Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/02/2023

Ăn cam thay cơm

Đào Mai

Anh Hùng quành xe lại sau lời gọi "Cam, cam" từ mấy người phụ nữ trong ngôi nhà bên đường. Chiếc xe đôn máy thật mạnh kéo theo một thùng tự chế dài đến gần hai mét, chở cam tươi đầy có ngọn.

cam1

Giải cứu cam trên lề đường Thành phố Hồ Chí Minh. Người Lao Động

- Cam Vĩnh Long chánh hiệu bao ăn bao ăn-anh đon đả mời-Tươi, ngọt lắm bà con ơi !

Những trái cam sành tươi rói còn nguyên cuống và một, hai chiếc lá cứng cáp, vỏ xanh rì màu rêu hoặc có đốm ửng vàng tươi nơi trái cam phơi ra ánh nắng nhưng đều no tròn, cầm đẫy bàn tay người lớn. Một ký cam chỉ khoảng 2-3 trái. Vỏ mỏng, múi mọng trĩu nước, óng màu cam sẫm như mật ong tươi, trong vị ngọt có lót xíu chua đủ để phá hết cái oi nóng hanh hao của những ngày đầu hè Sài Gòn.

Cam sành Vĩnh Long nổi tiếng ngon. Không chỉ cam, miệt vườn miền Tây với những vùng trái cây lâu đời như Vĩnh Long, Cái Bè, Chợ Lách, Tân Phú, cù lao Tân Lộc, Lai Vung, Thới Sơn… quanh năm phù sa bồi đắp, nước sông theo mương chảy đầy ắp quanh các gốc cây trong vườn, không tốn nhiều công vun bón mà sản lượng và chất lượng trái cây đều là số dách.

Nhưng cam năm nay ế

Đang vô mùa nắng "thấy mẹ" (miền Nam có hai mùa : mùa nắng và mùa nắng thấy mẹ), nhưng cam sành lên tới chợ Sài Gòn còn có 10.000 đ/kg. Tới chiều phải trả mặt bằng lại cho người khác bán, tiểu thương bán xổ còn 8.000 đ/kg. Dọc các con đường ngoại ô, nhan nhản xe trái cây hàng rong như của anh Hiền bật máy rao ra rả "Cam sành Vĩnh Long 10.000 đ/kg xổ hết xổ rồi" (tức là hạ giá hết mức rồi).

Còn ở vườn, cam chỉ có giá tối đa 6.000 đ/kg, loại mới chín, to, đẹp, để được khoảng 10 ngày. Loại chín vàng quá lứa nhưng vẫn để được khoảng ba ngày thì giá tụt thê thảm chỉ còn 1.000 đ-2.000 đ/kg nhưng thương lái chê vì sợ không bán được.

Ít người mua, cam chín rụng đầy vườn đầy mương. Nhà vườn nông dân vốn chỉ mạnh việc nhìn trời nhìn đất nhìn mây đặng xuống giống cây trồng, thì giờ phải kiêm nhà marketing để quảng cáo và tìm kênh bán hàng, nhà ... ngoại giao để đi nhờ những nơi có tiềm năng "giải cứu" và nhất là … bán rong để tự chở hàng lên tận thành phố bán lẻ.

Mới trước Tết, cam còn ở giá 25.000 đ-40.000 đ/kg.

Và mới chỉ cách đây gần hai năm, vào cao điểm dịch COVID ở Việt Nam, cam cũng lên giá cao chất ngất, khoảng 35.000 đ-60.000 đ/kg tùy loại, còn không có mà mua. Ở thành phố người dân phải vận đủ mọi cách thức trí tuệ và mối quan hệ để mua được vài ký cam nhỏ tẹo xanh lè "uống cho tăng miễn dịch". Trong khi đó ở nhà vườn, cam chanh trái cây các loại cũng chín rụng đầy vườn đầy mương vì chính sách ngăn sông cấm chợ, mỗi địa phương là một pháo đài chống dịch khiến mạch máu giao thương bị cắt đứt.

Nguyên nhân cam ế năm nay là cung vượt cầu và mùa cam lần này trùng với mùa cam phía Bắc, trong khi miền Bắc còn lạnh nên nhu cầu tiêu thụ cam tươi giảm mạnh.

Theo một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long-vùng đất gần như chuyên canh cam của miền Tây, quy hoạch tới năm 2025, toàn tỉnh Vĩnh Long có 15.000 ha cam sành nhưng hiện tại người dân đã trồng 17.000ha, tức diện tích tăng và đi trước quy hoạch rất xa. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, mỗi năm tăng hơn 1.000ha.

Đây cũng là kết quả của các năm trước cam quá được giá, trung bình 35.000 đ/kg tại chợ lẻ Thành phố Hồ Chí Minh nên người dân bỏ các loại cây khác để lên vườn cam ào ạt.

Diện tích cam tăng quá nhanh nên từ năm 2020, ngành nông nghiệp đã có cảnh báo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, huyện Trà Ôn đang bị tồn đọng khoảng 60.000 tấn cam sành, huyện Tam Bình khoảng 10.000 tấn và huyện Vũng Liêm khoảng 10.000 tấn. Tình trạng này còn gặp ở Đồng Tháp và Hậu Giang.

Nhưng như mọi khi, chẳng mấy ai nghe theo khuyến cáo của ngành chức năng. Và cũng như mọi khi, bất kể khi nào nông sản ế thì người dân Việt Nam-vốn trọng tình hơn trọng lý- lại có chiến dịch giải cứu.

Giải cứu muôn năm

Khoảng chục năm trước, khi khái niệm "giải cứu" nông sản ế giúp nông dân còn rất mới mẻ thì nó được ủng hộ mạnh mẽ. Người có nhu cầu mua đã đành, người không có nhu cầu cũng nhiệt tình mua để biếu, tặng. Việt Nam, mà nhất là Sài Gòn thiếu gì chỗ cần biếu tặng thức ăn. Các chùa, nhà thờ nuôi trẻ mồ côi, người già, trẻ khuyết tật bất hạnh nè, các bếp thiện nguyện nấu ăn cho các bệnh viện nè, các mái ấm cưu mang mẹ bầu, người có bệnh nặng mà gia đình từ chối..v.v. Chao ơi hồ hởi.

Vậy rồi hổng hiểu sao năm nào cũng có một, hai, ba thứ nông sản gì đó ế, cần giải cứu. Hết cà chua tới dưa hấu, hết vải tới khoai, hết thanh long tới mít, hết hành tới cam, hết thơm tới sầu riêng, hết tỏi tới dừa. Nghe giải cứu riết, người mua bị ngán ngược, nhất là sau vài lần bị mắc cái bẫy mua nông sản giải cứu rồi rước về toàn dưa non, hành thối, sầu riêng sượng.

Về phía nông dân, kêu thì kêu vậy, nhưng còn giữ đất thì họ không bao giờ lo đói. Cùng lắm cắt bỏ hết trái, hy sinh một mùa để dưỡng cây, năm sau có giá bán tiếp. Đời nông dân đã trải qua quá nhiều những điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, "cui cút làm ăn toan lo nghèo khó" đã thành máu. Phân thuốc đều mua gối đầu ở những tiệm quen, người bán nhìn mặt đặt tên, sẵn lòng cho gối đầu qua một vụ.

Nhưng những người làm ăn lớn, có nhiều đất vườn hoặc dám mạnh tay mượn ngân hàng quá nhiều để đầu tư, thuê nhiều đất thì thực sự như ngồi trên đống lửa.

Tuy nông nghiệp được Nhà nước coi là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng trụ nào đỡ ai không biết, còn người nông dân thật sự là một trong những thành phần kinh tế độc lập nhất của xã hội Việt Nam. Họ tự đi tìm đất : mua, thuê hoặc được thừa kế ; tự kiếm tiền hoặc vay tiền đầu tư ; tự xác định trồng cây gì, nuôi con gì, chất lượng ra sao, bán lúc nào. Lãi hưởng, lỗ chịu. Thời tiết thì thất thường, thị trường lớn dễ tính là ông bạn Trung Quốc ngay bên cạnh ngày càng nâng tầm chất lượng nông sản mua vào, và mấy năm gần đây là chính sách đóng cửa để chống dịch. Mỗi lần ông bạn này sổ mũi thì gần như toàn bộ thị trường nông sản Việt Nam bại xuội toàn thân.

Lẽ ra với các rủi ro thường trực như vậy thì chính sách bảo hiểm nông nghiệp phải được đặt lên hàng đầu.

Nhưng với thực tế Việt Nam

Nông dân không thể tham gia bảo hiểm nông nghiệp vì quá manh mún, tự phát, sản phẩm thất thường và nhỏ lẻ, còn doanh nghiệp bán bảo hiểm thì không muốn vì rủi ro quá cao. Nhà nước cũng không có các chính sách quy hoạch hay hỗ trợ nông nghiệp nào bền vững, đủ mạnh và đủ sức thực thi ngoài những phát biểu đại ngôn chung chung của các lãnh đạo ngành. Ví dụ đề nghị "không dùng từ giải cứu nông sản nữa" vì nó làm giảm sút giá trị kinh tế cũng như thương tổn về mặt tâm lý, tinh thần cho người nông dân" của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vào năm ngoái 2022. Nhưng làm thế nào để khỏi phải (hành động) giải cứu nông sản nữa thì Bộ trưởng không nói.

Và vì thế, cái vòng lặp được mùa mất giá, được giá mất mùa nhìn toàn cục tuy có vẻ như không đẩy người nông dân cá thể đến mức phải bán nhà bán đất, nhưng nó là nguyên nhân bề nổi khiến nền nông nghiệp Việt Nam đến giờ phút này vẫn còn rất tiệm cận với sự sơ khai, hoang dã. Mất vốn thường xuyên khiến lớp chủ điền lớn khó hình thành. Nông dân cá thể chỉ canh tác để sinh sống hàng ngày chứ không thể gom được diện tích đất lớn, đầu tư công nghệ và kỹ thuật, lập những vùng chuyên canh đủ sức cung cấp cho chế biến và xuất khẩu. Mà không có vùng chuyên canh bền vững về số lượng và chất lượng nên công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng chẳng thể phát triển để tạo giá trị sâu và xuất khẩu. Đơn cử như sản phẩm nước cam ép hay bột cam chẳng hạn, đến nay chẳng có mấy thương hiệu chế biến, mà có thì cũng không cạnh tranh nổi với hàng nước ngoài.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp Việt Nam, khoảng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam. 

Nhưng vì sao đã có đến hơn 50 năm hòa bình để phát triển kinh tế mà "thế mạnh nông nghiệp" của Việt Nam vẫn còn là khái niệm nhiều mỉa mai đến vậy ?

Đào Mai

Nguồn : RFA, 25/02/2023

Tham khảo :

https://congan.com.vn/thi-truong/mien-tay-mua-cam-dang_143541.html# :~:text=T%E1%BA%A1i%20c%C3%A1c%20%C4%91i%E1%BB%83m%20b%C3%A1n%20l%E1%BA%BB,5kg%20v%E1%BB%9Bi%20gi%C3%A1%2030.000%20%C4%91%E1%BB%93ng.

https://nongthonviet.com.vn/80-san-luong-nong-san-viet-xuat-khau-chua-xay-dung-duoc-thuong-hieu.ngn

https://thanhnien.vn/nguoi-tre-khap-noi-giai-cuu-cam-sanh-18523021822312997.htm

https://laodong.vn/kinh-doanh/nguyen-nhan-cam-sanh-vinh-long-rot-gia-chi-con-2000-dongkg-1147725.ldo

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/80000-tan-cam-e-khong-nen-dung-tu-giai-cuu-thi-biet-lam-gi-1148696.ldo

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đào Mai
Read 312 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)