Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ Ngoại giao : Báo cáo buôn người của Mỹ không phản ánh chính xác nỗ lực của Việt Nam

RFA, 21/07/2022

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 21/7 lên tiếng phản đối báo cáo về nạn buôn người năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng báo cáo này đã "không phản ánh đầy đủ và chính xác các nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống vấn nạn này".

1111111111111111111111

Những người phụ nữ Việt lao động tại Saudi Arabia kêu cứu - BPSOS/CAMSA International

Trong báo cáo về nạn buôn người mới được công bố hôm 19/7, Mỹ đã đánh tụt xếp hạng của Việt Nam từ nhóm 2 là nhóm các nước cần phải theo dõi xuống nhóm cuối cùng là nhóm 3. Nhóm 3 là các nước bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau : "buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em".

Ngoài ra, những nước nằm trong nhóm 3 có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ từ Mỹ trong tương lai.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Hằng khẳng đinh : "Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn người với sự tập trung cao độ của tất cả bộ, ngành và địa phương".

Bà Hằng đưa ra ví dụ là : "Một trong những ví dụ gần nhất là vào ngày 18/7, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người".

Trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, phía Hoa Kỳ đã cáo buộc Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này. Chính phủ Việt Nam cũng không truy cứu trách nhiệm đối với vụ việc hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cáo buộc đồng lõa trong vụ đưa người Việt ra nước ngoài rồi trở thành nạn nhân buôn người, và cũng không nỗ lực hết sức để bảo vệ các nạn nhân.

Ví dụ được báo cáo nêu ra cụ thể là vụ những lao động Việt Nam tại Saudi Arabia bị người chủ hành hạ nhưng khi tìm đến Đại sứ quán Việt Nam thì lại bị chính những quan chức ở đây cưỡng bức đem trả lại cho những kẻ buôn người là các công ty môi giới lao động ở Việt Nam.

Nguồn : RFA, 21/07/2022

**************************

Tình cảnh sống như "ngục tù" của nạn nhân bị lừa bán qua Campuchia

RFA, 21/07/2022

"Nói chung qua Campuchia này dễ chết lắm. Nếu làm không được, không có tiền chuộc thì nó sẽ lấy thận của em. Nó dọa em vậy !"

2222222222222222222

Nhóm người Việt bị bắt khi vượt biên trái phép qua Campuchia làm việc - Thanh Niên/RFA edited

Một nạn nhân bị lừa sang Campuchia, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho RFA biết hiện đang bị nhốt và ép buộc làm việc trong một công ty đánh bạc trực tuyến tại Campuchia.

Từ lời hứa hão trên mạng

Người này kể lại với RFA về quá trình mình bị dụ, rồi bị lừa sang Campuchia bán vào các công ty game trực tuyến như thế nào, rồi kết luận rằng có cả một đường dây từ Việt Nam sang Campuchia liên kết với nhau dẫn dụ "con mồi" vào bẫy :

"Em nghĩ là từ ở Việt Nam đã có đường dây. Họ dùng đủ chiêu trò dụ dỗ, rồi lừa gạt, họ lừa bán em sang Campuchia".

Cách đây vài tháng, một bạn nữ tiếp cận, làm quen với nạn nhân qua Facebook. Người này thường xuyên nói chuyện và giới thiệu cho nạn nhân đầu tư, giao dịch một loại tiền ảo trên mạng, nhưng thua lỗ.

Bạn nữ kia khi đó gợi ý cho nạn nhân nên qua Campuchia làm việc kiếm tiền để trả nợ, công việc chỉ là đánh máy tính, lương 25 triệu đồng/tháng :

"Bạn ấy hỏi em biết đánh máy tính không ? Em nói em không biết đánh máy tính. Bạn ấy nói nó cũng giống như điện thoại di động vậy thôi. Qua Cam làm, công việc dễ, kiếm tiền tháng 25 triệu".

Khi đã đồng ý sang xứ Chùa tháp làm việc, nạn nhân được chở tới cửa khẩu Mộc Bài, vượt biên trái phép qua biên giới, rồi lên một chiếc xe bảy chỗ đưa đến một công ty đánh bạc trực tuyến.

Tại đây, một người quản lý nói với nạn nhân rằng làm việc ở đây lương 600 đô-la Mỹ/tháng, không có hợp đồng làm việc.

Nếu không muốn làm, hoặc làm không được việc thì chỉ cần trả lại tiền xe đã đưa người từ Việt Nam qua Campuchia là được thả ra. Mức phí xe được cho biết ít nhất 2000 đô-la Mỹ, hoặc có thể cao hơn, tuỳ vào "tâm trạng" của người quản lý :

"Nếu em làm không được thì em phải đền tiền xe cho công ty. Tiền xe công ty báo cho em biết là gần 2000 đô-la, tượng đương 40 triệu đồng.

Nhà thì không có tiền, em không có cách trốn thoát khỏi nơi này".

Trở thành nạn nhân buôn người

Vì cả tin vào lời dụ dỗ của một người không quen biết trên mạng xã hội về một công việc nhẹ nhàng, không cần kinh nghiệm mà lương cao cả ngàn đô-la Mỹ mỗi tháng, người này đã trở thành nạn nhân buôn người, bị nhốt, bị bóc lột sức lao động…

Theo lời nạn nhân cho biết, công việc chính của những người bị lừa vào đây là lên Facebook tìm kiếm "khách hàng" rồi dụ họ chơi cá cược trong game trực tuyến. Nếu ai tìm không đủ chỉ tiêu thì sẽ bị bán sang công ty khác làm việc. Khi đó số tiền "chuộc thân" để được thả ra sẽ tăng thêm từ 1000 đến 2000 đô-la Mỹ nữa :

"Hiện tại bây giờ thì em làm không được, em kiếm khách không được. Áp lực lắm. Nếu làm không được thì nó sẽ chuyển em sang nơi khác. Chuyển em sang nơi khó hơn".

Mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra bên trong khuôn viên công ty này, không được bước chân ra cổng công ty, cũng không giao tiếp với những người ở phòng khác.

Mỗi phòng ở từ sáu đến mười người, tính luôn người quản lý. Nhất cử nhất động của tất cả mọi người đều bị hệ thống camera giám sát chặt chẽ, chỉ trong nhà vệ sinh là không lắp đặt camera :

"Thằng quản lý nó ở chung phòng với tụi em. Mỗi phòng là một thằng quản lý. Bởi vì tụi nó rất sợ tụi em bỏ trốn".

Mỗi ngày, mọi người bị bắt buộc phải làm việc 12 tiếng đồng hồ, xoay ca với những người còn lại, xong việc thì về phòng ngủ nghỉ. Những ai không chịu phục tùng, hoặc làm không được việc sẽ bị đánh, chữi, hoặc thậm chí là bị chích điện :

"Làm 12 tiếng làm xong về phòng ngủ, ngủ xong rồi đi làm, tối ngày quanh năm suốt tháng đều như vậy. Ở trong công ty suốt luôn à. Công ty không có cho ra ngoài cổng.

Làm không xong nó chích điện luôn chứ chửi là bình thường thôi !".

Ngoài chuyện tự đóng tiền chuộc, còn một cách khác để nạn nhân thoát khỏi nơi đó là phải lôi kéo thêm những người mới thế chỗ của mình. Nếu tìm đủ một số lượng người nhất định đưa qua Campuchia làm việc thì sẽ được thả ra.

Theo thông tin từ VTV, từ đầu năm 2021, hàng chục ngàn người lao động người Việt Nam đã tìm đường sang Campuchia làm việc. Trong đó, có tới hàng ngàn người xuất cảnh trái phép qua các cửa khẩu đường bộ.

Người thân bất lực, cầu cứu cộng đồng

Sau khi biết mình đã bị lừa, nhiều nạn nhân được phép liên hệ cho người thân ở Việt Nam để lo tiền chuộc. Tuy nhiên, phần đông những người bị lừa dẫn sang Campuchia làm việc đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Con số 2000-3000 ngàn đô-la Mỹ là quá lớn, họ không có khả năng chi trả.

Bà Nguyễn Thị Liễu, có con là Trần Ngọc Phong, sinh năm 2003, bị bán qua Campuchia hồi đầu tháng bảy, cầu cứu cộng đồng trong nước mắt :

"Mong muốn của tôi là kêu gọi cộng đồng giúp đỡ giùm cho tôi để chuộc con tôi về là tôi quý lắm rồi, cho tôi được chừng nào là tôi mừng chừng đó.

Thiệt tình là tôi rất là sợ. Tôi biết thằng con tôi mà. Nó biết mẹ nó không có khả năng chuộc nó về là nó sẽ tự tử nó chết".

Bà Liễu kể, nửa đêm 2/7, con của bà đi cùng một nhóm người nói là vô Sài Gòn làm việc lương cao, 23 triệu đồng/tháng.

Hai ngày sau, con bà gọi điện về kêu cứu vì đã bị đánh thuốc mê đưa qua Campuchia. Nếu muốn về thì phải gởi tiền chuộc là 10 ngàn đô-la Mỹ :

"Lên Sài Gòn hai ngày người ta cho hắn uống một ly nước, mà hắn không biết đó là ly thuốc mê. Sau khi uống xong là nó chở đi, khi ngủ dậy là thấy đang nằm ở trong nhà của họ có 11 tầng, hắn ở tầng sáu.

Bây giờ hắn nói là nếu không cứu là nó sẽ bán qua một chỗ khác nữa. Hôm rồi tôi ngủ không được. Con tôi điện kêu là cứu 10.000 đô mới về được mà tôi không có tiền, thiệt tình là không có tiền luôn".

Hiện tại, trên Facebook có một nhóm "Hội giải cứu người Việt tại Campuchia", với khoảng 2800 thành viên. Trong đó, có nhiều bài đăng kêu cứu, nhờ mọi người giúp đỡ để được chuộc ra ngoài.

Cơ quan chức năng không hồi đáp

Mạng báo Vietnamplus đưa tin, vào ngày 18/7, tại Hà Nội, bốn bộ thuộc Chính phủ gồm : Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn người.

Trước đó, hôm 26/6, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời báo giới về nạn người Việt bị lừa bán qua Campuchia rằng Bộ đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia để tìm hiểu, xác minh thông tin và tích cực triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Kết quả là từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia đã hỗ trợ và đưa về nước an toàn khoảng 400 công dân Việt Nam.

Bà Liễu nói với RFA rằng bà đã gởi đơn trình báo và nhờ hỗ trợ lên công an Đà Nẵng, nhưng chưa một lần nhận được hồi âm :

"Khi đó tôi cũng không biết đường nào, chỉ biết gửi giấy tờ xuống công an thành phố. Công an thành phố cũng nhận đơn cho mình mà không thấy giải quyết".

Phóng viên Đài Á Châu Tự do gọi điện về tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài thì được cán bộ cho biết là thời gian gần đây cũng có nhiều người Việt Nam bị lừa qua Campuchia để làm việc :

"Thường đối với những trường hợp này thì người nhà của những người này sẽ phải chủ động làm đơn xin giúp đỡ. Trong đơn xin giúp đỡ có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường - xã, nơi mà người thân của họ lưu trú trước khi xuất cảnh, gửi đến Sở Ngoại vụ của tỉnh-thành phố, gửi tới Cục Lãnh sự ở Ba Đình, Hà Nội…

Ngoài ra, những người này có thể chủ động liên hệ ra bên ngoài thì sẽ liên hệ với Đại Sứ quán để họ hỗ trợ.

Về vấn đề thời gian thì còn tùy vào từng trường hợp và khu vực người này ở là như thế nào và tùy vào sự kết hợp của hai nước nữa, thì cũng không thể nói rõ chính xác được thời gian là bao lâu".

RFA gọi điện cho Sứ quán Việt Nam tại Campuchia theo số điện thoại cung cấp trên trang web chính thức của Đại sứ quán Việt nam tại Campuchia, nhưng không có ai nghe máy, dù trong giờ hành chính.

Chúng tôi tiếp tục gởi email về địa chỉ của Sứ quán để cung cấp thông tin về hai trường hợp bị lừa sang Campuchia được nêu trong bài viết này, cũng như hỏi về sự hỗ trợ, bảo hộ của Sứ quán đối với các nạn nhân buôn người, nhưng đều không nhận được câu trả lời nào.

*************************

Báo cáo Buôn người 2022 : Việt Nam tụt hạng, quan chức tiếp tay cưỡng bức lao động ở nước ngoài

RFA, 19/07/2022

Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, tức hạng cuối, trong báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 19/7.

333333333333333333333

Buổi công bố Báo cáo Buôn người 2022 (The 2022 Trafficking in Persons Report), Diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào trưa ngày 19/7 (giờ địa phương). Tại đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken cho biết Bản báo cáo đánh giá 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Hoa Kỳ, đang hoạt động như thế nào trong việc ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt những kẻ buôn người.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết theo báo cáo chi tiết, năm qua có 21 quốc gia đã được nâng cấp lên một hạng. Vì chính phủ các nước đó đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người ở trong nước cũng như đối với công dân của họ ở nước ngoài.

Ngược lại, có 18 nước đã bị hạ một bậc, cho thấy rằng họ không có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người, hoặc tệ hơn là chính phủ những nước đó có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ :

"Tham nhũng tiếp tục là công cụ hữu hiệu hàng đầu của những kẻ buôn người. Các quan chức chính phủ rõ ràng có thể đã làm ngơ trước các hoạt động bất hợp pháp, cung cấp tài liệu giả cho người lao động… Tham nhũng cho phép những kẻ buôn người tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt.

Buôn người vi phạm quyền được tự do của tất cả mọi người : tự do được làm những gì mình muốn, được trở thành ai và sống cuộc đời như thế nào".

Việt Nam nằm trong nhóm 18 nước bị tụt hạng và cũng thuộc nhóm 11 nước xếp hạng ba. Các nước hạng ba bị cho là có ít nhất một trong các vấn nạn sau : "buôn người trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác do chính phủ liên kết, nô lệ tình dục trong các doanh trại của chính phủ, hoặc tuyển dụng binh lính là trẻ em".

Báo cáo nêu rằng Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này. Chính phủ Việt Nam cũng không truy cứu trách nhiệm đối với vụ việc hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cáo buộc đồng lõa trong vụ đưa người Việt ra nước ngoài rồi trở thành nạn nhân buôn người, và cũng không nỗ lực hết sức để bảo vệ các nạn nhân.

Vào năm 2021, một số nạn nhân bị cưỡng bức lao động ở Saudi Arabia đã trốn thoát tìm đến Đại sứ quán Việt Nam, nhưng bị chính quan chức ở đây cưỡng bức trả lại cho những kẻ buôn người.

Trong một vụ khác cũng ở Saudi Arabia, sau khi những nạn nhân tìm được nơi trú ẩn ở một tổ chức tại địa phương và tiếp cận với Sứ quán, cũng chính quan chức này đã nói dối rằng sẽ cho họ hồi hương. Nhưng sau đó lại "bán" nạn nhân cho những người chủ mới và họ tiếp tục bị cưỡng bức lao động.

Các tổ chức phi chính phủ nước sở tại đã giúp đỡ những nạn nhân này được về trở về nước. Trong khi đó, các nhà chức trách tại Việt Nam đôi khi còn sách nhiễu và gây áp lực với nạn nhân và gia đình của họ nhằm cố gắng bịt miệng những người này.

Chính phủ Việt Nam thông báo đang điều tra về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao bị tố cáo vẫn tiếp tục được tại vị mà không phải chịu bất kỳ một hình phạt nào. Một số người bị cáo buộc là đồng phạm cũng đã trở về Việt Nam hoặc đi du lịch các nơi trong khi vẫn tiếp tục hoạt động tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc.

Vụ án bốn quan chức lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao bị bắt do tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương với giá cắt cổ cũng là một điểm trừ của Việt Nam trong báo cáo về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Về mặt tích cực, Hoa Kỳ ghi nhận rằng chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số bước để giải quyết nạn buôn người, bao gồm việc tăng cường hợp tác thực thi luật pháp quốc tế ; bắt đầu đánh giá để thực hiện dự thảo sửa đổi luật chống buôn người và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020.

Ngoài ra, từ năm 2022, Việt Nam cũng ban hành luật bãi bỏ phí môi giới cho người lao động ở nước ngoài. Phí này được cho là nguyên nhân khiến người lao động Việt Nam có nguy cơ cao bị cưỡng bức do áp lực phải làm việc để trả khoản nợ đã vay để đóng tiền phí môi giới.

Từ đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra một số khuyến nghị dành cho chính phủ Việt Nam, bao gồm :

- Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người. Nghiêm khắc truy tố tất cả các hình thức buôn người, trừng phạt những kẻ buôn người, kể cả trong các trường hợp liên quan đến các quan chức bị cáo buộc đồng lõa.

- Tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ lao động cưỡng bức và buôn bán nội tạng, bao gồm cả những vụ liên quan đến nạn nhân là nam giới. Phối hợp với xã hội dân sự, tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ như lao động nhập cư hay các cá nhân hoạt động mại dâm…

- Loại bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng mà người lao động trả và các hình thức tuyển dụng có tính chất lợi dụng đối với người lao động ra nước ngoài làm việc. Tăng cường giám sát các công ty tuyển dụng lao động, các công ty môi giới, và truy tố các mạng lưới môi giới phụ bất hợp pháp.

- Mời xác minh độc lập để chấm dứt lao động cưỡng bức trong các trung tâm cai nghiện ma túy và minh bạch kết quả điều tra đó.

Bản báo cáo cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhiều băng nhóm buôn người lợi dụng người dân Việt Nam thất nghiệp do đại dịch, kinh tế khó khăn nên đã dụ dỗ, hứa hẹn hão huyền về cơ hội việc làm ở nước ngoài với mức lương cao.

Nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lừa đưa đến nhà thổ ở biên giới Trung Quốc, Campuchia và Lào, hoặc đến các nơi khác ở Châu Á, Tây Phi và Châu Âu. Theo báo cáo, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam bị buôn bán tình dục ở Miến Điện.

Theo báo cáo, nhiều phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là người dân tộc thiểu số H’mong, đã bị bắt cóc rồi đưa Trung Quốc cho các cuộc hôn nhân cưỡng bức hoặc lao động cưỡng bức.

Trong một số trường hợp đang di cư sang các nước Châu Âu để làm việc, băng nhóm buôn người Châu Âu thường bóc lột nạn nhân Việt Nam, cưỡng bức lao động hay thậm chí là và buôn bán tình dục trước khi họ đến đích cuối cùng.

*********************

Mỹ cho Việt Nam vào danh sách đen về nạn buôn người

Phan Minh, RFI, 20/07/2022

Hoa Kỳ hôm 19/07/2022 đã đưa Việt Nam, Cam Bốt, Brunei và Ma Cao vào danh sách đen về nạn buôn người.

buonnguoi1

Ngoại trưởng Antony Blinken công bố bản báo cáo thường niên về nạn buôn người tại bộ ngoại giao Mỹ (Washington DC, Hoa Kỳ), ngày 19/07/2022.  AP - Manuel Balce Ceneta

Theo AFP, trong một báo cáo thường niên, ngoài những nước kể trên, Hoa Kỳ cũng đã thêm Belarus vào danh sách đen và trong một lần hiếm hoi chỉ trích một đồng minh phương Tây, Washington đã đưa Bulgaria vào danh sách theo dõi, vì lo ngại rằng nước này không coi trọng việc chống nạn buôn người

Các quốc gia bị đưa vào danh sách Tier 3 (danh sách theo dõi nhóm 3) phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, mặc dù Washington thường xuyên từ bỏ trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện và hứa cải thiện.

Việt Nam, quốc gia có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại Trung Quốc, đã bị hạ cấp xuống nhóm 3 vì Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng chính quyền Hà Nội đã giảm các vụ truy tố về các vụ buôn người vào năm 2021.

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến việc Hà Nội không có hành động nào đối với một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia bị cáo buộc đồng lõa trong vụ buôn người mà nạn nhân là công dân của chính Việt Nam.

Tại Cam Bốt, Bộ ngoại giao Mỹ cho biết "nạn tham nhũng phổ biến" đã cản trở nỗ lực giúp đỡ hàng nghìn trẻ em, bao gồm cả trẻ em bị bán cho các cơ sở giải trí, lò gạch và các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng tham nhũng là "công cụ hàng đầu" của những kẻ buôn người, những kẻ trông cậy vào sự làm ngơ của các chính phủ.

Báo cáo thường niên về nạn buôn người của bộ ngoại giao Mỹ từ trước đến nay cũng chỉ trích cả các đồng minh thân cận và thường gây xích mích, nhưng các quan chức Mỹ nói rằng báo cáo này cũng đã khiến các chính phủ phải hành động.

Phan Minh

*********************

Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách đen buôn người

AFP, VOA, 19/07/2022

Mỹ ngày 19/7 bổ sung tên Việt Nam, Campuchia, Brunei và Macau vào danh sách đen buôn người với cáo buộc nỗ lực yếu kém trong việc ngăn chặn hoạt động cưỡng ép mại dâm hay hỗ trợ lao động nhập cư.

buonnguoi2

Ngoại trưởng Antony Blinken công bố Phúc trình Buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Bộ Ngoại giao, ngày 19/7/2022.

Trong phúc trình thường niên, Hoa Kỳ cũng đã thêm Belarus vào danh sách đen và đưa Bulgaria vào danh sách theo dõi vì lo ngại rằng nước này không coi trọng nạn buôn người.

Phúc trình buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ từ trước đến nay không tha cho các đồng minh thân cận, thường gây xích mích, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ nói rằng việc này đã khiến các chính phủ phải hành động.

Các quốc gia bị đưa vào danh sách đen - "Bậc 3" - phải chịu các chế tài của Hoa Kỳ, mặc dù chính quyền Mỹ thường miễn trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện hứa hẹn sẽ cải thiện.

Việt Nam, quốc gia có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại về một Trung Quốc trỗi dậy, đã bị hạ cấp xuống Bậc 3.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói chính quyền Hà Nội đã giảm các vụ truy tố buôn người trong năm 2021.

Phúc trình đặc biệt nhận thấy Việt Nam sai trái khi không có hành động nào xử lý một nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân Việt ra nước ngoài.

Tại Campuchia, Bộ Ngoại giao nói "nạn tham nhũng phổ biến" đã cản trở nỗ lực giúp đỡ hàng nghìn trẻ em, bao gồm cả trẻ em bị buôn bán đến các cơ sở giải trí, lò gạch và các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Tại thành phố bán tự trị của Trung Quốc ở Macau, một lãnh thổ cũ của Bồ Đào Nha nổi tiếng với các sòng bạc và ngành công nghiệp tình dục nở rộ, phúc trình cho biết chính quyền đã không cung cấp dịch vụ cho một nạn nhân buôn người trong ba năm liên tiếp.

Cùng với Malaysia, các quốc gia vẫn kẹt trong danh sách đen từ năm trước là Afghanistan, Cuba, Eritrea, Guinea-Bissau, Iran, Myanmar, Triều Tiên, Nicaragua, Nga, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan và Venezuela.

Các điều khoản của Luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người hạn chế một số loại viện trợ của Mỹ và một vài phạm vi khác trong tài trợ của Mỹ và tài trợ đa phương dành cho các nước Bậc 3 bắt đầu với Phúc trình Buôn người năm 2003.

Các khoản tài trợ bị hạn chế bao gồm viện trợ không vì mục đích nhân đạo, viện trợ nước ngoài không liên hệ đến thương mại được cho phép chiếu theo Luật Viện trợ Nước ngoài 1961, các hoạt động mua bán và tài trợ được cho phép chiếu theo Luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí, tài trợ trao đổi giáo dục-văn hóa, cũng như các khoản cho vay và nguồn quỹ do các ngân hàng phát triển đa phương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cung cấp.

Theo AFP

Additional Info

  • Author Phan Minh, RFI, VOA
Published in Việt Nam

THAAD tiếp tục khuấy động quan hệ kinh tế Trung-Hàn (RFI, 09/02/2017)

Chính quyền Trung Quốc vừa đình chỉ một dự án xây dựng hàng tỷ đôla của tập đoàn Hàn Quốc Lotte, trong bối cảnh Seoul lo ngại về những biện pháp của Bắc Kinh trả đũa kế hoạch đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

korea1

Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ. Ảnh minh họa. REUTERS/U.S. Department of Defense

Tập đoàn Lotte đã dự định thực hiện một dự án địa ốc rất lớn ở Trung Quốc với vốn đầu tư hàng tỷ đôla, thế nhưng lấy lý do không đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy, hôm qua, 08/02/2017, chính quyền Trung Quốc đã quyết định đình chỉ dự án này.

Cũng trong ngày hôm qua, tập đoàn Hyundai cho biết có thể phải thuê các công ty Trung Quốc sản xuất pin, để lắp ráp một kiểu xe chạy bằng điện sẽ được bán ở Trung Quốc, vì không thể sử dụng pin của các công ty Hàn Quốc.

Đây là hai ví dụ mới nhất cho thấy dường như Trung Quốc tiếp tục thi hành các biện pháp trả đũa Hàn Quốc về kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ở miền Nam Triều Tiên. Đối với Bắc Kinh, hệ thống tên lửa này đe dọa đến an ninh của Trung Quốc, và sẽ chẳng giúp gì cho việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Từ tháng 12/2016 đến nay, nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra phòng cháy, chữa cháy, hoặc điều tra về thuế tại phần lớn các cơ sở của Lotte, tập đoàn đứng hàng thứ năm của Hàn Quốc.

Khi được hỏi là hệ thống tên lửa THAAD có ảnh hưởng gì đến dự án của Lotte ở Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng hôm qua chỉ trả lời rằng ông không rõ về quy chế của dự án đó. Nhưng ông Lục Khảng nhắc lại lập trường của Bắc Kinh chống THAAD.

Trên thực tế đúng là có sự liên quan giữa Lotte với THAAD, bởi vì hệ thống lá chắn chống tên lửa này theo dự kiến sẽ được đặt tại một khu đất mà một phần hiện là sân golf do tập đoàn này sở hữu. Hội đồng điều hành một công ty của Lotte sẽ phải biểu quyết về đề nghị của chính phủ Seoul trưng dụng đất làm nơi đặt hệ thống THAAD.

Không chỉ các dự án đầu tư, ngành du lịch Hàn Quốc cũng đang bị thiệt hại, do hệ thống lá chắn chống tên lửa này. Chính phủ Trung Quốc đã loan báo với các hãng du lịch Hàn Quốc là họ sẽ cắt giảm 20% lượng du khách từ Trung Quốc. Sau đó, vào tháng 12/2016, Bắc Kinh đã bác yêu cầu của các hãng hàng không Hàn Quốc mở thêm các chuyến bay giá rẻ giữa hai nước nhân mùa cao điểm tháng Giêng và tháng Hai 2017.

Theo thống kê của Viện Triều Tiên về Thống nhất Đất nước, một tổ chức nghiên cứu của chính phủ, kể từ tháng 07/2016, khi Seoul loan báo quyết định triển khai THAAD, Trung Quốc đã thi hành 43 biện pháp trả đũa Hàn Quốc, bao gồm đủ mọi lĩnh vực, từ việc chặn nhập khẩu mỹ phẩm và điện tử, cho đến việc hủy các chuyến trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể lợi dụng khủng hoảng chính trị hiện nay ở Hàn Quốc để kích động thêm phong trào chống hệ thống THAAH ở nước này, với hy vọng sẽ thuyết phục được tổng thống tương lai của Hàn Quốc ngăn chận dự án lá chống chắn tên lửa.

Vào lúc Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trễ nhất là tháng 12 năm nay, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với đảng Minjoo, đảng đối lập có lập trường chống hệ thống THAAD.

Thanh Phương

*********************

Hàn Quốc : "Danh sách đen", công cụ kiểm duyệt văn hóa (RFI, 09/02/2017)

korea2

Hàn Quốc : Chính quyền ngăn chặn bộ phim tài liệu "Diving Bell" (Chuông lặn) về thảm nạn phà Sewol, tháng 4/2014. Ảnh : Youtube

Cựu bộ trưởng Văn Hóa Hàn Quốc bị truy tố hôm thứ Ba, 07/02/2017, vì bị cáo buộc lập danh sách đen gần 10.000 văn nghệ sĩ. Đây là một bê bối mới, thêm vào hàng loạt các bê bối chính trị - tài chính của tổng thống bị đình chỉ chức vụ Park Guen-hye. Vụ danh sách đen mới này làm tăng thêm khả năng Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc phê chuẩn việc phế truất tổng thống Park Guen-Hye, như đề nghị của Quốc Hội hồi tháng 12/2016.

Trước hết, thông tín viên Frédéric Ojardias cho biết cụ thể về danh sách đen :

"Bà Cho Yoon-sun, cựu bộ trưởng bộ Văn Hóa, cùng với ông Kim Ki-choon, cựu chánh văn phòng của tổng thống, cả hai người bị cáo buộc đã lập ra một danh sách đen và thực thi các biện pháp trừng phạt. 

Gần 10.000 nghệ sĩ, nhà văn, đạo diễn điện ảnh, họa sĩ đã bị đưa vào danh sách, vì trực tiếp phê phán tổng thống Park Guen-hye, ủng hộ đối lập… hay chỉ đơn giản là nêu lên trách nhiệm của chính phủ trong vụ đắm tàu Sewol, khiến hơn 300 người chết, cách nay ba năm. 

Theo nhật báo Hankyoreh, ông Kim Ki-choon, đã từng tuyên bố muốn loại trừ hoàn toàn "các thành phần thân Bắc Triều Tiên, thống trị các lĩnh vực văn hóa (Hàn Quốc) từ 15 năm nay". Các thế lực chính trị bảo thủ ở Hàn Quốc thường gán cho những người đối lập danh hiệu "thân Bắc Triều Tiên", để làm họ mất uy tín. 

Cụ thể là, những nghệ sĩ có tên trong danh sách đen không được tài trợ của chính quyền. Một số người bị loại khỏi các hoạt động văn hóa. Họ cũng nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chính quyền, như cảnh sát hay thuế vụ. Trong số họ, có thể kể đến những nhân vật nổi tiếng như Park Chan-wook, đạo diễn đoạt giải Liên hoan Cannes, với bộ phim Old Boy, nhà viết tiểu thuyết Han Kang, hay nhà thơ Ko Un. 

Bộ trưởng Văn Hóa Cho Yoon-son bị bắt giam tháng trước, và đã từ chức".

Tổng thống Park có vai trò nào trong danh sách đen này ?

Thông tín viên Frédéric Ojardias : "Nói chung, các nhà điều tra cho rằng bà Park Guen-hye đóng vai trò "tòng phạm". Về phần mình, tổng thống Park Guen-hye khẳng định không hề hay biết về danh sách này. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục được nhiều người, bởi hai quan chức vừa bị truy tố hôm 07/02 nằm trong số những cộng sự thân cận nhất của bà tổng thống. 

Tác động của thông tin về những bê bối này đối với công luận là rất lớn. Vụ xì căng đan này khiến người ta nhớ lại những năm tháng đen tối thời độc tài quân sự, trong những thập niên 1960, 1970, dưới thời tướng Park Chung-hee, cha đẻ của tổng thống Park Guen-hye. Nhiều nhà ly khai, đặc biệt là các nghệ sĩ, bị đàn áp hết sức tàn khốc, họ bị kiểm duyệt, thậm chí bị tra tấn trong thời kỳ này. 

Người Hàn Quốc không tin rằng xã hội hiện nay sẽ trở lại bốn thập niên trước".

Danh sách đen này sẽ tác động như thế nào đến thủ tục phế truất tổng thống ?

Thông tín viên Frédéric Ojardias : "Tác động sẽ lớn. Kiến nghị phế truất tổng thống được Quốc Hội Hàn Quốc thông qua hồi tháng 12/2016 vừa được điều chỉnh, để bao gồm thêm cả tội danh mới. Tổng thống Park Guen-hye bị cáo buộc thêm là đã cách chức nhiều quan chức từ chối thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người bị đưa vào danh sách đen. 

Chúng ta cũng biết rằng bà Park Guen-hye cũng đồng thời bị nghi ngờ đã buộc nhiều doanh nghiệp lớn phải nộp các khoản tiền tương đương hàng triệu euro, nhờ vai trò trung gian của "quân sư" Choi Soon-sil. 

Cuộc điều tra về danh sách đen như vậy là rất quan trọng. Kết quả điều tra ắt hẳn sẽ tác động nhiều đến quyết định của 8 thẩm phán Tòa Bảo Hiến, về việc phê chuẩn hay không đối với yêu cầu phế truất tổng thống của Quốc Hội. Quyết định có thể sẽ được đưa ra đầu tháng 3 tới, hoặc sớm hơn".

Phim tài liệu về vụ Sewol bị chính quyền ngăn chặn

Hãng thông tấn AFP có một điều tra về thực trạng giới nghệ sĩ, cụ thể trong ngành điện ảnh, bị chính quyền thao túng. Vào cuối năm 2014, một bộ phim tài liệu nổi tiếng về vai trò của chính phủ trong thảm nạn đắm phà Sewol tháng 4 cùng năm, khiến 304 người chết, trong đó có 250 học sinh.

Tại các rạp chiếu phim Hàn Quốc, trình chiếu bộ phim này, ghế trống rất nhiều, rạp vắng đến phân nửa. Vào thời điểm đó, không ai có thể hình dung ra được là chính quyền đã can thiệp để ngăn chặn công chúng đến xem phim.

Trả lời AFP, nhà phát hành phim "Diving Bell" (Chuông lặn) Kim Il-kwon cho biết ông hết sức sững sờ khi thấy các hàng ghế trống. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với không khí lúc đó là đi đâu cũng thấy mọi người nói về phim, rất nhiều người muốn được xem phim.

Phải đến hai năm sau, khi vụ bê bối bùng phát, bộ trưởng Văn Hóa Cho Yoon-sun bị bắt giữ, quan chức này bị cáo buộc là đã cho mua ồ ạt vé xem bộ phim tài liệu về vụ đắm phà Sewol, để ngăn chặn khán giả Hàn Quốc.

Vụ bộ phim tài liệu về đắm phà bị nguyên lãnh đạo bộ Văn Hóa can thiệp chỉ là một trong các ví dụ. Các quan chức đã can thiệp từ trong bóng tối để trừng phạt những ai dính dáng đến "Diving Bell". Công ty Cinema Dal của nhà phát hành Kim Il-kwon, đã không còn nhận được các tài trợ, sau khi cho ra mắt bộ phim khiến chính quyền tức giận.

Liên hoan Busan cũng là nạn nhân

Nhà phát hành Kim Il-kwon kể lại là đã được một số quan chức chính quyền nói thẳng về khả năng bị cắt tài trợ, nếu cố tình phát hành "Diving Bell", điều mà trong cả đời làm việc từ hai mươi năm nay, ông chưa bao giờ thấy.

Liên hoan phim quốc tế Busan, liên hoan điện ảnh lớn nhất Châu Á, cũng là một nạn nhân. Từ khi chiếu phim "Diving Bell", tài trợ cho Liên hoan Busan bị cắt giảm mạnh, và ban tổ chức liên tục phải đối mặt với các cuộc điều tra, kiểm toán từ phía chính quyền.

Đồng giám đốc Liên hoan Busan, Kang Soo-yeon, khẳng định các thành quả của điện ảnh Hàn Quốc, trỗi dậy từ những năm 1990, đang bị đe dọa.

Một chuyên gia về điện ảnh Hàn Quốc, đạo diễn Lee Jang-ho, 71 tuổi, nhấn mạnh các trợ giúp của Nhà nước cho nền điện ảnh là rất quan trọng, thế mà giờ đây, chính quyền chỉ khuyến khích các dự án làm phim, gọi là "yêu nước", như cho thấy các chiến binh Hàn Quốc dũng cảm chống lại kẻ thù Bắc Triều Tiên, hay thành công kinh tế dưới chế độ độc tài. Điều này, theo ông, đi ngược lại "tinh thần tự do biểu đạt, vốn là nền tảng sức mạnh của văn hóa Hàn Quốc".

Trọng Thành

Published in Châu Á