RSF : Tự do báo chí thế giới "suy giảm đáng lo ngại", Việt Nam vẫn trong nhóm cuối bảng
Hôm 03/05/2024, nhân Ngày tự do báo chí thế giới, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp đã công bố bảng xếp hạng năm 2024 về điều kiện hành nghề của giới phóng viên ở các nước. Chỉ số tự do báo chí của Việt Nam tăng 4 hạng so với năm ngoái, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia cuối bảng.
Một người đàn biểu tình ủng hộ tự do báo chí ở Manila, Philippines, ngày 18/12/2019. AP - Aaron Favila
Năm 2024 được coi là "năm có nhiều kỳ bầu cử nhất trong lịch sử thế giới", với một nửa dân số trên hành tinh sẽ đi bỏ phiếu. Nhưng theo RSF, năm nay lại chứng kiến "sự suy giảm đáng lo ngại trong việc ủng hộ và tôn trọng quyền tự chủ của truyền thông". Nhìn chung, điều kiện hành nghề báo chí ở 3/4 các quốc gia còn kém, các chủ thể chính trị thường xuyên tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền hoặc truyền bá thông tin sai lệch.
Tại Châu Âu, Na Uy vẫn đứng đầu bảng xếp hạng tự do báo chí. Trong khi đó, theo RSF, tại Belarus (thứ 167) hay Gruzia (thứ 103), "việc kiểm duyệt các phương tiện truyền thông đã được tăng cường, bắt chước các hành động đàn áp của Nga". Ở Châu Phi, chính quyền các nước Niger (thứ 80), Burkina (thứ 86) và Mali (thứ 114) "tiếp tục thắt chặt kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông và cản trở công việc của các nhà báo". Ngược lại, tại Châu Mỹ Latinh, tình hình đang được cải thiện ở Chilê (thứ 52, +31) và Brazil (thứ 82, +10). Còn tại Châu Á, Hồng Kông xếp thứ 135 về tự do báo chí do chính quyền gia tăng đàn áp nhân danh luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt vào năm 2020.
Riêng tại Việt Nam, Phóng viên không biên giới cho biết mạng xã hội và internet vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Dù đã tăng 4 hạng so với năm ngoái, Việt Nam vẫn xếp thứ 174/180. Khoảng 40 nhà báo hiện đang bị giam trong các nhà tù ở Việt Nam và tình trạng ngược đãi vẫn rất phổ biến. Nhiều chủ đề bị kiểm duyệt, bao gồm các tiếng nói bất đồng chính kiến, các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao, quan hệ với Trung Quốc, các vấn đề nhân quyền… Theo luật pháp Việt Nam, bất kỳ ai bị kết tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", "tuyên truyền chống Nhà nước" hoặc "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ" có thể bị kết án lên tới 20 năm tù.
Cũng nhân dịp này, UNESCO đã trao Giải thưởng Tự do Báo chí Thế giới cho tất cả các nhà báo Palestine đưa tin về Gaza, nơi bị tàn phá nặng nề trong suốt gần 7 tháng qua do các cuộc tấn công của Israel. Ông Mauricio Weibel, chủ tịch Ban giám khảo quốc tế, gồm các chuyên gia truyền thông, cho biết họ muốn gửi một thông điệp đoàn kết mạnh mẽ tới các nhà báo tại đây và nhấn mạnh "nhân loại nợ họ một món nợ to lớn, vì lòng dũng cảm và cam kết của họ đối với quyền tự do ngôn luận".
Minh Phương
Khi tin đồn càng ngày càng trở nên ồn ào hơn và có vẻ "chính thống" hơn thì nhân dân tự hỏi : Nhà báo đang ở đâu lúc này ?
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu động viên, chúc Tết quân và dân xã đảo Thổ Châu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Râm ran thì đã khá lâu, nhưng mạng xã hội bắt đầu bùng lên từ dòng trạng thái của Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, rằng "Câu Lạc bộ Quảng Ngãi từng quen thuộc với người hâm mộ khi tham gia đều đặn các giải hạng nhất, nhì quốc gia, nay vừa có ngôi sao gốc Vĩnh Long nộp đơn xin giải nghệ".
Những tin đồn về một cuộc "ngã ngựa" của nguyên thủ quốc gia đang lan ra chóng mặt ở Việt Nam.
Mặc dù chưa có một tin tức chính thức nào được phổ biến nhưng các yếu tố và sự kiện mới dần dần xuất hiện đã củng cố những những tin đồn được đưa ra trước đó.
Râm ran thì đã khá lâu, nhưng mạng xã hội có lẽ bắt đầu bùng lên từ là dòng trạng thái của Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) rằng"Câu Lạc bộ Quảng Ngãi từng quen thuộc với người hâm mộ khi tham gia đều đặn các giải hạng nhất, nhì quốc gia, nay vừa có ngôi sao gốc Vĩnh Long nộp đơn xin giải nghệ". Sau đó thì hàng loạt các thông tin đầy tính ám chỉ mơ hồ lan tràn trên mạng.
Tiếp đến là việc hoãn chuyến viếng thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan vì "tình hình nội bộ" mà đáng lẽ được diễn ra từ ngày 19-22/3 năm nay. Đỉnh cao chính là thông tin vềcuộc họp bất thường của quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21/3.
Theo Khoản 2 Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội chỉ họp bất thường khi"Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu".Trước đây việc họp bất thường là rất hy hữu, nhưng gần đây việc họp "bất thường" đã trở thành "bình thường". Đây đã lần họp bất thường thứ 6 của Quốc hội khóa XV.
Điều 91, Luật quốc hội Quy định là chương trình họp phải được thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng "chậm nhất là 04 ngày trước ngày khai mạc đối với kỳ họp bất thường". Như vậy, nếu như Quốc hội họp bất thường vào ngày 21/3 thì các phương tiện truyền thông phải được ra tin muộn nhất là vào ngày 17/3 nhưng thực tế cho đến ngày 18/3 mới được một hãng tinquốc tế rón rén đưa tin.
Khi tin đồn càng ngày càng trở nên ồn ào hơn và có vẻ "chính thống" hơn thì nhân dân tự hỏi : Nhà báo đang ở đâu lúc này ?
"Vũ khí tư tưởng" quan trọng ở đâu ?
Theo số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam thì đến cuối năm 2023 cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 đài phát thanh truyền hình với nhân sự ngành báo chí là 41.000 người trong đó 20.508 nhà báo đang được cấp thẻ (kỳ hạn 2021-2025).
Tất cả những người này họ đang làm gì giữa lúc tin đồn cứ lan đi khắp các hang cùng ngõ hẻm ? Thưa, họ vẫn ở đó, đầy thao thức và nhiệt huyết của những người làm báo, nhưng họ đang bị (hoặc tự) "bịt miệng".
Cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 đài phát thanh truyền hình với nhân sự ngành báo chí là 41.000 người trong đó 20.508 nhà báo được cấp thẻ nhưng họ đang bị (hoặc tự) "bịt miệng". Ảnh minh họa
Trong một xã hội độc tài toàn trị, Đảng cầm quyền luôn mong muốn thống lĩnh được niềm tin của dân chúng để dễ bề cai trị và truyền thông là lối dẫn quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến trí não và nhận thức của nhân dân. Do đó đảng phải triệt để nắm giữ phương tiện quan trọng này.
Thật vậy, trongQuyết định số 362/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, ngay tại Điều 1 ghi rõ :"Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Không chỉ bị khống chế tư tưởng ở trong công việc tại văn phòng, các phóng viên còn bị ràng buộc bởi Bộ "Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam" ban hành kèm theo Quyết định 1131/QĐ-HNBVN ngày 24/12/2018.
Khoản 3 Điều 4 củaBộ Quy tắc nêu : "Người làm báo không được đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác".
Do đó chúng ta không bất ngờ khi thấy hàng loạt nhà báo chỉ đưa tin bóng gió đủ kiểu về một vấn đề, từ hình ảnh phi ngựa bị ngã, cho đến hiện tượng "hai mặt trời", các cầu thủ bóng đá, đặc sản quê hương và bói toán… Có những người chỉ dám "quăng tin" với những tính từ với mập mờ, nước đôi để chính độc giả cũng phải mệt mỏi suy đoán.
Nhân quyền sau Đảng quyền
Tự do ngôn luận là một nhân quyền. Nó gắn liền với việc tự do tìm kiếm, tiếp nhật và truyền đạt thông tin của con người. Hầu hết các quốc gia đều ghi nhận quyền tự do ngôn luận.Điều 25, Hiến pháp Việt Nam cũng khẳng định"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định"
Khoản 3, Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 cũng khẳng định công dân có quyền"Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác".
Thế nhưng hầu hết các tờ báo Việt Nam đều im lặng trước những thông tin rất quan trọng, thu hút sự chú ý của tòan dân. Khi nhân dân lên tiếng thì Báo chí lại trích lời của Tổng bí thư và coi là :"xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự của đảng" và nhiều người đã phải chịu án tù hoặc bị phạt hành chính vì thực hành quyền tự do ngôn luận này.
Chúng ta thấy một điều rất lạ kỳ là hầu hết các tin tức quan trọng về Việt Nam đều được báo chí quốc tế lên tiếng trước, nghĩa là ở Việt Nam không phải không có nguồn tin mà chính sự "bịt miệng" đã đẩy những tin tức đi xa hơn, đem lại uy tín cho các tổ chức nước ngoài. Như vậy nhân quyền trong nước đã thua xa đảng quyền, sợ đảng mà cố gắng chạy "đường vòng" đi xa hơn và phi chính thống hơn.
"Thay ngựa giữa dòng" ?
Chủ tịch nước là một chế định quan trọng gồm 8 điều được quy định riêng trong một chương (Chương V) của Hiến pháp. Theo đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Nhưng chỉ cách đây 1 năm chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã "thôi" giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và từ chức Chủ tịch nước mà thực chất có thể coi là bị phế truất. Nhân dân vẫn không thể biết được lý do thực sự đằng sau đó là gì mà chỉ có thể đồn đoán.
Chuyện "thay ngựa" giữa dòng thể hiện quyền uy tuyệt đối của Bộ chính trị Đảng cộng sản nhưng cũng là lời tố cáo mạnh mẽ về tính chính danh của Nhà nước và là cú tát thực sự đau đớn cho những người mang quốc tịch Việt Nam, đã từng tin tưởng vào lá phiếu bầu nên Quốc hội.
Rõ ràng một người đại diện cho cả 100 triệu dân, Hiến pháp có thể bị một nhóm người yêu cầu "rút lui" mà vẫn là "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình…". Đây là việc tước bỏ quyền lực của người dân đã trao ban cho Quốc hội định đoạt. Quốc hội đã "theo đuôi" ai đó để đi ngược lại ý nguyện của nhân dân hoặc phản bội lại chính quyết định của mình trong một thời gian rất ngắn.
Mặc dù ủng hộ hết lòng việc đấu tranh chống tham nhũng"không có vùng cấm, không có ngoại lệ" nhưng nhân dân cũng không thể hài lòng với việc chỉ được biết tin Nguyên thủ của mình, đại diện diện tối cao của mình, được bầu ra bằng chính lá phiếu của mình (dù là hình thức và gián tiếp) lại có thể ra đi một cách dễ dàng mà không rõ nguyên nhân ?
Trong một thể chế mờ ảo, mơ hồ về nguồn tin, chỉ có nội bộ đảng xử lý với nhau, thì thật sự khó có thể phân tích tỏ tường, nhưng qua những biểu hiện này chúng ta thấy chế độ độc tài toàn trị nhìn bề ngoài tưởng như vững chắc nhưng luôn có những xáo trộn nội bộ rất lớn bên trong và khủng hoảng có thể đến bất cứ lúc nào nếu như chỉ một người đang nắm giữ quyền lực qua đời.
Trong sự phát triển của công nghệ và truyền thông như hiện nay, thật khó có thể tưởng tượng vẫn còn có những nền chính trị hoạt động tù mù như một hội kín.
Điều này chắc chắn sớm muộn cũng sẽ phải thay đổi bằng một cuộc cải tổ chính trị thực sự.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 20/03/2024
Việt Nam với những cái nhất
Việt Nam được xếp hạng thứ 178/180 quốc gia về tự do báo chí.
Về con số, đó là "thành tích đỉnh cao" – một hiện tượng mà Việt Nam khi nào cũng cố gắng đạt được và đã trở thành mốt, thành "xu thế thời đại". Khi mà Trung Quốc luôn gắn với "vĩ đại" thì Việt Nam luôn khao khát bằng mọi cách để đạt chữ "nhất" như Bánh chưng to nhất, cặp bánh dày lớn nhất, con đường gốm sứ dài nhất, dàn đồng ca quan họ đông người tham gia nhất…
Việt Nam được xếp hạng thứ 178/180 quốc gia về tự do báo chí.
Đó là một cái "mốt" mà các địa phương, các cơ quan từ nhỏ đến lớn đều đặt ra như những mục tiêu để phấn đấu, coi như một cơ hội, thành tích để được lưu danh sử sách, để hơn đời. Vì vậy, các cơ quan xác minh kỷ lục luôn bận rộn và bộn bề công việc.
Nhưng có những cái "nhất" khác nhau như vi phạm nhân quyền nhiều nhất, nhiều tù nhân lương tâm nhất, bỏ tù báo chí nhiều nhất, chính phủ hèn nhát, nhu nhược, sợ dân nhất… được cả thế giới mặc nhiên công nhận, thì Việt Nam giãy nãy chối đây đẩy như đỉa phải vôi.
Cứ mỗi lần nói đến tự do báo chí, nhà cầm quyền Việt Nam muôn lần như một mà rằng : Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí của người dân được bảo đảm bằng Hiến pháp và các văn bản luật pháp, trên thực tế có gần 1.000 tờ báo các loại… thế là đủ.
Và nếu có ai kêu Việt Nam không có tự do báo chí, thì có nghĩa là họ đã, thiếu thông tin, dựa vào những nguồn tin không xác thực, đã không khách quan, đã có thái độ thù địch với Việt Nam…
Tuyệt nhiên, chưa bao giờ nhà cầm quyền Việt Nam chấp nhận những khái niệm về quyền con người, về tự do báo chí, tự do tư tưởng, tôn giáo… của người dân theo một tiêu chuẩn chung. Họ nghiễm nhiên tự đặt cho Việt Nam một tiêu chuẩn riêng, một con đường riêng, một định nghĩa riêng mà chỉ có họ công nhận, chỉ có họ cho là đúng dù nó đi ngược với cả thế giới đã đành, mà còn ngược với ngay chính cả ngôn ngữ Tiếng Việt.
Ở Việt Nam, khác với cả thế giới, tự do báo chí không có nghĩa là người dân muốn nói gì thì nói, mà phải nói theo đường lối của đảng. Tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do phản biện và nêu ý kiến của mình, mà phải phản biện theo gợi ý và cho phép, dàn dựng của đảng.
Báo chí không chỉ là chỉ có báo nhà nước, cấm tiệt báo chí tư nhân, mà ngay cả báo chí nhà nước, cũng quy định cái nào được đưa tin tức, cái nào không được bén mảng tới nghiệp vụ báo chí, gọi là "chống báo hóa" như vừa qua.
Mạng xã hội, nơi mà người dân Việt Nam sử dụng nhiều nhất nền tảng xuyên quốc gia, cũng bị nhà cầm quyền đưa vào vòng quản lý. Hàng loạt người dùng Facebook đi tù chưa đủ để răn đe những tiếng nói công dân, mới đây, những nạn nhân bị bắt theo điều luật 331, tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" là một ngón mới để dập tắt, trả thù những tiếng nói nhỏ nhoi, yếu ớt của người dân trên mạng xã hội khi nói về thực tế đời sống xã hội Việt Nam.
Và cả ngàn tờ báo, chỉ có một Tổng biên tập là cơ quan Tuyên giáo Trung ương. Ở đó, mọi ý định được triển khai ra sao, báo chí được nói gì, phải im cái gì, nói ra sao, ngược xuôi như thế nào thì tất cả đều theo ý đảng, cấm nói bất cứ điều gì ngược lại, dù đó là sự thật.
Và thực chất, nền báo chí chỉ còn lại một nền báo chí nô lệ chỉ nhằm phụ họa, tung hứng cái gọi là vai trò của đảng, là trí tuệ, là văn minh…
Vấn nạn tham nhũng
Song song với những cái nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam không muốn công nhận, nhưng những cái gọi là "thành tích" được báo cáo, được báo chí tung hô bao nhiêu, càng lộ ra đằng sau đó thực tế xã hội như hiện tượng "đốt lò", chống tham nhũng… cho thấy hiện tượng tham nhũng khủng khiếp và đến mức độ vô phương cứu chữa của hệ thống chính trị hiện nay.
Những số liệu mà đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra, không có số liệu của các nước khác để so sánh, nhưng chắc chắn là tự nó đã đứng thứ "nhất" trên thế giới. Chẳng hạn, chỉ trong vòng có 10 năm, Đảng cộng sản Việt Nam - vốn tự xưng "là đạo đức, là văn minh", là tập hợp của những tinh hoa, ưu tú của giai cấp Công nhân tiên phong – đã kỷ luật 168.000 đảng viên.
Hẳn nhiên, con số đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Bởi thông thường, như mọi người đều biết thì nếu thực tế có 100, đảng chỉ phát hiện được 1, phát hiện 100 thì may ra kỷ luật được 1 và con số 168.000 đảng viên bị kỷ luật là một con số khủng khiếp.
168.000 đảng viên bị kỷ luật trong 10 năm, nghĩa là 16.800 đảng viên trong một năm, nghĩa là mỗi tháng có 1.400, mỗi ngày có khoảng 50 và cũng có nghĩa là trung bình cứ 1 giờ, thì có 2 đảng viên bị kỷ luật.
Và với 1 đảng viên bị kỷ luật, thì sẽ kéo theo hàng tỷ, hàng chục, thậm chí trăm, ngàn tỷ tiền dân.
Con số đó nói lên một thực tế : Đảng còn hơn một đại dịch ngày đêm cần mẫn cướp bóc của người dân Việt Nam bằng mọi cách, mọi lúc, mọi nơi và mọi cấp độ.
Thực tế đó, đảng đưa ra như một thành tích của việc đảng chống tham nhũng, nhưng ngược lại, đó là bản thống kê tội ác của đảng đối với nhân dân, đất nước và dân tộc này.
Vậy thì việc chống tham nhũng mấy chục năm qua đã đưa đến kết quả ngày hôm nay là gì ? Thành tựu của nó ra sao và tương lai của nó đi về đâu ?
Ai cũng thấy, tham nhũng ở Việt Nam, khi đảng bắt đầu hô hào chống tham nhũng, là khi mà tham nhũng chỉ là một hiện tượng và vài trường hợp lặt vặt.
Thế rồi sau mấy chục năm hò hét, "trống giong cửa nhà tù mở" thì con số đảng viên, cán bộ bước vào vòng tù tội đã tăng lên chóng mặt mà với cấp số nhân.
Từ một vài hiện tượng nhỏ lẻ, tham nhũng đã đạt đến tầm mức quốc gia và quốc tế. Nó xuất hiện ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội từ thấp đến cao, từ thằng đảng viên quèn nơi thôm xóm kiếm chác mấy đồng uống rượu suông cho đến những ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị, đến Chủ tịch nước, Phó thủ tướng v.v. tất cả đều bước theo nhau đến điểm đích cuối : Lao tù.
Tham nhũng, từ một số lĩnh vực đặc thù liên quan đến lương thực, thực phẩm, tiền bạc thì ngày nay đã phát triển sang mọi lĩnh vực của nền kinh tế xã hội từ đời sống thường ngày đến quốc phòng, an ninh.
Cũng tương tự, tham nhũng đã đi từ chỗ xuất hiện ở những thời điểm làm ăn thịnh vượng, quản lý không chặt chẽ, thì cho đến nay tham nhũng phát triển mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả dịch bệnh, thiên tai cũng đều là cơ hội kiếm chác của đảng viên, cán bộ của đảng.
Và cũng qua từng giai đoạn, tiếng loa mõ kêu chống tham nhũng ngày càng to, thì nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng.
Rồi cách chống tham nhũng cũng đi những bước thăng trầm theo thời gian. Ban đầu là hiện tượng bao che, che chắn, bởi hầu hết mọi cuộc tham nhũng đều là đảng viên. Bởi chỉ có đảng viên của đảng mới có cơ hội nắm chức, nắm quyền. Cái "Chỉ thị 15" của Bộ Chính trị quy định rằng chỉ khi cấp ủy quyết định thì mới được điều tra đảng viên đã biến chiếc thẻ đảng thành "chiếc kim bài miễn tử" cho mọi đảng viên tha hồ tung hoành tham nhũng mọi lúc, mọi nơi miễn là đảng vẫn còn che chắn cho chúng.
Cho đến khi tham nhũng đã trở thành phổ biến và cấp bách, cả hệ thống đảng đã trở thành "một bầy sâu" (Trương Tấn Sang) thì buộc đảng phải bỏ cái lệ đặt đảng viên ra ngoài xã hội, không bị chi phối của luật pháp.
Và khi đó, thì nhiều đảng viên cộng sản vẫn giữ nguyên thẻ đảng vào sinh hoạt trong tù vì không khai trừ kịp đảng viên phạm tội.
Người ta thấy rằng : Hệ thống đảng hiện nay, giống như một thây ma đã thối rữa lâu ngày, và đụng vào bất cứ chỗ nào cũng đều có thê bung bét ra một đống nhung nhúc giòi bọ.
Cho đến nay, sau khi bắt hàng trăm, hàng ngàn cán bộ cao cấp, các loại cấp ủy, các tư lệnh, đô đốc, anh hùng, tướng tá các loại vào nhung nhúc trong trại tù mà con số dự bị vẫn hết sức dồi dào và tiềm tàng, thì khi đó, đảng thấy… hoảng.
Bởi thời gian qua, các ủy viên Bộ Chính Trị và Ủy viên Trung ương, các loại tướng tá đã chứng tỏ cho đảng thấy rằng cái chuyện bắt bỏ tù hầu như chẳng có tác dụng gì cho việc ngăn chặn nạn tham nhũng. Những dòng người cầm thẻ đảng nối đuôi nhau vào nhà tù vẫn tươi như hoa, vẫn cứ "đường ra trận mùa này đẹp lắm" thì đã cho đảng thấy sự bất lực và phản tác dụng của việc đốt lò, nhóm củi mấy chục năm qua.
Bởi bản chất của đảng độc tài cầm quyền, là tham nhũng, là đục khoét, là nhũng lạm của công.
Bởi tham nhũng đã trở thành không chỉ là chất bôi trơn, mà là mục đích, là động lực của việc quần chúng vào đảng.
Bởi tham nhũng đã trở thành nguồn sống chính của cán bộ đảng viên. Việc bắt bớ, bỏ tù chỉ là "vận rủi" của một số ít cán bộ "bị lộ", và nó không ảnh hưởng đến phong trào tham nhũng đang giai đoạn nước rút và đều khắp mọi nơi.
Đến khi này, thì đảng bó tay và thể hiện sự bất lực của mình.
Và mới đây, Nguyễn Phú Trọng đã bất chấp luật pháp và quy luật xã hội, tự đưa ra một quy định rằng : Thôi, thì đã trót ăn cắp, đã tham nhũng thì nay hoặc xin thôi, hoặc trả lại tiền thì được tha.
Và thế là gần đây, hàng loạt các cán bộ các cấp từ trung ương đến địa phương đã đua nhau "xin nghỉ trước thời hạn" vì những lý do cá nhân như chăm mẹ già, sức khỏe kém… là những lý do mà từ khi sinh ra chế độ cộng sản trên đất nước này đến nay chưa hề xuất hiện trong cán bộ đảng viên đương chức, đương quyền.
Thế là cái chuyện "hy sinh đời bố, củng cố đời con" đã không còn cần thiết nữa, mà đảng viên, cán bộ chỉ cần dừng lại, và… xin nghỉ là đủ.
Vai trò của báo chí nô lệ
Trên thế giới, báo chí có vai trò hết sức to lớn đối với việc phản biện xã hội, phản ánh tiếng nói của mọi tầng lớp dân chúng, là cơ quan giám sát mọi hoạt động của hệ thống công quyền. Kịp thời vạch ra những sai phạm, chỉ ra những phương hướng, những ý kiến của cộng đồng dân chúng, để rồi qua đó, cả hệ thống kịp thời sửa chữa những hư hỏng của toàn hệ thống đang vận hành.
Suốt mấy chục năm đảng chứng tỏ một điều : Chỉ mình đảng chống tham nhũng chỉ là một trò lừa bịp không hơn.
Bởi không thể nhặt đi một vài con dòi trong cái thây ma đã thối rữa thì có thể làm sạch được cái thây ma đó.
Muốn thực sự chống được tham nhũng, không thể có chuyện "phê và tự phê" mà phải huy động tổng lực toàn xã hội trong việc giám sát, phát hiện, ngăn chặn, truy xét vấn nạn tham nhũng. Muốn huy động được điều đó, cần để tiếng nói của người dân được cất lên – nghĩa là phải có tự do báo chí.
Thế nhưng, tại Việt Nam, vai trò của báo chí đã bị tước bỏ, và xã hội được đạo diễn bởi một hệ thống độc tài, báo chí chỉ còn lại một chức năng là ca ngợi đảng và xuyên tạc những tiếng nói vì nhân dân, vì đất nước.
Mặc dù trên báo chí nhà nước, vẫn thỉnh thoảng có những bài viết về vai trò báo chí trong việc chống tham nhũng. Nhưng, vai trò đó, chỉ dành cho những kẻ tham nhũng đứng về "phe củi". Còn báo chí lại không tiếc lời tung hô những kẻ đang đốt lò. Để rồi mai kia, chính kẻ đốt lò hôm nay, những người to mồm răn dạy kẻ khác về đạo đức, về tư cách hôm nay, lại chính là tội đồ ngày mai.
Và tiền dân cứ chảy, đất nước lại cứ tiếp tục lầm than.
Điều đó, có sự đóng góp rất lớn của dàn báo chí nô lệ hiện nay.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 23/05/2023
Tự do báo chí : Việt Nam tụt 4 hạng trong nhóm cuối bảng, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên
Daniel Bastard, Chi Phương, RFI, 03/05/2023
Nhân ngày Tự Do Báo Chí 03/05/2023, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RFS) công bố bảng xếp hạng hàng năm về điều kiện hành nghề báo của 180 nước trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 178, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo RFS, ở Châu Á, hoạt động báo chí bị cản trở nhiều nhất tại các nước độc đảng.
Bản đồ xếp hạng tự do báo chí tại 180 quốc gia trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới thực hiện © Phóng viên không biên giới (Reporters Sans Frontiers)
Theo bảng đánh giá Chỉ số Tự do Báo chí Thế Giới lần thứ 21 công bố ngày hôm nay, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp, xếp các nước Bắc Âu đứng đầu bảng, cụ thể là Na Uy (1), Irland (2), hay Đan Mạch (3). Về phía cuối bảng, bộ tam các nước Châu Á là Việt Nam (178) vì đã truy quyét, săn lùng các nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập, Trung Quốc (179) nơi được coi là nhà tù lớn nhất thế giới giam giữ nhà báo và cuối bảng là Bắc Triều Tiên (thứ 180).
Về bảng xếp hạng này, RFI tiếng Việt đã phỏng vấn ông Daniel Bastard, phụ trách về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.
RFI : RFI xin cảm ơn ông Daniel Bastard đã dành thời gian trả lời phỏng vấn và tham gia tạp chí xã hội tuần này. Trước tiên, ông đánh giá như thế nào về thứ hạng tự do báo chí của Việt Nam, thứ 178, tức là tụt 4 hạng so với năm 2022 ?
Daniel Bastard : Chưa bao giờ Việt Nam được đánh giá thấp như vậy, chỉ đứng trước Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và đứng ngay sau Iran và Miến Điện. Phải nói rằng tình hình tại Iran vào năm ngoái, với phong trào phản kháng của quần chúng, trên thực tế đã cho phép tạo ra các cuộc tranh luận trong xã hội Iran cũng như thúc đẩy sự loan truyền thông tin. Tương tự tại Miến Điện, mặc dù chính quyền đã có nhiều hành động bạo lực với các nhà báo và phương tiện truyền thông, nhưng xã hội dân sự vẫn khá năng động và vẫn có thể tự do đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Thêm vào đó là cỗ máy đàn áp tại Iran và Miến Điện không hiệu quả như ở Việt Nam
Tại Việt Nam, dù là công an, hay cơ quan tuyên truyền của Đảng, cả hai định chế kiểm duyệt này đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính quyền gia tăng kìm kẹp thông tin. Trong khi đó, ở Miến Điện, có nhiều khu vực đã thoát khỏi sự kiểm soát của quân đội cầm quyền, nhiều nơi có những tờ báo tự do, hay những tờ rơi truyền tải thông tin. Tất cả mọi người có thể trao đổi thông tin trên mạng xã hội. Đó là lý do tại sao Việt Nam đứng sau những nước, nghịch lý mà nói, có hành động bạo lực hơn với nhà báo, nhưng trên thực tế lại vẫn có những nhà báo tự do hoạt động còn ở Việt Nam thì khá phức tạp. Phải nói rằng, tôi đã khá ngạc nhiên khi Việt Nam đứng sau Miến Điện. Chính quyền Hà Nội đã dập tắt mọi cuộc tranh luận trong xã hội dân sự. Có những người muốn tham gia làm báo, hoặc viết blog, đã được đào tạo trong lĩnh vực đó, nhưng họ bị kìm kẹp và đột nhiên không còn dám bày tỏ ý kiến. Vì vậy, có một nỗi sợ hãi về tự do ngôn luận đã hình thành ở Việt Nam.
Bảng biểu xếp hạng tình hình tự do báo chí theo khu vực trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố ngày 03/05/2023. © RSF
RFI : Về tình hình ở Châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nêu ra tình hình ở các nước độc đảng, nơi mà các lãnh đạo siết chặt kiểm soát trong các diễn ngôn công cộng. Tình hình này được thể hiện ở Việt Nam ra sao ?
Daniel Bastard : Theo tôi, tự do báo chí chủ yếu liên quan đến quyền lực của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đã tái đắc cử lần thứ 3, tiếp tục giữ vị trí này. Phải nói rằng ông ấy đã "quét dọn" ngay trong nội bộ Đảng, mà trước kia vẫn có những cuộc tranh luận.
Hành động của ông Nguyễn Phú Trọng cũng tương tự như những gì mà ông Tập Cận Bình đã làm. Ông ấy đã loại bỏ tất cả những bên đối lập hoặc tranh luận trong nội bộ Đảng, trong khi trước kia, từ 1975, trong Bộ Chính Trị của chính quyền Bắc Việt, vẫn được phép tranh luận, bày tỏ ý kiến đối lập và những cuộc tranh luận này được thể hiện trong các báo chính thống. Nhưng hiện giờ thì không còn như vậy nữa, báo chính thống hiện giờ tuân theo đường lối, một lãnh đạo, một Đảng, một Nhà nước. Trong khi cách nay 5 năm, một số cơ quan báo chí, nhất là về luật pháp, vẫn có những cuộc tranh luận khá thú vị, nêu ra những vấn đề xã hội ở Việt Nam, còn bây giờ thì tất cả đã bị dập tắt. Chúng ta có thể thấy sức mạnh của ông Trọng vào năm ngoái khi nhiều lãnh đạo cấp cao bị thay thế, trong đó có cả chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Một điểm khác nữa trong đường lối của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là làn sóng bắt giữ các nhà báo độc lập vào những năm gần đây. Nhiều blogger đã bị bắt giữ, mặc dù họ là những nhân vật lịch sử, có một vị trí nào đó trong Đảng hoặc trong quân đội, là những người từng rất được tôn trọng trong Đảng. Có những người từng là tướng lĩnh mà trước năm 1975, bị bắt giữ chỉ vì chỉ trích, đặt vấn đề, nghi ngờ đường lối của tổng bí thư, như trường hợp của ông Phạm Chí Thành (được trao Huy Chương kháng chiến hạng Nhì của Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ - nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, năm 1990).
Chúng ta có thể thấy rằng đường lối của ông Trọng đó là loại trừ tất cả những người bị cho là đối lập và cả những người chỉ muốn duy trì các cuộc tranh luận trong Đảng.
RFI : Theo báo cáo của RSF, Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới, ông có thể giải thích rõ hơn ?
Daniel Bastard : Hiện tại, 43 nhà báo hoặc blogger đang bị giam giữ trong tù tại Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành 1 trong 4 nhà tù giam nhà báo lớn nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, Miến Điện và Iran. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tự do báo chí ở Việt Nam lại bị xếp hạng thấp đến vậy. Song song với đó là những án tù rất nặng, tòa cũng rất nghiêm khắc đối với nhà báo. Chúng tôi đã ghi nhận những án tù rất nặng đối với cánh nhà báo và blogger. Cách nay 10 năm, một bloger bị bắt vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước", hoặc những tội danh tương tự được ghi trong Luật Hình Sự, thường là mơ hồ, được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận, thường chỉ lãnh án 2 hoặc 3 năm tù giam. Nhưng nay, họ có thể phải lãnh 9 đến 10, thậm chí là 15 năm.
RFI : Gần đây nhất, một nhà báo tự do Đường Văn Thái, vốn xin tị nạn ở Thái Lan, đã bị bắt giữ, ông đánh giá thế nào về trường hợp này ?
Daniel Bastard : Theo tôi, trường hợp của Đường Văn Thái là một hiện tượng cho thấy Việt Nam hoàn toàn coi thường những vấn đề liên quan đến luật pháp và chủ quyền. Bởi vì ông Thái đã xin tị nạn ở Thái Lan nhưng lại bị phía Việt Nam bắt đi. Trước tiên, điều này đặt ra câu hỏi về sự tiếp tay hay thụ động của một số quan chức Thái Lan. Đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà báo Trung Quốc hay Việt Nam bị bắt trên lãnh thổ Thái Lan. Một vấn đề khác trong trường hợp của ông Đường Văn Thái, đó là ông "chính thức" bị bắt vì đã đi vào lãnh thổ Việt Nam từ Lào, nhưng điều này là hoàn toàn vô lý. Chúng tôi thấy rằng cơ quan tuyên truyền của Việt Nam không hề có tính sáng tạo, hoặc là quá sáng tạo khi đưa ra thông tin này, có vẻ như Việt Nam muốn che đậy dấu vết của vụ bắt giữ khi đưa ra thông tin không đúng sự thật như vậy. Một điều đáng quan ngại khác đó là ông Đường Văn Thái đã bị câu lưu trong 9 ngày, nhưng cho đến nay chưa có tin tức gì mới. Thông thường, trong Luật Hình Sự Việt Nam, sau 9 ngày giam giữ sẽ hoặc là thả người, hoặc là buộc tội hay truy tố. Nhưng chúng tôi không có bất cứ thông tin gì về ông ấy cả. Công an Việt Nam vi phạm luật pháp Việt Nam. Điều này thể hiện một chút về sự độc đoán hiện đang ngự trị trong chính quyền Việt Nam.
RFI : Trái ngược với Trung Quốc, nơi mà các mạng xã hội của phương Tây như Twitter, Facebook, Instagram bị cấm, hàng triệu người dân Việt Nam vẫn có quyền truy cập vào các ứng dụng này. Tuy nhiên vào năm 2018, Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua, nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức nhân quyền, phi chính phủ, như RSF đã mạnh mẽ phản đối. Vậy theo ông, cho đến nay, liệu mạng xã hội có còn là nơi tranh luận, bày tỏ ý kiến tự do của người dân ?
Daniel Bastard : Tôi nghĩ rằng mạng xã hội, blog, hay hiện giờ là Tiktok, vẫn là nền tảng tranh luận tự do ở Việt Nam. Nhiều người đã thấy rằng các tờ báo chính thống không đáng tin hoặc đưa những tin bị kiểm duyệt và do vậy họ không quan tâm đến các tờ báo này nữa vì họ biết rằng nhiều thông tin được truyền tải bởi các cơ quan báo chí, thường là những lời bịa đặt hoặc những sự thật bị cải biên.
Internet nói chung và mạng xã hội thường là những không gian tự do ít khi có được trong các chế độ độc đảng độc tài khác. Tại Việt Nam, các trang blog vẫn khá năng động, là những nơi có các cuộc tranh luận, ngăn cản sự tuyên truyền một chiều từ đảng Cộng Sản, áp đặt tư tưởng và cho phép công dân có thể có những thông tin khác, gần với tiêu chuẩn thông tin báo chí.
RSF : Tự do báo chí Việt Nam tụt hạng, đứng 178/180 : chỉ trên Bắc Triều Tiên và Trung Quốc
VOA, 03/05/2023
Việt Nam tụt hạng gần ‘đội sổ’ tự do báo chí năm 2023, xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF).
Đại diện của tổ chức này nói với VOA rằng lý do tụt hạng của Việt Nam là do phe cánh của người đứng đầu Đảng Cộng sản tăng cường bịt miệng những tiếng nói của các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ.
Hôm 3/5, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới, tổ chức RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, theo đó ba nước Châu Á đứng cuối bảng là Việt Nam, xếp thứ 178 ; Trung Quốc 179 ; và Triều Tiên 180.
Như vậy, Việt Nam, nơi chính quyền tự hào và cổ võ cho nền "báo chí cách mạng", bị rớt từ hạng 174 hồi năm 2022 xuống gần cuối bảng trong năm nay, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay.
Lý do rớt hạng
Theo RSF, tổ chức có trụ sở ở thủ đô Paris của Pháp, lý do Việt Nam bị tụt hạng là do chính quyền Hà Nội "gần như hoàn tất việc truy bắt các nhà báo độc lập và các nhà bình luận" trên mạng xã hội.
"Việc Việt Nam tụt hạng năm 2023 là kết quả của cuộc đàn áp không ngừng đối với báo chí độc lập dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua những vụ bắt bớ và án tù nặng nề, ông Trọng đã thành công trong việc đè bẹp sự năng động to lớn của báo chí trực tuyến trong xã hội Việt Nam, cũng như những nỗ lực tạo ra một cuộc tranh luận bên trong các cơ quan truyền thông chính thức", ông Daniel Bastard, Giám đốc Ban Châu Á – Thái Bình Dương của RSF, cho VOA biết qua email khi tổ chức này công bố bảng xếp hạng 2023.
Ông Bastard cho biết một minh họa mới nhất về "thành quả" của sự đàn áp này là vụ bắt giữ nhà báo Đường Văn Thái, người đang tị nạn ở Thái Lan gần đây. "Điều này có nghĩa là phe cánh của ông Nguyễn Phú Trọng đang truy sát các đối thủ của mình và truy sát xuyên biên giới những người công khai lên tiếng về đấu đá nội bộ đảng", ông Bastard viết.
Trước đó, hôm 27/4, RSF cũng lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam ông Đường Văn Thái hôm 14/4 ở Hà Tĩnh do "nhập cảnh trái phép" trong khi bạn bè của ông cho rằng ông bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc" ở Thái Lan.
Ông Daniel Bastard nhận định trong một tuyên bố của RSF về việc công an Hà Tĩnh bắt ông Thái : "Công an thậm chí đã không tôn trọng các quy tắc của chính họ trong việc quyết định sẽ làm gì với ông ấy. Trường hợp này là một ví dụ đáng buồn về mức độ khinh thường khủng khiếp mà chính quyền chà đạp lên sự thượng tôn pháp luật và tự do báo chí".
Năm nay các chỉ số cụ thể của Việt Nam được RSF nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 179, chỉ số kinh tế xếp hạng 180, chỉ số lập pháp 177, chỉ số xã hội 163 và chỉ số an ninh 163.
Liên tục trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về tự do báo chí, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí "rất tồi tệ".
Theo báo cáo của RSF, truyền thông chính thống của Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi độc đảng và việc các phóng viên độc lập cũng như các blogger thường xuyên bị bỏ tù khiến cho Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với các nhà báo.
Việt Nam hiện đang giam giữ 42 nhà báo sau song sắt trong năm qua, theo thống kê của RSF.
Kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên vào 2016 đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng, người thực sự nắm quyền tại Việt Nam, liên tục bị RSF đưa vào danh sách ‘kẻ thù tự do báo chí’ trên thế giới, gọi ông và khoảng hơn 20 lãnh đạo các quốc gia độc tài khác là "những kẻ săn mồi tự do báo chí", và bị tổ chức này đánh giá là đã áp dụng các phương thức khác nhau trong việc kiểm duyệt và đàn áp tự do báo chí, với các "con mồi" là những nhà báo và các cơ quan truyền thông.
RSF nói rằng "ông Trọng đã thiết lập một hệ thống đàn áp không ngừng để đối phó với một xã hội dân sự đang ngày càng tìm kiếm thông tin đáng tin cậy, đặc biệt là trên Internet, một cách mạnh mẽ".
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho ý kiến về việc công bố bản xếp hạng tự do báo chí 2023 của RSF, nhưng chưa được phản hồi.
Những tiếng nói đồng tình
Các nhà báo độc lập, blogger và giới hoạt động trong và ngoài nước bày tỏ sự đồng tình với bảng xếp hạng mới nhất của RSF.
Việt Nam là một trong ba chế độ độc tài toàn trị còn lại dưới quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản
Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa, người từng làm phóng viên cho các tờ báo nhà nước, chia sẻ nhận định với VOA :
"Việc xếp hạng của RSF về tự do báo chí năm nay, 2023, Việt Nam tụt xuống 178, có nghĩa là nằm trong ba nước đội sổ, chỉ đứng trên Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thôi. Đó là một điều rất đáng buồn !
"Tôi cho rằng xếp hạng này tương đối chính xác ở chỗ rằng tự do báo chí Việt Nam ngày càng bị bóp nghẹt".
Trong một nhận định tương tự, một nhà hoạt động và là một blogger bất đồng chính kiến tại Tp. Hồ Chí Minh, yêu cầu không nêu tên, nhận định với VOA :
"Bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF phản ánh đúng thực trạng của Việt Nam trong năm vừa qua. Sau hàng loạt các vụ bắt bớ, hầu như không còn ai dám lên tiếng phản đối bất công xã hội một cách công khai trên mạng xã hội".
"Thậm chí anh Đường Văn Thái là một nhà báo tự do đang tị nạn tại Thái Lan còn bị bắt cóc về Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Với việc đàn áp tàn khốc như thế thì tôi nghĩ rằng mùa Đông cho nền báo chí Việt Nam còn kéo dài ít nhất là vài năm nữa", người này nhận định thêm.
"Là một người Việt Nam thì có ai mà không xấu hổ trước việc chỉ số tự do báo chí của Việt Nam chỉ còn hơn được hai nhà nước cộng sản độc tài tàn bạo bậc nhất là Trung Quốc và Bắc Hàn. Chế độ toàn trị ở các nước cộng sản kìm kẹp người dân còn hơn cả các xứ theo chế độ quân phiệt như Myanmar, Thái Lan, và chế độ thần quyền như ở Iran, Ả Rập Saudi, v.v.". nhà hoạt động không nêu tên chia sẻ với VOA.
Từ Berlin, Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ báo Việt ngữ Thoibao.de, nêu nhận định :
"Tổ chức RSF đánh giá Việt Nam tụt hạng lần này so với những năm trước là hoàn toàn đúng đắn và chính xác bởi vì trong thời gian gần đây mọi người cũng đã chứng kiến việc nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng đàn áp dữ dội những người viết trên mạng xã hội, YouTube, và những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa và họ đã nhận lãnh bản án rất nặng nề với nhiều lý do rất vô cớ.
"Gần nhất là việc họ dường như bất chấp luật pháp quốc tế và tiếp tục có hành động được cho là bắt cóc một blogger khá nổi tiếng là Đường Văn Thái đang tị nạn tại Thái Lan.
"Điều này cho thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp ngày một nặng tay và dữ dội hơn đối với người viết blog, nhà báo, hay những người bày tỏ chính kiến trên các phương tiện truyền thông xã hội".
Từ Paris, Pháp, cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng, người từng bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt 3 năm tù cùng 3 năm quản chế về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", nêu nhận định với VOA :
"Điều mà tôi nghĩ mọi người ai cũng nhận thấy là ở Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí.
"Trong ba năm qua, sau Phạm Chí Dũng, những nhà báo có tiếng như Trương Châu Danh Hữu, Phạm Đoan Trang… đều đã bị bắt và phạt tù. Tôi nghĩ rằng có lẽ vì có sự đàn áp thô bạo như thế nên thứ hạng của Việt Nam phải tụt xuống".
Từ Houston, Texas, Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nêu nhận định về tự do báo chí Việt Nam :
"Khó khăn lớn nhất của truyền thông nhà nước Việt Nam hiện tại theo tôi, đó chính là được tự do tác nghiệp, đưa thông tin một cách trung thực, khách quan và độc lập, bởi vì đặc điểm của báo chí Việt Nam đó chính chịu sự kiểm duyệt và mang tính chất tuyên truyền.
"Dù có hơn 700 tờ báo và nhiều đài truyền hình thì các bản tin đều phục vụ một nội dung là tuyên truyền, cho nên điểm khó khăn lớn nhất chính là tự do độc lập và khách quan".
Lễ công bố bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF 2023 hôm 3/5 dự kiến diễn ra với sự tham dự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong vai trò đồng chủ tọa.
Từ chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam
Ông Clayton Weimers, Giám đốc văn phòng của RSF tại thủ đô Washington, trước đó cho biết trong một thông cáo : "Hoa Kỳ có trách nhiệm thúc đẩy và thể hiện các giá trị của tự do báo chí trên toàn thế giới. Sự tham dự của Ngoại trưởng Blinken vào sự kiện trực tuyến này là một cam kết đáng hoan nghênh đối với những giá trị đó. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác để tạo ra những hành động cụ thể hơn nữa giúp các nhà báo trên toàn thế giới an toàn hơn và bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của mọi người".
Trước đó, trong một email gởi cho VOA liên quan đến vụ nhà nước Việt Nam phạt tù nhà báo Nguyễn Lân Thắng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết : "Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam thực hiện các bước phối hợp để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo luật pháp quốc tế và cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình".
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc đàn áp tự do báo chí, và luôn khẳng định rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam vẫn được thể hiện đa dạng về loại hình và nội dung.
Nhận định về xếp hạng của RSF năm ngoái (2022), chính quyền Việt Nam nói rằng nội dung đánh giá của RSF "vẫn tiếp tục phớt lờ thực tế về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam" và RSF đã đưa ra những "đánh giá thiên lệch, thiếu khách quan và hoàn toàn không có cơ sở khi xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia "ít có tự do báo chí"".
Ngoài RSF, các tổ chức quốc tế như Freedom House (Washington DC), Viện Fraser (Vancouver, Canada), hay Tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (Civicus) cũng cho rằng chỉ số về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam bị hạn chế.
Bảng đánh giá 2023 của Freedom House cho rằng Việt Nam "không có tự do báo chí", với chỉ 19/100 điểm về tự do nói chung, 22/100 điểm về tự do Internet. Bảng xếp hạng mới nhất của Tổ chức World Economic Research có trụ sở ở London đánh giá Việt Nam có điểm số "rất xấu" về tự do báo chí, chỉ với 28.2/100 điểm, và các quyền chính trị chỉ đạt 14/100 điểm. Báo cáo năm 2022 của Viện Fraser cho thấy Việt Nam đứng thứ 132/165 quốc gia trong bảng xếp hạng tự do nói chung, với các quyền tự do cá nhân (5.08/10), kinh tế (6.42/10) và con người (5.64) chỉ ở mức trung bình, thấp hơn Campuchia, Thái Lan. Còn Tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (Civicus) xếp Việt Nam vào nhóm 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á có không gian "đóng" với xã hội dân sự - đồng nghĩa với việc các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội không được chính quyền coi trọng.
Tự do báo chí khu vực Đông Nam Á : Việt Nam "cá biệt trong nhóm cá biệt"
Tự do báo chí ở tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đồng loạt bị rớt hạng trên bảng xếp hạng về chỉ số Tự do báo chí trong suốt 20 năm qua. Riêng Việt Nam luôn "ổn định" ở vị trí áp chót, chỉ xếp trên Myanmar, quốc gia đang bị Chính quyền quân sự kiểm soát.
- Reuters
Thông tin trên được nêu trong bài viết có tên tạm dịch là "Con đường đến Tự do báo chí đầy chông gai ở khu vực Đông Nam Á" (The Rocky Road to Press Freedom in South East Asia) được đăng trên trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) hôm 22/2.
Việt Nam "ổn định" nhóm chót bảng
Có nhiều quốc gia bị giảm thứ hạng trầm trọng trong hai thập kỷ qua, như Indonesia từ hạng 57 xuống 117, Philippines từ 90 xuống 147, Campuchia từ 71 xuống 142, Thái Lan từ hạng 66 xuống 115…
Riêng Việt Nam rớt từ hạng 137 xuống 174 và là nước đứng áp chót trong khối ASEAN.
Từ nước Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định rằng ở Việt Nam, người dân chưa bao giờ được hưởng quyền tự do báo chí. Trong khi ở các quốc gia khác như Campuchia hay Indonesia, người dân trong một vài giai đoạn đã có được quyền lập và hoạt động báo chí tư nhân, độc lập. Luật sư Đài nói :
"Điều 25 Hiến pháp quy định là công dân Việt Nam có quyền tự do báo chí nhưng trong thực tế, 100% báo chí đều được thành lập và vận hành quản lý bởi các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ban Tuyên giáo Việt Nam…".
Trả lời RFA qua email, nhà báo, luật sư nhân quyền Trịnh Hữu Long cho rằng bất kỳ chính phủ nào trên thế giới cũng có những cách thức hay luật lệ nhằm hạn chế tự do báo chí ở những mức độ khác nhau và ít nhiều bị phê phán. Tuy nhiên, Việt Nam rơi vào nhóm "cá biệt của cá biệt", tệ hơn cả Campuchia rất nhiều. Lý do ông Long phân tích là vì Việt Nam cấm hoàn toàn báo chí tư nhân trong khi hầu hết các nước khác ở Đông Nam Á - kể cả Campuchia, nhưng trừ Lào - đều cho phép.
Luật sư Long đồng thời cho rằng Việt Nam cũng kiểm soát Internet chặt chẽ hơn gần như tất cả các nước khác, không cho báo chí điện tử độc lập "ngóc đầu" lên. Và, đất nước độc đảng này cũng bắt bớ nhà báo vào hàng nhiều nhất thế giới. Ông Long nói tiếp :
"Tất cả những điều đó tạo ra một nền văn hoá tự kiểm duyệt cực kỳ nặng nề ở Việt Nam. Như vậy, chính quyền không những hạn chế, ngăn cản báo chí, mà còn tạo ra những điều kiện cần để các nhà báo và tòa soạn tự bóp họng mình".
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists - CPJ), Việt Nam là nhà tù lớn thứ ba ở Châu Á đối với nhà báo, sau Trung Quốc và Myanmar.
Cộng đồng ASEAN "dắt tay" đi xuống
Bảng xếp hạng Tự do báo chí các nước Đông Nam Á năm 2002 và 2022. Ảnh : RSF
Lý giải về bảng xếp hạng tự do báo chí ở các nước Đông Nam Á nhất là trong nhiều năm liên tiếp, nhiều quốc gia trong khối ASEAN cùng "dắt tay nhau" đi xuống, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng :
"Khi mà các nước ở trong Đông Nam Á còn giữ quy định là "không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác" thì những quốc gia có nền tự do dân chủ lớn hơn không được phép can thiệp vào các quốc gia ở trong khối. Nó sẽ làm cho tự do báo chí thụt lùi, cùng đi xuống.
Các hiệp hội tự do báo chí ở các nước không có sự tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng ASEAN đương nhiên là nó sẽ đi xuống thôi".
Ở một khía cạnh khác, luật sư Trịnh Hữu Long phân tích thêm lý do vì các nước trong khối luôn có sự ảnh hưởng qua lại về mọi mặt, trong đó có cả nhân quyền nên các nước sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến nhau để duy trì được quyền lợi của mình. Ông nói tiếp :
"Chẳng hạn, Việt Nam sẽ không muốn Campuchia hay Lào trở thành các nước dân chủ, vì đó sẽ là mối đe dọa trực tiếp với quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam - với tiềm lực kinh tế vượt trội so với một số nước trong khu vực - còn xuất khẩu được mô hình quản trị vi phạm nhân quyền của mình sang các nước khác thông qua các khoản đầu tư chẳng hạn.
Ví như Viettel đang là nhà đầu tư lớn nhất của Mytel bên Myanmar - vốn là một công ty của các tướng lĩnh quân đội Myanmar, cung cấp rất nhiều tài lực cho các hoạt động xâm phạm nhân quyền của quân đội".
Ngược lại, cũng theo ông Long, các quốc gia láng giềng khi có tiến triển về nhân quyền cũng tác động ít nhiều đến tình hình chung. Ông Long nêu dẫn chứng trước đây, các nước dân chủ tương đối như Philippines, Indonesia, Thái Lan - hay kể cả Myanmar thời kỳ đầu cải cách - đều truyền được cảm hứng dân chủ cho người Việt Nam.
"Chúng ta từng chuyền nhau những mẩu tin nức lòng về cải cách chính trị ở Myanmar, hay những cuộc bầu cử sôi động ở các nước khác trong khu vực.
Khi có một, hay một vài, nền dân chủ đủ mạnh trong khu vực, các nền dân chủ đó sẽ có xu hướng gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng để xây dựng một cộng đồng dân chủ chia sẻ những giá trị chung. Từ đó không những tránh được xung đột khu vực mà còn thúc đẩy giao thương và giao lưu văn hoá.
Tiếc rằng điều này chưa trở thành thực tế ở Đông Nam Á. Khu vực chúng ta chưa bao giờ sản sinh ra một hình mẫu dân chủ nào đủ thuyết phục và có ảnh hưởng đủ mạnh tới các nước láng giềng".
Xu hướng dân chủ thoái trào
Hiện nay, cả thế giới đang nằm trong xu hướng thoái trào chung về dân chủ và tự do báo chí thế giới kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, theo phân tích của luật sư Nguyễn Hữu Long, khi yếu tố chống khủng bố và an ninh quốc gia trở thành ưu tiên thì các nước có xu hướng thắt chặt các quyền tự do ở trong nước và vi phạm luật pháp quốc tế ở nước ngoài.
Trong bối cảnh chung như vậy, vẫn theo luật sư Long, Đông Nam Á lại vướng phải hai chuyện : trình độ kém phát triển dẫn đến sự nổi lên của các trào lưu chính trị dân tuý, cộng với sự ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực.
Luật sư Trịnh Hữu Long đưa ra ví dụ về Philippines. Ông nói rằng, đất nước này có tiếng là dân chủ và tự do về báo chí bậc nhất ở Đông Nam Á nhưng bế tắc trong bài toán phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế nghèo nàn, tội phạm tràn lan, nạn tham nhũng đục khoét tận xương tuỷ bộ máy nhà nước. Điều đó dẫn đến sự nổi lên của các chính trị gia và đảng phái dân tuý như Duterte, vốn là những người muốn giành và giữ được quyền lực bằng cách "chuốc cho dân chúng say khướt trong những lời hứa nhăng hứa cuội cộng với phong cách lãnh đạo mạnh bạo, coi trọng sức mạnh hơn là lý lẽ".
Cùng lúc đó, ông cho rằng, Trung Quốc mạnh tay viện trợ và đầu tư vào Philippines mà không đòi hỏi Philippines phải minh bạch hay tôn trọng nhân quyền gì, rất khác với phương Tây. Nên kết quả là, ông Long nói : "Nền báo chí tự do của Philippines xuống dốc không phanh, chính trị gia tấn công báo chí như cơm bữa, nhà báo bị truy tố và bị giết ngày càng nhiều hơn".
Trung Quốc cũng đang tìm cách đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình đến toàn bộ khối ASEAN trên mọi mặt. Hồi tháng 11 năm ngoái, tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, hai bên đã tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp ACFTA (Thoả thuận khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện) lên phiên bản 3.0.
Vào ngày 7/2 vừa qua, vòng đám phán đầu tiên về ACFTA phiên bản 3.0 chính thức bắt đầu, các quan chức Trung Quốc và các nước ASEAN đã đi sâu thảo luận về trình tự, quy tắc, chương trình tiến hành đàm phán và kế hoạch công tác, tiến tới đề ra thời gian biểu và lộ trình cho cả quá trình đàm phán sau này.
(Theo Andreas Harsono, "The Rocky Road to Press Freedom in South East Asia", Human Rights Watch, 22/02/2023)
Nguồn : RFA, 24/02/2023
Báo chí cũng phải độc lập với các thế lực trong xã hội. Bởi nếu cứ tiếp tục cách vận hành báo chí phải là cơ quan của Đảng và Nhà nước thì nó sẽ trở thành cơ quan tuyên truyền, quảng cáo cho chủ quản thay cho chức năng báo chí. Xã hội thiếu vắng báo chí, mạng xã hội lấn sân.
Báo chí phải là tai mắt của xã hội, vì có như thế Đảng mới có thể hiểu người dân đang muốn gì, cần gì !
Lời thật thì dễ… mích lòng
Một lưu ý, từ tác giả ‘chấp bút’ cho đến người ký ban hành "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" đều có vấn đề về "tư tưởng chính trị".
Theo đó, Quyết định số 362/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3/4/2019, về "Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025", được chấp bút qua hai đời bộ trưởng là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Và về sau thì cả hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều đang thụ lý án tù với tội danh "nhận hối lộ" trong dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua lại cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Ông Trương Minh Tuấn được cho là người chấp bút soạn thảo "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" từ lúc ông còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông. Trong "sự nghiệp viết lách", ông Trương Minh Tuấn có một tác phẩm được xuất bản năm 2016 mang tên "Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay".
Lúc còn quyền uy ở Bộ Thông tin và truyền thông, ông Trương Minh Tuấn từng nặng lời phê bình báo chí trong vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam 2016 do Formosa gây ra : "Một số cơ quan báo chí đã tích cực vào cuộc, giúp cơ quan có trách nhiệm kịp thời dự báo, cảnh báo người dân. Nhưng cũng có một số báo đưa tin thổi phồng quá mức, suy diễn thủ phạm, khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì truy bức họ phải đưa ra nguyên nhân".
Chỉ những ai bất tài mới chê trách Đảng ?
Một vụ việc khác cũng xảy ra trong năm 2016. Trước ý kiến của ông Võ Đăng Thiên, khi đó là Tổng biên tập báo điện tử Infonet (thuộc chủ quản Bộ Thông tin và truyền thông), rằng : "Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo… là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng của cơ quan chỉ đạo,… lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc", thì bị ông Trương Minh Tuấn độp thẳng rằng : "đó là sự ngụy biện".
Bằng quyền uy của người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông, ông Trương Minh Tuấn khẳng định : "Không thuyết phục được bạn đọc là do trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật… đổ lỗi cho pháp luật quả là chuyện nực cười.
Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa chiều, càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo".
Chưa dừng lại, nhân danh là thủ trưởng đơn vị chủ quản, ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định "tạm đình chỉ chức vụ Tổng biên tập báo Infonet đối với ông Võ Đăng Thiên trong thời gian 15 ngày, để làm rõ trách nhiệm cá nhân của ông với những sai phạm của Infonet thời gian qua".
Vụ việc "tạm đình chỉ Tổng biên tập báo Infonet" xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau vụ báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) bị đình bản ba tháng vì ‘để xảy ra những sai phạm’, và Tổng biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo.
Một trong những lý do được công bố là PetroTimes đã có báo trích đăng lại từ báo hải ngoại về vụ án Trịnh Xuân Thanh, người đang bị Việt Nam truy nã. Bài báo đăng trên trang PetroTimes ngày 30/9/2016, ngay sau đó bị xóa, trích lại phỏng vấn với cây bút Bùi Thanh Hiếu từ Đức (còn được biết đến với bút danh Người Buôn Gió), người đã viết nhiều bài về ông Trịnh Xuân Thanh từ khi nhân vật này "mất tích".
Giải thích trên báo chí, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nói rằng tờ PetroTimes có nhiều vi phạm, và việc đăng bài phỏng vấn ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một trong số lý do đó mà thôi.
Đảng phải luôn là vị Tổng biên tập duy nhất
Trở lại với Quyết định số 362/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3/4/2019, về "Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025".
Ở quyết định này có một chi tiết mang tính ‘triệt buộc’ : Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch là mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh.
Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 5 cơ quan báo, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo ; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 26/01/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định ngày 9/12/2022 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo, do một đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là cán bộ thuộc các cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Ban Chỉ đạo chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ. [1]
Các bằng chứng khoa học nhất quán chỉ ra rằng tự do báo chí có thể làm giảm tham nhũng - Ảnh minh họa
Khi nào thì ông Khái hoàn thành nhiệm vụ ? Nếu các ông không thể giải thích các hành vi "… ăn của dân không từ một cái gì" [2], thì các ông có một vấn đề rất lớn về trách nhiệm giải trình.
Để xem thử ông Chính nói giỡn hay nói thiệt, tôi tò mò muốn tìm hiểu dân ở quê tôi Đà Nẵng bị ảnh hưởng từ tham nhũng ra sao và để thử nghiệm khi nào thì ông Khái có thể "về hưu".
Cuối năm 2022, phát hiện 500 triệu đồng trong vụ cựu chủ tịch quận ở Đà Nẵng nhận hối lộ. Ông Đàm Quang Hưng – cựu chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) – nhận hối lộ 500 triệu đồng [3].
Năm 2022, ông Võ Thiên Sinh, cựu phó chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), và thuộc cấp bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi nhận hối lộ của doanh nghiệp trong gói thầu thi công nạo vét cống thoát nước trên địa bàn quận này [4]. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thy Nghĩa Hưng liên quan vụ án đưa và nhận hối lộ tại Đà Nẵng đã trúng nhiều gói thầu nạo vét bùn trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ngoài ra, công ty này cũng từng trúng các gói thầu tại một số đơn vị, quận khác trên địa bàn.
Năm 2022, Đà Nẵng đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với các Đảng ủy : Sở Y tế thành phố, Sở Tài chính thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng, Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng, Chi bộ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong vụ án Việt Á [5].
Trong thời gian dài 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng đã câu kết với Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhiều nhà đất công sản, nhà đất vị trí vàng, mua rẻ hơn nhiều giá trị thực gây thiệt hại cho nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng [6]. Trong khi bị giam, Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc đưa tiền tỉ cho một lãnh đạo để nhờ giúp đỡ [7].
Năm 2021, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng xác nhận đã ra quyết định về việc thu hồi quyết định thi hành án dân sự liên quan đến các bất động sản, tài sản đảm bảo thi hành án… trong vụ án Phan Văn Anh Vũ [8].
Năm 2018, 2 cựu chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến bị khởi tố do liên quan đến sai phạm trong bán đất công ở Đà Nẵng, trong đó có phi vụ bán sân vận động Chi Lăng, người dân Thành phố Đà Nẵng vô cùng bức xúc [9].
Năm 2018, trên mạng xã hội lan truyền thông tin từ facebook của một nhà báo tại Đà Nẵng cho rằng ông Lê Văn Tam giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng có biệt phủ rộng khoảng 1.000m2 trong làng biệt thự Euro Village với giá trị đất và nhà giá trị 100 tỉ đồng [10]. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, xây nhà cửa tử tế không có gì xấu hổ. Nhưng với cán bộ, lương khoảng 30 triệu đồng/tháng, nhẩm tính cũng phải mất 277 năm mới có 100 tỉ. Vậy lấy tiền đâu xây biệt phủ hàng trăm tỉ đồng ?
Với mức tham nhũng trầm kha như thế, ông Khái khó có cơ hoàn thành nhiệm vụ chống tham nhũng. Thực vây, các khỏa sát cho thấy là các cơ quan chống tham nhũng không phải là thuốc chữa bách bệnh để giảm tham nhũng, đặc biệt là trong các môi trường quản trị yếu kém [11].
Ảnh hưởng chính trị, sự yếu kém về thể chế và hỗ trợ tài chính cho các cơ quan chống tham nhũng không đồng đều đã được trích dẫn trong tài liệu là những yếu tố cản trở việc hoạt động hiệu quả của các cơ quan chống tham nhũng [11]. Đặc biệt, các cơ quan chống tham nhũng thường không hữu hiệu để giảm tham nhũng bằng tự do báo chí.
Đọc báo trong nước, có vẻ báo Tuổi trẻ đưa tin về tham nhũng nhiều hơn là các báo kiểm soát bởi nhà nước (nhưng tôi không hiểu nhiều về báo trong nước). Thế thì bằng chứng về liên hệ giữa tự do báo chí và đưa tin về tham nhũng là ra sao ?
Các nhà nghiên cứu Brunetti và Weder 2003 đã sử dụng phân tích thống kê để chỉ ra quyền tự do báo chí có mối tương quan chặt chẽ với mức độ tham nhũng thấp hơn [11, 12].
Chowdhury 2004 đã sử dụng phân tích thống kê để xác định những tác động nhất quán đối với cả dân chủ và tự do báo chí đối với mức độ tham nhũng [11, 13].
Freille và cộng sự 2007 đã sử dụng phân tích giới hạn cực đoan để chỉ ra rằng những hạn chế đối với tự do báo chí dẫn đến mức độ tham nhũng cao hơn trong một mẫu gồm 51 quốc gia phát triển và đang phát triển [11, 14].
Camaj 2013 đã sử dụng phân tích thống kê để xác nhận những phát hiện trước đó và gợi ý rằng tác động của tự do báo chí đối với tham nhũng sẽ được khuếch đại khi kết hợp với các thể chế trách nhiệm giải trình, chẳng hạn như một cơ quan tư pháp độc lập và các nghị viện mạnh [11, 15].
Các bằng chứng khoa học nhất quán chỉ ra rằng tự do báo chí có thể làm giảm tham nhũng và rằng các phương tiện truyền thông đóng một vai trò trong hiệu quả của các cơ chế trách nhiệm xã hội khác [11].
Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến những Anh Chị trong Hội Nhà Báo Độc Lập, nhất là những Anh đang bị giam cầm và những bạn làm việc không ngừng nghĩ ở Việt Nam Thời Báo. Xin chúc các Anh Chị trong Hội và tờ Thời Báo một cuối năm sức khỏe, bình an và may mắn !
Tuy xa mặt nhưng không cách lòng !
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 17/12/2022
Nguồn :
2. https://tuoitre.vn/an-cua-dan-khong-tu-mot-cai-gi-568432.htm
10.https://tuoitre.vn/giam-doc-cong-an-da-nang-noi-gi-ve-thong-tin-biet-phu-20180420112856269.htm
11. Britain G. Why corruption matters : Understanding causes, effects and how to address them. Department for International Development ; 2015.
12. Brunetti, A. ; Weder, B. A Free Press is Bad News for Corruption. Journal of Public Economics 87(7-8) : 1801-1824. 2003.
13. Chowdhury, S.K. The Effect of Democracy and Press Freedom on Corruption : An Empirical Test. Economic Letters 85(1) : 93-101. 2004.
14. Freille, S. ; Haque, M.E. ; Kneller, R. A Contribution to the Empirics of Press Freedom and Corruption. European Journal of Political Economy 23(4) : 838-862. 2007.
15. Camaj, L. The Media’s Role in Fighting Corruption. Media Effects on Governmental Accountability. The International Journal of Press/Politics 18(1) : 21-42. 2013.
Diễm Thi, RFA, 03/05/2022
Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) vừa công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5. Theo bảng xếp hạng, Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng một bậc so với năm ngoái. Theo RSF, tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, các chỉ số được dựa trên căn bản khảo sát định lượng về những vụ vi phạm, lạm dụng quyền tự do báo chí đối với các phóng viên và giới truyền thông.
AFP
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một quyền cơ bản của công dân theo hiến pháp. Theo đó, quyền tự do báo chí là quyền của công dân được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in. Báo chí có vai trò là phương tiện để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Thực tế ra sao, nhà báo - blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người đoạt giải thưởng Công dân mạng 2013 nói với RFA sáng ngày 3 tháng 5 năm 2022 :
"Tự do báo chí và cả tự do ngôn luận hoàn toàn không có gì thay đổi hết. Vẫn là báo của Nhà nước mà cón bóp chặt hơn. May còn có mạng xã hội của nước ngoài cho nên mọi người sử dụng rầm rộ hơn. Nhưng mạng xã hội vẫn bị bóp chặt. Bị Nhà nước ra những quy định bắt những mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ những luật lệ của Việt Nam.
Về tự do báo chí thì vẫn không ai được quyền phát hánh báo chí mà chỉ có Nhà nước mới phát hành báo chí. Như vậy, từ trước đến giờ không có gì tiến bộ trong tự do báo chí hết. Nhà nước độc quyền về báo chí.
Về tự do ngôn luận thì người dân không có báo chí để nói tiếng nói của mình cho nên người ta dùng mạng xã hội nhưng cũng bị giám sát. Rất nhiều người bị đi tù vì có tiếng nói trên mạng xã hội".
Nhà nước Việt Nam những năm qua ban hành nhiều quy định để quản lý chặt mạng xã hội, bóp nghẹt tiếng nói người dân mà Luật an ninh mạng có hiệu lực đầu năm 2019 là một ví dụ. Trong luật có điều khoản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng ở Việt Nam phải mở văn phòng đại diện, đặt máy chủ tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước và trao các dữ liệu này cho công an khi được yêu cầu mà không cần lệnh của tòa án.
Mới hôm 20 tháng 4 vừa qua, hãng tin Reuters cho hay Việt Nam đang chuẩn bị ra những quy định mới, buộc các công ty mạng xã hội phải gỡ bỏ những nội dung bị xem là "bất hợp pháp" trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Reuters cho biết, những công ty nào không tuân thủ thời hạn 24 tiếng đồng hồ để gỡ bỏ các nội dung bị cho là "bất hợp pháp", thì các mạng xã hội của họ có thể sẽ bị cấm hoạt động ở Việt Nam. Các công ty mạng xã hội này còn được yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức các nội dung bị xem là gây phương hại cho an ninh quốc gia.
Hình minh họa : Bản đồ tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới trong báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022. AFP
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, một nhà báo độc lập đang sinh sống tại Hà Nội, đồng thời là hội viên của Hội Nhà báo độc lập, khẳng định với RFA sáng ngày 3 tháng 5 năm 2022 là Việt Nam chưa có tự do báo chí. Ông nói :
"Phía Nhà nước Việt Nam vẫn bắt giữ rất nhiều những nhà báo và xử án tù rất nặng, điển hình là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Chí Dũng và Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy. Như vậy, cách quản trị của Nhà nước Việt Nam với báo chí trong xã hội là hết sức chặt chẽ, khắc nghiệt. Sẵn sàng ra tay trấn áp, trừng phạt, chế tài, bắt giữ, đàn áp quyền tự do báo chí của công dân trong xã hội Việt Nam.
Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam đã cho an ninh của mình ngày đêm săn lùng những người hoạt động trên Facebook, trên YouTube - cũng là một dạng báo chí tự do trên mạng xã hội - và trấn áp, bắt giữ người ta rất nhiều. Nhiều trường hợp chỉ đưa nhưng status hay comment đơn giản phê phán Việt Nam chưa thật sự có tự do, chưa có dân chủ và bất công xã hội rất nhiều thì cũng bị bắt giữ. Họ coi đó là những người đang vi phạm tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ để trừng phạt họ với án tù rất nặng nề.
Như vậy có thể nói ở trong nước chưa có tự do báo chí thật sự".
Thống kê của RSF cho thấy có chừng 40 nhà báo đang bị giam cầm tại những nhà tù nổi tiếng đối xử ngược đãi ở Việt Nam. Trong số này có những người thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhóm Báo Sạch và bà Phạm Đoan Trang.
Đầu năm 2021, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị tuyên 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy - Phó Chủ tịch và Lê Hữu Minh Tuấn - Biên tập viên của Việt Nam Thời Báo cùng mức án 11 năm tù giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHxã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Tháng 10 năm 2021, năm nhà báo của nhóm Báo Sạch bị tuyên tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".
Ngoài một số nhà báo như vừa nêu, chính phủ Việt Nam còn bắt bớ, bỏ tù một số bloggers, Facebookers, YouTubers từ Bắc chí Nam với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" dù họ chỉ viết lên những bất công trong xã hội hay nói lên những hành xử sai trái của chính quyền.
Ngày 20 tháng 9 năm 1977, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã gia nhập Liên Hiệp Quốc. Điều đó có nghĩa Nhà nước Việt Nam phải chấp nhận và thực thi những nghị quyết của tổ chức quốc tế này, trong đó có Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Việt Nam luôn tự nhận mình là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc, luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng cách hành xử thì luôn bị các tổ chức nhân quyền lên án mà cụ thể là chỉ số tự do báo chí vừa công bố. Việt Nam chỉ đứng trên sáu nước, trong đó có Trung Quốc, Myanmar và Bắc Hàn.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 03/05/2022
***************************
RFA, 03/05/2022
Nhân việc Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 vào ngày Tự do báo chí Quốc tế 3/5, một nhà báo độc lập nhận định rằng, bên cạnh bắt bở bỏ tù các nhà báo độc lập, Nhà nước Việt Nam còn "chống lưng" cho các hội nhóm tung tin giả. Đó cũng là lý do khiến tình nền báo chí Việt Nam vẫn tồi tệ và luôn ổn định đứng cuối trong các bảng đánh giá về Tự do báo chí.
RFA edited
Luôn thuộc nhóm chót bảng về Tự do báo chí
Trong bảng xếp hạng này, RFS xếp Việt Nam xếp ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.
RSF nhận định, các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam bị Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều phóng viên và blogger độc lập bị bỏ tù. Tổ chức này thống kế Việt Nam hiện có 41 nhà báo bị bỏ tù. Bộ máy đàn áp của Nhà nước bỏ tù tất cả nhà báo xuất phát từ xã hội dân sự, chẳng hạn như Báo Sạch, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hay bà Phạm Đoan Trang, người được trao Giải Tự do Báo chí RSF năm 2019.
Theo RSF, trong khu vực, Chỉ số Tự do Báo chí của Việt Nam xếp dưới các nước láng giềng như Lào và Campuchia, đứng trên một số nước như Trung Quốc (175), Myanmar (176) và chót bảng là Bắc Hàn (180).
Ông Nguyễn Gia Quốc, đại diện Hội nhà báo Độc lập Việt Nam ở hải ngoại đánh giá tình hình tự do báo chí ở Việt Nam trong những năm vừa qua vẫn tồi tệ, bằng chứng là các thành viên chủ chốt của hội đều đã bị bắt và đang chịu những bản án rất nặng :
"Tình hình tự do báo chí của Việt Nam năm vừa rồi cũng chẳng có gì thay đổi so với từ trước đến giờ. Tự do báo chí là phải được ra báo, phải được ấn hành sách vở, báo chí nhưng ở Việt Nam lại không có chuyện đó. Nếu có tự do báo chí thì đâu có những cái vụ bắt những người trong Việt Nam Thời Báo.
Có những tờ báo của Chính phủ bây giờ cũng có một phần tiến bộ, cũng dám nói một số chuyện, chứ không phải giống như những năm trước đó là họ không dám nói một điều gì cả. Ví dụ như trong vụ Ukraine thì bây giờ có vài các tờ báo cũng có những cái ý kiến hơi khác một chút, nhưng nói chung sự khác nhau đó cũng phải nằm trong khuôn khổ Chính quyền cho phép".
Luật sư Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật khoa Tạp chí khẳng định tình hình tự do báo chí ở Việt Nam rất ổn định, luôn luôn xếp gần cuối bảng, theo các bảng xếp hạng tự báo chí :
"Chuyện nó tệ thế nào chắc tôi không cần nói thêm. Tôi chỉ muốn nói rằng bất chấp mọi thứ tồi tệ, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi lớn của công chúng trong việc lựa chọn và hấp thụ thông tin. Công chúng đang lên tiếng mạnh mẽ trong việc bác bỏ các kênh tuyên truyền của nhà nước và chào đón các kênh truyền thông thay thế. Với một công chúng như vậy, chuyện báo chí phi nhà nước nở rộ chỉ là chuyện thời gian".
Bản báo cáo của tổ chức Freedom House được công bố ngày 21/9/2021 lại xếp Việt Nam vào nhóm các Quốc gia không có tự do trên mạng Internet. Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam năm nay ở mức 22 điểm, trong đó 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, 6 điểm về giới hạn nội dung và 4 điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng.
Chính quyền "chống lưng" cho nạn tin vịt ?
Ngoài đàn áp những người làm truyền thông đọc lập, Bộ máy kiểm duyệt còn thực hiện một số biện pháp khác để hạn chế Tự do báo chí ở Việt Nam, ví dụ như trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách "chống lưng" cho việc lan truyền tin giả, hay định hướng dư luận bằng những thông tin "giật gân".
Có thể thấy rõ nét qua sự kiện Nga xâm lược Ukraine đang diễn ra. Trong suốt khoảng hai tháng qua, các fanpage lớn chuyên tuyên truyền cho đảng như Đơn vị Tác Chiến Mạng, Truy Quét Phản Động, Bộ Tự lệnh Tác Chiến, Cùng Troll Phản động, và Trung Đoàn 47… đều đăng thông tin, các bài phân tích bình luận, thậm chí là tin giả để tuyên truyền theo bênh vực Nga và Putin.
Ông Nguyễn Gia Quốc cũng xác nhận có tình trạng tin giả lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội. Ông quan sát thấy rằng liên quan đến cuộc chiến Nga và Ukraine, có một số facebooker, được cho là có sức ảnh hưởng tới cộng đồng chủ động đăng những thông tin không đúng sự thật, nhưng lại không bị cơ quan hữu trách xử lý, giống như cách họ đã luôn làm với những người đăng tin giả khác :
"Một số Facebooker người nổi tiếng, ví dụ như của ông Đại tá Quân đội Nhân dân Trịnh Lê Hoài Nam, ông ấy đứng hẳn về Nga và lấy những tin tức không đúng từ những tin tức của Nga và viết rất nhiều những điều sai trái, đặc biệt ông ấy chửi những người bênh vực Ukraine".
Bình luận về vấn nạn tin giả, ông Trịnh Hữu Long nói Chính quyền Việt Nam chắc chắn vừa là người trực tiếp, công khai tung tin vịt, vừa "chống lưng" cho nhiều nguồn tin vịt có độ phủ rất lớn. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các tác nhân phi nhà nước chủ động tung tin vịt và cũng rất thành công. Chính quyền không phải là thủ phạm duy nhất, nhưng chắc chắn là thủ phạm chính và là thủ phạm có nguồn lực dồi dào nhất :
"Tôi nghĩ tin vịt lan tràn và bùng nổ ở nước ta gần đây trong môi trường mạng xã hội khi phần lớn công chúng còn chưa kịp biết mặt mũi một cơ quan báo chí, một kênh truyền thông đáng tin là thế nào, và làm thế nào để nhận diện được tin vịt.
Chúng ta hưởng trọn một thảm hoạ, có thể nói là một đại dịch tin vịt thời đại mới, có quy mô toàn cầu, nhưng thể trạng của chúng ta quá yếu so với các nước khác, và "vaccine" thì cũng về quá trễ và quá ít so với các nước khác. Nhưng thôi thì cũng phải chịu để từ nay về sau chúng ta tỉnh táo hơn trước những thông tin được bày ra trước mặt".
Còn về tình trạng định hướng dư luận, ông Long cho khẳng định chắc chắn là có và điều đã được ban hành thành luật :
"Chuyện định hướng dư luận được ghi rõ trong Luật Báo chí, Điều lệ của Hội Nhà báo cũng như các loại văn bản chỉ đạo của Đảng Cộng sản và chính quyền.
Mức độ của nó là bao trùm, toàn diện, và sâu sắc. Đó là công cụ cai trị chính của một chính quyền chuyên chế. Chuyện này đã được bàn nhiều, người Việt Nam chắc đều hiểu rõ".
Theo Luật Báo chí năm 2016, rại Điều 4 về "Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí" quy định một trong những nhiệm vụ của báo chí là "Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân".
Mức độ, trình độ kiểm duyệt cao hơn trước
Luật sư Trịnh Hữu Long cho rằng môi trường tin vịt đang là cái cớ để chính quyền ban hành nhiều quy định siết chặt tự do báo chí, tự do ngôn luận hơn, chẳng hạn Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 15/2020. Đó cũng là cái cớ để họ chính danh hóa việc ép các công ty công nghệ như Google hay Facebook kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam. Cánh tay kiểm duyệt đã vươn xa hơn rất nhiều so với trước đây, và cũng hoạt động ở trình độ cao hơn hẳn so với thời họ còn lúng túng với Internet :
"Tôi rất tiếc là nhiều cá nhân, tổ chức phản biện cũng góp phần tung tin vịt, vô hình trung giúp cho chính quyền có thêm cớ để vươn vòi kiểm duyệt ra xa hơn, củng cố hơn nữa bộ máy kiểm duyệt của họ.
Chỉ có sự thật mới chiến thắng được bộ máy tuyên truyền định hướng dư luận của chính quyền. Không có gì mạnh bằng sự thật. Và chính quyền cũng không sợ gì hơn thế. Ta sẽ hỦy hoại tính chính danh - vốn đang còn ít ỏi - của báo chí độc lập và truyền thông độc lập nếu rời xa sự thật và tiếp tay cho tin vịt. Và như vậy, ta sẽ tự sát chứ không cần chờ chính quyền bắt bớ. Bức tranh báo chí khi đó sẽ ảm đạm hơn rất nhiều".
Hôm 20/4, hãng tin Reuters công bố bản tin về việc Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thông qua một luật mới nhằm siết chặt quản lý mạng xã hội. Theo đó, yêu cầu các công ty sở hữu mạng xã hội có nhiều người dùng ở Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok phải gỡ bỏ nội dung "chống chính quyền", hay được cho là vi phạm pháp luật trong vòng 24 tiếng. Nếu không đáp ứng thời hạn do Chính phủ đặt ra thì nền tảng của công ty đó có thể bị cấm ở Việt Nam.
Nguồn : RFA, 03/05/2022
Công bố của Tổ chức Phóng viên không biên giới hôm 5/7/2021
Ngày 5/7/2021, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố danh sách mới về những "kẻ thù của tự do báo chí lớn nhất thế giới". Danh sách bao gồm 37 nguyên thủ quốc gia và đứng đầu chính phủ, những người thể hiện sự đàn áp tàn bạo đối với quyền tự do báo chí một cách đặc biệt quyết liệt.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị liệt vào danh sách này trong những năm trước và ông tiếp tục có mặt trong danh sách năm 2021. Sau đây là bản dịch :
Nguyễn Phú Trọng
Sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944
Việt Nam, xếp hạng tự do báo chí năm 2021 : hạng thứ 175 trên 180 nước
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kể từ ngày 19 tháng 01 năm 2011
Kẻ thù của tự do báo chí kể từ khi nhậm chức
Phương pháp : Chế độ toàn trị cổ lỗ
Nguyễn Phú Trọng biết rõ báo chí – ít nhất là báo chí Việt Nam – vì bản thân ông cũng là một nhà báo trong nhiều năm. Việt Nam có hàng nghìn tờ báo, tạp chí, kênh truyền hình và cổng tin tức, nhưng chỉ có một Tổng Biên tập, đó là người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (KPV), cơ quan trực thuộc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trọng là một cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng cộng sản Việt Nam, ông trở thành Chủ tịch Quốc hội năm 2006 và 5 năm sau đó được bầu làm người đứng đầu Bộ Chính trị. Tuy nhiên, "đồng chí Nguyễn" cũng là một kẻ thủ đoạn đáng sợ, sử dụng các phương pháp xảo quyệt (Machiavellian) để thực hiện đường lối bảo thủ của mình trong Nhà nước độc đảng và theo đuổi một phiên bản nguyên thủy của chủ-nghĩa-đảng-toàn-trị. Khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ hai kéo dài 5 năm của ông Trọng vào năm 2016, các ấn phẩm lý luận phản ánh truyền thống các tranh luận về tư tưởng và thực dụng trong đảng đã được đưa vào khuôn phép một cách triệt để. Đồng thời, Trọng thiết lập bộ máy trấn áp không nhân nhượng để đối phó với một Xã-hội-dân-sự ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là về việc tìm kiếm thông tin đáng tin cậy trên mạng Internet. Cho mục đích này, ông ta sử dụng bộ máy công an và tư pháp phục vụ ông ta. Để trấn áp các blogger và nhà báo độc lập, ông ta dùng một số điều khoản của Bộ luật Hình sự trừng phạt những người dám "lạm dụng các quyền tự do dân chủ".
Mục tiêu trọng tâm : Những người phản đối tuyên truyền
Internet là nơi thích hợp để phổ biến thông tin độc lập và các quan điểm đi lệch khỏi đường lối của Đảng, hiện là mục tiêu trọng tâm của các cuộc tấn công của Nguyễn Phú Trọng – chính xác hơn là bởi Lực lượng 47, một đơn vị tác chiến mạng mà dưới quyền ông ta. Các mục tiêu tấn công chính yếu là các blogger và các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, những người đã đăng rất nhiều trên Internet từ đầu những năm 2010 và họ bị bắt giữ hàng loạt từ năm 2016 với các bản án tù dài hạn. Hơn 30 người trong số họ hiện đang bị giam cầm trong những điều kiện khắc nghiệt. Chế độ của Trọng cũng đặt vào tầm nhắm các nhà báo, mà họ bắt đầu sự nghiệp giống như ông Trọng là nhà báo của các phương tiện truyền thông chính thức, nhưng khác với ông ta, họ không có thể chịu đựng việc tiếp tục tụng niệm lại sự tuyên truyền của Bộ Chính trị và để thay thế nó, họ vận động cho một nền báo chí tự do. Một số người trong thành phần này đã bị bắt trong một làn sóng bắt bớ kể từ năm 2020, trong đó có bà Phạm Đoan Trang, người đoạt Giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).
Đường lối chính thức : Đấu tranh chống lại đa nguyên đa đảng
"Dưới sự lãnh đạo của tôi, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thề kiên quyết tiếp tục đấu tranh chống biểu hiện đa nguyên chính trị" (bài phát biểu tại Đại hội Đcộng sản Việt Nam ngày 26/01/2021)
Reporter sans frontières
Nguồn : Thoibao.de, 05/07/2021
Tham khảo :
Feindinnen und Feinde der Pressefreiheit 2021
Thanh Hà, RFI, 24/06/2021
Dân chúng Hồng Kông đua nhau mua bằng được ấn bản tiếng Anh cuối cùng của tờ báo độc lập Apple Daily. Sau 26 năm hoạt động, ấn bản cuối cùng được phát hành hôm nay 24/06/2021. Theo hãng tin Mỹ AP, mới 8 giờ 30 sáng, toàn bộ 1 triệu tờ báo đã bán hết.
Người dân xếp hàng mua số báo Apple Daily cuối cùng, Hồng Kông, ngày 24/06/2021. AP - Vincent Yu
Gần một năm sau ngày luật an ninh quốc gia Hồng Kông do Bắc Kinh áp đặt được ban hành, người dân Hồng Kông xếp hàng dài trước các sạp báo với hy vọng mua được số Apple Daily cuối cùng. Trang nhất số báo đặc biệt này dành đăng bức ảnh khổ lớn một nhà báo từ văn phòng của ban biên tập vẫy tay chào hàng trăm người tập hợp trước trụ sở của tòa soạn.
Hãng tin Pháp AFP lưu ý việc một tờ báo độc lập Hồng Kông đột ngột bị khai tử là đòn tấn công mới nhất nhắm vào các quyền tự do mà người dân Hồng Kông tới nay vẫn được hưởng và việc khai tử Apple Daily của nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) có thể báo trước, trong tương lai, nhiều hãng truyền thông quốc tế có văn phòng tại Hồng Kông sẽ phải dời cơ sở đi nơi khác.
Cũng AFP nhắc lại từ nhiều thập niên qua, nhiều tờ báo quốc tế đã chọn Hồng Kông là địa bàn hoạt động trong khu vực, nhờ đặc khu hành chính này bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho các cơ quan truyền thông nước ngoài. Thế nhưng Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với đặc khu hành chính này, mặc nhiên khai tử mô hình một quốc gia hai chế độ, Hồng Kông tuột dốc trong bảng xếp hạng về quyền tự do báo chí. Trong bảng xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới năm 2020, Hồng Kông đang từ hạng 18 trên thế giới hồi năm 2002 rơi xuống hạng thứ 80.
Thanh Hà
********************
Thụy My, RFI, 23/06/2021
Hôm 23/06/2021, phiên tòa đầu tiên theo luật an ninh mới không có bồi thẩm đoàn mở ra tại Hồng Kông - một bước ngoặt mới cho hệ thống tư pháp của trung tâm tài chính quốc tế này. Cũng trong hôm nay, ban quản trị tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily xác nhận sẽ đình bản chậm nhất vào ngày 26/06, tức chưa đầy một tuần sau khi tài sản bị phong tỏa và 5 nhà lãnh đạo bị bắt.
Nhà tranh đấu Đường Anh Kiệt (Tong Ying-Kit) bị áp giải tới một tòa án ở Hồng Kông, ngày 06/07/2020. AP - Vincent Yu
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :
"Tất cả mọi người ở Hồng Kông đều nhớ lại hình ảnh đã được lan truyền rộng rãi hôm 01/07/2020, trong lúc đặc khu gặp cú sốc khi luật an ninh mới bắt đầu có hiệu lực vào lúc 23 giờ khuya hôm trước. Đường Anh Kiệt (Tong Ying Kit) đã dùng xe gắn máy lao về phía một nhóm cảnh sát, phía sau phấp phới một băng-rôn lớn màu đen với câu khẩu hiệu của cuộc nổi dậy mùa hè năm 2019 : "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại".
Đường Anh Kiệt nằm trong số những công dân Hồng Kông đầu tiên bị bắt và khởi tố theo luật an ninh mới, và hôm nay bị cáo bị buộc các tội khủng bố, xúi giục ly khai, gây thương tích nặng do điều khiển xe một cách nguy hiểm. Anh bị tạm giam từ một năm qua, mặc dù các luật sư đã có được lệnh Habeas corpus (lệnh bảo hộ nhân thân).
Đường Anh Kiệt bị đưa ra xét xử mà không có bồi thẩm đoàn, theo quyết định của Bộ Tư pháp và kháng cáo của các luật sư bị bác. Nhưng một phiên tòa sơ thẩm không bồi thẩm đoàn bị coi là đi ngược lại với thủ tục tố tụng Hồng Kông. Ba thẩm phán quen thuộc với luật an ninh mới được trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga bổ nhiệm sẽ tuyên án sau phiên tòa kéo dài ít nhất ba tuần lễ".
AFP cho biết trước tòa bị cáo 24 tuổi không nhận tội.
Trong suốt lịch sử 176 năm qua tại Hồng Kông, sự hiện diện của bồi thẩm đoàn là bắt buộc tại các phiên tòa xử những tội nặng như trên. Ngay trên trang web, Tư pháp Hồng Kông cũng coi yêu cầu này là "một trong những phương diện quan trọng nhất" của hệ thống tư pháp đặc khu. Tuy nhiên luật an ninh mới, do Bắc Kinh áp đặt, quy định một số hồ sơ có thể chỉ cần ba thẩm phán xét xử. Đạo luật mơ hồ giúp đàn áp mọi tiếng nói phản biện đã đẩy đa số khuôn mặt nổi bật của phong trào dân chủ Hồng Kông vào tù.
Cũng với luật an ninh mới, tự do báo chí tiếp tục bị bóp nghẹt. Ban quản trị Next Digital, công ty mẹ của tờ báo ủng hộ dân chủ Hồng Kông Apple Daily, hôm nay xác nhận với AFP số báo cuối cùng sẽ ra mắt chậm nhất vào ngày thứ Bảy 26/06. Theo Reuters, cây bút bình luận chính của Apple Daily bị bắt hôm nay, cảnh sát chỉ cho biết "một người đàn ông 55 tuổi bị bắt giam theo luật an ninh quốc gia".
Bắc Kinh chưa bao giờ giấu giếm ý định dập tắt tiếng nói của tờ báo luôn hỗ trợ phong trào đấu tranh và thẳng thừng chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hôm 17/06, khoảng 500 cảnh sát đã bố ráp tòa soạn, câu lưu 5 nhà lãnh đạo, chính quyền phong tỏa tài sản của tờ báo do tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) thành lập từ năm 1995, khiến Apple Daily không thể trả lương cho nhân viên và thanh toán cho các nhà cung cấp. Tổng biên tập La Vĩ Quang (Ryan Law) và tổng giám đốc Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim Hung) hôm 18/06 đã bị khởi tố và tạm giam.
Thanh Phương, RFI, 22/06/2021
Hôm 22/06/2021, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cảnh cáo là báo chí không được có những hành động nhằm lật đổ chính quyền. Tuyên bố này nhằm đáp lại phản ứng gần đây của Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền đặc khu "ngưng đánh vào giới truyền thông".
Trụ sở chính của nhật báo Apple Daily tại Hồng Kông thuộc tập đoàn truyền thông của tỉ phú Lê Trí Anh, ngày 17/06/2021. AP - Kin Cheung
Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hàng tuần, khi được hỏi về vụ khám xét tòa soạn nhật báo ủng hộ dân chủ và về tự do báo chí ở Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời : "Chỉ trích chính quyền thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có ý định tổ chức những hành động nhằm lật đổ chính quyền, thì dĩ nhiên đó là chuyện khác".
Vào tuần trước, cảnh sát Hồng Kông đã khám xét tòa soạn và bắt giữ 5 lãnh đạo của Apple Daily, đồng thời nhà chức trách phong tỏa tài sản của nhật báo này. Như vậy, rất có thể là tờ báo ủng hộ dân chủ này sẽ phải đình bản trong nay mai.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :
"Hôm 21/06/2021, Apple Daily đã cho phát bản tin truyền hình trực tuyến cuối cùng của mình. Người dẫn chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của nền báo chí độc lập, đồng thời gửi lời cám ơn tới khán giả.
Kể từ khi cảnh sát mở chiến dịch bố ráp vào tuần trước, giám đốc và tổng biên tập của tòa báo này đã bị cáo buộc âm mưu "thông đồng với thế lực ngoại quốc", một tội danh được xác định trong luật mới về an ninh quốc gia rất hà khắc. Họ hiện bị tạm giam để tiếp tục điều tra.
Nhưng trên hết, việc phong tỏa các tài khoản mới thực sự đe dọa sự tồn vong của tờ báo, theo lời giải thích của Mark Simon, cố vấn riêng của sáng lập viên tờ báo, Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người đã bị bắt giam từ tháng 12 năm ngoái :
"Thực sự có rất ít cơ may để tờ báo tồn tại. Nếu quan chức đặc trách An Ninh không cho phép sử dụng số tiền được đặt trong các tài khoản mà ông ta đã phong tỏa, Apple Daily không thể làm gì được. Không có tiền, chúng tôi phải đóng cửa !".
Mặt khác, ông Mark Simon tin rằng Bắc Kinh sẽ yêu cầu giới chức Hồng Kong đóng cửa Apple Daily nhân kỷ niệm một năm Luật An ninh Quốc gia, do Bắc Kinh áp đặt và do chính quyền Hồng Kông ban hành ngày 30/06 vừa qua".
Thanh Phương
********************
Anh Vũ, RFI, 22/06/2021
Những ngày gần đây, Apple Daily, tờ báo bình dân nổi tếng là mục tiêu của một cuộc tấn công rộng lớn của chính quyền Hồng Kông nhân danh luật an ninh quốc gia rất gây bất bình. Nhật báo trở thành một trong những tiếng nói chủ yếu của phe dân chủ trong 25 năm qua đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi môi trường báo chí ở Hồng Kông
Tại nhà in của nhật báo Hồng Kông Apple Daily ngày 18/06/2021. AP - Kin Cheung
Chủ nhật, 20/06 vừa rồi là ngày kỷ niệm 26 năm Apple Daily ra đời. Nhưng nhật báo bình dân của Hồng Kông này có lẽ không còn trụ được lâu nữa. Ê-kíp của báo hôm thứ Hai đã phải họp nhau để tìm cách sống sót được qua tuần này. "Chúng tôi nghĩ có thể trụ được ít nhất đến cuối tháng nhưng thực tế sự sống còn của tờ báo giờ được tính từng ngày", Mark Simon, một cố vấn của ông chủ báo Lê Trí Anh (Jimmy Lai - hiện đang phải ngồi tù), nói với Reuters.
Những ngày qua, Apple Daily đã phải hứng chịu một cuộc tấn công chưa từng có từ chính quyền thân Bắc Kinh hiện nay ở Hồng Kông. Nhiều nhà báo, trong đó có tổng biên tập Ryan Law, đã bị bắt hôm thứ Năm và bị buộc tội thông đồng với thế lực nước ngoài. Lực lượng an ninh đã lục soát thu giữ các tài liệu, máy tính của ban biên tập. Chiến dịch của cảnh sát đã khiến các nhóm làm báo của Apple Daily phải nối bàn phím vào điện thoại di động để viết bài, hoàn tất lên trang báo. Toàn bộ sự việc diễn ra dưới sự chứng kiến của các cơ quan truyền thông địa phương đến ghi hình và truyền trực tiếp lên internet hành trình xuống địa ngục của một nhật báo có số lượng độc giả lớn thứ 2 Hồng Kông.
Tài khoản ngân hàng của tập đoàn đã bị phong tỏa và gần ba triệu đô la cổ phiếu cũng đã bị giữ, vận dụng theo luật an ninh quốc gia, vừa được thông qua hồi tháng 6/2020. "Quyết định phong tỏa tất cả các tài khoản của tập đoàn tác động đến chúng tôi nhiều nhất. Không có tiền, chúng tôi không thể làm tin được", ông Mark Simon lấy làm tiếc khi được báo The Guardian hỏi.
Ông ước tính tiền dự trữ của tờ báo chỉ cho phép chi phí sinh hoạt trong vài tuần, nhưng không thể trả tiền các nhà báo hay chi cho các phóng sự. Những nỗ lực của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhằm bịt miệng Apple Daily là hành động mới nhất trong cuộc chiến dai dẳng giữa chính quyền địa phương và tờ báo, ra đời năm 1995 và là cái gai truyền thông trong mắt Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thời kỳ đầu, Apple Daily không lấy chỉ trích chính quyền là mục tiêu chính để bán được báo. Nhật báo trước tiên chủ trương chạy các tin vặt trong xã hội, chuyện ồn ào của các ngôi sao cùng với những tít giật gân.
Sự xuất hiện của tờ báo bình dân này đã làm thay đổi môi trường báo chí ở Hồng Kông, nhất là sau khi thành phố được trả về Trung Quốc 1997, nhà chính trị học Hồng Kông Ma Ngok trong một nghiên cứu về truyền thông Hồng Kông trong bước ngoặt thế kỷ 21, xuất bản năm 2007, ghi nhận.
Apple Daily đã gây ồn ào khi là tờ báo đầu tiên bán với giá 2 đô la, trong khi tập đoàn báo chí Hồng Kông đã lên biểu giá cho nhật báo là 5 đô la. Chủ trương này của tờ báo đã dẫn đến việc "chấm dứt cạnh tranh của 8 tờ báo địa phương trong 6 tháng", trang mạng The Diplomat nhắc lại trong một phóng sự điều tra dài nói về tác động của Apple Daily tại Hồng Kông, đăng hồi tháng 12/2020.
Người sáng lập ra tờ báo, tỷ phú Lê Trí Anh, đã sớm tạo được giọng điệu chính trị cho Apple Daily. Doanh nhân này đã quyết định nhảy vào lĩnh vực truyền thông thông tin "sau cuộc đàn áp sinh viên biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989", BBC nhấn mạnh.
Ngay từ năm 2003, nhật báo đã kiên định đứng về phía phong trào ủng hộ dân chủ trong các cuộc biểu tình đầu tiên chống dự luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh dự tính để cho Nghị Viện Hồng Kông thông qua. Ngày tranh luận về dự luật tại Nghị Viện, tờ báo của Lê Trí Anh chạy tựa "Các bạn hãy xuống đường".
Tương tự năm 2012, khi có cuộc tranh luận xung quanh cải cách giáo dục khi đó bị phe dân chủ đánh giá đó là mưu đồ "tẩy não" do Bắc Kinh giật dây. Apple Daily đã kêu gọi : "Chúng ta hãy bảo vệ phẩm giá của Hồng Kông trên đường phố".
Vào thời kỳ diễn ra phong trào Dù Vàng năm 2014, sau đó là trong các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Apple Daily thường xuyên được coi như là tiếng nói đối lập. Ông Lê Trí Anh thậm chí còn xuất hiện hậu cảnh trong bức ảnh trên trang bìa tờ báo số đặc biệt dành cho các cuộc biểu tình năm 2014.
Những hành vi như vậy đã khiến cho ông Lê Trí Anh và tờ báo của ông chịu nhiều khốn khổ. Trước khi bị bắt giam hồi tháng 8/2020, nhà sáng lập của nhật báo này đã là mục tiêu của một vụ mưu sát năm 2009 và nhà riêng của ông tại Hồng Kông cũng nhiều lần bị phá hoại.
Nhật báo New York Times cũng lưu ý là năm 2015, một trái nổ đã được tìm thấy cách không xa trụ sở chính của Apple Daily. Nhật báo của Lê Trí Anh luôn luôn gặp khó khăn tìm kiếm quảng cáo và nhiều phóng viên của báo không được tham dự phần lớn các sự kiện quan trọng do Trung Quốc tổ chức, thí dụ như Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008.
Nhật báo đã trở thành đối thủ mà chính quyền Hồng Kông muốn đánh gục. Nhưng lần này, cuộc tấn công vào Apple Daily dường như nằm trong ý đồ rộng hơn là đưa vào khuôn phép toàn bộ hệ thống truyền thông ở Hồng Kông.
Kể từ các cuộc biểu tình dân chủ hồi năm 2019, chính quyền đã siết chặt gọng kìm đối với báo chí Hồng Kông. Trong vòng 2 năm, đặc khu bán tự trị này đã bị tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đánh tụt hạng về tự do báo chí từ thứ 18 xuống thứ 80.
Đầu tháng 6 vừa rồi, kênh truyền hình RTHK ở Hồng Kông, nổi tiếng với những chương trình bị cho là "xấc xược" với chính quyền Trung Quốc, lần đầu tiên đã quyết định không "làm chính trị" xung quanh kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn. Đây là một quyết định sốc đối với một bộ phận ban biên tập, vốn rất tâm huyết với tính độc lập của báo chí. Một số người đã cảnh báo là mục tiêu sắp tới của chính quyền sẽ là Apple Daily, "có thể là vào tháng 9 trước cuộc bầu cử Nghị Viện vào tháng 12". Cuối cùng chính quyền đã đã không đợi lâu đến như thế.
(Theo France 24)
Anh Vũ