Cán bộ thuế ‘đi đêm’, ‘cưa đôi’ tiền trốn thuế với doanh nghiệp vẫn phổ biến (Người Việt, 10/09/2018)
"Hiện tượng tiêu cực "đi đêm" và "luật cưa đôi" rất phổ biến nhiều năm nay không khắc phục được". Lời một người trong Hiện hội Doanh Nghiệp Sài Gòn nói về thu thuế tại Việt Nam.
Hình minh họa từ Internet cảnh dân kinh doanh đi khai thuế. (Hình : Internet)
Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai thuật lại cuộc hội thảo "góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế" do đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Sài Gòn tổ chức sáng Thứ Hai, 10 Tháng Chín, 2018, trong đó ông Nguyễn Đình Tuệ thuộc Hiệp Hội Doanh Nghiệp thành phố Sài Gòn phát biểu như trên.
Ông Tuệ kêu ca về "bộ máy cơ quan thuế hiện khá cồng kềnh, kém hiệu quả" vốn dĩ "do lịch sử để lại" suốt bao nhiêu năm qua ai cũng biết vì đâu, tại sao và không thể "khắc phục". Quan chức thuế vụ, quan thuế nổi tiếng ăn hối lộ để giúp người ta trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.
Một năm vài lần, người ta thấy báo chí trong nước loan tin bắt quả tang, cán bộ sở thuế tỉnh này, ông cán bộ hải quan ở tỉnh kia nhận tiền hối lộ và bị đưa ra tòa, trong khi, như ông Nguyễn Đình Tuệ nói tình trạng cán bộ sở thuế của chế độ "đi đêm" và "cưa đôi" tiền trốn thuế rất phổ biến. Nói cách khác, nó xảy ra hàng ngày.
Ngày 21 Tháng Năm, 2018, báo điện tử của Bộ Tài Chính cộng sản Việt Nam đưa tin ông Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thuế Bùi Văn Nam "ký văn bản 1744/TCT-TCCB gửi tới Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương" thúc hối thuộc cấp "triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của nhà nước, của Bộ Tài Chính, của Tổng Cục Thuế trong công tác quản lý cán bộ".
Chỉ thị của ông Nam cho rằng "công tác cán bộ tại nhiều đơn vị cấp cơ sở chưa triển khai thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là khâu bố trí sử dụng công chức ; việc bổ nhiệm lãnh đạo có dấu hiệu ưu ái người nhà ; việc thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác trong thực tế còn có dấu hiệu cả nể, né tránh, ngại va chạm hoặc cục bộ nên không thực sự đảm bảo mục đích, hiệu quả, còn gây ra tâm lý bức xúc, dẫn dến đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài,…".
Dư luận từng nhiều hơn một lần đề cập chuyện "chạy" vào sở thuế hay quan thuế của chế độ Hà Nội tốn bạc tỉ chứ không ít.
Mới đây, ngày 28 Tháng Tám, 2018, báo của Bộ Tài Chính khoe thành tích chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, "toàn ngành thuế đã thực hiện 44,044 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 49.37% kế hoạch năm 2018, bằng 89.73% so với cùng kỳ năm 2017".
Mỗi một lần quan chức sở thuế tới "thanh tra, kiểm tra" là cơ hội để các ông bà "làm luật". Ngày 4 Tháng Tám, 2018, báo điện tử Kinh Tế và Đô Thị ở Hà Nội nhìn nhận một thực tế "thanh tra, kiểm tra nhiều đang gây phiền hà cho doanh nghiệp bởi công tác này gây mất thời gian, thậm chí đâu đó vẫn có hiện tượng doanh nghiệp phải mất phí ‘bôi trơn’ để được êm xuôi".
Ngày 17 Tháng Năm, 2017, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ Thị 20/CT-TTg "yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp". Trong đó ông ta đòi "tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp".
Lệnh ra là vậy, nhưng ông Nguyễn Đình Huệ vẫn thấy bộ máy thu thuế của chế độ vẫn "đi đêm" và "cưa đôi" rất phổ biến. (TN)
*****************
Chuyên gia : Mạng xã hội chỉ dùng trong biên giới ‘chẳng có nghĩa gì’ (VOA, 10/09/2018)
Quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông Việt Nam mới đây đề xuất "tập trung phát triển mạng xã hội trong nước" và được thủ tướng ủng hộ, theo báo chí Việt Nam.
Một nhà hoạt động Việt Nam đăng bài lên Facebook tại một quán cafe ở Hà Nội (ảnh tư liệu, tháng 11/2013)
Trong khi đó, qua các ý kiến bày tỏ trên Facebook, nhiều người cho rằng tham vọng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam là "phi thực tế". Một chuyên gia công nghệ thông tin nói mạng xã hội chỉ dành cho người Việt dùng trong biên giới "chẳng có nghĩa gì".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, được báo chí trong nước dẫn lời phát biểu hôm 8/9 trong một cuộc làm việc giữa bộ của ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng bộ đề xuất việc "phát triển mạng xã hội Việt".
Quyền bộ trưởng, từng là chủ tịch Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và giữ hàm thiếu tướng, nói mục tiêu nhắm đến là đến năm 2022, mạng xã hội Việt "bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam, 60 triệu, và chiếm 60 đến 70% thị phần".
Tường thuật của báo chí cho biết ông Hùng đưa ra thông tin rằng mạng xã hội có doanh thu lên đến 370 triệu đôla ở Việt Nam, nhưng nguồn doanh thu này chủ yếu rơi vào các công ty nước ngoài, trong đó, phần của Google và Facebook lần lượt là 135 triệu đôla và 235 triệu đôla.
Quyền bộ trưởng nói thêm : "Các mạng xã hội từ nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, chưa thực hiện yêu cầu an ninh của chính chúng ta", theo các bản tin.
Bên cạnh đó, ông Hùng được trích lời phát biểu với thủ tướng rằng "đã đến lúc không thể dừng lại, kể cả phải áp dụng biện pháp kinh tế, kỹ thuật để quản lý mạng xã hội nước ngoài".
Mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam, Tamtay.vn, đóng cửa ngày 1/1/2018
Việc phát triển mạng xã hội Việt Nam là "trọng tâm" của một "hệ sinh thái số Việt Nam", được Quyền Bộ trưởng Hùng đề xuất với Thủ tướng Phúc. Ông Hùng nói, theo đề xuất này, bộ của ông sẽ chủ trì xây dựng hệ sinh thái số bao gồm "mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trình duyệt, hệ điều hành và phần mềm diệt virus, trong đó quan trọng nhất là mạng xã hội và công cụ tìm kiếm".
Theo một bản tin của Dân Trí, đáp lại đề xuất của ông Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "nhấn mạnh về việc Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống mạng xã hội của riêng mình".
Chưa có thông tin cụ thể và chi tiết trên báo chí cho biết mạng xã hội của riêng Việt Nam mà Quyền Bộ trưởng Hùng và Thủ tướng Phúc nói đến có thiết kế, hình thức và cách vận hành như thế nào.
Mặc dù vậy, đã xuất hiện những phản ứng trái chiều từ khá nhiều người Việt hiện đang sử dụng mạng xã hội Facebook.
Một Facebooker có nhiều ảnh hưởng, nhà văn Trần Quốc Quân, hiện sinh sống ở Ba Lan, đưa ra nhận định hôm 10/9 rằng việc xây dựng một mạng xã hội riêng cho Việt Nam dường như "để làm đối trọng gây sức ép lên các trang mạng Facebook, Google, Youtube…", cũng như "phục vụ Luật An ninh mạng".
Song nhà văn vốn là một nhà kinh doanh thành công, có hơn 25.000 người theo dõi, bình luận rằng "tham vọng" đó của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng "rất phi thực tế và quá viển vông".
Trong quan điểm cá nhân ông Quân, đề xuất về mạng xã hội riêng của Việt Nam là "dự án điên rồ", nhưng nhà văn này phân tích rằng Quyền Bộ trưởng Hùng muốn thực hiện dự án "vì có sự chống lưng" là Luật An ninh mạng đã được thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.
"Đây là cây gậy nguy hiểm mà ông Hùng sẽ dùng như vũ khí độc quyền nhằm phong tỏa các mạng Facebook, Google...và trói tay người dùng internet Việt Nam", Facebooker Trần Quốc Quân nhận định.
Nhà báo kỳ cựu Trương Huy San, có tổng cộng hơn 225.000 người theo dõi qua Facebook, đưa ra lưu ý trên trang cá nhân cũng hôm 10/9 rằng "39% người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là cho mục tiêu kinh doanh. Họ cần chảy trong không gian 2 tỷ người của Google, Facebook… chứ không cần ao tù, nước đọng".
Theo nhà báo kiêm blogger nổi tiếng, thường được biết đến qua cái tên Oshin Huy Đức, "hệ sinh thái số là sản phẩm của tự do chứ không phải là công cụ để hạn chế tự do".
Blogger Hiệu Minh, một chuyên gia công nghệ thông tin hiện sống ở Việt Nam, nói với VOA qua ứng dụng Messenger của Facebook tối 9/9 :
"Tôi chỉ nghĩ là cái mạng mà các bạn IT [công nghệ thông tin] Việt Nam định xây dựng cho riêng người Việt Nam thì đó là một thảm họa. Vì rất đơn giản là chỉ dùng trong biên giới thì nó chả có nghĩa gì. Những tư tưởng đóng cửa biên giới như lũy tre làng là không nên".
Theo chuyên gia này, người từng công tác nhiều năm tại bản doanh của Ngân hàng Thế giới ở Mỹ, trong bối cảnh hiện nay, để một mạng xã hội thành công, lan tỏa đến nhiều người sử dụng, nó phải là ứng dụng "dùng được cả ở Việt Nam cũng như dùng được ở thế giới".
"Không thể là đến lúc tôi ra khỏi biên giới Việt Nam thì tôi dùng Facebook, còn về đến biên giới Việt Nam thì tôi lại dùng Zalo", blogger Hiệu Minh nói thêm.
Zalo hiện là một mạng xã hội lớn ở Việt Nam là với 40 triệu thuê bao. Nhưng quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông nhận xét hôm 8/9 rằng "so với Facebook thì còn quá nhỏ".
Trong số hàng trăm lời bình luận vào các bài viết của các Facebooker nổi tiếng như Trương Huy San, Trần Quốc Quân hay luật sư Trần Vũ Hải, nhiều người lo ngại rằng Việt Nam sẽ rập khuôn theo Trung Quốc khi phát triển mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, tiến tới sẽ cấm các ứng dụng tương tự của nước ngoài như Facebook hay Google.
Với kinh nghiệm của một chuyên gia kỳ cựu, blogger Hiệu Minh nói với VOA rằng Việt Nam "không nên bắt chước" Trung Quốc hay Mỹ mà cần xét đến quy mô thị trường của mình. Ông nói :
"Trung Quốc như là một Châu lục, có 1,4 tỉ người. Nếu người ta xây dựng riêng cho thị trường Trung Quốc là đã đủ ăn rồi. Nhưng nếu Việt Nam xây dựng cho một thị trường riêng cho 90 triệu người thì chẳng có nhẽ gì đầu tư".
Chuyên gia này chỉ ra những yếu tố cần lưu tâm đối với giới làm công nghệ thông tin là "cần nhìn xem thị trường của nước mình là gì, ai là khách hàng", cũng như viết ứng dụng phần mềm phải nhắm đến "cho ai, dùng ở đâu, và khả năng của nó lan tỏa đến đâu".
Ý tưởng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam với sự chống lưng của nhà nước từng được nêu ra và thực hiện trước đây, song kết quả đến nay không khả quan.
Thực trạng mạng xã hội go.vn được nhà nước chống lưng khi truy cập ngày 10/9/2018
Tháng 5/2010, trang mạng www.goonline.vn, được gọi là "mạng xã hội giáo dục - giao tiếp - giải trí đầu tiên của người Việt và do người Việt làm chủ" đã chính thức ra mắt. Bộ trưởng thông tin và truyền thông khi đó, ông Lê Doãn Hợp, tuyên bố với báo chí trong nước rằng ông "tin go.vn sẽ mạng xã hội số 1 Việt Nam". Nhưng ở thời điểm đầu tháng 9/2018, rất ít người còn nhắc đến trang mạng này.
Trước go.vn, một trang mạng khác có tên tamtay.vn đã ra đời vào năm 2007, được xem là mạng xã hội đầu tiên do người Việt thiết kế và lập trình, không liên quan đến nhà nước.
Sau hơn 10 năm hoạt động, vào đầu tháng 3/2018, ban quản trị của mạng xã hội này đã gửi "thư từ biệt" đến các khách hàng về việc trang mạng đóng cửa, dừng hoạt động kể từ ngày 1/4/2018.
*****************
Hội đoàn Việt Nam cứ bám chặt bầu sữa tỷ đô của ngân sách (BBC, 10/09/2018)
Các hội đoàn không thuộc cơ quan nhà nước, phi sản xuất, không kinh doanh vẫn ngốn của ngân sách Việt Nam tới 68 nghìn tỷ VND một năm, theo báo Giáo Dục(06/09/2018).
Hội Nông dân Việt Nam là một trong số tổ chức chính trị - xã hội nhận tiền từ ngân sách nhà nước
Trang báo này cũng nhắc điều mà dư luận đã biết từ lâu rằng "các tổ chức chính trị - xã hội đều là những đơn vị không làm ra của cải vật chất cho đất nước".
Tổng kinh phí hàng năm chi cho các tổ chức này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra là khoảng 14.000 tỉ đồng.
Nhưng vẫn nghiên cứu của VEPR nói nếu tính cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác thì chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 đến 68.100 tỷ VND, tương đương 1-1,7% GDP.
Danh mục cơ quan nhà nước không nói đến các hội đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân.
Mặt khác trong danh mục này, tổ chức Đảng được để riêng, không ghép với 'Cơ quan nhà nước'.
Nếu đặt Đảng Cộng sản vào một vị trí đặc biệt để nhận tiền ngân sách thì con số nhận chi ngân sách cho các hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội còn lại cũng vẫn còn rất lớn.
Đã bàn từ vài năm qua
Theo niên biểu Đảng Cộng sản Việt Nam khi nói về Đại hội Đảng 12 năm 2016 thì đảng này có 4,5 triệu thành viên.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, và 7,8 triệu đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, theo con số nêu ra khi đó.
Năm 2016 ngân sách Việt Nam chi ra tới 1,6 nghìn tỉ đồng chỉ cho bảy sáu tổ chức chính trị - xã hội gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng liên đoàn Lao động và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Việt Nam còn có 6,4 triệu đoàn viên Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tính đến năm 2016
Cũng trong năm 2016, Viện VEPR đã nêu con số chi phí cho các tổ chức quần chúng công bằng 1,7% GDP của cả nước năm 2014.
Cũng thời gian đó, trang TintucVietnam trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương ngân sách nhà nước Việt Nam nuôi 11 triệu người.
Hồi 2014, trang VOV của nhà nước Việt Nam cho biết, theo Hiến pháp mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia hoặc không tham gia các tổ chức hội.
"Nhà nước hỗ trợ biên chế, kinh phí hoạt động đối với các hội đặc thù như : Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công đoàn...
Những hội có tính chất nghề nghiệp như : Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Văn nghệ... hoặc các hội kinh tế như : Hội Doanh nghiệp, Doanh nhân.. có mục đích, đường hướng hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia và các chuẩn mực xã hội, cũng được chính quyền các cấp tạo điều kiện thành lập và duy trì hoạt động.
Vẫn trang VOV cho hay vào thời điểm đó, Việt Nam "có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cấp quốc gia, 20 tổ chức công đoàn ngành ; trên 36.000 tổ chức hội, hiệp hội, câu lạc bộ ở các địa phương".
Sang tháng 9/2016, trong thảo luận Dự thảo Luật về Hội đã có phát biểu nhắc lại Luật Ngân sách 2015, quy định các hội sẽ tự chủ về tài chính.
Tuy nhiên, cho đến nay, điều này có vẻ vẫn chưa thực hiện được.
Không giúp được gì cho Đảng ?
Sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước Châu Á gặp phải vấn đề tính hiệu quả của các tổ chức xã hội gắn liền với hệ thống chính trị đang cải tổ theo kinh tế thị trường.
Việt Nam hiện có gần 8 triệu đội viên thiếu niên tiền phong trên tổng số 12 triệu trẻ em
Hồi 2016, Trung Quốc cũng nêu ra vấn đề vai trò có hữu dụng hay không của tám tổ chức xã hội lớn (mass organisations) vẫn nhận tiền ngân sách, gồm Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...
Theo GS Zheng Changzhong (Trịnh Trường Trung) từ ĐH Phúc Đán, Thượng Hải, ví dụ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cho thấy căn bệnh chung của các tổ chức này.
Đó là không theo kịp thay đổi xã hội, khi mà các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước có mặt, và trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ không cần chính phủ.
Mặt khác, mô hình xã hội và hội đoàn do Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ đạo, từ 1948 đến 1978, khiến các hội đoàn "thực tế trở thành một phần của bộ máy quan liêu".
Họ thường tổ chức các chiến dịch vang dội nhằm che lấp đi sự cách biệt với quần chúng nhưng thực tế thì tính đại diện ngày càng yếu.
Riêng Đoàn Thanh niên ở Trung Quốc trở thành "vườn ươm" lãnh đạo tương lai, tạo ra hiện tượng tổ chức đoàn bị "quý tộc hóa" (aristocratification), và thêm xa rời quần chúng, theo GS Zheng.
Hình Chủ tịch Tập Cận Bình và 'Trung Quốc Mộng' : Các hội đoàn nhận tiền từ ngân sách nhà nước Trung Quốc có nhiệm vụ kết nối với quần chúng để thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao cho, nhưng có ý kiến nó họ ngày càng bị 'quý tộc hóa'
Việc cải tổ các hội đoàn, vì thế, cũng là câu chuyện về tương lại hệ thống chính trị, nhưng nhận đị́nh của Zheng Changzhong :
"Hậu quả là các yếu tố trên khiến các tổ chức xã hội chính thống ngày càng kém đi về năng lực vận động xã hội mà quy chế của họ nêu ra, trong cả nước. Nhưng cải cách áp đặt lên họ từ Ban lãnh đạo Đảng sẽ không chỉ tác động đến các tổ chức vận động quần chúng mà còn cả chính Đảng Cộng sản và phát triển chính trị của Trung Quốc trong tương lai".