Tự do báo chí : Việt Nam tụt 4 hạng trong nhóm cuối bảng, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên
Daniel Bastard, Chi Phương, RFI, 03/05/2023
Nhân ngày Tự Do Báo Chí 03/05/2023, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RFS) công bố bảng xếp hạng hàng năm về điều kiện hành nghề báo của 180 nước trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 178, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo RFS, ở Châu Á, hoạt động báo chí bị cản trở nhiều nhất tại các nước độc đảng.
Bản đồ xếp hạng tự do báo chí tại 180 quốc gia trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới thực hiện © Phóng viên không biên giới (Reporters Sans Frontiers)
Theo bảng đánh giá Chỉ số Tự do Báo chí Thế Giới lần thứ 21 công bố ngày hôm nay, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp, xếp các nước Bắc Âu đứng đầu bảng, cụ thể là Na Uy (1), Irland (2), hay Đan Mạch (3). Về phía cuối bảng, bộ tam các nước Châu Á là Việt Nam (178) vì đã truy quyét, săn lùng các nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập, Trung Quốc (179) nơi được coi là nhà tù lớn nhất thế giới giam giữ nhà báo và cuối bảng là Bắc Triều Tiên (thứ 180).
Về bảng xếp hạng này, RFI tiếng Việt đã phỏng vấn ông Daniel Bastard, phụ trách về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.
RFI : RFI xin cảm ơn ông Daniel Bastard đã dành thời gian trả lời phỏng vấn và tham gia tạp chí xã hội tuần này. Trước tiên, ông đánh giá như thế nào về thứ hạng tự do báo chí của Việt Nam, thứ 178, tức là tụt 4 hạng so với năm 2022 ?
Daniel Bastard : Chưa bao giờ Việt Nam được đánh giá thấp như vậy, chỉ đứng trước Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và đứng ngay sau Iran và Miến Điện. Phải nói rằng tình hình tại Iran vào năm ngoái, với phong trào phản kháng của quần chúng, trên thực tế đã cho phép tạo ra các cuộc tranh luận trong xã hội Iran cũng như thúc đẩy sự loan truyền thông tin. Tương tự tại Miến Điện, mặc dù chính quyền đã có nhiều hành động bạo lực với các nhà báo và phương tiện truyền thông, nhưng xã hội dân sự vẫn khá năng động và vẫn có thể tự do đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Thêm vào đó là cỗ máy đàn áp tại Iran và Miến Điện không hiệu quả như ở Việt Nam
Tại Việt Nam, dù là công an, hay cơ quan tuyên truyền của Đảng, cả hai định chế kiểm duyệt này đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính quyền gia tăng kìm kẹp thông tin. Trong khi đó, ở Miến Điện, có nhiều khu vực đã thoát khỏi sự kiểm soát của quân đội cầm quyền, nhiều nơi có những tờ báo tự do, hay những tờ rơi truyền tải thông tin. Tất cả mọi người có thể trao đổi thông tin trên mạng xã hội. Đó là lý do tại sao Việt Nam đứng sau những nước, nghịch lý mà nói, có hành động bạo lực hơn với nhà báo, nhưng trên thực tế lại vẫn có những nhà báo tự do hoạt động còn ở Việt Nam thì khá phức tạp. Phải nói rằng, tôi đã khá ngạc nhiên khi Việt Nam đứng sau Miến Điện. Chính quyền Hà Nội đã dập tắt mọi cuộc tranh luận trong xã hội dân sự. Có những người muốn tham gia làm báo, hoặc viết blog, đã được đào tạo trong lĩnh vực đó, nhưng họ bị kìm kẹp và đột nhiên không còn dám bày tỏ ý kiến. Vì vậy, có một nỗi sợ hãi về tự do ngôn luận đã hình thành ở Việt Nam.
Bảng biểu xếp hạng tình hình tự do báo chí theo khu vực trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố ngày 03/05/2023. © RSF
RFI : Về tình hình ở Châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nêu ra tình hình ở các nước độc đảng, nơi mà các lãnh đạo siết chặt kiểm soát trong các diễn ngôn công cộng. Tình hình này được thể hiện ở Việt Nam ra sao ?
Daniel Bastard : Theo tôi, tự do báo chí chủ yếu liên quan đến quyền lực của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đã tái đắc cử lần thứ 3, tiếp tục giữ vị trí này. Phải nói rằng ông ấy đã "quét dọn" ngay trong nội bộ Đảng, mà trước kia vẫn có những cuộc tranh luận.
Hành động của ông Nguyễn Phú Trọng cũng tương tự như những gì mà ông Tập Cận Bình đã làm. Ông ấy đã loại bỏ tất cả những bên đối lập hoặc tranh luận trong nội bộ Đảng, trong khi trước kia, từ 1975, trong Bộ Chính Trị của chính quyền Bắc Việt, vẫn được phép tranh luận, bày tỏ ý kiến đối lập và những cuộc tranh luận này được thể hiện trong các báo chính thống. Nhưng hiện giờ thì không còn như vậy nữa, báo chính thống hiện giờ tuân theo đường lối, một lãnh đạo, một Đảng, một Nhà nước. Trong khi cách nay 5 năm, một số cơ quan báo chí, nhất là về luật pháp, vẫn có những cuộc tranh luận khá thú vị, nêu ra những vấn đề xã hội ở Việt Nam, còn bây giờ thì tất cả đã bị dập tắt. Chúng ta có thể thấy sức mạnh của ông Trọng vào năm ngoái khi nhiều lãnh đạo cấp cao bị thay thế, trong đó có cả chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Một điểm khác nữa trong đường lối của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là làn sóng bắt giữ các nhà báo độc lập vào những năm gần đây. Nhiều blogger đã bị bắt giữ, mặc dù họ là những nhân vật lịch sử, có một vị trí nào đó trong Đảng hoặc trong quân đội, là những người từng rất được tôn trọng trong Đảng. Có những người từng là tướng lĩnh mà trước năm 1975, bị bắt giữ chỉ vì chỉ trích, đặt vấn đề, nghi ngờ đường lối của tổng bí thư, như trường hợp của ông Phạm Chí Thành (được trao Huy Chương kháng chiến hạng Nhì của Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ - nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, năm 1990).
Chúng ta có thể thấy rằng đường lối của ông Trọng đó là loại trừ tất cả những người bị cho là đối lập và cả những người chỉ muốn duy trì các cuộc tranh luận trong Đảng.
RFI : Theo báo cáo của RSF, Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới, ông có thể giải thích rõ hơn ?
Daniel Bastard : Hiện tại, 43 nhà báo hoặc blogger đang bị giam giữ trong tù tại Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành 1 trong 4 nhà tù giam nhà báo lớn nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, Miến Điện và Iran. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tự do báo chí ở Việt Nam lại bị xếp hạng thấp đến vậy. Song song với đó là những án tù rất nặng, tòa cũng rất nghiêm khắc đối với nhà báo. Chúng tôi đã ghi nhận những án tù rất nặng đối với cánh nhà báo và blogger. Cách nay 10 năm, một bloger bị bắt vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước", hoặc những tội danh tương tự được ghi trong Luật Hình Sự, thường là mơ hồ, được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận, thường chỉ lãnh án 2 hoặc 3 năm tù giam. Nhưng nay, họ có thể phải lãnh 9 đến 10, thậm chí là 15 năm.
RFI : Gần đây nhất, một nhà báo tự do Đường Văn Thái, vốn xin tị nạn ở Thái Lan, đã bị bắt giữ, ông đánh giá thế nào về trường hợp này ?
Daniel Bastard : Theo tôi, trường hợp của Đường Văn Thái là một hiện tượng cho thấy Việt Nam hoàn toàn coi thường những vấn đề liên quan đến luật pháp và chủ quyền. Bởi vì ông Thái đã xin tị nạn ở Thái Lan nhưng lại bị phía Việt Nam bắt đi. Trước tiên, điều này đặt ra câu hỏi về sự tiếp tay hay thụ động của một số quan chức Thái Lan. Đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà báo Trung Quốc hay Việt Nam bị bắt trên lãnh thổ Thái Lan. Một vấn đề khác trong trường hợp của ông Đường Văn Thái, đó là ông "chính thức" bị bắt vì đã đi vào lãnh thổ Việt Nam từ Lào, nhưng điều này là hoàn toàn vô lý. Chúng tôi thấy rằng cơ quan tuyên truyền của Việt Nam không hề có tính sáng tạo, hoặc là quá sáng tạo khi đưa ra thông tin này, có vẻ như Việt Nam muốn che đậy dấu vết của vụ bắt giữ khi đưa ra thông tin không đúng sự thật như vậy. Một điều đáng quan ngại khác đó là ông Đường Văn Thái đã bị câu lưu trong 9 ngày, nhưng cho đến nay chưa có tin tức gì mới. Thông thường, trong Luật Hình Sự Việt Nam, sau 9 ngày giam giữ sẽ hoặc là thả người, hoặc là buộc tội hay truy tố. Nhưng chúng tôi không có bất cứ thông tin gì về ông ấy cả. Công an Việt Nam vi phạm luật pháp Việt Nam. Điều này thể hiện một chút về sự độc đoán hiện đang ngự trị trong chính quyền Việt Nam.
RFI : Trái ngược với Trung Quốc, nơi mà các mạng xã hội của phương Tây như Twitter, Facebook, Instagram bị cấm, hàng triệu người dân Việt Nam vẫn có quyền truy cập vào các ứng dụng này. Tuy nhiên vào năm 2018, Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua, nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức nhân quyền, phi chính phủ, như RSF đã mạnh mẽ phản đối. Vậy theo ông, cho đến nay, liệu mạng xã hội có còn là nơi tranh luận, bày tỏ ý kiến tự do của người dân ?
Daniel Bastard : Tôi nghĩ rằng mạng xã hội, blog, hay hiện giờ là Tiktok, vẫn là nền tảng tranh luận tự do ở Việt Nam. Nhiều người đã thấy rằng các tờ báo chính thống không đáng tin hoặc đưa những tin bị kiểm duyệt và do vậy họ không quan tâm đến các tờ báo này nữa vì họ biết rằng nhiều thông tin được truyền tải bởi các cơ quan báo chí, thường là những lời bịa đặt hoặc những sự thật bị cải biên.
Internet nói chung và mạng xã hội thường là những không gian tự do ít khi có được trong các chế độ độc đảng độc tài khác. Tại Việt Nam, các trang blog vẫn khá năng động, là những nơi có các cuộc tranh luận, ngăn cản sự tuyên truyền một chiều từ đảng Cộng Sản, áp đặt tư tưởng và cho phép công dân có thể có những thông tin khác, gần với tiêu chuẩn thông tin báo chí.
Chi Phương thực hiện
Nguồn : RFI, 03/05/2023
************************
RSF : Tự do báo chí Việt Nam tụt hạng, đứng 178/180 : chỉ trên Bắc Triều Tiên và Trung Quốc
VOA, 03/05/2023
Việt Nam tụt hạng gần ‘đội sổ’ tự do báo chí năm 2023, xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF).
Đại diện của tổ chức này nói với VOA rằng lý do tụt hạng của Việt Nam là do phe cánh của người đứng đầu Đảng Cộng sản tăng cường bịt miệng những tiếng nói của các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ.
Hôm 3/5, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Tự do Báo chí Thế giới, tổ chức RSF công bố bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023, theo đó ba nước Châu Á đứng cuối bảng là Việt Nam, xếp thứ 178 ; Trung Quốc 179 ; và Triều Tiên 180.
Như vậy, Việt Nam, nơi chính quyền tự hào và cổ võ cho nền "báo chí cách mạng", bị rớt từ hạng 174 hồi năm 2022 xuống gần cuối bảng trong năm nay, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi RSF công bố xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay.
Lý do rớt hạng
Theo RSF, tổ chức có trụ sở ở thủ đô Paris của Pháp, lý do Việt Nam bị tụt hạng là do chính quyền Hà Nội "gần như hoàn tất việc truy bắt các nhà báo độc lập và các nhà bình luận" trên mạng xã hội.
"Việc Việt Nam tụt hạng năm 2023 là kết quả của cuộc đàn áp không ngừng đối với báo chí độc lập dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua những vụ bắt bớ và án tù nặng nề, ông Trọng đã thành công trong việc đè bẹp sự năng động to lớn của báo chí trực tuyến trong xã hội Việt Nam, cũng như những nỗ lực tạo ra một cuộc tranh luận bên trong các cơ quan truyền thông chính thức", ông Daniel Bastard, Giám đốc Ban Châu Á – Thái Bình Dương của RSF, cho VOA biết qua email khi tổ chức này công bố bảng xếp hạng 2023.
Ông Bastard cho biết một minh họa mới nhất về "thành quả" của sự đàn áp này là vụ bắt giữ nhà báo Đường Văn Thái, người đang tị nạn ở Thái Lan gần đây. "Điều này có nghĩa là phe cánh của ông Nguyễn Phú Trọng đang truy sát các đối thủ của mình và truy sát xuyên biên giới những người công khai lên tiếng về đấu đá nội bộ đảng", ông Bastard viết.
Trước đó, hôm 27/4, RSF cũng lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam ông Đường Văn Thái hôm 14/4 ở Hà Tĩnh do "nhập cảnh trái phép" trong khi bạn bè của ông cho rằng ông bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc" ở Thái Lan.
Ông Daniel Bastard nhận định trong một tuyên bố của RSF về việc công an Hà Tĩnh bắt ông Thái : "Công an thậm chí đã không tôn trọng các quy tắc của chính họ trong việc quyết định sẽ làm gì với ông ấy. Trường hợp này là một ví dụ đáng buồn về mức độ khinh thường khủng khiếp mà chính quyền chà đạp lên sự thượng tôn pháp luật và tự do báo chí".
Năm nay các chỉ số cụ thể của Việt Nam được RSF nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 179, chỉ số kinh tế xếp hạng 180, chỉ số lập pháp 177, chỉ số xã hội 163 và chỉ số an ninh 163.
Liên tục trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới về tự do báo chí, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí "rất tồi tệ".
Theo báo cáo của RSF, truyền thông chính thống của Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ bởi độc đảng và việc các phóng viên độc lập cũng như các blogger thường xuyên bị bỏ tù khiến cho Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với các nhà báo.
Việt Nam hiện đang giam giữ 42 nhà báo sau song sắt trong năm qua, theo thống kê của RSF.
Kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên vào 2016 đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng, người thực sự nắm quyền tại Việt Nam, liên tục bị RSF đưa vào danh sách ‘kẻ thù tự do báo chí’ trên thế giới, gọi ông và khoảng hơn 20 lãnh đạo các quốc gia độc tài khác là "những kẻ săn mồi tự do báo chí", và bị tổ chức này đánh giá là đã áp dụng các phương thức khác nhau trong việc kiểm duyệt và đàn áp tự do báo chí, với các "con mồi" là những nhà báo và các cơ quan truyền thông.
RSF nói rằng "ông Trọng đã thiết lập một hệ thống đàn áp không ngừng để đối phó với một xã hội dân sự đang ngày càng tìm kiếm thông tin đáng tin cậy, đặc biệt là trên Internet, một cách mạnh mẽ".
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho ý kiến về việc công bố bản xếp hạng tự do báo chí 2023 của RSF, nhưng chưa được phản hồi.
Những tiếng nói đồng tình
Các nhà báo độc lập, blogger và giới hoạt động trong và ngoài nước bày tỏ sự đồng tình với bảng xếp hạng mới nhất của RSF.
Việt Nam là một trong ba chế độ độc tài toàn trị còn lại dưới quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản
Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa, người từng làm phóng viên cho các tờ báo nhà nước, chia sẻ nhận định với VOA :
"Việc xếp hạng của RSF về tự do báo chí năm nay, 2023, Việt Nam tụt xuống 178, có nghĩa là nằm trong ba nước đội sổ, chỉ đứng trên Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thôi. Đó là một điều rất đáng buồn !
"Tôi cho rằng xếp hạng này tương đối chính xác ở chỗ rằng tự do báo chí Việt Nam ngày càng bị bóp nghẹt".
Trong một nhận định tương tự, một nhà hoạt động và là một blogger bất đồng chính kiến tại Tp. Hồ Chí Minh, yêu cầu không nêu tên, nhận định với VOA :
"Bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF phản ánh đúng thực trạng của Việt Nam trong năm vừa qua. Sau hàng loạt các vụ bắt bớ, hầu như không còn ai dám lên tiếng phản đối bất công xã hội một cách công khai trên mạng xã hội".
"Thậm chí anh Đường Văn Thái là một nhà báo tự do đang tị nạn tại Thái Lan còn bị bắt cóc về Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Với việc đàn áp tàn khốc như thế thì tôi nghĩ rằng mùa Đông cho nền báo chí Việt Nam còn kéo dài ít nhất là vài năm nữa", người này nhận định thêm.
"Là một người Việt Nam thì có ai mà không xấu hổ trước việc chỉ số tự do báo chí của Việt Nam chỉ còn hơn được hai nhà nước cộng sản độc tài tàn bạo bậc nhất là Trung Quốc và Bắc Hàn. Chế độ toàn trị ở các nước cộng sản kìm kẹp người dân còn hơn cả các xứ theo chế độ quân phiệt như Myanmar, Thái Lan, và chế độ thần quyền như ở Iran, Ả Rập Saudi, v.v.". nhà hoạt động không nêu tên chia sẻ với VOA.
Từ Berlin, Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ báo Việt ngữ Thoibao.de, nêu nhận định :
"Tổ chức RSF đánh giá Việt Nam tụt hạng lần này so với những năm trước là hoàn toàn đúng đắn và chính xác bởi vì trong thời gian gần đây mọi người cũng đã chứng kiến việc nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng đàn áp dữ dội những người viết trên mạng xã hội, YouTube, và những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa và họ đã nhận lãnh bản án rất nặng nề với nhiều lý do rất vô cớ.
"Gần nhất là việc họ dường như bất chấp luật pháp quốc tế và tiếp tục có hành động được cho là bắt cóc một blogger khá nổi tiếng là Đường Văn Thái đang tị nạn tại Thái Lan.
"Điều này cho thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp ngày một nặng tay và dữ dội hơn đối với người viết blog, nhà báo, hay những người bày tỏ chính kiến trên các phương tiện truyền thông xã hội".
Từ Paris, Pháp, cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng, người từng bị chính quyền Việt Nam tuyên phạt 3 năm tù cùng 3 năm quản chế về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", nêu nhận định với VOA :
"Điều mà tôi nghĩ mọi người ai cũng nhận thấy là ở Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí.
"Trong ba năm qua, sau Phạm Chí Dũng, những nhà báo có tiếng như Trương Châu Danh Hữu, Phạm Đoan Trang… đều đã bị bắt và phạt tù. Tôi nghĩ rằng có lẽ vì có sự đàn áp thô bạo như thế nên thứ hạng của Việt Nam phải tụt xuống".
Từ Houston, Texas, Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nêu nhận định về tự do báo chí Việt Nam :
"Khó khăn lớn nhất của truyền thông nhà nước Việt Nam hiện tại theo tôi, đó chính là được tự do tác nghiệp, đưa thông tin một cách trung thực, khách quan và độc lập, bởi vì đặc điểm của báo chí Việt Nam đó chính chịu sự kiểm duyệt và mang tính chất tuyên truyền.
"Dù có hơn 700 tờ báo và nhiều đài truyền hình thì các bản tin đều phục vụ một nội dung là tuyên truyền, cho nên điểm khó khăn lớn nhất chính là tự do độc lập và khách quan".
Lễ công bố bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF 2023 hôm 3/5 dự kiến diễn ra với sự tham dự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong vai trò đồng chủ tọa.
Từ chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam
Ông Clayton Weimers, Giám đốc văn phòng của RSF tại thủ đô Washington, trước đó cho biết trong một thông cáo : "Hoa Kỳ có trách nhiệm thúc đẩy và thể hiện các giá trị của tự do báo chí trên toàn thế giới. Sự tham dự của Ngoại trưởng Blinken vào sự kiện trực tuyến này là một cam kết đáng hoan nghênh đối với những giá trị đó. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác để tạo ra những hành động cụ thể hơn nữa giúp các nhà báo trên toàn thế giới an toàn hơn và bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của mọi người".
Trước đó, trong một email gởi cho VOA liên quan đến vụ nhà nước Việt Nam phạt tù nhà báo Nguyễn Lân Thắng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết : "Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam thực hiện các bước phối hợp để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo luật pháp quốc tế và cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình".
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc đàn áp tự do báo chí, và luôn khẳng định rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam vẫn được thể hiện đa dạng về loại hình và nội dung.
Nhận định về xếp hạng của RSF năm ngoái (2022), chính quyền Việt Nam nói rằng nội dung đánh giá của RSF "vẫn tiếp tục phớt lờ thực tế về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam" và RSF đã đưa ra những "đánh giá thiên lệch, thiếu khách quan và hoàn toàn không có cơ sở khi xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia "ít có tự do báo chí"".
Ngoài RSF, các tổ chức quốc tế như Freedom House (Washington DC), Viện Fraser (Vancouver, Canada), hay Tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (Civicus) cũng cho rằng chỉ số về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam bị hạn chế.
Bảng đánh giá 2023 của Freedom House cho rằng Việt Nam "không có tự do báo chí", với chỉ 19/100 điểm về tự do nói chung, 22/100 điểm về tự do Internet. Bảng xếp hạng mới nhất của Tổ chức World Economic Research có trụ sở ở London đánh giá Việt Nam có điểm số "rất xấu" về tự do báo chí, chỉ với 28.2/100 điểm, và các quyền chính trị chỉ đạt 14/100 điểm. Báo cáo năm 2022 của Viện Fraser cho thấy Việt Nam đứng thứ 132/165 quốc gia trong bảng xếp hạng tự do nói chung, với các quyền tự do cá nhân (5.08/10), kinh tế (6.42/10) và con người (5.64) chỉ ở mức trung bình, thấp hơn Campuchia, Thái Lan. Còn Tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (Civicus) xếp Việt Nam vào nhóm 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á có không gian "đóng" với xã hội dân sự - đồng nghĩa với việc các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội không được chính quyền coi trọng.