Việt Nam thiệt hại nhiều do bị tấn công an ninh mạng (RFA, 15/09/2017)
Một giới chức công an mới đây lên tiếng nói rằng Việt Nam cần xác định đảm bảo mục tiêu bảo vệ an ninh mạng quốc gia trong điều kiện đất nước khó khăn.
Hình minh họa - AFP
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên về dự án Luật An ninh Mạng, diễn ra vào chiều ngày 15 tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam sẽ cố gắng giảm thiểu một cách tốt nhất các tác động tiêu cực trong điều kiện hoạt động bảo vệ an ninh mạng của quốc gia phải thực hiện trên nền tảng mạng an ninh chung của thế giới.
Ông này cũng nêu ra lý do cần thiết để ban hành Luật An ninh Mạng là nhằm để phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó cũng như khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống chiến tranh mạng.
Trong tờ trình về dự án Luật An ninh mạng nêu rõ hoạt động tấn công mạng nhắm vào hệ thống thông tin của Việt Nam gia tăng lên đến hàng ngàn cuộc tấn công mỗi năm với mức độ nguy hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh quốc gia, gây thất thoát và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Dự án Luật An ninh mạng được Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp lần thứ 4 sắp tới.
*******************
Tổng thống Trump ‘có thể tới Việt Nam’ dự APEC (BBC, 15/09/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông sẽ thăm Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc vào tháng 11, trong chuyến đi mà ông nói sẽ có thể bao gồm Việt Nam để dự Hội nghị APEC, theo Reuters.
Tổng thống Trump sẽ tới Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc vào tháng 11.
Ông Trump, hiện đang tập trung vào làm việc với Trung Quốc để cố gắng kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, ghi nhận việc ông đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN ở Philippines, nhưng ông không chắc chắn về sự tham dự của mình.
"Chúng tôi sẽ có thể cùng nhau tới Châu Á vào tháng 11. Và chúng tôi sẽ tới Nhật Bản, Nam Hàn, có thể cả Việt Nam nơi có hội nghị", ông Trump nói.
Khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines, ông Trump thừa nhận ông đã được mời, nhưng nói : "Để xem sao đã".
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence từng thông báo vào tháng Tư trong chuyến thăm Jakarta rằng ông Trump sẽ tham dự các hội nghị thượng đỉnh ở Philippines và Việt Nam.
Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu năm nay, nhưng 11 quốc gia còn lại, bao gồm cả Australia và New Zealand, đang đàm phán để tiến tới một thỏa thuận.
Matthew Goodman, cựu quan chức chính quyền của Tổng thống Obama, người hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, hồi cuối tháng Tám tin rằng thỏa thuận mậu dịch mới có những chỗ khó tháo gỡ.
Ông nói với các phóng viên tại Canberra rằng "Thỏa thuận đối với Việt Nam về cơ bản là họ sẽ phải thực hiện những cải cách khó khăn đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng như cải cách về lao động và các lĩnh vực khác... để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn, đặc biệt là về mảng dệt may và giày dép".
"Nếu không có những điều khoản này, người ta có thể hỏi lý do tại sao Việt Nam sẽ muốn tham gia ?"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5/2017.
Chuyến thăm Hoa Kỳ và Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm là 'thành công, có kết quả', tuy không tạo ra được sự 'đột phá' trong bang giao hai nước, theo nhận định của một số nhà quan sát.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống Trump cũng đề cập tới thực trạng Hoa Kỳ bị thâm hụt mậu dịch với Việt Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng vấn đề nhân quyền dường như bị 'nhỏ đi' trước các bàn thảo giữa hai bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis từng hoan nghênh sự tham gia chủ động và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại Châu Á - Thái Bình Dương khi ông tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi tháng Tám.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) mô tả Việt Nam đã buộc phải dùng đến một số 'đòn bẩy' để đối phó với các thách thức về an ninh và chủ quyền quốc gia, nhất là dưới các áp lực 'ngày càng gia tăng' trên Biển Đông của Trung Quốc
"Việt Nam càng ngày càng chịu nhiều áp lực trước các lất lướt của Trung Quốc ở trên Biển Đông. Để ứng phó lại với tình trạng ấy, Việt Nam bắt buộc phải dùng các đòn bẩy về ngoại giao, về quân sự để tăng cường quan hệ với các đối tác, các cường quốc ở bên ngoài khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với BBC sau chuyến thăm của Đại tướng Ngô Xuân Lịch.