Bộ Công an điều tra 27 dự án ma của công ty Alibaba ở Đồng Nai (RFA, 12/07/2019)
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi văn bản yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cung cấp tài liệu liên quan đến các dự án của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại địa phương để phục vụ điều tra.
Một văn phòng của Alibaba tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Nguồn : VOV
Báo trong nước loan tin ngày 12/7.
Công ty Alibaba địa chỉ ở số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty này rao bán đất nền của 29 dự án ở tỉnh Đồng Nai, bao gồm 27 dự án ở xã Phước Bình, xã An Phước, Long Phước, Phước Thái, Bàu Cạn, Tân Hiệp thuộc huyện Long Thành ; 1 dự án tại huyện Nhơn Trạch ; và 1 dự án ở huyện Xuân Lộc.
Tuy nhiên, theo xác nhận của ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết chưa cơ quan nào trong tỉnh cấp phép cho bất kỳ dự án nào của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba. Vì vậy, những dự án công ty Alibaba quảng cáo trên website và mạng xã hội chỉ là dự án ‘ma’.
Vẫn theo ông Chánh, người dân nên đến UBND các xã, huyện, tỉnh để tìm hiểu về thông tin đất trước khi mua, để không bị vướng vào những dự án ảo như trên.
Ngoài 29 dự án "ma" tại Đồng Nai, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba hiện cũng đang bị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu điều tra về 8 dự án đất nền tại xã Phú Mỹ được rao bán nhưng chưa hề được cơ quan chức năng cấp phép.
Cũng theo truyền thông trong nước thì vào ngày 12 tháng 7, Cơ quan Cảnh sát Điều Tra, Bộ Công an triệu tập ông Nguyễn Thái Lĩnh, em trai chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện đến làm việc về những dấu hiệu bị cho là sai phạm liên quan nhiều dự án đất đai của công ty Alibaba.
Vào ngày 13 tháng 6 vừa qua, một nhóm nhân viên của Công ty Địa ốc Alibaba tập trung chống đoàn cưỡng chế công trình vi phạm đất đai tại xã Tóc Tiên, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vào chiều ngày 16/6, tin cho biết ông Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Alibaba dẫn đầu một nhóm nhân viên chừng 20 người đến trước trụ sở Công an Thị xã Phú Mỹ đòi thả người.
******************
Việt Nam ‘giải trình’ trước các nhà tài trợ về tình hình sử dụng ODA (VOA, 12/07/2019)
Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn tiếp tục được các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn ODA (vốn Hỗ trợ phát triển chính thức), đồng thời cam kết sẽ kiểm tra và yêu cầu các bộ ngành báo cáo, không để tái diễn tình trạng chậm trễ trong việc ký kết và tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại.
Phó Thủ tướng-Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra và Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.
Theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc họp với Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra-đồng Chủ tịch Nhóm Đại sứ các nước về hợp tác phát triển, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman vào ngày 10/7 để trao đổi về tình hình giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA trong thời gian qua.
Sau khi giải trình và khẳng định rằng chính phủ Việt Nam "nhìn nhận rất rõ" thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài và đã có những bước đi cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam "rất coi trọng" và sẽ "đa dạng hóa" việc tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài.
Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục bị các nhà tài trợ thúc ép, thậm chí cảnh cáo, về tình trạng chậm giải ngân vốn ODA trong các dự án đầu tư công.
Vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải tiết lộ rằng Đại sứ Ireland tại Việt Nam đã gửi thư phàn nàn về sự chậm trễ giải ngân nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước này hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh giai đoạn 2017-2020.
Khi thông báo tin này, bà Ngân đưa ra thời hạn phải báo cáo tiến độ giải ngân nguồn vốn này ngay tháng sau để không bị cắt viện trợ các năm tiếp theo nếu không có ít nhất 50% công trình được khởi công.
Chỉ hơn 3 tháng sau, vào ngày 26/11/2018, báo chí tiếp tục đưa tin cho biết Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunia đã gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại về tình trạng "chậm thanh toán" cho các nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn số tiền lên đến hơn 100 triệu đôla (tính đến ngày 16/11) trong dự án xây dựng tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản. Đại sứ Nhật Bản thậm chí còn cảnh báo sẽ dừng thi công nếu Việt Nam không giải quyết xong việc này vào cuối tháng 12.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội vào ngày 6/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng việc giải ngân chậm vốn ODA là do tiến trình của các dự án khác nhau, trong đó có yếu tố lập kế hoạch không sát, chưa đầy đủ, năng lực của chủ dự án không đáp ứng yêu cầu, biến động về tỷ giá… Nhưng vấn đề vướng mắt nhất trong các dự án ODA về xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn là việc giải phóng mặt bằng.
Tại cuộc họp ngày 10/7, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới cũng nêu lên thực trạng chậm trễ trong việc ký kết, tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, trong đó có cả các khoản cứu trợ thiên tai, bị kéo dài lên đến 3 năm. Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Việt Nam cam kết sẽ xem xét lại để không xảy ra tình trạng này nữa.
********************
Tiếp tục tìm kiếm 9 ngư dân mất tích trong vụ chìm tàu ở Bạch Long Vĩ (RFA, 12/07/2019)
Ngày 12/7, lực lượng cứu hộ và các thiết bị chuyên dụng tiến hành gỡ lưới đánh cá quấn quanh tàu cá bị nạn NA 95899 TS nhằm đưa tàu lên tầng nước cao hơn, tiếp tục tìm kiếm 9 ngư dân mất tích trong vụ chìm tàu cá hôm 28/6 tại vùng biển phía Nam đảo Bạch Long Vĩ.
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm các ngư dân mất tích. Courtesy of thanhphohaiphong.gov.vn
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết có 7 phương tiện tại hiện trường vào buổi sáng thực hiện công tác tìm kiếm gồm các tàu SAR 411, SAR 273, tàu Tân Cảng 69 với robot và các thiết bị lặn chuyên dụng của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam ; tàu 926, 704 của Quân chủng Hải quân, tàu Kiểm ngư 169 và một tàu cá của tỉnh Nghệ An.
Trước đó ngày 10/7, tàu cá NA 95899 TS được phát hiện đã bị lưới bao trùm ở độ sâu khoảng 60m. Lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy đầu neo của tàu cá bị nạn và móc vào tàu Tân Cảng 69, sẵn sàng phương án trục vớt.
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ tham mưu) cho biết nếu cẩu được tàu bị nạn lên được mặt nước thì tốt, còn không thì sẽ đưa tàu lên độ sâu 40m, phù hợp với điều kiện của thợ lặn để tiến hành cắt lưới, tiếp cận vào bên trong.
Vụ chìm tàu cá NA 95899 TS của 19 ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An xảy ra hôm 28/6 khi tàu này đang neo đậu ở phía Nam đảo Bạch Long Vĩ khoảng 35 hải lý thì bất ngợ bị tàu chở hàng Pacific 01 va chạm.
Cú đâm bất ngờ khiến 9 ngư dân văng ra khỏi tàu và được các tàu xung quanh cứu kịp thời. 10 ngư dân còn lại bị kẹt bên trong nên chìm theo tàu.
Lực lượng cứu hộ tìm thấy xác 1 ngư dân sau đó và hiện vẫn chưa tìm được xác của 9 người còn lại.