Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/02/2023

Tự do báo chí : Việt Nam "cá biệt trong nhóm cá biệt"

Andreas Harsono

Tự do báo chí khu vực Đông Nam Á : Việt Nam "cá biệt trong nhóm cá biệt"

Tự do báo chí ở tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đồng loạt bị rớt hạng trên bảng xếp hạng về chỉ số Tự do báo chí trong suốt 20 năm qua. Riêng Việt Nam luôn "ổn định" ở vị trí áp chót, chỉ xếp trên Myanmar, quốc gia đang bị Chính quyền quân sự kiểm soát.

baochi1

Công an ngăn cảnh nhà báo tác nghiệp tại một cuộc biểu tình năm 2011 - Reuters

Thông tin trên được nêu trong bài viết có tên tạm dịch là "Con đường đến Tự do báo chí đầy chông gai ở khu vực Đông Nam Á" (The Rocky Road to Press Freedom in South East Asia) được đăng trên trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) hôm 22/2.

Việt Nam "ổn định" nhóm chót bảng

Có nhiều quốc gia bị giảm thứ hạng trầm trọng trong hai thập kỷ qua, như Indonesia từ hạng 57 xuống 117, Philippines từ 90 xuống 147, Campuchia từ 71 xuống 142, Thái Lan từ hạng 66 xuống 115…

Riêng Việt Nam rớt từ hạng 137 xuống 174 và là nước đứng áp chót trong khối ASEAN.

Từ nước Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định rằng ở Việt Nam, người dân chưa bao giờ được hưởng quyền tự do báo chí. Trong khi ở các quốc gia khác như Campuchia hay Indonesia, người dân trong một vài giai đoạn đã có được quyền lập và hoạt động báo chí tư nhân, độc lập. Luật sư Đài nói :

"Điều 25 Hiến pháp quy định là công dân Việt Nam có quyền tự do báo chí nhưng trong thực tế, 100% báo chí đều được thành lập và vận hành quản lý bởi các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ban Tuyên giáo Việt Nam…". 

Trả lời RFA qua email, nhà báo, luật sư nhân quyền Trịnh Hữu Long cho rằng bất kỳ chính phủ nào trên thế giới cũng có những cách thức hay luật lệ nhằm hạn chế tự do báo chí ở những mức độ khác nhau và ít nhiều bị phê phán. Tuy nhiên, Việt Nam rơi vào nhóm "cá biệt của cá biệt", tệ hơn cả Campuchia rất nhiều. Lý do ông Long phân tích là vì Việt Nam cấm hoàn toàn báo chí tư nhân trong khi hầu hết các nước khác ở Đông Nam Á - kể cả Campuchia, nhưng trừ Lào - đều cho phép.

Luật sư Long đồng thời cho rằng Việt Nam cũng kiểm soát Internet chặt chẽ hơn gần như tất cả các nước khác, không cho báo chí điện tử độc lập "ngóc đầu" lên. Và, đất nước độc đảng này cũng bắt bớ nhà báo vào hàng nhiều nhất thế giới. Ông Long nói tiếp :

"Tất cả những điều đó tạo ra một nền văn hoá tự kiểm duyệt cực kỳ nặng nề ở Việt Nam. Như vậy, chính quyền không những hạn chế, ngăn cản báo chí, mà còn tạo ra những điều kiện cần để các nhà báo và tòa soạn tự bóp họng mình".

Theo báo cáo  thường niên năm 2022 của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists - CPJ), Việt Nam là nhà tù lớn thứ ba ở Châu Á đối với nhà báo, sau Trung Quốc và Myanmar.

Cộng đồng ASEAN "dắt tay" đi xuống

baochi2

Bảng xếp hạng Tự do báo chí các nước Đông Nam Á năm 2002 và 2022. Ảnh : RSF

Lý giải về bảng xếp hạng tự do báo chí ở các nước Đông Nam Á nhất là trong nhiều năm liên tiếp, nhiều quốc gia trong khối ASEAN cùng "dắt tay nhau" đi xuống, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng :

"Khi mà các nước ở trong Đông Nam Á còn giữ quy định là "không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác" thì những quốc gia có nền tự do dân chủ lớn hơn không được phép can thiệp vào các quốc gia ở trong khối. Nó sẽ làm cho tự do báo chí thụt lùi, cùng đi xuống.

Các hiệp hội tự do báo chí ở các nước không có sự tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng ASEAN đương nhiên là nó sẽ đi xuống thôi".

Ở một khía cạnh khác, luật sư Trịnh Hữu Long phân tích thêm lý do vì các nước trong khối luôn có sự ảnh hưởng qua lại về mọi mặt, trong đó có cả nhân quyền nên các nước sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến nhau để duy trì được quyền lợi của mình. Ông nói tiếp :

"Chẳng hạn, Việt Nam sẽ không muốn Campuchia hay Lào trở thành các nước dân chủ, vì đó sẽ là mối đe dọa trực tiếp với quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam - với tiềm lực kinh tế vượt trội so với một số nước trong khu vực - còn xuất khẩu được mô hình quản trị vi phạm nhân quyền của mình sang các nước khác thông qua các khoản đầu tư chẳng hạn.

Ví như Viettel đang là nhà đầu tư lớn nhất của Mytel bên Myanmar - vốn là một công ty của các tướng lĩnh quân đội Myanmar, cung cấp rất nhiều tài lực cho các hoạt động xâm phạm nhân quyền của quân đội".

Ngược lại, cũng theo ông Long, các quốc gia láng giềng khi có tiến triển về nhân quyền cũng tác động ít nhiều đến tình hình chung. Ông Long nêu dẫn chứng trước đây, các nước dân chủ tương đối như Philippines, Indonesia, Thái Lan - hay kể cả Myanmar thời kỳ đầu cải cách - đều truyền được cảm hứng dân chủ cho người Việt Nam. 

"Chúng ta từng chuyền nhau những mẩu tin nức lòng về cải cách chính trị ở Myanmar, hay những cuộc bầu cử sôi động ở các nước khác trong khu vực. 

Khi có một, hay một vài, nền dân chủ đủ mạnh trong khu vực, các nền dân chủ đó sẽ có xu hướng gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng để xây dựng một cộng đồng dân chủ chia sẻ những giá trị chung. Từ đó không những tránh được xung đột khu vực mà còn thúc đẩy giao thương và giao lưu văn hoá.

Tiếc rằng điều này chưa trở thành thực tế ở Đông Nam Á. Khu vực chúng ta chưa bao giờ sản sinh ra một hình mẫu dân chủ nào đủ thuyết phục và có ảnh hưởng đủ mạnh tới các nước láng giềng".

Xu hướng dân chủ thoái trào 

Hiện nay, cả thế giới đang nằm trong xu hướng thoái trào chung về dân chủ và tự do báo chí thế giới kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, theo phân tích của luật sư Nguyễn Hữu Long, khi yếu tố chống khủng bố và an ninh quốc gia trở thành ưu tiên thì các nước có xu hướng thắt chặt các quyền tự do ở trong nước và vi phạm luật pháp quốc tế ở nước ngoài.

Trong bối cảnh chung như vậy, vẫn theo luật sư Long, Đông Nam Á lại vướng phải hai chuyện : trình độ kém phát triển dẫn đến sự nổi lên của các trào lưu chính trị dân tuý, cộng với sự ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực.

Luật sư Trịnh Hữu Long đưa ra ví dụ về Philippines. Ông nói rằng, đất nước này có tiếng là dân chủ và tự do về báo chí bậc nhất ở Đông Nam Á nhưng bế tắc trong bài toán phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế nghèo nàn, tội phạm tràn lan, nạn tham nhũng đục khoét tận xương tuỷ bộ máy nhà nước. Điều đó dẫn đến sự nổi lên của các chính trị gia và đảng phái dân tuý như Duterte, vốn là những người muốn giành và giữ được quyền lực bằng cách "chuốc cho dân chúng say khướt trong những lời hứa nhăng hứa cui cộng với phong cách lãnh đạo mạnh bạo, coi trọng sức mạnh hơn là lý lẽ".

Cùng lúc đó, ông cho rằng, Trung Quốc mạnh tay viện trợ và đầu tư vào Philippines mà không đòi hỏi Philippines phải minh bạch hay tôn trọng nhân quyền gì, rất khác với phương Tây. Nên kết quả là, ông Long nói : "Nền báo chí tự do của Philippines xuống dốc không phanh, chính trị gia tấn công báo chí như cơm bữa, nhà báo bị truy tố và bị giết ngày càng nhiều hơn". 

Trung Quốc cũng đang tìm cách đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình đến toàn bộ khối ASEAN trên mọi mặt. Hồi tháng 11 năm ngoái, tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, hai bên đã tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp ACFTA (Thoả thuận khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện) lên phiên bản 3.0. 

Vào ngày 7/2 vừa qua, vòng đám phán đầu tiên về ACFTA phiên bản 3.0 chính thức bắt đầu, các quan chức Trung Quốc và các nước ASEAN đã đi sâu thảo luận về trình tự, quy tắc, chương trình tiến hành đàm phán và kế hoạch công tác, tiến tới đề ra thời gian biểu và lộ trình cho cả quá trình đàm phán sau này.

(Theo Andreas Harsono, "The Rocky Road to Press Freedom in South East Asia", Human Rights Watch, 22/02/2023)

Nguồn : RFA, 24/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Andreas Harsono, RFA tiếng Việt
Read 298 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)