Đức xác nhận thảo luận vụ Trịnh Xuân Thanh với Việt Nam ở Berlin (VOA, 07/11/2018)
Một nguồn tin ngoại giao Đức mới xác nhận với VOA tiếng Việt về cuộc họp cấp cao với quan chức Việt Nam ở Berlin giữa tuần trước, trong đó đôi bên có trao đổi về vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh.
">
Hình ảnh ông Thanh được cho là "tự thú" trên Truyền hình Việt Nam năm ngoái.
Nguồn thạo tin không muốn nêu danh tính cho biết rằng "Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao [Bùi Thanh Sơn] rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin".
"Chính phủ liên bang Đức lên tiếng ủng hộ vụ Trịnh Xuân Thanh và vẫn đang trong quá trình thảo luận với phía Việt Nam", nguồn tin nói.
Tuy nhiên, quan chức Đức này không xác nhận hay bác bỏ thông tin đăng trên báo chí nước này cũng như từ cộng đồng người Việt về chuyện họ nói là "Berlin đang thương lượng trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức".
Báo chí Việt Nam đưa tin về cuộc gặp trên, nhưng không nhắc tới việc Đức tiếp tục cáo buộc Hà Nội "bắt cóc" ông Thanh, cũng như quan điểm của Berlin trong cuộc họp về vụ việc gây nhiều sóng gió trong quan hệ hai nước này.
Ông Thanh được giải tới tòa hồi đầu năm nay.
Trên trang Facebook cá nhân, Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Đoàn Xuân Hưng, hôm 1/11 đăng tải một dòng trạng thái kèm theo hình ảnh ông chụp chung với Thứ trưởng Sơn.
Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Việt Nam ở Đức viết : "Hôm nay là một ngày vui đối với tôi, đối với chúng ta. Thứ trưởng Thường trực BNG Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang thăm CHLB Đức theo lời mời của BNG bạn".
Công viên Tiergarten, nơi Đức cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh.
Đây được coi là cuộc trao đổi chính thức và cấp cao nhất giữa hai nước ở Berlin kể từ tháng Chín năm ngoái, sau khi bùng ra vụ việc khiến quốc gia Tây Âu tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với nước Đông Nam Á.
Ông Hưng trong ngày 1/11 cũng đăng tải các hình ảnh quan chức hai nước tham gia cuộc họp ở Berlin, với dòng chú thích rằng "nền tảng quan hệ hai nước rất vững chắc", "tiềm năng hợp tác trên mọi lĩnh vực rất lớn" và rằng "chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai".
Tuy nhiên, hiện không thấy các hình ảnh này công khai trên trang Facebook của ông Hưng. Chưa rõ liệu nhà ngoại giao này có để chế độ riêng tư, dành riêng cho bạn bè xem các bức ảnh mà có ý kiến coi là "các tín hiệu cho thấy hai nước có thể sẽ nối lại quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai gần".
Bà Schlagenhauf, luật sư của ông Thanh ở Đức.
Trả lời VOA Việt Ngữ, luật sư của ông Thanh ở Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, cho rằng cuộc gặp hôm 1/11 là "bước đi cấp cao đầu tiên" ở Berlin nhằm tìm cách "xử lý xung đột ngoại giao giữa Việt Nam và Đức".
"Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam giờ thấy rõ điều cần làm để giảm căng thẳng", bà nói. "Tôi đang chờ các kết quả cụ thể về việc trả lại thân chủ của tôi về Đức. Chúng ta phải chờ xem trong vài tuần nữa".
Nữ luật sư người Đức này cũng bác bỏ các tin tức đăng trên Facebook cuối tuần trước về việc ông Thanh đã "lên máy bay" vềBerlin. "Ông ấy chưa trở lại Đức", bà Schlagenhauf nói.
Hồi đầu năm nay, cựu quan chức dầu khí Việt Nam đã hai lần bị kết án tù chung thân trong hai vụ án.
Berlin từng yêu cầu Hà Nội thả ông Thanh về Đức để được cân nhắc đơn xin tị nạn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng nói rằng Hà Nội "đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức" và "luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước".
******************
Berlin tiếp tục can thiệp cho Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức (RFI, 06/11/2018)
Trong cuộc hội đàm với Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 01/11/2018 tại Berlin, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis, một lần nữa, lên án rõ ràng và rành mạch rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một sự vi phạm công pháp quốc tế hoàn toàn không thể chấp nhận được, phá vỡ lòng tin trong quan hệ giữa hai nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) và quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis, Berlin, ngày 01/11/2018 (with courtesy of @AA)
Từ Berlin, thông tín viên Trung Khoa cho biết thêm thông tin :
Một nguồn tin xin ẩn danh thuộc Bộ Ngoại giao Đức, trong quá khứ chính phủ Liên bang Đức đã can thiệp mạnh mẽ cho Trịnh Xuân Thanh, và sẽ tiếp tục nói chuyện với phía Việt Nam về trường hợp này.
Theo nguồn tin trên, trong quá trình trao đổi tích cực và chặt chẽ từ hơn một năm nay, Đức và Việt Nam đã làm việc để khôi phục quan hệ song phương. Để làm việc này, chính phủ Đức đã lưu ý đến các đáp ứng tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền. Quan hệ giữa hai nước, giờ đây, đang đứng trước một sự khởi đầu mới.
Bản tin chính thức đăng trên Cổng thông tin điện tử chính phủ cho biết, quốc vụ khanh Andreas Michaelis sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao.
Trong buổi gặp gỡ, giao lưu với người Việt tại chợ Đồng Xuân ở Berlin, thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nói : Qua chuyến công tác lần này, quan hệ hai nước Việt Nam và Đức đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang từng bước cải thiện. Ông khẳng định, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức đều đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy sự hợp tác và đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo như trước đây.
RFI tiếng Việt
*********************
Liên Bộ Công thương và Ngoại giao Việt Nam đang gây áp lực trả Trịnh Xuân Thanh về Đức ? (VNTB, 04/11/2018)
Các quan chức của Việt Nam và Đức đang thương lượng việc trả lại Trịnh Xuân Thanh, người mà Berlin cáo buộc bị mật vụ Việt bắt cóc hồi năm ngoái, trong bối cảnh Hà Nội muốn đạt được một hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu.
Đại sứ Đức Christian Berger và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong buổi Lễ Quốc khánh Đức ngày 5/10/2018
Nhật báo TAZ của Đức cho biết các quan chức chính phủ của Việt Nam đã gặp các quan chức của Đức tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Berlin hôm 1/11 để bàn thảo việc trả lại cựu quan chức ngành dầu khí đã bị Hà Nội kết 2 án chung thân hồi đầu năm nay cho phía Đức.
Nhật báo quốc gia duy nhất của Đức nói họ biết tin về cuộc đàm phán từ giới thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam. Theo nguồn tin này, cuộc thương lượng được thực hiện theo lời mời của chính phủ Đức. Phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán tại Bộ Ngoại giao Đức hôm 1/11 do một thứ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu. TAZ không nêu tên vị thứ trưởng này nhưng theo Thoibao.de, người dẫn đầu đoàn Việt Nam là ông Bùi Thanh Sơn. Ông Sơn chính là người tới tham dự buổi lễ Quốc khánh Đức ngày 5/10 tại Hà Nội, nơi Đại sứ Đức Christian Berger nói sẽ thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Đức ngày càng phát triển tích cực.
Vào tháng 9 năm ngoái, Đức đã tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin ngày 23/7/2017 nhưng Hà Nội nói rằng ông Thanh tự về đầu thú.
Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang xin tị nạn tại Đức. Sau khi "trở về đầu thú", ông Thanh bị đưa ra tòa xử và bị tuyên hai án tù chung thân cho tội danh tham ô và quản lý kém gây thất thoát tài sản nhà nước. Ông Thanh bị cho là làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng trong thời gian làm chủ tịch PVC, một công ty của tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Đức đã yêu cầu Việt Nam trao trả lại ông Thanh sau vụ bắt cóc mà Đức nói là vi phạm luật pháp nước này.
Theo nguồn tin từ phía Việt Nam mà TAZ có được, vấn đề trả ông Thanh trở lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội.
"Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá", nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam cho TAZ biết.
Vẫn theo nguồn tin này, những người ngăn chặn bao gồm những người có liên quan đến vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với họ.
Theo Tổng Công tố viện Liên bang Đức, ông Thanh gần như chắc chắn bị đưa ra khỏi khu vực Schengen của liên minh Châu Âu bởi một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Điều này cũng đang làm mối quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia căng thẳng khi Slovakia yêu cầu Hà Nội giải thích liệu họ có bị phía Việt Nam lợi dụng để tiến hành vụ bắt cóc hay không.
Việt Nam hiện đang theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, trong đó Đức và Slovakia là những thành viên. Hiệp định này được cho là sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 3,2 tỷ USD vào năm 2020 và khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2030.
Hôm 17/10, Ủy ban Châu Âu ở Brussels đã phê duyệt hiệp định này. Nhưng để hiệp định được chính thức thông qua, cần phải có sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu.
Nhật báo TAZ của Đức hôm nay có đăng một bài báo về cuộc đàm phán này. Sau đây là bản dịch :
Việt Nam và Đức đàm phán trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức
Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra, quan hệ giữa Đức và Việt Nam bị khủng hoảng. Chính phủ hai nước đang cố gắng tiến gần lại với nhau.
Hôm nay thứ Năm ngày 01/11/2018 tại Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin, Chính phủ Đức và Việt Nam đã đàm phán về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, ông Thanh chính là người bị kết 2 án tù chung thân tại Hà Nội hồi đầu năm nay. Cựu cán bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam, người mà bị thất sủng tại Hà Nội, đã đào thoát đến Đức xin tị nạn hồi giữa năm 2016 và sau đó đã bị mật vụ Việt Nam từ Hà Nội sang Đức bắt cóc đem về nước hồi cuối tháng 7 năm 2017. Việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận về trường hợp của ông.
Tờ TAZ đã biết tin về cuộc đàm phán ngày hôm nay từ giới lân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của Chính phủ Liên bang Đức. Dẫn đầu phái đoàn đàm phán cấp cao của Việt Nam là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ Ngoại giao Đức chỉ xác nhận với tờ TAZ là "có cuộc đàm phán tại Bộ Ngoại giao hôm nay ngày thứ Năm" như là một phần của "quá trình trao đổi chặt chẽ" với Việt Nam về "các vấn đề quốc tế và song phương". Bộ Ngoại giao Đức không nói gì về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Tuy nhiên, rõ ràng là Đức luôn ràng buộc điều kiện đó với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mà trước đây ở cấp độ Ngoại giao "quan hệ đối tác chiến lược". Ngoài ra, phản ứng với hành vi bắt cóc vi phạm Công pháp quốc tế, Đức đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc trao đổi với các chính trị gia Việt Nam, ngoại trừ trao đổi về vấn đề bắt cóc này.
Theo nguồn tin nêu trên từ Việt Nam, vấn đề trả Trịnh Xuân Thanh trở về lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hình như không được ủy nhiệm (không được giao cho quyền) đưa ra lời cam kết với phía Đức. Trong khi đó, "Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá", người cung cấp tin (từ giới lân cận với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội) giải thích. Những người muốn ngăn chặn bao gồm những người có liên quan đến vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với họ.
Theo Tổng Công tố viện Liên bang Đức, nạn nhân bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gần như chắc chắn bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bởi một chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, Robert Kalinak, đã cho Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mượn chiếc chuyên cơ, vì ông Tô Lâm phải nhanh chóng đến cuộc hẹn gấp ở Moscow, mà sự thật là không có cuộc hẹn nào ở đó. Hiện nay Slovakia đang điều tra, ông Kalinak vào thời điểm lúc đó có biết rằng nạn nhân bị bắt cóc ngồi trên chuyên cơ hay không. Ông Kalinak đã phủ nhận và nói ông không biết gì.
Việt Nam phủ nhận việc nạn nhân bị bắt cóc có mặt trên chuyên cơ. Slovakia yêu cầu Hà Nội giải thích cách thức Trịnh Xuân Thanh đã về Hà Nội như thế nào và đe dọa sẽ có hậu quả nếu không có lời giải thích xác đáng. Các lực lượng có suy nghĩ chín chắn ở Hà Nội thì không muốn có một đám cháy lan rộng về Ngoại giao.
Một Đại sứ mới cho sự khởi đầu mới
Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam mới tại Đức, ông Nguyễn Minh Vũ, thay thế ông Đoàn Xuân Hưng. Theo quan điểm của Hà Nội, cho một khởi đầu mới đáng tin tưởng về quan hệ Ngoại giao thì nhất thiết cần phải có một Đại sứ mới, không có liên quan gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra hồi cuốt tháng 7/2017, Chính phủ Đức cũng như những nhà Ngoại giao nước khác đã cắt giảm quan hệ với Đại sứ cũ Đoàn Xuân Hưng, mà trong Đại sứ quán của ông nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có lẽ đã bị nhốt 2 ngày trong đó trước khi được chuyển đến Bratislava (thủ đô Slovakia). Ông Hưng đã gây chú ý trong dư luận về việc ông uống bia và chơi golf với những người Việt Nam định cư ở Đức, mà những người này bị cảnh sát để ý đến.
Tân Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã được bổ nhiệm nhưng chưa được phía Đức chấp nhận
Mặc dù Đại sứ mới đã được chính thức bổ nhiệm, nhưng Đại sứ cũ vẫn tiếp tục chức vụ. Bộ Ngoại giao Đức đã tuyên bố, như một người trong nội bộ tiết lộ với tờ TAZ, chỉ khi nào điều kiện trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức được đáp ứng, thì Đức mới đồng ý chấp nhận Ủy nhiệm thư của Tân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Nếu không, ông Vũ -người có một một vị thế vững chắc hơn người tiền nhiệm của mình- sẽ bị "đốt cháy".
Nguồn VOA và Thoibao.de
*********************
Thanh lại sang Đức… uống bia và chơi golf ? (VNTB, 04/11/2018)
Một điều thật khôi hài và trớ trêu là nhân vật Trịnh Xuân Thanh - quan chức đã bị không phải một mà đến hai cái án chung thân bởi ‘bác tổng bí thư’- đang tràn trề cơ hội để trở sang Đức… uống bia và chơi golf !
Trịnh Xuân Thanh sẽ tiếp tục tận hưởng mùa thu nước Đức ?
Cuộc họp đặc biệt giữa Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Berlin vào ngày 1/11/2018 đã lộ ra cơ hội đó.
Ngay sau cuộc họp trên, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân "Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai", còn báo đảng ở Việt Nam thì thông tin "Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis hứa sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao".
Về thực chất, "thắng lợi vĩ đại" nhất từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự "kiến tạo" một bước ngoặt lớn trong trang sử quan hệ Ngoại giao Đức-Việt và EU-Việt, làm thay đổi hẳn nhận thức của giới quan chức Đức và Liên Minh Châu Âu đối với phương châm "Việt Nam luôn làm bạn với tất cả các nước".
Khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và ít ngày sau đó, có lẽ Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tính toán không ít kế hoạch để đối phó với Đức và với dư luận. Nhưng dù mắt trước mắt sau đến thế nào, họ vẫn quên hoặc không thể nhận thức được - như một trí não bình thường - về một nhân tố căn cơ và mang tính quyết định : Đức là một nhà nước pháp quyền, lấy pháp quyền làm giá trị hàng đầu để điều hành xã hội và đối ngoại.
Tam quyền phân lập là một trong những giá trị pháp quyền ấy. Với tư cách là một thành phần độc lập trong thể chế chính trị tam quyền phân lập, tòa án Đức tách rời một cách tương đối với những quyết định của chính phủ và Bộ Ngoại giao Đức.
Sự thật là trong con mắt nước Đức, một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh nếu có được phía Việt Nam trả lại cho Đức cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn. Mà trên hết, người Đức cần được chế độ vi phạm nhân quyền quá trầm trọng ở Việt Nam thật sự tôn trọng như một nhà nước pháp quyền, mà vụ Trịnh Xuân Thanh là một phép thử rất lớn.
Vào năm 2018, thách thức đối ngoại mà đảng cầm quyền của Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt còn khó khăn hơn so với năm 2017. Nếu không chịu nhượng bộ trong việc ‘trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, ông Trọng có thể sẽ phải nhận thêm hậu quả về một cuộc khủng hoảng Ngoại giao lan rộng giữa các nước Châu Âu với Việt Nam, không những tuyệt vọng về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt nam- EU) mà còn có thể tuyệt giao về quan hệ Ngoại giao, để khi đó số phận của chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ biến thành… Bắc Triều Tiên.
Cũng bởi thế, vào tháng Năm năm 2018 đã xuất hiện một số suy đoán cho rằng để xử lý khủng hoảng đối ngoại trên, ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp ‘vận động Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo’ ngay trước phiên xử phúc thẩm Trịnh Xuân Thanh, mà theo đó sau khi ông Thanh đã ‘yên tâm ở tù chung thân’, phía Việt Nam sẽ đàm phán với Đức để âm thầm trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức theo hình thức ‘áp dụng luật đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước’.
Luồng suy đoán trên cũng nêu ra cơ sở là với các nhà lãnh đạo Việt Nam, sau khi đã xử Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt ‘ông anh’ của Trịnh Xuân Thanh là Đinh La Thăng, đã phần nào đáp ứng nguyện vọng "trừng trị những kẻ tham nhũng" trong một bộ phận dân chúng, cũng thể hiện được uy quyền "đốt lò" của mình. Con bài Trịnh Xuân Thanh đã hết hạn sử dụng, không nên là vật cản cho quan hệ hai nước Việt – Đức, đặc biệt quan hệ Việt Nam – EU. Hiệp định thương mai tự do Việt nam – EU phải được ký kết sớm, và cần giải toả con bài Trịnh Xuân Thanh càng sớm càng tốt.
Đến đầu tháng Sáu năm 2018 thì sự việc trở nên rõ hơn nhiều. Tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả tự do "trong thời gian tới đây". Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc.
Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về Ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác.
Hai cái tên – một Trịnh Xuân Thanh quan chức tham nhũng nhưng được ‘ăn theo’ nhân quyền, và một Nguyễn Văn Đài nhà hoạt động nhân quyền – rõ ràng là những bằng chứng đầu tiên cho thấy chính thể độc trị ở Việt Nam bắt đầu phải nhượng bộ Chính phủ Đức nói riêng và EU nói chung về pháp quyền và nhân quyền.
Nếu trong thời gian tới, Trịnh Xuân Thanh quả thực sẽ uống bia và chơi golf ở Đức, tâm thế đầu hàng của nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ hiện hình một cách đầy ý nghĩa : hiện tượng này phản ánh tiến trình ‘vận nước đang lên’ và cuộc đấu lực lẫn đấu trí của nhà nước này với người Đức, Liên minh Châu Âu và người Mỹ đã chạm vào ngưỡng trên của giới hạn chịu đựng. Nguyễn Phú Trọng và cái túi ngân sách thủng toang hoác của chế độ ông ta khó mà có thể chịu đựng cơn đói ăn hơn nữa.
Thường Sơn
****************
Việt - Đức sắp khôi phục quan hệ đối tác chiến lược ? (BBC, 03/11/2018)
Đức và Việt Nam tiến gần hơn đến việc chính thức khôi phục quan hệ Đối tác chiến lược sau khủng hoảng vì cáo buộc 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh.
Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, Đức
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đang ở Berlin, có cuộc họp với Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis.
Truyền thông nhà nước Việt Nam nói Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis hứa sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao.
Trong một cuộc gặp Việt kiều tại Berlin, ông Bùi Thanh Sơn không đề cập cụ thể trường hợp Trịnh Xuân Thanh, nhưng nói quan hệ Việt - Đức thời gian tới "sẽ có nhiều tiến triển".
Quan hệ Đức - Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc tại Berlin" hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã nhận hai án chung thân trong hai vụ án riêng rẽ ở Việt Nam.
Trong khi đó, trang Facebook cá nhân của Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng đưa hình ảnh cho thấy Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Đức gặp nhau tại Berlin bàn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước ngày 1/11.
Ông Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân : "Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai".
*********************
Hà Nội thương lượng, ‘trả’ Trịnh Xuân Thanh cho Đức (Người Việt, 03/11/2018)
Chính phủ Đức và Việt Nam tiến hành thương lượng vụ "trả" lại ông Trịnh Xuân Thanh tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Berlin từ hôm 1 tháng Mười Một, 2018, tin do nhật báo TAZ của Đức tiết lộ.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị dẫn giải ra tòa hôm 22 tháng Giêng, 2018, tại Hà Nội. (Hình : Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)
"Việc bình thường hóa quan hệ Đức-Việt tùy thuộc vào thỏa thuận về vụ Trịnh Xuân Thanh. Cuộc thương lượng được thực hiện theo lời mời của chính phủ Đức. Đại diện Việt Nam là một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức xác nhận cuộc thương lượng là một phần của ‘quá trình thảo luận chặt chẽ’ với Việt Nam về ‘các vấn đề quốc tế và song phương,’" nhật báo TAZ tường thuật.
Tin đồn về việc Việt Nam sắp sửa trả lại ông Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức đã râm ran từ vài tháng nay và đã dấy lên suy đoán rằng ông Thanh "sẽ đi Đức trước cuối năm 2018".
Đức đã tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi chính thức đưa ra cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin ngày 23 tháng Bảy, 2017.
Tờ báo của Đức cũng hé lộ thêm, vụ trả lại ông Trịnh Xuân Thành cho Đức "đang gây tranh cãi ngay tại Hà Nội". Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Việt Nam được cho là muốn thúc đẩy việc này sớm vì đây là cách duy nhất để khôi phục quan hệ Ngoại giao với Đức nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những giới chức cao cấp liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo kết thúc Hội nghị liên bộ - Ảnh minh họa
TAZ không nêu danh tính vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao CSVN, nhưng theo Thoibao.de, đó là ông Bùi Thanh Sơn, người đến dự lễ quốc khánh Đức ngày 5 tháng Mười tại Hà Nội.
Thông tin này trùng khớp với một post lúc 8 giờ tối 2 tháng Mười Một trên trang Facebook cá nhân của ông Đoàn Xuân Hưng, đại sứ Việt Nam tại Đức, với hình ảnh và nội dung : "Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Đức gặp nhau tại Berlin bàn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước (1 tháng Mười Một, 2018)".
"Nền tảng quan hệ hai nước rất vững chắc. Tiềm năng hợp tác trên mọi lĩnh vực rất lớn. Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai", ông Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân.
Cũng vậy, một bản tin đăng trên báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 2 tháng Mười Một cho hay : "Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc theo lời mời của phía Đức, hôm 1 tháng Mười Một, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức, Thứ trưởng thường tTrực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với ông Andreas Michaelis, quốc vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức. Tại hội đàm trong không khí vui vẻ, cởi mở và thân tình, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước. Phía Đức đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua cũng như vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ; cho rằng đây là cơ sở quan trọng để hai bên hợp tác trong thời gian tới".
Tất nhiên, báo này không đả động gì về vụ thương lượng trả lại ông Thanh là nội dung chính của cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (phải) và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis. (Hình : Facebook Hung Doan)
Trong khi đó, nhà văn Trần Quốc Quân ở Ba Lan viết trên trang cá nhân : "Một nguồn tin mới nhất về Trịnh Xuân Thanh cho biết : Vào lúc 23 giờ 15 phút đêm 2 tháng Mười Một, 2018, công an đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh đi vào cửa sau sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho chuyến bay Air Vietnam 37 từ Hà Nội đi Berlin. Đi theo chuyến bay là phụ tá của ông Đại sứ Đức Christian Berger từ Hà Nội. Chuyến bay sẽ đáp xuống FrankFurt lúc 14 giờ 45 phút giờ địa phương để đổi sang máy bay Lufthansa 188 đến Berlin. Cả hai phía Đức và Việt Nam sẽ giữ kín thông tin này và ông Thanh được cho là cũng sẽ không tiết lộ với báo chí vì đây là cam kết giữa ba bên".
Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam – PVC), bị kết án chung thân hai lần hồi đầu năm 2018.
Hà Nội đang đặt nhiều hy vọng vào Hiệp định Thương mại Tự do với EU (EVFTA) nhưng vấn đề là quan hệ Ngoại giao với Đức và Slovakia, hai thành viên của khối này, đang rơi vào khủng hoảng về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Hồi tháng trước, theo hãng thông tấn nhà nước TASR, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel tuyên bố : "Quan hệ song phương Slovakia-Việt Nam sẽ bị đóng băng cho đến khi Bratislava nhận được lời giải thích đáng tin cậy từ Hà Nội về vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đã kết thúc tại Việt Nam như thế nào".
Thời điểm đó, tuần báo Spectator và nhật báo Denník N của Slovakia tiết lộ một chi tiết ít người biết về vụ bắt cóc : "Một passport trong đoàn Việt Nam thiếu visa Schengen theo yêu cầu. Tên của người đó trên passport là Trung Việt Lưu và ngày tháng năm sinh là 2 tháng Chín, 1968. Người này nhiều khả năng chính là Trịnh Xuân Thanh. Các nhân viên cận vệ của Slovakia mô tả rằng họ để ý trong số ba người Việt cuối cùng lên máy bay, hai người khống chế người còn lại. Slovakia có thể cấp ngoại lệ ra vào nước này mà không cần visa Schengen vì ba lý do : nhân đạo, lợi ích của nhà nước hoặc cam kết quốc tế". (T.K.)
********************
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Việt Nam tìm cách hàn gắn quan hệ với Đức (RFI, 03/11/2018)
Ngày 01/11/2018, thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã sang Berlin để đàm phán với phía Đức nhằm hàn gắn lại mối quan hệ Ngoại giao đã bị khủng hoảng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát áp tải đến một phiên tòa tại Hà Nội, ngày 8/1/2018. VNA/Doan Tan via Reuters
Tường trình của thông tín viên Trung Khoa từ Berlin :
Tờ TAZ đã có tin về cuộc đàm phán này từ giới thân cận với bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội. Cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của chính phủ Liên bang Đức. Tuy nhiên, bộ Ngoại giao Đức chỉ xác nhận với tờ TAZ là "có cuộc đàm phán tại bộ Ngoại giao ngày hôm nay, thứ Năm" như là một phần của "quá trình trao đổi chặt chẽ" với Việt Nam về "các vấn đề quốc tế và song phương". Bộ Ngoại giao không nói gì về việc trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Nhưng rõ ràng là Đức luôn ràng buộc điều kiện đó với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mà trước đây ở mức "quan hệ đối tác chiến lược". Ngoài ra, phản ứng với hành vi bắt cóc vi phạm Công pháp quốc tế, Đức đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc trao đổi với các chính trị gia Việt Nam, ngoại trừ trao đổi về vấn đề bắt cóc này.
Theo nguồn tin nêu trên ở Việt Nam, vấn đề trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức đang gây tranh cãi tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hình như không được ủy quyền đưa ra lời cam kết với phía Đức. Trong khi đó, "bộ Ngoại giao và bộ Công thương Việt Nam đang gây áp lực để trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Họ biết rằng đây là cách duy nhất để phục hồi toàn diện quan hệ giữa hai nước. Nhưng các quan chức cao cấp về nội vụ muốn ngăn chặn điều này bằng mọi giá". Người cung cấp tin (từ giới thân cận với bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội) giải thích. Những người muốn ngăn chặn bao gồm những người có liên quan tới vụ bắt cóc và cho rằng Đức đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với họ.
Tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Vũ làm đại sứ mới ở Đức thay ông Đoàn Xuân Hưng. Họ cho rằng, để có sự khởi đầu mới về quan hệ Ngoại giao thì phải có một đại sứ mới không liên quan gì tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ bộ Ngoại giao Đức tiết lộ với báo TAZ, dường như ông Nguyễn Minh Vũ chưa được chấp nhận cho tới khi hai bên giải quyết xong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra cuối tháng 7/2017, chính phủ Đức cũng như những nhà Ngoại giao nhiều nước khác đã cắt giảm quan hệ với đại sứ Đoàn Xuân Hưng, vì Trịnh Xuân Thanh xem chừng đã bị nhốt hai ngày trong đại sứ quán trước khi được chuyển tới Bratislava để đưa về Việt Nam. Ông Hưng đã gây chú ý trong dư luận về việc ông uống bia và chơi golf với những người Việt Nam định cư ở Đức. Đây là những người bị cảnh sát Đức để ý.
Sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, chính phủ Đức đã quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam kể từ ngày 22/09/2017. Sau đó chính phủ Đức còn tạm đình chỉ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa đối với hộ chiếu Ngoại giao Việt Nam. Hiện nay Đức vẫn tiếp tục tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Trung Khoa