Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào tháng 3 vừa qua, Việt Nam ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong cùng thời điểm, hàng ngàn công nhân Việt Nam biểu tình khắp từ Bắc đến Nam để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Vai trò của các tổ chức công đoàn và mối tương quan giữa các tổ chức đó với công nhân ở Việt Nam như thế nào trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia CPTPP ?

congnhan1

Gần 4000 công nhân Công ty Yamani Dynasty đình công từ ngày 21 đến ngày 26/03/2018, tại Nam Định.  Courtesy : Liên đoàn Lao động Việt Tự do

Biểu tình liên tục

Những ngày hạ tuần tháng 3, truyền thông trong nước đưa tin hàng ngàn công nhân biểu tình tại các công ty ở Thái Bình, Nam Định và Đồng Nai ; bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Điện tử Fu Hong Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty và Công ty trách nhiệm hữu hạn Pounchen Vina.

Công nhân làm việc cho các doanh nhiệp này cho báo giới biết họ biểu tình để phản đối chính sách của công ty, như công nhân không đủ sức làm việc vì bị ép tăng sản lượng, không được nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương được cải cách không phù hợp…

Đài RFA ghi nhận cuộc đình công của gần 4000 công nhân tại Công ty Yamani Dynasty đạt được kết quả, với 14 yêu cầu của công nhân được chủ doanh nghiệp đáp ứng 9 điều. Còn hàng ngàn công nhân làm việc tại Công ty Pouchen Vina đưa ra hai yêu cầu trong cuộc đình công cũng đạt được nguyện vọng, qua thông báo của công ty này hứa hẹn sẽ thực hiện.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến các cuộc biểu tình của công nhân rằng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hỗ trợ nào cho họ trong việc thương thuyết những bất đồng với chủ doanh nghiệp hay không, một công nhân làm việc tại Công ty Pouchen Vina cho biết :

"Thật sự mà nói thì Liên đoàn Lao động không giúp được gì hết. Bởi vì, Liên đoàn Lao động trong ngày thứ nhất giải quyết không ổn thỏa, thành ra sang ngày thứ hai thì công nhân mới cùng nhau ra đường biểu tình, để gây áp lực bắt buộc công ty công nhận quyền lợi của mọi người. Liên đoàn Lao động nếu họ quan tâm đến quyền lợi của công nhân thì ngay từ lúc đầu nếu công ty muốn làm điều gì đó đã thông qua Liên đoàn Lao động rồi, chứ đâu có đợi công nhân lên tiếng phản đối như vậy".

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận có gần 300 cuộc biểu tình của công nhân nổ ra tại Việt Nam trong năm 2016 và con số này tăng lên khoảng 314 cuộc biểu tình trong năm 2017. Phần đông các công nhân tại Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc được đều cho biết họ không có thông tin nào về Liên đoàn Lao động, một tổ chức đại diện cho họ ở cấp địa phương. Mỗi khi xảy ra sự không đồng thuận giữa công nhân và chủ doanh nghiệp, thì họ mới thấy có sự hiện diện của Liên đoàn Lao động. Tuy nhiên, theo các công nhân thì thông thường Liên đoàn Lao động luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp, thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức đình công tập thể.

Nhận định về xu hướng biểu tình của công nhân tại Việt Nam trong những năm vừa qua, một thành viên của tổ chức công đoàn độc lập, có tên Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao động Việt) nói với RFA :

"Vừa qua, có một tổ chức khảo sát lương tháng của lao động Việt Nam thấp hơn 10 lần so với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, mình có thể thấy được sức lao động của công nhân Việt Nam đã bị bốc lột tới chừng nào. Ngoài tiền lương thấp rồi, thì những chế độ khác của họ đều bị tước đoạt. Người ta nói con giun bị xéo cho lắm cũng oằn, thì công nhân Việt Nam cũng đang trong tình trạng đó. Theo dõi trên truyền thông, tôi nhận thấy những cuộc đình công đều là do sự bức xúc của công nhân. Họ không còn có thể chịu đựng được nữa thì họ nổ ra những cuộc đình công theo kiểu tự phát, không hề có một sự trợ giúp hay hộ trỡ nào của Công đoàn (Liên đoàn Lao động) trước đó".

Vai trò của tổ chức công đoàn

Trong khi giới công nhân tại Việt Nam cho rằng Liên đoàn Lao động chỉ là một tổ chức hình thức, không đồng hành cùng công nhân trong việc đại diện cũng như bảo vệ quyền lợi cho họ thì Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào ngày 26 tháng 3 nói với báo giới quốc nội rằng về cơ bản Công đoàn Việt Nam vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ quan điểm chỉ đạo của Đảng và hệ thống chính trị, cơ chế không cho phép Công đoàn Việt Nam hoạt động tự do như các nước tư bản phương Tây, do đó công nhân nên hiểu rõ và chấp nhận. Tiến sĩ Vũ Quang Thọ còn nhấn mạnh ông nghĩ rằng công nhân cần hòa hoãn nhiều để giữ được việc làm của mình, chứ không phải bất kỳ điều gì không vừa ý là đình công, bãi công.

Trái ngược lại quan điểm của Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, ông Đoàn Huy Chương, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt nhận xét về nhận thức và nhu cầu của giới công nhân tại Việt Nam:

"Thứ nhất là thông qua mạng truyền thông Facebook, công nhân tìm hiểu và nhận thức được quyền lợi của họ. Thứ hai, song song với truyền thông mạng xã hội thì các tổ chức, không phải của nhà nước, luôn tìm cách để hỗ trợ công nhân; chẳng hạn như các tổ chức Lao Động Việt và Phong Trào Lao Động Việt luôn luôn gặp gỡ công nhân và nói cho họ biết về quyền lợi của họ và không phải sợ sệt. Từ chỗ đó, công nhân mạnh mẽ lên và họ đòi hỏi quyền lợi của mình".

Việt Nam vừa ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 8 tháng 3 năm 2018. Trong đó, một trong những ràng buộc mà Việt Nam phải thực hiện là cho phép các tổ chức công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp. Trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế Đô thị, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ khẳng định Công đoàn Việt Nam gặp nhiều thách thức khi có thêm một tổ chức công đoàn độc lập trong doanh nghiệp và thách thức đó được coi như là "một mất một còn", vì theo Tiến sĩ Vũ Quang Thọ các tổ chức công đoàn độc lập sẽ cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam để giành giật đoàn viên.

Trước nhận định vừa nêu của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện của hai tổ chức công đoàn độc lập Lao động Việt và Phòng trào Lao động Việt bày tỏ sự lạc quan trong thời gian tới giới công nhân tại Việt Nam có điều kiện tự do lựa chọn tổ chức công đoàn nào mà họ tin tưởng. Thế nhưng với thực tại, những công nhân tham gia biểu tình vẫn bị chủ doanh nghiệp đe dọa hợp tác với công an điều tra, xử lý và các thành viên hoạt động trong tổ chức công đoàn độc lập bị truy bức, giam tù như hai cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh thì viễn ảnh tươi sáng của giới công nhân tại Việt Nam được đồng hành cùng một tổ chức công đoàn mà họ chọn lựa vẫn còn lắm gian nan.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 30/03/2018

Published in Diễn đàn

Ngày 08/03/2018, 11 nước hai bờ Thái Bình Dương đã ký tại Chile hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mới, một năm sau khi tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết.

cptpp1

Đại diện 11 nước tham gia CPTPP sau lễ ký kết hiệp định tại Chile ngày 08/03/2018. Reuters

Hiệp định mới, mà kể từ nay mang tên là Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quy tụ các nước Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Không có sự tham gia của Hoa Kỳ, hiệp định CPTPP có tầm mức hạn chế hơn nhiều, vì chỉ bao gồm 18% GDP toàn cầu, thay vì 40% GDP nếu bao gồm cả Mỹ. Hiệp định TPP mới cũng không có những điều khoản riêng về sở hữu trí tuệ mà Washhington trước đây đã đòi phải đưa" vào hiệp định.

Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội, hiệp định CPTPP sẽ vẫn có tác động thúc đẩy Việt Nam thực hiện những cải cách cần thiết để thực sự chuyển sang nền kinh tế thị trường :

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hà Nội 09/03/2018 Nghe

(Trích phỏng vấn chuyên gia Phạm Chi Lan)

"Dầu không bằng được như khi có Hoa Kỳ, thị trường mà Việt Nam kỳ vọng nhiều nhất vào những lợi ích của TPP khi quyết định tham gia đàm phán từ cách đây mấy năm, nhưng hiệp định vẫn giữ được một số tác động lớn, tích cực cho Việt Nam, mà Việt Nam trông đợi từ trước.

Trước hết là về mặt cải cách thể chế. Việt Nam trong thời gian một vài năm trở lại đây, nhất là với chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, có vẻ quyết tâm cải cách thể chế nhiều hơn. Riêng trong năm 2017 đã có nhiều văn bản, nghị quyết mới mang tính cải cách, của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến của Quốc hội, chính phủ. Thế nhưng, cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế nói chung ở Việt Nam cũng vẫn cần có sự hợp tác với bên ngoài, hoặc là thông qua quá trình hội nhập với bên ngoài, với những chuẩn mực cao, hơn để giúp cho Việt Nam định hình rõ hơn và tăng cường quyết tâm cải cách theo hướng thị trường.

Tôi thích nhất TPP là ở chổ các chuẩn mực, các yêu cầu của hiệp định này rất là rõ và cao hơn, để Việt Nam trong quá trình cải cách của mình phải vươn tới những chuẩn mực đó, chứ không thể lúc nào cũng nhấn mạnh đến đặc thù Việt Nam để trì hoãn một số cải cách hoặc cải cách không đồng bộ. Những cải cách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán của Việt Nam đôi khi làm cho cải cách kém hiệu quả hơn nhiều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Bây giờ, nếu không có một chuyển đổi thật mạnh mẽ, thật nhất quán, để làm cho Việt Nam vượt lên, thì Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh với thế giới ngày nay. Tôi cho rằng, thúc đẩy cải cách thể chế và cải cách bộ máy hành chính của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết, mà hiệp định này có thể mang lại. Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với các nước Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ có tác động tương tự.

Thứ hai, hiệp định này sẽ cho Việt Nam cơ hội để thay đổi lại mối quan hệ quốc tế của mình trong tương tác với các nền kinh tế khác. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu thu hút đầu tư nước ngoài từ những nước chung quanh Việt Nam.

Ở trong khu vực này thì cũng đã có những kết quả ban đầu tốt, nhưng cho tới nay, nói chung đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam chưa mang lại hiệu quả tích cực về những mặt mà Việt Nam rất trông đợi, ví dụ như chuyển giao công nghệ để nâng tầm của nền kinh tế Việt Nam lên một mức cao hơn, vẫn chưa tác động vào nền kinh tế Việt Nam, vào các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phát triển trên một nền tảng tốt hơn.

Vẫn có sự cách biệt, sự khác nhau rất rõ và sự không liên kết giữa khối đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, với nội lực của Việt Nam. Chừng nào không nâng được nội lực lên, thì Việt Nam không thể phát triển được. Tôi cho rằng liên kết với các nền kinh tế tiên tiến hơn sẽ giúp nhiều hơn cho Việt Nam về mặt đó.

Thứ ba là về mở rộng thị trường ở các mặt, các thị trường trong TPP hiện nay đều có thể tham gia và mở rộng với Việt Nam và Việt Nam tập trung phát triển quan hệ với họ, cũng như là với Liên Hiệp Châu Âu. Tôi cũng kỳ vọng là hiệp định EVFTA có thể được triển khai sớm hơn, giúp cho Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu và nhập khẩu, cải thiện hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu, cũng như gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Tôi hy vọng là sẽ có sự tham gia tốt hơn (của các nhà đầu tư ngoại quốc) vào Việt Nam, thay vì thu hút rất nhiều nhà đầu tư, nhưng là của những nước không thật sự có chất lượng cao, mà nhất là của những nền kinh tế thậm chí mang lại nhiều yếu tố rủi ro cho Việt Nam".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 12/03/2018

Published in Diễn đàn

Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 11 quốc gia thành viên đạt được thoả thuận vào sáng 11 tháng 11 với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-Comprehensive and Progressive TPP).

cptpp1

Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Tài Chính Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi tại APEC 2017, Đà Nẵng. AP

Diễn tiến mới nhất và kỳ vọng đi đến ký kết của hiệp định này như thế nào ?

Được cứu vãn, nhưng chưa thể thực hiện

Sau sự kiện Thủ tướng Canada Justin Trudeau không xuất hiện làm cho cuộc họp lãnh đạo cấp cao các nước TPP hôm 10/11 phải đình lại, không chỉ gây ‘sốc’ cho các nước thành viên, mà còn dấy lên rất nhiều nghi ngờ về sự tồn tại của hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương không có mặt của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau đó, truyền thông thế giới và dĩ nhiên, không thể thiếu báo chí nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đồng loạt đăng tin về số phận của TPP : Bộ trưởng 11 nước thành viên đạt được thoả thuận TPP với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tờ Foxnews loan tin các Bộ trưởng đã cùng đưa ra tuyên bố chung đồng ý những yếu tố cốt lõi của hiệp định CPTPP theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP.

Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Tài Chính Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi cũng có bài phát biểu cho biết CPTPP sẽ tích hợp TPP, bàn thảo lại 20 điều khoản trong hiệp định ban đầu, bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai.

Phân tích rõ hơn về những vấn đề còn treo lại, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc nói với RFA :

"Thoả thuận này còn lại 20 điểm khác nhau mà các nước sẽ còn phải thảo luận để đi đến ký kết và các nước cũng đồng ý sẽ cử 1 ban đàm phán mới để tiếp tục. Việc đàm phán sẽ được khởi động trong 1 tương lai gần đây.

Có nghĩa là hiệp định này được cứu vãn chứ chưa thể thực hiện được".

Trong 20 điểm còn bảo lưu để tiếp tục thảo luận, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết chủ yếu và các vấn đề về sở hữu trí tuệ, tức là bảo đảm tôn trọng các quyền phát minh, thương hiệu, nhãn hiệu của các nước.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là những quy định cần phải được cụ thể hoá hơn nữa để tránh những khó khăn trong lúc thực hiện.

Theo dõi lộ trình của TPP, Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn dành cho CPTPP cách gọi là hiệp định TPP mới. Theo ông, ngay lúc này mỗi nước thành viên phải giải quyết 1 số vấn đề của nội bộ trước. Cho nên khi nào CPTPP được ký kết thì chưa thể biết được.

"Việc thông qua TPP mới này chắc phải còn 1 thời gian nữa mới chắc chắn được thông qua. Thời gian bao lâu thì đó cũng là 1 dấu hỏi".

CPTPP mong sự trở lại của Hoa Kỳ

Như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nhận định và chúng tôi có đề cập trong phần trên, CPTPP vẫn còn 20 yếu tố cần phải được đàm phán thêm, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Hôm 10 tháng 11, tại Đà Nẵng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có bài phát biểu trước các lãnh đạo và doanh nhân tham dự APEC. Trong đó, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, cũng là vị tổng thống đầu tiên có chuyến công du Việt Nam ngay trong năm thứ nhất của nhiệm kỳ nhấn mạnh rằng : "Nước Mỹ sẽ không tiếp tục dung thứ cho hành vi lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn. Nước Mỹ sẽ đối đầu với những thủ đoạn ép buộc các doanh nghiệp trao công nghệ cho nhà nước và buộc họ phải tham gia vào các liên doanh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường".

Chính từ nội dung được ông Donald Trump nhắc đến, những người quan tâm đến sự sống còn của TPP đã đặt ra câu hỏi rằng liệu với CPTPP có thể thu hút sự trở lại của Hoa Kỳ hay không ?

Tuy Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng không biết khi nào CPTPP sẽ được thông qua 20 điều bảo lưu còn lại để đi đến ký kết cuối cùng, nhưng ông cho biết tất cả 11 quốc gia thành viên đều có chung 1 hy vọng, đó là mong muốn sự tái gia nhập của Hoa Kỳ.

"11 nước thành viên TPP còn lại khi mà đồng thuận để thông qua và triển khai TPP mới thì đều có 1 kỳ vọng chung là nước Mỹ sẽ có 1 thời điểm nào đó hồi tâm trở lại và tái gia nhập TPP".

Theo ông, nếu điều đó xảy ra, TPP sẽ sống động hơn và sẽ tạo động lực cũng như những điều kiện thương mại thuận lợi hơn. Và sự đồng thuận đó theo ông phải phụ thuộc vào điều kiện nội bộ chính trị của mỗi nước.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra quan niệm không khác với nhận định trên. Ông cho biết những điều qui định lại của CPTPP hoàn toàn giữ nguyên tinh thần đã đạt được trong cuộc đàm phán trước đây.

"Cho nên 11 nước đều thầm lặng hy vọng rằng sẽ có 1 ngày nào đấy Hoa Kỳ sẽ trở lại hiệp định này, vì cũng có lợi cho Hoa Kỳ chứ không phải không".

Thêm vào đó, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, những qui định này là 1 tiến bộ và rất có thể nhiều hiệp định khác trong tương lai sẽ tham khảo và vận dụng một cách thích hợp.

Hơn hẳn Hiệp định RCEP

Chính vì TPP mới cũng đề cập đến sự toàn diện (comprehensive) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) do Trung Quốc đề xướng, nhiều người quan sát đã đặt câu hỏi phải chăng có sự cộng hưởng giữa 2 hiệp định ?

Trả lời RFA về sự khác biệt đáng chú ý của CPTPP, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết theo ông tất cả vẫn như cũ, chỉ có thêm chữ CP (Comprehensive and Progressive), nghĩa là toàn diện và tiến bộ.

Ông không đồng ý khi cho rằng CPTPP chịu ảnh hưởng của RCEP, mà đó chỉ là sự giống nhau về từ ngữ.

"Mượn 1 từ của RCEP vào trong này, là 1 cách để diễn tả thôi, không có vấn đề cộng hưởng RCEP vào vấn đề này. Hai chuyện là song song với nhau thôi, nó không đối chọi nhau và cũng không có gì đặc biệt".

Chính trong thời điểm 11 quốc gia thành viên đồng ý đưa ra thoả thuận TPP với tên gọi mới là CPTPP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định TPP sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng của RCEP.

Với Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, ông cho rằng chính sự nỗ lực duy trì TPP của 11 nước còn lại sau khi Hoa Kỳ rút lui đã thể hiện sự chọn lựa đối với TPP so với RCEP do Trung Quốc dẫn đầu.

"11 quốc gia trong CPTPP hiện nay đều thấy rằng điều kiện thương mại trong TPP mới vẫn phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại và kinh tế của mỗi nước thành viên hơn là điều kiện của RCEP".

Nói về điều này, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, RCEP đã trải qua 19 vòng đàm phán bí mật nhưng hiện nay chưa tiến triển được và những nội dung cho đến nay đạt được vẫn còn thấp xa so với những gì đạt được của TPP 11. Do đó, ông nói rằng người quan sát cần tìm thêm thông tin trước khi đưa ra nhận định CPTPP có ảnh hưởng của RCEP.

TPP-11 hay CPTPP theo cách gọi mới sẽ được quyết định trong thời gian bao lâu ? Các chuyên gia kinh tế chưa thể đưa ra câu trả lời. Nhưng điều quan trọng mà chúng tôi ghi nhận từ ý kiến của các vị chuyên gia ấy là liệu với CPTPP, thì cánh cửa mở ngỏ cho Hoa Kỳ quay lại có khả thi hay không ? Hay nói cách khác, theo Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, CPTPP là hy vọng của 11 quốc gia thành viên sẽ chào đón thành viên thứ 12, là Hoa Kỳ trong tương lai.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 14/11/2017

Published in Diễn đàn

TPP được cứu vãn, Việt Nam hy vọng Mỹ quay trở (RFI, 13/11/2017)

Sau nhiều nỗ lực, nhất từ những quốc gia như Nhật Bản hay nước chủ nhà Việt Nam, đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP -11 bên lề thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng vào tuần trước cuối cùng đã đạt được thỏa thuận, tuy không phải hoàn toàn như mong muốn ban đầu, nhằm duy trì một hiệp định không có sự tham gia của Mỹ.

cptpp1

Cuộc họp giữa đại diện các nước thành viên còn lại của TPP tại Đà Nẳng ngày 09/11/2017. Reuters

Theo thông báo của hai bộ trưởng Thương Mại Việt Nam và Nhật Bản ngày 11/11/2017, trong các cuộc đàm phán từ ngày 08/11, các bộ trưởng thương mại đã thống nhất giữ nguyên những nội dung TPP cũ, nhưng cho phép các nước tạm hoãn một số nội dung để "bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ của từng nước". Các bộ trưởng cũng đã quyết định đổi tên hiệp định TPP thành "Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương", gọi tắt theo tiếng Anh là CPTPP.

Nhật Bản đã là quốc gia thúc đẩy TPP-11 mạnh mẽ nhất vì đối với Tokyo, hiệp định này là chính là một công cụ để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam thì dù TPP không còn Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, cũng mong muốn duy trì hiệp định này để tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới và qua đó giữ được một mức tăng trưởng cao, đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Ngoài Nhật Bản, đang muốn nắm vai trò đầu đàn về kinh tế ở Châu Á, có lẽ Việt Nam là quốc gia mong muốn TTP thành tựu nhất, với hy vọng là một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ quay trở lại hiệp định này, như nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trả lời RFI Việt ngữ từ Hà Nội :

"Việt Nam từ đầu đã rất trông chờ có một TPP. Đối với Việt Nam, có lẽ không có đàm phán nào khó khăn như đàm phán TPP hay có cam kết nào như trong TPP mà Việt Nam phải chấp nhận để tham gia. Việc Mỹ rút ra đã là một cú sốc với Việt Nam rồi, bởi vì lợi ích lớn nhất của Việt Nam ở TPP nói thẳng ra là lợi ích ở thị trường Mỹ, chứ còn những thị trường lớn khác như Nhật Bản thì Việt Nam đã có ít nhất là hai kênh qua hiệp định giữa Nhật với Việt Nam và hiệp định giữa Nhật với ASEAN.

Không có Mỹ đã là khó với Việt Nam rồi, nhưng Việt Nam vẫn muốn TPP tiếp tục được thực hiện với các nước còn lại. Dù sao một kênh đa phương như vậy cũng giúp cho Việt Nam mở rộng hơn quan hệ kinh tế với các nước khác, chứ không bó hẹp trong phạm vi của ASEAN hay trong RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện). Đặc biệt là trong RCEP vai trò của Trung Quốc rất lớn, cho nên Việt Nam mong muốn có những kênh khác để hội nhập ngoài những kênh mà ảnh hưởng Trung Quốc quá lớn.

Tôi cho rằng TPP là kênh vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Ít nhiều thì 11 nước thành viên còn lại của TPP cũng vẫn hy vọng rằng nếu thực hiện được TPP trong một thời gian nhất định và thực hiện tốt thì có thể khiến cho Mỹ xem xét lại lợi ích của họ và thấy là việc Mỹ tham gia TPP sẽ giúp cho lợi ích của Mỹ được đảm bảo tốt hơn, chứ không phải chỉ cho các nước khác. Vẫn có một kỳ vọng là có TPP để một ngày nào đó Mỹ sẽ quay trở lại. Kỳ vọng đó cũng đúng thôi vì xu hướng hội nhập hoặc mong muốn phát triển liên kết với nhau như thế này, tạo thành những khối đối trọng với những lực lượng khác quá như Trung Quốc chính là mong muốn của nhiều bên, trong đó có cả Hoa Kỳ.

Hiện nay ông Trump đang muốn tập trung vào nước Mỹ và muốn đàm phán song phương, nhưng đâu phải đàm phán song phương nào hoặc những hiệp định song phương nào cũng có thể giải quyết được những vấn đề mang tính chất tổng thể hơn đâu ?"

Trả lời RFI Việt ngữ từ Sài Gòn, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại TPP chính là động lực lớn nhất thúc đẩy Việt Nam và các nước khác tiếp tục đàm phán :

"Chính đó mới là yếu tố quan trọng, có nghĩa là người nghĩ rằng trong tương lai với sự duy trì hoạt động của TPP 11 nước, sẽ có một ngày nào đó chính quyền Mỹ sẽ suy nghĩ lại và sẽ gia nhập TPP. Đó là yếu tố quan trọng thúc đẩy 11 nước còn lại đàm phán trong gần một năm qua".

Nhưng tại Đà Nẵng tuần qua, đàm phán về TPP-11 có lúc tưởng đã đi vào bế tắc sau khi thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ không đến dự cuộc họp của các lãnh đạo TPP-11 vào tối thứ sáu 10/11.

Sau khi hai bộ trưởng Thương Mại của Việt Nam và Nhật thông báo đạt thỏa thuận về TPP, bộ trưởng Thương Mại Canada François-Philippe Champagne đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được, nhưng phía Canada trong một thông cáo cũng đã nhấn mạnh là "vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết".

Canada vẫn có hai bất đồng lớn về hiệp định này, đó là về quyền sở hữu trí tuệ và các miễn trừ văn hóa. Nhưng trong các phiên họp ban đầu về TPP-11, Nhật Bản thì vẫn dứt khoát không chấp nhận bất cứ một sự biệt đãi nào về văn hóa.

Không chỉ có Canada, mà một số nước khác, kể cả nước chủ nhà Việt Nam, cũng có những bất đồng với những nước khác trong TPP-11. Chẳng hạn như Việt Nam có quan điểm khác biệt về vấn đề miễn giảm thuế quan đối với các mặt hàng vải sợi. Cụ thể, Việt Nam không đồng ý với quy định là nguyên liệu nhập từ các nước không thuộc TPP sẽ không được miễn giảm thuế quan. Lý do là vì Việt Nam là một trong nước nước xuất khẩu rất nhiều hàng may mặc, mà phần lớn nguyên liệu là nhập từ Trung Quốc.

Nếu như Hoa Kỳ còn ở lại trong TPP, các công ty Việt Nam có thể chỉ cần chuyển sang nhập nguyên liệu từ Hoa Kỳ và xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường này nhiều hơn nữa. Nay các doanh nghiệp Việt Nam đang lo ngại là sẽ phải điều chỉnh lại sản xuất do những thay đổi về nguồn cung cấp nguyên liệu. Những công ty nào còn nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ bị bất lợi. Chính vậy trong giới doanh nghiệp Việt Nam không phải ai cũng ủng hộ TPP-11.

Một vấn đề khác mà Việt Nam cũng muốn có một số sửa đổi, như vấn đề quyền lao động. Hiệp định TPP-12, tức là có sự tham gia của Hoa Kỳ, yêu cầu Việt Nam phải cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Nhưng nay TPP không có Mỹ nữa, Việt Nam có vẻ không muốn chịu áp lực trên vấn đề này. Hiện giờ, các công đoàn ở Việt Nam vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản, chưa có công đoàn nào là độc lập.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc Việt Nam đòi hỏi những sửa đổi trong TPP là không có gì quá đáng, vì nhiều nước khác cũng đòi như vậy : 

"Không riêng Việt Nam mà cả 11 nước đều muốn đàm phán lại. Khi đạt được TPP-12 trước đây, có rất nhiều điều, có những cam kết do sức ép của Mỹ và do mong muốn có được mối quan hệ trên một nền tảng mới với Mỹ, nên các nước đã chấp nhận để tạo thành một cam kết chung. Nhưng bây giờ không có Mỹ nữa thì các nước cũng không có lý do để mà tiếp tục yêu cầu nhau là phải duy trì những điều đó. Không chỉ Việt Nam, mà nước nào cũng có những điều muốn đàm phán lại".

TPP nay đã được cứu vãn và được "tân trang" với tên mới là CPTPP. Nhưng thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cho biết là còn rất nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận chung cuộc về hiệp định tự do mậu dịch này, trong các lĩnh vực như quyền lao động, bảo vệ môi trường, công nghiệp xe hơi,v.v…Nói cách khác, chưa có gì thật sự bảo đảm là CPTPP sẽ trở thành hiện thực.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn ở Sài Gòn, kể từ khi tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị cho khả năng không có TPP, chứ không trông chờ vào một TPP không có Hoa Kỳ :

"Với việc Mỹ rút khỏi TPP hồi đầu năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần "hậu TPP", có nghĩa là họ chuẩn bị kế hoạch phát triển sắp tới mà không có TPP. Cho nên khi Nhật Bản và một số nước muốn duy trì TP-11, các doanh nghiệp đón nhận tin đó một cách hết sức dè dặt, không lạc quan lắm, tại vì khi Việt Nam đàm phán gia nhập TPP những năm trước đây, kỳ vọng của các doanh nghiệp Việt Nam chính là thị trường Mỹ.

Họ muốn rằng thông qua những điều kiện của TPP, thì chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách mạnh mẽ để có thể giúp đỡ các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, phát triển để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và hướng vào việc thâm nhập thị trường Mỹ và các thị trường khác của TPP-12, nhưng quan trọng nhất vẫn là thị trường Mỹ.

Khi tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi TPP, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị cho một tương lai là không có TPP đối với các kế hoạch phát triển của họ từ 2017 trở đi".

 Hiện giờ, theo chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn, để có thể tiếp tục xâm nhập thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam trông chờ vào hiệp thương mại Mỹ-Việt, nhưng hiệp định này cũng có thể phải được thương lượng lại theo yêu cầu của chính quyền Trump :

"Việt Nam đang có một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Hiệp định đó thì nghe nói sẽ được thương lượng lại. Dầu sao thì hiện nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn được điều chỉnh bởi hiệp định song phương đó. Ngoài ra còn có những thỏa ước bên cạnh thúc đẩy quan hệ thương lại Việt-Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cũng thấy rằng ông Trump thường xuyên đòi xem xét lại tất cả những hiệp định song phương và đa phương mà Mỹ đã ký trước đây, cho nên việc phải thương lượng lại một hiệp định thương mại tốt đẹp cho cả đôi bên, đó là điều mà chính quyền Việt Nam cũng đang chuẩn bị".

Thanh Phương

******************

TPP được 'trợ thở phút chót’ ở Đà Nẵng (BBC, 11/11/2017)

11 quốc gia nước tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương tuyên bố đổi tên thỏa thuận TPP và đặt ra lộ trình thực hiện.

cptpp2

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (trái) bắt tay với Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi sau buổi họp báo về TPP trưa 11/11

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản chính thức tuyên bố thỏa thuận Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổi tên thành Hợp tác Toàn diện và Cấp tiến Xuyên Thái Bình Dương, trong buổi họp báo trưa 11/11.

Ông Toshimitsu Motegi nói thỏa thuận sẽ đi vào hiệu lực sau khi 6 trên 11 quốc gia thông qua và rằng ông hi vọng việc thông qua thỏa thuận này sẽ là bước tiến trong việc đưa Hoa Kỳ trở lại.

Sáng 11/11, Bộ trưởng Thương mại Canada đăng một dòng tin tích cực trên Twitter, hoan nghênh thay đổi trong thỏa thuận mới, bao gồm các quy định nghiêm khắc hơn về bảo về quyền lợi người lao động và môi trường.

Trước đó số phận của tiến trình đàm phán kể như tan biến sau khi Canada bị cáo buộc 'đánh trống bỏ dùi' vào phút chót, khiến làm ngưng nỗ lực phục hồi thỏa thuận vốn đã mất đi sự tham gia của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne sau đó cho biết đã đạt được tiến bộ cho thỏa thuận này trong bối cảnh giới lãnh đạo các nước APEC nhóm họp tại Đà Nẵng.

Ông Champagne bác bỏ tin nói Thủ tướng Justin Trudeau đã cố tình không dự một cuộc họp về TPP hôm thứ Sáu, và nói việc Thủ tướng Trudeau không tới họp là do "trục trặc đặt lịch họp".

"Chưa bao giờ có ý định không đến tham dự bất kỳ cuộc họp nào", ông nói.

Thủ tướng Trudeau trước đó nói rằng Canada sẽ không việc gì phải vội vàng tham gia vào thỏa thuận TPP mới với 11 thành viên.

Giới chức Canada trước đó nói nước này không phải là quốc gia duy nhất cần thêm thời gian để làm việc nhằm thông qua thỏa thuận TPP sau khi tỏ ý muốn xem xét lại một số điều khoản liên quan đến ngành xe hơi.

cptpp3

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Việt Nam trước khi dự APEC.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người không đọc bài diễn văn quan trọng vào hôm thứ Sáu tại APEC, trước đó phải hoãn phiên họp mà ông chủ trì vì đoàn Canada không xuất hiện.

Theo dự kiến 11 nước thành viên TPP chỉ còn cơ hội trong ngày thứ Bảy 12/11 để đưa ra một tuyên bố chung.

Một học giả Mỹ nói không đồng tình với việc Tổng thống Donald Trump đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP nhưng nói rằng nội dung TPP như dự thảo hiện nay là đã được "soạn thảo rất dở".

"Ý tưởng về TPP là tốt nhưng tôi không thích chi tiết của nó bởi có nhiều điểm thiếu rõ ràng và các bên tham gia có thể lợi dụng sự thiếu rõ ràng này", Jenik Radon, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia nói với BBC Tiếng Việt bên lề một hội nghị kinh doanh tại Đà Nẵng.

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho rằng TPP đã 'hồi sinh' trong một 'tên gọi mới' và trở thành 'một điểm sáng thành công' của APEC 2017 tại Đà Nẵng :

"TPP đã hồi sinh với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương", Luật sư từ Canada chia sẻ trên trang FB cá nhân.

Tuy nhiên theo ý kiến này, trước mắt CPTPP vẫn còn phải giải quyết 'những vấn đề còn tồn đọng' do 'một số bất đồng' của một số thành viên, Luật sư Khanh nêu tiếp nhận xét :

"Nếu đạt được thỏa thuận, CPTPP vẫn phải còn mất tối thiểu từ 3 tháng đến 1 năm nữa mới có hiệu lực vì 11 quốc gia thành viên còn phải trình qua quốc hội để luật hóa thỏa thuận mới này.

"Sau khi CPTPP này đi vào thực tế, vấn đề là vẫn phải tiếp tục nổ lực phát triển và hoàn thiện nó. Kế đến là vẫn phải tiếp tục tiếp cận để vận động chính phủ Mỹ cũng như một số các quốc gia khác như Nam Hàn, Nam Dương và Ấn Độ cùng tham gia... Cuối cùng CPTPP là một điểm sáng thành công của APEC - Đà Nẵng 2017", Luật sư Vũ Đức Khanh nêu quan điểm từ Canada.

Nguyễn Hoàng

*******************

Các nước TPP-11 đạt đồng thuận sau nhiều ngày đàm phán gay go (RFI, 11/11/2017)

Từ Đà Nẵng, đặc phái viên Minh Anh gởi về bài tường trình :

Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản, Toshimitsu Motegi vào trưa nay, bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông báo là dựa trên cơ sở các kết quả đàm phán, các bộ trưởng trong các phiên họp những ngày vừa qua tại Đà Nẵng đã thống nhất một số nội dung quan trọng. Trước hết, các bộ trưởng đã quyết định đổi tên hiệp định TPP gồm 11 nước thành viên thành "Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương", gọi tắt theo tiếng Anh là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for the TPP).

cptpp4

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (T) và bộ trưởng Thương Mại Nhật Toshimitsu Motegi, sau cuộc họp báo về TPP tại Đà Nẵng, ngày 11/11/2017. Reuteurs/Kham

Đồng thời các bộ trưởng cũng ra tuyên bố chung của các nước trong CPTPP, thống nhất về những vấn đề cốt lõi của hiệp định này, theo hướng giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới của hiệp định.

Các bộ trưởng cũng nhất trí rằng hiệp định CPTPP là một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao, trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Kết thúc bài phát biểu bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết rất hài lòng về thỏa thuận vừa đạt được.

Còn theo bộ trưởng Thương Mại Nhật Bản Toshimitsu Motegi, có khoảng 20 hạng mục chi tiết được hoãn áp dụng, nằm rải rác trong số 20 điều khoản của CPTPP. Đây cũng là những điểm bất đồng. Do vậy, bộ trưởng Nhật Bản mong muốn các nước sớm đạt đồng thuận về những điểm còn tồn đọng, để hiệp định sớm được thực thi. Ông Toshimitsu Motegi hy vọng thỏa thuận đạt được sẽ là "một thông điệp mạnh mẽ gởi đến Hoa Kỳ và nhiều nước khác".

Minh Anh

Published in Quốc tế
Trang 2 đến 2