Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hàng ngàn người dân vùng núi Tây Bắc đối mặt với khan hiếm lương thực sau lũ (RFA, 02/07/2018)

Lũ quét ở vùng Tây Bắc Việt Nam do mưa lớn kéo dài hồi tuần trước đã khiến 5 xã với hơn 50 bản và hàng nghìn gia đình tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bị cô lập trong nhiều ngày và phải đối mặt với tình trạng thực phẩm cạn kiệt. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 2/7.

vn1

Hình chụp hôm 25/6/2018 : một người đàn ông đang đứng nhìn đống đổ nát từ căn nhà của mình do lũ ở tỉnh Hà Giang. AFP

Những xã trong tình trạng cô lập bao gồm Tá Bạ, Mù Cả, Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, và Thu Lũm.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 2/7, mưa lũ ở vùng Tây Bắc xảy ra từ ngày 23/6 đã khiến ít nhất 24 người chết. Riêng tại tỉnh Lai Châu, con số người thiệt mạng vì sạt lở đất đá, nhà sập là 16 người, và số người mất tích là 9 người.

Theo truyền thông trong nước, dù huyện Mường Tè đã huy động tối đa lực lượng, máy móc để thông tuyến, nhưng vì khối lượng sạt lở lớn ở hầu hết các tuyến liên xã, liên bản nên công tác khắc phục hậu quả của lũ vẫn chưa thể hoàn tất. Người dân địa phương hoàn toàn phải đi bộ trong khi các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá do khan hiếm.

Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè được truyền thông trong nước trích lời cho biết thiệt hại về giao thông của huyện và của các xã là rất nặng. Mặc dù huyện tập trung khắc phục thông tuyến với các xã nhưng kể cả trong điều kiện thời tiết thuận lợi, việc thông đường với các xã đang bị cô lập cũng phải mất nửa tháng nữa.

Lũ quét và sạt lở đất tại nhiều khu vực vùng núi phía Bắc trong những ngày qua ngoài yếu tố thiên tai mưa to còn bị cho bởi nạn phá rừng lâu nay ; cũng như do thủy điện xả lũ.

*******************

Nghèo mà xài sang, không phải cá biệt Thanh Hóa (RFA, 02/07/2018)

Thanh Hóa là một trong những tỉnh nghèo tại Việt Nam. Nhiều người dân tại các vùng thuộc tỉnh này như Mường Lát, Quan Hóa, Ngọc Lặc phải sống dưới mức nghèo khổ...

vn2

Hình ảnh người dân tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh minh họa) AFP

Tuy nhiên, vừa qua cơ quan chức năng tỉnh này có đề xuất chi hơn 100 tỷ đồng Việt Nam để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.

Công luận phản ứng gay gắt về kế hoạch đó.

Tỉnh nghèo chơi sang

Ngày 27 tháng 6 thông tin từ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận việc có công văn gửi Sở Tài chính dự toán tổng số kinh phí 104,722 tỷ đồng cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Trong đó, 82 tỷ đồng là từ ngân sách quốc gia và số còn lại được huy động từ xã hội.

Ông Phạm Duy Phương, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, nói với truyền thông trong nước rằng "Đây là tổng hợp các ý kiến từ nhiều đơn vị, địa phương, sau đó sở mới làm tờ trình gửi Sở Tài chính để họ xem xét, thẩm định và ra báo cáo gửi chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ký. Đây mới là báo cáo tổng hợp thôi, chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện"

Còn ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trả lời báo Lao Động rằng đó mới chỉ là dự chi do Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch lập ra, còn việc xét duyệt hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố, ông Xứng nhấn mạnh "Sự việc có chi đâu mà ồn ào. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch mới chỉ tập hợp các kiến nghị của các đơn vị thôi chứ có ai quyết định gì đâu"

Mặc dù mới chỉ là dự trù kinh phí nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc chi hơn 104 tỷ đồng để làm lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa là lãng phí, trong khi mà địa phương hàng năm vẫn phải xin hỗ trợ ngân sách từ trung ương và vẫn xin gạo cứu đói cho người dân nghèo. Nhiều trường, phòng học của học sinh vùng cao còn trong tình trạng "tranh- tre- nứa- lá"…

Nhà báo Phạm Dương viết trên Báo Người Lao Động số ra ngày 27 tháng 6 năm 2018 nhấn mạnh "100 tỉ đồng là số tiền đủ mua 10.000 tấn gạo ! Ngay con số lẻ của tổng số tiền đề xuất là 4 tỉ đồng cũng đủ mua 400 tấn gạo, tức là đủ để hỗ trợ cho chính người dân trong tỉnh mùa giáp hạt !"

Ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu quốc hội khóa 11 và 12, trưởng đoàn đại biểu Thanh Hóa cho biết tình hình tỉnh Thanh Hóa hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo và thiếu lương thực vì vậy việc chi tiêu cho các vấn đề lễ hội phải tính toán cho chặt chẻ và phải ưu tiên những khó khăn cấp bách trước.

Ông cho biết thêm "Những vấn đề lễ kỷ niệm, danh xưng thì nó cũng là kỷ niệm để tưởng nhớ những giai đoạn lịch sử nhất định, để thông báo người dân biết được thời điểm hình thành của tỉnh Thanh Hóa, qua đây phát động người dân phát huy truyền thống nó cũng cần thiết nhưng cũng không quá mức để mà chi lớn cho vấn đề này. Cho nên tôi rằng cần một khoản lớn để chi cho các vấn đề bức xúc khác thì tôi thấy nó sẽ rất phù hợp thỏa đáng chứ khong có vấn đề gì".

Đồng quan điểm với nhà báo Phạm Dương, luật sư Trần Thu Nam tại Hà Nội cho rằng, so với lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con số hơn 100 tỷ cho lễ xứng danh chỉ là ‘muỗi’, nhưng trong hoàn cảnh này thì nó thật sự không phù hợp.

vn3

Hình ảnh cứu trợ lương thực trong đợt lũ tại tỉnh Thanh Hóa, hôm 12 tháng 10 năm 2017. AFP

Luật sư Trần Thu Nam phát biểu : "Thanh Hóa phải nói là nhiều xã, nhiều huyện có nhiều người nghèo bậc nhất và cần cứu trợ, cứu đói của nhà nước hàng năm. thứ nhất không nên làm những điều phí phạm ngân sách của nhân dân. thứ hai là trong lúc một số tỉnh khác đang bão lũ như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu nên việc bỏ ra số tiền lớn như vậy mà tổ chức các lễ lớn không mang lại tác dụng gì cho người dân cả thì đó là một điều rất là lãng phí".

Nghìn tỷ hay cứu đói

Hồi đầu năm 2017, Thanh Hóa cũng từng khiến dư luận bức xúc với dự định xây dựng một công viên ngay giữa trung tâm Thành phố Thanh Hóa với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 2.500 tỉ đồng.

Thống kê của Bộ Tài chính vào năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã thu ngân sách khoảng 13.000 tỷ đồng nhưng chi lên tới hơn 23.000 tỷ đồng. Luật sư Trần Thu Nam cho rằng, Thanh Hóa chỉ cần bỏ ra 1/3 số tiền của 104 tỉ để giúp đỡ người dân nghèo thì cái danh xưng Thanh Hóa không cần làm lễ thì người dân cũng tự xướng tên trên khắp đất nước này.

Vị luật sư này còn cho biết, vấn đề xứng danh nó không nhất thiết phải được tổ chức rầm rộ và đình đám như thế, vì theo luật sư lễ kỷ niệm có nhiều khoản chi nhưng trong đó chi phí hơn 2 tỷ đồng mua quà cáp đó là điều lãng phí và đi ngược lại với chủ trương của nhà nước là đang tiết kiệm ngân sách.

Đồng ý với quan điểm đó ông Lê Văn Cuông cho biết "Tôi ủng hộ quan điểm là cần hết sức là tiết kiệm, nên dành đầu tư cho những hộ nghèo, khó khăn và các vấn đề trường học, giao thông đi lại của người dân nên dành nguồn đó đầu tư khắc phục những khó khăn đó thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ và dư luận cũng thấy được vấn đề đó thỏa đáng chứ còn lấy số tiền lớn chi tiêu lãng phí không tiết kiệm nhất là trong các cái lễ hội chi tiêu những việc không cần thiết, quà cáp lễ tân tốn kém thì nó sẽ phản cảm nhân dân sẽ không đồng tình".

Anh Thắng Lê, một người con Thanh Hóa nhưng phải đi làm ăn xa quê, Nội trao đổi với chúng tôi qua email rằng vấn đề của Thanh Hóa cũng là vấn đề về sử dụng ngân sách bất hợp lý trên khắp đất nước Việt Nam.

Anh chia sẻ "Không khó để lý giải vì sao các tuyến đường sắt trên cao, metro lại ì ạch và chậm tiến độ suốt từ nhiệm kỳ trước qua nhiệm kỳ này như vậy - nó chậm để "đội vốn" hàng nghìn tỷ chứ không chỉ chậm thông thường. Nó không chỉ mất tiền ngân sách đơn thuần, nó làm cho nhân dân ách tách khốn khổ, kinh tế yếu kém và Quốc gia tụt hậu".

Thực tế cho thấy lâu nay tại Việt Nam xảy ra hiện tượng tất cả các địa phương đều có những dự án mà khoản kinh phí chi ra rất lớn. Một tỉnh nghèo như Sơn La cũng đề nghị thực hiện dự án Cụm Công trình Tượng Đài ông Hồ Chí Minh cả nghìn tỷ đồng.

Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, Thanh Tra Chính Phủ Hà Nội nêu ra kết quả kiểm tra 10 trên 62 dự án chỉ riêng tại tỉnh Ninh Bình, số kinh phí khai khống cho mỗi dự án là từ vài trăm tỷ đến cả ngàn tỷ đồng.

***************

Tỉnh Bình Thuận nói xử lý nghiêm những người biểu tình bạo loạn (RFA, 02/07/2018)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai, vào ngày 2 tháng 7 phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương rằng tỉnh này có chỉ đạo các cơ quan chức năng sau ngày 10 tháng 7 sẽ xử lý nghiêm các đối tượng bị cho là gây rối trong hai ngày biểu tình bạo loạn 10 và 11 tháng 6 tại địa phương.

vn4

Hình ảnh tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận sau phản đối của người dân. AFP

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai cho rằng một bộ phận người dân bị kẻ xấu lôi kéo, kích động và đập phá một số cơ quan của tỉnh này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại khu vực này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, cơ quan chức năng đã bắt giữ được 32 đối tượng bị cho là chủ mưu kích động người dân và quyết sẽ xử lý nghiêm các đối tượng này. Mục tiêu được nói rõ nhằm răn đe người dân biểu tình.

Cũng tại phiên họp của chính phủ ngày 2 tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Tô Lâm, cho biết đã triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh và kế hoạch giải quyết những vụ việc phức tạp, nhất là ổn định tình hình biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng diễn ra tại tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, Thượng tướng Tô Lâm còn cho biết Bộ công an đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp, triệt phá các đường dây tội phạm có sử dựng vũ khí, vật liệu gây nổ và tội phạm xâm hại trẻ em.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ Công an đã điều tra hơn 12.000 vụ và bắt nhiều tội phạm liên quan đến mua bán và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn. Ông nhấn mạnh tình hình tội phạm nhìn chung được kiềm chế và giảm so với năm 2017.

Ông Bộ trưởng Công An Tô Lâm cũng báo cáo ngành này phối hợp giải quyết hơn 170 vụ với gần 2145 lượt khiếu kiện lên trung ương liên quan đến đất đai, chính sách pháp luật về môi trường.

*******************

Tỉnh Bình Thuận đề nghị không nhận chìm bùn xuống biển (RFA, 02/07/2018)

Tỉnh Bình Thuận kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương tận dụng khoảng 4,5 triệu m3 bùn thải ra từ các nhà máy nhiệt điện này để xây dựng kè đá chống sạt lở.

vn5

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. RFA

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai cho biết như vừa nêu vào chiều ngày 2 tháng 7, trong phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Ông nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh là nếu thực hiện được như vậy thì sẽ giải quyết được sự cố môi trường, đẩy nhanh tiến độ và an dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hai còn đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành có hướng giải quyết việc tiêu thụ tro sỉ và điều chỉnh thông tư 36 theo chiều hướng sỉ than không phải là chất gây hại đầu vào, để sử dụng cho việc san lấp.

Vào năm 2015, người dân Bình Thuận biểu tình chặn Quốc Lộ 1 vì Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân bị cho gây ô nhiễm tác hại đến đời sống của họ.

Đợt biểu tình gây bạo loạn trong những ngày 10, 11 tháng 6 vừa qua được giới quan sát cho rằng cũng từ những bức xúc quá lớn của người dân bùng phát bởi bị tác hại do ô nhiễm, mất nguồn sinh kế từ biển…

Trong khi đó, vào ngày 2 tháng 7, truyền thông trong nước loan tin, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vừa được Chính phủ quyết định mở rộng dự án, thuộc Danh mục dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ năm 2018.

Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ dự án này, cũng như chịu trách nhiệm về vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án hàng năm theo đúng kế hoạch.

EVN phải báo cáo lên Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương giám sát EVN liên quan vốn chủ sở hữu.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, có tổng mức đầu tư dự án gần 24 tỷ đồng, tương đương 104 triệu USD, với một tổ máy có công suất 600 MW, sản xuất hàng năm 3,9 tỷ kWh và dự kiến sẽ được vận hành chính thức vào cuối năm 2019.

Trước đó, vào ngày 29 tháng 6, EVN đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công An đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào diện bảo vệ an ninh đặc biệt. Kiến nghị này của EVN nhận được sự đồng thuận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, là địa phương đặt bản doanh của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Published in Việt Nam

Gia đình Nguyễn Minh Kha phản bác cáo buộc 'trốn truy nã' và 'nghiện ngập' (RFA, 21/06/2018)

Công an tỉnh Bình Thuận ngày 21 tháng 6 phát lệnh truy bắt anh Nguyễn Minh Kha, người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 phản đối dự luật cho thuê đất đặc khu 99 năm tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

binhthuan1

Truyền thông Việt Nam ngày 21/6/2018 đưa tin anh Nguyễn Minh Kha bị công an truy bắt. Ảnh chụp màn hình báo Pháp luật Việt Nam.

Theo đó, công an Bình Thuận nói rằng anh Nguyễn Minh Kha và người nhà khi trả lời đài nước ngoài đã vu cáo bị lực lượng chức năng đánh trọng thương và đang phải cấp cứu. Công an đưa ra một bản chụp X- quang của bệnh viện trước đó, nói rằng anh Kha không bị tổn thương.

Cơ quan chức năng Bình Thuận yêu cầu người dân tố giác nơi ẩn trốn của anh Kha và ra khuyến cáo anh này nên ra tự thú với nhắn gửi ‘để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam.’

Ngoài anh Nguyễn Minh Kha ra còn có 8 người khác bị Công An tỉnh Bình Thuận khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trong cuộc biểu tình ngày 10/6 vừa qua.

Theo một số người dân địa phương thì do lực lượng chức năng hành hung một người dân khi xảy ra biểu tình khiến dẫn đến bạo loạn. Một số người phóng hỏa đốt tòa nhà Ủy ban Nhân dân Tỉnh và trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh tại thành phố Phan Thiết. Tại thị trân Phan Rí Cửa, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị đốt cháy.

Truyền thông trong nước nói rằng anh Kha đã thừa nhận hành vi phạm tội với cơ quan chức năng, tuy nhiên sau đó đã bỏ trốn.

Trao đổi với RFA vào hôm 20 tháng 6, mẹ của anh Nguyễn Minh Kha cho biết hiện tình trạng sức khỏe của anh không tốt, và ho ra máu.

Trong cùng ngày, hàng chục người dân Bình Thuận đã tập trung trước cổng UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng phải giải thích rõ việc gây thương tích cho anh Nguyễn Minh Kha.

Sang ngày 21 tháng 6, mẹ của anh này tiếp tục phản đối cáo buộc của cơ quan chức năng nói rằng anh bỏ trốn :

"Hôm qua xã xuống nhà tôi, tôi cũng nói là con tôi vô đây trị bệnh mà nó vu khống gia đình tôi nói rằng con tôi đi trốn. Đánh con tôi xong không cho con tôi đi trị thuốc men, không hỏi han tới mà còn vu khống là không đánh nữa"

Mẹ của anh Nguyễn Minh Kha khẳng định lại rằng công an đã đánh anh Nguyễn Minh Kha :

"Công an phường đưa cháu ra ngoài xã, xong rồi 3 thằng tra khảo cháu rồi đánh cháu, mà nó bịt mặt lại để khỏi thấy mặt nó".

*********************

Những nạn nhân bị công an đánh sau bạo động ở Bình Thuận nói gì ? (RFA, 21/06/2018)

Cuộc biểu tình tại tỉnh Ninh Thuận, cụ thể là thị trấn Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã phát triển thành một cuộc bạo động chưa từng thấy từ sau cuộc chiến năm 1975 trở lại đây. Cuộc bạo động đã để lại rất nhiều thiệt hại về tài sản công và sức khỏe của lực lượng công lực. Nhưng bên cạnh đó, sau những ngày biểu tình, an ninh tâm lý và sức khỏe của người dân Phan Rí, Phan Thiết gặp quá nhiều vấn đề bởi nguyên nhân chính là sự trục trặc trong xử lý tình huống giữa chính quyền và nhân dân.

binhthuan2

Hình chụp hôm 12/6/2018 : xe bị đốt cháy tại trụ sở công an ở tỉnh Bình Thuận hôm 10/6/2018 do bạo động - AFP

Tại sao con, cháu chúng tôi bị bắt, bị đánh ?

Một người từng tham gia biểu tình và bị công an Bình Thuận Bắt, đánh đập, tra khảo, chia sẻ : 

"Em lên theo giấy mời, vừa lên trụ sở công an thì nó lấy xe chở em qua điểm khác rồi bắt đầu hỏi rồi đánh em. Nó đánh em gần tắt thở luôn, nó chửi em nó kêu : "đ.. má mày, mày có khai không", em thở không nổi em nói từ từ em khai. Nó bảo "tao công an từ Phan Thiết vào làm chứ không phải vô chơi giỡn với mày. Em ngồi em khai tới chiều luôn, nó kêu mai hoặc mốt nó gọi lại. Lúc về nhà nó hơi đau đau rồi đi biển không nổi luôn. Mai em thử mua rượu uống nhưng cũng không đỡ, đi bệnh viện kiểm tra thì họ bảo không bị gì nhưng tụ máu bầm khắp người không à".

Theo thanh niên này, anh đã quá khích và ném vài cục đá trong quá trình đối mặt với lực lượng chức năng, cụ thể là lực lượng cảnh sát cơ động 113 Bình Thuận. Như quí thính giả đã biết, trong buổi trưa ngày 11 tháng 6 năm 2018, lực lượng chức năng và hệ thống công lực của Bình Thuận hoàn toàn thất thủ trước những đợt tấn công của nhân dân. Theo quan sát của chúng tôi, số nhân dân tham gia bạo động chừng ngót nghét ba ngàn người, số lượng cảnh sát cơ động phòng thủ ở phía cầu Nam để bảo vệ cửa ngõ yết hầu vào trung tâm hành chính Bình Thuận chừng 500 người có trang bị vũ khí đầy đủ.

Sau cuộc chiến lựu đạn cay của 113 với gạch đá của nhân dân biểu tình, lực lượng 113 đã rút dần vào bên trong khuôn viên Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Bình Thuận và qua trưa ngày 11 tháng 6, lực lượng này chính thức thất thủ, đầu hàng người dân để được đi ra bên ngoài. Sự đầu hàng của họ được nhân dân ghi nhận, tạo điều kiện để họ ra bên ngoài sau khi cởi bỏ áo giáp, công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp và vũ khí.

Nhưng sau đó không lâu, sau khi bỏ chạy, bỏ cả lực lượng cảnh sát 113 để thoát thân, các quan chức Bình Thuận đã cầu cứu các lực lượng liên đới của các tỉnh khác. Và một cuộc bố ráp với người tham gia biểu tình đã diễn ra trong khuôn khổ quản lý của nhà cầm quyền Bình Thuận. Nghĩa là theo nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Chính vì vậy hệ thống truyền thông phi nhà nước không thể vào bên trong khu vực những người từng biểu tình và nếu có vào bên trong, sự phản ánh của họ cũng thông qua lăng kính số liệu chính trị. Hệ quả là có nhiều vấn đề xảy ra mà ngay cả trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ hay nhà nước cũng khó ngờ tới được.

Sự oan uổng và mối nguy tính mạng của người vừa trả lời phỏng vấn trên đây là sự minh chứng cho những gì chúng tôi vừa nói. Sau khi trở về từ đồn công an vì không có bằng chứng nhận 300 ngàn đồng để biểu tình, người thanh niên này về nhà với sức khỏe xuống cấp trầm trọng, nội thương đã làm anh đột quị sau khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi chừng 8g đồng hồ sau. Gia đình đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn để cấp cứu nhưng không kịp, giữa đường phải quay về nhà để chuẩn bị hậu sự. Mặc dù anh vẫn còn thoi thóp sống nhưng khả năng sống được là rất thấp.

Bức xúc trước tình trạng của cháu mình, bà ngoại anh chia sẻ : 

"Bà đi lên theo, nó mời cháu ngoại lên, cháu ngoại đi lên vừa ngồi vào là nó hỏi chuyện hôm bữa đi biểu tình : "Đ.. má mày có khai không, công an mà nói ‘đ.. má mày, không khai là nó ký trên đầu liền hoặc đánh thốc từ dưới hai hông lên". Rồi thì bên bệnh viện nó phối hợp với nhau, nó bảo là đau phần mềm thôi vậy mà nó cho thuốc uống tan máu bầm. Mấy thằng ở trên bệnh viện nó sợ công an nữa, nó không cho giấy chứng nhận, nó bảo phải điện được dưới công an nó mới cho. Nó làm kiểu này có phải giết người không gớm tay không, nó bao che để nó giết dân không. Thử hỏi mình làm nhà nước có phải vì dân không, do dân đưa mình lên mình mới ông này bà nọ, tại sao đi đánh dân như vậy. Công an mà bịt mặt đi đánh dân, đánh từ dưới hông thốc lên, thử hỏi còn gì người ta nữa, phải người ta chết không ?".

Họ có bị ép cung ?

Một người có con bị bắt sau khi biểu tình, mới được thả về, chia sẻ : 

"Có người mặc áo quần thường, đeo khẩu trang, mặt quần short xuống bắt con chú. Rõ ràng công an làm như thế là sai chứ không phải đúng, nó mời mà nó không bảo vệ con của chú, mà để mấy thằng kia đánh con của chú bị nội thương như thế. Chú chưa làm tới, chứ làm tới rồi chú làm, chịu đựng hai bên để đâu vào đấy rồi chú làm chứ giờ con chú nằm thế lỡ nó bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm".

binhthuan3

Một xóm chài Phan Rí Cửa, Bình Thuận, sau biểu tình -TTVN

Vị này cho rằng việc bắt con của ông là không hợp pháp, bởi vì việc bắt con của ông cũng như nhiều thanh niên khác có vẻ mờ ám và không đúng thủ tục pháp lý. Bởi theo luật hiện hành, muốn bắt một người nào đó phải có công an xã, công an phường đưa lực lượng đến gia đình, sau đó đọc lệnh bắt của Trưởng công an huyện hoặc viện trưởng viện kiểm sát. Nhưng ở đây hoàn toàn không có thủ tục này, sau khi bắt cũng không có biên bản về việc bắt giữ người. Và người tham gia đi bắt con ông cũng không mặc đồng phục ngành công an mà mặc quần ngắn và bịt khẩu trang. Điều này gây hoang mang cho gia đình ông tột độ bởi nó giống với những cuộc bắt cóc, ám toán hơn là bắt người hợp pháp.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của con ông bắt đầu có vấn đề trầm trọng, phía cơ quan công an không những không chia sẻ với gia đình nạn nhân mà phớt lờ, tránh trớ trách nhiệm. Trong khi đó, mối hoài nghi về khả năng con mình bị đánh đập dẫn đến nội thương của ông vô cùng lớn.

Điều ông mong mỏi lớn nhất hiện nay là sự việc của con ông được đưa ra ánh sáng pháp luật và an ninh bản thân ông cũng như gia đình ông được trả về đúng ý nghĩa của một người không phạm tội, không vi phạm pháp luật. Ông cho biết thêm là hiện nay, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt.

Nhóm phóng viên

Published in Việt Nam

‘Quả Đấm Thép’ thúc thủ trước người biểu tình chống ‘Luật Đặc Khu’ (Người Việt, 11/06/2018)

Loạt hình ảnh được mạng xã hội facebook loan tải cho thấy, lực lượng Cảnh Sát Cơ Động, vốn được mệnh danh là ‘Quả Đấm Thép’ của Bộ Công An cộng sản Việt Nam, đã thúc thủ trước những người biểu tình chống luật đặc khu và đôi khi biến thành bạo động tại Phan Thiết, Phan Rí của tỉnh Bình Thuận và Khu Công Nghiệp Tân Tạo (Pouyuen), huyện Bình Chánh, Thành phố Sài Gòn trong ngày ngày 11 tháng Sáu 2018. Dân không đánh đập Cảnh sát cơ động vì cho rằng bọn họ chỉ là làm theo lệnh.

cscd1

Hàng trăm Cảnh sát cơ động buộc cởi bỏ quân trang và được dân thả về. 

cscd2

Dân giúp Cảnh sát cơ động trèo tường bỏ chạy ra ngoài

cscd3

Sau nửa ngày Cảnh sát cơ động tan hàng.

cscd4

Người dân đối xử ôn hòa sau khi Cảnh sát cơ động thất trận

cscd5

Cảnh sát cơ động đối đầu với người dân trước cổng UBND Tỉnh và Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận.

cscd6

Nhiều xe bị đốt cháy và nhiều người hai bên bị thương. Không có thiệt mạng.

cscd7

Ngày 11/6/2018 Công nhân hãng Pouyen (Khu công nghiệp Tân Tạo), Bình Chánh, Sài Gòn tiếp tục đình công và xảy ra bạo động.

cscd8

Cảnh sát cơ động và công nhân hãng Pouyen (Khu công nghiệp Tân Tạo), Bình Chánh.

Nhiều công nhân và người dân bị tấn công khi Cảnh sát cơ động phong tỏa cổng chính nhà máy. Cảnh sát cơ động đã tung lựu đạn cay để trấn áp, các công nhân tháo chạy tán loạn.

Uyên Vũ

*******************

Bạo động, biểu tình, đình công tiếp diễn ở Bình Thuận, Sài Gòn : Hơn 200 người bị bắt (Người Việt, 11/06/2018)

Bạo động tiếp diễn sang ngày thứ hai tại tỉnh Bình Thuận và biểu tình cùng với đình công vẫn còn tại Sài Gòn. Nhà cầm quyền loan báo đã bắt hơn 200 người tại Phan Thiết và Sài Gòn.

cscd9

Cơ quan Phòng Cháy Chữa Cháy ở Phan Rí bị người dân đốt. (Hình : FB Ngô Nguyệt Hữu)

Các cuộc biểu tình tiếp diễn sang ngày thứ hai, phản đối dự luật "Đặc khu kinh tế" mà người dân đòi dẹp bỏ trong khi nhà cầm quyền chỉ hoãn đến kỳ họp tới. Đồng thời họ cũng chống luôn dự luật "An ninh mạng" dự trù sẽ thông qua tại quốc hội vào ngày Thứ Ba, 12 tháng Sáu 2018, dùng để bóp nghẹt quyền tự do thông tin và phát biểu dù hiến pháp của chế độ công nhận.

Các địa phương khác xảy ra biểu tình hôm Chủ Nhật, 10 tháng Sáu, đã có vẻ lắng xuống trong khi không khí vẫn sôi sục tại Sài Gòn và đặc biệt tại tỉnh Bình Thuận, bạo động tiếp diễn.

Một số video clips được truyền đi trên Facebook và YouTube cho thấy dân địa phương đã tấn công trụ sở công an tỉnh Bình Thuận hôm 11 tháng Sáu.

Facebooker Van Pham đưa ra clip với lời chú thích : "14 giờ chiều 11 tháng Sáu, đám đông biểu tình đã tấn công trụ sở công an tại Bình Thuận. Cảnh Sát Cơ Động (Cảnh sát cơ động) cố thủ nhưng hết đạn dược và lương thực, hàng chục ô tô bị đốt cháy làm khói mù mịt khiến toàn bộ Cảnh sát cơ động Bình Thuận hoàn toàn thất thủ, vứt bỏ khiên-giáp để về nhà. Lãnh đạo bỏ chạy, số Cảnh sát cơ động còn lại cởi bỏ quân phục đầu hàng trong tiếng hò reo phấn khích của người dân".

Đoạn chú thích của FB Van Pham không biết chính xác được bao nhiêu phần trăm. Trong khi đó FB Ngô Nguyệt Hữu thì có clip tương tự và chú thích là "Trưa nay, 11 tháng Sáu 2018, người dân tham gia bạo loạn ở Phan Rí (Bình Thuận) đã dùng bom xăng tấn công trụ sở Phòng cháy Chữa cháy thị trấn Phan Rí Cửa, đốt xe công vụ và một phần trụ sở của đơn vị này. Để tránh tình hình phức tạp hơn, các chiến sĩ cơ động chấp nhận yêu cầu của người dân, giải giáp và rút lui".

cscd10

Áo giáp, mũ nhựa và các trang bị bảo vệ khác của Cảnh sát cơ động vất ngồn ngang trước khi bỏ chạy. (Hình : FB Ngô Nguyệt Hữu)

Có vẻ lời chú thích của FB Ngô Nguyên Hữu rõ rệt hơn. Trong một số video clips phổ biến trên Facebook và YouTube ngày hôm qua, người ta thấy dân biểu tình và Cảnh sát cơ động ở thị xã Phan Rí ném nhau với gạch, đá. Có đoạn clip thấy hai phe "đấu gậy" với nhau khi nhóm Cảnh sát cơ động bị dồn đến sát một chiếc xe tải.

Trong khi đó, thì báo điện tử VnExpress đưa tin "Sáng 11/6, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã tạm giữ 102 người để điều tra việc đập phá trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành xung quanh" vào chiều và tối ngày Chủ Nhật, 10 tháng Sáu 2018.

Bản tin của VnExpress nói không có ai thiệt mạng nhưng "hàng chục cảnh sát làm nhiệm vụ đã bị thương".

cscd11

Một người biểu tình ở Phan Thiết bị đánh gẫy mấy đốt ngón tay và đổ máu. (Hình : FB Đồng Chương Tử)

Về thiệt hại sau vụ đập phá chiều tối Chủ Nhật, "vọng gác bảo vệ trụ sở UBND tỉnh bị đập phá tan hoang, hàng rào bị xô ngã. Bên trong vẫn còn ngổn ngang gạch đá, nhiều phòng bị ném bom xăng cháy đen, kính vỡ tung tóe. Khoảng chục xe máy bị đốt cháy nham nhở nằm trước cổng Sở Kế hoạch và đầu tư, cạnh trụ sở UBND tỉnh. Một số trụ sở ngành xung quanh ủy ban cũng bị đập phá, hư hỏng", nguồn tin viết.

Biểu tình tiếp tục ở Sài Gòn

Trong khi đó, tại Sài Gòn, video clip trên FB Nam Quốc Sơn Hà cho thấy một lực lượng rất lớn Cảnh sát cơ động đã được tăng cường tới một khu vực ở Sào Gòn có nhiều người dân tụ tập tính biểu tình tiếp. Hàng rào kẽm gai giăng ngang đường tại khu vực trung tâm thành phố.

Clip cho thấy tên góc đường Võ Văn Tần, quận 3 Sài Gòn. Lời chú thích trên clip của Nam Quốc Son Hà : "Mọi người có nghe âm thanh rất lớn được phát ra này không ? Nó được tạo ra để làm choáng người nghe và không để cho điện thoại thu âm được âm thanh thật khi có người đang nói".

Cùng với cuộc biểu tình đang bị nhà cầm quyền dùng một lực lượng rất lớn công an, Cảnh sát cơ động và những lực lượng tay chân để khống chế, hàng ngàn công nhân của công ty Pouyuen (Phúc Nguyên, vốn đầu tư Trung Quốc) đã biểu tình đình công ngay trước trụ sở công ty tại khu công nghệ Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn.

cscd12

Công nhân đình công, chống dự luật "Đặc khu kinh tế" trước Công ty Pouyuen ngày 11 tháng Sáu, 2018. (Hình : VnExpress)

Trên một clip, người ta nghe thấy lời công nhân đình công đòi hỏi huỷ bỏ dự luật "Đặc khu kinh tế", không phải "lùi" thời gian biểu quyết như kế hoãn binh của quốc hội cộng sản Việt Nam.

Khoảng 50.000 ngàn công nhân làm tại cơ sở Pouyuen tại khu công nghệ Tân Tạo bắt đầu đình công từ ngày Thứ Bảy, 9 tháng Sáu, 2018.

Báo mạng VnExpress thuật lời ông đại tá công an Nguyễn Sỹ Quang kêu rằng "Sự việc cho thấy có âm mưu kích động, chống phá. Ông tướng công an Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an Sài Gòn xác nhận "Hàng trăm chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động… được tăng cường" để đối phó với dân.

VnExpress ngày 11 tháng Sáu 2018 viết là "Từ 9 giờ sáng nay, rất đông công nhân nữ hò hét "yêu cầu bỏ Luật Đặc khu"… và nói thêm rằng "Đến chiều nay, cảnh sát đã tạm giữ hơn 100 người có hành vi đập phá, làm 2 chiến sĩ và một thanh niên tình nguyện bị thương". (TN)

Published in Việt Nam