Pence lên giọng với Trung Quốc, dọa tiếp tục thuế quan nếu không nhượng bộ (VOA, 17/11/2018)
Mỹ sẽ không chùn bước trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc, và thậm chí có thể tăng gấp đôi các mức thuế quan, trừ phi Bắc Kinh nhượng bộ trước những yêu sách của Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu hôm thứ Bảy.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh CEO APEC 2018 tại Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 17 tháng 11, 2018.
Trong một bài diễn văn với lời lẽ thẳng thừng tại hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea, ông Pence đã nói như vỗ mặt Trung Quốc về thương mại và an ninh trong khu vực.
"Chúng tôi đã có hành động quyết đoán để giải quyết sự mất cân bằng với Trung Quốc", ông Pence tuyên bố. "Chúng tôi đã áp thuế quan lên hơn 250 tỉ đôla hàng hóa của Trung Quốc, và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó".
"Song Hoa Kỳ sẽ không thay đổi đường hướng cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi".
Cảnh báo thẳng thừng này có thể sẽ là tin tức không mấy lạc quan cho các thị trường tài chính vốn đã hi vọng tranh chấp Trung-Mỹ sẽ hạ nhiệt và thậm chí có lẽ đạt được một số thỏa thuận tại một hội nghị G20 vào cuối tháng này ở Argentina.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, không dự cuộc họp APEC, sẽ hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina.
Lời cảnh báo của Pence hôm thứ Bảy tương phản với những phát biểu của ông Trump hôm thứ Sáu, khi ông nói rằng ông có thể không áp thêm thuế quan sau khi Trung Quốc gửi cho Mỹ một danh sách các biện pháp mà họ sẵn sàng thực hiện để giải quyết căng thẳng thương mại.
Ông Trump đã áp thuế quan lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỉ đôla để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về một danh sách những đòi hỏi mà sẽ thay đổi các điều khoản thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã đáp lại bằng thuế quan áp lên hàng hóa của Mỹ.
Washington đang yêu cầu Bắc Kinh cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, cắt trợ cấp công nghiệp và giảm thâm hụt thương mại 375 tỉ đôla.
Những lời lẽ của ông Pence không cho thấy bất cứ sự nhượng bộ nào.
"Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ suốt nhiều năm qua. Những ngày đó đã qua", ông nói với các đại biểu tề tựu trên một du thuyền neo đậu tại Bến cảng Fairfax của thủ đô Port Moresby.
Ông cũng nhắm mục tiêu chỉ trích tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và đặc biệt là kế hoạch Vành đai và Con đường của ông Tập để mở rộng những liên kết trên bộ và trên biển giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu với hàng tỉ đôla đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Chúng tôi không cung cấp những vành đai gò bó hay con đường một chiều", ông Pence nói.
Dù không đề cập trực tiếp đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp khác nhau trong khu vực, ông Pence nói Mỹ sẽ ra sức giúp bảo vệ các quyền hàng hải.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa máy bay và đưa tàu tới nơi mà luật pháp quốc tế cho phép và nơi nhu cầu của chúng tôi đòi hỏi. Hành vi quấy nhiễu sẽ chỉ càng củng cố quyết tâm của chúng tôi mà thôi".
Chỉ vài phút trước đó, ông Tập đã đã trình bày khá lâu về sáng kiến của ông và sự cần thiết phải có thương mại tự do trên toàn khu vực.
"Nó không phải là một câu lạc bộ độc quyền mà những nước không phải thành viên không vào được, mà cũng không phải là một cái bẫy như một số người đã gán cho nó", ông Tập nói về dự án tâm huyết của ông.
Ông cũng gọi là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là "phương sách thiển cận" mà "chắc chắn sẽ thất bại".
"Lịch sử đã cho thấy đối đầu, dù dưới hình thức Chiến tranh Lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không mang tới chiến thắng cho ai cả", ông Tập nói.
*******************
APEC : Trung Quốc muốn gì ở Thái Bình Dương (BBC, 16/11/2018)
Có một câu chuyện tiếu lâm xung quanh Port Moresby những ngày này về việc làm cách nào Trung Quốc đồng ý tài trợ cho dự án đại lộ chính của thành phố.
Hội nghị APEC diễn ra từ ngày 12 đến 18/11 tại Papua New Guinea
Trong chuyến đi gần đây đến Bắc Kinh, hoặc theo chuyện kể như vậy, thủ tướng Papua New Guinea nói với chủ tịch Trung Quốc rằng ông muốn một con đường rộng lớn chạy xuyên qua trung tâm thủ đô Port Moresby đến nhường nào.
Không vấn đề gì, chủ tịch Trung Quốc đáp. Chỉ cần nói với tôi một điều. Nó có cần đủ rộng cho xe tăng đi vào, như của chúng tôi hay không ?
Có rất nhiều giai thoại về đầu tư của Trung Quốc ở Port Moresby những ngày này, và câu chuyện hài này ám chỉ những lo lắng ở nơi đây trước những ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Tăng cường đầu tư
Lái xe quanh Port Moresby trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hướng dẫn viên bản địa chỉ cho tôi thấy tất cả những dự án mà Trung Quốc đã giúp đỡ xây dựng để chuẩn bị cho hội nghị này.
Các con đường, đại lộ - thậm chí bến xe buýt cũng được xây bằng tiền của Trung Quốc.
Quốc gia nghèo nàn này đang tổ chức hội nghị tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới và doanh nhân hàng đầu, cùng với các cuộc đàm phán thương mại cấp cao trong chương trình nghị sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến hôm thứ Năm (15/11) trong chuyến thăm cấp nhà nước trước hội nghị.
Nhưng điều Trung Quốc quan tâm ở quốc gia này không có gì là mới lạ.
Trong thập kỷ qua, quy mô viện trợ và đầu tư của Trung Quốc ở Thái Bình Dương gia tăng đáng kể, như những nghiên cứu gần đây của Viện Lowy cho thấy.
Theo bản đồ viện trợ khu vực Thái Bình Dương của viện, chi tiêu của Trung Quốc ở Papua New Guinea tổng cộng là 20,83 triệu USD trong năm 2016. Số tiền này tăng gấp ba lần trong năm sau đó.
Hãy xem xét việc này trong bối cảnh.
Úc vẫn chi nhiều tiền hơn ở Papua New Guinea so với Trung Quốc - 70% viện trợ của quốc gia này đến từ nước thực dân cai trị cũ.
Papua New Guinea là thành viên nghèo nhất trong APEC với khoảng 40% dân số sống dưới mức 1 USD một ngày, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Một trạm xe buýt do Trung Quốc tài trợ ở trung tâm thủ đô Port Moresby
Dân bản xứ kể với tôi rằng Úc từ lâu đã đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục và cung cấp đào tạo quản trị tốt hơn.
Trong khi đó Trung Quốc đang đầu tư vào các lĩnh vực mà Papua New Guinea đang rất cần ngay bây giờ là cơ sở hạ tầng.
"Trung Quốc xây cho chúng tôi những con đường, cây cầu và họ sẽ tiếp tục làm điều đó", giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Papua New Guinea Douveri Henao nói với tôi.
"Và không chỉ ở Papua New Guinea. Tham vọng là trên toàn Thái Bình Dương".
Đó là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một chương trình trị giá hàng tỷ đô la nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và đầu tư.
Nó là đứa con của Chủ tịch Tập Cận Bình - nhưng tương tự tham vọng của Trung Quốc là những gì được cho là đằng sau cam kết của Úc về quỹ 1 tỷ USD hồi tuần trước để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở đây.
Ngoài ra, giới chỉ trích chính sách đầu tư và hỗ trợ của Trung Quốc ở Papua New Guinea nói với tôi rằng vấn đề với tiền của Trung Quốc ở đây thường là không có sự minh bạch về giải ngân và tiền sẽ đến tay ai.
Một phần của vấn đề là sự yếu kém về quản trị và mức độ tham nhũng cao ngay trong Papua New Guinea. Nhưng vấn đề khác là Bắc Kinh thường chi tiền trước - rồi mới hỏi sau.
Điều này thường dẫn đến các dự án không cần thiết và lãng phí, trong khi tiền có thể được sử dụng cho các nhu cầu cấp thiết khác trong nước như chăm sóc sức khỏe.
Viện trợ trở thành chính trị
Có những lý do kinh tế và ngoại giao tại sao Bắc Kinh đang đầu tư vào Thái Bình Dương.
Ví dụ, Papua New Guinea là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản đất hiếm, và các quốc đảo Thái Bình Dương là nơi có một phần ba số nước trên thế giới ủng hộ Đài Loan - những điều mà giới phân tích cho rằng Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng.
Papua New Guinea nằm trong khu vực Thái Bình Dương, nơi mà Úc và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng
Nhưng những tham vọng chiến lược dài hạn của Trung Quốc đang làm dấy lên những câu hỏi lớn nhất.
Jonathan Pryke thuộc Viện Lowy nói với tôi : "Những gì bạn đang thấy là hỗ trợ địa chính trị".
"Nỗi sợ lớn của các quốc gia như Úc và Hoa Kỳ là cuộc chơi cuối cùng của Trung Quốc là thiết lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn ở đâu đó trên Thái Bình Dương trong hai mươi đến ba mươi năm tới. Đó là lý do tại sao bạn thấy Washington và Canberra phản ứng trước việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương".
Papua New Guinea cách Guam, căn cứ của Mỹ, vài nghìn cây số.
Báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc nhấn mạnh rằng hoàn toàn có thể thấy quân đội Trung Quốc sẽ muốn "mở rộng hoạt động ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên, cho thấy khả năng tấn công Mỹ và lực lượng đồng minh và các căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả Guam".
Hầu hết các nhà phân tích, trong đó có cả ông Pryke của Viện Lowy, không thực sự tin rằng điều này sẽ xảy ra.
Nhưng nó là mối đe dọa đủ để thuyết phục Hoa Kỳ và Úc chú ý nhiều hơn đến Thái Bình Dương.
Đó là lý do tại sao sẽ không chỉ có Trung Quốc vung tiền vào Papua New Guinea tuần này. Mỹ, Úc và Nhật Bản có khả năng sẽ mang các món quà đến cho các quốc đảo Thái Bình Dương khi họ đến Port Moresby dự hội nghị APEC.
Papua New Guinea giờ đây là chiến trường mới nhất trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây.
Việt Nam thiệt hại nhiều do bị tấn công an ninh mạng (RFA, 15/09/2017)
Một giới chức công an mới đây lên tiếng nói rằng Việt Nam cần xác định đảm bảo mục tiêu bảo vệ an ninh mạng quốc gia trong điều kiện đất nước khó khăn.
Hình minh họa - AFP
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên về dự án Luật An ninh Mạng, diễn ra vào chiều ngày 15 tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam sẽ cố gắng giảm thiểu một cách tốt nhất các tác động tiêu cực trong điều kiện hoạt động bảo vệ an ninh mạng của quốc gia phải thực hiện trên nền tảng mạng an ninh chung của thế giới.
Ông này cũng nêu ra lý do cần thiết để ban hành Luật An ninh Mạng là nhằm để phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó cũng như khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống chiến tranh mạng.
Trong tờ trình về dự án Luật An ninh mạng nêu rõ hoạt động tấn công mạng nhắm vào hệ thống thông tin của Việt Nam gia tăng lên đến hàng ngàn cuộc tấn công mỗi năm với mức độ nguy hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh quốc gia, gây thất thoát và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Dự án Luật An ninh mạng được Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp lần thứ 4 sắp tới.
*******************
Tổng thống Trump ‘có thể tới Việt Nam’ dự APEC (BBC, 15/09/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ thăm Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc vào tháng 11, trong chuyến đi mà ông nói sẽ có thể bao gồm Việt Nam để dự Hội nghị APEC, theo Reuters.
Tổng thống Trump sẽ tới Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc vào tháng 11.
Ông Trump, hiện đang tập trung vào làm việc với Trung Quốc để cố gắng kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, ghi nhận việc ông đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN ở Philippines, nhưng ông không chắc chắn về sự tham dự của mình.
"Chúng tôi sẽ có thể cùng nhau tới Châu Á vào tháng 11. Và chúng tôi sẽ tới Nhật Bản, Nam Hàn, có thể cả Việt Nam nơi có hội nghị", ông Trump nói.
Khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines, ông Trump thừa nhận ông đã được mời, nhưng nói : "Để xem sao đã".
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence từng thông báo vào tháng Tư trong chuyến thăm Jakarta rằng ông Trump sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh ở Philippines và Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu năm nay, nhưng 11 quốc gia còn lại, bao gồm cả Australia và New Zealand, đang đàm phán để tiến tới một thỏa thuận.
Matthew Goodman, cựu quan chức chính quyền của Tổng thống Obama, người hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, hồi cuối tháng Tám tin rằng thỏa thuận mậu dịch mới có những chỗ khó tháo gỡ.
Ông nói với các phóng viên tại Canberra rằng "Thỏa thuận đối với Việt Nam về cơ bản là họ sẽ phải thực hiện những cải cách khó khăn đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng như cải cách về lao động và các lĩnh vực khác... để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn, đặc biệt là về mảng dệt may và giày dép".
"Nếu không có những điều khoản này, người ta có thể hỏi lý do tại sao Việt Nam sẽ muốn tham gia ?"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5/2017.
Chuyến thăm Hoa Kỳ và Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm là 'thành công, có kết quả', tuy không tạo ra được sự 'đột phá' trong bang giao hai nước, theo nhận định của một số nhà quan sát.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Trump cũng đề cập tới thực trạng Hoa Kỳ bị thâm hụt mậu dịch với Việt Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng vấn đề nhân quyền dường như bị 'nhỏ đi' trước các bàn thảo giữa hai bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis từng hoan nghênh sự tham gia chủ động và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại Châu Á - Thái Bình Dương khi ông tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi tháng Tám.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) mô tả Việt Nam đã buộc phải dùng đến một số 'đòn bẩy' để đối phó với các thách thức về an ninh và chủ quyền quốc gia, nhất là dưới các áp lực 'ngày càng gia tăng' trên Biển Đông của Trung Quốc
"Việt Nam càng ngày càng chịu nhiều áp lực trước các lất lướt của Trung Quốc ở trên Biển Đông. Để ứng phó lại với tình trạng ấy, Việt Nam bắt buộc phải dùng các đòn bẩy về ngoại giao, về quân sự để tăng cường quan hệ với các đối tác, các cường quốc ở bên ngoài khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với BBC sau chuyến thăm của Đại tướng Ngô Xuân Lịch.