Làm sao để giữ vững tư tưởng trong Quân đội và Công an là vấn đề sống còn năm 2023 của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đoàn đại biểu Quân đội và Công an tham dự Đại hội Đảng cộng sản khóa XIII. (Ảnh : Internet)
Lý do vì năm con Mèo (Quý Mão) có Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa đảng XIII, dự trù vào khoảng tháng 6, để bỏ phiếu tín nhiệm các cấp lãnh đạo từ Trung ương xuống địa phương. Cuộc bỏ phiếu này sẽ là cơ hội cho các cấp tranh đua, chạy chức, chiếm quyền lãnh đạo.
Và kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ đặt nền tảng cho Đại hội đảng khóa XIV để bầu lên Tổng bí thư và Bộ Chính trị mới nhiệm kỳ 2026-2031.
Như vậy, ai là người sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư sẽ được chuẩn bị từ 2 cuộc họp nêu trên. Nhưng khác với các lần trước, việc chọn người giữ chức vụ Tổng bí thư lần này sẽ phức tạp hơn vì ứng viên sáng giá nhất, cho đến cuối năm 2022, là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách chức ngày 17/01/2023. Lý do, theo Trung ương, vì ông Phúc có "trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng" trong 2 vụ án tham nhũng thuốc chích ngừa Covid-19 Việt Á, và chuyến bay giải cứu 200.000 công nhân Việt Nam từ nước ngoài của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Trước ông Phúc, Ban Chấp hành Trung ương cũng cách chức hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, người có triển vọng làm Thủ tướng và Phó Thủ tướng Võ Đức Đam, người ôn hòa và được long giới trẻ. Hai ông Minh và Đam bị cáo buộc đã để xẩy ra vụ Việt Á và Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên cả ông Phúc lẫn 2 Phó Thủ tướng đều không bị truy tố có dính líu ăn chia trong 2 vụ tham nhũng có tổ chức này.
Dù vậy, việc cách chức hàng loạt 3 chức vụ quan trọng này đã gây ảnh hưởng dây chuyền trong nội bộ đảng viên và Chính phủ, đặc biệt trong Quân đội và Công an, hai lực lương được tuyên dương là "thanh gươm, lá chắn" bào vệ Đảng và chế độ.
Vì vậy, Đảng ủy Quân đội và Công an đã không ngừng cảnh giác tình trạng hoang mang này, đồng thời đưa ra những giài pháp giáo dục và tuyên truyền để giữ vững tư tưởng trong mỗi đơn vị của hai lực lượng võ trang nồng cốt của đảng.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ _Ảnh: qdnd.vn
Quân đội lung lay
Nhưng tại sao, vào lúc giáp Tết lại đưa tin xấu ra thảo luận ?
Trước hết, hãy bàn về Quân đội, một tổ chức có ngót triệu quân được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và tính chiến đấu cao. Nhưng để đối phó với những biến chuyển tâm lý của binh sĩ, theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày 09/01/2023 thì : "Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho bộ đội về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ, đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam ; tăng cường giáo dục truyền thống dân tộc, Quân đội, phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ".
Đồng thời : "Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, "phi chính trị hóa" Quân đội của các thế lực thù địch… giữ vững vai trò nòng cốt, đi đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".
Tuy nhiên, vẫn theo bài viết : "Công tác tư tưởng trong Quân đội còn những hạn chế, khuyết điểm, như : một số cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy nhận thức chưa thật sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tư tưởng nên chưa có chủ trương, giải pháp kịp thời, hiệu quả. Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng chưa thật mạnh mẽ, sáng tạo, đồng bộ. Công tác nắm, quản lý, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng và các mối quan hệ xã hội của bộ đội ở một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ ; tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình của một số cán bộ, đảng viên còn yếu ; còn một bộ phận cán bộ thiếu gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật, pháp luật ; vụ việc nghiêm trọng còn xảy ra làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín, danh dự của Quân đội".
Giáo dục – kiểm tra
Để chữa căn bệnh nghiệm trọng này, báo Quốc phòng toàn dân, "Cơ quan lý luận Quân sự, Chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng", đề ra yêu cầu toàn quân phải : "Bảo đảm công tác tư tưởng, phải đi trước một bước, ở đâu có bộ đội ở đó có công tác tư tưởng. Phát huy vai trò trung tâm của cơ quan chính trị các cấp trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện ; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng ; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, đăng ký thống kê theo dõi, quản lý chất lượng tư tưởng của cơ quan, đơn vị. Hằng năm, lấy kết quả công tác tư tưởng là một nội dung để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng… tránh tình trạng "trên nóng", "dưới lạnh", trên quyết liệt, dưới giản đơn, hô khẩu hiệu hoặc "khoán trắng" cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị".
Cơ bản hơn, công tác giáo dục phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ : "Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI ; tập trung làm rõ những nhận thức mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để bộ đội nhận thức sâu sắc bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội của các thế lực thù địch ; quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam".
Quan trọng hơn, Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhấn mạnh : "Với điều kiện và khả năng của mình, hơn ai hết, Quân đội phải đi đầu trong đấu tranh phản bác mạnh mẽ hơn nữa đối với những quan điểm sai trái, thù địch, không chỉ trên báo chí, mà ngay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, tuyệt đối không để những quan điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong Quân đội… bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng".
Nói đến đấu tranh trên "không gian mạng" thì không thể không nhắc đến Lực lượng 47 của Tổng cục Chính trị Quân đội, Bộ Quốc phòng, có 10.000 người, được thành lập theo Chỉ thị 47/CT-CT do Tổng cục Chính trị ban hành ngày 8/1/2016. Về tổ chức thì "lực lượng đấu tranh trên không gian mạng trong quân đội có mặt ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền và mọi lĩnh vực của quân đội" (theo Bách khoa Toàn thư mở).
Nhưng tại sao Bộ Quốc phòng Việt Nam phải đấu tranh trên mạng cả với người lính của chế độ trong tất cả các đơn vị ? Không có lý do giải thích, nhưng ai cũng biết giới trẻ ở Việt Nam nói chung, và trong Quân đội nói riêng, đã coi việc sử dụng Internet là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của họ. Vì nhờ vào được mạng lưới thông tin toàn cầu mà sự hiểu biết của giới trẻ về chế độ đang cai trị mình cũng được mở ra để họ so sánh với các dân tộc khác.
Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là Quân đội, rất sợ binh sĩ trẻ trong hàng ngũ bị phân tán để quay lưng lại chế độ.
Tăng cường tuyên truyền, học tập nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân - Ảnh minh họa
Công an thì sao ?
Người đứng đầu ngành Công an nói gì về tư tưởng trong hàng ngũ mình ?
Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khoe : "Đảng ủy Công an Trung ương, các cấp ủy trong Công an nhân dân luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Công an nhân dân luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân ; tự giác nghiên cứu, học tập và làm theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật ; phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" (Tạp chí Cộng sản, ngày 07/07/2020).
Nhưng ngoài những "thành công" tùy tiện này, tướng Tô Lâm cũng thừa nhận rằng : "Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục : Một số cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung của công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số đơn vị chưa được chú trọng đúng mức. Vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy ở một số đơn vị, công an địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội còn hạn chế, nhất là đối với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, những vấn đề an ninh phi truyền thống. Một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy một vài nơi chưa thực sự gương mẫu, thực hiện nêu gương về đạo đức, lối sống để cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo, cá biệt có những trường hợp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật của ngành công an, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải xử lý hình sự. Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy còn có dấu hiệu bị buông lỏng".
Để thay đổi, tướng Tô Lâm đã nhấn mạnh đến công tác tư tưởng trong Công an nhân dân : "Tăng cường công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng".
Thêm vào đó, ông kêu gọi phải gia tăng : "Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ… Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát một cách toàn diện, thận trọng và chặt chẽ, lấy phòng ngừa là chính ; đồng thời, kiên quyết xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Bệnh trầm kha
Những điều trình bầy của Tạp chí Quốc phòng toàn dân và của tướng Tô Lâm đối với Quân đội và Công an không chỉ phản ảnh tình hình cục bộ của hai bộ Quốc phòng và Công an mà ngược lại là tình hình chung trong đảng.
Vì vậy, trong Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã cấm đảng viên không được làm 19 điều, trong dó có 3 điều quan trọng nhất. Đó là :
"Điều 1. Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng ; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
Điều 2. Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng ; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.
Điều 3. Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; không thực hiện trách nhiệm nêu gương ; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi ; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".
Mặc dù Đảng cấm như thế, nhưng một số không nhỏ đảng viên vẫn tiếp tục chây lười không chịu học Nghị quyết đảng và sao lãng học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng đã có nhiều đảng viên kỳ cựu, kể cả một số lãnh đạo đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa", không còn tha thiết với sinh hoạt đảng.
Bằng chứng này đã được nhìn nhận trên báo Quân đội Nhân dân ngày 18/08/2021, theo đó : "Trong thời gian vừa qua, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rất đáng quan ngại".
Rõ rệt hơn, nhiều đảng viên đã "phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
Tuy nhiên, tất cả những mối nguy phai nhạt tư tưởng đã được giấu kín trong các lời nói và bài viết trong dịp Tết Quý Mão của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Dù vậy, sư phủ nhận này cũng đã vận vào đảng viên trong những ngày đầu năm khiến tình hình đã phai nhạt càng nhạt nhòa hơn.
Phạm Trần
(25/01/2023)
Tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Đảng cộng sản Việt Nam đã diễn ra từ thời khóa VII, sau sự tan rã của Khối cộng sản Liên bang Sô Viết năm 1991. Sau 30 năm, cho đến bắt đầu khóa đảng XIII (2021-2026), tình trạng này không những vẫn diễn tiến mà còn nghiêm trọng hơn bao giờ hết, vì suy thoái tư tưởng đã lan qua Quân đội và Công an.
Không có và không bao giờ có "quân đội trung lập", "đứng ngoài chính trị" – Nguồn : tuyengiao.vn)
Bằng chứng không viển vông hay suy đoán, vì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh giác như thế tại các Hội nghị của Quân đội với tư cách ông là Bí thư Quân ủy trung ương.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 28/9/2020, ông chỉ thị toàn quân phải : "Kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ; làm thất bại âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" Quân đội ; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội".
Ông nói : "Trước đòi hỏi của tình hình mới, với điều kiện và khả năng của mình, hơn ai hết, Quân đội phải đi đầu đấu tranh phản bác mạnh mẽ hơn nữa đối với những quan điểm sai trái, thù địch, không chỉ trên báo chí, mà ngay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, tuyệt đối không để những quan điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong Quân đội" (theo báo Nhân Dân, ngày 28/9/2020).
Sau đó, tại Hội nghị Quân chính toàn quốc ngày 7/12/2020, ông Trọng lại kêu gọi : "Tiếp tục đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, Quân đội ta. Đấu tranh chống các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác ; không để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Ông nói : "Quân đội phải làm mạnh hơn nữa, bài bản hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Đối với những người lầm đường, lạc lối thì phải kiên trì vận động, cảm hóa, giáo dục, thuyết phục. Đối với những kẻ mượn cớ, nhân danh "góp ý" để chống đối, phá hoại thì phải kiên quyết trừng trị theo pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Quân đội".
Lạ chưa, đến tổ chức chặt chẽ và kỷ luật như Quân đội mà cũng có thành phần "cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ", hay còn có : "những người lầm đường, lạc lối" thì lực lượng này cũng đã lung lay không nhỏ.
Ở diện rộng hơn, Báo cáo Chính trị tại Đại hội đảng XIII (25/01 - 01/02/2021), đã thừa nhận :
- Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi.
- Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp.
Do đó, văn kiện quan trọng nhất của Đảng đã hô hào :
- Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh.
- Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch ; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Những cam kết này cũng đã được đưa vào Nghị quyết để buộc đảng viên, kể cả Lực lượng võ trang gồm Quân đội, Công an, Dân quân, phải : "Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa".
Thực tế ra sao ?
Nhưng tại sao Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lại đang sợ đảng tan như đã xẩy ra ở Liên bang Xô viết năm 1991 ?
Bởi vì, theo phân tích của Tạp chí Quốc phòng Toàn dân ngày 21/12/2020 thì : "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là quá trình thay đổi tư duy, nhận thức về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Họ hoài nghi, phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và dần đánh mất các chuẩn mực đạo đức của người cộng sản ; dễ dàng chấp nhận tư tưởng tư bản chủ nghĩa, tin vào các luận điểm sai trái, phản động. Tiếp đến, họ không những không chấp hành mà còn thực hiện sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thậm chí trở thành phần tử chống đối, sẵn sàng ngả theo các thế lực thù địch khi được chúng ve vãn, tung hô".
Từ những biến chứng này, bài viết đã nêu lên hiện tượng "thù trong giặc ngoài" đã phối hợp với nhau đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ : "Như vậy, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có cả nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, trong đó bên trong mang tính quyết định. Những biểu hiện này có thể xảy ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với mọi cá nhân, tổ chức và trong Quân đội cũng không phải là ngoại lệ. Chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã ươm mầm cho "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chỉ chờ có sự tác động đúng lúc từ bên ngoài sẽ nảy chồi, phát triển".
Vậy cụ thể những việc gì đã xẩy ra trong hàng ngũ quân đội ?
Tạp chí Quốc phòng Toàn dân cho biết : "Thực tiễn thời gian qua cho thấy, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã xảy ra một vài hiện tượng đơn lẻ, như : có quân nhân sử dụng mạng xã hội bôi nhọ, làm giảm uy tín của các lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang ; một vài cán bộ quân đội đã nghỉ hưu có bài viết, phát ngôn xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, nói xấu cán bộ lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đó còn là một số sĩ quan cao cấp bị xử lý kỷ luật cả về Đảng và chính quyền, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự do "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội", "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc", hoặc "buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị", v.v.".
Những vi phạm trong Quân đội như thế là nghiêm trọng, vì nó đã làm lu mờ sức chiến đấu và xói mòn sự tuyệt đối trung thành với Đảng của lực lượng trên 5 triệu người trong Lực lượng vũ trang.
Đó là lý do tại sao Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã cảnh giác rằng : "Thực tế đó, một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nếu muốn phòng, chống một cách triệt để biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Quân đội ta".
Những bước cứu nguy
Để cứu vãn tình hình, bài báo đề xướng những bước cứu nguy bao gồm :
- Loại bỏ căn bệnh chủ nghĩa cá nhân
- Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận cho cán bộ, chiến sĩ.
- Học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
- Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, từ đó ngăn chặn tận gốc biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Quân đội.
- Tự soi, tự sửa… tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng trong chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng ; kịp thời chấn chỉnh, xử lý không để sai phạm dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Trên mặt trận truyền thông, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân yêu cầu :
- Các cơ quan báo chí và lực lượng nòng cốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trong toàn quân.
- Ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm ẩn danh trên mạng xã hội ; thậm chí, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (Google, YouTube, Faceboo,...) ngăn chặn không cho xuất hiện hoặc gỡ bỏ những thông tin vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
- Ngăn chặn không cho các hiện tượng tiêu cực từ bên ngoài có điều kiện tiếp xúc và xâm nhập vào nội bộ đơn vị.
Cuối cùng : "Bảo đảm trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ; có ý chí quyết tâm cao, vượt qua gian khổ, hy sinh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Công an có diễn biến không ?
Công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ còn bộc lộ sơ hở, để xảy ra một số vụ, việc cán bộ, chiến sĩ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng
Quân đội thì như thế, còn lực lượng 1,5 triệu công an thi so ? Có bị diễn biến phức tạp không ?
Nếu có thì điều gì sẽ xẩy ra đối với đội ngũ an ninh có trọng trách được gọi là "thanh kiếm và lá chắn" bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân ?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không nói trực tiếp chuyện nhậy cảm này. Ông chỉ nói up mở rằng : "Với tinh thần của Công an là tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, đã làm tốt rồi thì cần làm mạnh hơn nữa, bài bản hơn nữa, chất lượng, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, mất cảnh giác" (Trích phát biểu tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, ngày 1/12/2020).
Ông Trọng nói rõ : "Cùng với xây phải kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, những việc làm vi phạm pháp luật, trái với lòng dân, trái với chủ trương, chính sách của Đảng".
Ông Nguyễn Phú Trọng không cho biết liệu có tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong lực lượng Công an không, nhưng một bài viết của Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngày 17/9/2019 đã cho thấy việc : "Chống "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ - Một số vấn đề đặt ra đối với lực lượng công an nhân dân giai đoạn hiện nay".
Bài nghiên cứu viết : "Hiện nay, cuộc đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới đối với lực lượng công an nhân dân, với trọng trách là "thanh kiếm và lá chắn" bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân… Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng in-tơ-nét để chống phá ta và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ…".
Vì vậy, theo bài viết, "Công an nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Vậy Công an phải làm gì ?
Bài báo quy định các nhiệm vụ cho Công an phải : "Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước ; tổ chức có hiệu quả công tác đấu tranh trên phương diện tư tưởng, lý luận, nhất là phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quan điểm sai trái, thù địch, vạch trần âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phản động… tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ…"
Trước mắt ra sao ?
Đó là những việc Công an phải thi hành để bảo vệ lực lượng không bị suy thoái, nhưng trong thức tế, Công an đã bộc lộ những hạn chế không nhỏ trong công tác.
Hãy đọc tiếp : "Việc lực lượng công an nhân dân tham gia đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, nhất là công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ còn bộc lộ sơ hở, để xảy ra một số vụ, việc cán bộ, chiến sĩ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, của ngành, làm giảm niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, truyền thống của lực lượng".
Nhưng nghiêm trọng đến mức nào ? Bài báo tiết lộ : "Trong công tác và trong chiến đấu, một số cán bộ, chiến sĩ còn có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thiếu ý chí rèn luyện, phấn đấu vươn lên, thậm chí có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Bởi vậy, cùng với việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, lực lượng công an nhân dân cần xác định việc tăng cường đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là một giải pháp quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng lực lượng công an nhân dân giai đoạn hiện nay".
Để bảo đảm cho lực lượng không ngả nghiêng và mất định hướng, Công an được lệnh phải rèn luyện để :
- Là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
- Chống đòi "phi chính trị hóa" lực lượng công an nhân dân.
- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong lòng nhân dân.
- Kịp thời phát hiện những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng.
- Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết dứt điểm các vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, không để hình thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự.
- Đấu tranh, không để kẻ địch, phần tử xấu xâm nhập, lôi kéo, móc nối, tác động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Như thế là đã rõ như hai 5 là 10. Cả Quân đội và Công an đang phải đối phó với tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ, khi nhiệm kỳ XIII của đảng bắt đầu. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và hai Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã cố gắng giảm thiểu hậu quả trong các phát biểu, nhưng họ đều biết rõ đe dọa tan hàng đã đứng trước mắt.
Vấn đề còn lại là gần hay xa mà thôi.
Phạm Trần
(08/03/2021)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : quân đội là chỗ dựa vững vàng cho Đảng
RFA, 28/09/2020
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng là Bí thư quân ủy Trung ương hôm 27/9/2020 tham dự khai mạc đại hội đại biểu đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và có phát biểu rằng :
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội ở Hà Nội, ngày 28/9/2020 - mattran.org.vn
"Trước diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội luôn luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường "trong ấm, ngoài êm" cho đất nước.
Đó là bài học rất quý, cần gìn giữ, phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong những nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cũng như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Quân đội trong lòng dân".
Cũng theo Bí thư quân ủy trung ương, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp, cùng với đó là "sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và Quân đội ta cũng ngày càng tinh vi, thâm hiểm, trực diện hơn".
Mạng báo Tiền Phong cũng trích lời ông Nguyễn Phú Trọng khen ngợi quân đội đã đấu tranh với quan điểm thù địch :
"Đặc biệt, các đồng chí luôn chủ động, nhạy bén đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ; kiên quyết, kiên trì triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các mô hình, cách làm sáng tao, phù hợp".
Nguồn : RFA, 28/09/2020
*********************
RFA, 28/09/2020
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào sáng 28/9, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "Trước diễn biến phức tạp của tình hình, quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường ‘trong ấm, ngoài êm’ cho đất nước".
Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra sáng 28/9/2020. Nguồn : mod.gov.vn
Bên cạnh đó, trong những bản tin được báo nhà nước Việt Nam dẫn nhận định của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn cho rằng "quân đội ta là quân đội nhân dân, quân đội của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo ‘tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt’ của Đảng ; do vậy quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội, với phát biểu vừa nêu, ông Nguyễn Phú Trọng đã lộ rõ hơn mưu đồ là đang biến quân đội thành quân đội của đảng cộng sản :
"Theo đúng nghĩa thì quân đội là một lực lượng để bảo vệ đất nước, chống lại ngoại xâm và chỉ trung thành với đất nước, nói rộng ra là nhân dân, không thể trung thành với bất kể một đảng phái chính trị nào cả. Rất đáng tiếc ở Việt Nam đảng cộng sản Việt Nam luôn đánh đồng mình với nhân dân, với đất nước và đôi khi họ đã biến lực lượng quân đội trở thành người bảo vệ cho chính đảng cộng sản".
Đồng quan điểm vừa nêu, ông Hai Lúa, đang sống tại tại Cần Thơ bày tỏ sự không đồng tình với nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng quân đội mà ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước nói trong buổi đại hội ngày 28/9 :
"Ông muốn nói gì thì nói chứ thật ra quân đội bây giờ cũng như công an là ‘còn đảng còn mình’ nên bảo vệ hoài. Ông nói sao tùy ông chứ quân đội không như Việt Nam Cộng Hòa thời xưa là không theo đảng phái nào, bảo vệ dân, lo cho dân còn quân đội bây giờ chỉ lo bảo vệ đảng chứ có bảo vệ dân gì đâu. Không có thực tế gì hết, nội biển đảo Trung Quốc xâm chiếm gần hết mà vẫn không thấy đưa quân đội ra. Đề nghị tướng quá nhiều nhưng để đánh giặc thì không dám mà cứ xúi dân, phát cờ cho dân đưa ra biển để bảo vệ biển đảo chứ quân đội chỉ ở trên bờ, núp trong mé, không thấy anh hùng gì hết. Nói để nói chứ thực tế không thấy quân đội làm gì giúp dân".
Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam trong buổi đại hội cũng đưa ra phát biểu cho rằng "trước đòi hỏi của tình hình mới, với điều kiện và khả năng của mình, quân đội phải đi đầu đấu tranh phản bác mạnh mẽ những quan điểm sai trái, thù địch, không chỉ trên báo chí, mà ngay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, tuyệt đối không để những quan điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong quân đội".
Lãnh đạo nhà nước Việt Nam và các đại biểu dự đại hội. Nguồn : qdnd.vn
Trao đổi với RFA tối 28/9, ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội Tổng cục II cho rằng :
"Tôi chỉ nói định nghĩa sơ đẳng nhất của một sư tổ cộng sản là ông Engels về quân đội là một tổ chức được sinh ra thuần túy chỉ để đấu tranh bằng quân sự nên việc giao cho nó những nhiệm vụ kiểu như thế là rất tào lao, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của quân đội. Chức trách, nhiệm vụ của quân đội trong thời chiến là đấu tranh chống lại các cuộc xâm lược bên ngoài. Còn trong thời bình sẵn sàng chiến đấu, tăng cường rèn luyện, huấn luyện, bổ sung kiến thức, thói quen, chuyên môn nghiệp vụ quân sự để sẵn sàng có thể chiến đấu tốt khi có tình huống chiến tranh xảy ra. Thế nhưng bây giờ lại giao quân đội nhiệm vụ tào lao như vậy thực chất là không đúng, một khi không đúng thì không làm được".
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sở dĩ ông Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiệm vụ cho lực lượng quân đội nhưng không được ủng hộ là do hệ quả không thể tránh khỏi của tư tưởng như của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông giải thích :
"Bởi vì như thế quân đội là một bộ phận cấu thành của đảng và trở thành một lực lượng lá chắn sức mạnh của đảng cộng sản để đối phó với tất cả lực lượng khác mà có thể làm nguy hại đến sự tồn vong của đảng cộng sản. Như thế có thể có nhiều tầng lớp nhân dân không thích đảng cộng sản, lúc đấy theo tư duy như của ông Trọng thì quân đội sẽ phải đứng ra đàn áp cả những người ấy không chỉ bằng lời lẽ, bằng ngôn từ như họ đã làm từ trước đến nay mà có thể dùng cả vũ khí. Đó là điều hết sức nguy hiểm".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng đưa ra ví dụ điển hình như việc chính phủ Bắc Kinh đã dùng quân đội đàn áp người dân Trung Quốc tại Thiên An Môn trước đây.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng hoạt động trong quân đội, ông Vũ Minh Trí lại cho rằng quân đội suy cho cùng cũng là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, trừ một số thành phần rất ít đã được hưởng đặc quyền đặc lợi, ví dụ như được ngồi những vị trí cao cấp nhất nên có thể đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Còn đại đa số chiến sĩ là hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thị vẫn gắn bó rất trực tiếp và máu thịt với nhân dân, nên ông nghĩ rằng nếu có tình huống cụ thể, quân đội sẽ xác định đúng mục tiêu và hành động của mình.
"Thực tế đã chứng minh quân đội khi phải lựa chọn cầm súng bắn vào dân hay quay về phía ngược lại thì người ta tự khắc chọn hướng súng cho đúng. Thực tế ở tất cả các nước như Liên Xô cũ hay các nước Đông Âu và gần đây là Ai Cập chẳng hạn, quân đội rất trung thành với nhà độc tài, ví dụ như ở Ai Cập thì quân đội rất trung thành với Mubarak nhưng đến khi Mubarak ra lệnh cho quân đội chĩa pháo, chĩa súng vào đoàn biểu tình và nhân dân thì họ đã bất tuân và quay súng trở lại. Kết cục là Mubarak bị sụp đổ và ra tòa. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có và Nguyễn Trãi có câu thơ rất hay là ‘Lúc lật thuyền mới biết sức dân như nước’".
Truyền thông trong nước thời gian vừa qua liên tục đưa tin về những phiên xử các tướng quân đội có những sai phạm kinh tế, tham nhũng… khiến người dân phần nào vơi bớt niềm tin vào lực lượng bảo vệ đất nước.
Theo ông Vũ Minh Trí, với tình trạng ‘tham nhũng’ chính trị trong bộ máy chính phủ Hà Nội hiện nay thì việc tham nhũng đất đai, tài chính… là điều đương nhiên và quân đội cũng không nằm ngoài tình trạng này.
"Những viên tướng bị bắt là ‘không may’ so với những người còn lại chứ tình trạng chung là 100 người và cả trăm là như thế".
Nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng trong Quân đội, Bộ Quốc phòng vào tháng 6 vừa qua đưa ra dự thảo không để những người bị thôi việc, kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan Nhà nước mở công ty trong 12 tháng đầu tiên.
Trước đó, Bộ Quốc Phòng Việt Nam vào ngày 12/2/2020 đã khẳng định với cử tri Đà Nẵng qua văn bản trả lời rằng trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.
RFA, 28/09/2020
************************
Công an muốn tăng quyền cho Cảnh sát giao thông nại lý do người chống đối ngày càng nhiều !
Thời gian gần đây, truyền thông Nhà nước Việt Nam liên tục đưa những bản tin cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ bị giới tài xế xe máy, xe tải bất tuân hiệu lệnh lao thẳng vào gây thương tích, thậm chí chết người.
Một Cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông ở Hà Nội - Reuters
Bộ Công an Việt Nam cho rằng việc chống đối cảnh sát giao thông ngày càng manh động, ngày càng nhiều. Bộ này cho biết sẽ đề xuất tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí để ngăn chặn tình trạng này.
Nhà xã hội học -Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương từ Hà Nội nêu quan điểm của bà về hiện tượng mà Bộ công an cho là chống đối cảnh sát giao thông ngày càng nhiều :
"Bây giờ có mạng xã hội nên tin tức được đưa lên nhiều hơn chứ trước đây chỉ có báo chí một chiều nên người ta thấy nó nhiều hơn.
Trước đây người ta không thích thì người ta cũng chỉ phản ứng ngấm ngầm chứ không bộc lộ ra như bây giờ. Bây giờ người ta đã dám thể hiện ra. Họ bức xúc thì họ mới thể hiện được như thế. Từ xưa nay Việt Nam quen sử dụng luật rừng nên người dân cũng không quen tuân thủ luật pháp. Họ cư xử theo thói quen nên khi phải tuân theo luật thì họ chống đối.
Bên cạnh đó việc ứng xử không đúng luật và ăn tiền của dân từ cảnh sát giao thông mà báo chí từng đưa tin cũng làm dân chống đối nhiều hơn".
Có thể nêu vài ví dụ cụ thể về những hành động mà Bộ Công an cho là người điều khiển phương tiện chống đối cảnh sát giao thông trong năm nay :
Sáng ngày 14 tháng 1, tại Thanh Hóa, một nhóm cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng một xe mô tô để kiểm tra hành chính. Người điều khiển xe mô tô đã không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát mà tăng ga đâm thẳng xe vào lực lượng này khiến một người bị thương nặng. Sáng ngày 8 tháng 7, tại Hà Nội, khi cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng một xe ô tô, tài xế không chấp hành mà điều khiển xe lao về phía cảnh sát giao thông và kéo lê một chiến sĩ khoảng 10m. Gần nhất là trường hợp xảy ra ở Yên Bái hôm 25 tháng 9. Khi bị lực lượng công an ra hiệu lệnh dừng xe, một thanh niên chạy xe máy không chấp hành mà tăng ga tông thẳng xe vào tổ công tác khiến một cảnh sát giao thông bị thương nặng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định hiện tượng này :
"Đó là một thực tế. Ở vào thời điểm này cảnh sát giao thông không còn là một hình tượng đẹp trong mắt người dân nữa do tình trạng nhận hối lộ quá tràn lan trong lực lượng này.
Đây là lỗi do cả phía, lực lượng cảnh sát giao thông lẫn phía người tham gia giao thông. Khi cảnh sát giao thông phát hiện ra lỗi vi phạm thì hai bên gần như có sự thương lượng về số tiền người dân phải đưa, chứ không theo mức phạt theo quy định. Cách thứ hai là họ tìm cách cự cãi để chứng minh cảnh sát giao thông phạt họ không đúng. Và điều này phải nói nó rất là phổ biến nên lâu dần người dân cũng mất đi sự tôn trọng đối với người cảnh sát giao thông.
Thêm vào đó, mỗi khi có chuyện xảy ra thì cấp trên của các chiến sĩ cảnh sát giao thông hay có sự dung túng cho cấp dưới của mình".
Một cảnh sát chống bạo động đứng bảo vệ tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng hôm 9/11/2017. Reuters
Nhận định này của Luật sư Mạnh trùng với suy nghĩ của anh Phan Trọng Nhân từ Đắk Lắk. Theo anh, cảnh sát giao thông không thực hiện đúng chức năng chính của mình là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn dân tuân thủ luật lệ giao thông. Họ thường xuyên tìm cách bắt lỗi người vi phạm để thu phạt trực tiếp. Lâu ngày dẫn tới việc người dân họ thấy bức xúc và họ chống lại cảnh sát giao thông. Anh Nhân giải thích :
"Thứ nhất, từ trước đến nay, người dân họ không ưa lực lượng cảnh sát bởi họ lạm quyền và người dân luôn ở thế yếu. Cảnh sát họ có quyền hạn trong tay. Khi có vấn đề pháp lý xảy ra thì pháp luật bảo vệ cảnh sát chứ không bảo vệ người dân. Những điều này làm người dân nhìn cảnh sát với con mắt không thiện cảm. Tất cả các loại cảnh sát, kể cả cảnh sát giao thông.
Thứ hai, nhờ mạng xã hội nên nhiều video clips người dân cãi lý lẽ với cảnh sát giao thông bằng chính luật lệ họ đưa ra được đưa lên mạng xã hội. Họ bắt lỗi ngược lại cảnh sát giao thông. Từ đó người dân họ mạnh dạn hơn. Nếu thấy cảnh sát giao thông có lỗi là họ cự lại".
Theo Bộ Công an, tình trạng chống đối người thi hành công vụ nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông diễn ra ngày càng phức tạp, manh động và liều lĩnh. Lý do được bộ này đưa ra là do cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý cũng như ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Thêm vào đó là kiến thức hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói riêng của người dân còn thiếu.
Bộ Công an cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ; trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các điều kiện cần thiết để tăng cường thêm sức mạnh, sức chiến đấu, xử lý ngay các tình huống chống người thi hành công vụ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông :
"Tôi nghĩ việc tăng thẩm quyền để sử dụng vũ khí cho Cảnh sát giao thông là phản phản ứng thái quá và không giải quyết được vấn đề. Nó chỉ giải quyết được phần ngọn thôi, cái gốc của vấn đề là phải giữa luật pháp nghiêm.
Nếu người dân sai thì phải chấp nhận chuyện lập biên bản và đóng phạt đúng quy định. Nếu Cảnh sát giao thông sai thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Tức là phải thiết lập trở lại luật pháp. Qua đó mới tạo niềm tin và sự tôn trọng giữa hai bên. Đó mới là gốc của vấn đề".
Đây không phải lần đầu Bộ Công an đề xuất như vậy. Từ tháng 4 năm 2019, trong ‘Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ của Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đã đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ.
Đề xuất này được đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội ủng hộ với lý do đưa ra là cảnh sát giao thông mới chỉ được trang bị "công cụ hỗ trợ" mà chưa có vũ khí.
Với đề xuất cung cấp vũ khí cho cảnh sát giao thông vì chống đối ngày càng nhiều, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương bày tỏ lo ngại và ví đây như một hình thức mà bà gọi là ‘chạy đua vũ trang’. Bên này chống đối nhiều thì bên kia trang bị vũ khí. Cứ như thế thì nó sẽ đẩy xã hội đến tình trạng khá là nguy hiểm. Nó sẽ xảy ra xô xát và thương vong.
Ông Phan Trọng Nhân kết luận :
"Theo tôi đó là ngụy biện để họ giữ vững sự thống trị trên mọi lĩnh vực. Riêng với Cảnh sát giao thông, họ muốn là nói gì dân cũng phải nghe, cũng phải chấp hành chứ không được chống cự. Cho nên trang bị vũ khí cho Cảnh sát giao thông là cách để họ trấn áp người. Họ lấy lý do bảo đảm trật tự chứ thật ra là họ bảo vệ cho chính lực lượng của họ".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 28/09/2020
Đã có hàng trăm bình luận quanh hai câu chuyện trên Thiên hạ luận : Một so sánh sự khác biệt về thái độ của báo giới Việt Nam khi truyền thông Hoa Kỳ loan báo, ông Donald Trump từng gợi ý để ông James Comey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) hứa phải trung thành với Tổng thống (Trung thành có "tiêu chuẩn kép") và một đề cập đến những dấu hiệu cho thấy, dường như giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ còn quan tâm đến tài sản, tài khoản của mình (Bộ quốc phòng với "điểm đến mới" và "giá trị mới").
Đa số những bình luận đó đều xoáy vào chữ "trung".
***
Hồi đầu tháng 6, hệ thống truyền thông Việt Nam tỏ ra hết sức hào hứng khi có tin Tổng thống Hoa Kỳ gợi ý để Giám đốc FBI cam kết trung thành với mình. Giống như dân chúng và truyền thông Hoa Kỳ, hệ thống truyền thông Việt Nam cũng có khuynh hướng xem gợi ý vừa kể là không thể chấp nhận vì nó đe dọa các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ, có thể sẽ gây tổn thương cho những lợi ích hợp pháp và quyền chính đáng của dân chúng.
Đáng ngạc nhiên là dẫu tỏ ra bất bình với ông Trump nhưng hệ thống truyền thông Việt Nam lại xem chuyện quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân Việt Nam thề chỉ trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam là… điều bình thường. Thậm chí hệ thống truyền thông Việt Nam từng dành không ít giấy mực cho việc xiển dương những chỉ trích đề nghị "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang".
Bất kể "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" (quân đội và công an chỉ bảo vệ quốc gia, trật tự xã hội), cấm quân đội và công an tham gia các sinh hoạt chính trị cũng như can dự vào các tranh chấp chính trị… là điều phổ biến trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, "dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam", hệ thống truyền thông thường xuyên đồng thanh xác định đề nghị "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang" là "một sự lừa bịp về chính trị", "một chiêu bài hết sức nguy hiểm và thâm độc" ! Nếu không được Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, các lực lượng vũ trang sẽ mất phương hướng chiến đấu", Việt Nam sẽ "lâm vào tình cảnh rối ren, mất ổn định, lệ thuộc ngoại bang".
Nói cách khác, dẫu "trung thành" chỉ có một nghĩa nhưng cách tường thuật sự kiện ông Comey điều trần trước Ủy ban tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ trên báo chí Việt Nam cho thấy, với Việt Nam, "trung thành"có tới hai tiêu chuẩn : một dành cho thiên hạ và một chỉ có ở Việt Nam.
Độc giả Tran Duc không đồng tình với thắc mắc, tại sao lại xem việc các lực lượng vũ trang tại Việt Nam chỉ trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam là… tất nhiên, trong khi điều đó trái với lẽ thường (?) vì mỗi quốc gia có "cách quản lý riêng của mình". Tran Duc cho rằng, khác biệt về thể chế chính trị sẽ dẫn đến đến sự khác biệt trong quản lý, lập pháp. Hội nhập không đồng nghĩa với việc "bê hết mọi thứ" về áp dụng mà phải chọn lọc sao cho phù hợp.
Tuy tán thành yếu tố các quốc gia có quyền đặt định "cách quản lý riêng của mình" nhưng lập luận của Tran Duc bị nhiều độc giả khác phản đối. Độc giả Ben Tran cho rằng, nếu "cách quản lý riêng của mình" đã bị thiên hạ vứt vào sọt rác thì cần phải xem lại. Độc giả Duc Minh Nguyen góp thêm bằng câu hỏi, liệu "dân chúng nghèo đói, quốc gia lạc hậu, bị ngoại bang bắt nạt" đó có liên quan gì tới "cách quản lý riêng của mình" hay không ? Độc giả Gập Ghềnh Sỏi Đá khẳng định, khi "cách quản lý riêng của mình" cho thấy không mang lại lợi ích nào cho quốc gia, dân tộc thì phải leo lên miệng giếng để thấy thiên hạ thế nào chứ không thể cứ nằm mãi dưới đáy giếng.
Tranh luận chấm dứt vì độc giả Tran Duc không phản hồi
***
Ngẫu nhiên mà sau trung thành có "tiêu chuẩn kép", dư luận tại Việt Nam bị đun sôi vì sân golf Tân Sơn Nhất.
Bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, Bộ quốc phòng Việt Nam vẫn cương quyết giữ 157 héc ta vốn là đất của phi trường này cho Công ty Long Biên thuê làm sân golf. Đáng ngạc nhiên là cả Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam lẫn chính quyền Việt Nam (Quốc hội, Chính phủ) cùng nhượng bộ sự cương quyết đó. Không còn đất mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam lẫn chính quyền Việt Nam quyết định đi vay 16 tỉ Mỹ kim để xây dựng một phi trường khác ở Long Thành - Đồng Nai.
Công ty Long Biên không chỉ được thuê 157 héc ta ở phi trường Tân Sơn Nhất làm sân golf mà còn đang sử dụng 112 héc ta đất của phi trường quân sự Gia Lâm ở Hà Nội làm một sân golf khác. Tuy cả hai sân golf đều báo lỗ, không nộp thuế nhưng Công ty Long Biên có trong tay vài trăm héc ta đất ở trung tâm hai thành phố lớn nhất Việt Nam để xây dựng khách sạn, nhà hàng, apartment cao cấp cho thuê. Mà chẳng riêng Công ty Long Biên, Bộ quốc phòng Việt Nam còn là lá chắn cho nhiều công ty khác như Cái Mép, Hải Việt… móc cát đem xuất cảng theo kiểu bán 10, khai 1, không thèm đếm xỉa đến chuyện sạt lở, dân chúng phản đối.
Bài viết sau đó trên Thiên hạ luận (Bộ quốc phòng với "điểm đến mới" và "giá trị mới") nêu ra một thắc mắc khác : Dường như quân đội nhân dân Việt Nam đã có "điểm đến mới" là tài sản, tài khoản cá nhân của các tướng và "giá trị mới" của quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay chỉ còn là các con số trong những tài sản, tài khoản đó. Khi mà chỉ vài ông chủ của một số công ty có thể lèo lái Bộ quốc phòng Việt Nam theo ý mình thì ai dám chắc những ông tướng đang lãnh sứ mệnh "bảo quốc, an dân" luôn luôn "kiên định" trước tác động đủ mặt của các thế lực thật sự là thù địch của Việt Nam ?
Thay vì trả lời, độc giả tiếp tục bàn tới chữ "trung".
Nhờ thề "trung với Đảng", Bộ quốc phòng Việt Nam có thể thủ đắc đủ thứ đặc quyền, đặc lợi mà độc giả Thiet Doan gọi là "thâu tóm", còn độc giả Dung Cao gọi là "ăn cướp". Theo độc giả Trung Le thì sở dĩ Bộ quốc phòng Việt Nam có thể khuynh loát như đã thấy trước nay vì chính quyền Việt Nam chỉ có thể duy trì sự độc tài bằng cách dùng lực lượng vũ trang trấn áp dân chúng nên nói như độc giả Anh Tuan, "phải để chúng nó đớp, không cho đớp nó đảo chánh thì... tèo" ! Đó cũng là lý do độc giả Huey Nguyen than, chẳng có quốc gia nào như Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho phép quân đội kinh doanh kiếm tiền.
Khi chính quyền dựa vào lực lượng vũ trang để tồn tại thì phải chiều chuộng nhưng có một điểm đáng chú ý là lính đổ mồ hôi, thậm chí đổ máu để trấn áp đồng bào mình nhưng, theo độc giả Trung Le, tiền từ việc làm càn vào túi các "quan lớn", chẳng bao giờ tới tay người lính bình thường. Độc giả Nguyễn Cam Ranh khẳng định, đa số sĩ quan, lính tráng vẫn sống rất chật vật, chỉ có những viên tướng đảm trách vai trò lãnh đạo mới giàu có thôi.
Đảng cộng sản Việt Nam không ngừng đốc thúc các lực lượng vũ trang như quân đội, công an trung thành với mình. Độc giả Khanh Nguyen xem đó là một lối "dùng âm binh" và nay phải trả giá - để âm binh sai khiến. Khanh Nguyen tin đó là dấu hiệu vận nước đã đến hồi mạt !
Trân Văn
Nguồn : VOA, Thiên Hạ Luận, 29/06/2017