Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/10/2018

Hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, kỷ luật sinh viên bán dâm

Tổng hợp

Bao giờ Việt Nam hợp pháp hóa hoạt động mại dâm ? (RFA, 30/10/2018)

Sáng 29/10, khi báo Tuổi Trẻ đăng dự thảo của Bộ Giáo dục và đào tạo rằng sinh viên ngành sư phạm nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học, dư luận xã hội lập tức phản ứng và đặt câu hỏi về việc hợp pháp hóa hoạt động này ?

vn1

Một cô gái bán dâm đang chờ khách. Ảnh minh họa. AFP

Thực tế

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống nhiễm HIV/AIDS, Luật Phòng chống ma tuý và Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, giai đoạn 2011- 2016 của Ủy ban Quốc Hội, thì số lượng người bán dâm ở Việt Nam là khoảng 15.000 người, trong khi báo cáo của Bộ Y tế năm 2016 vào khoảng 87.000 người.

Tuy nhiên một bài viết trên tờ The Diplomat hôm 13/4/2017 thì nói rằng con số được báo cáo chính thức năm 2013 đã là 33.000 người nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng con số thật là khoảng 200.000 người cùng thời điểm.

Với những con số "không ai giống ai" như vậy có thể thấy một điều là không ai có con số thực tế hay ít nhất là gần với thực tế, bởi cho đến nay hoạt động mại dâm ở Việt Nam vẫn được coi là bất hợp pháp và không được quản lý bằng luật pháp.

Một chuyên gia muốn giấu tên đang làm việc cho một tổ chức NGO về lãnh vực mại dâm, ma túy ở Việt Nam đã 8 năm nói với RFA rằng cả xã hội ai cũng biết chuyện mại dâm là có thật ở Việt Nam, là hiện thực của xã hội. Vấn đề là họ đang hoạt động trá hình nên không được kiểm soát bởi luật pháp, mà lại được kiểm soát bởi hệ thống ăn chia giữa xã hội đen và chính quyền, nhất là ngành công an vì đây là lực lượng đi bắt.

Anh nói thêm rằng chuyện mại dâm tràn lan khắp nơi, ai cũng biết nhưng không ai dám công nhận một cách chính thức.

Cần hợp thức hóa ?

Ngày 28/3, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm. Trao đổi với báo chí sau đó, Tiến sĩ Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, khẳng định ở góc độ chuyên gia, ông ủng hộ coi mại dâm là một ngành nghề. Ông nói rằng hợp pháp hóa mại dâm thì có nhiều cái lợi hơn là hại, nhưng ông thừa nhận rằng xã hội chưa quen với việc này vì mại dâm trái với thuần phong mỹ tục.

PGS-Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, từng tham gia các hội thảo bàn tròn cho ý kiến về việc hợp pháp hóa chuyện mại dâm với tư cách một chuyên gia thì nói với RFA rằng, cho đến bây giờ quan điểm vẫn chưa ngã ngũ, và khả năng hợp thức hóa mại dâm, coi mại dâm là một nghề vẫn chưa được thừa nhận, có nghĩa mọi hoạt động mua bán dâm đều được tính là ngoài vòng pháp luật. Ông nói rằng theo quan điểm của ông thì bây giờ cần phải triển mạnh tư duy từ chỗ cấm cản, tiêu diệt, tẩy trừ không thừa nhận nhưng rồi vẫn mặc nhiên thừa nhận.

"Thay vì như thế thì cần phải tổ chức tốt hơn, có nghĩa phải đưa nó vào vòng kiểm soát bằng luật pháp cũng như đưa nó vào hệ quy chiếu của giá trị đạo đức xã hội".

vn2

Ảnh minh họa AFP

Một vấn đề khác mà các chuyên gia thấy cần phải hợp pháp hoạt động mai dâm, đó là quyền con người.

Một chuyên gia về xã hội học nói với RFA rằng hiện không có ai thúc đẩy để nói lên tiếng nói của người hành nghề mại dâm nên xã hội nhìn họ rất kỳ thị. Nếu các tổ chức tiếp cận dựa trên quyền con người thì tất cả đều bình đẳng, những người hành nghề mại dâm không bị phân biệt đối xử.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhìn thấy cái lợi khi nhìn nhận đây là một nghề, bên cạnh quyền con người. Ông nói :

"Khi người ta nhìn nhận nó là một nghề, đặt nó vào trong sự kiểm soát, thì không chỉ là quan điểm giảm hại cho cộng đồng thực hiện vệ sinh xã hội, vệ sinh dịch tễ, chăm sóc y tế tốt hơn cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động mua bán dâm, mà còn là thực hiện quyền con người của họ".

Rào cản nào ?

Với tình hình thực tế hiện nay là mại dâm tràn lan khắp nơi, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần nói đến việc hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh được coi là nhạy cảm này, nhưng đến bây giờ vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều lẫn dè dặt.

Anh P.T.S cho rằng đối với người dân thì do bị tuyên truyền áp đặt từ lâu nên họ nghĩ mại dâm là xấu, mại dâm là phá vỡ hạnh phúc gia đình. Và những áp đặt đó rất nặng trong xã hội bấy lâu nay. Để phá vỡ những rào cản đó hiện đang là một thách thức lớn. Anh nói thêm :

Cuộc tranh cãi về đạo đức vẫn đang dậy sóng ở Việt Nam với những từ "Thuần phong mỹ tục" nên việc tìm hiểu về mại dâm hay tình dục luôn luôn gặp những khuôn mẫu liên quan tới đạo đức đó. Nhà nước đặt ma túy và mại dâm vào tệ nạn xã hội, nghĩa là họ bị đạp xuống tận đáy xã hội. Đó là hai điều cản trở nhiều nhất trong các cuộc thảo luận liên quan đến mại dâm.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình thì điều cần làm là phải thay đổi tư duy của các nhà làm luật cũng như trong xã hội. Thay vì chống một cách vô vọng, thậm chí phản khoa học thì phải chuyển sang quản lý. Trong thực tế lịch sử thì tình dục có thể xem như nó có một thị trường. Thời nào cũng có. Khi con người hoạch định ra chế độ một vợ một chồng thì tự nhiên mại dâm tồn tại song song.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực ma túy, mại dâm trong xã hội đã 8 năm và nhìn thấy những bất công mà người hành nghề mại dâm gặp phải, anh P.T.S hy vọng một ngày nào đó những người mua bán dâm sẽ được bảo vệ quyền lợi một cách hợp pháp. Anh nhìn thấy một bước tiến khi trước đây gái mại dâm bị bắt phải vô trại Phục hồi Nhân phẩm, rồi chuyển sang Giáo dục dạy nghề. Bây giờ chỉ bị phạt hành chính mà chỉ có tổ chức mại dâm mới bị bắt. Vấn đề là phải xóa sự kỳ thị trong cộng đồng.

Một trong những tranh cãi lâu nay là nếu coi đây là một nghề thì cũng sẽ có thu thuế. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói rằng nếu hợp thức hóa mại dâm và quản lý minh bạch thì ngành kinh doanh này cũng tạo ra một nguồn thu thuế đáng kể và dùng nguồn thu đó để góp phần cho công cuộc lành mạnh hóa xã hội cũng như phòng chống các bệnh lây lan qua đường tình dục.

Diễm Thi

*******************

Vòng kim cô’ xử phạt đối với sinh viên - học sinh (RFA, 30/10/2018)

Bản phụ lục với một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật học sinh sinh viên đính kèm bị giới hoạt động nhân quyền cũng như các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam lên tiếng chỉ trích cho rằng văn bản quy chế này vi phạm quyền tự do của con người và vi phạm Hiến pháp Việt Nam.

vn3

Sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội (Ảnh minh họa) AFP

Văn bản nêu rõ, đối với các hành vi kích động, lôi kéo người khác biểu tình, viết truyền đơn sẽ bị đuổi học ngay lần thứ hai nếu vi phạm. Trong trường hợp học sinh-sinh viên tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật thì sẽ bị khiển trách đến đuổi học nếu vi phạm ở lần thứ 4 và nếu nghiêm trọng sẽ giao cơ quan chức năng xử lý.

Luật sự Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng, chỉ một văn bản dự thảo luật mà có thể phủ nhận toàn bộ quyền của công dân trong hiến pháp Việt Nam.

Vị luật sư nói : "Quy định đó nói thẳng ra là nó vi hiến bởi vì hiến pháp quy định những điều đó là những quyền của công dân được quyền thực hiện. Thế mà một văn bản dự thảo luật đã phủ nhận tất cả các quyền đó của sinh viên. Về căn bản Học sinh - Sinh viên cũng là công dân nên họ có quyền thực hiện các quyền đó thế nhưng một văn bản dưới luật thì có quyền gì phủ nhận các quyền của Hiến pháp quy định. Tôi khẳng định những quy định như vậy đều vi phạm hiến pháp".

Đồng ý với ý kiến của luật sư Đặng Đình Mạnh, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, tại các nước văn minh các quy định trong hiến pháp được coi là cao nhất và đó là những đạo luật cơ bản rồi mới đến những luật, thông tư nghị định, văn bản đi kèm.

Nhưng vị nhà báo cho rằng tại Việt Nam thì điều đó hoàn toàn đi ngược lại bởi vì hiến pháp Việt Nam tự do bao nhiêu thì các văn bản thấp hơn siết chặt lại ; nên vấn đề biểu tình được báo chí nhà nước hay các diễn đàn quốc hội đều nhắc tới thậm chí công khai chất vấn tại các cuộc họp quốc hội nhưng luật biểu tình đến này vẫn chưa ra được.

"Bao nhiêu năm nay rồi Bộ này đỗ cho Bộ kia, rồi Bộ Công an thì đỗ do Chính phủ rồi tùm lum qua lại. Tóm lại mười mấy năm nay vẫn chưa ra được cái luật biểu tình. Mà biểu tình là một điều mà ở các nước khác người ta đưa vào quyền bảo hộ công dân trong hiến pháp nhưng nhà nước Việt Nam thì lại rất sợ biểu tình, hiện này khi nhắc đến biểu tình thì tại Việt Nam như là một điều cấm kỵ mặc dù hiến pháp ghi là tự do như thế".

Nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định rằng biểu tình ôn hòa chỉ là một hoạt động bình thường, ngay cả công ước của liên hiệp quốc cũng có những quy định bảo hộ cho các vấn đề đó nhưng tại Việt Nam mỗi khi nhắc đến biểu tình thì người ta coi như là một chuyện nhạy cảm. Theo ông này thì Bộ Giáo dục không nên ra những quy định như vậy.

Còn theo nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến từ Hà Nội thì nếu xem xét kỹ, văn bản dự thảo luật này chỉ nhằm vào các học sinh sinh viên của ngành sư phạm tức là đào tạo các sinh viên sau này thành thầy cô thôi chứ không phải quy định cho toàn thể học sinh sinh viên cả nước.

vn4

Một số bạn sinh viên đang sử dụng internet (Ảnh minh họa) AFP

Anh Tuyến cho biết thêm : "Còn đối các sinh viên nói chung và các ngành nghề khác thì họ đã và đang thực hiện thông tư số 10/2016 được ban hành trước khi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ lên đứng đầu bộ này và đến nay người ta vẫn đang thực hiện. Khi tôi đọc và xem thì tôi thấy nó y chang với những quy định mà họ ra quy định đối với các Sinh viên của trường sư phạm. Thì có lẽ dư luận không để ý mà dư luận chỉ tập trung bàn luận đến chuyện bán dâm bốn lần nếu sinh viên sư phạm vi phạm sẽ bị cái này cái nọ cái kia thì họ quan tâm thôi".

Ngoài những quy định về biểu tình, khiếu kiện như vừa nêu, văn bản dự thảo có đề cập đến vấn đề đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung bị cho là dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc , vu khống, xúc phạm uy tính, danh dự và nhân phẩm tổ chức hay cá nhân trên mạng internet cũng sẽ bị xem xét buộc thôi học và bàn giao cơ quan chức năng xử lý.

Trong thời gian vài năm trở lại đây, khi người dân nói chung, và học sinh sinh viên nói riêng, lên tiếng phản đối trên mạng xã hội đều bị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và mời lên làm việc. Dư luận mạng xã hội cũng như một số nhà quan sát chính trị cho rằng quy định này có thể là bước dẫn tới luật an ninh mạng, như lời của luật sư Đặng Đình Mạnh :

"Cũng có thể nói là như vậy bởi vì cấm những điều mà Sinh viên thường xuyên lên mạng xã hội. Thật ra các điều này như là một bước nối dài của luật an ninh mạng và tôi vẫn khẳng định như ban đầu những quy định này đều là vi hiến cả không thể chấp nhận được".

Cùng quan điểm với luật sự Mạnh, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho rằng văn bản quy định này có thể là một bước tiến tới của Luật An ninh mạng nhằm áp đặt lên sinh viên của ngành sư phạm.

"Tôi nghĩ rằng cũng có thể bởi vì một văn bản hay thông tư của Bộ Giáo dục Đào tạo đang lấy ý kiến của mọi người về quy định áp đặt cho các Sinh viên sư phạm nói riêng. Cũng có thể người ta lấy một trong những điều đó để làm căn cứ để xử lý các sinh viên trong ngành sư phạm mà liên quan đến an ninh mạng, tôi nghĩ nó hoàn toàn có khả năng xảy ra".

Theo kế hoạch đề ra, Văn bản Dự thảo Quy chế Công tác Học sinh- Sinh viên dự kiến sẽ lấy ý kiến đến ngày 27/11/2018 nhằm thay thế cho quy chế học sinh, sinh viên từ năm 2007. Tuy nhiên, trước phản đối phản ứng mạnh mẻ từ dư luận, một số quan chức Bộ Giáo dục- Đào tạo lên tiếng với báo chí vào ngày 30 tháng 10 rằng đã sơ suất và chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất, đồng thời rút văn bản khỏi trang mạng của Bộ này một ngày trước đó.

***************

Dư luận Việt Nam phẫn nộ về dự thảo ‘kỷ luật sinh viên bán dâm’ (Người Việt, 29/10/2018)

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đưa ra một dự thảo thông tư nhưng vội rút lại ngay vì dư luận phản ứng vừa giận dữ vừa buồn cười khi "buộc thôi học" sinh viên "bán dâm lần thứ tư".

vn5

Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, người bị dư luận tại Việt Nam chỉ trích rất nhiều lần về các quyết định liên quan đến giáo dục học sinh. (Hình : Báo Đầu Tư)

Nguyên văn đầy đủ bản dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và đào tạo phổ biến trên trang thông tin điện tử của bộ này hiện đã bị rút xuống, không tìm được, nhưng người ta có thể đọc để hiểu nội dung của nó qua bản tin của tờ Tuổi Trẻ ngày 29 tháng Mười, 2018.

"Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và đào tạo, sinh viên ngành đào tạo giáo viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học. Khung xử lý này được Bộ Giáo dục và đào tạo đặt ra kèm theo dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp".

Báo Tuổi Trẻ mở đầu bản tin như thế và cho biết : "Dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến góp ý đến ngày 26 tháng Mười Một".

Nguồn tin kể tiếp rằng : "Theo đó, sinh viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học. Nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học sẽ bị khiển trách và lần thứ 2, 3 sẽ chịu hình thức kỷ luật tương ứng : cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn. Còn nếu hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý nặng hơn, bị buộc thôi học ngay lần đầu tiên bị phát hiện vi phạm".

Như bản tin của báo Tuổi Trẻ, hình phạt từ "cảnh cáo" khi bán dâm lần đầu và bị đuổi học nếu bán dâm đến lần thứ tư, chỉ áp dụng cho "sinh viên ngành đào tạo giáo viên". Không thấy đề cập gì tới sinh viên tất cả các bộ môn khác. Nói khác, nếu đúng như vậy, chỉ có "sinh viên ngành đào tạo giáo viên" bán dâm là bị Bộ Giáo Dục-Đào Tạo trừng phạt, còn sinh viên các bộ môn, các trường khác thì… tự do bán dâm ?

Tuy nhiên, theo tờ Tuổi Trẻ, hai năm trước, Bộ Giáo dục và đào tạo qua thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5 tháng Tư, 2016 đã từng có lệnh trừng phạt, từ nhẹ tới nặng, sinh viên tất cả các ngành, bộ môn nếu bán dâm, không chỉ riêng ngành sư phạm như cái thông tư mới định ban hành.

Ngoài chuyện trừng phạt sinh viên bán dâm, dự thảo nghị định mới cũng có những cái tương tự như thông tư năm 2016, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định những mức độ trừng phạt từ nhẹ tới nặng những hành vi khác như "đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy ; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân ; xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đảng và nhà nước trên mạng Internet… Riêng học sinh, sinh viên tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định pháp luật sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học tương ứng với số lần vi phạm từ 1 đến 4. Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị giao cho cơ quan chức năng xử lý".

Sau khi rút lại bản dự thảo thông tư nói trên, theo tờ Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và đào tạo : "…cũng ngay trong tối 29 tháng Mười, 2018, Bộ , theo tờ Tuổi Trẻ đã thừa nhận có điểm chưa hợp lý của dự thảo, trong đó có quy định về hành vi vi phạm hoạt động mại dâm. Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết bộ sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của ban soạn thảo và cá nhân có liên quan".

Tuần trước, khi Quốc hội họp và "bỏ phiếu tính nhiệm" 48 chức danh trong chính phủ và Quốc hội, ông bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ có "điểm tín nhiệm thấp" nhiều nhất. Hơn hai tháng trước, cả nước bàng hoàng khi tin tức bị xì ra là cuộc thi tốt nghiệp trung học kết hợp tuyển sinh đại học "hai trong một" đã bị sửa nâng điểm tại hội đồng thi một số địa phương. Thiên hạ ai cũng chỉ tay về phía ông Nhạ để đòi ông từ chức nhưng ông vẫn ngồi nguyên đó.

Trên rất nhiều trang facebook đưa lại cái tin của tờ Tuổi Trẻ sinh viên bán dâm lần 4 bị buộc thôi học, có rất nhiều lời bình luận từ diễu cợt đến nguyền rủa.

Hai năm trước Bộ Giáo dục và đào tạo trong "Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT" có điều khoản "phạt sinh viên bình luận dung tục trên mạng". Sau đó đã phải bỏ điều khoản này vì nó mơ hồ, định nghĩa thế nào là dung tục, lấy gì làm tiêu chuẩn, thước đo. (TN)

******************

Sơ suất trong dự thảo về kỷ luật sinh viên về 'lỗi 4 lần' ? (BBC, 30/10/2018)

Báo Việt Nam dẫn lời giới chức Giáo dục nói ban soạn thảo "đã sơ suất" về dự thảo buộc sinh viên phải thôi học khi mại dâm tới lần thứ tư, trong lúc một giảng viên nói với BBC rằng "quy định trong dự thảo đấy bình thường".

vn6

Hoạt động mại dâm ở Hà Nội - ảnh chỉ có tính minh họa

Hôm 29/10, mạng xã hội tranh cãi về một dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam nói sinh viên và học sinh hành nghề 'mại dâm' hay đi biểu tình 4 lần "sẽ bị đuổi học".

Còn các vi phạm khác như đánh nhau và lấy cắp tài sản sẽ khiến sinh viên bị "buộc thôi học" sau 3 lần.

Thế nhưng "chứa chấp, môi giới mại dâm" thì chỉ cần vi phạm lần 1 là đã bị đuổi học ngay.

Có vẻ như vi phạm này bị cho là nặng hơn cả 'kích động, lôi kéo người khác biểu tình, viết truyền đơn, áp phích trái pháp luật', phải sau 2 lần mới bị cho thôi học.

Theo chính trang web của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì đây mới là dự thảo nêu để "lấy ý kiến rộng rãi" nhằm ra thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên (HSSV) đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy.

Hôm 30/10, báo Thanh Niên viết :

"Quá trình soạn thảo thông tư này, ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới.

Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất".

Vì sao tính đúng bốn lần ?

Tuy các báo Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề sinh viên bán dâm 'bốn lần sẽ bị đuổi học', văn bản này nêu ra các mức hình phạt khác nhau cho hành vi này.

Theo đó, nếu học sinh sinh viên "hoạt động mại dâm lần đầu vi phạm sẽ chỉ bị khiển trách".

"Lần thứ hai cảnh cáo, lần ba bị đình chỉ có thời hạn".

Ngoài ra, dự thảo này coi các vấn đề chính trị và quyền dân sự, tín ngưỡng gộp vào một nhóm giống như tệ nạn xã hội, đều đáng bị răn đe hoặc trừng phạt :

Đó là :

Uống rượu bia trong giờ học, say rượu bia khi đến lớp ;

Tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật ;

tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy ;

Tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép và đánh bạc dưới mọi hình thức ;

vn7

Nhậu nhẹt tới mức say xỉn cũng là vi phạm đối với sinh viên học sinh Việt Nam

Các vi phạm này cũng bị xử lý kỷ luật với mức độ tương tự vi phạm về hoạt động mại dâm, theo văn bản.

Câu chuyện này hiện đang được nhiều người bình luận trên mạng xã hội với câu hỏi tiêu chí nào được lấy làm chuẩn cho các con số lần vi phạm, ba, bốn mà không phải là bốn, năm, sáu, hoặc nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, cũng không rõ việc vi phạm đó có hạn chế thời gian ra sao, ví dụ bao nhiêu lần trong một năm, hai ba năm hay toàn bộ thời gian đi học.

'Không được khéo'

Hôm 30/10, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học nói với BBC từ Hà Nội : "Tôi thấy rằng quy định trong dự thảo đấy bình thường, không có gì sai".

"Sinh viên còn trẻ người non dạ, không nên vì ngay lần đầu tiên vi phạm mà đuổi học".

"Chẳng qua là Bộ Giáo dục trình bày vấn đề không được khéo".

"Người ta đọc trên báo thấy giống như Bộ Giáo dục cho làm [mại dâm] ba lần đầu thì không bị sao cả, lần thứ tư mới bị đuổi học".

"Tôi xem quy định các năm trước cũng quy định bốn mức như thế".

vn8

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gần đây được nêu là người nhận nhiều phiếu "tín nhiệm thấp"

Đề cập về mức tín nhiệm thấp của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ mới đây : "Tôi có kiểm tra lại các thời bộ trưởng Giáo dục trước ông Nhạ thì thấy họ đều bị tín nhiệm thấp, trừ ông Nguyễn Thiện Nhân thì chưa tiến hành lấy phiếu".

"Dường như ai cũng nghĩ mình biết về giáo dục nên ai cũng nói vào được".

"Tuy nhiên, tôi cũng không phủ nhận những thiếu sót của Bộ Giáo dục".

"Rõ ràng Bộ này còn chậm đổi mới, nhưng tôi cũng không nghĩ đó chỉ là lỗi của bộ trưởng, vì ông mới cầm quyền mấy năm, còn bị ràng buộc bởi những đời người tiền nhiệm để lại".

"Dù sao, người ta cũng thấy ông không quyết đoán, không sáng suốt trong các vấn đề nảy sinh như quy chế nghiên cứu khoa học, phong hàm giáo sư… Đấy là những vấn đề mà ông ấy cần nghiêm túc nhìn lại".

Được biết vấn đề kỷ luật đối với sinh viên học sinh Việt Nam cũng đã được nêu ra trong các văn bản trước đây, nhưng vụ việc lần này được mạng xã hội chú ý rất nhiều, gây ra phản ứng trong dự luận.

Quay lại trang chủ
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)