Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/06/2018

Luật an ninh mạng và quyền tự do báo chí ở Việt Nam

Tổng hợp

'Báo chí trong nước đâu có quyền gì đâu' (BBC, 21/06/2018)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được truyền thông dẫn lời nhân ngày "Báo chí cách mạng Việt Nam" 21/6 : "Ngòi bút của nhà báo là vũ khí để phò chính, trừ tà".

baochi1

Cựu phó tổng biên tập ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC rằng trách nhiệm báo chí Việt Nam "phải bảo vệ chế độ hợp lòng dân" nhân ngày 21/6.

Trước đó, báo Chính phủ Việt Nam cũng trích lời ông Phúc : "Báo chí cách mạng là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội".

Hôm 21/6, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trung Dân, cựu phó tổng biên tập tờ Du Lịch, nói : "Thủ tướng nói vậy là cái lý của ông ấy".

"Báo chí phải có trách nhiệm của họ. Đâu phải chế độ nào cũng đúng đâu".

"Báo chí phải bảo vệ chế độ đúng, hợp lòng dân, còn không thì bảo vệ người dân".

"Theo tôi thấy, báo chí trong nước bây giờ đâu có quyền gì đâu. Cũng khổ cho các tổng biên tập vì họ không có bản lĩnh gì. Tất cả phải tuân theo một chỉ đạo chung của Ban Tuyên giáo".

Bình luận về sự việc các báo phải sửa phát ngôn của Chủ tịch Trần Đại Quang về luật Biểu tình mới đây, ông Dân cho biết : "Tôi cũng ngạc nhiên là vì ông Quang là lãnh đạo đương chức mà các báo dám sửa bài thì khiến mình đặt câu hỏi phải chăng ý của Ban Tuyên giáo khác ý của chủ tịch nước à ?"

"Vụ này chứng tỏ đã có sự chỉ đạo thô lỗ, thô bạo với báo chí. Vì chức năng của báo chí là phản ánh trung thực, người làm báo không có quyền cắt xén lời của người ta".

Về việc các báo không tường thuật các vụ biểu tình gần đây mà chỉ miêu tả đó là "tụ tập đông người", cựu phó tổng biên tập nhận định : "Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói thẳng đó là biểu tình thì các báo lại dùng lời lẽ dẫn người ta đi xa sự thật thì quá tệ".

"Làm báo như vậy là bồi bút. Nếu báo chí cứ viết đúng sự thật thì người dân cảm thấy dễ chịu hơn nhiều".

"Còn với những bài viết về luật An ninh mạng và luật Đặc khu trên mặt báo thì Đảng quyết rồi, mọi thứ quyết hết rồi, báo chí chắc chắn phải nói theo Đảng thôi, làm sao nói khác được ?"

"Vói chính thể Cộng sản thì họ không chấp nhận chuyện báo chí có tự do, nhiều chiều, khác với báo ở nước tư sản hoặc tại chính thể khác".

"Nhưng lẽ ra là nhà báo thì anh không nói điều mà người ta bắt anh phải nói mà anh thấy đó là điều sai trái".

Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Dân cũng nói thêm : "Thời tôi còn làm phó tổng biên tập, chí ít thì các báo có những rộng rãi nhất định, miễn là không phạm phải những điều trong luật hoặc đã được chỉ đạo".

"Còn thì khi có sự kiện thì vẫn được viết thoải mái thôi".

"Còn như thời nay, tôi có cảm giác các tổng biên tập không đủ tự tin để cho việc tường thuật các sự kiện trên mặt báo được nhiều chiều, với nhiều ý kiến khác nhau".

*******************

Cộng đồng mạng kêu gọi các hãng ‘không đáp ứng Luật An Ninh Mạng’ (Người Việt, 21/06/2018)

Hôm 21 tháng Sáu, nhiều blogger lên tiếng kêu gọi cộng đồng mạng cùng nhau ký vào bản thỉnh nguyện thư yêu cầu các hãng Google, Facebook, Twitter, LinkedIn, Apple và Microsoft không đáp ứng Luật An Ninh Mạng vừa được Quốc hội cộng sản Việt Nam thông qua hôm 12 tháng Sáu.

baochi2

Biểu tình phản đối Luật An Ninh Mạng tại giáo hạt Văn Hạnh, tỉnh Hà Tĩnh, hôm 17 tháng Sáu. (Hình : Thanh Niên Công Giáo)

Luật này gây bất bình trong công luận và cùng với Luật Đặc Khu là nguyên nhân thôi thúc hàng vạn người dân biểu tình hôm 10 tháng Sáu, 2018.

Thỉnh nguyện thư mới nhất do nhóm tự xưng danh là "Liên Minh Dân Chủ Việt Nam" thiết lập trên website Change.org ghi : "Luật An Ninh Mạng vi phạm nghiêm trọng căn bản luật pháp quốc tế, đồng thời cho phép nhà cầm quyền được tùy tiện xác định những ý kiến nào là phạm luật phải gỡ bỏ. Đã nổ ra những cuộc phản kháng ở nhiều nơi trên toàn quốc chống lại cuộc bỏ phiếu cho dự luật kìm chế tự do thông tin mạng và vi phạm quyền riêng tư cá nhân của 53% trong hơn 90 triệu người dân đang sử dụng Internet ở Việt Nam".

"Việt Nam không phải nơi an toàn cho người dân được tự do phát biểu. Vì vậy những công ty công nghệ phải có trách nhiệm xã hội bằng cách ngưng cung cấp dịch vụ Internet nếu Việt Nam không chịu hủy bỏ Luật An Ninh Mạng (sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng, 2019)", văn bản nêu trên đưa ra lời kêu gọi.

Đến nay, chưa có công ty nào trong số các hãng công nghệ được nêu tên phản hồi về Luật An Ninh Mạng của Việt Nam.

Báo VnEconomy hôm 15 tháng Sáu cho hay : "Tại cuộc họp báo bế mạc kỳ họp Quốc hội, phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài nói Google và Facebook có nói là rất thất vọng về quyết định thông qua Luật An Ninh Mạng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên thường trực Ủy Ban Quốc Phòng-An Ninh (cơ quan thẩm tra Dự Luật An Ninh Mạng) cho biết các hãng này chưa có văn bản chính thức nhưng qua thông tin trên cộng đồng mạng thì đại diện của Facebook nói sẽ nghiên cứu, triển khai quy định của luật này".

Trong một diễn biến khác, để đáp lại tin đồn về việc Facebook "đang hoàn thành thủ tục pháp lý để thành lập văn phòng tại Việt Nam", bà Lê Diệp Kiều Trang, giám đốc Facebook Việt Nam đã viết trên trang Facebook cá nhân : "Tôi chưa bao giờ trả lời báo chí về Luật An Ninh Mạng như một số nơi đưa tin. Ở Facebook, công việc chính của tôi là trợ giúp khách hàng doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy tôi sẽ không bao giờ phát ngôn những vấn đề ngoài công việc".

Tuy việc ký tên vào thỉnh nguyện thư thường mang ý nghĩa truyền thông và gây tiếng vang cho sự kiện nhiều hơn là hiệu quả trên thực tế, nhiều blogger Việt Nam vẫn bày tỏ hy vọng rằng các hãng công nghệ thật sự quan ngại về hệ lụy của Luật An Ninh Mạng.

Ý kiến về Luật An Ninh Mạng cũng là một trong những nội dung mà Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh viết thư ngỏ đề gửi Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.

Thư của ông viết : "Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết vội vàng Dự Luật An Ninh Mạng mà không thèm quan tâm ý dân và vấn đề hiện chỉ còn tùy thuộc vào chữ ký của chủ tịch nước". Ông cũng viết thêm rằng cả hai dự luật đều "lỗi thời, lạc hậu và nguy hiểm".

Hiện tại, lập luận chung của ông Trần Đại Quang cũng như của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về Luật An Ninh Mạng "là nhằm để bảo vệ chế độ" và "đấu tranh làm thất bại ý đồ của kẻ địch trong việc kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Ban biên tập các báo "lề phải" đều nhận được lệnh của Ban Tuyên Giáo Trung Ương "tuyệt đối không đăng ý kiến trái chiều, ý kiến khác với chỉ đạo" về cả hai dự luật. (T.K.)

********************

Việt Nam với tự do Internet và nhà báo 'xung kích' (BBC, 20/06/2018)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo chí cách mạng 'phải là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng' nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/06.

baochi3

Phát biểu của Thủ tướng Phúc được báo chí Việt Nam đăng tải rộng rãi

Trước đó, trong phát biểu liên quan đến luật An ninh mạng bị một phần dư luận phản đối gần đây, Thủ tướng Phúc nói rằng Việt Nam 'vẫn có tự do Internet'.

Theo các báo Việt Nam đăng tin về Lễ gặp mặt kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6-2018), tổ chức hôm 20/06 ở Hà Nội, Thủ tướng Phúc nói :

"Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin, truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước".

Nội dung được trích thuật cũng nhắc lại con số về "đội ngũ hơn 36.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo" ở Việt Nam.

Tuy thế, ngoài các nhiệm vụ làm phục vụ đường lối của Đảng Cộng sản, ông Phúc cũng yêu cầu báo chí :

baochi4

Việt Nam hiện có hàng vạn nhà báo

"Cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực ; vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện tinh thần gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân".

Các nhà báo cũng cần "phản ánh kịp thời nguyện vọng, ý kiến, phản ánh kịp thời thông tin đến quần chúng nhân dân để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ : kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả".

Hôm 18/06, nhận xét về Luật An ninh mạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam "vẫn cho có tự do Internet" và "vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài".

Ông Phúc nói :

"Chúng ta vẫn có tự do Internet, vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài, nhưng cơ sở dữ liệu về Việt Nam phải đưa về Việt Nam để kiểm soát".

Theo báo Thanh Niên hôm 18/06, trong buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, ông Phúc cũng nói :

"Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo để không bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục"

Cùng thời gian, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng nói lòng yêu nước chân chính 'bị lợi dụng' trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.

Phát biểu khi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 17/06, Tổng bí thư Trọng mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là 'có bàn tay của phần tử phá hoại' và 'không loại trừ có yếu tố nước ngoài'.

Internet và mạng xã hội Việt Nam

Hồi tháng 11/2017, nhân một lễ kỷ niệm 20 năm Internet vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định về sức lan tỏa của Internet ở Việt Nam :

"Từ người nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nêu ra mặt mà nhà chức trách ở Việt Nam cho là tiêu cực của Intenet :

"Cụ thể, hiện nay lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo".

Cũng hôm 18/06, báo Quân đội Nhân dân có bài của tác giả Bắc Hà phản bác lại các ý kiến lo ngại về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua tuần trước.

"Những băn khoăn, lo lắng về Luật An ninh mạng vi phạm hiệp định WTO, CPTPP và các doanh nghiệp mạng lớn như Google, Facebook sẽ rời khỏi Việt Nam có đúng không ? Câu trả lời là "không".

Tuy thế, điều tờ báo này đăng tải có vẻ hơi khác với phát biểu của Thủ tướng Phúc, về máy chủ.

Theo tác giả Bắc Hà thì :

"Theo Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho biết, các hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) mà Việt Nam tham gia và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh.

"Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet và các dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặt máy chủ ảo tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp".

Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam nói là "vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài".

Có vẻ như ở Việt Nam vẫn có sự chưa rõ ràng về máy chủ và dịch vụ 'đám mây điện toán'.

Các quan chức Việt Nam thường nhắc đến vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm (Google), mạng xã hội, mà không phân biệt với dịch vụ lưu trữ và phân phối dữ liệu qua 'cloud computing'.

baochi5

Trên toàn cầu đang có các phong trào phản đối khác nhau : Hình một cuộc phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Berlin, Đức

Trên thực tế, các đại gia công nghệ mạng như Google, Facebook vẫn dùng lại dịch vụ 'cloud computing' do các công ty như Akamai, Amazon, Cisco, Equinix, Rackspace cung cấp.

Trang web của Akamai giới thiệu họ đang vận hành 240 nghìn máy chủ, đặt ở 130 quốc gia và tải dòng dữ liệu 95 exabyte một năm.

Việc đặt các máy chủ ở Việt Nam, kể cả khi nếu xảy ra, chỉ có thể tác động một phần rất nhỏ đến các công ty dịch vụ dữ liệu.

Về báo chí, điều giới chỉ trích thường nêu ra không phải là ở Việt Nam có tự do báo chí hay không mà là nước này chưa có truyền thông tư nhân hoặc các cơ sở truyền thông độc lập với đảng phái chính trị, các nhóm lợi ích.

Hồi 2017, cũng nhân sự kiện 20 năm mở cửa cho Internet, Freedom House, tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet.

Trên thang 0-100, với 0 tự do nhất, và 100 ít tự do nhất, Việt Nam vẫn nằm trong những nước "Không có tự do Internet" cùng với Trung Quốc và Nga, theo báo cáo công bố hôm 14/11 của tổ chức này.

Quay lại trang chủ
Read 628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)