Báo chí cũng phải độc lập với các thế lực trong xã hội. Bởi nếu cứ tiếp tục cách vận hành báo chí phải là cơ quan của Đảng và Nhà nước thì nó sẽ trở thành cơ quan tuyên truyền, quảng cáo cho chủ quản thay cho chức năng báo chí. Xã hội thiếu vắng báo chí, mạng xã hội lấn sân.
Báo chí phải là tai mắt của xã hội, vì có như thế Đảng mới có thể hiểu người dân đang muốn gì, cần gì !
Lời thật thì dễ… mích lòng
Một lưu ý, từ tác giả ‘chấp bút’ cho đến người ký ban hành "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" đều có vấn đề về "tư tưởng chính trị".
Theo đó, Quyết định số 362/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3/4/2019, về "Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025", được chấp bút qua hai đời bộ trưởng là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Và về sau thì cả hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều đang thụ lý án tù với tội danh "nhận hối lộ" trong dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua lại cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Ông Trương Minh Tuấn được cho là người chấp bút soạn thảo "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" từ lúc ông còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông. Trong "sự nghiệp viết lách", ông Trương Minh Tuấn có một tác phẩm được xuất bản năm 2016 mang tên "Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay".
Lúc còn quyền uy ở Bộ Thông tin và truyền thông, ông Trương Minh Tuấn từng nặng lời phê bình báo chí trong vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam 2016 do Formosa gây ra : "Một số cơ quan báo chí đã tích cực vào cuộc, giúp cơ quan có trách nhiệm kịp thời dự báo, cảnh báo người dân. Nhưng cũng có một số báo đưa tin thổi phồng quá mức, suy diễn thủ phạm, khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì truy bức họ phải đưa ra nguyên nhân".
Chỉ những ai bất tài mới chê trách Đảng ?
Một vụ việc khác cũng xảy ra trong năm 2016. Trước ý kiến của ông Võ Đăng Thiên, khi đó là Tổng biên tập báo điện tử Infonet (thuộc chủ quản Bộ Thông tin và truyền thông), rằng : "Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo… là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng của cơ quan chỉ đạo,… lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc", thì bị ông Trương Minh Tuấn độp thẳng rằng : "đó là sự ngụy biện".
Bằng quyền uy của người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông, ông Trương Minh Tuấn khẳng định : "Không thuyết phục được bạn đọc là do trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật… đổ lỗi cho pháp luật quả là chuyện nực cười.
Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa chiều, càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo".
Chưa dừng lại, nhân danh là thủ trưởng đơn vị chủ quản, ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định "tạm đình chỉ chức vụ Tổng biên tập báo Infonet đối với ông Võ Đăng Thiên trong thời gian 15 ngày, để làm rõ trách nhiệm cá nhân của ông với những sai phạm của Infonet thời gian qua".
Vụ việc "tạm đình chỉ Tổng biên tập báo Infonet" xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau vụ báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) bị đình bản ba tháng vì ‘để xảy ra những sai phạm’, và Tổng biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo.
Một trong những lý do được công bố là PetroTimes đã có báo trích đăng lại từ báo hải ngoại về vụ án Trịnh Xuân Thanh, người đang bị Việt Nam truy nã. Bài báo đăng trên trang PetroTimes ngày 30/9/2016, ngay sau đó bị xóa, trích lại phỏng vấn với cây bút Bùi Thanh Hiếu từ Đức (còn được biết đến với bút danh Người Buôn Gió), người đã viết nhiều bài về ông Trịnh Xuân Thanh từ khi nhân vật này "mất tích".
Giải thích trên báo chí, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nói rằng tờ PetroTimes có nhiều vi phạm, và việc đăng bài phỏng vấn ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một trong số lý do đó mà thôi.
Đảng phải luôn là vị Tổng biên tập duy nhất
Trở lại với Quyết định số 362/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3/4/2019, về "Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025".
Ở quyết định này có một chi tiết mang tính ‘triệt buộc’ : Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch là mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh.
Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 5 cơ quan báo, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo ; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 26/01/2023