Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam chưa có luật về đảng chính trị. Pháp luật Việt Nam cũng không có nội dung nào xác định về quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp – hay là có cả ba quyền này của Ban Bí thư.

bbt2

Thông tấn xã Việt Nam hôm chiều ngày 9-6-2021 đã đăng toàn văn Chỉ thị số 04-CT/TW  của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Người đứng đầu Đảng phải làm công việc của ‘lập pháp’

"Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình", Chỉ thị số 04-CT/TW  có mệnh lệnh như vậy. Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt…

Chỉ thị số 04-CT/TW  yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế ; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài.

Người đứng đầu Đảng đồng thời cũng phụ trách luôn cả ‘tư pháp’

Ban Bí thư cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp ; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Tòa án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa.

Cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.

Người đứng đầu Đảng được trao luôn quyền ‘chỉ đạo’ hành pháp

Chỉ thị số 04-CT/TW  nói rằng các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và thi hành án dân sự.

Chỉ thị số 04-CT/TW  yêu cầu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Thế thì Ban Bí thư có trách nhiệm gì, bổn phận gì ? Điều đó không thấy Chỉ thị số 04-CT/TW  đề cập.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 11/06/2021

Published in Diễn đàn

Hai nhân vật mới ‘gia nhập Ban bí thư’ Đảng cộng sản Việt Nam gây nhiều bàn tán (Người Việt, 09/05/2018)

Cộng đồng mạng đang đưa nhiều bàn tán về hai nhân vật được "bầu bổ sung vào Ban bí thư" tại Hội nghị trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam : Trần Thanh Mẫn (chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam) và Trần Cẩm Tú (phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương).

hai1

Ông Trần Thanh Mẫn (trái) và ông Trần Cẩm Tú. (Hình : Thanh Niên, VietnamNet)

Với việc bầu bổ sung thêm hai thành viên mới, Ban bí thư trung ương Đảng khóa 12 hiện có 14 thành viên.

Ban bí thư là tổ chức được mô tả là "lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng cộng sản Việt Nam, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của đảng ; chỉ đạo công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ và công tác quần chúng ; tổ chức chỉ đạo việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ chính trị thảo luận và quyết định".

Một số blogger bình luận rằng "Ban chấp hành trung ương" cũng chỉ thực thi theo đúng chỉ thị tin đồn lan truyền trên Facebook từ tối hôm 6 tháng Năm.

Đến cuối giờ chiều hôm 9 tháng Năm, Văn phòng trung ương Đảng phát đi thông cáo công bố tin ông Tú chính thức được bầu làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương thay cho ông Trần Quốc Vượng, người được Bộ chính trị phân công đảm nhiệm chức vụ thường trực Ban bí thư.

Tuy vậy, ông Tú bị cư dân mạng nhắc lại chuyện hồi ông còn làm chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, thì đã để xảy ra nạn phá rừng rất nghiêm trọng.

Facebooker Dương Quốc Chính bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Thay tiều phu đốn củi. Ông Tú thay ông Vượng làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương. Liệu việc ‘đốt lò’ có được nâng lên tầm cao mới ? Tiều phu mới chưa phải ủy viên Bộ chính trị, chỉ là thành viên Ban bí thư, nên việc ‘kiếm củi’ là ủy viên Bộ chính trị hơi khó, giống "Thánh Ba" [Nguyễn Bá Thanh] ngày xưa. Vớ vẩn lại chết đúng quy trình !"

Trong khi đó, ông Trần Thanh Mẫn gần đây gây chú ý với vụ mạnh miệng "lên án" Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Báo Người Lao Động tường thuật, trong buổi tiếp xúc cử tri ở thành phố Cần Thơ hồi cuối tháng Tư, 2018, ông Mẫn "khẳng định bất cứ tôn giáo nào bị kẻ địch tuyên truyền lợi dụng, xuyên tạc như Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ sẽ bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam".

Cùng với tin thêm hai ông Trần Thanh Mẫn và ông Trần Cẩm Tú vào Ban bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng cũng công bố tin khai trừ đảng đối với ông Đinh La Thăng, ủy viên của ban này và là người đang phải ra tòa phúc thẩm cùng thời điểm Hội nghị trung ương 7 diễn ra.

Điều khôi hài là công luận có vẻ không quan tâm nhiều đến diễn biến "ai vào, ai ra" tại Hội nghị trung ương 7 bằng những phát ngôn sáo rỗng, thậm chí quái đản về công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ tại sự kiện này.

Gần đây nhất là báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thế Trung, ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương nói về tình trạng có những cán bộ "chỉ lên không xuống, vào không ra". Phát ngôn của ông Trung bị cư dân mạng cười cợt là giống như ông này đang gợi chuyện phòng the hơn là bàn về chuyện nghiêm túc.

Trước đó, mạng xã hội đặt câu hỏi quanh tiêu chí "cán bộ cấp chiến lược" do Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân được báo Dân Trí dẫn lại : "Họ là những người có năng lực tư duy vượt trội. Đó là khả năng thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên-xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, để dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật…" (T.K.)

**********************

Ông Trần Cẩm Tú dẫn dắt Ủy ban Kiểm tra trung ương (BBC, 09/05/2018)

Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 9/5 bầu bổ sung ông Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn vào Ban Bí thư, cơ quan điều hành công việc hàng ngày của Đảng.

hai2

Ông Trần Cẩm Tú (trái) và ông Trần Thanh Mẫn

Một ngày trước đó, bản tin BBC đã nhận định nhiều khả năng hai người mới sẽ được giới thiệu để bầu vào Ban Bí thư tại Hội nghị trung ương 7 đang diễn ra ở Hà Nội.

Thông tin mới nhất mà BBC có được cho hay sẽ không có biến động về cơ cấu Bộ Chính trị tại Hội nghị 7.

Ông Trần Cẩm Tú cũng chính thức giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, thay Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng đã trở thành Thường trực Ban Bí thư.

Trong diễn biến cùng ngày, Hội nghị trung ương 7 khai trừ Đảng với ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, đã bị hai án tù giam 13 năm và 18 năm tù giam.

Ông Trần Cẩm Tú đang là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương và ông Trần Thanh Mẫn là Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban bí thư khoá 12 hiện có 12 thành viên, gồm hai người mới được bầu vào tháng 10/2017.

Vào tháng Ba năm nay, ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, đã chính thức giữ chức Thường trực Ban Bí thư.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đồng ý để ông Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương để tiếp tục chữa bệnh dài hạn.

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương

Sinh năm 1961 ở tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Cẩm Tú có thời gian lâu dài công tác ở Ủy ban Kiểm tra trung ương từ 2009.

hai3

Ông Trần Quốc Vượng rời khỏi Ủy ban Kiểm tra trung ương để giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Một thời gian từ 2011 đến 2015, ông được phân công làm Bí thư Thái Bình, nhưng đầu năm 2015, ông được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra trung ương, sau đó làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Sau Đại hội Đảng 2016, ông trở thành Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Ông Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962 ở tỉnh Hậu Giang, có bằng tiến sĩ kinh tế, từng là Bí thư thành ủy Thành phố Cần Thơ.

Ông được cử thay ông Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc hồi tháng 6/2017, sau khi ông Nhân được phân công làm Bí thư Thành ủy TPHCM.

Dự kiến, Hội nghị trung ương 7 sẽ bế mạc vào ngày 12/5.

Danh sách Ban bí thư khoá 12 tính đến trước Hội nghị trung ương 7

hai4

Hai ông Phạm Minh Chính và ông Lưu Vân Sơn tại Bắc Kinh hôm 12/12/2016.

1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng.

2. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư.

3. Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị.

4. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương.

5. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương.

6. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận trung ương.

7. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế trung ương

8. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

9. Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng trung ương Đảng.

10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

11. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính trung ương.

12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương.

Published in Việt Nam

Cuối tháng Tư năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế tại Viện Yusof Ishak, Singapore, dự báo một số gương mặt mới có khả năng vào Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây, đó là các ông Lương Cường, thuộc quân đội, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng trung ương đảng, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án tòa án tối cao, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban nội chính, và ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc học viện chính trị Hồ Chí Minh.

nhansu1

Bầu bổ sung ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng vào Ban Bí thư (06/10/2017)

nhansu2

Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ nhất đã bầu 3 vị vào Ban bí thư. Trong ảnh (từ trái qua) : Thượng tướng Lương Cường, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Hòa Bình

Cả năm người này đều thuộc Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp giải thích những lý do mà ông dựa vào đấy để đưa ra dự báo nhân sự này :

Lê Hồng Hiệp : Cơ sở để đưa ra phán đoán này là vì trong cơ cấu của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại, cơ quan cao nhất đưa ra quyết định là Bộ chính trị, còn Ban Bí thư là cơ quan vận hành những công việc hàng ngày của đảng trong thời gian Bộ chính trị và Trung ương đảng không họp.

Trong thành phần Ban Bí thư này có một số người là Ủy viên Bộ chính trị, một số người thì chưa. Theo sự phân tích của tôi thì những người mà chưa phải thuộc Bộ chính trị mà nằm trong Ban Bí thư thì họ giống như là lực lượng dự bị, giống như ủy viên dự khuyết, đợi đến lúc có những thay đổi thì những người này sẽ được đôn lên, tương tự như trong Ban chấp hành trung ương cũng có những ủy viên dự khuyết. Những người chưa là ủy viên Bộ chính trị mà nằm trong Ban bí thư thì cũng có thể được coi là ủy viên Bộ chính trị dự khuyết, và khi có sự thay đổi thì họ có thể được đôn lên để trám vào Bộ chính trị, và những người này, theo tôi hiểu thì cũng là những người đã được cơ cấu từ trước. Nếu nhìn vào danh sách thì vừa rồi có hai người được bổ sung vào Ban Bí thư là ông Trạc và ông Thắng, thì dường như người ta nhắm trước cho hai ông đấy vào Bộ chính trị và đưa vào Ban Bí thư như là một bước đệm, để mà bầu cho hai ông đấy vào Bộ chính trị.

Nhìn tổng thế về qui trình thì trong tổng số 180 Ủy viên trung ương, nếu chọn ứng cử viên xứng đáng thì không có ai xứng đáng hơn những ông đấy, vì họ là thành viên Ban Bí thư, trên những ủy viên bình thường một bậc.

Kính Hòa : 5 Là một con số không nhỏ, vậy thì nếu suy đoán này đúng thì những thành phần mới này, mà ít lâu nay chúng ta thấy họ không nổi tiếng lắm, sẽ tạo ra điều gì thay đổi của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không ?

Lê Hồng Hiệp : Không phải là không nổi tiếng, ví dụ như ông Nên là Chánh văn phòng Trung ương đảng thì trước đó đã nắm nhiều chức như là Phó Chánh văn phòng Thủ tướng chẳng hạn, hay như ông Nguyễn Hòa Bình cũng vậy từ bên Viện Kiểm sát sang làm Chánh án Tòa án tối cao, Ông Trạc là một ngôi sao đang lên, từ Nghệ An đi lên, v.v… Nếu xét với những người trong Bộ chính trị thì những người này chưa nổi bật bằng, nhưng cũng có thể coi họ là những người được cơ cấu để bầu vào Bộ chính trị. Nhìn vào độ tuổi của họ thì họ đang ở trong độ tuổi có thể làm thêm một nhiệm kỳ sau nữa.

Rồi họ cũng có những chuyên môn phù hợp với những vị trí mà Bộ chính trị muốn cơ cấu vào, ví dụ như ông Thắng, xuất phát từ Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì ông có thể phù hợp với nhiệm vụ tuyên giáo chẳng hạn, thì người ta nhắm ông Thắng để thay ông Thưởng, trong trường hợp điều động ông Thưởng qua vị trí khác.

Ông Trạc, ông Bình, ông Nên đều có xuất thân từ công an, thì nếu như có những vị trí ào chẳng hạn như bên Bộ Công an, hay bên nội chính chẳng hạn, các cơ quan có liên quan đến an ninh, cần một vị trí thì họ có thể đưa những người này vào.

Những người này mặc dù chưa nổi bật bằng những ủy viên Bộ chính trị, nhưng họ có thể là những người đã được cơ cấu để chuẩn bị để nắm những nhiệm vụ chủ chốt, nếu không trong nhiệm kỳ này thì là nhiệm kỳ sau.

Kính Hòa : Chúng ta giả sử như họ là thế hệ lãnh đạo sắp tới của Việt Nam, thì cái đường hướng của Việt Nam đi sẽ như thế nào ? Tiếp tục cởi mở về kinh tế, sẽ có khả năng cởi mở một chút về tư tưởng, về chính trị không ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi nghĩ sẽ không có thay đổi nhiều vì nếu những người này được bầu vào Bộ chính trị, thì sẽ làm việc cùng những ủy viên Bộ chính trị khác, những người có thâm niên cao hơn. Những người này trẻ hơn, được sắp xếp vào sau, thì họ vẫn có vị trí thấp hơn so với những người đã có mặt trong Bộ chính trị từ trước. Nhiệm kỳ sau, những người này có thể vào Bộ chính trị, nhưng vẫn sẽ còn những ủy viên Bộ chính trị khác hiện tại, và nhiệm kỳ sau họ vẫn còn đủ tuổi, đủ điều kiện để làm tiếp, thì có lẽ là những người này trong nhiệm kỳ sau khó có thể được vào trong tứ trụ chẳng hạn, khả năng rất thấp.

Do đó ảnh hưởng của họ đến đường hướng chính sách của quốc gia cũng hạn chế thôi, không nhiều, mà tôi nghĩ là cái đường hướng sẽ được quyết định bởi những nhân vật nằm trong tứ trụ ở nhiệm kỳ sau, mà những vị trí đấy có lẽ chưa phải là cơ hội cho những người mới được bầu bổ sung, chẩn bị bầu bổ sung lần này.

Kính Hòa : Nếu như bầu bổ sung thì khả năng đó sẽ xảy ra trong kỳ Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây ?

Lê Hồng Hiệp : Vâng, kỳ họp trung ướng đảng lần thứ bảy tới đây được coi là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của đảng. Thì một trong những nhiệm vụ của hội nghị giữa nhiệm kỳ là chuẩn bị nhân sự, đường hướng nhân sự cho Đại hội đảng lần thứ 13 sắp tới.

Cũng giống như giữa nhiệm kỳ lần trước, thì có bầu cho ông (Nguyễn Thiện ) Nhân, và bà (Nguyễn Thị Kim) Ngân vào Bộ chính trị, thì sau đó ông Nhân và bà Ngân cũng có những thăng tiến. Thì cũng vậy, trong giữa nhiệm kỳ này những người này sẽ được bầu, thì một số trong những người này cũng có thể sẽ được thăng tiến trong tương lai.

Có thể coi vấn đề nhân sự là nội dung chủ chốt của Hội nghị trung ương 7 lần này.

Kính Hòa : Nếu chúng ta quan sát thấy quê hương của 5 người trong danh sách mình giả định này thì thấy họ xuất thân từ cả ba miền, vậy liệu điều đó có nghĩa gì không trong chuyện cơ cấu ?

Lê Hồng Hiệp : Trong hoạch định cơ cấu nhân sự của Đảng Cộng sản thì họ có lưu ý đến sự cân đối vùng miền để có sự hài hòa giữa các vùng miền với nhau, tránh sự chi phối của một vùng miền nhất định, tránh sự lép vế của vùng miền nào đấy, có thể tạo ra sự mất đoàn kết trong nội bộ. Chính vì vậy mà trong thành phần từ Ban chấp hành trung ương, tới Bộ chính trị, tới tứ trụ, họ đều có cân nhắc yếu tố vùng miền, tất nhiên không thể là tuyệt đối, có thể có vùng miền nào đấy nổi trội hơn, nhưng nhìn chung họ có cân nhắc yếu tố đấy.

Lần này thì năm người này xuất thân từ những vùng miền khác nhau, thì cũng có lẽ là phù hợp với truyền thống lâu nay của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác hoạch định cán bộ, trong công tác qui hoạch nhân sự của họ, nhất là ở cấp cao.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 01/05/2018

Published in Diễn đàn

Ban Bí thư, cơ quan chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng cộng sản Việt Nam, vừa có hai thành viên mới.

hai1

Ông Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư

Tại buổi họp trung ương ngày 6/10, đã diễn ra việc bầu bổ sung Ủy viên Ban Bí thư khóa XII.

Kết quả, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Bí thư.

Theo quy định của Đảng cộng sản, Ban Bí thư gồm một số Ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Cơ quan này có nhiệm vụ chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng, quyết định một số vấn đề về tổ chức cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương.

Đứng đầu Ban Bí thư là Tổng bí thư, với người thứ hai là Thường trực Ban Bí thư phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư.

Trưởng ban Nội chính Trung ương

Ông Phan Đình Trạc được Bộ Chính trị bổ nhiệm, từ chức Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương lên giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào tháng 2/2016.

Ông vốn là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An quân hàm Đại tá, sau đó trở thành Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An rồi làm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.

Tại lễ trao quyết định bổ nhiệm khi đó, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ca ngợi ông Trạc là "ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Sinh năm 1958 tại Nghệ An, ông Phan Đình Trạc đã là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11, 12.

Hiện tại ông cũng là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ban Nội chính Trung ương được thành lập lại vào cuối năm 2012.

Về chức năng, đây là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Trong một lần tiếp xúc cử tri ngày 28/4, ông Phan Đình Trạc phát biểu : "Ai tham nhũng cũng phải xử lý, song cần chọn những vụ việc, vụ án trọng điểm để xử lý trước. Thời gian qua, Tòa án đã xét xử và tuyên 8 án tử hình về tội tham nhũng ; phạt tù và nhiều biện pháp khác đối với các tổ chức, cá nhân làm thất thoát tài sản của Nhà nước."

Trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng

Sinh năm 1957 tại Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Thắng có học hàm Phó Giáo sư rồi Giáo sư, học vị Tiến sĩ kinh tế.

Theo tiểu sử, ông từng làm nghiên cứu sinh ở Nga tại Viện MEMO thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong hơn 5 năm, rồi làm cộng tác viên khoa học cho Viện này trong 3 năm.

Năm 1995, ông về lại Việt Nam, làm việc ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Từ 2001, ông làm Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Năm 2016, ông giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngôi trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản.

Tại đây, đào tạo cao cấp lý luận chính trị được xem là nhiệm vụ then chốt, với mục tiêu trực tiếp là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho hệ thống chính trị tại Việt Nam.

Trong một bài viết năm 2016, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá : "Tự thân kinh tế thị trường không đưa đến chủ nghĩa xã hội, nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công dứt khoát phải phát triển kinh tế thị trường."

Ông nói "đặc trưng riêng" của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ là : "Phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHXN, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì lợi ích của đại đa số nhân dân, hướng vào con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, mọi người được tham gia và mọi người được hưởng lợi."

Danh sách Ban bí thư khóa XII gồm 12 thành viên :

1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy trung ương

2. Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

3. Ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, tham gia Thường trực Ban Bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh kể từ ngày 1/8/2017

4. Ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương

5. Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.

6. Bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận trung ương

7. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế trung ương

8. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

9. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng trung ương

10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao

11. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính trung ương

12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Published in Việt Nam