Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/06/2018

Chính quyền và công an Bình Thuận trả thù dân biểu tình

Tổng hợp

Gia đình Nguyễn Minh Kha phản bác cáo buộc 'trốn truy nã' và 'nghiện ngập' (RFA, 21/06/2018)

Công an tỉnh Bình Thuận ngày 21 tháng 6 phát lệnh truy bắt anh Nguyễn Minh Kha, người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 phản đối dự luật cho thuê đất đặc khu 99 năm tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

binhthuan1

Truyền thông Việt Nam ngày 21/6/2018 đưa tin anh Nguyễn Minh Kha bị công an truy bắt. Ảnh chụp màn hình báo Pháp luật Việt Nam.

Theo đó, công an Bình Thuận nói rằng anh Nguyễn Minh Kha và người nhà khi trả lời đài nước ngoài đã vu cáo bị lực lượng chức năng đánh trọng thương và đang phải cấp cứu. Công an đưa ra một bản chụp X- quang của bệnh viện trước đó, nói rằng anh Kha không bị tổn thương.

Cơ quan chức năng Bình Thuận yêu cầu người dân tố giác nơi ẩn trốn của anh Kha và ra khuyến cáo anh này nên ra tự thú với nhắn gửi ‘để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam.’

Ngoài anh Nguyễn Minh Kha ra còn có 8 người khác bị Công An tỉnh Bình Thuận khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trong cuộc biểu tình ngày 10/6 vừa qua.

Theo một số người dân địa phương thì do lực lượng chức năng hành hung một người dân khi xảy ra biểu tình khiến dẫn đến bạo loạn. Một số người phóng hỏa đốt tòa nhà Ủy ban Nhân dân Tỉnh và trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh tại thành phố Phan Thiết. Tại thị trân Phan Rí Cửa, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị đốt cháy.

Truyền thông trong nước nói rằng anh Kha đã thừa nhận hành vi phạm tội với cơ quan chức năng, tuy nhiên sau đó đã bỏ trốn.

Trao đổi với RFA vào hôm 20 tháng 6, mẹ của anh Nguyễn Minh Kha cho biết hiện tình trạng sức khỏe của anh không tốt, và ho ra máu.

Trong cùng ngày, hàng chục người dân Bình Thuận đã tập trung trước cổng UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng phải giải thích rõ việc gây thương tích cho anh Nguyễn Minh Kha.

Sang ngày 21 tháng 6, mẹ của anh này tiếp tục phản đối cáo buộc của cơ quan chức năng nói rằng anh bỏ trốn :

"Hôm qua xã xuống nhà tôi, tôi cũng nói là con tôi vô đây trị bệnh mà nó vu khống gia đình tôi nói rằng con tôi đi trốn. Đánh con tôi xong không cho con tôi đi trị thuốc men, không hỏi han tới mà còn vu khống là không đánh nữa"

Mẹ của anh Nguyễn Minh Kha khẳng định lại rằng công an đã đánh anh Nguyễn Minh Kha :

"Công an phường đưa cháu ra ngoài xã, xong rồi 3 thằng tra khảo cháu rồi đánh cháu, mà nó bịt mặt lại để khỏi thấy mặt nó".

*********************

Những nạn nhân bị công an đánh sau bạo động ở Bình Thuận nói gì ? (RFA, 21/06/2018)

Cuộc biểu tình tại tỉnh Ninh Thuận, cụ thể là thị trấn Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã phát triển thành một cuộc bạo động chưa từng thấy từ sau cuộc chiến năm 1975 trở lại đây. Cuộc bạo động đã để lại rất nhiều thiệt hại về tài sản công và sức khỏe của lực lượng công lực. Nhưng bên cạnh đó, sau những ngày biểu tình, an ninh tâm lý và sức khỏe của người dân Phan Rí, Phan Thiết gặp quá nhiều vấn đề bởi nguyên nhân chính là sự trục trặc trong xử lý tình huống giữa chính quyền và nhân dân.

binhthuan2

Hình chụp hôm 12/6/2018 : xe bị đốt cháy tại trụ sở công an ở tỉnh Bình Thuận hôm 10/6/2018 do bạo động - AFP

Tại sao con, cháu chúng tôi bị bắt, bị đánh ?

Một người từng tham gia biểu tình và bị công an Bình Thuận Bắt, đánh đập, tra khảo, chia sẻ : 

"Em lên theo giấy mời, vừa lên trụ sở công an thì nó lấy xe chở em qua điểm khác rồi bắt đầu hỏi rồi đánh em. Nó đánh em gần tắt thở luôn, nó chửi em nó kêu : "đ.. má mày, mày có khai không", em thở không nổi em nói từ từ em khai. Nó bảo "tao công an từ Phan Thiết vào làm chứ không phải vô chơi giỡn với mày. Em ngồi em khai tới chiều luôn, nó kêu mai hoặc mốt nó gọi lại. Lúc về nhà nó hơi đau đau rồi đi biển không nổi luôn. Mai em thử mua rượu uống nhưng cũng không đỡ, đi bệnh viện kiểm tra thì họ bảo không bị gì nhưng tụ máu bầm khắp người không à".

Theo thanh niên này, anh đã quá khích và ném vài cục đá trong quá trình đối mặt với lực lượng chức năng, cụ thể là lực lượng cảnh sát cơ động 113 Bình Thuận. Như quí thính giả đã biết, trong buổi trưa ngày 11 tháng 6 năm 2018, lực lượng chức năng và hệ thống công lực của Bình Thuận hoàn toàn thất thủ trước những đợt tấn công của nhân dân. Theo quan sát của chúng tôi, số nhân dân tham gia bạo động chừng ngót nghét ba ngàn người, số lượng cảnh sát cơ động phòng thủ ở phía cầu Nam để bảo vệ cửa ngõ yết hầu vào trung tâm hành chính Bình Thuận chừng 500 người có trang bị vũ khí đầy đủ.

Sau cuộc chiến lựu đạn cay của 113 với gạch đá của nhân dân biểu tình, lực lượng 113 đã rút dần vào bên trong khuôn viên Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Bình Thuận và qua trưa ngày 11 tháng 6, lực lượng này chính thức thất thủ, đầu hàng người dân để được đi ra bên ngoài. Sự đầu hàng của họ được nhân dân ghi nhận, tạo điều kiện để họ ra bên ngoài sau khi cởi bỏ áo giáp, công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp và vũ khí.

Nhưng sau đó không lâu, sau khi bỏ chạy, bỏ cả lực lượng cảnh sát 113 để thoát thân, các quan chức Bình Thuận đã cầu cứu các lực lượng liên đới của các tỉnh khác. Và một cuộc bố ráp với người tham gia biểu tình đã diễn ra trong khuôn khổ quản lý của nhà cầm quyền Bình Thuận. Nghĩa là theo nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Chính vì vậy hệ thống truyền thông phi nhà nước không thể vào bên trong khu vực những người từng biểu tình và nếu có vào bên trong, sự phản ánh của họ cũng thông qua lăng kính số liệu chính trị. Hệ quả là có nhiều vấn đề xảy ra mà ngay cả trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ hay nhà nước cũng khó ngờ tới được.

Sự oan uổng và mối nguy tính mạng của người vừa trả lời phỏng vấn trên đây là sự minh chứng cho những gì chúng tôi vừa nói. Sau khi trở về từ đồn công an vì không có bằng chứng nhận 300 ngàn đồng để biểu tình, người thanh niên này về nhà với sức khỏe xuống cấp trầm trọng, nội thương đã làm anh đột quị sau khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi chừng 8g đồng hồ sau. Gia đình đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn để cấp cứu nhưng không kịp, giữa đường phải quay về nhà để chuẩn bị hậu sự. Mặc dù anh vẫn còn thoi thóp sống nhưng khả năng sống được là rất thấp.

Bức xúc trước tình trạng của cháu mình, bà ngoại anh chia sẻ : 

"Bà đi lên theo, nó mời cháu ngoại lên, cháu ngoại đi lên vừa ngồi vào là nó hỏi chuyện hôm bữa đi biểu tình : "Đ.. má mày có khai không, công an mà nói ‘đ.. má mày, không khai là nó ký trên đầu liền hoặc đánh thốc từ dưới hai hông lên". Rồi thì bên bệnh viện nó phối hợp với nhau, nó bảo là đau phần mềm thôi vậy mà nó cho thuốc uống tan máu bầm. Mấy thằng ở trên bệnh viện nó sợ công an nữa, nó không cho giấy chứng nhận, nó bảo phải điện được dưới công an nó mới cho. Nó làm kiểu này có phải giết người không gớm tay không, nó bao che để nó giết dân không. Thử hỏi mình làm nhà nước có phải vì dân không, do dân đưa mình lên mình mới ông này bà nọ, tại sao đi đánh dân như vậy. Công an mà bịt mặt đi đánh dân, đánh từ dưới hông thốc lên, thử hỏi còn gì người ta nữa, phải người ta chết không ?".

Họ có bị ép cung ?

Một người có con bị bắt sau khi biểu tình, mới được thả về, chia sẻ : 

"Có người mặc áo quần thường, đeo khẩu trang, mặt quần short xuống bắt con chú. Rõ ràng công an làm như thế là sai chứ không phải đúng, nó mời mà nó không bảo vệ con của chú, mà để mấy thằng kia đánh con của chú bị nội thương như thế. Chú chưa làm tới, chứ làm tới rồi chú làm, chịu đựng hai bên để đâu vào đấy rồi chú làm chứ giờ con chú nằm thế lỡ nó bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm".

binhthuan3

Một xóm chài Phan Rí Cửa, Bình Thuận, sau biểu tình -TTVN

Vị này cho rằng việc bắt con của ông là không hợp pháp, bởi vì việc bắt con của ông cũng như nhiều thanh niên khác có vẻ mờ ám và không đúng thủ tục pháp lý. Bởi theo luật hiện hành, muốn bắt một người nào đó phải có công an xã, công an phường đưa lực lượng đến gia đình, sau đó đọc lệnh bắt của Trưởng công an huyện hoặc viện trưởng viện kiểm sát. Nhưng ở đây hoàn toàn không có thủ tục này, sau khi bắt cũng không có biên bản về việc bắt giữ người. Và người tham gia đi bắt con ông cũng không mặc đồng phục ngành công an mà mặc quần ngắn và bịt khẩu trang. Điều này gây hoang mang cho gia đình ông tột độ bởi nó giống với những cuộc bắt cóc, ám toán hơn là bắt người hợp pháp.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của con ông bắt đầu có vấn đề trầm trọng, phía cơ quan công an không những không chia sẻ với gia đình nạn nhân mà phớt lờ, tránh trớ trách nhiệm. Trong khi đó, mối hoài nghi về khả năng con mình bị đánh đập dẫn đến nội thương của ông vô cùng lớn.

Điều ông mong mỏi lớn nhất hiện nay là sự việc của con ông được đưa ra ánh sáng pháp luật và an ninh bản thân ông cũng như gia đình ông được trả về đúng ý nghĩa của một người không phạm tội, không vi phạm pháp luật. Ông cho biết thêm là hiện nay, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt.

Nhóm phóng viên

Quay lại trang chủ
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)