Qua vụ Tuổi Trẻ, Việt Nam cảnh cáo báo chí ? (VA, 21/07/2018)
Việc Việt Nam đình chỉ một trang mạng được nhiều người đọc và vốn được biết đến với những bài báo lên tiếng mạnh mẽ là động thái mới nhất trong nỗ lực của nước này nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt vốn làm cho giới lãnh đạo cộng sản của quốc gia này, vốn chú trọng về hình ảnh, phải lo ngay ngáy.
Trang mạng báo Tuổi Trẻ bị đình chỉ ba tháng
Hôm 16/7, Bộ thông tin và Truyền thông thông báo đình chỉ trang mạng của báo Tuổi Trẻ trong ba tháng. Tờ báo này vốn được biết đến với những bài viết về tham nhũng.
Tuổi Trẻ trực thuộc cơ quan chủ quản là Đoàn thanh niên Cộng sản của Thành phố Hồ Chí Minh và đã bị buộc tội là đưa tin thất thiệt. Tờ báo này cũng được yêu cầu phải cải chính thông tin sai lệch và bị phạt một số tiền lớn.
Việc đình chỉ trang tin của Tuổi Trẻ diễn ra sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua đạo luật an ninh mạng hồi tháng Sáu để kiểm soát thông tin trên mạng Internet và những vụ bắt giữ những bloggers chỉ trích chính quyền.
Từ vụ việc này, truyền thông nói chung phải lưu ý, ông Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình đông nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nói.
"Tôi cho rằng việc đình chỉ trang mạng Tuổi Trẻ là phát súng cảnh cáo đối với tờ báo này và những tờ báo khác rằng họ cần phải cẩn trọng hơn," ông Hiebert nói. "Chính phủ Việt Nam đã lo lắng về truyền thông và các bloggers trong vài năm trở lại đây".
Kể từ khi truyền thống chính thống và mạng xã hội của Việt Nam tường thuật về vụ cá chết hàng loạt do nhà máy thép Formosa của Đài Loan thải độc ra biển hai năm trước, Chính phủ Việt Nam đã tìm cách tăng cường quản lý nội dung, ông Hiebert nói.
Các quan chức Việt Nam đã có chuyến công tác đến Trung Quốc hồi năm ngoái để ‘thảo luận về những cách thức kiểm soát Internet tốt hơn,’ ông cho biết.
Một loạt các vụ bắt giữ các blogger trong các năm 2016 và 2017 cho thấy sự nhạy cảm của chính quyền trước dư luận về tham nhũng và quản lý không hiệu quả của Nhà nước, theo các chuyên gia.
Một năm trước, Bộ Công an đã đề xuất Luật An ninh mạng để họ có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các nội dung bị cấm và các hoạt động chống chính quyền. Đạo luật này yêu cầu các nhà điều hành mạng xã hội phải lưu trữ thông tin người dùng ở trong nước và phải nhan chóng gỡ bỏ nội dung nếu được yêu cầu, cũng theo ông Hiebert.
"Luật An ninh mạng chắc chắn sẽ làm tăng độ rủi ro của việc đăng bài lên mạng," ông Frederick Burke, đối tác của hãng luật Baker McKenzie ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói. "Họ cần phải cẩn thận hơn".
Tổ chức Nhà báo Không Biên giới hôm 19/7 nói rằng họ ‘cảm thấy báo động khi chứng kiến chính quyền Việt Nam nhắm vào những cơ quan báo chí vốn lâu nay vẫn bám theo quan điểm của Đảng sau khi đã trừng trị những cơ quan truyền thông độc lập’.
Tuổi Trẻ bị đình chỉ trang mạng do đã dẫn lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên về đông nam Á của Đại học New South Wales ở Úc, nói. Bản tin của báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng ông Quang ‘cảm thông’ với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng Sáu. Bản tin này bị cáo buộc ‘tổn hại đoàn kết dân tộc’, ông Thayer nói.
Chính quyền Việt Nam có thể sẽ bực mình nếu báo chí đưa tin về tham nhũng quá nhiều, ông Nguyễn Thành Trung, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, nói.
Việt Nam đã truy tố một số quan chức từ tập đoàn dầu khí PetroVietnam về tội tham nhũng trong nỗ lực mà các nhà phân tích cho rằng chứng tỏ cho người dân thấy chính quyền đang nghiêm túc chống tham nhũng.
Tại Hội nghị Trung ương 7 hồi tháng Năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua một nghị quyết về việc kiểm tra các đảng viên kỹ lưỡng về các hành vi tham nhũng.
Giới chức Việt Nam muốn truyền thông đưa tin về các xu thế trong xã hội ‘một cách không thiên vị’ nhưng cũng phải đưa tin thống nhất và hòa cùng một giọng với chính quyền, ông Trung cho biết.
"Tôi cho rằng chính phủ sẽ tìm cách áp đặt sự kiểm soát toàn diện lên báo chí bởi vì một số tờ báo đã bị khiển trách vì đã đi quá xa (trong cuộc chiến chống tham nhũng)," ông Trung nói.
Chỉ vài ngày sau vụ đình bản báo Tuổi Trẻ Online gây rúng động làng báo Việt Nam, Cục Báo Chí thuộc Bộ Thông Tin Truyền Thông tiếp tục chứng tỏ quyền bính khi ra lệnh xử phạt báo VietnamNet vì "đưa thông tin sai sự thật" trong vụ dẫn lời Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang "đồng ý Luật Biểu Tình".
Báo VietnamNet trong ngày kỷ niệm 20 năm thành lập vào Tháng Mười Hai, 2017. (Hình: Infonet)
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 20 Tháng Bảy, 2018, cho hay ông Lưu Ðình Phúc, cục trưởng Cục Báo Chí, ký lệnh phạt vi phạm hành chính đối với báo VietnamNet vì "gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng" trong bài báo "Chủ tịch nước: ‘Sẽ báo cáo Quốc Hội về Luật Biểu Tình’" đăng ngày 19 Tháng Sáu. VietnamNet bị phạt 50 triệu đồng (hơn 2.178 USD) và "buộc phải cải chính, xin lỗi đối với thông tin sai sự thật".
Tin của Thông Tấn Xã Việt Nam cũng khẳng định : "Trên thực tế, tại buổi tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn ngày 19 Tháng Sáu, 2018, Chủ Tịch Quang không phát biểu như nội dung thông tin báo VietnamNet đã nêu".
Tương tự hành động của báo Tuổi Trẻ Online, đêm 19 Tháng Bảy, báo VietnamNet cũng đăng "thông tin cải chính" và gửi "lời xin lỗi" đến ông Quang cùng bạn đọc.
Báo này cũng viết thêm rằng họ "đã xử lý nghiêm đối với vi phạm của các cá nhân liên quan và rút kinh nghiệm". Hành động này cho thấy VietnamNet không có ý định khiếu nại hay khiếu kiện quyết định xử phạt của Cục Báo Chí, điều chưa có trong tiền lệ của truyền thông trong nước.
Việc báo VietnamNet chỉ bị phạt tiền chứ không bị đình bản như Tuổi Trẻ Online có thể hiểu là do VietnamNet có cùng cơ quan chủ quản là Bộ Thông Tin Truyền Thông với Cục Báo Chí. Bên cạnh đó, một nguyên do khác được suy đoán là do sức hút và lượt view của báo mạng này trên thực tế không thể so được với phiên bản điện tử của báo Tuổi Trẻ.
Sau khi bị đình bản, báo Tuổi Trẻ nay đang xoay xở bằng cách đưa nội dung báo giấy mỗi ngày lên trang fanpage của họ trên mạng xã hội và kêu gọi bạn đọc tăng cường đặt báo giấy. Trong lúc ban biên tập tờ báo này tiếp tục giữ im lặng về lệnh phạt, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) phát đi thông cáo nói đây là "hành động vi phạm quyền tự do báo chí".
"Việc cơ quan chức năng nay nhắm đến những báo đài vốn tuân thủ đường lối tuyên truyền của đảng CSVN sau khi đàn áp những kênh truyền thông độc lập tại Việt Nam là đáng báo động," thông cáo của RSF viết.
Trước đó, Ủy Ban Bảo Vệ Các Nhà Báo (CPJ, đặt trụ sở ở New York, Hoa Kỳ) cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam "dỡ bỏ lệnh phạt ngay lập tức và vô điều kiện".
Thông cáo của ủy ban này viết: "Chúng tôi lên án hành động kiểm duyệt trắng trợn trong bối cảnh đưa tin bị hạn chế cao của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên ngừng tự tiện kiểm duyệt truyền thông với nguyên do chưa thuyết phục".
Trên mạng xã hội, giới hoạt động xã hội dân sự lên tiếng kêu gọi những phóng viên hiện diện trong buổi "tiếp xúc cử tri" của ông Quang cung cấp hoặc rò rỉ băng ghi âm để làm sáng tỏ vấn đề là các báo bị phạt có trích dẫn sai phát ngôn của ông này như cáo buộc của Cục Báo Chí hay không.
Tuy vậy, điều này gần như là không thể xảy ra. Bởi trong điều kiện làm báo bị kiểm duyệt nghiêm ngặt như tại Việt Nam, không phóng viên, nhà báo nào dám phản kháng lại lệnh phạt cũng như chỉ thị của Cục Báo Chí, Ban Tuyên Giáo Trung Ương nếu không muốn bị tước thẻ hành nghề hoặc mất việc. (T.K.)
**********************
Tiến trình bãi nhiệm ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông có vẻ diễn ra khá chậm chạp, do mọi bước đều phải "tuần tự đúng quy trình".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng được truyền thông "lề phải" ca ngợi là "kiến trúc sư trưởng của đế chế Viettel". (Hình: InfoNet)
Đến hôm 18 Tháng Bảy, theo tin đăng trên mặt báo thì ông Tuấn chỉ mới bị Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc "cảnh cáo" sau khi đã bị "xử lý về mặt đảng," cụ thể là tước chức vụ bí thư Ban Cán Sự Đảng của bộ này. Tuy vậy, hành động này cũng được cho là xác nhận việc ông Tuấn "đang được cho ngồi không" trong lúc "ông chú Viettel đã vào nắm quyền trong nhà".
Trong lúc tin chính thức trên mặt báo "lề phải" vẫn chưa xác nhận, nhiều blogger trong giới báo chí ở Hà Nội đã rò rỉ tin về cuộc họp hôm 18 Tháng Bảy về việc Thủ Tướng Phúc quyết định bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Tập Đoàn Công Nghiệp-Viễn Thông Quân Đội (Viettel) sang giữ chức thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông.
Các blogger còn nêu suy đoán rằng tin này sẽ chính thức được công bố trước cuối tuần này.
Do trước đó, ông Hùng đã được Ban Bí Thư cấp tốc chỉ định giữ chức bí thư Ban Cán Sự Đảng của Bộ Thông Tin Truyền Thông nên dễ hiểu là ông này nghiễm nhiên nắm quyền điều hành bộ này trước khi chính danh "bộ trưởng" tại cuộc họp Quốc Hội vào Tháng Mười tới. Cuộc bỏ phiếu thông qua chức danh bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông của ông Hùng tại nghị trường sắp tới vì thế cũng được dự báo chỉ mang tính hình thức, vì chắc chắn ông này sẽ nhận được "đa số số phiếu thuận" từ các "đại biểu Quốc Hội".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trong một sự kiện của Viettel. (Hình: BaoChinhphu.vn)
Việc ông Hùng, một vị tướng quân đội bỗng nhiên được điều chuyển qua nắm một bộ nhiều uy quyền với giới truyền thông khiến giới quan sát ngạc nhiên lẫn hoang mang. Vì tuy đã nắm quyền ở Viettel từ năm 2000 (chức danh phó giám đốc), ông Hùng chỉ mới được Thủ Tướng Phúc bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm nhiệm tổng giám đốc tập đoàn này hồi tháng trước.
Người ta suy đoán một trong những nguyên do giúp ông Hùng được điều về Bộ Thông Tin Truyền Thông là ông này "đang được tín nhiệm cao". Hồi Tháng Sáu, 2018, báo điện tử của chính phủ CSVN đăng bài dẫn lời của Thủ Tướng Phúc: "Đất nước này cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp như Viettel".
Một chi tiết rất đáng lưu ý trong bài trên website này là ông Hùng khoe với Thủ Tướng Phúc rằng Viettel "đã phát triển giải pháp tường lửa quốc gia, chặn lọc tin rác và hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7". Chi tiết này là chỉ dấu cho thấy cùng với việc thông qua Luật An Ninh Mạng, "đế chế" của ông Hùng tại Bộ Thông Tin Truyền Thông nhiều khả năng sẽ là sự kiểm soát báo chí và mạng xã hội, đi kèm với việc phạt vạ, rút thẻ nhà báo gắt gao và triệt để hơn hẳn những người tiền nhiệm, cho dù ông Trương Minh Tuấn từng được mệnh danh là "sát thủ tự do báo chí". (T.K.)
************************
Chính quyền Khánh Hòa đã phải lên tiếng "cần sớm có chiến lược kiểm soát du lịch" khi du khách Trung Quốc tăng một cách bất thường ở thành phố Nha Trang và ở lì không chịu về nước.
Khách du lịch người Trung Quốc tiếp tục "đổ bộ" vào Nha Trang. (Hình: Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Báo Lao Động dẫn tin cho hay, tình trạng khách du lịch đến Khánh Hòa không chịu về nước được ông Lê Xuân Thân, phó chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa loan báo tại kỳ họp thứ 6 của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh này diễn ra vào sáng 18 Tháng Bảy.
Ông Thân cho biết, khách du lịch, nhất là người Trung Quốc đến du lịch Khánh Hòa rồi không chịu trở về nước đúng thời hạn mà "trốn" ở lại sinh sống, làm các công việc. Họ mua bán bất động sản, rồi nhờ người Việt Nam đứng tên; mở các cửa hàng khép kín, thanh toán cũng khép kín…
"Khách du lịch đến đông, thu được gì hay lo nhiều cái. Nào là lo cơ sở hạ tầng, giao thông quá tải, mất vệ sinh, rác…," ông Thân nói.
Nói với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Măng, giám đốc công ty du lịch Hiếu Quân, thừa nhận: "Người ta đi du lịch thường là tạo ra cảm giác thanh bình, vui vẻ nhưng khách Trung Quốc rất ồn ào. Nơi nào họ ăn, nghỉ đều có vấn đề về vệ sinh. Chính vì thế khách sạn nào có khách Trung Quốc thì khách Châu Âu không dám đến".
Ông Thân đề nghị Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa "cần nghiên cứu có phúc trình làm rõ thêm các vấn đề nói trên sớm nhất có thể để cử tri và các đại biểu nắm rõ hơn".
Dẫn việc tăng trưởng bất thường trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị sau kỳ họp, các cơ quan tham mưu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh phải ngồi lại với nhau để có giải pháp quản lý về lao động, việc làm… của người ngoại quốc ở tỉnh nhà.
Tin cho biết, nhiều nơi ở Khánh Hòa, người Trung Quốc thông qua trung gian người Việt Nam đi lùng sục nhà cho thuê, mua nhà. Nhiều bảng hiệu bán nhà, thuê nhà bằng chữ Trung Quốc có ở khắp nơi. (Tr.N)