3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. VOV

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc bị "chạm nọc" bởi những lời chỉ trích về tình hình nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Câu nói của ông Phúc khiến Giáo sư Cống liên tưởng đến phát ngôn tương tự của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan "Việt Nam dân chủ gấp ngàn lần dân chủ tư sản"... Theo ông Cống, cơ chế "đảng cử dân bầu" trong các cuộc bầu cử là điều phản dân chủ đầu tiên.

"Dân chủ cái gì mà anh không chấp nhận hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Có anh nào bắt đầu mới nói lên một vài điều cái ý gì thì bắt và đưa ra tòa án xử ngay. Tòa án thì nói xử công khai, nhưng toàn xử theo bản án có sẵn thì dân chủ cái gì".

Ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết đánh giá một quốc gia dân chủ hay không, không phủ thuộc vào câu chữ trong Hiến pháp, cương lĩnh, nghị quyết của đảng, hay khẩu hiệu, mà phụ thuộc vào bản chất và hiện thực đời sống chính trị.

"Khi người ta xác định nhà nước độc tài là chỉ có một nhà vua cầm quyền, chỉ có một anh tổng thống lộng quyền, chỉ có một đảng độc diễn, độc đoán chuyên quyền. Thì đấy là độc tài".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam "lên án mọi chế độ độc tài". Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra ý kiến, có thể ông Phúc nói đến "chế độ độc tài" ở đây là chế độ của các trùm Phát xít như Adolf Hitler hay Musolini.

"Ông ấy chống độc tài không có nghĩa ông ấy không độc tài. Thằng độc tài này chống thằng độc tài khác chứ. Chẳng có chuyện gì quan trọng ở chỗ này cả, vấn đề là anh có độc tài hay không. Còn anh chống hay không, không quan trọng. Anh chống người ta, nhưng mà anh lại độc tài hơn người ta thì có chuyện gì đâu".

cptpp4

Nhà hoạt động Lưu Văn Vinh bị cáo buộc tội lật đổ chính quyền trong phiên tòa ngày 5 tháng 10 năm 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Một minh chứng sắc nét cho tính dân chủ tại Việt Nam là việc ngày 23/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 14 bỏ phiếu kín, bầu chọn Chủ tịch nước, thay thế cho ông Trần Đại Quang mới qua đời. Ứng viên duy nhất do đảng đề cử là ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Trước ngày bỏ phiếu, nhiều đảng viên, lão thành cách mạng, trí thức đã yêu cầu ông Trọng phải công khai tài sản cá nhân – chủ trương vốn do chính ông đề xướng, và công bố cương lĩnh hành động trên vai trò chủ tịch nước.

Giáo sư Cống cho rằng, không có sự tranh cử trong bầu chọn nguyên thủ quốc gia, và việc thiếu minh bạch về tài sản cá nhân đã đủ nói lên tất cả.

"Trong một hình thức dân chủ, nói rằng đưa ra Quốc hội bỏ phiếu kín, thì vẫn ẩn náu một thực chất chẳng dân chủ gì cả, cũng là một cái cách dùng ý đảng để áp đặt mà thôi".

Con đường dân chủ ở Việt Nam

Trong nhiều năm qua, đối mặt với những vấn đề thực tại của đất nước, mong muốn về một nền chính trị dân chủ đối với những người Việt Nam quan tâm chưa bao giờ tắt. Tuy nhiên, con đường đi đến dân chủ còn bao lâu, bằng cách nào, và viễn cảnh nền dân chủ ấy sẽ thế nào vẫn là những câu hỏi được nêu ra.

"Một chế độ dân chủ thì nó phải dựa trên các hoạt động : kinh tế - đấy là kinh tế thị trường, hoạt động thì đấy là của xã hội dân sự, chính quyền – đấy phải là chính quyền đa nguyên, tam quyền phân lập, thì mới có dân chủ được chứ. Chứ nếu như vẫn cứ kiên quyết đi theo cái con đường của cộng sản hiện nay – là độc tôn lãnh đạo của một đảng duy nhất, theo một đường lối duy nhất Marx-Lenin, thì không thể có được dân chủ đâu. Chẳng qua đó chỉ là dân chủ giả hiệu thôi, dân chủ bịa ra".

Nhưng trước tiên, để có những kiến giải đóng góp cho sự phát triển của đất nước, phản biện những chính sách của chính quyền, lên án những điều xấu, tiêu cực trong xã hội, thì các quyền tự do căn bản như ngôn luận và tư tưởng cần được tôn trọng.

"Anh phải tôn trọng cái chính kiến của những người có ý kiến khác anh đi, ý kiến khác đảng cộng sản đi, để họ phản biện cái đường lối của đảng trong mấy chục năm qua nó đã dẫn đến cái gì. Thì như thế, lời nói của anh "nước ta là nước dân chủ" mới có thực tế xác nhận. Chứ anh nói như thế mà anh vẫn bắt bỏ tù, đàn áp những người trái chính kiến với anh thì không thể nói là dân chủ được".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, sự chuyển hóa nền chính trị sang dân chủ tại Việt Nam có hai con đường : một là do đảng cộng sản tự thay đổi – vốn là điều khó xảy ra ; hai là người dân tạo sức ép buộc chính quyền thay đổi – điều này khả thi hơn, nhưng có thể phải mất rất nhiều năm.

"May ra, nếu như thế giới có một sự chuyển biến gì đấy đột xuất, ví dụ như cuộc giữa Trump và Tập Cận Bình còn nổ ra những xáo động bắt buộc Việt Nam, tình hình Việt Nam, đẩy anh Việt Nam phải lựa chọn, chắc không thì chết. Lúc ấy, may ra tình hình thế giới mà có biến chuyển, mà anh Việt Nam, tầng lớp tinh hoa của Việt Nam có thể lợi dụng được, thì may ra có thể chuyển biến đất nước sang nền dân chủ".

Bên cạnh đó, sự tác động của các Hiệp định thương mại tự do đa phương mà Việt Nam sắp tham gia có thể ảnh hưởng đến không chỉ nền kinh tế, mà còn là xã hội, cải cách thể chế, luật pháp và bảo đảm quyền con người. Giáo sư Cống nhận định, đó là tác nhân gián tiếp thúc đẩy quá trình dân chủ, chứ không kỳ vọng nó có thể là tác nhân trực tiếp.

"Nếu như chấp nhận cho nhân quyền của dân Việt Nam mở rộng ra, nhân dân hiểu biết hơn, thì dần dần người dân sẽ giác ngộ về nền dân chủ, người ta thấy quyền lợi của người ta, người ta thấy chỗ dựa để đấu tranh. Chứ còn những cái hiệp định thương mại để có những cải thiện dân chủ tại Việt Nam thì tôi không hy vọng".

Lãnh đạo Hà Nội khi ra nước ngoài và bị chất vấn về vấn đề dân chủ- nhân quyền của Việt Nam đều khẳng định mọi quyền con người đều được tôn trọng ; thế nhưng thực thế bắt bớ, tuyên án tù nặng những tiếng nói đối lập bằng những điều luật mơ hồ là minh chứng cho thực tế ‘lời nói không đi đôi việc làm’.

********************

Đại biểu Quốc hội : "Ngân sách nhà nước phụ thuộc vào bán đất và tài nguyên" (RFA, 29/10/2018)

Việc thu chi ngân sách nhà nước hiện nay về cơ bản chỉ đủ đáp ứng cho tiêu dùng và trả nợ, đồng thời cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất, tài nguyên và tài sản nhà nước.

cptpp5

Kho dầu ở Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh minh họa : RFA

Truyền thông trong nước, vào ngày 29 tháng 10, dẫn lời phát biểu vừa nêu của Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong phiên thảo luận Quốc hội về ngân sách và đầu tư công, diễn ra vào sáng cùng ngày.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tình trạng ngân sách vẫn còn khó khăn, với tỉ lệ chi thường xuyên so với tổng ngân sách luôn ở mức cao, hơn 60%.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Kim Bé khẳng định nguồn thu ngân sách chủ yếu từ thu nhà đất, dầu thô là nguồn thu không ổn định và bán tài nguyên để phát triển trong khi các nguồn thu khác từ lợi nhuận là thu không đạt hiệu quả.

Chủ tịch VCCI nêu lên một giải pháp cần phải thực hiện là kiên quyết cắt giảm bộ máy nhà nước để giảm chi thường xuyên xuống còn dưới 50%, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu nhằm cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, ông Đinh Văn Nhã đưa ra đề nghị trước mắt cần tập trung tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn bán vốn doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ trình Quốc hội cơ cấu lại nguồn vốn, để tăng thu ngân sách trung ương cho đến năm 2020.

Cũng liên quan đến hoạt động của Quốc Hội Việt Nam, trong ba ngày kể từ ngày 30 tháng 10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc Hội Khóa 14 tất cả các thành viên chính phủ Việt Nam sẽ trả lời chất vấn cho các đại biểu tham dự kỳ họp.

Đây được nói là điểm mới trong hoạt động của kỳ họp Quốc Hội lần này so với nhiều kỳ họp trước khi mà số thành viên chính phủ trả lời chất vấn các đại biểu chỉ có giới hạn.

********************

Quốc hội Việt Nam thảo luận ngân sách 2019 ‘bóc ngắn cắn dài’ (Người Việt, 29/10/2018)

Quốc hội Việt Nam dành trọn ngày thứ Hai 29/10/2018 "thảo luận sâu" về ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn mà ai cũng biết chỉ làm chiếu lệ để thông qua.

cptpp6

Một số phụ nữ bán rau kiếm sống trên lề đường Hà Nội. (Hình : HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

TTXVN đưa tin nói "Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi" trong cuộc thảo luận chỉ vỏn vẹn có một ngày về các vấn đề "kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 ; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021 ; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020".

Với những đề tài lớn lao như thế, nếu thảo luận và mổ xẻ, phân tích đến nơi đến chốn từ những nhà lập pháp chuyên môn có khả năng hiểu biết đầy đủ, một tháng có thể chắc gì xong nếu là một quốc hội dân chủ do dân bầu thực sự.

Các cuộc thảo luận, nói về các khoản phân chia ngân sách đều đã được dựng thành kịch bản, phân công ai hỏi gì, ai trả lời gì, giới hạn của mức độ "bức xúc". Cuối cùng thì bản ngân sách vẫn sẽ được thông qua, không có chuyện chống đối đến không thông qua như từng xảy ra nhiều lần tại Mỹ.

"Đại biểu quốc hội" là các đảng viên của Đảng cộng sản, được cài cắm làm "đại biểu nhân dân" từ trung ương tới địa phương đồng thời cũng là các chức sắc cầm quyền. Nó là một thứ đại biểu "vừa đá bóng vừa thổi còi" không do dân chúng lựa chọn và bầu lên như quốc hội của các nước có dân chủ thật sự. Báo chí khi tường thuật các phiên họp của quốc hội cũng chỉ tường thuật trong chừng mực cho phép, không thể viết ra những điều cấm kỵ, gây phẫn nội quần chúng.

Theo những con số được TTXVN nêu ra căn cứ trên dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 do Bộ Tài Chính của chế độ soạn thảo, "tổng thu cân đối ngân sách nhà nước" năm 2019 "khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3.9% so với ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20% GDP".

Vì ngân sách của chế độ Hà Nội luôn luôn "bóc ngắn cắn dài" nên mức bội chi ngân sách năm 2019 dự trù "222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP" và "Đến hết năm 2019, dự kiến nợ công bằng khoảng 61.3% GDP, nợ Chính phủ bằng khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài quốc gia bằng khoảng 49,9% GDP".

Với mức thu và bội chi ngân sách nhà nước như vừa kể, "dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.633,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với dự toán năm 2018", TTXVN kể.

Trước khi Quốc hội bắt đầu khóa họp, ngày 16/10, Kiểm toán nhà nước gửi tới Quốc hội bản báo cáo "tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2018, dự toán ngân sách 2019".

Theo bản báo cáo vừa kể được VnExpress thuật lại "thu ngân sách Nhà nước năm nay (2018) ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng ; chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), bằng 3,67% GDP, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội giao".

Các con số "ước đạt" cả thu và chi ngân sách Việt Nam thấy liệt kê như thế không tương ứng với "bội chi ngân sách" từng được quốc hội chế độ thông qua ngày 13/11/2017.

Ngày Chủ Nhật 15/10, đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) kêu rằng nguồn thu của ngân sách nhà nước "hẹp dần" trong khi "cửa" chi của chế độ thì vẫn cứ "phình ra". Bản tin VOV viết rằng "tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước lớn hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước, dẫn đến cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, bội chi cao, điều này đe dọa tính bền vững của ngân sách nhà nước".

VnExpress dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nói "bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), bằng 3,67% GDP" chứng tỏ con số này chỉ đưa ra để tuyên truyền và qua mặt những ông bà ngồi bấm nút theo chỉ thị ở Quốc hội.

Quốc hội thông qua ngân sách nhà nước 2018 ngày 13/11/2017 đặt mức giới hạn cho chính phủ đi vay để bù đắp lỗ hổng ngân sách là 363.284 tỉ đồng.

Chỉ 5 tháng sau đó, ngày 24/4/2018, tờ Pháp Luật dẫn "Quyết định 437/QĐ-TTg" do ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký về "kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018", nói chế độ Hà Nội đi vay "384.000 tỉ đồng, gồm : vay trong nước 275.970 tỉ đồng và nước ngoài 108.030 tỉ đồng. Trong đó, vay cho cân đối ngân sách nhà nước 341.770 tỉ đồng, vay để bù đắp bội chi là 195.000 tỉ đồng và vay để trả nợ gốc là 146.770 tỉ đồng, vay về cho vay lại 42.230 tỉ đồng".

Con số mà Quốc hội biểu quyết thông qua để chính phủ thi hành "vênh" nhau hơn 20 ngàn tỉ đồng với cái "quyết định" của chính phủ dù chưa được nửa năm thi hành. Nói cách khác, bội chi ngân sách của chế độ Hà Nội vẫn tiếp tục phình ra to hơn, vì như VOV thuật lời ông Nguyễn Minh Tân, Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, "tỷ trọng các khoản thu từ sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm xuống cho thấy dư địa thu ngân sách ngày càng hạn chế".

Ngân sách nhà nước cộng sản Việt Nam dự trù cho năm 2019 rồi cũng sẽ vẫn "vênh" giữa con số biểu quyết ở quốc hội và thực chi trong thực tế không khác gì những năm trước từng đã diễn ra. (TN)

*****************

Đề xuất thu phí ô nhiễm trên phương tiện giao thông, lại thêm thuế nhắm vào dân nghèo (RFA, 26/10/2018)

Ngoài phí môi trường trong xăng, nay lại thêm một đề xuất thu phí ô nhiễm môi trường trên các phương tiện tham gia giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh.

cptpp7

Đường phố Sài Gòn hôm 26 tháng 10 năm 2018. RFA

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến chuyên gia và một số người dân tại Sài Gòn về đề xuất này.

Quy định vùng và thu phí

Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với các loại xe tham gia giao thông, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường trên tất cả các phương tiện.

Trả lời báo chí hôm 23 tháng 10, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Xuân Cường cho biết, đề án triển khai kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận, thì có thể thực hiện vào năm 2019.

Cụ thể sẽ kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe gắn máy 2 hoặc 3 bánh, xe hơi, xe tải… lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Từ kết quả kiểm soát, sẽ quy định vùng lưu thông cho các phương tiện theo chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với các loại xe tham gia lưu thông.

Để hiểu rõ thêm về việc thu thuế phí môi trường trên phương tiện lưu thông, chúng tôi hỏi chuyện Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, và được ông cho biết ;

"Thật ra thu phí đối với phương tiện xả thải thì nó là một trong các loại phí mà nhiều quốc gia trên thế giới đã có. Và nó được tính vào phí môi trường hay thuế môi trường của các quốc gia đó. Tùy theo từng quốc gia, người ta có thể tính theo cách này hoặc cách khác dưới dạng nội suy hay ngoại suy, vào tổng thuế môi trường cho các hoạt động giao thông vận tải, cũng như các phương tiện có phát khí thải ra môi trường".

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, đánh thuế xả thải tức là sẽ đánh thuế vào tất cả các phương tiện có thải khí CO2 ra môi trường, bất kể đó là phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy hay đường không. Theo ông, ở các quốc gia khác trên thế giới, thông thường người ta sử dụng phí này cho xe hơi. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam, lượng xe 2 bánh gắn máy quá đông và xả thải quá nhiều, nên cần phải xem xét.

cptpp8

Đường phố Sài Gòn hôm 26 tháng 10 năm 2018. RFA PHOTO

Theo thống kê của Sở thống kê thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 5 năm 2018, tại Sài Gòn có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có hơn 7,6 triệu xe gắn máy.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long đưa ra nhận định liên quan đề xuất thu phí môi trường :

"Đây mới là đề xuất thôi, nhưng tất nhiên là khi mỗi một loại thuế đặt ra thì cần phải xem xét hết sức thận trọng. Đặc biệt là đánh thuế vào phương tiện do ảnh hưởng môi trường, thì người ta đã thu thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu rồi, mà bây giờ lại đưa thêm một loại thuế phí nào nữa thì quả thật là gánh nặng cho người dân. Nếu sợ ảnh hưởng môi trường thì cứ không cho lưu hành phương tiện gây ảnh hưởng môi trường".

Đánh thuế vào người nghèo

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, những phương tiện gây ô nhiễm thì nhà nước đã có biện pháp xử lý, mà ô nhiễm là do sử dụng xăng dầu. Mà xăng dầu hay than đều đã bị đánh thuế môi trường. Cho nên theo ông việc này cần phải xem xét thận trọng, nếu không sẽ đè gánh nặng lên cho người dân.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, thu phí môi trường đối với các loại xe tham gia lưu thông, đặc biệt là xe gắn máy hai bánh, chẳng qua là đánh thuế vào người nghèo. Trong khi xe hơi là xe xả khói nhiều nhất.

Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng đồng quan điểm về nhận định này :

"Tôi thấy là thực chất hiện nay phần lớn người dân thì đa số là người lao động nghèo, thu nhập của người ta đã thấp, đời sống khó khăn, phương tiện người ta sử dụng cũng không phải loại hiện đại, mà tương đối ở mức độ mà công nghệ thấp. Thế mà bây giờ lại tiếp tục đánh thuế vào đây thì thực chất vấn đề an sinh xã hội như thế nào cũng cần phải lưu ý".

Chúng tôi hỏi chuyện một người dân hành nghề chạy xe ôm tại Sài Gòn, và được anh cho biết :

"Tụi em đi làm ở ngoài đường thì phụ phí trong xăng dầu đã đóng rồi. Mà bây giờ bắt đóng thêm nữa thì thu nhập sẽ giảm thêm nữa. Thu nhập càng ngày càng khó khăn, phí thì lại thêm, sao sống được. Nhà nước cần phải điều chỉnh lại thôi, chứ đâu tính thêm người dân được".

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu mình đã gây ra ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống xã hội, thì mình phải đóng góp để cùng với xã hội khắc phục. Và bản thân mình sau đó cũng sẽ được hưởng việc khắc phục môi trường đó. Và theo ông, dù là người giàu hay người nghèo, nếu mà gây ô nhiễm thì phải đều chịu mức phí như nhau.

Người dân khác cũng ở Sài Gòn tuy ủng hộ việc thu phí sẽ giúp hạn chế xe gắn máy nhưng cũng bày tỏ lo ngại tiền thu phí môi trường đó sẽ được sử dụng như thế nào :

"Em nghĩ về chi phí thì không ai muốn phát sinh thêm chi phí. Vì trong cuộc sống thì cần phải mưu sinh. Nhà nước mà tăng các chi phí đó lên thì họ phải có những biện pháp khắc phục cho người dân tốt hơn. Ví dụ họ thu phí người dân thì phải làm gì để bù lại cho người dân. Nếu nhà nước tăng phí mà không làm gì cho dân thì đó là một điều không nên. Em thấy người ta cứ tăng phí mà chưa thấy cái phí đó phát huy được tác dụng gì đó. Nhà nước nên sớm minh bạch vấn đề này".

 

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, khi thu phí môi trường vào phương tiện giao thông, thì hệ lụy của nó là thu nhập người dân sẽ giảm rất lớn. Mà khi thu nhập giảm thì ảnh hưởng đến đời sống. Thu nhập giảm cũng làm nhu cầu giảm, khi cầu giảm thì cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Cho nên theo ông, chính phủ cần phải xem xét hết sức thận trọng việc thu thêm phí môi trường này.

<a data-flickr-embed="true"  href="https://www.flickr.com/photos/145347866@N03/30694288507/in/dateposted-friend/" title="cptpp1"><img src="https://farm2.staticflickr.com/1935/30694288507_f1fc02be56.jpg" width="500" height="354" alt="cptpp1"></a><script async src="//embedr.flickr.com/assets/client-code.js" charset="utf-8"></script>

Quay lại trang chủ
Read 433 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)