Làm sao để giữ vững tư tưởng trong Quân đội và Công an là vấn đề sống còn năm 2023 của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đoàn đại biểu Quân đội và Công an tham dự Đại hội Đảng cộng sản khóa XIII. (Ảnh : Internet)
Lý do vì năm con Mèo (Quý Mão) có Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa đảng XIII, dự trù vào khoảng tháng 6, để bỏ phiếu tín nhiệm các cấp lãnh đạo từ Trung ương xuống địa phương. Cuộc bỏ phiếu này sẽ là cơ hội cho các cấp tranh đua, chạy chức, chiếm quyền lãnh đạo.
Và kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ đặt nền tảng cho Đại hội đảng khóa XIV để bầu lên Tổng bí thư và Bộ Chính trị mới nhiệm kỳ 2026-2031.
Như vậy, ai là người sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư sẽ được chuẩn bị từ 2 cuộc họp nêu trên. Nhưng khác với các lần trước, việc chọn người giữ chức vụ Tổng bí thư lần này sẽ phức tạp hơn vì ứng viên sáng giá nhất, cho đến cuối năm 2022, là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách chức ngày 17/01/2023. Lý do, theo Trung ương, vì ông Phúc có "trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng" trong 2 vụ án tham nhũng thuốc chích ngừa Covid-19 Việt Á, và chuyến bay giải cứu 200.000 công nhân Việt Nam từ nước ngoài của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Trước ông Phúc, Ban Chấp hành Trung ương cũng cách chức hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, người có triển vọng làm Thủ tướng và Phó Thủ tướng Võ Đức Đam, người ôn hòa và được long giới trẻ. Hai ông Minh và Đam bị cáo buộc đã để xẩy ra vụ Việt Á và Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên cả ông Phúc lẫn 2 Phó Thủ tướng đều không bị truy tố có dính líu ăn chia trong 2 vụ tham nhũng có tổ chức này.
Dù vậy, việc cách chức hàng loạt 3 chức vụ quan trọng này đã gây ảnh hưởng dây chuyền trong nội bộ đảng viên và Chính phủ, đặc biệt trong Quân đội và Công an, hai lực lương được tuyên dương là "thanh gươm, lá chắn" bào vệ Đảng và chế độ.
Vì vậy, Đảng ủy Quân đội và Công an đã không ngừng cảnh giác tình trạng hoang mang này, đồng thời đưa ra những giài pháp giáo dục và tuyên truyền để giữ vững tư tưởng trong mỗi đơn vị của hai lực lượng võ trang nồng cốt của đảng.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ _Ảnh: qdnd.vn
Quân đội lung lay
Nhưng tại sao, vào lúc giáp Tết lại đưa tin xấu ra thảo luận ?
Trước hết, hãy bàn về Quân đội, một tổ chức có ngót triệu quân được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và tính chiến đấu cao. Nhưng để đối phó với những biến chuyển tâm lý của binh sĩ, theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày 09/01/2023 thì : "Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho bộ đội về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ, đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam ; tăng cường giáo dục truyền thống dân tộc, Quân đội, phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ".
Đồng thời : "Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, "phi chính trị hóa" Quân đội của các thế lực thù địch… giữ vững vai trò nòng cốt, đi đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".
Tuy nhiên, vẫn theo bài viết : "Công tác tư tưởng trong Quân đội còn những hạn chế, khuyết điểm, như : một số cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy nhận thức chưa thật sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tư tưởng nên chưa có chủ trương, giải pháp kịp thời, hiệu quả. Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng chưa thật mạnh mẽ, sáng tạo, đồng bộ. Công tác nắm, quản lý, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng và các mối quan hệ xã hội của bộ đội ở một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ ; tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình của một số cán bộ, đảng viên còn yếu ; còn một bộ phận cán bộ thiếu gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật, pháp luật ; vụ việc nghiêm trọng còn xảy ra làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín, danh dự của Quân đội".
Giáo dục – kiểm tra
Để chữa căn bệnh nghiệm trọng này, báo Quốc phòng toàn dân, "Cơ quan lý luận Quân sự, Chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng", đề ra yêu cầu toàn quân phải : "Bảo đảm công tác tư tưởng, phải đi trước một bước, ở đâu có bộ đội ở đó có công tác tư tưởng. Phát huy vai trò trung tâm của cơ quan chính trị các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện ; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng ; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, đăng ký thống kê theo dõi, quản lý chất lượng tư tưởng của cơ quan, đơn vị. Hằng năm, lấy kết quả công tác tư tưởng là một nội dung để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng… tránh tình trạng "trên nóng", "dưới lạnh", trên quyết liệt, dưới giản đơn, hô khẩu hiệu hoặc "khoán trắng" cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị".
Cơ bản hơn, công tác giáo dục phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ : "Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI ; tập trung làm rõ những nhận thức mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để bộ đội nhận thức sâu sắc bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội của các thế lực thù địch ; quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam".
Quan trọng hơn, Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhấn mạnh : "Với điều kiện và khả năng của mình, hơn ai hết, Quân đội phải đi đầu trong đấu tranh phản bác mạnh mẽ hơn nữa đối với những quan điểm sai trái, thù địch, không chỉ trên báo chí, mà ngay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, tuyệt đối không để những quan điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong Quân đội… bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng".
Nói đến đấu tranh trên "không gian mạng" thì không thể không nhắc đến Lực lượng 47 của Tổng cục Chính trị Quân đội, Bộ Quốc phòng, có 10.000 người, được thành lập theo Chỉ thị 47/CT-CT do Tổng cục Chính trị ban hành ngày 8/1/2016. Về tổ chức thì "lực lượng đấu tranh trên không gian mạng trong quân đội có mặt ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền và mọi lĩnh vực của quân đội" (theo Bách khoa Toàn thư mở).
Nhưng tại sao Bộ Quốc phòng Việt Nam phải đấu tranh trên mạng cả với người lính của chế độ trong tất cả các đơn vị ? Không có lý do giải thích, nhưng ai cũng biết giới trẻ ở Việt Nam nói chung, và trong Quân đội nói riêng, đã coi việc sử dụng Internet là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của họ. Vì nhờ vào được mạng lưới thông tin toàn cầu mà sự hiểu biết của giới trẻ về chế độ đang cai trị mình cũng được mở ra để họ so sánh với các dân tộc khác.
Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là Quân đội, rất sợ binh sĩ trẻ trong hàng ngũ bị phân tán để quay lưng lại chế độ.
Tăng cường tuyên truyền, học tập nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân - Ảnh minh họa
Công an thì sao ?
Người đứng đầu ngành Công an nói gì về tư tưởng trong hàng ngũ mình ?
Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khoe : "Đảng ủy Công an Trung ương, các cấp ủy trong Công an nhân dân luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Công an nhân dân luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân ; tự giác nghiên cứu, học tập và làm theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật ; phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" (Tạp chí Cộng sản, ngày 07/07/2020).
Nhưng ngoài những "thành công" tùy tiện này, tướng Tô Lâm cũng thừa nhận rằng : "Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục : Một số cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung của công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số đơn vị chưa được chú trọng đúng mức. Vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy ở một số đơn vị, công an địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội còn hạn chế, nhất là đối với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, những vấn đề an ninh phi truyền thống. Một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy một vài nơi chưa thực sự gương mẫu, thực hiện nêu gương về đạo đức, lối sống để cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo, cá biệt có những trường hợp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật của ngành công an, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải xử lý hình sự. Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy còn có dấu hiệu bị buông lỏng".
Để thay đổi, tướng Tô Lâm đã nhấn mạnh đến công tác tư tưởng trong Công an nhân dân : "Tăng cường công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng".
Thêm vào đó, ông kêu gọi phải gia tăng : "Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ… Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát một cách toàn diện, thận trọng và chặt chẽ, lấy phòng ngừa là chính ; đồng thời, kiên quyết xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Bệnh trầm kha
Những điều trình bầy của Tạp chí Quốc phòng toàn dân và của tướng Tô Lâm đối với Quân đội và Công an không chỉ phản ảnh tình hình cục bộ của hai bộ Quốc phòng và Công an mà ngược lại là tình hình chung trong đảng.
Vì vậy, trong Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã cấm đảng viên không được làm 19 điều, trong dó có 3 điều quan trọng nhất. Đó là :
"Điều 1. Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng ; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
Điều 2. Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.
Điều 3. Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; không thực hiện trách nhiệm nêu gương ; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi ; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".
Mặc dù Đảng cấm như thế, nhưng một số không nhỏ đảng viên vẫn tiếp tục chây lười không chịu học Nghị quyết đảng và sao lãng học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng đã có nhiều đảng viên kỳ cựu, kể cả một số lãnh đạo đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa", không còn tha thiết với sinh hoạt đảng.
Bằng chứng này đã được nhìn nhận trên báo Quân đội Nhân dân ngày 18/08/2021, theo đó : "Trong thời gian vừa qua, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rất đáng quan ngại".
Rõ rệt hơn, nhiều đảng viên đã "phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
Tuy nhiên, tất cả những mối nguy phai nhạt tư tưởng đã được giấu kín trong các lời nói và bài viết trong dịp Tết Quý Mão của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Dù vậy, sư phủ nhận này cũng đã vận vào đảng viên trong những ngày đầu năm khiến tình hình đã phai nhạt càng nhạt nhòa hơn.
Phạm Trần
(25/01/2023)