Việt Nam xét xử 16 người với cáo buộc tội khủng bố (RFA, 26/12/2017)
Tòa Án Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26 tháng 12 bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Đức Sinh (33 tuổi), Đặng Hoàng Thiện (26 tuổi) cùng 14 người khác với các cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, khủng bố chống chính quyền nhân dân, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Phiên tòa xét xử 16 người hôm 26/12/2017 - Ảnh chụp qua màn hình
Các báo trong nước đồng loạt loan tin rằng đây là một nhóm ‘phản động’ câu kết với Đào Minh Quân (ngụ tại California, Hoa Kỳ) và Phạm Lisa (đang sống ở nước ngoài), cùng nhiều đối tượng khác thông qua mạng xã hội nhằm lôi kéo nhiều người trong nước thành lập các ‘nhóm hành động’, thực hiện các vụ khủng bố với chủ trương ‘giết sạch, đốt sạch, phá sạch’.
Cáo trạng cho rằng bà Phạm Lisa đã chỉ đạo Đặng Hoàng Thiện cùng các đồng phạm nghiên cứu mua vật liệu chế tạo bom xăng, kích nổ bằng điều khiển từ xa nhằm đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30/4 và 1/5. Ngày 22/4, thùng bom xăng đặt ở cột số 9 ga đến quốc tế phát nổ làm hành khách bỏ chạy và an ninh sân bay đã phong tỏa hiện trường.
Bà Phạm Lisa bác bỏ những điều được nêu ra trong cáo trạng :
"Vấn đề là tôi không biết. Nhà cầm quyền cộng sản họ chụp mũ như vậy thôi chứ tôi hoàn toàn không biết mấy người. Tôi không biết họ là ai cả… Những người này nghe nói là họ chỉ có lên trên mạng coi các thông tin nhưng vấn đề là nhà cầm quyền cộng sản ghép tội như vậy. Họ nói họ khủng bố mà khủng bố gì họ".
Bà này còn nói sẽ kiện ra tòa quốc tế về những điều mà bà cho là cáo buộc sai trái từ phía Việt Nam :
"Vấn đề là nếu họ muốn làm thì tôi sẽ kiện họ ra tòa thế giới, tòa quốc tế thôi, chứ họ dựa vào đâu mà nói những lời nói xằng bậy như vậy".
Trong khi đó cáo trạng còn nêu thêm là Nguyễn Đức Sinh cùng 5 đồng phạm đã thực hiện vụ phóng hỏa đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an Thành Phố Biên Hòa, Đồng Nai vào ngày 8/4, khiến toàn bộ kho xe và 320 xe các loại bị thiêu rụi, tổng thiệt hại 1,3 tỷ đồng.
Nhà chức trách cũng cáo buộc bà Phạm Lisa đã lôi kéo thành lập nhiều nhóm khác để thực hiện các vụ khủng bố tại Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang, khủng bố cán bộ, đảng viên và hệ thống siêu thị Big C ở Sài Gòn.
Các đối tượng cũng bị cho là đã soạn thảo kế hoạch tạo bom xăng, bom khói tấn công lượng lượng công an, làm quả nổ đánh vào đồn biên phòng, và tham gia vào các cuộc biểu tình tại khu vực nhà thờ Đức Bà.
Ngoài ra, nhóm này cũng bị cáo buộc đã sang Campuchia mua và tàng trữ một khẩu súng K59 và chín viên đạn.
Các tờ báo trong nước loan tin ông Đào Minh Quân và bà Phạm Lisa chủ mưu nhưng hiện đang ở nước ngoài nên cơ quan chức năng sẽ xử lý khi bắt được.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong vòng 4 ngày, đến 29/12.
**********************
15 người đối mặt mức án nặng vì đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất (VOA, 26/12/2017)
Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử 15 người về hành động đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 29/12.
Các bị cáo bị đưa ra tòa xét xử do đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 4/2017
Các bị cáo đối mặt với mức án từ 12 năm tù đến tử hình nếu bị tòa phán là có tội, căn cứ theo Điều 84 Bộ luật hình sự về tội "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định rằng Đặng Đức Thiện, 24 tuổi ; Nguyễn Đức Sinh, 32 tuổi ; và 13 đồng phạm đã nhận tiền và chỉ thị tiến hành khủng bố từ một tổ chức "phản động lưu vong" ở nước ngoài do một người có tên Đào Minh Quân đứng đầu.
"Phản động" là thuật ngữ thường được nhà chức trách Việt Nam dùng để nói về các hoạt động hay lời nói chống lại chính quyền.
Theo tìm hiểu của VOA, ông Đào Minh Quân là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, hiện cư trú ở Mỹ và tự xưng là người đứng đầu "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời".
Tài liệu tại tòa được báo chí Việt Nam trích đăng lại cho hay ông Quân thông qua các trung gian đã "lôi kéo" được nhóm 15 người nêu trên, bên cạnh những người khác để thực hiện "các vụ khủng bố".
Khoảng giữa tháng 4, Thiện và đồng phạm đã nhận tiền từ "tổ chức nước ngoài", mua vật liệu chế tạo bom xăng, nhằm gây cháy nổ ở sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp lễ 30/4.
Thiện đã chế ra 2 quả bom ngụy trang trong hai thùng carton, dự định gây nổ trong sân bay vào tối 22/4.
Trên thực tế, hôm đó, chỉ 1 quả bom phát nổ ở nhà gửi xe sân bay. Quả bom kia bị một đồng phạm của Thiện vô hiệu hóa do người đó "sợ sự việc gây hậu quả nghiêm trọng", theo tường thuật trên báo chí Việt Nam.
Trước vụ đánh bom sân bay, đầu tháng 4, Thiện cùng 6 đồng phạm khác đã đốt một kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an thành phố Biên Hòa, gây tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.
Theo báo chí Việt Nam, nhà chức trách xác định ông Đào Minh Quân và một phụ nữ có tên Phạm Lisa là người "tổ chức, chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo" các vụ khủng bố. Nhưng những người này đang ở nước ngoài nên nhà chức trách Việt Nam "sẽ xử lý sau" nếu có thể bắt được họ, báo chí cho hay.
******************
Hàng chục nghìn ‘chiến sĩ tuyên truyền" trong quân đội Việt Nam (VOA, 26/12/2017)
Một lãnh đạo Tổng cục Chính trị của quân đội Việt Nam hôm 25/12 cho hay tại một hội nghị rằng quân đội có "10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng".
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay quân đội có 10.000 "hạt nhân đấu tranh trên mạng"
Sau khi thông tin này được báo chí nhà nước loan tải, trên mạng xã hội, nhiều người nhận xét rằng các "chiến sĩ tuyên truyền" đó và hàng chục ngàn "tuyên truyền viên" khác của nhà nước là một sự "lãng phí tiền thuế của nhân dân cho những việc vô bổ".
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói hơn 10.000 người đấu tranh trên mạng mang tên "lực lượng 47" do được thành lập theo Chỉ thị 47 của quân đội.
Phát biểu tại hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh về công tác tuyên giáo, tướng Nghĩa cho biết thêm là lực lượng này là những người "vừa hồng vừa chuyên", một thuật ngữ ở Việt Nam để chỉ những người vừa trung thành với lý tưởng của đảng cộng sản, vừa giỏi về công việc chuyên môn.
Họ được cho là "kiên định lập trường" và có kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ, theo lời vị phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội
Thượng tướng Nghĩa nói Quân ủy trung ương xác định rằng quân đội "vẫn là nòng cốt" trong công tác bảo vệ tổ quốc. Phạm vi tác chiến của quân đội giờ đây không chỉ ở trên bộ, trên biển, trên không, mà còn trên cả không gian mạng, ông Nghĩa cho biết.
Báo chí trong nước trích lời ông nói rằng "Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái".
Vị phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị nhấn mạnh là "… chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái".
Thông tin về lực lượng 10.000 người trong quân đội hoạt động trên mạng đã dẫn đến nhiều bình luận trên mạng xã hội.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, đồng thời là blogger có nhiều ảnh hưởng thường cổ súy cho tự do ngôn luận, viết trên trang Facebook cá nhân rằng lực lượng những người làm các công việc tuyên truyền cho nhà nước, ước tính phải lên đến khoảng 100.000 người.
Ông nêu dẫn chứng là tin tức trên báo chí từ năm 2013 cho hay Ban Tuyên giáo ở thời điểm đó thống kê đã có khoảng "80.000 truyên truyền viên miệng". Giờ đây, con số đó được bổ sung với lực lượng 47 của quân đội, và nhiều khả năng cũng có một lực lượng tương tự của công an, nhưng chưa rõ thông tin về số lượng người bên công an.
Ông Chênh, người đoạt giải Công dân mạng 2013 của Phóng viên Không Biên giới, nói với VOA :
"Lực lượng đó rất đông, gây tốn kém cho xã hội rất nhiều. Sản phẩm của họ không đem lại lợi ích gì cho xã hội. Thậm chí còn bôi bẩn không gian mạng, và gây tác hại rất xấu đến xã hội. Thật ra bây giờ đảng [cộng sản] cầm quyền nắm hết tài nguyên, nắm hết tiền thuế của dân. Cho nên họ làm mọi chuyện, chi tiêu mọi chuyện nhằm mục đích bảo vệ đảng. Cho nên cái lực lượng 100.000 đó hoặc là nhiều hơn vẫn trả được tiền".
Từ trải nghiệm cá nhân, ông Chênh nói các tuyên truyền viên, dư luận viên đa số không tranh luận đàng hoàng, không đưa ra được các lý lẽ thuyết phục khi trao đổi ý kiến trên mạng về các bài viết của các blogger, hay các nhà hoạt động bàn về các chính sách, hoạt động của nhà nước, hay các vấn đề xã hội.
Ông Chênh nhận xét rằng các dư luận viên, đa số sử dụng "ngôn ngữ thô lỗ, hăm dọa, hay thóa mạ", nhằm đè bẹp quyền tự do ngôn luận.
"Cụ thể như tôi là hàng đêm hàng chục tin nhắn gửi về hộp thư hoặc messenger của tôi. Và thực tế bạn bè tôi cũng cho biết họ cũng nhận được các tin nhắn rất là tệ hại như vậy. Và những bài viết mà chửi bới, xúc phạm cá nhân, bôi nhọ cá nhân thì đầy rẫy trên mạng".
Nhà báo Võ Văn Tạo, người trong nhiều năm nay lên tiếng ủng hộ các quyền tự do và tiến bộ xã hội, đồng tình với ông Huỳnh Ngọc Chênh. Ông Tạo chỉ ra rằng cách hành xử của các tuyên truyền viên, dư luận viên không chỉ "vô bổ" đối với xã hội mà còn có hại cho hình ảnh của đảng.
"Tuyệt đại đa số anh em viết lách kiểu đó, được huy động làm chuyện đó vì họ kém văn hóa nên họ có kiểu viết lách khiêu khích, cục cằn, thô bỉ lắm. Tôi nghĩ đứng từ góc độ người dân, người ta hiểu là những người đó chả ra gì. Đứng ở phía của đảng, nhà nước Việt Nam, cũng bất lợi cho họ. Bởi vì cái số đó bộc lộ một tầm văn hóa quá thấp. Thế thì người dân sẽ nghĩ là à quân của chính phủ, của đảng đây, nó chỉ đến thế thôi".
Cùng với nhiều người dân bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, các nhà báo Võ Văn Tạo và Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng số tiền có thể là khổng lồ dùng để trả thù lao hoặc lương cho cả trăm ngàn dư luận viên, tuyên truyền viên lẽ ra nên được sử dụng hiệu quả hơn cho xã hội, như đầu tư và trường học, giáo viên hay hạ tầng.