Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 11 quốc gia thành viên đạt được thoả thuận vào sáng 11 tháng 11 với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-Comprehensive and Progressive TPP).
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Tài Chính Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi tại APEC 2017, Đà Nẵng. AP
Diễn tiến mới nhất và kỳ vọng đi đến ký kết của hiệp định này như thế nào ?
Được cứu vãn, nhưng chưa thể thực hiện
Sau sự kiện Thủ tướng Canada Justin Trudeau không xuất hiện làm cho cuộc họp lãnh đạo cấp cao các nước TPP hôm 10/11 phải đình lại, không chỉ gây ‘sốc’ cho các nước thành viên, mà còn dấy lên rất nhiều nghi ngờ về sự tồn tại của hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương không có mặt của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau đó, truyền thông thế giới và dĩ nhiên, không thể thiếu báo chí nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đồng loạt đăng tin về số phận của TPP : Bộ trưởng 11 nước thành viên đạt được thoả thuận TPP với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tờ Foxnews loan tin các Bộ trưởng đã cùng đưa ra tuyên bố chung đồng ý những yếu tố cốt lõi của hiệp định CPTPP theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP.
Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Tài Chính Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi cũng có bài phát biểu cho biết CPTPP sẽ tích hợp TPP, bàn thảo lại 20 điều khoản trong hiệp định ban đầu, bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai.
Phân tích rõ hơn về những vấn đề còn treo lại, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc nói với RFA :
"Thoả thuận này còn lại 20 điểm khác nhau mà các nước sẽ còn phải thảo luận để đi đến ký kết và các nước cũng đồng ý sẽ cử 1 ban đàm phán mới để tiếp tục. Việc đàm phán sẽ được khởi động trong 1 tương lai gần đây.
Có nghĩa là hiệp định này được cứu vãn chứ chưa thể thực hiện được".
Trong 20 điểm còn bảo lưu để tiếp tục thảo luận, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết chủ yếu và các vấn đề về sở hữu trí tuệ, tức là bảo đảm tôn trọng các quyền phát minh, thương hiệu, nhãn hiệu của các nước.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là những quy định cần phải được cụ thể hoá hơn nữa để tránh những khó khăn trong lúc thực hiện.
Theo dõi lộ trình của TPP, Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn dành cho CPTPP cách gọi là hiệp định TPP mới. Theo ông, ngay lúc này mỗi nước thành viên phải giải quyết 1 số vấn đề của nội bộ trước. Cho nên khi nào CPTPP được ký kết thì chưa thể biết được.
"Việc thông qua TPP mới này chắc phải còn 1 thời gian nữa mới chắc chắn được thông qua. Thời gian bao lâu thì đó cũng là 1 dấu hỏi".
CPTPP mong sự trở lại của Hoa Kỳ
Như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nhận định và chúng tôi có đề cập trong phần trên, CPTPP vẫn còn 20 yếu tố cần phải được đàm phán thêm, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Hôm 10 tháng 11, tại Đà Nẵng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có bài phát biểu trước các lãnh đạo và doanh nhân tham dự APEC. Trong đó, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, cũng là vị tổng thống đầu tiên có chuyến công du Việt Nam ngay trong năm thứ nhất của nhiệm kỳ nhấn mạnh rằng : "Nước Mỹ sẽ không tiếp tục dung thứ cho hành vi lấy cắp quyền sở hữu trí tuệ một cách trắng trợn. Nước Mỹ sẽ đối đầu với những thủ đoạn ép buộc các doanh nghiệp trao công nghệ cho nhà nước và buộc họ phải tham gia vào các liên doanh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường".
Chính từ nội dung được ông Donald Trump nhắc đến, những người quan tâm đến sự sống còn của TPP đã đặt ra câu hỏi rằng liệu với CPTPP có thể thu hút sự trở lại của Hoa Kỳ hay không ?
Tuy Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng không biết khi nào CPTPP sẽ được thông qua 20 điều bảo lưu còn lại để đi đến ký kết cuối cùng, nhưng ông cho biết tất cả 11 quốc gia thành viên đều có chung 1 hy vọng, đó là mong muốn sự tái gia nhập của Hoa Kỳ.
"11 nước thành viên TPP còn lại khi mà đồng thuận để thông qua và triển khai TPP mới thì đều có 1 kỳ vọng chung là nước Mỹ sẽ có 1 thời điểm nào đó hồi tâm trở lại và tái gia nhập TPP".
Theo ông, nếu điều đó xảy ra, TPP sẽ sống động hơn và sẽ tạo động lực cũng như những điều kiện thương mại thuận lợi hơn. Và sự đồng thuận đó theo ông phải phụ thuộc vào điều kiện nội bộ chính trị của mỗi nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra quan niệm không khác với nhận định trên. Ông cho biết những điều qui định lại của CPTPP hoàn toàn giữ nguyên tinh thần đã đạt được trong cuộc đàm phán trước đây.
"Cho nên 11 nước đều thầm lặng hy vọng rằng sẽ có 1 ngày nào đấy Hoa Kỳ sẽ trở lại hiệp định này, vì cũng có lợi cho Hoa Kỳ chứ không phải không".
Thêm vào đó, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, những qui định này là 1 tiến bộ và rất có thể nhiều hiệp định khác trong tương lai sẽ tham khảo và vận dụng một cách thích hợp.
Hơn hẳn Hiệp định RCEP
Chính vì TPP mới cũng đề cập đến sự toàn diện (comprehensive) như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) do Trung Quốc đề xướng, nhiều người quan sát đã đặt câu hỏi phải chăng có sự cộng hưởng giữa 2 hiệp định ?
Trả lời RFA về sự khác biệt đáng chú ý của CPTPP, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết theo ông tất cả vẫn như cũ, chỉ có thêm chữ CP (Comprehensive and Progressive), nghĩa là toàn diện và tiến bộ.
Ông không đồng ý khi cho rằng CPTPP chịu ảnh hưởng của RCEP, mà đó chỉ là sự giống nhau về từ ngữ.
"Mượn 1 từ của RCEP vào trong này, là 1 cách để diễn tả thôi, không có vấn đề cộng hưởng RCEP vào vấn đề này. Hai chuyện là song song với nhau thôi, nó không đối chọi nhau và cũng không có gì đặc biệt".
Chính trong thời điểm 11 quốc gia thành viên đồng ý đưa ra thoả thuận TPP với tên gọi mới là CPTPP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định TPP sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng của RCEP.
Với Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, ông cho rằng chính sự nỗ lực duy trì TPP của 11 nước còn lại sau khi Hoa Kỳ rút lui đã thể hiện sự chọn lựa đối với TPP so với RCEP do Trung Quốc dẫn đầu.
"11 quốc gia trong CPTPP hiện nay đều thấy rằng điều kiện thương mại trong TPP mới vẫn phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại và kinh tế của mỗi nước thành viên hơn là điều kiện của RCEP".
Nói về điều này, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, RCEP đã trải qua 19 vòng đàm phán bí mật nhưng hiện nay chưa tiến triển được và những nội dung cho đến nay đạt được vẫn còn thấp xa so với những gì đạt được của TPP 11. Do đó, ông nói rằng người quan sát cần tìm thêm thông tin trước khi đưa ra nhận định CPTPP có ảnh hưởng của RCEP.
TPP-11 hay CPTPP theo cách gọi mới sẽ được quyết định trong thời gian bao lâu ? Các chuyên gia kinh tế chưa thể đưa ra câu trả lời. Nhưng điều quan trọng mà chúng tôi ghi nhận từ ý kiến của các vị chuyên gia ấy là liệu với CPTPP, thì cánh cửa mở ngỏ cho Hoa Kỳ quay lại có khả thi hay không ? Hay nói cách khác, theo Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, CPTPP là hy vọng của 11 quốc gia thành viên sẽ chào đón thành viên thứ 12, là Hoa Kỳ trong tương lai.
Cát Linh
Nguồn : RFA, 14/11/2017