Đại diện của AirVisual, ứng dụng trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi những ngày qua về chất lượng không khí ở Hà Nội, lần đầu lên tiếng sau khi một số luật sư người Việt kêu gọi "cân nhắc khởi kiện" ông Vũ Khắc Ngọc, người được cho là đã khai mào chiến dịch "tấn công có phối hợp" nhắm vào app này ở Việt Nam.
Bà Louise Watt, người phát ngôn của IQAir, công ty phát triển AirVisual, nói với VOA tiếng Việt rằng bà "không thể bình luận ngay về khả năng AirVisual sẽ có bất kỳ hành động pháp lý nào" đối với ông Ngọc.
"Tuy nhiên, nói chung, chúng tôi muốn phối hợp với mọi người để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan tới chất lượng không khí, thay vì đối đầu với họ", bà Watt nói hôm 9/10.
Luật sư Lê Công Định trước đó viết trên Facebook, kêu gọi AirVisual "cân nhắc khởi kiện [ông] Vũ Khắc Ngọc ra trước một tòa án nước ngoài đòi bồi thường thiệt hại… cả trực tiếp lẫn gián tiếp, mà AirVisual gánh chịu trong hiện tại và tương lai".
Trong khi đó, một luật sư khác, ông Lê Luân viết rằng IQAir "hoàn toàn có thể làm một đơn kiến nghị hoặc tố giác gửi tới Chính phủ Việt Nam để đề nghị tiến hành một cuộc điều tra về một vụ tấn công quy mô và có tổ chức với mục đích phá hoại sự hoạt động bình thường của công ty sau khi đã có chứng cứ rõ ràng về hành động công khai của nhóm người tuyên bố trước khi hành động này".
VOA tiếng Việt hôm 9/10 đã liên lạc với ông Ngọc, nhưng tới tối ngày 10/10 vẫn chưa nhận được hồi đáp của ông về ý kiến của hai luật sư từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Trong thông cáo về việc tiếp tục cho phép tải ứng dụng AirVisual ở Việt Nam, sau một thời gian ngắn gián đoạn vì bị "tấn công có phối hợp", hãng IQAir nói rằng hiện ứng dụng AirVisual vẫn đang phải đối mặt với tình trạng này, dù mức độ đã "giảm".
"Những nỗ lực ngăn chặn các dữ liệu ô nhiễm không khí miễn phí, thay vì xử lý nguồn gây ô nhiễm, là việc làm sai lầm và gây ra các tác động tiêu cực tới sức khỏe và môi trường", thông cáo của IQAir ngày 9/10 có đoạn.
Quyết định của IQAir được đưa ra một ngày sau khi ông Ngọc lên tiếng xin lỗi vì "đã có sự ngộ nhận về cách thức xếp hạng của AirVisual".
Trước đó, trong các bài bình luận trên trang Facebook cá nhân mà tới tối 10/10 phóng viên VOA tiếng Việt có lúc không thể truy cập được, ông Ngọc đã kêu gọi "tẩy chay" AirVisual vì điều ông nói là "trò lừa đảo" chuyện "Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới" để "bán hàng bằng sự sợ hãi".
Theo Google, ông Vũ Khắc Ngọc đã trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam hôm 8/10.
Hồi tháng Tám, giáo viên dạy môn Hóa này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng, nhất là trong số những nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, khi bình luận rằng "các thanh niên Hồng Kông đang tự phá hủy nồi cơm của chính mình, dưới sự kích động từ bên ngoài".
Trong cả hai lần gây "bão mạng", VOA tiếng Việt không thấy ông Ngọc đưa ra các bằng chứng cụ thể để củng cố cho những lời cáo buộc của mình.
Viễn Đông
********************
Hãng IQAir, công ty sản xuất ứng dụng AirVisual, mới lên tiếng trước cáo buộc của một số Facebooker người Việt về việc "thao túng dữ liệu" ô nhiễm ở Hà Nội để bán các sản phẩm lọc không khí ở Việt Nam.
Khi được hỏi về ý kiến cho rằng thông tin của AirVisual không đáng tin cậy vì công ty còn bán các mặt hàng lọc không khí, bà Kelsey Duska, một đại diện của IQAir, nói : "Là một doanh nghiệp xã hội, các sản phẩm liên quan tới chất lượng không khí của chúng tôi mang lại kinh phí cho các dịch vụ miễn phí cho cộng đồng toàn cầu, trong đó có việc tổng hợp dữ liệu thời gian thực, dự báo chất lượng không khí bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, các dịch vụ miễn phí liên quan tới Chỉ số Ô nhiễm Không khí và các nguồn lực mang tính giáo dục".
Bà cho biết thêm rằng IQAir là công ty công nghệ về chất lượng không khí với mục tiêu giúp các nước trên thế giới "hít thở không khí sạch hơn" thông qua việc cung cấp "thông tin, phối hợp và các giải pháp công nghệ".
Người đại diện này cho hay rằng tất cả các dữ liệu của AirVisual được thu thập từ các trạm theo dõi bụi PM2.5 (bụi siêu mịn) ở hiện trường của chính phủ hoặc thiết bị hoạt động độc lập.
"Chúng tôi luôn cho hiển thị nguồn dữ liệu chất lượng không khí để minh bạch hóa và để dễ so sánh với dữ liệu gốc", bà nói, cho hay rằng bảng xếp hạng ô nhiễm không khí ở 90 thành phố lớn trên thế giới có mục đích "giúp nâng cao nhận thức" rằng "ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả chúng ta".
"Đây là bảng xếp hạng theo giờ với thời gian thực ở những thành phố lớn đó. Trong khi Hà Nội có thể xuất hiện đầu bảng trong một giờ, thành phố này có thể ở gần cuối bảng một vài giờ sau đó", bà Duska nói.
Trước khi IQAir đưa ra phản ứng trên, ông Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên dạy hóa học ở Việt Nam, được cho là đã khai mào chiến dịch "tẩy chay" AirVisual vì điều ông nói là "trò lừa đảo" chuyện "Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới" để "bán hàng bằng sự sợ hãi".
Nhà giáo này hôm 8/10 đã lên tiếng xin lỗi những người phát triển app theo dõi chất lượng không khí vì "đã có sự ngộ nhận về cách thức xếp hạng của AirVisual".
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, hiện IQAir đã có văn phòng đại diện ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cũng như đã triển khai một trang web bán các mặt hàng lọc không khí nhắm tới người Việt.
Trong thông cáo ra ngày 9/10, IQAir cho biết rằng nhờ sự hậu thuẫn của "hàng nghìn người Việt", ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí AirVisual giờ có thể tiếp tục được tải xuống ở Việt Nam sau một thời gian bị gỡ vì điều hãng này nói là "cuộc tấn công có phối hợp".
"Dù giảm, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình và cố gắng tiếp tục cung cấp dịch vụ ổn định", thông cáo của hãng có trụ sở ở Thụy Sĩ viết, kêu gọi người dùng viết bình luận và đánh giá "ủng hộ" app AirVisual.
Một trang Facebook được cho là của ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, hôm 29/9 viết : "Ô nhiễm không khí ở Việt Nam là có thật và ở mức cao. Chúng ta cần có ngay biện pháp tổng thể để giảm ô nhiễm, nhưng tạo ra nỗi sợ hãi cho cả xã hội thì không nên. Những người bán máy lọc không khí càng không nên làm việc ấy".
Nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh và Đức hồi đầu tháng Mười cũng phát đi "cảnh báo đỏ" về tình hình ô nhiễm không khí "nguy hiểm" ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến cáo công dân của mình về tác động đối với sức khỏe của họ.
https://youtu.be/aZnP-2W7Uug
Viễn Đông
********************
Thầy Ngọc xin lỗi AirVisual trước nguy cơ bị kiện về vu khống ? (VOA, 08/10/2019)
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc ở Hà Nội hôm 8/10 xin lỗi AirVisual qua trang Facebook cá nhân vì vai trò của ông dẫn đến "những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam".
Thầy Vũ Khắc Ngọc xin lỗi AirVisual qua Facebook hôm 8/10/2019
Lời xin lỗi được đưa ra sau khi hai hãng tin lớn của phương tây đăng bài cho hay ứng dụng báo chỉ số chất lượng không khí kể trên bị nhiều người ở Việt Nam "tấn công tập thể" và nêu đích danh ông Ngọc là người đã phát ra lời kêu gọi tấn công.
Cùng thời điểm, hai luật sư được nhiều người biết tiếng cũng nêu ý kiến rằng AirVisual có thể kiện ông Ngọc.
Sự việc bắt đầu cách đây 2 ngày, khi thầy dạy môn hóa Vũ Khắc Ngọc đăng một số bài nối tiếp nhau trên trang cá nhân có tổng cộng hơn 180.000 người theo dõi, nói rằng AirVisual là "bọn mất dạy", ứng dụng của họ là "trò lừa đảo", "có nhiều điểm vô lý".
Như VOA đã đưa tin, trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, ứng dụng của AirVisual liên tục báo rằng chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ở mức độ nguy hại cho sức khỏe của mọi người, có thời điểm đạt mức ô nhiễm nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới.
Theo tìm hiểu của VOA, AirVisual tổng hợp dữ liệu từ nhiều trạm quan trắc để đưa ra chỉ số về chất lượng không khí của Hà Nội, trong đó có 11 trạm quan trắc môi trường thuộc chính quyền Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ, và các trạm của người dân.
Hôm 1/10, Tổng cục Môi trường của Việt Nam xác nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số thành phố lớn trong nước đạt mức cao "vượt quy chuẩn" liên tiếp trong nhiều ngày và khuyến cáo người dân "hạn chế các hoạt động ngoài trời".
Bất chấp thông tin chính thống này, hôm 6/10, ông Vũ Khắc Ngọc viết trên trang cá nhân cáo buộc rằng AirVisual "chỉnh sửa dữ liệu" nhằm bán máy lọc không khí do công ty mẹ là IQair sản xuất.
Trích bài viết của ông Vũ Khắc Ngọc kêu gọi đánh giá xấu đối với AirVisual, 6/10/2019
Không đưa ra bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc của mình, song ông Ngọc đi xa hơn với nhận định rằng các chỉ số và bảng xếp hạng của AirVisual "làm ảnh hưởng" đến hoạt động du lịch của Việt Nam, và kêu gọi người Việt đánh giá tiêu cực đối với ứng dụng này.
"Người Việt cần làm gì trước trò lừa đảo của AirVisual ? …những việc các bạn có thể làm là : 1) Report fanpage, vote 1* cho chết cụ chúng nó đi ; 2) Gỡ app, report app ; 3) Gây sức ép bắt chúng nó phải xin lỗi", ông Ngọc viết, dẫn đến hàng nghìn phản ứng cả yêu thích lẫn phản đối.
Một ngày sau khi "lời kêu gọi" của ông Ngọc xuất hiện, hai hãng tin Reuters và AFP đưa tin cho hay AirVisual ra tuyên bố hôm 7/10 nói hãng bị "tấn công tập thể" nhằm hạ uy tín sau khi họ đưa ra các chỉ số thể hiện rằng Hà Nội có lúc đứng đầu danh sách 90 thành phố bị ô nhiễm không khí nhiều nhất.
Theo tuyên bố của AirVisual, họ cũng đã phải nhận nhiều lời bình luận xúc phạm và mang tính đe dọa trên Facebook, Apple App Store và Google Play Store.
"Vì vậy, ứng dụng AirVisual và trang Facebook liên quan hiện không truy cập được ở Việt Nam", tuyên bố cho biết thêm, được Reuters và AFP dẫn lại.
Qua bản tuyên bố, AirVisual nói họ tiếp tục làm việc với Apple, Google và Facebook để xác định chắc chắn rằng họ bị "chơi xấu" và sẽ đưa ứng dụng của họ hoạt động trở lại ở Việt Nam.
Theo quan sát của VOA, những diễn biến này nhanh chóng làm cho ông Ngọc phải nhận vô số lời chỉ trích, phê phán từ cộng đồng những sử dụng mạng xã hội, trong đó có các Facebooker nhiều ảnh hường như nhà văn, võ sư Đoàn Bảo Châu, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, luật sư Lê Luân, luật sư Lê Công Định, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, các cây bút tự do Dương Quốc Chính, Lê Dũng Vova, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, v.v…
Những người chỉ trích ông Ngọc nêu ý kiến rằng những phát ngôn của ông là "bịa đặt", "xúc phạm" và "gây thiệt hại" không chỉ cho AirVisual mà còn đến cả những người Việt cần thông tin về ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, các Facebooker có nhiều ảnh hưởng thậm chí cho rằng việc làm của ông Ngọc là "lợi bất cập hại" vì ông làm cho hình ảnh của Việt Nam bị thể hiện một cách tiêu cực trên báo chí quốc tế.
Hai luật sư Lê Luân và Lê Công Định viết trên trang cá nhân của họ rằng AirVisual có thể khởi kiện thầy giáo Vũ Khắc Ngọc về sự việc vừa qua.
Ông Định gợi ý rằng "AirVisual nên cân nhắc khởi kiện Vũ Khắc Ngọc ra trước một tòa án nước ngoài" và đòi bồi thường thiệt hại "vài mươi triệu" đô la để lấy đó làm "bài học đích đáng" cho những ai có "tâm địa ác độc, dốt nát về luật pháp và kiến thức chuyên ngành, nhưng vẫn quen thói tấn công người khác vô tội vạ".
Trong khi đó, ông Lê Luân đưa ra hướng xử lý là AirVisual "hoàn toàn có thể làm một đơn kiến nghị hoặc tố giác gửi tới Chính phủ Việt Nam để đề nghị tiến hành một cuộc điều tra về một vụ tấn công quy mô và có tổ chức với mục đích phá hoại sự hoạt động bình thường của công ty".
Theo ông Luân, "đã có chứng cứ rõ ràng", và cũng như đồng nghiệp Lê Công Định, luật sư Luân đưa ra cảnh báo rằng mỗi khi ai đó "thực hiện một hành động phá hoại mà đặc biệt lại có tính quốc tế", người đó "hãy cẩn trọng về các hậu quả pháp lý và kinh tế rất lớn mà nó có thể đưa tới".
Ông Vũ Khắc Ngọc "chào mừng" AirVisual quay trở lại Việt Nam, 8/10/2019
Vào trưa ngày 8/10, qua trang Facebook cá nhân có tổng cộng hơn 180.000 người theo dõi, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc lên tiếng "xin lỗi" AirVisual.
Ông Ngọc viết rằng do ông và nhiều người khác "chưa được cung cấp thông tin chi tiết" về cách thức thu thập dữ liệu và hoạt động của AirVisual nên dẫn đến việc ông viết về những điểm mà ông gọi là "bất thường" của ứng dụng này trên trang cá nhân.
"Việc này có thể đã dẫn tới những phản hồi tiêu cực của người dùng trên các trang fanpage và chợ ứng dụng đối với AirVisual", ông Ngọc viết, và khẳng định : "Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam".
"Tôi hy vọng khi những hiểu lầm về cách xếp hạng của AirVisual đã được làm rõ, các bạn sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động tại Việt Nam", ông Ngọc, người cũng quản lý trang Facebook mang tên Thầy Vũ Khắc Ngọc có hơn 370.000 người theo dõi, viết trong đoạn kết.
VOA cố gắng liên lạc với ông Ngọc để tìm hiểu liệu có phải ông đưa ra lời xin lỗi trước nguy cơ bị kiện tụng hay không, nhưng không có phản hồi từ ông Ngọc.
Vào khoảng 7h rưỡi tối 8/10, giờ Việt Nam, theo quan sát của VOA, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đăng trên trang cá nhân một ảnh chụp màn hình cho thấy ông gửi lời "Chào mừng quay trở lại" và đánh giá 5 sao dành cho ứng dụng AirVisual.
Ông Ngọc bày tỏ "Mong là sẽ không có hiểu lầm nào nữa", đồng thời "cảm ơn và thêm một lần xin lỗi" AirVisual.
Viễn Đông