EU ép Việt Nam cải thiện nhân quyền trước FTA (VOA, 01/03/2017)
Việt Nam đang chịu sức ép từ các nhà lập pháp Châu Âu về cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi thỏa thuận thương mại tự do với Liên hiệp Âu Châu (EU) được phê chuẩn. Chính phủ cộng sản rất coi trọng thỏa thuận này sau khi hỏng một thỏa thuận lớn do Mỹ đứng đầu.
Các thành viên Nghị viện Châu Âu hồi cuối tháng 2 bày tỏ quan ngại về Việt Nam khi Tiểu ban nhân quyền của họ đến thăm quốc gia Đông Nam Á. Tiểu ban khuyến nghị cần có thêm tranh luận ở Việt Nam về quyền chính trị cũng như tự do ngôn luận và tôn giáo.
Châu Âu quan ngại về nhân quyền ở Việt Nam
Vị chủ tịch tiểu ban nói ở Hà Nội rằng nếu không đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt của Châu Âu về nhân quyền, việc phê chuẩn hiệp định thương mại sẽ khó khăn. Chính phủ Việt Nam chưa hồi đáp trực tiếp về phát biểu này.
Hiệp định được ký kết hồi tháng 12 năm 2015 và dự kiến có hiệu lực vào năm tới. Nhưng hiệp định phải đi qua Nghị viện Châu Âu cũng như các cơ quan lập pháp của các nước thành viên. Khi các nhà lập pháp tại Bỉ xem xét hiệp định hồi tháng 1, một số người đã đặt câu hỏi về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ông Frederick Burke, luật sư của công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét : "Họ có một việc rất khó khăn trước mắt là phải đi qua 27 quốc hội mới biết có được phê chuẩn gì không. Để được tất cả những nơi đó phê duyệt là cả một thách thức".
Châu Âu muốn tiếp cận người tiêu dùng Việt, còn Việt Nam tìm cách độc lập kinh tế khỏi Trung Quốc
Liên hiệp Châu Âu muốn có thỏa thuận thương mại với Việt Nam để các công ty của họ có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu dùng ngày càng giàu có hơn với khoảng 93 triệu dân. Hiệp định này cũng nhắm đến một mục tiêu là cuối cùng sẽ có thỏa thuận thương mại tự do giữa EU với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam muốn có thỏa thuận này, với tư cách là một quốc gia dựa vào xuất khẩu đang phát triển và mong muốn đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn là một đối thủ chính trị lâu đời.
TPP chết vào thời chính quyền ông Trump
Việt Nam từng là một thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về lý thuyết, hiệp định sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trên thực tế, hiệp định đã "chết" sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra hồi tháng Giêng.
Thương mại EU-Việt Nam đạt khoảng 40,1 tỷ đôla mỗi năm. Việt Nam đánh giá Liên hiệp Châu Âu, một thị trường có khoảng 500 triệu dân, là đối tác thương mại thứ 3 của mình sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư Khách hàng tại Ủy ban Chứng khoán SSI tại Hà Nội, cho biết : "Nếu hiệp định được phê duyệt sớm, sẽ tốt hơn nhiều. Càng sớm càng tốt đối với Việt Nam".
Hiệp định tự do thương mại với Châu Âu giúp cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam
Bà Phương nói : "Chắc sẽ không có vấn đề gì vì hiệp định đã được ký kết. Tôi nghĩ rằng mọi người kỳ vọng vào TPP nhiều nhất, nhưng vì TPP đã không được hiện thực hóa, FTA này sẽ có ích. Đối với các ngành như dệt may, chúng tôi xuất khẩu sang Châu Âu rất nhiều".
Thỏa thuận này sẽ cắt giảm hầu hết các loại thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm và mở cửa của Việt Nam cho các dịch vụ của Châu Âu như y tế, đóng gói và tổ chức triển lãm.
Gần một năm trước chuyến thăm Việt Nam của tiểu ban nghị viện, tổ chức Pháp có tên Phong trào Thế giới vì Nhân quyền đã cáo buộc Liên hiệp Châu Âu không tiến hành nghiên cứu về tác động đối với nhân quyền.
Có đòi hỏi mạnh mẽ về nhân quyền nhưng từ ngữ không quyết liệt bằng TPP
Trưởng đoàn đàm phán Châu Âu Mauro Petriccione cho biết trong một tuyên bố hồi năm ngoái là FTA giữa EU và Việt Nam bao gồm "các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ các quyền cơ bản của con người tại nơi làm việc, nhân quyền của họ trên bình diện rộng hơn, và môi trường".
Nhưng ông Burke nói từ ngữ trong hiệp định của Châu Âu không quyết liệt bằng nội dung tương ứng trong TPP.
TPP đòi hỏi về những thay đổi trong luật lao động Việt Nam theo hướng có lợi cho công đoàn nhằm chấm dứt bóc lột lao động, và buộc ngành công nghiệp nặng trả tiền bồi thường nếu việc kiểm soát ô nhiễm kém cỏi gây ra tác động đến thương mại, kèm theo là những kẻ vi phạm phải đối mặt với mức thuế bổ sung.
Ông nói : "FTA EU đã không được soạn thảo rõ ràng như TPP. Bản thân từ ngữ không có ép buộc thực thi như TPP. Nó dựa nhiều hơn vào thiện chí và những người mong muốn thực hiện các việc".
Vi phạm nhân quyền tiếp tục ở Việt Nam
Tổ chức Human Rights Watch của Mỹ nói chính quyền Việt Nam sách nhiễu và bỏ tù các blogger cũng như các nhà hoạt động chính trị. Họ nói công nhân không thể thành lập nghiệp đoàn riêng của họ, trong khi nông dân bị mất đất cho các dự án phát triển.
Về mặt chính thức, Việt Nam là nước vô thần. Theo nhóm đấu tranh nhân quyền Mỹ Open Doors, trong khoảng 8 triệu Kitô hữu ở Việt Nam, đôi khi có một số người bị bắt do nói lên đức tin của họ, bởi vì chính phủ coi tôn giáo của họ là "có liên hệ mật thiết với các thế lực ngoại bang".
Ông Carl Thayer, một học giả về Việt Nam và giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South WaLes ở Úc, nói để làm hài lòng các nhà lập pháp Châu Âu, Việt Nam có thể sẽ thông qua một số luật hoặc thả một vài tù nhân lương tâm mà không thực hiện những thay đổi cơ bản.
Ông lưu ý rằng Hà Nội đã thay đổi về những gì họ được yêu cầu trước khi được tham gia TPP. Ông nói các nhà hoạt động nhân quyền có thể vẫn chỉ trích Việt Nam, nhưng các quan chức Mỹ đã hài lòng.
Ông nói : "Câu trả lời thật sự là Việt Nam sẽ cưỡng lại, nhưng thay vì lần lữa, giống như họ đã làm với Hoa Kỳ, họ đi đến một loại tạm ước".
********************
Dân Dương Nội tiếp tục biểu tình đòi đất (RFA, 01/03/2017)
Dân Dương Nội trong một lần biểu tình đòi đất trước Bộ Công An ở Hà Nội. Photo courtesy of danchimviet
Hằng chục người dân Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cùng cựu chiến binh hôm nay tiến hành biểu tình trước Trụ sở tiếp dân của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam tại thủ đô.
Anh Trịnh Bá Phương, một trong những người tham gia, cho biết :
"Sáng nay vào khoảng lúc 9 giờ người dân Dương Nội và một số cựu chiến binh tại Lào Cai, tổng cộng khoảng 50 người, đến tại trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng với mục đích tố cáo tội ác của họ đã tước đoạt ruộng đất của người dân ; cũng như đánh đập, bắt bỏ tù người dân.
Bên cạnh đó người dân Dương Nội cũng muốn truyền tại đến chính phủ Việt Nam nhanh chóng giải quyết những vụ kiện đông người kéo dài ; nếu không thì phương án cuối cùng mà người dân Dương Nội chúng tôi chọn là sẽ tái hiện hằng trăm vụ Dak Nong chứ không phải chỉ một vụ. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp để giữ lại mảnh đất mà cha ông chúng tôi để lại".
Tin cho biết số người tham gia biểu tình trong ngày hôm nay ở Hà Nội như vừa nêu còn đến gặp đại diện của Thanh tra Chính Phủ. Họ cho biết tại cuộc gặp cũng được hứa hẹn sẽ có sửa đổi và có cơ quan kiểm tra độc lập.
Tuy nhiên theo lời anh Trịnh Bá Phương thì khi nào có văn bản cụ thể ban hành ra người dân mới tin. Trong thời gian chưa có văn bản thì những người trong diện bị thu hồi đất đai không đúng qui định tại làng Dương Nội sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của họ.
Một trong những người tiên phong trong việc đấu tranh giữ đất ở Dương Nội là bà Cấn Thị Thêu hiện đang phải thụ án 20 tháng tù ở trại Gia Trung, Pleiku với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.
***********************
Quốc tế kiến nghị trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ (RFA, 01/03/2017)
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại tu viện Thanh Minh, thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 7 năm 2007. AFP photo
Cuộc vận động viết thư kiến nghị yêu cầu gây áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đạt mục tiêu 70 thư gửi đến phân ban nhân quyền Quốc hội Châu Âu.
Tin được Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam trụ sở tại Paris cho biết hôm 28 tháng 2. Theo đó ông Alvin Jacobson, trưởng nhóm Ân xá Quốc tế tại Boston, Hoa Kỳ phát động chiến dịch và thư thu thập được gửi đến ông Pier Antonio Panzeri, chủ tịch phân ban nhân quyền Quốc hội Châu Âu đồng thời là trưởng phái đoàn đến làm việc tại Việt Nam từ ngày 20 đến 24 tháng 2 vừa qua.
Nội dung thư kêu gọi cho "tự do tôn giáo thoát khỏi sự kiềm chế của chính quyền" và "trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ".
Trong chuyến đi, phái đoàn yêu cầu được viếng thăm Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nhưng phía chính quyền Hà Nội từ chối với lý do "nơi ngài ở quá xa cho việc di chuyển". Hiện Đức tăng thống Thích Quảng Độ được nói bị giam lỏng ở tại Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn.
Trước khi rời Việt Nam, phái đoàn có nói rằng nếu không cải thiện nhân quyền, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn cho việc phê chuẩn Hiệp ước Tự do mậu dịch Liên Âu-Việt Nam.