Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/09/2020

Đảng cộng sản chỉ trông cậy vào quân đội và công an để bảo vệ chế độ

Diễm Thi - RFA tiếng Việt

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : quân đội là chỗ dựa vững vàng cho Đảng

RFA, 28/09/2020

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng là Bí thư quân ủy Trung ương hôm 27/9/2020 tham dự khai mạc đại hội đại biểu đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và có phát biểu rằng :

quandoi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội ở Hà Nội, ngày 28/9/2020 - mattran.org.vn

"Trước diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội luôn luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường "trong ấm, ngoài êm" cho đất nước.

Đó là bài học rất quý, cần gìn giữ, phát huy tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong những nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cũng như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Quân đội trong lòng dân".

Cũng theo Bí thư quân ủy trung ương, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp, cùng với đó là "sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và Quân đội ta cũng ngày càng tinh vi, thâm hiểm, trực diện hơn".

Mạng báo Tiền Phong cũng trích lời ông Nguyễn Phú Trọng khen ngợi quân đội đã đấu tranh với quan điểm thù địch :

"Đặc biệt, các đồng chí luôn chủ động, nhạy bén đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ; kiên quyết, kiên trì triển khai Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các mô hình, cách làm sáng tao, phù hợp".

Nguồn : RFA, 28/09/2020

*********************

Nhiệm vụ và trách nhiệm của quân đội có thật sự như phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng ?

RFA, 28/09/2020

Có trách nhiệm với dân hay đảng ?

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào sáng 28/9, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "Trước diễn biến phức tạp của tình hình, quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường ‘trong ấm, ngoài êm’ cho đất nước".

quandoi1

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra sáng 28/9/2020. Nguồn : mod.gov.vn

Bên cạnh đó, trong những bản tin được báo nhà nước Việt Nam dẫn nhận định của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn cho rằng "quân đội ta là quân đội nhân dân, quân đội của dân, do dân, vì dân và được đặt dưới sự lãnh đạo ‘tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt’ của Đảng ; do vậy quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội, với phát biểu vừa nêu, ông Nguyễn Phú Trọng đã lộ rõ hơn mưu đồ là đang biến quân đội thành quân đội của đảng cộng sản :

"Theo đúng nghĩa thì quân đội là một lực lượng để bảo vệ đất nước, chống lại ngoại xâm và chỉ trung thành với đất nước, nói rộng ra là nhân dân, không thể trung thành với bất kể một đảng phái chính trị nào cả. Rất đáng tiếc ở Việt Nam đảng cộng sản Việt Nam luôn đánh đồng mình với nhân dân, với đất nước và đôi khi họ đã biến lực lượng quân đội trở thành người bảo vệ cho chính đảng cộng sản".

Đồng quan điểm vừa nêu, ông Hai Lúa, đang sống tại tại Cần Thơ bày tỏ sự không đồng tình với nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng quân đội mà ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước nói trong buổi đại hội ngày 28/9 :

"Ông muốn nói gì thì nói chứ thật ra quân đội bây giờ cũng như công an là ‘còn đảng còn mình’ nên bảo vệ hoài. Ông nói sao tùy ông chứ quân đội không như Việt Nam Cộng Hòa thời xưa là không theo đảng phái nào, bảo vệ dân, lo cho dân còn quân đội bây giờ chỉ lo bảo vệ đảng chứ có bảo vệ dân gì đâu. Không có thực tế gì hết, nội biển đảo Trung Quốc xâm chiếm gần hết mà vẫn không thấy đưa quân đội ra. Đề nghị tướng quá nhiều nhưng để đánh giặc thì không dám mà cứ xúi dân, phát cờ cho dân đưa ra biển để bảo vệ biển đảo chứ quân đội chỉ ở trên bờ, núp trong mé, không thấy anh hùng gì hết. Nói để nói chứ thực tế không thấy quân đội làm gì giúp dân".

Nhiệm vụ ngược trách nhiệm ?

Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam trong buổi đại hội cũng đưa ra phát biểu cho rằng "trước đòi hỏi của tình hình mới, với điều kiện và khả năng của mình, quân đội phải đi đầu đấu tranh phản bác mạnh mẽ những quan điểm sai trái, thù địch, không chỉ trên báo chí, mà ngay trong nội bộ cũng như ngoài xã hội, tuyệt đối không để những quan điểm sai trái xuất hiện, tồn tại trong quân đội".

quandoi2

Lãnh đạo nhà nước Việt Nam và các đại biểu dự đại hội. Nguồn : qdnd.vn

Trao đổi với RFA tối 28/9, ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội Tổng cục II cho rằng :

"Tôi chỉ nói định nghĩa sơ đẳng nhất của một sư tổ cộng sản là ông Engels về quân đội là một tổ chức được sinh ra thuần túy chỉ để đấu tranh bằng quân sự nên việc giao cho nó những nhiệm vụ kiểu như thế là rất tào lao, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của quân đội. Chức trách, nhiệm vụ của quân đội trong thời chiến là đấu tranh chống lại các cuộc xâm lược bên ngoài. Còn trong thời bình sẵn sàng chiến đấu, tăng cường rèn luyện, huấn luyện, bổ sung kiến thức, thói quen, chuyên môn nghiệp vụ quân sự để sẵn sàng có thể chiến đấu tốt khi có tình huống chiến tranh xảy ra. Thế nhưng bây giờ lại giao quân đội nhiệm vụ tào lao như vậy thực chất là không đúng, một khi không đúng thì không làm được".

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sở dĩ ông Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiệm vụ cho lực lượng quân đội nhưng không được ủng hộ là do hệ quả không thể tránh khỏi của tư tưởng như của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông giải thích :

"Bởi vì như thế quân đội là một bộ phận cấu thành của đảng và trở thành một lực lượng lá chắn sức mạnh của đảng cộng sản để đối phó với tất cả lực lượng khác mà có thể làm nguy hại đến sự tồn vong của đảng cộng sản. Như thế có thể có nhiều tầng lớp nhân dân không thích đảng cộng sản, lúc đấy theo tư duy như của ông Trọng thì quân đội sẽ phải đứng ra đàn áp cả những người ấy không chỉ bằng lời lẽ, bằng ngôn từ như họ đã làm từ trước đến nay mà có thể dùng cả vũ khí. Đó là điều hết sức nguy hiểm".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng đưa ra ví dụ điển hình như việc chính phủ Bắc Kinh đã dùng quân đội đàn áp người dân Trung Quốc tại Thiên An Môn trước đây.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng hoạt động trong quân đội, ông Vũ Minh Trí lại cho rằng quân đội suy cho cùng cũng là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, trừ một số thành phần rất ít đã được hưởng đặc quyền đặc lợi, ví dụ như được ngồi những vị trí cao cấp nhất nên có thể đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Còn đại đa số chiến sĩ là hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thị vẫn gắn bó rất trực tiếp và máu thịt với nhân dân, nên ông nghĩ rằng nếu có tình huống cụ thể, quân đội sẽ xác định đúng mục tiêu và hành động của mình.

"Thực tế đã chứng minh quân đội khi phải lựa chọn cầm súng bắn vào dân hay quay về phía ngược lại thì người ta tự khắc chọn hướng súng cho đúng. Thực tế ở tất cả các nước như Liên Xô cũ hay các nước Đông Âu và gần đây là Ai Cập chẳng hạn, quân đội rất trung thành với nhà độc tài, ví dụ như ở Ai Cập thì quân đội rất trung thành với Mubarak nhưng đến khi Mubarak ra lệnh cho quân đội chĩa pháo, chĩa súng vào đoàn biểu tình và nhân dân thì họ đã bất tuân và quay súng trở lại. Kết cục là Mubarak bị sụp đổ và ra tòa. Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có và Nguyễn Trãi có câu thơ rất hay là ‘Lúc lật thuyền mới biết sức dân như nước’".

Truyền thông trong nước thời gian vừa qua liên tục đưa tin về những phiên xử các tướng quân đội có những sai phạm kinh tế, tham nhũng… khiến người dân phần nào vơi bớt niềm tin vào lực lượng bảo vệ đất nước.

Theo ông Vũ Minh Trí, với tình trạng ‘tham nhũng’ chính trị trong bộ máy chính phủ Hà Nội hiện nay thì việc tham nhũng đất đai, tài chính… là điều đương nhiên và quân đội cũng không nằm ngoài tình trạng này.

"Những viên tướng bị bắt là ‘không may’ so với những người còn lại chứ tình trạng chung là 100 người và cả trăm là như thế".

Nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng trong Quân đội, Bộ Quốc phòng vào tháng 6 vừa qua đưa ra dự thảo không để những người bị thôi việc, kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan Nhà nước mở công ty trong 12 tháng đầu tiên.

Trước đó, Bộ Quốc Phòng Việt Nam vào ngày 12/2/2020 đã khẳng định với cử tri Đà Nẵng qua văn bản trả lời rằng trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.

RFA, 28/09/2020

************************

Công an muốn tăng quyền cho Cảnh sát giao thông nại lý do người chống đối ngày càng nhiều !

Thời gian gần đây, truyền thông Nhà nước Việt Nam liên tục đưa những bản tin cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ bị giới tài xế xe máy, xe tải bất tuân hiệu lệnh lao thẳng vào gây thương tích, thậm chí chết người.

csgt1

Một Cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông ở Hà Nội - Reuters

Bộ Công an Việt Nam cho rằng việc chống đối cảnh sát giao thông ngày càng manh động, ngày càng nhiều. Bộ này cho biết sẽ đề xuất tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí để ngăn chặn tình trạng này.

Nhà xã hội học -Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương từ Hà Nội nêu quan điểm của bà về hiện tượng mà Bộ công an cho là chống đối cảnh sát giao thông ngày càng nhiều :

"Bây giờ có mạng xã hội nên tin tức được đưa lên nhiều hơn chứ trước đây chỉ có báo chí một chiều nên người ta thấy nó nhiều hơn.

Trước đây người ta không thích thì người ta cũng chỉ phản ứng ngấm ngầm chứ không bộc lộ ra như bây giờ. Bây giờ người ta đã dám thể hiện ra. Họ bức xúc thì họ mới thể hiện được như thế. Từ xưa nay Việt Nam quen sử dụng luật rừng nên người dân cũng không quen tuân thủ luật pháp. Họ cư xử theo thói quen nên khi phải tuân theo luật thì họ chống đối.

Bên cạnh đó việc ứng xử không đúng luật và ăn tiền của dân từ cảnh sát giao thông mà báo chí từng đưa tin cũng làm dân chống đối nhiều hơn".

Có thể nêu vài ví dụ cụ thể về những hành động mà Bộ Công an cho là người điều khiển phương tiện chống đối cảnh sát giao thông trong năm nay :

Sáng ngày 14 tháng 1, tại Thanh Hóa, một nhóm cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng một xe mô tô để kiểm tra hành chính. Người điều khiển xe mô tô đã không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát mà tăng ga đâm thẳng xe vào lực lượng này khiến một người bị thương nặng. Sáng ngày 8 tháng 7, tại Hà Nội, khi cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng một xe ô tô, tài xế không chấp hành mà điều khiển xe lao về phía cảnh sát giao thông và kéo lê một chiến sĩ khoảng 10m. Gần nhất là trường hợp xảy ra ở Yên Bái hôm 25 tháng 9. Khi bị lực lượng công an ra hiệu lệnh dừng xe, một thanh niên chạy xe máy không chấp hành mà tăng ga tông thẳng xe vào tổ công tác khiến một cảnh sát giao thông bị thương nặng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định hiện tượng này :

"Đó là một thực tế. Ở vào thời điểm này cảnh sát giao thông không còn là một hình tượng đẹp trong mắt người dân nữa do tình trạng nhận hối lộ quá tràn lan trong lực lượng này.

Đây là lỗi do cả phía, lực lượng cảnh sát giao thông lẫn phía người tham gia giao thông. Khi cảnh sát giao thông phát hiện ra lỗi vi phạm thì hai bên gần như có sự thương lượng về số tiền người dân phải đưa, chứ không theo mức phạt theo quy định. Cách thứ hai là họ tìm cách cự cãi để chứng minh cảnh sát giao thông phạt họ không đúng. Và điều này phải nói nó rất là phổ biến nên lâu dần người dân cũng mất đi sự tôn trọng đối với người cảnh sát giao thông.

Thêm vào đó, mỗi khi có chuyện xảy ra thì cấp trên của các chiến sĩ cảnh sát giao thông hay có sự dung túng cho cấp dưới của mình".

csgt2

Một cảnh sát chống bạo động đứng bảo vệ tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng hôm 9/11/2017. Reuters

Nhận định này của Luật sư Mạnh trùng với suy nghĩ của anh Phan Trọng Nhân từ Đắk Lắk. Theo anh, cảnh sát giao thông không thực hiện đúng chức năng chính của mình là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn dân tuân thủ luật lệ giao thông. Họ thường xuyên tìm cách bắt lỗi người vi phạm để thu phạt trực tiếp. Lâu ngày dẫn tới việc người dân họ thấy bức xúc và họ chống lại cảnh sát giao thông. Anh Nhân giải thích :

"Thứ nhất, từ trước đến nay, người dân họ không ưa lực lượng cảnh sát bởi họ lạm quyền và người dân luôn ở thế yếu. Cảnh sát họ có quyền hạn trong tay. Khi có vấn đề pháp lý xảy ra thì pháp luật bảo vệ cảnh sát chứ không bảo vệ người dân. Những điều này làm người dân nhìn cảnh sát với con mắt không thiện cảm. Tất cả các loại cảnh sát, kể cả cảnh sát giao thông.

Thứ hai, nhờ mạng xã hội nên nhiều video clips người dân cãi lý lẽ với cảnh sát giao thông bằng chính luật lệ họ đưa ra được đưa lên mạng xã hội. Họ bắt lỗi ngược lại cảnh sát giao thông. Từ đó người dân họ mạnh dạn hơn. Nếu thấy cảnh sát giao thông có lỗi là họ cự lại".

Theo Bộ Công an, tình trạng chống đối người thi hành công vụ nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông diễn ra ngày càng phức tạp, manh động và liều lĩnh. Lý do được bộ này đưa ra là do cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý cũng như ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Thêm vào đó là kiến thức hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói riêng của người dân còn thiếu.

Bộ Công an cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ; trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các điều kiện cần thiết để tăng cường thêm sức mạnh, sức chiến đấu, xử lý ngay các tình huống chống người thi hành công vụ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông :

"Tôi nghĩ việc tăng thẩm quyền để sử dụng vũ khí cho Cảnh sát giao thông là phản phản ứng thái quá và không giải quyết được vấn đề. Nó chỉ giải quyết được phần ngọn thôi, cái gốc của vấn đề là phải giữa luật pháp nghiêm.

Nếu người dân sai thì phải chấp nhận chuyện lập biên bản và đóng phạt đúng quy định. Nếu Cảnh sát giao thông sai thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Tức là phải thiết lập trở lại luật pháp. Qua đó mới tạo niềm tin và sự tôn trọng giữa hai bên. Đó mới là gốc của vấn đề".

Đây không phải lần đầu Bộ Công an đề xuất như vậy. Từ tháng 4 năm 2019, trong ‘Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ của Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đã đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ.

Đề xuất này được đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội ủng hộ với lý do đưa ra là cảnh sát giao thông mới chỉ được trang bị "công cụ hỗ trợ" mà chưa có vũ khí.

Với đề xuất cung cấp vũ khí cho cảnh sát giao thông vì chống đối ngày càng nhiều, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương bày tỏ lo ngại và ví đây như một hình thức mà bà gọi là ‘chạy đua vũ trang’. Bên này chống đối nhiều thì bên kia trang bị vũ khí. Cứ như thế thì nó sẽ đẩy xã hội đến tình trạng khá là nguy hiểm. Nó sẽ xảy ra xô xát và thương vong.

Ông Phan Trọng Nhân kết luận :

"Theo tôi đó là ngụy biện để họ giữ vững sự thống trị trên mọi lĩnh vực. Riêng với Cảnh sát giao thông, họ muốn là nói gì dân cũng phải nghe, cũng phải chấp hành chứ không được chống cự. Cho nên trang bị vũ khí cho Cảnh sát giao thông là cách để họ trấn áp người. Họ lấy lý do bảo đảm trật tự chứ thật ra là họ bảo vệ cho chính lực lượng của họ".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 28/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 596 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)